Thứ Ba, 5 tháng 10, 2021

Tam Bát Đồng Môn


Đọc sách xưa như Đông Chu, Tam Quốc, ta gặp đầy những chuyện nói về nghĩa vua tôi, tình thầy trò, tình phụ tử. Một số ít chuyện nói về nghĩa vợ chồng, tình bè bạn. Lần này, được chỉ thị của Phạm đại ca, Bát Sách nói về tình bạn. Tiếng Bạn của Việt Nam quá phong phú: Làm quan cùng với nhau là bạn đồng triều hay đồng liêu, học cùng với nhau là bạn đồng môn hay đồng song, ở tù “cải tạo” cùng nhau là bạn đồng tù, cùng nghề với nhau là bạn đồng nghiệp, cùng đơn vị là bạn đồng ngũ, làm cùng chỗ là bạn đồng sở, bán hàng với nhau là bạn hàng, thậm chí chỉ đi cùng với nhau một quãng đường cũng được gọi là bạn đồng hành... Ngoài ra, hai người chênh lệch tuổi nhau khá xa mà chơi với nhau thì được gọi là bạn vong niên, hai người cùng làm rể một nhà thì gọi là anh em bạn rể, đồng hao hay cột chèo. . Lẽ dĩ nhiên, loại nào cũng có bạn tốt, bạn xấu, chỉ có bạn vong niên là lúc nào cũng tương thân, tương kính, trái với bạn rể, tuy gọi là bạn nhưng hình như chẳng bao giờ là bạn cả.Có bạn lâu lâu gặp nhau, chào hỏi xã giao vài câu, rồi quên bẵng đi cả mấy năm trời, đó là bạn sơ. Bạn thân thì chia ngọt xẻ bùi, giúp đỡ nhau tận tình, không lừa, không hại nhau, xa nhau thì nhớ mà gần nhau thì đôi khi bất đồng ý kiến, cãi nhau ỏm tỏi như chó với mèo. . Loại bạn này, tiếng Việt gọi là bạn nối khố, bạn tâm giao, bạn từ hồi để chỏm, từ khi mặc quần thủng đít v.v... thường không đủ đếm trên đầu ngón tay. ..Theo anh Dược sĩ Mai Bá Vị thì các cụ ta ngày xưa còn một loại bạn thân hơn bạn thân nữa, như câu ca dao Việt Nam sau đây:
Anh em bạn cũ lưu tồn, 
Củ khoai chia bốn, cái l. . . chia đôi.

Về bạn thân,Bát Sách may mắn có được 7,8 người,vừa trong vừa ngoài ngành Y Khoa,nếu kể hết thì giấy mực nào cho đủ.Lần này,Bát Sách chỉ muốn nhắc tới 2 người cùng có biệt hiệu chữ Bát mà thôi,đó là Bát Văn và Bát Vạn. Bát Văn,nhưng họ Vũ,người đẫy đà,có da có thịt,tính hiền lành,vui vẻ,ít khi gây gỗ với bạn bè.Vì tròn tròn nên được chữ Văn của cỗ bài mạt chược.
Bát Vạn,vốn họ Trần,người gầy gò,xương xẩu,hay nổi cáu bất tử.Được chữ Vạn, vì hai chân chàng đi chữ bát,giống như quân bài bát vạn,nói theo kiểu miền Nam là bổ hàng đôi,nói theo kiểu tân thời là mười giờ mười,để so sánh với hề
Charlot là chín giờ mười lăm.Bát Vạn không hề bị mặc cảm vì tướng đi của mình,chàng thường hãnh diện:”tao đi giống như Ngô Tổng Thống “
Gần đây,đọc báo,thấy có một bực tiền bối chia bạn thành 2 loại : tri âm và tri kỷ
**Thế nào là TRI ÂM?Là như Bá Nha và Tử Kỳ.
Bá Nha người nước Sở,nhưng làm quan đại phu nước Tấn.Trên đường đi sứ nước Sở trở về,Bá Nha neo thuyền ở bến Hàm Dương.Vì cảnh đẹp,trăng thanh, gió mát,trời nước mênh mông,Bá Nha nổi hứng lấy đàn ra gẩy.Âm thanh đang dâng cao vút,thì đàn chợt đứt một dây.Bá Nha cả kinh,đoán có người quân tử nghe trộm,bèn sai quân lên tìm,thì gặp Tử Kỳ.Hai bên ngồi đàm đạo suốt đêm, thật là tâm đầu,ý hợp.Bá Nha đàn mà nghĩ đến núi,thì Tử Kỳ khen:ý tại cao sơn, nghĩ đến sông nước thì Tử Kỳ khen:ý tại lưu thủy.Hai người bèn kết nghĩa anh em rồi từ giã,hẹn đúng ngày này năm sau sẽ tái ngộ.Đúng kỳ hẹn,Bá Nha trở lại chốn cũ thì mới hay Tử Kỳ đã bị bạo bệnh qua đời.Bá Nha buồn rầu,ngồi gẩy khúc Thiên Thu Trường Hận,rồi đập vỡ cây đàn.Đây là bài thơ Bá Nha làm để tỏ ý của mình:

Thốt đoái dao cầm phượng vĩ hàn.
Tử Kỳ bất tại,hướng thuỳ đàn,
Xuân phong mãn diện giai bằng hữu,
Dục mịch tri âm nan thượng nan.

Giải nghĩa:

Đập nát dao cầm,đau lòng phượng,
Không có Tử Kỳ,đàn với ai,
Gió xuân bốn mặt,bao nhiêu bè bạn,
Muốn tìm tri âm thật khó vô cùng.
(Theo Điển tích chọn lọc của Mộng Bình Sơn)

Ba tên họ Bát chúng tôi có phải tri âm không?
Ngày còn học Y Khoa,những khi buồn,Bát Vạn và Bát Sách còn nhập nhằng ôm chiếc Tây ban cầm,gẩy tưng tưng vài nốt trong bài Đàn Chim Việt,Con Thuyền Không Bến...Bát Văn thì thật tình được xếp vào loại ....mù nhạc.
Hồi còn Ngô Tổng Thống,các vũ trường bị cấm;sau “đảo chính “1963,Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng ban bố “tự do”,vũ trường mọc lên như nấm,bal de famille được tổ chức dài dài,ba chàng họ Bát cũng phải theo thời,bóp bụng nhịn ăn,nhịn mặc để đi học khiêu vũ.Chúng tôi học vũ sư Đỗ Long ở Tân Định.
Đỗ giáo sư người mập và lùn,nhưng lúc nhẩy,đôi mông ngoáy rất dẻo.Bát Vạn, Bát Sách còn cố cầm cự,chứ Bát Văn thì hỏng hẳn:lúc nhảy,mắt tìm bạc cắc ở dưới đất,chân dậm bình bịch như lực điền giã gạo,trông rất mất thẩm mỹ.Vì mù nhạc,nên trước khi ra sàn nhảy,bao giờ chàng cũng phải hỏi lại cho chắc là điệu gì.Chàng chỉ mơ,trước khi trổi nhạc,có một tên đứng trước máy vi âm hô lớn:Rum. ba,Bos...ton để cho chàng vào nhịp.Với cái vốn nhạc lý siêu việt như vậy,Bát Sách đành phải kết luận là ba chàng họ Bát không phải tri âm.
**Thế nào là Tri Kỷ?Là như Quản Trọng và Bảo Thúc Nha.
Quản Trọng và Bảo Thúc Nha là bạn với nhau từ nhỏ,lúc lớn,cùng làm quan nước Tề.Gặp khi có loạn,2 người con vua Tề phải lưu vong,thì Quản Trọng phò người anh là Công tử Củ,còn Bảo Thúc phò người em là Công tử Tiểu Bạch.
Thời thế đổi thay,Tiểu Bạch được nước,làm vua,đó là Tề Hoàn Công,Bảo Thúc được trọng dụng,mà Quản Trọng thì thành tù nhân vì có tội đã phò Công tử Củ.
Nhờ được Bảo Thúc hết lòng tiến cử,nhờ được vua Tề khoan dung mà Quản Trọng trở thành một vị tướng quốc nổi danh kim cổ.Lúc Bảo Thúc mất,Quản Trọng thương tiếc,khóc như mưa,nước mắt ướt đầm cả áo.Có kẻ hỏi: “ Bảo Thúc không phải là họ hàng thân thích mà sao ông khóc thương quá đáng như vậy?”Quản Trọng trả lời: “Tại người không biết đó thôi!Để ta kể cho mà nghe.Ta lúc nhỏ khốn khổ,thường buôn chung với với Bảo Thúc,lúc chia lãi,bao giờ ta cũng lấy phần hơn mà Bảo Thúc không cho ta là tham,biết ta gặp cảnh quẫn bách,bất đắc dĩ phải làm vậy.Ta ở chỗ chợ búa,thường bị lắm kẻ dọa nạt,Bảo Thúc không cho ta là nhát,biết ta có lượng bao dung.Ta bàn việc với Bảo Thúc, nhiều khi việc hỏng,Bảo Thúc không cho ta là ngu,biết ta gặp lúc không may.
Ta ba lần làm quan,ba lần bị bãi,Bảo Thúc không cho ta là bất tiếu,biết ta chưa gặp thời,chưa gặp minh quân..Ta ra trận,ba lần thua cả ba,Bảo Thúc không cho ta là bất tài,biết ta còn mẹ già phải phụng dưỡng.Ta nhẫn nhục thờ Hoàn công,Bảo Thúc không cho ta là vô sỉ,biết ta không câu nệ tiểu tiết,có chí làm lợi cho cả thiên hạ .Sinh ra ta là cha mẹ,biết ta là Bảo Thúc.Mà đối với người biết mình,mình đem cả tính mạng ra hiến còn chưa cho là quá,huống chi thương khóc thế này đã thấm vào đâu.”(Theo Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn Ngọc)


Vậy ba chàng họ bát có phải tri kỷ?
Ngày còn đi học,ba đứa ăn chung,đi chơi chung,học bài chung,ở nhà thương cũng trực chung.Khi có hẹn với đào mà nhằm phiên trực thì cứ tà tà mà đi,đã có 2 đứa kia trực hộ,chỉ việc chi tiền ăn sáng hôm sau.Thiếu tiền dắt đào đi chơi có thằng ứng trước,lỡ xe hỏng,có đứa dâng xe...Giống như các sinh viên y khoa hồi đó,ba chàng họ Bát cũng lai rai có đào,nhưng thường thường bị hai đứa kia phá đám,nói ngang,làm nản chí.Chẳng hạn,đào hơi ngăm ngăm thì nó gọi là Mai Liên,tức Miên lai,đào hơi có da,có thịt,thì nó nói chỉ cần thêm chút lá chuối là thành đòn bánh tét..Đào mình dây thì nó còn độc mồm hơn,bảo nàng có tật “nói không thành có”,rồi giải thích: nói không thành có là vu khống,nghĩa là không vú.
Đàn ông không râu bất nghì,
Đàn bà không vú lấy gì nuôi ....anh..
Bát Văn có đào sớm,”đào” này sau thành nội tướng của chàng nên Bát Sách kính nhi viễn chi,không dám kể lại.Nói cho ngay,ngày xưa,theo truyền thống của ba đứa,có lẽ Bát Vạn và Bát Sách cũng một đôi khi đưa lời ông,tiếng ve, nhưng Bát Văn thuộc loại chung tình,lập trường cứng ngắc,cứ việc lừ lừ tiến tới hôn nhân.Bát Vạn và Bát Sách,trái lại,thuộc loại”xìu xìu ển ển,chân có chân duỗi “nên phải lận đận bao nhiêu năm trời.

Ngày đó,Bát Vạn đang kết với một cô trẻ đẹp,học giỏi,con nhà giầu,lại biết đàn dương cầm,rất văn nghệ.Bát Vạn cứ tối tối lọc cọc chạy xe mô bi lét đến trước biệt thự của người đẹp để nghe đàn,chỉ tiếc là dây đàn không đứt để nàng biết có chàng đang nghe trộm!Đến lúc anh chị quen nhau,dắt tay dạo phố thì mọi người mới biết nàng bị cận thị.Một hôm,Bát Văn chợt rủ anh em đi xem hồ nuôi cá.Thấy mọi người thắc mắc,hắn giải thích:”Để khi nào Bát Vạn cưới vợ thì tao mua làm đồ mừng “ Rồi cười cười rất đểu:”Nàng mà vào đó bơi lội,thì nó khỏi cần mua cá vàng “ Bát Vạn đau lịm người,mặt tái mét,và một cuộc tình tan vỡ.
Bát Sách cũng bị một vố tương tự.Đào của Bát Sách,ba vòng đều đủ tiêu chuẩn lại mình dây,chân dài tha thướt...trường túc bất tri lao.Mọi người xúm lại khen làm Bát Sách càng hí hửng.Trong một phiên trực,ba đứa đang ngồi chuyện gẫu thì Bát Văn khơi mào:
- Này Bát Sách,hôm nọ tụi tao gặp em,biết được một bí mật,tao muốn nói với
mày mà Bát Vạn nó cản.
Bát Sách nhẩy nhổm lên,hơi ghen:
- Bộ em có bồ hả?
Bát Vạn ỡm ờ:
-Thôi đừng có nói,mất tình bè bạn..
Tụi nó cứ đưa đẩy như vậy,tới lúc Bát Sách nổi cáu,chửi bới tùm lum,Bát Văn mới chịu nói:
-Tụi tao đi qua nhà em,thấy em đứng ở cửa,hai chân khép lại như đang chào cờ,mà con chó cún cứ chạy ra,chạy vào thong thả!
À,thì ra em bị vòng kiềng!Bát Sách đang tức cũng phải phì cười.Những lần gặp nhau sau đó,quả nhiên Bát Sách thấy chân em càng ngày càng cong và từ từ gài số de...
Hồi báo Tình Thương đang thịnh,Bát Sách có ti toe viết mấy bài với bút hiệu Yên Thảo:

Yên thảo như bích ti,
Tần tang đê lục chi...
( Cỏ Yên như sợi tơ xanh,
Dâu Tần đã nở mấy cành tươi non)

Bát Sách vốn người huyện Việt Yên,tự ví mình như cỏ Yên.
Một hôm,hai đứa nói: bài của mày có người khen.Bát Sách sướng quá,tưởng đâu em gái hay bạn của em gái tụi nó thì may ra có đường...Hỏi gặng mãi,tụi nó mới nói:”Đó là liên tử nhà tao”Liên tử là gì?Đó là chữ Nho:liên là sen,tử là con,nghĩa là con sen!Bát Sách đau lịm người,Yên Thảo từ đó tuyệt tích giang hồ.Đó là chuyện lúc còn sinh viên.


Sau khi ra trường,nhập ngũ,mỗi đứa đi một ngả.Bát Văn về Tiểu Đoàn 5 Quân YBát Vạn về Quân y viện Phan Thanh Giản,còn Bát Sách đi mũ đen,Thiết đoàn 6 Kỵ binh.Sau 2 năm,Bát Văn và Bát Sách lục tục khăn gói quả mướp về Cần Thơ, thế là Tam Bát lại trùng phùng.Hồi đó ở Cần Thơ,y sĩ đông lắm,và được chia làm ba loại:

-Bần y là loại chân ướt chân ráo mới về,sống nhờ lương quân đội,hoặc có phòng mạch còm,ngày 4,5 khứa,chỉ đủ đánh mạt chược ,uống cà phê,và buổi tối ra bến Ninh Kiều ăn canh chua đầu cá...Bát Sách được xếp vào loại Bần y.

-Trung y là những người có thêm lương vợ,như Bát Văn,hoặc có phòng mạch khá hơn,ngày 15-20 khứa như Bát Vạn.

-Phú y là những đàn anh uy tín,ngày 80-90 bệnh nhân,lại tính giá cao,làm một ngày bằng Bát Sách làm cả tháng.

Vì là Trung y,Bát Vạn có tiền tậu được chiếc xe con cóc cũ (Volkswagen)Xe này rất đặc biệt,kêu to như xe thiết giáp,máy lúc nào cũng húng hắng ho.Khi chạy, xe rung lên bần bật,tất cả các bộ phận đều kêu rất to,trừ có 2 thứ cần kêu thì lại không kêu là cái kèn và cái radio!Chiếc xe tuy cũ,nhưng đã giúp cho Bát Vạn và Bát Sách sống một cuộc đời vi vút,thỏa chí tang bồng.
Những kỷ niệm cũ của Bát Vạn và Bát Sách thì nhiều lắm,kể hết thì sợ nhàm tai quý vị,Bát Sách xin kể hầu một chuyện thôi.Đó là vào dịp Tết 1972.Ngày mùng hai,Bát Vạn và Bát Sách được rủ đi khai xuân,chiến đấu đến chiều mùng ba thì cả hai cháy túi,mỗi đứa chỉ còn vài ba chục,uống cà phê cũng không đủ.Lúc đó Bát Văn về phép Sàigon nên hai đứa không có chỗ ăn chực.Thật ra,ngày mùng ba Tết,ghé nhà ai mà chả được miếng bánh chưng với khoanh giò,nhưng Bát Vạn và Bát Sách vốn giòng cà cuống,chết đến đít vẫn còn cay,nên hai đứa nhất định nhịn đói.Mãi đến khuya,Bát Vạn mới nhớ ra trong xe còn một trái soài!Thế là hai đứa loay hoay gọt soài,chấm muối,ăn trừ bữa.Bát Sách ăn chập chuội, ruột sót như cào,chỉ có Bát Vạn,vốn tính lạc quan,an phận,vừa ăn vừa hát theo nhạc của Vũ Thành An:” Đời một người y sĩ,ước mơ đã nhiều,Trời cho không được mấy,đến khi thua bài,chỉ còn trái soài cầm hơi “

Trong thời gian ở Cần Thơ,Bát Văn,vì có vợ nên bị gạt ra ngoài lề.Đôi khi,chàng cũng mon men,cười cầu tài,xin tháp tùng,nhưng bị Bát Sách từ chối thẳng cánh.Cẩn thận như vậy mà còn có lần bị mắng oan!
Thấm thoắt 4-5 năm trôi qua...Cộng sản đánh mạnh,Mỹ cúp viện trợ,các tỉnh miền Trung lần lượt rơi vào tay giặc.
Đến ngày 25/04/1975 thì hình như Bát Văn đã nằm ở Guam,Bát Vạn thì về Sàigon tìm đường chạy,chỉ có Bát Sách vẫn tỉnh bơ thủ trại.Lúc đó, Bát Sách làm “lớn”:Chỉ huy phó kiêm Trưởng khối chuyên môn,Trung tâm 4 Hồi lực,xử lý thường vụ chức Chỉ huy trưởng. Ngày 30/04,khi Big Minh đọc thông điệp đầu hàng,Bát Sách tập họp anh em,tuyên bố rã ngũ,ai nấy tự lo thân.Nhìn các thương binh kẻ què,người cụt lếch thếch dắt nhau ra khỏi trại,Bát Sách đã đứng khóc một mình,khóc thương đồng đội,thương thân,khóc vì sự bất lực của mình trước thời cuộc.Nhờ có anh bạn cũ là Nha sĩ Trần Văn Bé ở Hải quân,Bát Sách được tháp tùng mấy chiếc tầu há mồm,tối 30/04/1975,từ Bình Thuỷ,xuôi giòng Tiền giang ra biển...
Với những kỷ niệm đã qua thì Tam Bát cũng không phải là bạn tri kỷ.Vậy thì là bạn gì?Bát Sách không cần biết,chỉ biết là ba đứa chúng tôi vẫn thân và thương nhau như ngày xưa...

Tới đây,chắc quý vị cũng muốn biết ba chàng họ Bát bây giờ ra sao?
Bát Văn,vì lấy vợ sớm,các con đã lớn,vào đại học.Bầy chim non 3 đứa,đủ lông, đủ cánh,đã tung bay bốn phương trời,để lại hai bố mẹ sồn sồn hưởng mùa trăng mật ở Californie.Biết đâu một ngày gần đây,bạn bè chả được tin lão bạng sinh châu?
Bát Vạn,sau khi nếm mùi “cải tạo”của bọn dép râu,nón cối,đã lấy vợ và vượt biên,đến định cư ở Gia Nã Đại năm 1979.Trung thành với chiến thuật đánh mau, đánh mạnh,chàng rút được đôi bồi kít thì hết xí quách.Khi chung bàn vuông (mạt chược)với Bát Sách,chàng chiến đấu rất tận tình,ngồi trên thì đì,ngồi dưới thì phỗng quạt...cầm tấm chi phiếu của Bát Sách thì chàng có vẻ sung sướng hơn khi cầm chi phiếu của người khác gấp mấy lần!Chàng vẫn gầy như xưa,vẫn bổ hàng đôi,nhưng xe của chàng tốt hơn nhiều,chạy êm ru,và nhạc hát ông ổng....
Còn Bát Sách?cũng có vợ từ năm 1978,rút được một cây bồi và một cây đầm thì cạn láng.Bát Sách vẫn da bọc xương,vẫn gàn,vẫn tếu,chỉ có mái tóc xanh ngày xưa đã bắt đầu điểm bạc.Lại có lần bị tai nạn xe cộ,đưa miệng cạp vỡ cả tableau de bord,nên hàm răng vốn rất tốt,đã trở thành hàm răng của cụ Yên Đổ, chiếc rụng, chiếc lung lay.Và để tỏ tình bạn thắm thiết,Bát Vạn chỉ thích mời Bát Sách gặm chân giò!

Bát Sách
(Tháng 7/1992)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét