Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

Tản Mạn Nhân Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương


Lâu lắm rồi KimPhú từng có nghe:

"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ Mồng Mười Tháng Ba…”

Nghe câu nhắc nhở từ dân gian, KimPhú cũng ước ao có dịp được về thăm viếng nơi di tích thiêng liêng của Việt Nam, để lắng nghe được cảm xúc dâng lên từ trái tim mình khi đứng trên mảnh đất mà xưa kia, tiền nhân đã lưu lại biết bao dấu ấn cho đàn con cháu chúng ta. 

KimPhú từng mang ba lô đi khắp nẻo đường đất nước, từ Mũi Cà Mau mênh mông sóng biển, đến biên giới Lạng Sơn heo hút xuyên qua hằng trăm di tích lịch sử, những thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam đã quyến rũ biết bao khách du lịch trong nước lẫn nước ngoài…vậy mà ước mơ thăm viếng Đền Hùng đúng vào dịp Giỗ Mồng Mười Tháng Ba Âm lịch…KimPhú chưa kịp thực hiện hoài bảo của mình, thì đã đi định cư ở Mỹ 17 năm nay rồi…Thật là tiếc lắm, bởi vì hiện tạivới tuổi đời chỉ năm sau là đến tám mươi, mấp mé bờ sanh tử, chắc không có dịp và còn sức để thực hiện giấc mơ về thăm nguồn cội của tiền nhân cho thỏa chí phiêu bồng…

Nên hôm nay, xin kính mời quý tiền bối, quý anh chị em thương yêu, dành chút thì giờ vui lòng đọc bài KimPhú góp nhặt trên Internet, gom lại thành bài viết cộng thêm truyền thuyết của dân gian, kể lại các vị Tổ của chúng ta, dù không đầy đủ lắm so với thời gian hằng mấy ngàn năm trị nước của các Ngài, ngoài tập tục thờ cúng, tín ngưỡng, cưới xin, ma chay, trồng lúa, làm hèm, và bánh chưng bánh dày được truyền lại từ đời nầy sang đời khác trong Tế Lễ Đền Thờ các vị Vua Hùng, Miếu, Chùa của người sau thờ cúng các bậc tiền nhân cùng một số vật tìm được do khảo cổ như Trống Đồng Đông Sơn, mũi tên sắt, rìu, giáo, dao găm, trống đồng minh khí, các vật dụng bằng đồng thau, trang sức, thạp, thố, âu…cũng khá đủ khiến cho ta không khỏi ngậm ngùi nhớ về mấy ngàn năm từ xa xưa mà các Ngài đã để lại cho ngàn sau, nhất là các lớp
cháu con vẫn không thiếu lòng trung kiên nghĩa khí, vốn tinh thần quý giá của tiền nhân, cùng việc trải qua hàng ngàn năm bị đô hộ mà tổ tiên ta cũng giữ lại được tiếng nói cho người dân Nước Việt từ xưa đến giờ, không để bị đồng hóa bởi Tàu, thật cũng đáng cho hậu sinh chúng ta vô cùng kính phục...

Truyền thuyết Nước Việt từ thuở hồng hoang…

(Kính mời đọc giải buồn, nếu có chi thất thố hay thiếu sót, mong quý vị vui lòng miễn thứ, xin đa tạ.)

- Cháu 3 đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh, sanh ra Đế Nghi. Đế Minh đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sanh ra Lộc Tục. Lộc Tục Thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Lộc Tục không dám vâng mệnh mà cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi nối ngôi cai quản phương Bắc, và phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai quản phương Nam, Lộc Tục đặt tên nước là Xích Quỷ.
- Kinh Dương Vương Lộc Tục xuống Thủy phủ, lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long, sanh ra Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân thay cha trị trước, Kinh Dương Vương không biết đi nơi đâu, không để lại vết tích.
- Đế Nghi ở phương Bắc, truyền ngôi cho Đế Lai, Đế Lai nhân Thiên hạ vô sự, mà đi chu du khắp nơi, đi qua nước Xích Quỷ, thấy Lạc Long Quân đã về Thủy phủ, liền lưu con gái mình là Âu Cơ ở lại đó.
- Lạc Long Quân trở về, thấy Âu Cơ xinh đẹp, liền biến mình là chàng trai phong tú mỹ lệ, nên Âu Cơ ưng theo, Lạc Long Quân rước nàng về núi Long Trang. Sống với nhau được 1 năm sinh 1 bọc 100 trứng nở ra 100 trai anh dũng phi thường, Lạc Long Quân về ở lâu dưới Thủy phủ, Âu Cơ là người Bắc quốc, nhớ nhà gọi Lạc Long Quân trở về. Âu Cơ nói với Lạc Long Quân: "Thiếp vốn người Bắc quốc cùng ở một nơi với Quân, sinh 100 con trai mà không gì cúc dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, đã khiến ta người không chồng không vợ vò võ một mình…"

Lạc Long Quân bảo…"Ta là loài Rồng, sinh trưởng ở Thủy tộc, nàng là giống Tiên, người trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy là khí âm dương tương hợp lại mà có con, nhưng phương viên bất đồng, Thủy Hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem 50 con trai về Thủy phủ, phân trị các xứ, 50 con trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe không được bỏ nhau.” - Âu Cơ cùng 50 con trai ở lại Phong Châu, tự suy tôn người Hùng Trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương.
- Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh, lấy con gái Vụ Tiên mà sanh Kinh Dương Vương Lộc Tục, tức thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Động Đình Quân là Thần Long sanh ra Lạc Long Quân (Rồng). Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai (Âu Cơ), có phước lành sanh ra 100 con trai…đó chẳng phải là đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?…

- Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì tính thời điểm Kinh Dương Vương Lộc Tục lên ngôi năm Nhâm Tuất (năm 2879 trước CN) đến năm Qúy Mão (năm 258 trước CN) truyền được 18 đời. Các vua Hùng nối ngôi nhau trị vì 2622 năm. Nước Văn Lang tồn tại cho đến 258 trước CN bị Thục Phán An Dương Vương thôn tính.
- Hùng Vương đời thứ III là con trai của Lạc Long Quân, lên ngôi đặt Quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 Bộ là:

(1) Văn Lang, (9) Lục Hải,
(2) Giao Chỉ, (10) Vũ Định,
(3) Chu Diên, (11) Hoài Hoan,
(4) Vũ Ninh, (12) Cửu Chân,
(5) Phúc Lộc, (13) Bình Văn,
(6) Việt Thường, (14) Tân Hưng,
(7) Ninh Hải, (15) Cửu Đức,
(8) Dương Tuyền,

và đóng đô ở Bộ Văn Lang, Phong Châu.
- Đường bờ cõi : Đông giáp Biển Đông - Tây đến Ba Thục (Tứ Xuyên,Trung quốc) - Bắc đến Hồ Động Đình (Hồ Nam, Trung Quốc) - Nam giáp Hồ Tôn, tức Chiêm Thành.
- Hùng Vương sai các em phân trị, đặt em thứ làm Tướng võ, gọi Lạc Tướng, Tướng văn là Lạc Hầu. Con trai vua gọi Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bố Chính, thần bộc, nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, cha truyền con nối gọi Phụ đạo, thay đời truyền nhau, giữ hiệu Hùng Vương không đổi.
- Theo ý kiến của 1 số nhà Sử học, và có sự đồng thuận tạm chấp nhận 18 đời vua Hùng, không phải là 18 người, mà là 18 chi / nhánh / ngành, mỗi chi nầy có nhiều vị vua, thay nhau trị vì, dùng chung Vương hiệu là:

(1) Kinh Dương Vương,
(2) Hùng Hiền Vương Lạc Long Quân húy là Sùng Lãm,
(3) Hùng Lân Vương,
(4) Hùng Diệp Vương,
(5) Hùng Hi Vương,
(6) Hùng Huy Vương,
(7) Hùng Chiêu Vương,
(8) Hùng Vĩ Vương,
(9) Hùng Định Vương,
(10) Hùng Hi Vương *( Chữ Hi của vị Vương nầy khác với chữ Hi của vị Vương trên bởi khác về tự dạng và ý nghĩa),
(11) Hùng Trinh Vương,
(12) Hùng Vũ Vương,
(13) Hùng Việt Vương,
(14) Hùng Anh Vương,
(15) Hùng Triêu Vương,
(16) Hùng Tạo Vương,
(17) Hùng Nghị Vương,
(18) Hùng Duệ Vương (Vị Hùng Duệ Vương là vị sau cùng của họ Hùng, cuối cùng bị Thục Phán cướp mất nước Văn Lang.

- Nếu xét theo thời gian trị vì kéo dài đến 2622 năm cho 18 đời vua thì con số nầy khó thuyết phục, Nhà Sử học Ngô Thì Sĩ đã viết trong "Việt Sử Tiên Án" …"Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế? Điều ấy càng không thể hiểu được."
- Như đã nói trên, 18 đời nầy không phải là 18 người, mà là 18 chi / ngành / nhánh. Mỗi ngành gồm nhiều đời vua mang cùng Vương hiệu, khi dứt 1 ngành, thì mới đặt Vương hiệu mới cho ngành mới.
Thời gian trị vì cũng như tuổi thọ của Vương vị vua, có thể hiểu là tuổi của nhiều đời vua và số năm trị vì của nhiều đời vua cộng lại, nên với thời gian là 2622 năm của các vua Hùng theo cách giải thích nầy thì cũng không có gì là hoang đường.
- Vì vậy mới có câu:

Sơ khai Nam Việt hữu Kinh Dương
Nhất thống sơn hà thập bát Vương
Dư bách hệ truyền thiên cổ tại
Ức niên hương hỏa ức niên phương

- Nghĩa là:

Mở đầu Nam Việt có Kinh Dương
Mười tám ngành vua mười tám chương
Bách Việt sơn hà muôn thuở đó
Đời đời đèn nến nức thơm hương

- Mặc dù với thời gian 2622 năm trị vì của 18 đời vua Hùng đã gây ra không ít hoài nghi, tuy nhiên trong các bản Ngọc Phả, Thần Tích như bản Ngọc Phả Hùng Vương được soạn năm Thiên Phúc nguyên niên (980) đời vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) nhà Tiền Lê, thì ghi không phải 18 đời vua Hùng mà là 18 nhành / ngành, tổng cộng 180 vị vua:
* "Dĩ thượng Hùng đồ thập bát diệp, tỷ phú truyền cơ thái bảo Nhất bách bát thập đại đế vương tôn vị nhất thống sơn hà"

Nghĩa là:
Mười tám nhành nhà Hùng, ngọc tỷ và ấn tín truyền quyền đại bảo trong khoảng 180 đời nhường ngôi đế vương, một mối non sông xa thư trị nước”
Nhiều tác phẩm khác như Tân Đính Lĩnh Nam Chích Quái của nhà Sử học thời Hậu Lê là ông Vũ Quỳnh cũng viết là 18 ngành vua Hùng.
- Trong Ngọc Phả Hùng Vương thì chữ "Đời" phải hiểu là chữ "Thế" trong Hán Tự, có nghĩa không phải là 1 đời người mà là "1 dòng gồm nhiều đời ". Hiện ở Đình Tân Đằng, huyện Ba Vì Hà Nội, còn Bài vị:
"Tam Vị Quốc Chúa" thờ 3 vị vua cuối cùng thuộc thế / chi / nhành Hùng Vương thứ 18.
- Bản Thần Tích xã Vi Cương (Phú Thọ) ghi chép khá rõ về các đời vua với những chi tiết liên quan, theo đó 18 ngành vua tổng cộng 180 đời nối nhau trị vì.
- Tính trong 18 Chi đời vua Hùng truyền ngôi đại bảo cho 180 đời đế vương, sơn hà quy về một mối, kiến lập được 122 thành điện. Tổng cộng các năm của 18 đời Thánh Vương di truyền ngôi cho các triều Thánh Tử Thần Tôn là 2622, thọ tất cả 8678 tuổi, sinh được 986 chi…”

Trước đây, người dân không có tục đi Lễ ngày Mồng 10 Tháng 3 Âm lịch, họ thường chọn ngày tốt theo từng bản mệnh của mỗi người và nô nức đến Lễ Bái các vua Hùng suốt năm, đông nhất là vào các ngày của mùa Xuân, Thu, chớ không định rõ ngày nào.
- Lễ Cúng Tổ ở địa phương thì được cử hành vào 12 Tháng 3 Âm lịch, kết hợp với thờ Thổ Kỳ. Con cháu ở xa về sẽ làm Giỗ trước 1 ngày chớ không mở Hội lớn trên toàn quốc.
- Nhận thấy điều nầy gây bất lợi vì người ta cứ lo đi cúng Giỗ quanh năm…Tuần Phủ Phú Thọ là ông Lê Trung Ngọc, vào năm 1917, niên hiệu Khải Định năm thứ nhất, đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định Lệ lấy ngày Mồng 10 Tháng 3 Âm lịch hàng năm làm ngày Quốc Lễ.

Từ đó về sau, vào ngày Mồng 10 Tháng 3, người dân cả nước tựu về vùng đất cội nguồn, Xã Hy Lương, Lâm Thao, Phú Thọ hiện nay, để tôn vinh công lao của các vị vua Hùng.


Nhớ Ngày Giỗ Tổ

Gìỗ Tổ Hùng Vương nước Việt ta
Dù cho cách biệt mấy quan hà
Thương về đất mẹ thời thân ái
Vọng đến làng cha thuở thuận hòa
Nghĩa tựa trầu cay thêm quấn quýt
Tình như vôi thắm khó phôi pha
Con Hồng cháu Lạc thề chung sức
Bảo vệ giang sơn biển đảo nhà
(ThanhSong ntkp-Họa)

CA.Apr/17/2024 (Nhằm ngày
Mồng 9 Tháng Ba Âm lịch)
Kim Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét