” Tháng Ngày Qua ” với một chuỗi thời gian dài trên tám chục tuổi, một đời người với bao sướng khổ , một bắt đầu và một kết thúc rất huyền thoại , đó chính là tên cuốn hồi ký
” Tháng Ngày Qua ” của tác giả Nguyễn Tường Nhung , trưởng nữ Nhà Văn Thạch Lam trong Tự Lực Văn Đoàn , và cũng là Phu Nhân Trung Tướng Ngô Quang Trưởng thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, miền nam Việt Nam.
Một cuốn hồi ký viết với tất cả tâm tình tự nhiên , trung thực , đầy đủ, cho bạn đọc cảm nhận được cuộc sống tác giả và các thành phần liên hệ với đề tài về 2 nhân vật tên tuổi, là Nhà Văn Thạch Lam thủa sanh thời, và Trung Tướng Ngô Quang Trưởng mới quá cố .
Có thể những băn khoăn của độc giả lại cũng là điểm tác giả Nguyễn Tường Nhung thắc mắc, rằng bà không biết sẽ khởi sự từ đâu, khoảng thời gian nào của cuộc đời bà . “
Để rồi bà bắt đầu từ giây phút xen kẽ , cứ bắt nhịp tư tưởng cũ mới, liên hệ nhau như kịch bản một chuyện phim được hình thành ở thời đại tân tiến ngày nay .
Nguyễn Tường Nhung đã nói bà không tham vọng là một nhà văn, cũng không sẽ có cuốn thứ hai, nghĩa là bà viết xong cuốn ” Tháng Ngày Qua ” là chấm dứt , vì các sự việc cũng đã đủ cho một tập hồi ký về người cha, Thạch Lam, và người chồng , Ngô Quang Trưởng.
Tôi tạm kể sơ lược thôi, không đưa trích dẫn các đoạn văn hay chi tiết trong sách hồi ức này.
Trước hết, tôi xin thưa, tác giả bắt đầu ” tự sự kể Tháng Ngày Qua” từ những ngày tháng như đang còn hiện diện ở gia đình thủa bé thơ, tới khi đã lớn lên và trưởng thành.
Nay đã trở thành bà cố , tức con cháu đã xây dựng tới đời thứ 4, mà ” Phu Nhân Trung Tướng ” có thay đổi gì đâu, vẫn hân hoan bên cạnh các con , các cháu và cả chục đứa chắt nữa .
Quý vị sẽ bắt gặp một tác giả mà trải qua bao thăng trầm biến diễn, từ chuyện nhỏ trong gia đình , đến chuyện lớn ngoài xã hội, bị ảnh hưởng cao độ, bà vẫn ôn nhu, hiền hậu như mang sẵn trái tim lành, chân thiện, vô tư .
Vì sẵn quen biết bà và đại gia đình bà từ lâu, tôi cứ tưởng bà sẽ bỏ qua hay lướt qua một số sự kiện nào đó, nhưng mấy ngày nay, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần , thấy tác giả không bỏ quên một trường hợp nào , tính chất ngay thẳng , thành thực, hồn nhiên , đã biến hồi ức như một cuốn tiểu thuyết đầy không khí văn chương nhuận sắc .
Tác giả Nguyễn Tường Nhung , trưởng nữ của Nhà Văn Thạch Lam, là người chưa từng viết lách, nhưng dòng văn của bà , tình tiết truyện kể chẳng khác gì những đoạn cảnh trong các tác phẩm của các bậc tiền bối của dòng họ Nguyễn Tường danh tiếng, quý cụ cố Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam .
Tất nhiên tôi không bầy tỏ bừa bãi, càng không bao giờ đưa ra sự so sánh chênh lệch sự nghiệp viết lách của dòng họ tên tuổi này .
Nhưng không thể nào phủ nhận tính cách hồi ký, mà tác giả Nguyễn Tường Nhung chỉ đề cập sơ sài là ” hồi ức “, rất chính xác các sự việc ngoài đời của bà, và lời kể chuyện có lẽ được ảnh hưởng từ quý cụ Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, nên ngôn ngữ Tự Lực Văn Đoàn như phảng phất trong ” Tháng Ngày Qua ” của Nguyễn Tường Nhung vậy.
Tôi đã được đọc khá nhiều các hồi ký của các bậc danh nhân gần thế hệ tôi nhất, quý vị đủ ngành nghề , trong và ngoài quân đội, quý vị đủ lứa tuổi thanh niên, trung niên, cao niên …ở trong nước hay đã ra nước ngoài , đa phần là muốn tiết lộ, muốn thanh minh, muốn phê phán vv…
Thậm chí có cả những cuốn ngầm kể công, muốn tranh cãi , muốn bảo rằng trong vấn đề nào đó , nếu ông hay bà được giao nhiệm vụ ấy, thì kết quả mỹ mãn hơn nhiều.
Nhưng không phải vậy, ý nghĩ viết ” Tháng Ngày Qua ” của Nguyễn Tường Nhung, trước sau chỉ muốn diễn tả lòng mình , mà theo thiển ý nông cạn của tôi, tôi nghĩ bà muốn bầy tỏ cho thân bằng quyến thuộc , cho con cháu sau này biết tới gốc gác, đồng thời biết tới một hình ảnh phụ nữ trong đại tộc Nguyễn Tường , bà đã tự an tâm , bình tĩnh , nhẫn nại , vươn lên như thế nào .
Có thể nói “Tháng Ngày Qua ” với 307 trang ký sự hồi ức, và 101 trang hình ảnh ít nhiều liên hệ tới sinh hoạt của tác giả Nguyễn Tường Nhung, là những lời tâm sự thành thật nhất .
Tất nhiên những nhân vật xuất hiện thấp thoáng hay vĩnh viễn, đều được bà kể lại rất vô tư, hồn nhiên, bình thản và nhân hậu như tính tình ngoài đời của bà .
Đọc hồi ức ” Tháng Ngày Qua ” để biết được một bậc nữ lưu, đã thực sự gian truân từ tuổi thiếu niên, qua thực trạng khốn khó sau thế chiến thứ hai, khi người cha đã mất , nhà văn Thạch Lam.
Tới thời buổi đất nước qua phân, chiến tranh ý thức hệ , thao thức nỗi lo âu khi có chồng là chiến tướng ngày đêm ngoài mặt trận, Trung Tướng VNCH Ngô Quang Trưởng.
Vì thế , hồi ức ” Tháng Ngày Qua” của Nguyễn Tường Nhung không chỉ đóng khung trong khuôn viên dòng họ Nguyễn Tường, Ngô Quang…
Còn có thể, khoảng không gian chung của những người hiện diện trong 30 năm gian nan, nguy hại vì chủ nghĩa cộng sản xâm nhập chính nghĩa Quốc Gia Tự Do, đã thể hiện rõ nét nhất trong hồi ức này.
Quý vị sẽ thông cảm và mến mộ tác giả Nguyễn Tường Nhung, cây viết không chuyên, nhưng rất tài tình trong ngôn ngữ truyện ký, nên đọc, đáng đọc, để không phải tham khảo, truy cứu , vì một lẽ rất giản dị là ở cuốn hồi ức đó, có tất cả chi tiết về thân thế, hành trình cuộc đời của 2 nhân vật lừng danh: Nhà Văn Thạch Lam nhân vật thứ 6 của dòng họ Nguyễn Tường, thành viên Tự Lực Văn Đoàn. Và, Trung tướng VNCH Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I / Quân Khu I.
Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm ” THÁNG NGÀY QUA ” hồi ức của Nguyễn Tường Nhung cùng quý vị, một hậu duệ của dòng họ NGUYỄN TƯỜNG và TỰ LỰC VĂN ĐOÀN hậu chiến.
Hawthorne 22 – 2 – 2022
Cao Mỵ Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét