Chưa bao giờ bàn chuyện chính trị vào thời điểm nầy nơi xứ Cờ Huê lại sôi động đến thế trong cộng đồng người Việt của chúng ta, không những bàn dân thiên hạ trên mảnh đất nầy mà bên kia bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương cũng nhảy vào ăn có.
Luận về chính trị hơi khô khan, dành cho các chính trị khoa bảng và cả kiến thức chỉ bằng đầu bút bi… nên theo lời người bạn, đem chuyện võ lâm giang hồ, bắt chước cụ Huỳnh Tịnh Của trong “Chuyện Giải Buồn”.
Trong võ hiệp kỳ tình, nhà văn Kim Dung đã tạo dựng nhiều khuôn mặt độc đáo, sắc thái đặc biệt qua từng nhân vật trong chốn võ lâm với hàng vạn trang sách. Tác phẩm võ hiệp của Kim Dung được ăn sâu trong lòng hàng trăm triệu độc giả trên thế giới. Nói đến Kim Dung, nói đến võ hiệp, chưởng... nó lôi cuốn, hấp dẫn, trở thành thân thuộc từ tiểu thuyết đến phim ảnh.
Mỗi nhân vật trong thế giới võ lâm được Kim Dung xây dựng nó bàng bạc, ẩn tàng, có khi tiêu biểu cho hình ảnh đáng lưu tâm nào đó đang hiện hữu trong cuộc sống.
Kim Dung không phải là nhà văn tiên phong về võ hiệp kỳ tình - tiểu thuyết kiếm hiệp, chưởng - nhưng ông là người đã đưa bộ môn nầy lên đỉnh vinh quang.
Kim Dung có sức viết mạnh mẽ, liên tục từ ngày nầy sang ngày khác trên trang báo của mình để cho ra đời hàng chục tác phẩm vô cùng hấp dẫn làm mê hoặc độc giả khắp nơi khi đón nhận võ hiệp kỳ tình. Tên ông đã chễm chệ trở thành bộ môn tiểu thuyết kiếm hiệp, Bernard Carpentier đã luyện chưởng và giới thiệu nhà văn Kim Dung qua những thập niên cầm bút với độc giả Âu Châu.
Theo lời giáo sư Viện Đại Học Quốc Gia Úc John Minford, tổng số khán giả ái mộ tác phẩm của Kim Dung theo thống kê tính ra đã đến một phần ba con số dân cư trên thế giới. Tiểu thuyết của Kim Dung có sức lôi cuốn, hấp dẫn làm người đọc say mê nên thu hút số độc giả lớn lao. Ảnh hưởng đó tác động đến các nhà nghiên cứu văn học tổ chức nhiều cuộc Hội Thảo Quốc Tế vể tiểu thuyết Kim Dung.
Không phải chỉ nơi chốn giang hồ hắc bạch mà trong cuộc sống luôn luôn bắt gặp hình ảnh Nhạc Bất Quần lúc ẩn lúc hiện, nếu chịu khó điểm danh, vô vàn quái thai thời đại.
Thời điểm của Tiếu Ngạo Giang Hồ với “ngũ nhạc kiếm phái” lấy 5 ngọn núi nổi danh: Thái Sơn, Tung Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn, Hoa Sơn.
Hằng Sơn ở Bắc nhạc với chưởng môn Định Nhàn.
Hoa Sơn ở Tây Nhạc với chưởng môn Nhạc Bất Quần.
Thái Sơn ở Đông nhạc với chưởng môn Thiên Môn chân nhân.
Hành Sơn ở Nam nhạc với chưởng môn Mạc Đại tiên sinh.
Tung Sơn ở Trung nhạc với chưởng môn Tả Lãnh Thiền.
Hoa Sơn ở Tây Nhạc với chưởng môn Nhạc Bất Quần.
Thái Sơn ở Đông nhạc với chưởng môn Thiên Môn chân nhân.
Hành Sơn ở Nam nhạc với chưởng môn Mạc Đại tiên sinh.
Tung Sơn ở Trung nhạc với chưởng môn Tả Lãnh Thiền.
Trong 5 chưởng môn của ngũ nhạc kiếm phái đó, Định Nhàn là bậc tu hành, Mạc Đại tiên sinh thuộc bậc chính nhân quân tử. Với 3 nhân vật “tâm xà khẩu Phật” còn lại, Thiên Môn thuộc loại võ công kém cõi, 2 tay cao thủ võ lâm cáo già Nhạc Bất Quần và Tả Lãnh Thiền “ngoài thì hiệp ước trong thì dao găm” nói ra thì nhân nghĩa nhưng bụng dạ thì “lòng lang dạ sói”.
Nhạc Bất Quần (không chơi với ai) chưởng môn phái Hoa Sơn, nơi có ngọn Ngọc Nữ thơ mộng. Nhạc Bất Quần được anh hùng võ lâm tôn xưng danh hiệu Quân Tử Kiếm. Con người tướng mạo thanh tao, mặt đẹp như ngọc, chính khí hiên ngang, ăn nói nhã nhặn, không tranh cãi thị phi, không xuất chiêu lén lút. Tuy tuổi đã lục tuần với năm chòm râu dài, nhờ luyện nội công thâm hậu, khai sáng khí tông, sống cuộc sống điều độ nên trông còn trẻ.
Về nội công nổi danh hắc bạch giang hồ khiếp vía với Hỗn Nguyên Thần Công và Tử Hà Thần Công. Về kiếm pháp với Tiêu Sử Thừa Long, Xung Linh Kiếm Pháp, Lộng Ngọc Xuy Tiêu, Lãng Tử Hồi Đầu... làm rạng danh phái Hoa Sơn.
Bên trong, Nhạc Bất Quần là kẻ ngụy quân tử, con người gian manh thủ đoạn, khôn ngoan đáo để, ham danh tột cùng. Tả Lãnh Thiền cài đệ tử thân tín của mình là Lao Đức Nặc vào làm nội tuyến trong phái Hoa Sơn. Nhạc Bất Quần biết được nhưng làm ngơ và giả vờ tín nhiệm giao phó công việc truy tìm Tịch Tà Kiếm Phổ, với 72 đường Tịch Tà kiếm pháp, đệ nhất kiếm pháp thế gian do Độ Nguyện thiền sư, tục danh là Lâm Viễn Đồ, thân phụ của Lâm Chấn Nam, tu luyện sau khi có con, lưu danh hậu thế. Lâm Viễn Đồ học lại võ công tuyệt thế biến thiên như Quỳ Hoa Bảo Điễn, trong đó phải “muốn luyện chân kinh phải tự thiến mình” nếu không, khi đến mức thượng thừa, lửa dục thiêu đốt ruột gan. Và, Tịch Tà Kiếm Phổ cũng vậy.
Lợi dụng thời cơ phái Thanh Thành tàn sát Phước Oai tiêu cục của Lâm Chấn Nam, Nhạc Bất Quần cho đệ tử hạ san để truy lùng cho được Tịch Tà Kiếm Phổ. Con trai duy nhất dòng họ nhà Lâm còn sống sót là Lâm Bình Chi, trên đường tìm kiếm cha mẹ. Nhạc Bất Quần âm thầm theo dõi và đợi cho lúc lâm nguy, ra tay cứu vớt, nhận làm đệ tử. Cướp được Tịch Tà Kiếm Phổ trong tay, Nhạc Bất Quần vu oan cho đại đệ tử của mình là Lệnh Hồ Xung, vu cáo đệ tử giao kết với phường tà đạo và đuổi ra khỏi Hoa Sơn.
Biết được Lao Đức Nặc nằm vùng, Nhạc Bất Quần chép bản Tịch Tà Kiếm Phổ giả rồi tạo dựng cơ hội cho Lao Đức Nặc đánh cắp đem về hiến dâng cho Tả Lãnh Thiền tu luyện. Điều nguy hiểm trong Tịch Tà Kiếm Phổ, muốn tu luyện đến mức vi diệu phải “dẫn đao tự cung”, tự thiến bộ phận sinh dục. Trở thành “hoạn quan” nhưng kiếm pháp vào bậc nhất võ lâm để thống lĩnh quần hùng. Bản giả của Nhạc Bất Quần bớt đi cái uyên thâm của phần cuối và không ghi “dĩ đao tự cung” nơi đầu kiếm phổ để chuẩn bị tư thế luyện kiếm.
Nhạc Bất Quần luyện Tịch Tà Kiếm Phổ, lơ là chăn gối với vợ là Ninh Trưng Tắc, mệnh danh Hoa Sơn Ngọc Nữ Ninh, kiếm pháp tuyệt vời, Nhạc Bất Quần trở thành ái nam ái nữ, râu dần dà rơi rụng, tiếng nói lại cái, dáng điệu yểu lả... nhưng cố gắng hóa trang trông bề ngoài như cũ. Nghe lời vợ năn nỉ khuyên nhủ, Nhạc Bất Quần tạm thời vứt Tịch Tà Kiếm Phổ xuống thung lũng ngọn Thiên Thanh, chẳng may Lâm Bình Chi phục kích theo dõi, nhặt được bí kiếp, vì muốn báo thù Lâm Bình Chi tự thiến để luyện. Không thấy dấu vết tấm áo cà sa mang bí kiếp Tịch Tà Kiếm Phổ, Nhạc Bất Quần nghi ngờ đệ tử Lâm Bình Chi nên đem con gái là Nhạc Linh San vừa ngoan vừa đẹp, võ công cao cường, gả cho chàng họ Lâm thổ tả. Tuy không hưởng được giây phút ái ân, tình nghĩa vợ chồng nhưng khi bị Nhạc Bất Quần tra hỏi dọ ý, Nhạc Linh San nói dối có hạnh phúc. Tưởng đâu con gái bị Lâm Bình Chi “xơ múi” rồi nên yên tâm chàng rể không luyện Tịch Tà Kiếm Phổ, nếu biết được, Nhạc Bất Quần sẽ thủ tiêu chàng rể của mình.
Sau nầy, Lâm Bình Chi bị mù mắt vì khi cận chiến giết chết cao thủ Mộc Cao Phong, lưng gù của Mộc Cao Phong là túi chất độc cực kỳ liền bắn vào mắt, vô phương cứu chửa. Lâm Bình Chi nổi điên, giết vợ là Nhạc Linh San, đầu quân Tả Lãnh Thiền rồi cũng vào vòng nghiệt ngã.
Luyện được kiếm phổ, Tả Lãnh Thiền hí hửng mở cuộc tranh hùng. Trong lần tranh hùng ở Phong Thiên Đài trên ngọn Tung Sơn vào ngày rằm tháng 3 theo ý đồ của Tả Lãnh Thiền để chọn minh chủ của ngũ nhạc kiếm phái. Tả Lãnh Thiền đã bỏ ra mấy chục năm tu luyện bí kiếp của phái Tung Sơn nhưng trong lần giao đấu một mất một còn để “tranh bá đồ vương”, hai tên cáo già đều xử dụng Tịch Tà Kiếm Phổ. Nhạc Bất Quần dùng Tịch Tà Kiếm Phổ chính hiệu đâm đui mắt đối thủ Tả Lãnh Thiền đang xử dụng Tịch Tà Kiếm Phổ giả mạo... Nhạc Bất Quần trở thành minh chủ ngũ nhạc.
Theo những thăng trầm, đắng cay, oan nghiệt của dòng đời, đại đệ tử Lệnh Hồ Xung của Hoa Sơn nhận diện được khuôn mặt ngụy quân tử của sư phụ năm xưa, những biến loạn đau thương trong chốn võ lâm do sư phụ dàn dựng gieo tai họa cho võ lâm bá tánh. Thời gian thọ hình phạt của sư phụ Nhạc Bất Quần, Lệnh Hồ Xung học được chân truyền của thái thúc sư tổ Phong Thanh Dương, tiêu biểu cho kiếm tông, với 9 thế kiếm trong Độc Cô Cửu Kiếm của Độc Cô Cầu Bại “kiếm khí miên man bất tận như nước chảy mây trôi” trong hang động trên ngọn Hoa Sơn. Lòng tham lam thống lĩnh đệ nhất võ lâm làm Nhạc Bất Quần trở thành kẻ mất nhân tính.
Khi bộ mặt thật bị lột, Nhạc Bất Quần cũng bất kể thị phi vẫn theo đuổi mộng bá quyền võ lâm nhưng rốt cuộc, kẻ gian tà phải đền tội ác. Cùng với người tình Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh đem độc dược khống chế Nhạc Bất Quần và ni sư Nghi Lâm kết thúc cuộc đời quân tử kiếm với đường kiếm nhẹ nhàng.
Vì mưu đồ cho bản thân, Nhạc Bất Quần bất chấp vợ con, người thân tín nhất trên đời còn bị lừa và lợi dụng thì đối với tha nhân, lão ta không chừa bất cứ thủ đoạn nào.
Đó, hình ảnh của Nhạc Bất Quần. Ông bà ta thường nói, tên giữ chữ đọc, cây ngay không sợ chết đứng, thế nhưng khi có chính khứa mồm loa mép giải nghe thoảng thoảng tên Nhạc Bất Quần, nộ khí xung thiên, kéo bè kéo nhóm đào bới lung tung.
Nhân vật Nhạc Bất Quần của ông trở thành hình ảnh quen thuộc trong chính giới, trong đời sống xã hội để bày tỏ khuôn mặt nào đó mang diện mạo quân tử mà bụng dạ tiểu nhân, nhẹ nhàng nhưng vô cùng thấm thía.
Trong đời sống chúng ta, không ít thì nhiều cũng gặp phải khuôn mặt Nhạc Bất Quần đưa đường dẫn lối với bao ngỏ ngách, lúc thịnh lúc suy nhưng chung cuộc trong màn đêm bao phủ.
Nhân vật điển hình gian trá, “xạo hết chỗ nói” như xã hội chủ nghĩa - XHCH - mà ngày nay trên chính trường xứ Cờ Huê trở thành đệ tử của Nhạc Bất Quần, nào “thương vay khóc mướn”, nào là “quỳ gối tiếc thương” bên quan tài kẻ đạo chích. Những nhân vật lẫy lừng nầy thâm niên trong chính trường xứ Cờ Huê cũng đoan mưu toan thống trị đất nước trở thành trò hề kịch cỡm.
Không thể nào ngờ siêu cường số một trên thế giới lại xảy ra nhan nhản những khuôn mặt thời đại mà Kim Dung mô tả trong thế giới hư cấu chốn võ lâm.
Nhắc đến Nhạc Bất Quần mà thương cho Lệnh Hồ Xung, cây ngay không sợ chết đứng, chịu bao oan khiên, chống chọi bao với hiểm nguy do bọn “ngụy quân tử” phao tin đồn nhảm để chánh tà tưởng thiệt.
“Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai”, kẻ gian xảo ác độc chỉ tồn tại nhất thời, chỉ nổi đình nổi đám lừa bịp thời gian nào đó sẽ lộ nguyên hình loài khỉ đột trước công chúng.
Thiện tai!
Little Saigon, 26/7/2020
Vương Trùng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét