Tiếng chuông điện thoại reo vang.
-Hello, xin lỗi có phải nhà bà Hân không ạ?
-Dạ phải, Hân đây. Ai ở đầu dây đấy ạ?
Một giọng nói thật quen, tiếng cười thật quen:
-Đoán đi...Ta đây...hihihi...
-Trời ơi, Thi, Thi...Phải Thi không? Mi đang ở đâu đó?
-Canada! Hà hà hà... Mi lạ lắm hả?
Thế rồi hai người ríu rít chuyện trò, chuyện xưa, chuyện nay, người này, người nọ. Hồi học Trưng Vương, Thư, Nguyệt, Trang, Thi, Hân, luôn chiếm lĩnh dãy bàn đầu, cả năm người thuộc loại học giỏi, quậy phá trong lớp và rất thân nhau. Kỷ niệm cũ như ùa về. Năm cuối là năm buồn nhất nhưng cũng nhiều kỷ niệm nhất vì có gì cản được những chuyện chọc phá của năm cô nàng tự phong là “ Ngũ Long Công Chúa”.
Ngồi trong lòng chiếc phi cơ, Hân thấp thỏm nhìn đồng hồ, chỉ còn hơn nửa tiếng nữa Hân sẽ gặp lại đủ bốn người bạn thân ngày xưa. Thi từ VN đến Canada thăm con, với bản tánh tháo vát, nhanh nhẹn Thi đã liên lạc tìm ra đủ bốn người bạn cũ. Vợ chồng Thư- Phiên ở Houston. Nguyệt-Khang vẫn ở bên Pháp. Trang được tin các bạn cũng mừng lắm, đứng ra tổ chức buổi họp này. Vợ chồng Trang-Hào ở tại vùng Hoa Thịnh Đốn, Tháng Tư có hội hoa Anh Đào nên Trang mời mọi người nhân dịp này đến tụ họp ở nhà Trang để chào đón Thi từ Việt Nam sang, tiện thể cùng nhau đi ngắm hoa đào, tham dự hội hoa và đưa Thi đi chơi cho biết Thủ đô nước Mỹ.
Máy bay vừa đáp, bánh xe ngưng, Hân mở lại chiếc điện thoại di động đã nghe tiếng chuông reng, tiếng Trang:
Hân đợi ngay chỗ lấy hành lý nha, vợ chồng Thư và Nguyệt đang đi lấy xe, họ sẽ liên lạc để đón Hân cùng về nhà Trang. Thi đang ở nhà Trang rồi đây.
Vừa chuyện xong với Trang, Hân đã nghe tiếng điện thoại của Thư:
Ta gặp vợ chồng Nguyệt rồi, tụi ta đang đi mướn xe, mi lấy hành lý xong ra đứng sẵn phía ngoài nha, tụi ta đi ngang sớt mi luôn, nếu chưa thấy mi ta sẽ vào tìm để ông Phiên lái vòng vòng rồi quay lại, khỏi phải vào parking. Nhớ nghen.
Trời xẩm tối tất cả có mặt ở nhà Trang, ôi nhìn nhau mà biết bao nỗi mừng mừng, tủi tủi. Năm nàng nay ba cặp vẫn còn trọn vẹn. Hân, Thi đã cô đơn, lẻ bóng. Nhà có bốn phòng ngủ Trang sắp xếp hai bạn có cặp vào hai phòng còn Hân và Thi ở chung một phòng; đêm đầu tiên anh Hào tế nhị sang phòng đọc sách, nhường phòng ngủ lớn cho năm nàng ngủ chung để tha hồ trò chuyện. Hơn bốn mươi năm dời trường nhưng khi gặp lại cả năm người trở lại như xưa, như thuở Trưng Vương và lại xưng hô mày tao, chí choé. Sau bữa ăn tối ba ông ngồi phòng khách xem TV, bàn chuyện thời cuộc. Năm cô nàng rút vào phòng ngủ bắt đầu chuyện xưa, chuyện nay.
Tao cho tụi mày xem cái này.
Nguyệt rút trong ví ra một tấm hình. Xong Tú Tài Nguyệt lên xe hoa đầu tiên nên bốn đứa cùng làm phù dâu, tấm hình đám cưới Nguyệt, mặt mũi năm đứa còn non choẹt. Nhớ qúa ngày xưa. Gia đình Khang bên Pháp, chàng tốt nghiệp bác sĩ, về nước kén vợ nên sau đám cưới là Nguyệt phải theo chồng đi Tây. Cả bọn nhớ ngày ra Tân Sơn Nhất tiễn Nguyệt đi, buồn vui lẫn lộn. Nguyệt kể những nỗi nhớ nhà và cô đơn nơi xứ lạ quê người hồi ấy. Những khổ tâm của năm 75, sự lo lắng về gia đình, về đất nước như thế nào. Nguyệt có hai con trai cũng học theo nghề của bố, đã lập gia đình, một cậu vợ Việt, một cậu lấy đầm. Khang mới về hưu nên đưa vợ đi chơi. Trên sáu mươi mà Nguyệt trông vẫn còn trẻ đẹp, rất “Parisienne”.
Trang, Thi cùng vào trường Dược, năm thứ ba Trang lấy chồng, anh Hào hơn Trang mười tuổi, khi ấy anh đang ở quân y nhưng đã xong thời kỳ phải hành quân nơi địa đầu giới tuyến, về làm việc tại nhà thương Cộng Hòa. Mấy đứa nhắc lại kỷ niệm buồn cười hồi đó. Ngay sau khi Trang đi tuần trăng mật về, cả bọn tò mò hỏi thăm về đời sống vợ chồng thì Trang đỏ ửng mặt lên: “Kinh lắm chúng mày ạ. Không nói được đâu. Khi nào tụi mày lấy chồng sẽ biết”.
Mày nói cho tụi tao nghe đi, cái gì mà kinh thế?
Thư trêu.
Bây giờ các chị biết hết rồi, còn cần gì phải nói!
Cả bọn rúc rích cười.
Trang cũng vất vả nuôi con trong ba năm Hào phải đi học tập. Gia đình Trang khá giả nên ngay khi có tổ chức vượt biên bán chính thức gia đình Trang đã nộp vàng để đi. Sang đây cũng cực khổ thời gian đầu, Trang phải đi làm tạm trong một Viện dưỡng lão để Hào có điều kiện đi học, trở lại nghề cũ. Bây giờ mọi chuyện đã ổn định, anh con trai độc nhất của hai người cũng theo nghiệp bố, còn kén chọn, chưa lập gia đình. Trang phụ ngoài phòng mạch với Hào nhưng không phải qúa gò bó vì công việc. Bao giờ bận hay muốn nghỉ thì anh con thu xếp đến làm thế cho bố.
Thư học Luật, là người thứ ba trong nhóm đi lấy chồng, Phiên tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, vợ chồng Thư may mắn đi được ngay trước ngày 30/4, sang Mỹ định cư cũng khó khăn lúc đầu nhưng cả hai cùng đi học lại, cùng làm hãng xăng ở Houston nên thoải mái, êm đềm. Ba người con cũng đã thành tài, đã lập gia đình và ở riêng hết. Năm nay hai vợ chồng cùng sửa soạn về hưu.
Trong năm bạn thân thì Hân và Thi hẩm hiu hơn, Hân học Sư phạm, Hân và Khoa có mối tình thật đẹp của một cô giáo trẻ và anh sĩ quan Hải quân rắn rỏi, oai hùng. Theo vận nước, cuộc đời cũng trôi nổi, hai người đang hạnh phúc, đầm ấm bên nhau thì ông trời già lại trớ trêu nên Khoa đã đột ngột giã từ cuộc đời sau khi hai người kỷ niệm ba mươi tám năm gắn bó. Hân sống cô đơn trong căn nhà kỷ niệm. Hai con đã lập gia đình và ở riêng.
Đêm đã khuya, đến lượt Thi, giọng Thi đều đều kể chuyện đời mình, Thi lập gia đình muộn nhất trong năm đứa. Đám cưới được một năm, khổ sở vì chuyện mẹ chồng nàng dâu nên cha của Thi thương cô con gái, đã khéo léo tìm cách giúp cho Phú, chàng rể, mua căn nhà nhỏ ở cư xá Thanh Đa để vợ chồng ra ở riêng. Ông tự tay lo sắm sửa đồ đạc, trang hoàng nhà cửa cho con. Thế mà chưa kịp ăn tân gia đã đến ngày mất nước. Thi đang mang trong mình bào thai mấy tháng thì Cha và chồng Thi đều phải đi tù cải tạo. Chỉ vài tháng sau ông không chịu đựng được gian khổ, đói khát, lại vì già yếu nên đã qua đời trong tù. Thi vừa thương cha, vừa mất chỗ dựa, vừa lo lắng cho chồng trong khi bụng mang dạ chửa nên Thi đã qua một cơn bịnh nặng tưởng chết. Mẹ Thi biết là các con không sống nổi dưới chế độ này nên bà thu góp tiền bạc lo cho anh trai và hai cô em gái Thi vượt biên. May mắn cả ba đều ra đi trót lọt. Thi còn nấn ná chờ chồng, lại thêm có con nhỏ nên bỏ lỡ cơ hội tốt đó. Bốn năm sau Phú được thả ra, Thi lo tìm đường để hai vợ chồng cùng mẹ già đi nốt. Lần đầu tiên vượt biên bị lộ nhưng may chạy thoát, không bị bắt, mẹ Thi thấy những vất vả dọc đường sợ qúa và bà nghĩ là sức khoẻ mình không cho phép nên bà đành ở nhà chờ con bảo lãnh, vừa để giữ nhà để nếu lỡ chuyến đi không thành, vợ chồng Thi và cháu còn có chỗ về. Hai vợ chồng Thi và con bé đi thêm mấy lần nữa nhưng đều thất bại. Tiền bạc cạn dần. Lần cuối hai người quyết định để Phú đi một mình thì chàng đến bờ bình yên. Sau khi nhận được tin chắc chắn Phú đã định cư ở Mỹ, Thi thu xếp bán lại căn nhà ở cư xá Thanh Đa cho một người họ hàng ngoài Bắc vào, đem con về nhà ở với mẹ chờ ngày chồng bảo lãnh.
Giọng Thi uể oải, não nùng:
Tụi mày biết sau hơn ba năm định cư bên Mỹ ông Phú gửi giấy gì về cho tao không?
???
Đơn xin ly dị! Bảo tao ký rồi gửi sang cho ông ấy!
!!!!!!
Tao đau đến tê điếng, mẹ tao buồn vì bà thương và tin tưởng chàng rể. Sau khi đi học tập về Phú hay sang chuyện trò với mẹ vợ, bà dốc hết gia sản để lo cho Phú đi...Bà viết thư kể lể sự tình với hai con em tao ở Canada, nhờ chúng nó tìm hiểu. Con Hương viết thư về nói là đã sang tận nơi để điều tra, Phú đang sống với một người đàn bà khác, đã có một thằng con trai với nhau.
Lúc đó mày nghĩ gì? – Hân hỏi.
Nghĩ gì nữa! Như vậy là ông ấy đã có sự chọn lựa rõ ràng, muốn dứt khoát với mẹ con tao để chính thức hóa với người ấy.
Mày chịu thua sao?
Được? Thua? Tao không nài nỉ van xin. Khi tình yêu đã hết thì níu kéo làm gì...Đôi lúc tao cũng nghĩ là tại hoàn cảnh đẩy đưa mới ra nông nỗi. Nếu không vì chuyện đổi đời thì sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu. Tao biết ông Phú cũng là người yếu đuối tình cảm, trong lúc xa vợ con, có người chăm nom săn sóc, sa ngã là chuyện thường. Ông ấy có phải là bụt đâu.
Thế mày là bụt à? – Nguyệt tức tối hộ bạn.
Tao chẳng phải là bụt nhưng suy đi nghĩ lại, ông ấy đã có con với người ta, tao lại ở xa...Mày bảo tao phải làm gì? Đành cho là tại cái số mình không may. Sau đó ít lâu ông ấy làm giấy bảo lãnh cho con bé. Vì tương lai của con tao đành bấm bụng cho nó đi nhưng tao nhờ em tao đem nó về nuôi, tao không muốn con bé phải chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng trong khi tao còn sống.
Phục mày thật. Thế sao mày không sang Canada sống với con mày? Ở lại VN làm gì?
Khi ấy còn mẹ, tao đâu nỡ bỏ cụ mà đi. Cụ lại không muốn sang Canada vì nghe nói bên đó lạnh lắm, cụ sợ không chịu nổi. Tiếp đến nhiều hãng ngoại quốc sang đầu tư ở Việt Nam, tao có công việc làm khá nên hai mẹ con sống nương tựa với nhau. Khi con bé tao đã học xong, lập gia đình rồi, thỉnh thoảng tao sang thăm nó.
Nghe chuyện Thi bốn đứa thở dài, thương bạn quá lận đận, gian nan. Nếu hôm nay không từ chính miệng Thi kể ra thì đâu ai biết được những chuyện đau lòng của bạn. Bề ngoài Thi luôn tươi cười chứng tỏ là con người tự tin, đầy nghị lực.
Đêm thật khuya, bốn cô nàng xếp như cá hộp trên chiếc giường “king size” bắt đầu thở đều đi vào giấc ngủ. Hân xách một chiếc gối xuống tràng kỷ kê ngay cuối giường.
Qua khung cửa sổ, trời không trăng, những vì sao lấp lánh như những viên kim cương trên nền nhung thẫm. Kéo chiếc mền mỏng vắt trên đầu trường kỷ, đắp ngang người, Hân nghĩ đến Thi, Nguyệt, Trang, Thư. Mới ngày nào năm đứa bỡ ngỡ vào trường, duyên đưa đẩy năm đứa gần và thân, thương nhau. Thế mà như những chiếc lá bay đi theo gió, mỗi đứa một hoàn cảnh, mỗi đứa một phương trời. Cuối đời có ngày tụ lại như hôm nay qua bao dập vùi, sóng gió. Nguyệt, Thư, Trang tương đối bình an còn Thi không biết sẽ ra sao. Hân thương bạn qúa, mong Thi đã qua hết chông gai, tìm được một con đường thanh thản cho tâm hồn. Từ từ Hân chìm vào giấc ngủ với hình ảnh năm người con gái đang tung tăng đi trong lòng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tà áo trắng quấn quýt bay trong gió, khúc khích, nô đùa với những vệt nắng xuyên qua những cành lá ở trên cao.
Đỗ Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét