Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

Tên Gọi "Đường Luật Thi" Có Từ Bao Giờ?


Tên Gọi "Đường Luật Thi" Có Từ Bao Giờ?
Một câu hỏi có lẽ chỉ hỏi cho có, vì khó thể tìm được câu trả lời. Tuy nhiên, từ câu hỏi này cũng gợi ý cho chúng ta tìm hiểu rõ hơn về tên gọi "Đường Luật Thi".
Do hệ thống khoa cử của Việt Nam ta hầu hết đều sử dụng chữ Hán, trong đó có Thơ Đường Luật. Chúng ta thử truy nguyên tên gọi Đường Luật Thi. 
Bắt đầu từ Trung Hoa.

1/ Thi Ca Trung Hoa

Từ trước cho đến thời Xuân Thu (771 đến 476 trước Công Nguyên) người Hoa đã có thi ca, nội dung tương tự như ca dao của chúng ta, được Khổng Tử sưu tầm viết nên quyển Kinh Thi. 

Các dạng thơ được viết trong Kinh Thi cho đến trước triều đại nhà Đường, trải hơn ngàn năm, cũng có biến đổi đôi chút về số chữ trong câu, nhưng cũng không quá nhiều. 

"Từ đời Xuân Thu đến đời nhà Ðường, trên 1.000 năm, thơ Trung Quốc lần lần biến chuyển từ giản dị đến phức tạp, từ tự do đến câu thúc. Thơ trong bộ Kinh Thi do Khổng Phu Tử san định thời Xuân Thu (722- 479) trước Kỷ nguyên Thiên Chúa, số câu trong mỗi thiên, số chữ trong mỗi câu, đều không nhất định, cách hạ vần cũng tùy nghi. Ðến đời Tấn (265-420), thơ mới bắt đầu khép vào khuôn là mỗi câu 5 chữ, nhưng số câu thì dài ngắn tùy hứng tùy thích của thi nhân. Sang đời Lục Triều (420- 621), thi nhân lại tìm thêm một khuôn nữa là mỗi câu 7 chữ. Thời ấy văn học lại xu hướng thể biền ngẫu . Thẩm Ước lại xướng thiết tứ thanh, bát thể (bát bệnh) đem áp dụng vào thơ ngũ ngôn. Từ ấy, thi nhân phải theo những quy tắc về âm thanh về đối ngẫu; nhưng quy tắc không mấy chặt chẽ, ngòi bút vẫn tung hoành được tự do." (Trích Thi Pháp Thơ Đường của Quách Tấn)

Đến khi Thơ Luật xuất hiện, chúng đã mang một dáng dấp khác rất nhiều so với thơ có trước đó. Để phân biệt, các thi nhân đời Đường (?) đặt tên cho dạng thơ có từ trước là Cổ Thể, còn dạng Thơ Luật gọi là thơ Cận Thể (vào thời điểm này chưa có tên gọi Thơ Đường Luật).

"Phép tắc thơ Cận Thể, tức thơ Ðường luật, rất chặt chẽ. Mỗi thiên có định số câu, mỗi câu có định số chữ, mỗi chữ có định tiếng bằng Trắc, và câu nào đối với câu nào, câu nào niêm với câu nào v. v... người làm thơ phải tuân thủ nghiêm chỉnh . Luật thi lấy tám câu làm chính. Mỗi câu gồm có hoặc 5 chữ hoặc 7 chữ. Thơ 7 chữ 8 câu gọi là Thất Ngôn Bát Cú, hay là Thất Ngôn Luật Thi, gọi tắt là Thất Luật. Thơ 5 chữ 8 câu gọi là Ngũ Ngôn Bát Cú, hay Ngũ Ngôn Luật Thi, gọi tắt là Ngũ Luật." (Trích Thi Pháp Thơ Đường của Quách Tấn).

Ngoài Đường Luật Thi Bát Cú, còn Đường Luật Thi Tứ Tuyệt, bài thơ chỉ có 4 câu, tên gọi là Thất Ngôn Tứ Tuyệt và Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt.

Đến thời Nguyên, Thanh, cho tới nay, để phân biệt thơ thời Đường và thời Tống. Các thi gia mới đặt tên là Đường Thi và Tống Thi. 
Người Hoa không có tên gọi Đường Luật, mà gọi là Luật Thi, vì họ chỉ có Thơ làm theo luật duy nhất là thơ Cận Thể mà thôi.

2/ Thi Ca Việt Nam

Trước khi Thơ Đường Luật xuất hiên, ở nước ta có dạng thơ Lục Bát. Tuy nhiên, Dạng thơ này không được các triều đại sử dụng, mà chỉ dùng dạng thơ Cận Thể của Tàu trong thi cử. Có thể do nước ta có thơ riêng, cũng có nguyên tắc luật lệ, để phân biệt, các nhà nghiên cứu của ta mượn tên Đường Thi của người Tàu và thêm chữ Luật, gọi là Đường Luật Thi. Trước là để phân biệt thơ của nước ta, sau là phân biệt Thơ làm vào đời Đường (Đường Thi) với thơ làm theo Luật (Đường Luật Thi).

3/ Kết Luận

Từ những dữ liệu, ý kiến và suy luận trên, chúng ta có thể đi đến kết luận tên gọi "Đường Luật Thi" không hề có ở bên Tàu, mà chỉ xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian sau này mà thôi.

Huỳnh Hữu Đức

1 nhận xét: