Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2024

Tây Nguyên

 

Phần đất cao nguyên của nước nhà
Cội nguồn lịch sử có thông qua (*)
Yersin hữu ý đi tìm gặp
Người Pháp thành công tạo dựng ra
Đẹp với Trường Sơn lưu nhiếp ảnh
Xinh như Đà Lạt hứng thi ca
Một thời chiến sự bao thương nhớ...
Viễn xứ hoài hương toại ý ta.

Phan Thượng Hải
7/9/24
(Bài Họa)

(*) Chú thích:

Năm 1470, vua Lê Thánh Tôn thân chinh đánh Chiêm Thành. Vua đem quân theo đường thủy bộ vào Thuận Hóa, ở đây luyện tập quân một thời gian rồi mới theo đường thủy bộ vào đánh kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành.

Trong chiến dịch nầy, vua Lê Thánh Tôn cùng các tướng Đinh Liệt, Lê Niệm (cháu nội của Lê Lai) và 26 vạn quân Đại Việt hạ kinh đô Đồ Bàn của nước Chiêm Thành, “cắt 4 vạn thủ cấp”, bắt vua Bà La Trà Toàn, gọi tắt là Trà Toàn (1460-1471), và hơn 3 vạn (30.000) tù nhân. Tướng Bồ Trì Trì rút về nam đèo Cù Mông (giữa Qui Nhơn và Phú Yên) và lên làm vua. Nước Đại Việt thêm đất Qui Nhơn bành trướng tới đèo Cù Mông.

Vua Lê Thánh Tông chia nước Chiêm Thành còn lại ra làm 3 nước:
Bồ Trì (hay Bồ Trì Trì) là vua nước Chiêm Thành gồm Nha Trang, Phan Rang và Phan Thiết.
Hoa Anh Vương cai trị nước Nam Hoa ở Phú Yên
Nam Bàn Vương cai trị nước Nam Bàn gồm vùng đất phía tây núi Thạch Bì (núi Đại Lĩnh có đèo Hải Vân) tức là vùng Tây Nguyên (Cao Nguyên Trung Phần) ngày nay.

Vùng Tây Nguyên nầy gồm vùng Pleiku, Komtum, Ban Mê Thuột và Lâm Đồng (Đà Lạt-Bảo Lộc).
Vùng nầy chính thức nhập vô bản đồ nước ta vào thời vua Minh Mạng (1820-1840),chỉ có người Thượng sinh sống và hình như không có cơ quan hành chánh trong thời của chúa Nguyễn (dù đã chiếm Phú Yên và Chiêm Thành), của nhà Tây Sơn và của nhà Nguyễn.

Năm 1891, Bác sĩ Yersin thám hiểm công viên Lâm Đồng và báo cáo nên người Pháp mới để ý đến vùng nầy. Từ năm 1896 đến 1899, chính phủ Pháp áp lực triều đình nhà Nguyễn để họ tự cai trị vùng Tây Nguyên (như thuộc địa) và cho người Pháp lên mở đồn điền. Người Pháp lập tỉnh Komtum (1907), tỉnh Pleiku (1917), thị xã Đà Lạt là nơi nghĩ mát (1917), tỉnh Lâm Đồng (1920) và tỉnh Darlac ở Ban Mê Thuột (1923).

Năm 1946, sau khi trở lại Đông Dương, Cao ủy D’Argenlieu thành lập “Xứ Thượng Nam Đông Dương” (Pays montagnards du Sud Indochinois) do người Thượng tự trị (như Nam Kỳ Quốc).

Năm 1950, Xứ Thượng Đông Dương sát nhập vào Quốc Gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại (gọi là Hoàng Triều Cương Thổ) cho đến năm 1955 thì thuộc nước Việt Nam Cộng Hòa của chính phủ Ngô Đình Diệm.
{Trích đoạn từ bài "Thơ và Sử Việt - Nhà Lê" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com}

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét