Khách tới núi chơi mà muốn về sớm thì khó giữ lắm. Bài Sơn Trung Lưu Khách của Trương Húc như một con yêu tinh giữ khách rất hiệu quả.
Nguyên tác Dịch âm
山中留客 Sơn trung lưu khách
山光物態弄春暉 Sơn quang vật thái lộng xuân huy,
莫為輕陰便擬歸 Mạc vị khinh âm tiện nghĩ quy.
縱使晴明無雨色 Túng sử tình minh vô vũ sắc,
入雲深處亦沾衣 Nhập vân thâm xứ diệc triêm y.
Trương Húc
***
Chú giải: Khinh âm: hơi nhẹ, sương mù. Tình minh: tạnh sáng. Vân: đám mây. Thâm xứ: xứ xa lạ
Dịch nghĩa
Giữ Khách Trong Núi
Núi trong sáng, ánh xuân lộng lẫy
Đừng thấy có chút sương mù mà tính ra về.
Cho dù trời quang đãng không có dấu hiệu mưa chăng nữa,
Khi ông đi xa, gặp mây xám trên đường cũng làm ông ướt áo.
Dịch thơ
Gĩữ Khách Trong Núi
Hơi xuân ánh núi thấy mà mê,
Chớ tưởng sương mù tính chuyện về.
Dẫu thấy trời quang mưa chửa có,
Gặp mây cũng ướt trên đường đi.
Con Cò
***
Tôi nghĩ bài học là: “Mưa cũng ướt, không mưa cũng ướt”.山行留客 Sơn Hành Lưu Khách
山光物態弄春暉 Sơn quang vật thái lộng xuân huy,
莫為輕陰便擬歸 Mạc vị khinh âm tiện nghĩ quy.
縱使晴明無雨色 Túng sử tình minh vô vũ sắc,
入雲深處亦沾衣 Nhập vân thâm xứ diệc triêm y.
Dị bản: nhất tác Sơn Trung Lưu Khách 一作山中留客
Ghi Chú:
Bài thất ngôn tứ tuyệt này không dùng điển tích khó hiểu, từ ngữ đơn giản nhưng hàm súc ý nghĩa. Ngay trong cái tựa, Toàn Đường Thi Khố không có bài Sơn Trung Lưu Khách mà chỉ cho bài Sơn Hành Lưu Khách. TĐTK cũng có thể sai lầm vì chữ trung中 rất hợp lý giữ khách lại trong (giữa) núi. Tuy nhiên sau khi đọc bài thơ, không có ai/cái gì lưu giữ khách lại trong núi. Trong trường hợp này, chữ hành行 cho thấy khách tự ý lưu lại hay ra về tùy vào hoàn cảnh thời tiết của chuyến du hành.
Huy: ánh sáng mặt trời
Khinh âm: mây nhẹ
Tiện nghĩ: toan tính
Túng sử: phỏng như, dù cho
Vân: ở đây là sương mù, hơi ẩm
Dịch Nghĩa:
Lưu Khách Trong Chuyến Dạo Núi
Núi trong sáng rực rỡ, vạn vật lộng lẫy ánh nắng xuân
Đừng thấy có chút mây mỏng mà nghĩ đến bỏ về.
Cho dù trời quang đãng không có dấu hiệu mưa chăng nữa
Khi đi xa, gặp sương ẩm cũng làm ướt áo.
Dịch Thơ:
Dạo Núi
Rực rỡ núi rừng rạng ánh xuân
Mát trời mây mỏng chớ bâng khuâng
Dù cho quang đãng không mưa nhẹ
Gặp phải mù sương ướt áo quần.
Phí Minh Tâm
***
Núi non quang đãng ánh xuân tươi
Chớ vội về vì chút ám mây
Giả thử trời không vần vũ nữa
Vào chỗ sương mù cũng ướt thôi
Chớ vội về vì chút ám mây
Giả thử trời không vần vũ nữa
Vào chỗ sương mù cũng ướt thôi
Hoàng Xuân Thảo
Bài học mà Trương Húc muốn khuyên người đời là “ Hãy biết sống vui với hiện tại, đừng có lo bò trắng răng vì đằng nào cũng ướt áo cả mà thôi”.
***
LạcThủyÐỗQuýBái
Giữ Khách Trong Núi.
Cảnh núi mùa xuân đẹp tựa mơ,
Chớ vì mây nhẹ, nghĩ vẩn vơ,
Cho dù trời sáng mưa không nổi,
Cũng bị sương mù ướt áo tơ.
Bát Sách.
***
Giữ Khách Trong Núi
Quang đãng núi non xuân cảnh tươi
Trên cao mây mỏng lững lờ trôi
Dù cho trời chẳng âm u nữa
Gặp đám sương mù áo ướt rồi
LạcThủyÐỗQuýBái
***
Núi Rừng Lưu Khách
Núi rạng, cảnh xinh bỡn nắng xuân
Đừng vì bóng rợp dợm lui chân
Dù trời quang đãng mưa không dấu
Rừng thẳm, mây sâu ướt áo dần
Lộc Bắc
***
Giữ Khách Trong Núi
Ảnh xuân rực rỡ khắp núi đồi
Đừng vội về khi mây nhẹ trôi
Dù trời quang đãng không mưa gió
Đường xa áo chỉ ướt sương thôi
Hoàng-Tâm
***
Góp ý:
[Người được ÔC đề tặng, và là người cuối cùng góp ý cho bài này (? - LB)]
Sau đây là phần góp ý về bài thơ Sơn Trung Lưu Khách của Trương Húc mà OC có nhã ý tặng tôi.
Trước hết xin cám ơn ÔC.
Đọc những lời góp ý của các anh chị, tôi thấy "mười phân vẹn mười" ai ai cũng mượn ý thơ của Trương Húc để trăm nhà đua tiếng, tôi chẳng còn chỗ nào để góp thêm vào cái vườn hoa-thơ muôn màu muôn vẻ ấy.
Thế rồi tôi lẩn thẩn đi ra ngoài Sơn Trung của Trương Húc nghĩ rằng ngay trong tựa đề bài thơ phải chăng đã hàm ý rằng, không thể nào lưu khách đươc! Vì đã gọi là khách thì trước sau gì người ta chả đi! Có giữ chăng là giữ người thân của nhà mình; cái gì của mình mình mới giữ được chứ của người khác thì làm sao giữ đây? Ở hay đi là quyết định của khách thôi, mình hay, mình ân cần tài giỏi thì người ta ở với mình lâu, mình dở hay mình xấu tính thì người ta sẽ đi sớm!
Mặc cho ông Đàm Thận Huy đã nói "vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách" ra chiều mưa không giam hãm người nhưng vẫn giữ được khách ở lại. Nhưng ông Văn Cao lại bảo rằng:
"Ai lướt đi ngoài sương gió
không dừng chân đến em bẽ bàng
ôi vừa thoáng nghe em mơ ngay bước chân chàng..."*
Thế thì dù cho mưa gió chàng đã quyết ra đi, hay chàng đã dấn thân vào sương gió rồi thì đâu có dừng chân, mặc cho em tha thiết, vấn vương, có mơ đến chàng! Lời đe dọa "tuy mới chỉ là sương thôi nhưng sẽ có mưa đấy, sẽ gặp phiền não đấy" nhưng có ăn thua gì một khi lòng người đã quyết; chỉ giữ được khi lòng người còn quyến luyến chưa quyết thôi!
Vả lại, nhìn cái hình anh Giám đưa ra, hình như thấy (rõ ràng) một tiểu đồng lưng đeo những thứ tùy thân đi trước, văn nhân hay sĩ tử đi sau... Hình ấy cho thấy hai thầy trò đang đi vào nơi gió cát, đệ tử đi trước mở đường, rừng sâu thú dữ, mưa gió bão bùng chăng? Thế thì mặc cho những trắc trở trước mặt, người khách ấy đã ra đi! Vì nếu đi đến chỗ vui vẻ, vinh hoa, đến chỗ vua quan quyền quý thì thầy đã đi trước, để tử theo hầu phía sau rồi!
Vậy có mấy câu rằng:
Khách đến rồi đi, khách lại đi
Nào kể mây đen hay bất kỳ
Bởi lẽ tuần hoàn của tạo hóa
Biết rằng có hợp, có tan, có chia ly!
Quản Mỹ Lan
* Buồn Tàn Thu (1939), Văn Cao (1923 Hải Phòng -1995 Hà Nội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét