Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

Dinh Long Hồ Ngày Ấy & Bây Giờ - Người Long Hồ


Lời Đầu Sách

Kính thưa quý vị,

Dinh Long Hồ là một trong những dinh có diện tích lớn nhất và trù phú nhất của Xứ Đàng Trong, được thành lập vào năm 1732. Dầu theo dòng thời gian Dinh Long Hồ đã được đổi ra làm nhiều tên khác nhau, nhưng đối với người dân Đất Phương Nam, đặc biệt là người dân dinh Long Hồ từ ngày ấy cho đến bây giờ, cái tên Long Hồ mãi mãi không bao giờ phai nhạt. Từ năm 1732 đến năm 1778, có tên Dinh Long Hồ thuộc Châu Định Viễn. 

Năm 1779, đổi làm Dinh Hoằng Trấn, nhưng năm sau, 1780, được đổi làm Dinh Vĩnh Trấn cho đến năm 1805. Từ năm 1805 đến 1832, mang tên Trấn Vĩnh Thanh. Sau khi được đổi tên nhiều lần, năm 1832, năm Minh Mạng thứ 13, nhà vua cho đổi ra tên trấn Vĩnh Long, rồi lại đổi làm tỉnh Vĩnh Long cũng vào năm này. Như trên đã nói, mãi đến ngày nay, sau 288 năm kể từ ngày được thành lập, âm vang Long Hồ vẫn còn in đậm trong lòng người dân Đất Phương Nam, nhất là người dân Vĩnh Long. Tính đến năm 1757, nền hành chánh của xứ Đàng Trong được coi như khá hoàn chỉnh. Riêng vùng Hà Tiên Trấn vẫn để cho con của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích làm quan Đô Đốc cai trị. Tưởng cũng nên nhắc lại, vào năm Giáp Tý 1744, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát chia lãnh thổ toàn xứ Đàng Trong ra làm 12 dinh: 1) Chánh Dinh (Phú Xuân), 2) Cựu Dinh (Ái Tử), 3) Quảng Bình Dinh, 4) Vũ Xá Dinh, 5) Bố Chánh Dinh, 6) Quảng Nam Dinh, 7) Phú Yên Dinh, 8) Bình Khang Dinh, 9) Bình Thuận Dinh, 10) Trấn Biên Dinh, 11) Phiên Trấn Dinh, 12) Long Hồ Dinh. 
Lúc này chúa Nguyễn vẫn để Trấn Hà Tiên cho con cháu dòng họ Mạc cai quản, phạm vi chỉ gom gọn lại trong vùng đất Hà Tiên ngày nay mà thôi, nhưng về mặt phòng vệ lãnh thổ khi cần thiết vẫn do Dinh Long Hồ đảm trách. Phải thật tình mà nói, công lao của các chúa Nguyễn tiền triều với công cuộc mở cõi về phương Nam là không thể nghĩ bàn. Dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi nhớ ơn các ngài. Kể từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Năm 1570, Theo lời đề nghị của Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông bổ nhiệm vào Nam cai quản vùng đất Thuận Quảng. Sau đó hai họ Trịnh Nguyễn liên tiếp kình chống nhau trên 200 năm. Lúc đầu lãnh thổ xứ Đàng Trong chỉ gồm hai trấn Thuận Thành và Quảng Nam mà thôi. Dầu lúc đó vùng đất này chưa có cư dân nhiều, nhưng hai trấn này là một vùng đất rộng lớn có diện tích không thua gì xứ Đàng Ngoài. Trong cuộc nội chiến giữa hai họ Trịnh Nguyễn, để có được một hậu cứ vững vàng, các chúa Nguyễn của xứ Đàng Trong đã phải từng bước khéo léo qua giao thiệp và ngay cả chiến tranh nếu cần để tiến về phương Nam. 

Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635)

Trải qua các đời chúa Nguyễn, đất nước nước Việt Nam được mở rộng dần về phương Nam. Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) là người đầu tiên dọn đường đi vào Đất Phương Nam. Đến đời Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), ngàu đã thu phục Chiêm Thành và thẳng tiến về phương Nam. Đời Chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ (1697-1738), ngài đã thu phục các vùng Tầm Bôn, Lôi Lạp, Long Hồ, và Mỹ Tho. Đời Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), ngài đã thu phục các vùng Trà Vinh, Ba Thắc, và Tầm Phong Long. Năm 1471 tiến đến Qui Nhơn, năm 1611 tới Sông Cầu, năm 1653 tới Phan Rang, năm 1697 tới Bình Thuận. Như vậy là vào cuối thế kỷ thứ XVII, vương quốc Champa chính thức bị xóa tên trên bản đồ và vùng biên địa phía Nam của Đại Việt giáp ranh với vùng Thủy Chân Lạp. Chỉ một năm sau khi xóa tên Champa, quân dân Việt Nam đã tiến tới Sài Gòn vào năm 1698. Sau đó vào năm 1714, Hà Tiên được sáp nhập vào Việt Nam. Cuối cùng trong nửa đầu thế kỷ thứ XVIII, dân tộc Việt Nam coi như hoàn tất cuộc Nam Tiến khi Miên vương dâng nạp dãy đất Tầm Phong Long cho xứ Đàng Trong. Thời nầy miền Nam được chúa Võ Vương chia ra làm 3 dinh và 1 trấn: dinh Trấn Biên, dinh Phiên Trấn, dinh Long Hồ, và trấn Hà Tiên. Dinh Long Hồ lúc này nằm về phía tây Nam sông Tiền bao gồm toàn thể miền Tây ngoại trừ Hà Tiên Trấn.

Nếu muốn viết đầy đủ chi tiết về Dinh Long Hồ Ngày Ấy & Bây Giờ, chắc phải cần đến nhiều nhà nghiên cứu về sử học. Ở đây, tác giả Người Long Hồ chỉ muốn ghi lại một số tản mạn về các biến cố xảy ra từ năm 1731 đến năm 1975. Chỉ trong vòng 5 năm từ khi Miên vương Nặc Tha dâng đất Tầm Bào từ năm 1731 đến năm 1736, dinh Long Hồ đã được mở rộng thêm 4 huyện nữa: Long Xuyên tức vùng Cà Mau ngày nay, Kiên Giang, Trấn Giang, và Trấn Di. Phải nói, về mặt xã hội và văn hóa, dù được sáp nhập vào xứ Đàng Trong sau vùng Đồng Nai và Gia Định, đất Long Hồ đã chứng tỏ là vùng đất có văn hóa lâu đời nhưng rất phóng khoáng về mọi mặt. Để tìm hiểu về Dinh Long Hồ Ngày Ấy, đến khi được đổi tên thành tỉnh Vĩnh Long vào năm 1832 cho đến thời Cận Đại, chúng ta không thể chỉ đơn thuần nói về những gì đã từng xảy ra trong địa phận của vùng đất này, mà chúng ta phải nói một cách bao quát hơn về những gì đã từng có liên hệ tới lãnh thổ, đất đai, những sự kiện lịch sử, cư dân cộng cư, địa linh nhân kiệt, vân vân, của vùng đất mà ngày nay có tên là Vĩnh Long. Phải nói vùng đất mang tên Dinh Long Hồ và hậu thân của nó là tỉnh Vĩnh Long ngày nay là vùng đất có nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử gắn liền với cả miền Tây Nam Phần nếu không muốn nói là trung tâm của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Về mặt địa lý, Vĩnh Long nằm giữa hai nhánh sông lớn của dòng Mékong, đó là sông Tiền và sông Hậu. Vĩnh Long chẳng những là trung tâm của một dãy cù lao lớn bao gồm các vùng Sa Đéc, Vĩnh Long và Trà Vinh, mà nó còn là chiếc cầu nối liền những cù lao lớn nằm ngay cửa sông Mékong như các cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh, cù lao Dài bên Tiền Giang; và các cù lao Mây, cù lao Dung bên phía Hậu Giang. Về mặt lịch sử, ngay từ thời dân tộc Việt Nam mới mở cõi về vùng Đất Phương Nam thì Vĩnh Long đã luôn đóng vai trò trung tâm của cả miền Tây. Tiền thân của Vĩnh Long là Dinh Long Hồ đã từng một thời bao trùm cả một vùng đất bao la rộng lớn chạy dài từ Bến Tre, qua Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc và cả phủ Tầm Phong Long rộng lớn được nội nhập cuối cùng vào Việt Nam vào năm 1757 gồm các vùng Châu Đốc, Long Xuyên, Tân Châu, Hồng Ngự, một phần của Sa Đéc ngày nay, Cần Thơ, Sóc Trăng, một phần của Bạc Liêu, và ngay cả phạm vi của các vùng Cà Mau và Rạch Giá ngày nay... Chính vì vậy mà ngày nay dầu cho Dinh Long Hồ không còn tên trên bản đồ Việt Nam và tỉnh Vĩnh Long không còn rộng lớn như vài trăm năm trước nữa, nhưng tên gọi Long Hồ-Vĩnh Long vẫn còn âm vang có khả năng làm nao nao lòng người con dân Việt khắp nơi.

Công Nữ Ngọc Vạn

Mặc dầu trong khi Sài Gòn và Gia Định và các tỉnh miền Đông đã được lưu dân Việt Nam theo chân Công Nữ Ngọc Vạn tìm đến ngay từ giữa thập niên 1620 của thời tiền bán thế kỷ thứ XVII, và đất Nông Nại đã được Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn xác lập chủ quyền từ cuối thế kỷ thứ XVII, vào năm 1698. Lúc này thì vùng Vĩnh Long hay còn gọi là vùng đất Tầm Bào hãy còn là một vùng đất hoang vu, ít thấy bóng người lai vãng, chỉ có một ít người Khmer sinh sống rải rác thưa thớt tại những giồng đất cao, chạy từ miệt Giồng Ké (Trung Ngãi, Vũng Liêm) xuống các vùng đất cao gần thành phố Trà Vinh ngày nay. Phải thực tình mà nói, chính nhờ công lao của các chúa Nguyễn trong việc áp dụng những sách lược khôn khéo trong việc mở cõi về phương Nam, vừa hòa hoãn mà cũng vừa quyết liệt, nên việc di dân về các vùng đất mới này mới được nhanh chóng như vậy.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi vùng biên trấn của Đại Việt đã được nới rộng đến vùng Phú Yên vào năm 1611, các chúa nhà Nguyễn đã khôn khéo đốt giai đoạn thay vì phải đi ngang qua những khu rừng lá từ các vùng Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết và Long Khánh, vân vân, các chúa Nguyễn đã làm một bước nhảy vọt vào vùng Bà Rịa-Vũng Tàu, rồi Đồng Nai, Sài Gòn, Gia Định, Hà Tiên, Mỹ Tho, Long Hồ, Tân An, Gò Công, Trà Vinh, Sóc Trăng, và cuối cùng là các vùng Long Xuyên, Châu Đốc, và Sa Đéc. Riêng tại vùng Tầm Bào-Vĩnh Long, phải đợi đến cuối thế kỷ thứ XVII, mới có một số người cùng theo chân đoàn người Minh Hương được chúa Nguyễn cho phép vào vùng Meso của Thủy Chân Lạp để khai phá hoang địa, trồng trọt và lập thành những thôn xóm lẻ tẻ, cuối cùng lập nên được Mỹ Tho Đại Phố. Rồi sau đó, cuộc nổi dậy giết chết chủ tướng Dương Ngạn Địch của Hoàng Tiến đã khiến cho cả người Hoa lẫn người Việt trong vùng Mỹ Tho phải hoảng sợ mà bỏ chạy về các vùng Bến Tre và Vĩnh Long. 

Đến đầu thế kỷ thứ XVIII, khi cư dân các vùng Đồng Nai, Sài Gòn, và Gia Định bắt đầu trở nên đông đúc, không còn cảnh đất rộng người thưa như trước nữa, người ta mới bắt đầu nghĩ tới chuyện thiên di xa hơn nữa về vùng sình lầy phương Nam. Ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ thứ XVIII, lưu dân từ các vùng Ngũ Quảng của miền Trung đi thẳng vào các cửa sông Cửu Long để đi vào các vùng Meso và Longhor, tức là các vùng Mỹ Tho và Vĩnh Long ngày nay, chứ họ không ghé lại vùng Đồng Nai và Gia Định như trước đây nữa. Đến thế kỷ thứ 19 thì diện tích của nước Việt Nam đã gấp đôi so với diện tích Đại Việt hồi thế kỷ thứ 10. Năm 1732, được tin báo những lưu dân người Việt sống trên các vùng Meso và Longhor thường bị quân Chân Lạp tấn công, chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Chu bèn cử tướng Trương Phúc Vĩnh vào bình định. Ngay sau đó, vua Chân Lạp là Nặc Tha nhường các phủ Meso và Longhor. Chúa bèn lấy đất Longhor, tức Long Hồ, đặt thành châu Định Viễn, lỵ sở đặt tại Cái Bè ngày nay. Đến năm 1753, quân Chân Lạp được sự hỗ trợ của quân Xiêm La, kéo sang đánh phá các vùng đất đã do xứ Đàng Trong cai quản, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát bèn cử tướng Nguyễn Cư Trinh làm Tham Mưu, đem quân 5 dinh: Biên Trấn, Phiện Trấn, Long Hồ, Bình Khương và Bình Thuận, sang đánh Chân Lạp. 

Vua Chân Lạp thua trận xin dâng 2 phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp cho xứ Đàng Trong. Sau khi bình định xong những vùng đất mới sáp nhập này, Công Nữ Ngọc Vạn bèn dời lỵ sở dinh Long Hồ từ Cái Bè qua đất Tầm Bào. Vào giữa thế kỷ thứ XVIII, dinh Long Hồ giữ một vai trò trọng yếu đối với việc bảo vệ các vùng đất mới sáp nhập ở miền Tây, nên chúa Nguyễn đã đặt 3 đạo dưới quyền cai quản của dinh Long Hồ, đó là Tân Châu Đạo (bao gồm cù lao Giêng), Châu Đốc Đạo (Châu Đốc và Long Xuyên ngày nay), và Đông Khẩu Đạo (vùng Sa Đéc và Cao Lãnh ngày nay). Chúa cũng giao 2 đạo Kiên Giang và Long Xuyên (Cà Mau ngày nay) của Trấn Hà Tiên cho dinh Long Hồ cai quản về mặt hành chánh và quân sự, còn các mặt khác vẫn thuộc quyền của quan Tổng Trấn Hà Tiên. Coi như kể từ năm 1753 đến hết thế kỷ thứ XVIII, vùng đất Long Hồ là tổng hành dinh của cả miền Tây. Năm 1867, sau khi cưỡng chiếm miền Nam, người Pháp tách Vĩnh Long ra làm 4 khu tham biện: Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh, và một phần của đất Cần Thơ ngày nay. Như vậy lúc đó Vĩnh Long chỉ còn lại phần đất nằm giữa hai nhánh sông Tiền và Hậu Giang mà thôi, phía Bắc thì giáp Định Tường, phía Tây giáp Kiến Tường (Mộc Hóa ngày nay), phía Nam giáp Cần Thơ, và phía Đông giáp Trà Vinh.


Nói về sưu khảo và nghiên cứu lịch sử tỉnh Vĩnh Long từ trước đến nay đã có rất nhiều người làm như trong bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, tập V, có cả một chương nói về tỉnh Vĩnh Long; trong bộ Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức cũng viết chi tiết về Vĩnh Long; tác giả Huỳnh Minh với tập sách Vĩnh Long Xưa đã nói khá chi tiết về tỉnh Vĩnh Long qua nhiều khía cạnh; Sơn Nam trong quyển Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam, ở một góc độ nào đó, cũng đã viết khá nhiều về lịch sử khẩn hoang miền Nam, trong đó có khá nhiều chi tiết về vùng đất mang tên Long Hồ Dinh; Phan Khoang trong quyển Việt Sử Xứ Đàng Trong, đã viết khá nhiều về các mặt hành chánh, kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, văn hóa và giáo dục của vùng Đất Phương Nam, trong đó có dinh Long Hồ; Hứa Hoành với bộ sách nhiều tập mang tựa đề “Nam Kỳ Lục Tỉnh”, trong đó có nhiều chương nói về Vĩnh Long. 
Tuy nhiên, nếu so sánh với những người làm cùng một công việc này cho các vùng Sài Gòn-Gia Định thì Vĩnh Long còn cần nhiều lắm những bàn tay của con dân xứ ấy đóng góp vào. Trong chiều hướng đó, biên soạn tập sách “Dinh Long Hồ: Ngày Ấy & Bây Giờ” hay “Tỉnh Vĩnh Long: Từ Mở Cõi Đến Cận Đại” trước tiên tác giả Người Long Hồ xin bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đến các bậc tiền tiền hiến và hậu hiền đã đi tiên phong trong công cuộc dựng lập và phát triển tỉnh Vĩnh Long. Kế đến, tác giả mong rằng tập sách nầy sẽ mang lại một chút thoải mái cho những ai có niềm thao thức tìm hiểu về vùng đất mang tên Vĩnh Long, và nếu có thể được, góp một phần nhỏ trong công cuộc tìm hiểu lịch sử của vùng đất mới này, nhưng lại là vùng đất gắn liền với quá nhiều những thăng trầm của vùng Đất Phương Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Trong khi biên soạn tập sách “Dinh Long Hồ: Ngày Ấy & Bây Giờ” hay “Tỉnh Vĩnh Long: Từ Mở Cõi Đến Cận Đại”, tác giả xin quí độc giả niệm tình tha thứ nếu có sự trùng lập về các sự kiện lịch sử trong các bài viết, vì đôi khi những sự kiện lịch sử nầy có liên hệ mật thiết với nhau nên không thể không nhắc lại.

Tác giả xin kính cẩn tưởng niệm đến hương linh của ông ngoại và ông chú Ba, là hai ông Trần Văn Tiếng và Trần Văn Hương, những con dân kỳ cựu của Vĩnh Long, đã kể lại cho cháu nghe về “Thành Xưa Tích Cũ” và những vùng đất mà hai ông đã đi qua trong khắp xứ Vĩnh Long, cũng như tưởng nhớ đến hai anh Hứa Hoành và Nguyễn hữu Trí với những đêm trà đàm “Nhớ Về Vĩnh Long” tại vùng 9, trại tỵ nạn Bataan, Philippines, vào những tháng ngày cuối năm 1984. Tác giả cũng xin cảm tạ thầy giáo Trần Thành Trung ở xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã cung cấp cho tác giả nhiều tài liệu về Vĩnh Long đã góp phần không nhỏ trong việc giúp cho tác giả hoàn thành tập sách này. Đồng thời, tác giả cũng xin thành kính tưởng niệm đến nhạc phụ và nhạc mẫu là ông Tân Ngọc Phiêu và bà Trần thị Phàn; song thân là ông Lê văn Thuận và bà Trần Thị Sửu là những bậc sanh thành dưỡng dục đã hun đúc cho con thành một con người đậm tình với Đất Phương Nam nói chung và với tỉnh Vĩnh Long nói riêng. 

(Hàng ngồi: Thầy Nguyên, Thầy Chuân, Cô..., Cô...Thầy Hiệu Trưởng Đào Khánh Thọ, Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Cô Hiệu Trưởng Võ Thị Ngọc Dung, Cô...,Thầy Ngạn,Thầy Bai, Thầy Hiệp 
Hàng đứng:: Cựu học sinh Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long - Cali)

Tác giả cũng xin chân thành cảm tạ tất cả Thầy Cô cựu và cố giáo sư trường Trung học Tống Phước Hiệp, nhất là cố giáo sư Đào Khánh Thọ và cố giáo sư Võ Thị Ngọc Dung, những người đã mớm cho tác giả những kiến thức vào đời; nếu không có sự dạy dỗ của quý thầy cô, chắc hẳn đời nầy kiếp nầy tác giả sẽ không bao giờ có cơ may hoàn thành được tập sách nầy. Đồng thời, tác giả cũng xin trân trọng cám ơn Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm qua những lần nói chuyện trong các kỳ Đại Hội Họp Mặt Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trường Tống Phước Hiệp, thầy luôn nhắc nhở những người đi sau về công ơn của tiền nhân trong công cuộc khai khẩn, định hình, và phát triển vùng Đấtt Phương Nam. Tác giả cũng xin chân thành cảm ơn các bạn học ở Vinh Long: Biện Công Danh, Dương Thanh Khải, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Điệp, Vương Huệ, Kim Oanh, Kim Phượng, Lương Minh, Trần Thành Trung và tất cả những đồng môn Tống Phước Hiệp Vĩnh Long, dầu trước hay dầu sau, đều đã góp phần không nhỏ nhằm giúp tác giả hoàn thành tác phẩm này. 

Nhân đây cũng xin chân thành cảm ơn các hảo đạo hữu Tâm Diệu, Mật Nghiêm, Minh Hạnh... những người đã luôn khuyến tấn tác giả cố gắng đem tất cả những gì mình biết được ra chia sẻ với mọi người. Ngày 8 tháng 5 năm 2017, người viết bài này có duyên may đến viếng Nam Phương Linh Từ trong huyện Lấp Vò, Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp, và được anh Đặng Phước Thành, hậu duệ trực hệ của ngài Thủy Sư Đô Đốc Đặng Nhân Cẩm (1744-?) dưới thời Gia Long, và được chính anh thuyết minh đầy đủ về dòng tộc của mình cũng như cung cấp nhiều tài liệu dân gian về vùng đất đã từng một thời mang tên Dinh Long Hồ. Một lần nữa, người viết tập sách này xin chân thành cảm tạ anh Đặng Phước Thành, chúc anh luôn thành công trên mọi công việc. Mong rằng tập sách “Dinh Long Hồ: Ngày Ấy & Bây Giờ” hay “Tỉnh Vĩnh Long: Từ Mở Cõi Đến Cận Đại” nầy thể hiện được phần nào về sự nhớ ơn tiền nhân của đàn hậu bối Long Hồ-Vĩnh Long chúng ta.

Tác giả cũng nhân đây gửi lời tri ân đến hiền phụ Tương Thục và các con Thanh Phú, Thanh Mỹ và Thiện Phú, cũng như anh Khái, chị Tuyển Thục, chị Tuân Thục, chị Ngọc Nhi, cùng các em Ngọc Châu, Ngọc Sương, Ngọc Trước, Ngọc Đào, Bích Vân, Thanh Tùng, Cách, Tùng, Thuần, và tất cả bằng hữu đã hết lòng hỗ trợ về mặt tinh thần cho sự thành tựu của tập sách nầy. Đặc biệt, tác giả xin chân thành cảm ơn anh Khái, em Lê Ngọc Châu và thầy giáo Thành đã giúp tìm kiếm tài liệu và sách tham khảo trong những điều kiện vô cùng khó khăn khi phải tìm đến những nhà sách cũ trong các hang cùng ngỏ hẻm từ Sài Gòn, đến Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Hà Tiên, Rạch Giá, Mỹ Tho và Cao Lãnh...

Người viết xin thành thật cáo lỗi trước, vì đây không phải là một tập biên khảo, mà chỉ là những chi tiết được ông bà kể lại hay những mẩu chuyện được các bậc đàn anh kể cho nghe trong những buổi trà mạn đàm, nên rất có thể không chính xác về địa danh hay niên đại. Cuối cùng, trong gần 70 chương sách nói về “Dinh Long Hồ: Ngày Ấy & Bây Giờ” hay “Tỉnh Vĩnh Long: Từ Mở Cõi Đến Cận Đại” với nhiều sự kiện lịch sử mà không thể không nói, và vì không muốn đọc giả phải tốn thì giờ đi ngược lại những chương sách trước để tìm lại một số sự kiện lịch trong chương sách đang đọc nên tác giả viết lại những sự kiện lịch sử đã từng được đề cập trước đó. Chính vì vậy mà đôi khi có sự trùng lặp, xin quý đọc giả niệm tình bỏ qua cho.

Trân Trọng

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét