Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Giã Từ Tuổi Thơ


Sáng nay đi xem kết quả về, Thư nằm vùi, khóc sưng cả mắt. Công lao dùi mài kinh sử khổ cực cả năm trời đã thành công cốc! Tội nghiệp nhất là mẹ. Chắc bà thất vọng còn hơn Thư, nhưng thấy con gái ủ rũ như vậy bà cũng cố nén, an ủi :
- Thôi đừng buồn con ạ, học tài thi phận mà. Lần sau cố gắng nhiều hơn nữa. Yên chí, thế nào con gái của mẹ cũng thi đậu.
Thư rên rỉ:
- Bộ mẹ tưởng con không cố hết sức hay sao? Con học muốn khùng luôn đó!
- Mẹ biết! Mẹ biết! Thôi thì coi như ...xui!
Nói rồi bà Luân, mẹ Thư, cười. Thôi ngồi dậy rửa mặt ra ăn cơm. Bữa nay mẹ có món sườn ram mặn con thích.

Thư ngồi lên, xỏ chân vào dép. Bước ngang bàn học, nhìn đống sách vở còn ngổn ngang, nàng nhăn mặt rồi đi luôn vào buồng tắm. Đứng trước tấm gương tròn, Thư thấy một gương mặt phờ phạc, cặp mắt mọng đỏ, tóc tai bù xù. Nhìn chăm chú cái gương mặt lạ hoắc đó Thư lẩm bẩm "Ủa, mình đây sao? Xấu như ma lè!" Rồi thè lưỡi để tự chế nhạo mình, Thư cúi xuống vốc nước rửa mặt. Nước lạnh khiến nàng tỉnh táo hơn. Thư tự nhủ "Ừ, thì lần sau mình sẽ cố hơn. Thi rớt quê với mấy con ranh Ngọc, Hà... Nhất là con Lan Anh, sáng nay nó vác hất cái mặt thấy ghét!". Chỉ tội nghiệp con Ái Châu cứ theo an ủi Thư:
- Mày học khá mà sao rớt thiệt là kỳ. Thôi đừng thèm buồn, thua keo này ta bày keo khác. Ờ, mà sao con Lan Anh học thua mày mà nó lại đậu? Giọng Ái Châu có vẽ nghĩ ngợi. Tao nghi nó "quay" bài quá mày ơi.
Thư cười gượng:
- Thôi đừng nghi ngờ mang tội mày!
Trong lớp Thư thân nhất con Ái Châu. Ba má nó gốc Huế, lên buôn bán ở xứ Kontum này khá lâu. Hai đứa học chung từ năm Đệ Thất. Nó học rất giỏi, bọn con trai còn phải gờm.
Tiếng mẹ gọi lần nữa làm Thư vội vàng chải lại mái tóc, xong bước ra phòng ăn. Hôm nay anh Tiến không về, chỉ có hai mẹ con. Bà Luân đẩy dĩa sườn ram mặn tới trước mặt con gái, giọng âu yếm:
- Ăn đi con. Ăn nhiều có sức để học thi tiếp.
- Dạ. Lần tới không đậu, không về!
Thư đã qua cơn buồn, lấy lại tinh thần và cái máu tếu cố hữu lại nổi lên. Hai mẹ con cười rồi cầm đủa. Đang ăn, Thư chợt hỏi:
-Tuần này anh Tiến không về hả mẹ? Nghe con thi rớt thế nào anh ấy cũng mắng!
- Vớ vẩn! Bà Luân ngắt lời. Tại con muốn thi rớt sao mà anh con mắng? Nó nói gì có mẹ.
- Lần tới con phải gạo thật nhiều môn vạn vật mẹ ạ. Ban A mà con vẽ hình xấu ơi là xấu! Hóa thì học thuộc lòng dễ thôi. Môn toán con hơi kém.
-Hay con để mẹ nhờ cậu Thái kèm cho con.
- Thôi mẹ. Nhờ anh ấy kỳ lắm!
- Kỳ gì mà kỳ. Chỗ thân tình mà. Để mẹ nói cho.

Thái là con bác Minh. Bác gái là bạn buôn bán và rất thân với mẹ Thư. Nhà Thư ngó mặt ra đường Lê Thánh Tôn, nhà Thái ngó mặt ra đường Trịnh Minh Thế, nằm thành một góc chín mươi độ và dùng chung một giếng nước. Thái học trên Thư ba lớp. Sau năm Đệ nhị, trường Trung Học Công Lập hết lớp nên Thái phải về Sài gòn học tiếp. Anh chàng vừa đẹp trai vừa học giỏi thần sầu luôn. Lại là đứa con ngoan nữa chứ. Bác Minh gái mỗi lần gặp mẹ Thư là ca tụng cậu con trai cưng không tiếc lời. Hình như hai bà đang "âm mưu" chuyện gì đó. Vì thế mới nghe con gái than là bà già đã chụp ngay cơ hội. Chả là từ khi bác Minh gái, mỗi lần gặp Thư lại trêu: "về làm dâu bác nhen", làm con bé xấu hổ, cứ thấy bóng anh chàng Thái đâu là tránh liền.

Dùng cơm xong, Thư vừa mở cửa sau bước ra giếng định múc nước, bất ngờ gặp Thái đứng đó, Thư quay lui không kịp đành đứng đực người ra, mặt chợt đỏ (vô duyên chưa, Thư tự rủa thầm, mắc gì đỏ mặt!). Thái thì vẫn tự nhiên như không, reo lên:
- Thư! Lâu quá không gặp. Để coi. Dạo này xinh hẳn ra nhen.
Thư mắc cở, lắp bắp:
- Anh Thái khỏe không? Anh học dưới Sài Gòn chắc vui lắm hả?
- Ừ thì cũng vui. Nhưng đi xa cũng nhớ nhà lắm Thư à. Nhứt là nhớ mấy món ăn của má nấu.
Thư bỗng tò mò:
- Thư nghe nói mấy cô gái Sài Gòn đẹp lắm phải không?
Thái cười, núm đồng tiền trên má phải lúm sâu:
- Anh mắc học nên cũng không để ý lắm. Các cô Kontum cũng đẹp vậy. Còn đẹp hơn con gái Sài Gòn nữa đó.
- Thư nghi anh xạo quá à. Con gái xứ Thượng làm sao đẹp bằng mấy cô gái Sài Gòn!
(Trời, mới nói có mấy câu mà bao nhiêu ngại ngùng đã tan biến hết sạch. Mà còn có vẻ khoái nói chuyện với "chàng" mới chết chứ! Nhìn cái mũi thẳng gọn, cái miệng móm duyên và mái tóc lòa xòa trên vầng trán rộng cũng không tệ lắm! Con bé tự nhủ thầm và toét miệng cười).
- Cô này ghê nha. Dám nói anh xạo. Anh nói thiệt. Mấy cô ở xứ Thượng mà da trắng bóc hà. Anh thích da trắng.
(Sao mà thật thà như đếm vậy hở trời. Dân Nam kỳ có khác. Thư nghĩ thầm, nhìn Thái, đôi mắt như cười)
- Thư nghe bác nói anh Thái học kỹ sư điện phải không? Học chắc là khó lắm?
- Thi vô đó khó. Nhưng học không khó lắm đâu. Anh thích toán nên không thành vấn đề. À, kết quả thi Tú tài 1 vừa rồi ra sao?
Thư ngập ngừng, giọng buồn thiu:
- Trượt vỏ chuối rồi. Buồn quá trời!
-Còn kỳ nhì mà. Mà thôi, con gái thi rớt cũng không sao. Đâu có đi lính mà sợ. Thái an ủi.
- Anh nghĩ xem, công học cả năm mệt đứt hơi! Thư rớt môn toán.

Hai người đứng cà kê một hồi. Thái múc dùm Thư hai thùng nước rồi chia tay. Hôm sau, bà Luân nói với con gái là bắt đầu ngày mai, mỗi ngày Thái sẽ đến kèm cho Thư hai giờ toán. Con bé vui ra mặt khiến bà mẹ không khỏi ngạc nhiên. Hôm qua mới từ chối đây đẫy, hôm nay lại có vẻ...vui! Nghĩ thì nghĩ vậy chứ bà Luân rất hài lòng. Bà thấy hai đứa sao mà xứng đôi như cặp Tiên đồng Ngọc nữ! Bà còn nghĩ xa xôi, thằng này học giỏi, nếu lấy nhau, mai mốt con mình sẽ nhờ!

***

Hôm sau, Thư đang ngồi trong phòng học trên gác, chị người làm tên Xuân, nói vọng lên từ cầu thang:
- Thư ơi, có cậu Thái đến nè.
Thư vội vàng đi ra đầu cầu thang:
- Thư trên này. Mời anh Thái lên. Chị Xuân làm ơn mang cho Thư hai ly nước đá lạnh nhé.
Thái đi lên gác. Tuy bàn học trong phòng, nhưng Thư không dám mời Thái vô, mà mời ngồi ngoài bàn sa lông, rồi đem tất cả sách toán ra.
Một lúc sau chị Xuân mang hai ly nước đá lạnh và một đĩa cam đã cắt sẵn. Đặt tất cả lên bàn rồi mời:
- Bà nói mời cậu Thái dùng cam cho thấm giọng.
Chị này làm công cho nhà Thư đã lâu nên Thái không lạ gì:
- Cám ơn chị Xuân. Để đó học xong rồi tụi tui mới ăn sau.
- Có thực mới vực được đạo nghe cậu!
Thái kêu lên:
- Trời, bữa nay chị Xuân còn xổ nho!

Xuân cười lỏn lẻn rồi đi xuống nhà dưới. Thái có lối giảng bài rất rõ ràng, dễ hiểu. Hỏi ra mới biết, để có thêm tiền chi dụng, ngoài giờ học ở trường, Thái còn nhận kèm Toán lý hoá cho hai học sinh thi Tú tài một như Thư. Thời gian qua nhanh bất ngờ. Sau giờ học, hai người ăn cam, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Càng lúc Thư càng thấy có cảm tình với Thái. Chàng có lối nói chuyện tự nhiên (Nam kỳ mà lị!), không màu mè khách sáo. Nghĩ sao nói vậy, đôi lúc khá thật thà. Thái còn hỏi Thư:
-Nghe nói hôm trước có một anh chàng sĩ quan tới nhà Thư làm rùm beng vì chị Xuân này phải không?
Thư cười dòn tan:
-Cái nhà chị Xuân này coi cái mặt hiền hiền vậy mà đa tình ra phết anh ạ. Bả bắt cá hai tay. Bồ với anh Điền con bác Hợi ở gần Chùa Tam Bảo đó, rồi còn cặp thêm với anh Thiếu úy kia mới có chuyện.
Thái tò mò:
-Hai người đụng độ nhau sao?
-Thì đi đêm phải có ngày gặp ma chứ sao. Hôm đó chàng Thiếu úy vừa đi hành quân về đã vội vàng đi kiếm bà Xuân. Ai ngờ tới hàng keo chỗ sân vận động thì gặp bả với anh Điền đang ngồi ăn bò viên. Thấy thái độ quá thân mật của hai người, chàng Thiếu úy nổi xung thiên xông tới túm cổ anh Điền. Thế là đánh nhau. Bà Xuân sợ quá bỏ chạy về nhà. Chàng thiếu úy sau khi hạ đo ván anh Điền thì đến đây bấm chuông gọi cửa. Bà Xuân đâu dám ló mặt nên em phải ra hỏi ông ta muốn gì. Khi thấy vẻ đằng đằng sát khí của ổng em cũng rét phải gọi mẹ em ra. Cuối cùng sự thật phơi bày là bà Xuân tự nhận là cháu của mẹ em để bắt bồ với ổng. Hèn chi tối nào cơm nước xong bà ấy cũng diện le lói để đi chơi. Quần áo của bả ủi láng cóng còn hơn của Thư nữa mới nói...Rồi bất ngờ hôm đó ông ta bắt gặp bà Xuân với ông Điền. Bây giờ ông ta chỉ muốn nghe lời giải thích của bà Xuân. Mẹ em nghe vậy mở cửa bước ra ngoài, nhỏ nhẹ nói với ông ta:
- Nói thật với thiếu úy, Xuân là người làm của tôi, tuy nhiên tôi xem nó cũng như con cháu trong nhà. Thôi thì thiếu úy hãy quên nó đi. Xứ này thiếu gì con gái đẹp. Tôi xin thay mặt nó xin lỗi thiếu úy. Bỏ qua đi nhé.
- Cháu tức vì mình bị cô ta lừa dối. Nhưng bây giờ nghe bác nói vậy cháu cũng xin lỗi đã làm phiền bác. Thứ con gái này không đáng cho cháu luyến tiếc đâu! Nói xong ông ta bỏ đi. Mẹ em chửi bà Xuân một trận quá trời. Bả thề sống chết là không dám tái diễn cái trò nguy hiểm này.
Thái cũng lắc đầu, le lưỡi nói không ngờ!

Một tuần lễ trôi qua trong sự nuối tiếc của Thư. Thế là ngày mai anh ấy không còn đến đây dạy mình học nữa rồi. Thư hơi buồn. Không lẽ mình chạy qua nhà bác Lân để gặp anh ấy? Nhất định là không được. Cọc đi tìm trâu chứ có lý nào trâu đi tìm cọc?! Hoặc hẹn anh ấy đi uống sinh tố, ăn thạch chè ngoài bờ sông? Cũng không được. Tụi con Lan Anh, Ái Châu...mà biết, tụi nó sẽ trêu cho mà chết!
- Thư! Nãy giờ anh nói gì Thư có nghe không? Làm gì mà như mất hồn vậy? Giọng của Thái (cao hơn bình thường một tông) cắt đứt ngang giòng tư tưởng đang miên man chảy trong đầu của Thư, khiến con bé giật mình, ấp úng:
- Hả? Anh Thái nói gì Thư không nghe.
- Vậy Thư đang nghĩ gì đó. Nói nghe coi!
- Thư đang nghĩ...Thư đang nghĩ...Con bé càng ấp úng tợn. Thư đang nghĩ ngày mai anh Thái không tới dạy Thư học nữa.
Thái cười lớn:
- Trời, tưởng gì! Như vậy chứng tỏ là Thư thông minh. Anh giảng tới đâu hiểu liền tới đó. Bảo đảm kỳ hai mà không đậu thì chặt đầu anh.
- Ý, anh Thái nói gì nghe ghê quá vậy? Ai mà dám chặt đầu anh. Nếu có chắc bác Minh sẽ đến "trảm thủ" hết cả nhà người ta!
Hai người đang nói cười vui vẻ thì bà Luân từ dưới nhà đi lên:
- Hai đứa học xong chưa? Hôm nào có anh Tiến về thăm, Thái sang bác ăn cơm nhé.
- Dạ. Được gặp anh Tiến cháu mừng lắm. Anh Tiến là thần tượng của cháu đó bác. Cháu rất thích mấy anh phi công. Mai mốt nếu đi lính, cháu sẽ xin vô lính không quân. Thái nói một hơi, giọng đầy thích thú, khiến bà Luân cũng thấy vui lây. Tuy nhiên giọng bà thoáng buồn:
- Xem vậy chứ nghề này cũng nguy hiểm lắm cháu ạ. Súng đạn vô tình. Hơn nữa mình ở trên cao không thấy địch. Chúng nó dưới đất nhìn lên, thấy mình rõ mồn một!
- Mẹ! Sao con nói hoài mà mẹ vẫn cứ lo lắng. Anh Tiến không sao đâu. Thư nói giọng trách móc.

Thái vội đỡ lời:
- Thư nói đúng đó bác. Con người có số. Trời kêu ai nấy dạ. Bác cứ yên tâm đi. Có lo cũng không thay đổi được gì mà còn sanh bịnh đó bác. Ba cháu thường nói hoài "Quẳng gánh lo đi mà vui sống". Tại má cháu cũng hay lo như bác. Má cháu đang lo là cháu học xong phải đi lính. Ba cháu thì trái lại. Ổng nói: "Nếu ai cũng nghĩ như bà rồi chánh phủ lấy đâu ra người để đánh giặc, giữ gìn Tổ quốc? Làm trai cho đáng nên trai nhen bà!".
Nghĩ tới ông Minh bà Luân không khỏi bật cười. Nghe đâu hai ông bà này gốc người miệt Long Xuyên. Ông Minh tính tình xởi lởi. Thích nói bông đùa, nhưng là một người chồng rất mực yêu thương vợ con. Ông rất đẹp trai. Thái giống cha như đúc. Trong chợ có một bà góa chồng yêu ông, nhưng bị ông cự tuyệt. Chuyện này khiến cả chợ bàn tán và trêu ông dài dài. Ông giải thích, giọng dí dỏm:
- Trời ơi, tui bỏ ra ba năm ở rể. Trần ai khoai củ mới cưới được bà vợ chớ bộ. Đêm nào tui ngủ nhà ngoài cũng được bả lén đem đồ ăn tiếp tế. Tại buổi chiều ngồi ăn cơm với cả nhà, tui đâu có dám ăn thả ga, dầu ban ngày làm công chuyện mệt hết hơi! Bả biết tui đói nên bữa nào cũng giấu món gì đó đem ra cho tui ăn dặm. Tình nghĩa như vậy tui đâu có nở lòng nào "thấy trăng quên đèn" dầu cho đó là cây đèn dầu mù u! Í mà quên. Hồi mới qua ở rể đó, tui đâu có thấy mặt bả. Có lần tui chỉ thấy bả đứng dưới bến sông, đang xăn quần rửa chưn. Trời ơi, hai bắp chuối ta nói trắng như cục bột. Vậy là tui thương liền. Nói rồi ông ta cười ha hả, khoái chí! Bà Minh cằn nhằn:
- Ông này! Già rồi mà cứ nói cà rỡn, hổng sợ người ta cười.
- Nhờ cà rỡn vậy mới có người phái tui nha...
Bà Minh cắt ngang, sau khi đã xí một tiếng dài cả cây số:
- Ừ, thì có "Con ngựa thượng tứ" đó mê ông chớ ai!
Ông Minh chột dạ, sợ bà vợ đổ ghè thương bất tử:
- Thôi thôi. Giỡn chút mà. Tui có tình ý với người ta đâu mà bà giận.
Bà Minh thấy mình cũng vô lý nên liếc ông chồng, cười mím chi cọp.

Hai người có ba đứa con, mà Thái là con trai út. Anh cả và chị ba của Thái đã có gia đình con cái ở riêng. Bác Minh gái nhiều tuổi hơn mẹ Thư, nhưng hai bà rất hợp tính. Bà Minh vẫn ước ao hai người làm sui để tình cảm thêm đậm đà. Nhìn cảnh vợ chồng bà Minh yêu thương nhau đằm thắm, đôi khi bà Luân cũng tủi phận. Ông Luân qua đời vì bệnh tim cách đây năm năm, lúc Thư mới mười hai tuổi và Tiến mười tám, vừa đậu Tú tài toàn phần. Bà vẫn tiếp tục trông nom tiệm gạo như trước.

Tiến đang học Đại học năm thứ hai Luật khoa dưới Sài Gòn. Nhưng những cuộc biểu tình chống chính phủ, tình hình chiến sự ngày càng sôi động trên bốn vùng chiến thuật khiến Tiến quyết định dứt khoát. Chàng âm thầm làm đơn xin vào khóa đào tạo phi công mà không cho mẹ hay. Đúng như lời Trung tiên đoán. Với chiều cao một mét bảy mươi hai, nặng sáu mươi lăm ký, hai năm Luật Tiến đã dễ dàng được nhận.

Ngày được con trai báo tin bỏ học để nhập ngũ, bà Luân đã khóc hết nước mắt. Nhưng trước lời năn nỉ ỉ ôi của Tiến, bà dần dần xiêu lòng...và hiện tại Tiến đóng ở căn cứ không quân Biên Hoà.

***

...Thư đậu kỳ nhì. Buồn cười, hôm thi môn Toán, anh chàng giám thị phòng thi đến đứng bên Thư hỏi nhỏ: "Em có hiểu không?" Thư sửng sốt. Nếu nói không hiểu, chắc ông ta sẽ đứng đó để giải thích cho Thư hiểu hay sao đây? Tuy vậy, Thư cười, lễ phép trả lời " dạ hiểu". Ông ta đứng trên bục nhìn xuống đám thí sinh phía bên dưới. Nhưng lần nào ngước lên, con bé cũng thấy ông này nhìn mình chăm chú. Đến nỗi Thư đỏ mặt luôn! Chưa hết, ngày hôm sau thi môn Sử Địa. Có một ông giám thị khác canh lớp. Ông ta có khuôn mặt còn trẻ măng và hiền lành, đến cạnh Thư nói nhỏ "tôi là bạn của anh T. Anh ấy nói ngày mai sẽ đổi trở lại đây." Thư ngơ ngác, không hiểu T. là cái ông ma mãnh nào? Nhưng không dám hỏi. Hôm đó thí sinh phải vẽ bản đồ xứ Ấn Độ. Anh chàng quân nhân ngồi cạnh Thư hỏi nhỏ "chị biết vẽ bản đồ này không?" Thư lắc đầu. Anh ta nói thêm "chị nói thầy giám thị ra canh ngoài hành lang, tui sẽ dở cuốn sách ra xem rồi mình vẽ theo". Nói xong anh ta lận trong lưng ra cuốn Địa lý. Thật là hết nói! Tuy vậy Thư cũng ra hiệu thầy đến gần, nói nhỏ nhờ thầy canh dùm giám thị hành lang cho anh chàng quân nhân "quay bài", tất nhiên con bé cũng có chấm mút... Vậy mà ông thầy hiền như Bụt này cũng ra đứng trước cửa lớp canh giám thị hành lang!

Quả nhiên, hôm sau ông giám thị hôm đầu tiên trở lại gác phòng thi của Thư. Con bé chợt hiểu. À, thì ra đây là "anh T.". Nhưng tại sao ông ấy lại chú ý đến Thư? Con bé mù tịt không hiểu nỗi! Không lẽ mẹ có gửi gấm mình với ông ta? Mà Thư đi Qui Nhơn thi một mình với cả lớp, chứ mẹ đâu có đi theo. Lạ thật! Thôi kệ ông ta. Lo thi đi nhỏ ơi! Thư nhủ thầm.

Có điều Thư không biết là T. biết con bé. Và biết rất rõ nữa là khác. Gia đình T. ở Kontum. Nhưng chàng rời Kontum đi Huế học rất sớm. Sau này trở thành giáo sư trung học và đổi về dạy trường Trung Học Qui Nhơn. Hè năm trước T. về thăm gia đình. Một hôm cả nhà đi ăn mỳ ở tiệm mỳ cạnh nhà Thư. Trời xui đất khiến thế nào mà T. nhìn thấy con bé cũng đang ăn ở đó với đám bạn gái .Mấy cô nhỏ cười nói tự nhiên như không. Khuôn mặt trái soan trắng hồng, mái tóc tơ mềm rẻ giữa rủ ngang vai và nhất là chiếc miệng khi cười xinh ơi là xinh, khiến ông giáo sư trẻ thấy lòng cũng hơi thinh thích. Giá mà được đặt chiếc hôn lên đôi môi kia chắc là ...! chàng cả gan nghĩ thầm. Nhưng rồi khi rời Kontum ít hôm sau đó T. dần dần quên cô bé. Cho tới hôm đi gác thi. Bước vào phòng thi, vừa mới gặp lại khuôn mặt đó, đôi môi đó...bây giờ cô bé còn xinh hơn năm ngoái nhiều, T. thấy tim mình như ngừng đập. Dù biết là không nên, nhưng T. không cưỡng được, bước đến bên Thư. Hôm sau, T. đã gửi gấm Thư cho người bạn thân gác phòng thi và hôm sau nữa chàng đã cày cục xin đổi trở lại phòng đó để được gặp lại cô bé...Và bổn cũ soạn lại. Ông giám thị T. lại đến cạnh Thư hỏi "Em có hiểu bài không?" và con bé lại lễ phép trả lời "dạ hiểu". Rồi cặp mắt ông ta lại tiếp tục đậu trên khuôn mặt bối rối của Thư. Sau này cô em họ ở Qui Nhơn kể lại rằng mấy cô thí sinh cùng phòng với con bé đồn Thư là "bồ" của thầy T. Thật là oan ơi ông địa!!!

Chiều nay Thái qua nhà Thư bằng cửa sau, khi Xuân ra giếng múc nước. Biết có Thư ở nhà, Thái đi thẳng lên nhà trên. Nghe tiếng Xuân gọi báo có Thái qua chơi, Thư mừng rỡ mời Thái lên phòng khách trên lầu. Xuân bận nấu cơm nên Thư xuống bếp làm hai ly nước chanh bưng lên mời Thái. Anh chàng đưa mắt ngắm mấy bức sơn mài treo trên tường, khen đẹp. Thư chợt nhớ, hỏi:
- Chừng nào anh Thái đi Sài Gòn?
- Còn một tuần nữa anh đi rồi. Anh vô trong đó để còn đi kiếm "cần câu cơm" càng sớm càng tốt.
Thư không hiểu:
- Cần câu cá chứ sao lại cần câu cơm hả anh?
Thái cười dòn dã:
- Thư ơi là Thư. Tức là anh đi kiếm học trò để dạy kèm thêm đó biết chưa? Tiền ba má anh cho không đủ xài.
- Kiếm học trò thì nói kiếm học trò. Còn bày đặt nói móc ngéo! Thư háy. Từ hôm Thái kèm toán cho Thư, cô bé đã tự nhiên hơn nhiều. Riêng Thái thì không biết cái "âm mưu" của hai bà mẹ, nên đối với Thư lúc nào cũng tự nhiên. Nói chuyện một hồi, Thái móc trong túi áo ra một phong thư màu xanh nước biển trao cho Thư, rồi ngập ngừng:
- Thư làm ơn đưa dùm anh bức thơ này tới tay Ái Châu nha.
Nụ cười đang nở tươi rói trên môi con bé, bỗng vụt tắt như ngọn nến đang cháy bỗng bị trận cuồng phong thổi qua. Thư lắp bắp:
- Đưa thư này cho con Ái Châu?
- Ừ. Thư đưa dùm anh càng sớm càng tốt nha. Anh muốn Ái Châu trả lời trước khi anh đi Sài Gòn. Giúp anh được không?
Dù cõi lòng đang tan nát, Thư cũng gượng cười:
-Sao lại không. Anh cứ yên chí. Bức thư sẽ đến tay con Ái Châu tối nay. Được chưa?
Được Thư nhận lời làm chim xanh, Thái mừng lắm cám ơn rối rít và căn dặn Thư nói bạn trả lời sớm sớm.
Thư tò mò hỏi:
- Anh quen với con Ái Châu bao giờ mà Thư không biết?
Anh chàng nam kỳ thật thà khai:
- Lúc Thư đi Qui Nhơn, nhà Ái Châu làm một bữa tiệc mừng cô ấy thi đậu. Thằng Chương, anh của Châu là bạn của anh, nên nó mời anh tới chơi luôn. Thằng Chương đang học Chính Trị Kinh Doanh trên Đà Lạt. Hôm đó ăn ngoài vườn. Ái Châu bưng một mâm đồ ăn từ trong bếp đi ra. Con chó Nhật của Châu rượt theo con mèo tam thể, nhào vô chân cô chủ làm cô nàng loạng choạng. Đúng lúc anh tới. Anh hùng bèn làm một màn nhào vô cứu mỹ nhân liền. Vậy là quen. Anh biết Ái Châu hồi nhỏ. Đâu có ngờ bây giờ đẹp dữ thần vậy? Nói chuyện với Ái Châu anh thích lắm. Hai đứa thiệt hợp tính nhau...
- Mới gặp lần đầu sao anh biết hợp? Thư bực bội cắt ngang.
- Thì Châu thích xi nê, anh cũng thích xi nê nè. Châu thích đi du lịch, anh cũng thích đi du lịch nè...
- Con Châu thích ăn xí muội, chắc anh cũng thích ăn xí muội. Con Châu thích ăn cóc, ổi, soài dầm, chắc anh...
- Thư này! Chọc anh hoài. Anh nói hai đứa hợp thiệt mà. Ráng giúp anh đi, anh cám ơn. Thái ngượng nghịu cắt lời Thư. Mà nói thiệt, nghe giọng Huế êm như ru sao mà thấy thương gì đâu! Ánh mắt anh chàng bỗng xa vời, như đang đắm chìm vào chất giọng ngọt ngào, êm dịu của các cô gái Huế khiến Thư không khỏi tức cười.
Nhìn gương mặt điển trai, mà thật thà của Thái, Thư thấy tiêng tiếc. Nhưng nếu Thái không thích Thư thì cũng đành. Con bé có nhiều cảm tình với Thái, nhưng cũng rất yêu mến Ái Châu. Thật tình mà nói, Ái Châu hơn Thư nhiều thứ. Học giỏi hơn, đẹp hơn, nói năng cũng dịu dàng nhỏ nhẹ hơn. Quả thật giọng các cô gái Huế sao mà êm như nhung! Bạn bè và cả thầy cô đều mến Ái Châu. Vì thế chuyện Thái bị con nhỏ hớp hồn thì cũng tự nhiên thôi. Thư có nhiều tính xấu, nhưng may ông Trời không "ban" thêm cho con bé tính ghen tị. Sau ít phút buồn buồn, Thư đã lấy lại tinh thần, nói chuyện vui vẻ như trước.
-Anh nghe Ái Châu nói năm nay cô ấy xuống Sài Gòn học tiếp Đệ Nhất phải không? Thái hỏi.
-Đúng đó anh. Ái Châu sẽ ở nhà dì nó. Thư nghe nói đâu trong xóm Hòa Hưng, gần khám Chí Hòa.
Thái reo lên:
-Trời ơi, may quá. Anh ở trọ đường Tô Hiến Thành, không xa đó mấy.
- Anh xẹt qua nhà nó gần lắm phải không? Để con người ta học hành đàng hoàng. Đừng có rủ rê đi xi nê hoài, cuối năm thi rớt à! Thư trêu.
- Trái lại thì có. Anh sẽ kèm trẻ tư gia không lấy tiền công, lại còn bảo đảm thi đậu trăm phần trăm. Thôi anh về đây. Chiều nay má anh đổ bánh xèo. Thư qua ăn không?
- Bộ tính trả công cho Thư đó hả?

Thái cười cười rồi từ giả. Thư cầm bức thư lật qua lật lại, ngắm nghía rồi cảm thấy cuộc đời thật trớ trêu. Bao nhiêu chàng si tình gửi thư mà nào có được hồi âm của nàng. Giờ đây, lần đầu tiên người con trai mà nàng có cảm tình lại trao tình yêu của hắn cho con bạn thân nhất. Trớ trêu là chính nàng trở thành chim xanh, bắt nhịp cầu cho hai người này mới khổ!

Ăn tối xong, Thư cầm phong thư đến nhà Ái Châu. Nhà nó là một căn biệt thự xinh xắn nằm trên đường Trịnh Minh Thế. Lối đi vào nhà trồng hoa rực rỡ. Hồng, cúc, thược dược đều có. Nhưng Thư yêu nhất cây hoa ngọc lan trong góc vườn. Lần nào tới Thư cũng hái vài nụ bỏ túi đem về. Những nụ hoa cánh trắng muốt, thơm dịu dàng.

Ái Châu cũng vừa ăn cơm xong. Hai đứa dắt nhau ra ngồi trên chiếc xích đu, dưới tàn cây ngọc lan. Nói chuyện trời trăng mây nước một hồi, Thư bỗng quay nhìn Ái Châu chăm chú rồi cười nửa miệng:
- Nè Châu. Bồ đã gặp anh Thái. Thấy anh ấy thế nào?
- Hả? Ừ, thì mình thấy ảnh cũng...dễ mến! Bị hỏi bất ngờ, Ái Châu lúng túng, trả lời ngập ngừng.
- Nhưng "người ta" thì thấy bồ...dễ yêu!
Nói xong Thư cười dòn, móc túi lấy phong thư dúi vào tay Ái Châu. Lúc đầu con bé dẩy nẩy không chịu cầm. Thư phải nói:
- Cầm lấy đi. Đọc xong rồi tùy bồ. Anh ấy thật tình lắm. Thấy bồ là bị tiếng sét đánh trúng liền. Về nhà tương tư nàng bỏ ăn bỏ ngủ đấy. Bữa nay chỉ còn bộ xương cách trí!
Ái Châu phát vào vai bạn:
- Xạo vừa thôi nhỏ! Tớ thấy anh chàng mạnh cùi cụi.
- Đó là hôm trước. Bữa nay khác xa rồi. Người ta gọi là bệnh tương tư đấy biết chưa? "Ôi, giọng Huế êm như ru. Sao mà thấy thương ghê!". Thư làm điệu nhái lại giọng của Thái làm Ái Châu vừa buồn cười vừa mắc cỡ. Nè, nàng Tôn Nữ nhớ trả lời cho người ta sớm nhé. Chỉ còn một tuần nữa là anh Thái đi Sài Gòn rồi đó. Bây giờ "con chim xanh" phải đi về. Mai trở lại để "tiếp nối nhịp cầu". Xin đừng để cho chàng ôm một "Khối tình Trương Chi" đấy nhé.

Ái Châu nhìn con bạn lém lỉnh, lắc đầu chào thua. Trong lớp hai đứa thân nhau nhất, nên không giấu nhau chuyện gì. Thư nghĩ nếu Thái và Ái Châu yêu nhau thật là xứng đôi. Chỉ ngại nhà Ái Châu khá giả hơn nhà Thái, họ lại giòng Tôn Thất nên ba mạ Ái Châu cũng hơi khó tính. Nhưng với sức học của chàng, tương lai của Thái không phải tệ.

Hôm sau cầm thư Ái Châu chuyển cho Thái, Thư mừng rơn. Mặc dù Ái Châu nói chỉ bằng lòng làm bạn với Thái thôi, nhưng cũng là dấu hiệu tốt rồi. Ái Châu rủ Thư xuống Sài Gòn học. Lúc đầu Thư ngần ngại, vì chỉ có gia đình một ông chú họ dưới đó. Nhà ông nhỏ mà có tới sáu đứa con, nên Thư biết ở đâu? Thái nói Sài Gòn có Trường nội trú Régina Pacis tốt lắm. Thái có quen một chị đang ở nội trú trong ấy. Nếu Thư muốn, khi vào Sài Gòn Thái sẽ nhờ chị ấy xin chỗ dùm. Bà Luân thấy cũng tiện, hơn nữa anh Tiến của Thư đóng ở căn cứ không quân Biên Hòa. Khi nào rảnh, anh sẽ xuống thăm em. Thấy mẹ bằng lòng rồi, Thư vội vàng viết thư báo tin cho Tiến hay.

Hôm trước ngày đi Sài Gòn, buổi trưa Thái rủ Ái Châu và Thư đi ăn bánh khoái. Thái nói phải tập ăn món Huế dần dần khiến Thư cười dòn:
- Phải rồi. Còn phải tập ăn bún bò huế cay xé lưỡi, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh lá...chấm nước mắm ớt. Người Huế không ăn nước mắm pha chanh đường ngọt lừ của anh đâu nhé.
Thái cười cười, liếc Ái Châu:
- Chuyện nhỏ! Thương "ai" ba bốn núi anh cũng trèo. Sá gì mấy thứ bánh lẻ tẻ đó. Còn chuyện ăn ớt cay thì mấy con nhồng còn thua anh xa!

Ái Châu làm như không nghe, đưa mắt nhìn mấy bức tranh trên tường. Ba người đang ăn uống ngon lành, bỗng một toán lính Thám Báo bước vào. Họ kéo ghế ngồi xuống bàn đối diện ba người. Yên vị xong các chàng Thám Báo nhìn sang, rồi chiếu tướng Ái Châu và Thư kỹ quá đến nỗi hai cô vừa ngượng vừa sợ ăn hết thấy ngon. Thư đưa mắt ra hiệu cho Thái. Chàng hiểu ý vội gọi tính tiền. Cả ba bước ra khỏi tiệm ăn, những câu chọc ghẹo còn đuổi theo sau. Ra khỏi quán, Thái đề nghị thả bộ ra bờ sông ăn thạch chè. Con đường Phan Thanh Giản rợp bóng phượng vĩ, trên cành còn sót lại vài bông hoa đỏ thắm đẹp mơ màng. Đi ngang trường Thánh Teresa, Thư không khỏi nhớ lại khoảng thời gian học với các Sơ nơi đây. Những năm đó Ái Châu và Thư còn là những cô bé ngây thơ, khờ khạo. Giờ ra chơi còn cột hai vạt áo dài chơi u mọi, chơi nhảy dây. Thế mà bây giờ đã có những chàng sĩ quan rà rà xe jeep theo tán tỉnh! Thư chợt nhớ tới chuyện con Thu Thảo:
- Châu nè, bồ nhớ con Thu Thảo lớp mình không?
- Sao không. Nó đẹp giống hệt một nàng Nhật Bổn. Bàn tay búp măng và mái tóc mây đen huyền của nó t đẹp nổi tiếng. Nghe đâu sau này nó làm việc trên Tòa Hành Chánh.
- Đúng. Mới tuần rồi nó đi làm về trên đường này nè. Đang đi thì một anh dê xồm chạy xe gắn máy rề rề bên cạnh đưa tay vỗ mông nó một cái rồi rồ ga phóng thẳng. Nhưng chẳng may con nhỏ đã nhanh tay xỉa cây dù một phát vô lưng khiến anh ta đau quá xuýt chút nữa là rớt xuống xe!
- Đáng đời cho đồ dê Chúa! Ái Châu rủa. Còn Thái thì lắc đầu. Không hiểu sao trên đời có những con người nham nhở như vậy!

Đi hết con đường Phan Thanh Giản, quẹo ra bờ sông là tới quán thạch chè. Lúc họ bước vào cũng có vài cặp ngồi đó. Thư nhận ra Bích Hằng, học chung năm đệ tứ, đang ngồi đó với một chàng phi công. Bích Hằng đẹp nổi tiếng. Cô nàng có một sắc đẹp hoàn hảo, như một bức tượng mỹ nhân. Đàn ông nhìn thấy là động lòng ngay. Chỉ tội số phận quá long đong. Hạnh phúc đến rồi đi như những cơn gió đêm hè. Thoảng qua rồi tan biến. Mới học xong năm đệ tứ, Bích Hằng lên xe hoa với một anh Đại Úy Biệt Động Quân. Chưa đầy một năm anh chồng tử trận. May mà chưa có con vì con bé còn trẻ quá. Sau đó nàng cặp bồ với một anh Trung Úy Thiết Giáp. Trong một cuộc hành quân, xe anh Trung Úy lãnh nguyên một trái B40, tan nát! Từ đó Bích Hằng mang một cái "mác" rất đáng nể: "La Veuve Noire". Anh Tiến giải thích cho Thư hiểu đây là một loài nhện bên xứ Nam Mỹ, có nọc độc cực kỳ nguy hiểm. Bị "Nàng" cắn là coi như đời đi đứt! Tưởng không ai dám nhào vô nữa. Ngờ đâu Bích Hằng, với nhan sắc trời cho cộng thêm một chút u sầu càng tăng thêm vẻ mơ màng kỳ bí, hôm nay đang ngồi đây với một anh Trung Úy phi công cao lớn, đẹp trai. Anh chàng nhìn Bích Hằng, đôi mắt không giấu được vẻ đắm đuối. Cho nên câu tục ngữ "Cái nết đánh chết cái đẹp" không phải lúc nào cũng đúng!

Ba người kín đáo ngồi vào một góc. Quán trang trí thật đơn sơ, toàn bằng tre trúc với những giò lan rừng trắng, vàng, tím...tỏa hương thơm nhẹ nhàng, sang trọng. Hai cô ăn thạch chè, Thái gọi ly cà phê đen nóng.
Bây giờ Thư mới lên tiếng:
- Hồi nảy mấy ông lính Thám Báo làm Thư sợ hết hồn! Nghe nói mấy ông này dữ dằn lắm!
Thái cười nhẹ:
- Trong binh chủng nào cũng có người tốt kẻ xấu mà Thư. Những người lính thuộc Lực Lượng Đặc Biệt, Lôi Hổ, Thám Báo có những sứ mạng rất nguy hiểm ngoài chiến trường. Cũng như binh chủng Biệt Động Quân, Dù, Thủy Quân Lục Chiến... hành quân liên miên trong rừng núi. Đánh nhau với địch trong rừng, trong núi gian nan lắm. Tử thần lúc nào cũng rình rập bên cạnh. Thành thử mình cũng phải thông cảm nếu họ có ...phá phách chút đỉnh mỗi khi về thành phố. Để xả bớt sự căng thẳng mà thôi. Các cô nghĩ coi, mình đánh trận liên miên, sống chết không biết chừng nào. Về thành phố thấy dân chúng phè phỡn đôi khi cũng "nực" lắm chớ phải không?
- Biết thế nhưng vẫn sợ chứ anh. Thư hy vọng anh Tiến không bao giờ "hù" đàn bà con gái kiểu này.

Biết Thái thế nào cũng muốn có chút riêng tư với Ái Châu, nên Thư viện cớ tới quầy mua chè đem về cho mẹ và chị Xuân. Thư đứng ỳ đó đấu hót với cô chủ quán, một thiếu nữ trạc hăm lăm, hăm sáu. Xinh xắn với mái tóc thề đen nhánh xỏa tới thắt lưng, đeo băng đô màu tím. Cô chủ vừa duyên dáng vừa nói năng ngọt ngào như những ly thạch chè của cô, nên quán lúc nào cũng đông. Phần lớn là những anh lính chiến xa nhà, hoặc những cặp tình nhân. Thư kín đáo liếc về phía hai người bạn. Thấy Thái đang nghiêng đầu thì thầm gì đó vào tai Ái Châu. Cô bé cúi đầu, mái tóc thề rủ xuống một bên má nên Thư không thấy phản ứng trên nét mặt Ái Châu. Ít phút sau Thư cầm bọc chè đi về chỗ ngồi. Ngang qua Bích Hằng, Thư cười với bạn và Hằng cũng cười lại, nhưng không giới thiệu người bạn mới với Thư. Con bé kịp đọc thấy tên Toàn trên ngực áo. Thư ngồi xuống ghế, Thái nháy mắt, nụ cười rạng rỡ trên môi. Ái Châu làm như bận ngắm chùm lan trắng, nhụy vàng rực rỡ treo trên vách.

Thấy cũng gần ba giờ, Ái Châu đòi về. Cả ba thả bộ dọc theo bờ sông. Hàng phượng vỹ trổ hoa đỏ rực soi bóng trên giòng sông Dakbla êm đềm, xinh đẹp. Bên kia giòng sông là ruộng lúa chạy ngút ngàn vào tận chân núi xa xa. Ngang qua nhà cô bạn học tên Mai, Thư thấy lòng rưng rưng. Gần Tết năm đệ tứ, gia đình Mai đi xem Hội chợ Tết dưới Pleiku. Trên đường về Kontum, xe nhà bị Việt cộng từ trong rừng bắn ra. Mai bị trúng đạn vào cổ chết ngay tại chỗ. Con bé mới mười lăm tuổi, ngây thơ xinh đẹp như thiên thần. Chiến tranh thật tàn nhẫn và súng đạn thì vô tình!

Qua khỏi chợ là tới nhà Thư. Thái tiếp tục hộ tống Ái Châu về nhà cách đó độ ba trăm thước. Đến trước cửa, Thái bất ngờ nắm tay Ái Châu đưa lên môi. Con bé sợ hết hồn giựt tay lại, nhìn dáo dác vô nhà. Thở phào. May quá không có ai! Thái cười:
- Mai anh đi. Nhưng con tim để lại đây.
- Châu nói rồi đó. Anh đừng lộn xộn nghe. Phải lo học trước, nếu thi rớt quân trường đang chờ anh kia kìa. Ái Châu vừa phản đối vừa đe dọa.
Thái trấn an:
- Anh biết rồi. Từ đây anh càng phải gắng sức hơn trước kẻo nàng Tôn Nữ chê anh thì chết!
- Châu không dám chê. Nhưng ba mạ nói, đàn ông phải có sự nghiệp vững vàng mới nghĩ đến tình yêu. Ba mạ nói thì không ai được xem thường.
- Biết rồi! Biết rồi! Nếu Châu muốn, anh sẽ cố học thêm vài cái bằng nữa cho Châu vui! Thái giơ một tay lên thề.
- Thôi, Châu đi vào đây. Anh cứ đùa hoài ốt dột quá tề! Ái Châu ngúng ngẩy, dợm bước đi.

Thái định cản lại nhưng con chó nhỏ của Ái Châu từ trong nhà chạy ra sủa ầm ỉ. Nàng cúi xuống bế con chó lên. Nó nhìn Thái, nhe răng gầm gừ đầy vẻ dọa nạt khiến chàng đành phải từ giã Ái Châu. Thái cảm thấy mình thật may mắn nếu được Ái Châu yêu. Nhưng dù sao thì chàng cũng đã bước một bước khá dài. Ái Châu! Ái Châu! Thái gọi thầm...Thái không biết nàng Tôn Nữ của lòng mình có mơ ước cao xa gì hay không. Riêng Thái, chàng chỉ mơ ra trường rồi, kiếm được chỗ làm tốt, lấy vợ rồi sinh một lũ con. Mộng ước hết sức bình thường.
***

Hôm ra phi trường chờ máy bay đi Sài Gòn, Thái nhờ cậu em họ chở bằng xe gắn máy. Ái Châu và Thư đi xe đạp. Hai cô đạp lên đến đầu dốc tòa Tỉnh Trưởng thì ngừng lại thở. Cái dốc cao gì đâu! Thư đưa mắt nhìn dãy nhà phía sau Tòa Tỉnh. Đây là tư gia của Ông Bà Tỉnh trưởng. Thư nghe đồn ông này hào hoa rất mực. Có vợ và một đàn con đông đúc, nhưng con tim của Ngài không bao giờ chịu ngủ yên. (Rất lâu sau này, Thư biết có ít nhất hai trong số bạn quen của nàng có con với ông ta). Bù lại ông là một nhà quân sự tài giỏi. Có tài thì có tật! Có lẽ những mối tình nóng bỏng giúp thần kinh của các ông bớt căng thẳng khi ra trận mạc?

Bốn người cố ý đi sớm để ghé vào quán phở phi trường ăn trưa luôn. Quán này có tên gì đó, nhưng tất cả mọi người quen gọi là phở Phi Trường, vì nó nằm sát cạnh phi trường Kontum. Ông chủ người Bắc chính cống và phở ông ta nấu ngon hơn những tiệm phở trong thành phố. Vì thế tiệm lúc nào cũng đông khách, dù phải đi khá xa. Bốn người đang thưởng thức bốn tô phở thơm ngon bốc khói thì máy bay Air Việt Nam đáp xuống phi đạo. Ít phút sau, cả phi hành đoàn kéo nhau bước vào quán. Té ra họ cũng biết tiếng quán phở này. Cô tiếp viên, trong chiếc áo dài màu thiên thanh có thêu rồng ở cổ áo, người cao ráo, thon thả rất xinh đẹp. Thư nghe nói những cô tiếp viên hàng không phục vụ trên máy bay, muốn được đậu vào, điều kiện tiên quyết phải là... đẹp! Thư thầm nghĩ với chiều cao khiêm tốn của mình, chắc chẳng bao giờ có thể trở thành tiếp viên hàng không! Nàng kín đáo quan sát cô tiếp viên với cặp mắt đầy ngưỡng mộ.

Phi hành đoàn ngồi đây, bốn người yên chí ăn từ từ. Thư kể mẹ Thư đã liên lạc được với vợ chồng người chú họ của nàng. Chú nói con bé cứ xuống ở tạm nhà họ rồi chừng nào có chỗ trong Régina Pacis thì vào. Mẹ còn nói trường này không xa chợ Vườn Chuối mấy.
Thằng em họ của Thái nãy giờ ngồi im, xen vào:
- Mặc sức cho Thư ăn hàng nha. Tui nghe nói chợ Vườn Chuối có bán nhiều đồ ăn ngon lắm.
Thư háy nó, nhái giọng Nam kỳ:
- Dô diên chưa! Làm như tui là chúa ăn hàng hổng bằng!
Thằng em họ của Thái học cùng lớp với Thư. Nó cũng tò tò theo Thư nhưng con bé ...chê vì nó học dốt. Con bé lý luận với mấy đứa bạn:
-Tụi bay nghĩ coi. Nó cùng lớp, cùng tuổi mà học dở hơn tớ. Với trí khôn đó làm sao tớ dám trao trọn cuộc đời. Tớ thà trao thân lầm...tướng cướp, nhưng nhất định không trao cho thằng ngu. Tướng cướp thì tớ còn có thể cải hóa thành người lương thiện, nhưng một đứa ngu thì muôn đời vẫn ...ngu! Mấy cô bạn gật gù, công nhận con bé có lý!

Anh chàng "dô diên" chưa kịp trả lời thì phi hành đoàn đứng lên trả tiền. Bốn người cũng vội vàng đi ra nhà chờ đợi trong phi trường. Thái và Ái Châu bịn rịn chia tay. Thái buồn thì đúng hơn. Ái Châu cảm thấy hơi se lòng một tí, vì tình cảm trong tim cô bé chưa có gì sâu sắc. Cũng chỉ như một cuộc chia tay với bạn bè mà thôi. Thái xách túi đồ bước lên thang, tới cửa phi cơ còn cố quay lại chào ba người đứng dưới đất. Cả ba rời phi trường khi phi cơ cất cánh bay lên cao như một con hải âu khổng lồ. Thư và Ái Châu thong thả đạp xe về hướng Phương Nghĩa, định bụng ghé thăm cô bạn Lệ Hồng. Nhà Hồng có cây mần quân ngon đặc biệt.

Con đường từ phi trường đến nhà Lệ Hồng ở Phương Nghĩa khá vắng. Lác đác vài căn nhà hai bên vệ đường, phía sau là vườn rộng trồng rau cải. Dân làng có nghề trồng rau, hàng ngày có mối tới lấy đem bán dưới chợ. Vì khí hậu ngang ngửa Đà Lạt nên rau cải cũng xanh non. Trên những khúc vắng, hai bên đường vàng màu hoa cúc dại. Sau này Thư biết loại cúc này còn có tên rất đẹp là Dã quỳ. Thư yêu loài cúc dại này vô cùng, hơn cả những loại cúc trồng làm cảnh trong vườn nhà hay trong chậu. Thân dã quỳ rất cao so với những loài cúc thường. Chen chúc vươn lên giữa những loại cây dại mọc hai bên đường. Dù không được tưới tắm gì cả, loài hoa hoang dã này vẫn nở quanh năm. Nhưng đặc biệt vào mùa thu, dưới bầu trời trong veo xanh như ngọc, hoa Dã quỳ nở vàng, rực rỡ trong bầu không khí se se lạnh. Thư yêu màu hoa kiêu sa và yêu nhất cái vẻ ngạo nghễ của nó. Trong khi các anh chị em họ cùng gia đình Cúc như cúc vạn thọ, đại đóa, hồng cúc, bạch cúc...chỉ thấp lè tè từng cụm dưới đất thì dã quỳ vươn cao, thật cao có khi quá đầu người và không cần bàn tay ai chăm sóc vuốt ve, tưới bón... nó vẫn hiến cho đời những đóa hoa đẹp rực rỡ, lung linh trong nắng vàng.

Thư và Ái Châu đạp xe thong thả, lòng cảm thấy lâng lâng vui vẻ, yêu đời. Rồi đây các cô sẽ từ giã gia đình và quãng thời gian vô tư của thời trung học để bắt đầu cuộc đời sinh viên mới toanh. Chắc chắn là sẽ có rất nhiều thay đổi. Nhưng hiện tại, các cô cứ vui cái đã. Cứ thoải mái hưởng nốt sự cưng chiều của mẹ cha. Không cần biết " ngày sau sẽ ra sao".

Từ giã nhé tuổi thơ...

Tiểu Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét