Tết TRUNG THU là ngày rằm Tháng tám Âm lịch, chữ Nho gọi là TRUNG THU TIẾT 中秋節; là ngày lễ truyền thống của các nước vùng Đông Nam Á chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Người Hoa thường ví hình tượng trăng tròn rồi trăng khuyết, khuyết rồi lại tròn với sự đoàn viên và bi hoan ly hợp của con người; và thông qua hình tượng mặt trăng để gởi gắm tâm sự, tình cảm, nhớ nhung của mình với thân nhân, với người yêu, với gia đình, với quê hương... xuyên suốt mấy ngàn năm nay đã để lại rất nhiều bài thơ về Trăng Trung Thu. Kính mời các bạn hãy đọc thử xem những bài thơ sau đây, bài nào đã đánh động tâm lý tình cảm của mình nhất ?!
1. Bài Thơ Minh Nguyệt Hà Kiểu Kiểu:
Bài thơ tả về Trăng Trung Thu đầu tiên trong thi ca cổ phải kể đến bài "Minh Nguyệt Hà Kiểu Kiểu 明月何皎皎" làm theo thể cổ phong có từ thời Kiến An của đời Đông Hán. Mời tất cả cùng đọc sau đây :
照我羅牀幃。 Chiếu ngã la sàng vi.
憂愁不能寐, Ưu sầu bất năng mị,
攬衣起徘徊。 Lãm y khởi bồi hồi.
客行雖云樂, Khách hành tuy vân lạc,
不如早旋歸。 Bất như tảo tuyền quy.
出戶獨彷徨, Xuất hộ độc bàng hoàng,
愁思當告誰? Sầu tư đương cáo thùy?
引領還入房, Dẫn lãnh hoàn nhập phòng,
淚下沾裳衣! Lệ há triêm thường y !
佚名 Dật Danh
***
* Chú thích:
- Dật Danh 佚名 hay Vô Danh Thị 無名氏 đều có nghĩa là bài thơ không biết tên tác giả là ai. Vì là một trong "Cổ Thi Thập Cửu Thủ 古詩十九首" (19 bài thơ cổ) khi luật thơ chưa hình thành và không biết tên tác giả nên đều lấy câu đầu làm tựa cho bài thơ. Về chủ đề của bài thơ có hai cách lý giải như sau : Một cho là bài thơ khắc họa hình ảnh của một người khuê phụ vọng phu, mong ngóng đợi chồng về trong đêm trung thu; Một cho đây là hình tượng của người du tử xa quê lâu ngày muốn được về quê ngay trong đêm trăng sáng. Nhung khách yêu thơ thường thiên về ý đầu hơn là ý sau.
- La Sàng Vi 羅牀幃 :Cái màn phủ quanh giường ngủ bằng vải là (lụa là).
- Mị 寐 :Ngủ; BẤT NĂNG MỊ 不能寐 là không thể ngủ được.
- Lạm Y 攬衣 :Lấy áo choàng lên người, là khoát áo.
- Tuyền Quy 旋歸 : TUYỀN là xoay vòng, nên TUYỀN QUY là Quay ngược trở lại, là Quay về nhà, về quê.
- Dẫn Lãnh 引領 :là Đưa bâu áo lên, có nghĩa là rướng Ngóng nhìn
- Thường Y 裳衣 hay Y Thường : THƯỜNG để che thân dưới, là Quần; Y để che thân trên là Áo; nên THƯỜNG Y như ta thường nói là QUẦN ÁO.
* Nghĩa bài thơ:
Minh Nguyệt Hà Kiểu Kiểu
1. Người Lãng Tử nhớ quê:
Ánh trăng sáng sao mà vằng vặc lung linh, chiếu cả vào màn là trên giường, làm cho ta cảm thấy ưu sầu không thể nào ngủ được. Khoát áo dậy mà cứ đi lửng thửng bồi hồi trước sân. Lữ hành nơi đất khách tuy nói là có nhiều niềm vui, nhưng sao ta lại chẳng quay trở về nhà sớm hơn?. Một mình thẩn thơ trước cửa mà lòng bàng hoàng mối sầu tư trong lòng không biết phải tỏ cùng ai đây?. Ngóng cổ trông mãi về quê rồi cũng phải về lại phòng mà nước mắt cứ tuôn trào ướt cả áo xiêm.
2. Người Khuê Phụ Trông Chồng:
Ánh trăng sáng sao mà vằng vặc lung linh, chiếu cả vào màn là trên giường của thiếp, làm cho thiếp cảm thấy ưu sầu không thể nào ngủ được. Khoát áo dậy mà cứ bồi hồi ngơ ngẩn nghĩ rằng : Lữ hành nơi đất khách tuy nói là có nhiều niềm vui, nhưng sao lại chẳng quay trở về nhà sớm hơn?. Thiếp một mình thẩn thơ trước cửa mà lòng bàng hoàng mối sầu tư trong lòng không biết phải tỏ cùng ai đây?. Ngóng cổ trông mong mãi rồi cũng phải về lại phòng khuê mà nước mắt cứ tuôn trào ướt cả xiêm y.
Quả là:
Nỗi lòng biết tỏ cùng ai,
Thiếp trong cánh cửa chàng ngoài chân mây!
(Chinh Phụ Ngâm Khúc)
* Diễn Nôm:
Trăng sáng sao vằng vặc,
Chiếu cả lên giường là .
Lòng sầu không ngủ được,
Khoát áo dậy lân la,
Đất khách tuy vui đó,
Sao không sớm về nhà?
Một mình thơ thẩn mãi,
Sầu nầy ai hiểu ta?
Kéo bâu về phòng lạnh,
Lệ rơi ướt áo là!
Lục bát:
Vầng trăng vằng vặc như sương,
Ánh vàng chiếu cả lên giường phòng the.
Sầu tư không ngủ e dè,
Thẩn thờ khoát áo lòng nghe bồi hồi.
Lãng du tuy lắm niềm vui,
Sao không sớm vội trở lui về nhà?
Bàng hoàng trước cửa riêng ta,
Sầu tư trăm mối ai là tri âm?
Ngóng thôi trở gót về phòng,
Lệ rơi ướt áo não lòng đêm thu!
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét