Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

Túy Thì Ca 醉時歌 - Đỗ Phủ


Đỗ Phủ uống rượu như nước lã, uống đến nghèo rớt mùng tơi, uống không ngừng, còn tiền là còn uống, hết tiền thì uống ké bạn bè. Ông nói tới rượu trong cả trăm bài thơ, nhưng, khác với Lý Bạch, rất ít khi thấy ông say trong thơ. Trong bài 贈衛八處士 Tặng Vệ Bát Xử Sĩ, gặp bạn thân sau 20 năm xa cách, ông cao hứng uống 10 bình mà vẫn chưa say (十觴亦不醉, 感子故意長 Thập trường diệc bất túy, Cảm tử cố ý trường. Cảm kích tình khăng khít, 10 bình cũng chưa say).

Tuy nhiên, bài 醉時歌 Túy Thì Ca là một ngoại lệ, ông đột nhiên trở thành gã say vô địch!

Nguyên bản             Dịch âm

醉時歌                    Túy Thì Ca

贈廣文館博士鄭虔 Tặng Quảng Văn Quán Bác Sĩ Trịnh Kiền

諸公袞袞登臺省 Chư công cổn cổn đăng đài sảnh
廣文先生官獨冷 Quảng Văn tiên sinh quan độc lãnh
甲第紛紛厭粱肉 Giáp đệ phân phân yểm lương nhục
廣文先生飯不足 Quảng Văn tiên sinh phạn bất túc

先生有道出羲皇 Tiên sinh hữu đạo xuất Hi Hoàng
先生有才過屈宋 Tiên sinh hữu tài quá Khuất Tống
德尊一代常坎軻 Đức tôn nhất đại thường khảm kha
名垂萬古知何用 Danh lưu vạn cổ tri hà dụng?

杜陵野客人更嗤 Đỗ Lăng dã lão nhân cánh xuy
被褐短窄鬢如絲 Bị cát đoản trách mấn như ti
日糴太倉五升米 Nhật thích thái thương ngũ thăng mễ
時赴鄭老同襟期 Thì phó Trịnh lão đồng khâm kỳ

得錢即相覓 Đắc tiền tức tương mịch
沽酒不複疑 Cô tửu bất phục nghi
忘形到爾汝 Vong hình đáo nhĩ nhữ
痛飲真吾師 Thống ẩm chân ngô sư

清夜沈沈動春酌 Thanh dạ trầm trầm động xuân chuốc
燈前細雨檐花落 Đăng tiền tế vũ thiềm hoa lạc
但覺高歌有鬼神 Đản giác cao ca hữu qủi thần
焉知餓死填溝壑 Yên tri ngạ tử điền câu hác!

相如逸才親滌器 Tương Như dật tài thân địch khí
子雲識字終投閣 Tử Văn thức tự chung đầu các
先生早賦歸去來 Tiên sinh tảo phú Qui Khứ Lai
石田茅屋荒蒼苔 Thạch điền mao ốc hoang thương đài

儒術於我何有哉 Nho thuật hà hữu ư ngã tai!
孔丘盜跖俱塵埃 Khổng Khâu Đạo Chích câu trần ai
不須聞此意慘愴 Bất tu văn thử ý thảm thảng
生前相遇且銜杯 Sinh tiền tương ngộ thả hàm bôi…

(Năm 754)

Bài này được viết khi tác giả đang sống khốn đốn giữa Trường An. Trịnh Kiền là bạn tác giả, hay thơ, giỏi vẽ, năm 750 được bổ nhiệm làm bác sĩ Quảng văn quán ở Quốc tử giám. Bài thơ này được viết gửi cho Trịnh Kiền.

Chú giải:

+Quảng Văn: tức Trịnh Kiền, nhà nghèo, bạn thân với Đỗ Phủ.
+ Đỗ Lăng: tên đất ở gần Trường An. Đỗ Phủ có nhà ở đấy nên còn gọi là ông già Đỗ Lăng.
++ Hi Hoàng: Phục Hi (Thiên Hoàng) cùng với Thần nông (Địa hoàng) và Toại nhân (Nhân hoàng) được tôn là Tam hoàng thời Bàn Cổ (2550 năm trước tây lịch).
+++ Khuất, Tống: Khuất Nguyên (nước Sở) và Tống Ngọc (tác giả nhiều bài phú nổi tiếng như bài Phủ Biện, Phú Cao Đường..).

* Tương Như: Tư Mã Tương Như rất giỏi thơ phú. Trác Văn Quân (góa, con nhà giàu) bỏ nhà theo Tương Như, nghèo, phải mở quán rượu; vợ bán hàng, chồng rửa bát.
** Tử Văn: Dương Hùng, ở Thành Đô, làm quan đời Hán, tài cao học rộng, sau bị liên lụy việc tạo phản, khi lính đến bắt, nhảy từ lầu cao xuống.
*** Bài Quy-Khứ-Lai-Từ của Đào Tiềm được các thi hào Trung Quốc coi như khuôn mẫu của thơ ẩn dật.
**** Khổng Khâu: Khổng tử. Đạo Chích: trộm cướp (Chích là tên trộm khét tiếng đời Xuân Thu).

Ông: ngài. Cổn: áo lễ của vua. Cổn cổn: lũ lượt. Đài: chỗ cao dễ nhận biết. Sảnh: nhà công đường để tiếp khách. Lãnh: lạnh, nhạt nhẽo. Lãnh quan: chức quan nhàn, ít bổng lộc. Giáp đệ: dinh cơ, nhà của qúi tộc. Phân phân: lộn xộn. Yếm: chán ghét. Lương nhục: đồ ăn cao lương mỹ vị. Khảm: chỗ lõm sâu xuống. Kha: cái trục xe. Khảm kha: chỉ người gặp nhiều trắc trở. Bị: áo ngủ, bộ đồ, mặc ngoài. Đoản trách: ngắn và chật. Thích: cởi ra, bỏ đi. Thăng: thưng, đơn vị đo lường. Mễ: gạo.Thì: thời, thường. Phó: đi đến. Khâm: bụng dạ, trong lòng ôm ấp một tình cảm. Kỳ: mong mỏi. Mịch: tìm kiếm. Cô: mua. Nhĩ nhữ: mày tao. Thống ẩm: uống nhiều quá. Trầm: chìm, thâm trầm. Động: cảm động. Chuốc: mời, rót, uống rượu. Đản: bất quá là, lời chuyển câu. Hữu: có, đầy đủ. Yên: ở đó. Ngạ: quá đói (ngạ qủi). Câu: hào nước. Hác: rãnh nước ở chân núi. Dật: ở ẩn. Địch: rửa, quét. Khí: đồ dùng. Đầu :ném, quẳng. Quy khứ lai từ: Bài ca Về Đi Thôi của Đào Tiềm. Mao: cỏ tranh. Đài: rêu. Ư: ở, đặt vào. Tai: lời khen, chữ dùng sau câu hỏi. Câu: đều, như in nhau. Tu: nên, cần dùng. Thảm: thương xót. Thảng: tranh nhau. Hàm: ngậm trong miệng. Bôi:c ái chén

Dịch thơ

Bài Ca Lúc Say

Tặng bác sĩ quán Quảng Văn Trịnh Kiền
Qúi ngài áo mão thăng sảnh đường
Dinh cơ đầy cao lương mỹ vị
Quảng Văn+ tiên sinh chức quan hèn
Cơm ăn không đủ lương tồi tệ.

Tiên sinh theo Phục Hi++ thánh hiền
Tài trên Tống Ngọc vượt Khuất Nguyên+++
Đức cao nhất đời thường lận đận
Lưu danh vạn cổ ích gì thêm?

Đỗ Lăng+ quê kệch đến nực cười
Vải thô áo ngắn tóc tơ phai
Lương lãnh mỗi ngày năm thưng gạo
Vẫn cùng lão Trịnh tâm đồng chơi.

Có tiền là họp mặt
Hăm hở rượu mua ngay
Quá chén xưng mày tớ
Say thế đáng bậc thầy!

Đêm xuân trầm tĩnh cảm khái say
Trước thềm hoa rụng mưa phùn bay
Vang động quỷ thần cao giọng hát
Đói chết rãnh ngòi mai đâu hay!

Tương Như* tài lớn rửa bát lâu
Tử Văn** học rộng phải nhảy lầu
Qui-Khứ-Lai-Từ*** không sớm hát
Ruộng đá nhà tranh rêu bám sâu.

Nho học với ta ích lợi gì!
Khổng Khâu Đạo Chích**** cỏ xanh rì
Đừng vì chuyện ấy mà đau ruột
Còn sống gặp nhau nhậu đã đi./.

Lởi bàn

Đôi bạn thân Đỗ Phủ, Lý Bạch là hai bợm rượu và khi say đều hay phàn nàn về nỗi bất công ở đời. Đỗ Phủ thì phàn nàn về nỗi bất công của người đời trong đó có mình còn Lý Bạch thì phàn nàn về nỗi bất công của riêng mình rồi cho người đời dính vào đôi chút.
Đó là bàn về tính nết của Lý & Đỗ.

Bây giờ bàn tới chất thơ say trong bài này:
Rất hiếm có một bài thơ say của Đỗ Phủ mà lại siêu việt như bài này (Nhiều bài khác, làm theo thể thất ngôn bát cú, chỉ ngửi thấy niêm luật chứ không thấy mùi rượu; có lẽ ông làm những bài đó lúc tỉnh chứ không phải lúc say). Bài này làm theo thể cổ phong trong lúc uố́ng say với Trịnh Kiền cho nên lời thơ mới thâm sâu thắm thiết, khác xa với mấy bài thơ say mà ông đã khổ công gọt dũa bằng thể thất ngôn bát cú.

Cách dùng điển trong bài này cũng khác: dù cay như ớt, nóng như tiêu, chua như mẻ cũng dễ tiêu hóa và nghe suôi tai; tổng cộng có 28 câu, chia làm 3 nhóm; nhóm đầu và nhóm cuối mỗi nhóm có 12 câu thất ngôn, ngăn cách bởi nhóm giữa có 4 câu ngũ ngôn.

- Nhóm đầu: có 3 đoạn, mỗi đoạn có 4 câu thất ngôn. Hai đoạn đầu nói về tài đức của Trịnh Kiền. Đoạn 3 nói rất khiêm nhượng về bản thân mình.
- Nhóm giữa: chuyển tiếp từ tiểu sử cá nhân đến những cuộc đối ẩm với Trịnh Kiền, có 4 câu ngũ ngôn nói sơ lược về sắc thái cố hữu của những cuộc rượu này: đạm bạc & thường xuyên (hễ có tiền là họp mặt); thân thiết & xuề xòa (hễ uống rượu là xưng mày tao với nhau).
- Nhóm cuối: có 3 đoạn; đoạn đầu có 4 câu thất ngôn nói rằng lúc say bên thềm hoa, giữa đêm xuân thì ca hát lớn tiếng cho quỷ thần khiếp vía, ngày mai chết đói rãnh ngòi cũng bất cần; đoạn 2 cũng có 4 câu thất ngôn nói rằng cứ nốc thả dàn, danh vọng vứt sọt rác! Tương Như & Tử Văn đi chỗ khác chơi! Mặc kệ tụi tao vừa hát bài Về-Đi-Thôi của Đào Tiềm vừa uống cho đã đời; Đỗ dùng 4 câu thất ngôn của đoạn 3 để kết luận cho cái triết-lý-say của mình: Khổng Khâu chả khác gì tên trộm Chích, khi chết cũng làm phân bón cỏ xanh; đừng nghĩ tới họ mà đau ruột; còn sống ngày nào thì cứ uống cho khoái. Một nhà nho suốt đời tôn trọng nguyên tắc quân-thần-phụ-tử như Đỗ Phủ mà nói về Khổng Tử như vậy thì ắt đã say đến cực độ rồi.

Con Cò
***
Tặng Quảng Văn quán bác sĩ Trịnh Kiền

Các ngài ngất ngưởng lên đài sảnh
Chỉ có Quảng văn quan đói lạnh
Dinh thự các ngài rộn xôi thịt
Quản Văn tiên sinh cơm khí ít

Tiên sinh gốc đạo tự Hy, Hoàng
Tài của tiên sinh trên Khuất, Tống
Đức trọng nhất thời thường lỡ làng
Lưu danh muôn thuở vội chi nóng?

Đỗ Lăng dân ruộng người cười khờ
Áo sô cũn cỡn tóc như tơ
Ngày lãnh nơi kho năm đấu gạo
Đến nhà lão Trịnh trút tâm tư!

Có tiền vội tìm gặp
Mua rượu ngại chi mà
Quên mình xưng tao tớ
Say khướt đúng thầy ta!

Đêm lắng trầm trầm chén xuân rót
Trước đèn mưa nhỏ thềm hoa rớt
Bất chợt hát cao thấu quỷ thần
Biết đâu chết đói dồn hang hốc!

Tài giỏi Tượng Như tự rửa bát
Tử Vân hay chữ cũng nhảy gác
Tiên sinh ngâm phú Hãy về đi
Nhà tranh, ruộng đá rêu xanh ngát

Cái đạo nhà Nho ích gì ta?
Khổng Khâu, Đạo Chích cũng ra ma
Đừng nghe ý ấy mà bi thảm
Còn sống gặp nhau nhấc chén khà!

Lộc Bắc
***
Góp ý:

Thời Đường có bác sĩ nào tên Trịnh Kiền chăng thì giờ có lẽ không ai biết vì tôi không tìm thấy một sử liệu nào nói đến người đó mặc dù người ta nói ông ta sống theo lối của Phục Hi và có tài sánh Khuất Nguyên, Tống Ngọc. Có tài như thế mà không để lại một vết tích gì trên đời, không thi lẫn văn, thì cũng là chuyện lạ. Cổ thư Tàu nói đến biết bao nhiêu người tài đức, tại sao lại sánh họ Trịnh với Khuất và Tống, một người thất chí tự trầm và người kia gây lụy cho gia tộc với cái họa tru di tam tộc vì làm ... chính trị?

Đoạn thứ ba nói về chính nhà thơ họ Đỗ và tình cờ cho ta biết thời điểm của bài thơ vì ông nói đến chuyện mỗi ngày được 5 thăng gạo theo chính sách của triều đình phát gạo giới hạn để tránh nạn tồn trữ sau vụ lụt và mất mùa năm 753, lúc Đổ Phủ đã bỏ ý định tiến thân qua đường thi cử, chỉ còn mong được tiến cử để làm quan. Họ Đỗ đã có chức quan nào đâu mà có lương nên mới 41 tuổi mà tóc mai đã bạc và áo quần vải thô vừa ngắn vừa chật. Ừ thì rằng Thiều Chửu bảo ta quen đọc 褐 là cát nhưng nó phát âm là hạt thời Trung Cổ và vẫn được phát âm với phụ âm /h/ trong tiếng Quảng Đông bây giờ nên ta có nên chuyển ngữ 褐 thành cát?

Đoạn thứ sáu nhắc đến việc Tử Văn-Dương Hùng tự tử vì liên lụy đến âm mưu tạo phản và tác giả của bài Quy Khứ Lai Từ chết đói năm 63 sau một thời gian đi ăn mày.

Nhìn đời như thế thì cùng bạn đồng ẩm là phải, nhưng uống rượu như thế - chắc hẳn không phải loại cao lương mỹ tửu - để quên đời thì có gì mà ngợi khen ?! Có phải chăng Đỗ Phủ mượn rượu để diễn tả tâm trạng chán chường cùng cực trong thời gian An Lộc Sơn đang lấy lòng Đường Huyền Tông để sửa soạn khởi công?

Huỳnh Kim Giám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét