Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2024

夜半 Dạ Bán Lý Thương Ẩn

 

Lý Thương Ẩn 李商隱 (813-858) tự Nghĩa Sơn 義山, hiệu Ngọc khê sinh 玉谿生, người Hà Nội, Hoài Châu (nay Tầm Dương, phủ Hoài Khánh, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ sa sút. Thuở thiếu thời giỏi văn thơ, được giao du với các con của tể tướng Lệnh Hồ Sở, trong đó có Lệnh Hồ Đào. Bấy giờ trong triều có hai phe đối nghịch nhau, tranh quyền đoạt lợi, một phe là Tăng Ngưu Nhu, phe kia là Lý Đức Dụ, hầu hết quan lại đều bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ấy. Sở theo phe Ngưu. Năm Lý Thương Ẩn mười bảy tuổi (829), Sở tiến cử làm tuần quan mạc phủ. Năm hai mươi lăm tuổi (837), ông lại được Lệnh Hồ Đào khen ngợi, nâng đỡ nên đỗ tiến sĩ năm Khai Thành thứ 2. Năm sau ông được Vương Mậu Nguyên, tiết độ sứ Hà Dương mến tài, dùng làm thư ký và gả con gái cho. Chẳng may, Vương thuộc phe Lý Đức Dụ khiến ông trở thành kẻ vong ân bội nghĩa, xảo quyệt vô hạnh trong mắt Lệnh Hồ Đào. Vương Mậu Nguyên chết, rồi Lý Đức Dụ thất thế, ông đến kinh sư nhưng không được làm gì cả. Sau nhờ Trịnh Á vận động, ông được làm chức quan sát phán quan. Trịnh Á bị biếm ra Lĩnh Biểu, ông cũng đi theo. Ba năm sau ông lại trở về, làm truyện tào tại Kinh Triệu. Ông nhiều lần đưa thư, dâng thơ cho Lệnh Hồ Đào để phân trần và xin tiến dẫn, nhưng vẫn bị lạnh nhạt. Tiết độ sứ Đông Thục là Liễu Trọng Hĩnh dùng ông làm tiết độ phán quan, kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang. Liễu bị bãi quan, ông cũng mất chức. Như thế là ông mắc kẹt giữa hai phái, chưa hề được đắc chí trên hoạn lộ, cứ bôn tẩu khắp nơi: Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Từ Châu nương nhờ hết người này đến người khác, long đong khốn khổ. Cuối cùng ông về đất Oanh Dương thuộc Trịnh Châu rồi bệnh chết năm 46 tuổi.

Văn Lý Thương Ẩn có phong cách khôi lệ ỷ cổ, thơ nổi tiếng ngang Ôn Đình Quân, nên người Đương Thời gọi là “Ôn - Lý”, hoặc ngang Đỗ Mục, nên được gọi là “tiểu Lý - Đỗ” (để phân biệt với “Lý - Đỗ” là Lý Bạch - Đỗ Phủ). Vương An Thạch đời Tống khen ngợi rằng người đời Đường học tập Đỗ Phủ mà đạt được mức “phiên ly” (rào dậu, xấp xỉ) của ông, thì chỉ có một mình Thương Ẩn. Dương Ức và Lư Tử Nghi mô phỏng thơ ông làm ra tập Tây Côn thù xướng nên có tên Tây Côn thể. Tác phẩm của ông có Phàn nam giáp tập (20 quyển), Ất tập (20 quyển), Ngọc khê sinh thi (3 quyển); ngoài ra còn một quyển phú và một quyển văn. Tương truyền ông có tình luyến ái với nữ đạo sĩ Tống Hoa Dương và các cung nữ Lữ Phi Loan, Khinh Phụng, nên ông làm bảy bài Vô đề mang tính diễm lệ, bí ẩn.

Thơ ca Lý Thương Ẩn có nhiều nét rất đặc sắc so với truyền thống thơ ca cổ điển Trung Quốc. Ông tiếp thu ảnh hưởng cổ thi, nhạc phủ Hán - Nguỵ và cả cung thể Lương - Trần. Ông cũng học tập ngũ ngôn hiện thực của Đỗ Phủ, phong cách lãng mạn của Lý Hạ cho nên thơ ông khá phức tạp cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật.

Đặc sắc nhất trong thơ Lý Thương Ẩn là thơ tình. Với những bài Vô đề, ta thấy được đời sống tình ái của kẻ sĩ đại phu xưa. Lễ giáo phong kiến và chế độ hôn nhân không cho phép tự do, vì thế không thoả mãn yêu đương, họ có nhiều ảo tưởng và khát vọng, hoặc là mang tâm trạng ẩn ức, hoặc là sống phóng đãng buông lung. Thơ Lý Thương Ẩn ít nhiều nói lên niềm mơ ước về hạnh phúc lứa đôi và có tính chống lại lễ giáo phong kiến. Những bài thơ Vô đề của ông âm điệu nhịp nhàng uyển chuyển, tình điệu thê luơng ai oán, niêm luật nghiêm túc chỉnh tề, ngôn từ gọt dũa bay bướm, tạo nên những hình tượng tươi đẹp, sinh động, cảm xúc sâu sắc chân thành. Tuy nhiên do không thể đấu tranh đập tan những gông cùm ấy nên ông cũng như tầng lớp của ông trở nên bi quan tiêu cực, bám lấy hư vô chủ nghĩa, kết hợp với sự suy tàn của thời đại và giai cấp.

Lời phi lộ

Lý Thương Ẩn không có thì giờ để buồn lúc ban ngày. Làm mạc chức (lo việc giấy tờ trong trướng phủ), từ sáng tới tối, ông rất bận rộn thu xếp những việc lặt vặt, thỉnh thoảng thảo mấy văn thư mà chủ của ông chỉ thị. Những việc như thế làm cho ông nản hơn là buồn. Nhưng mỗi khi đêm về thì những cơn buồn đến quấy rầy ông.

Cái buồn đến với họ Lý với nhiều trạng thái khác nhau. Có khi buồn man mác, gây hứng cho ông làm thơ. Có khi buồn day dứt làm cho ông đứng ngồi không yên. Có khi buồn lê thê làm cho ông tuyệt vọng.

Dạ bán, Dạ lãnh và Dạ ý là 3 con yêu tinh thuộc loại buồn man mác (buồn mà gây hứng cho ông làm thơ). Những nỗi buồn ấy rất thân thiết với ông giống như bạn cố tri.

Bài này đề cập tới con yêu tinh Dạ Bán.

夜半 李商隱

Nguyên tác Dịch âm

夜半 Dạ Bán

三更三點萬家眠 Tam canh tam điểm vạn gia miên,
露欲為霜月墮煙 Lộ dục vị sương nguyệt đoạ yên.
鬥鼠上堂蝙蝠出 Đấu thử thượng đường biển bức xuất,
玉琴時動倚窗弦 Ngọc cầm thì động ỷ song huyền.

Chú giải:

為 vị: làm ra.
墮 đọa: rớt xuống.
鼠 thử: con chuột.
蝙蝠 biển bức: con dơi.

Dịch thơ

Nửa Đêm

Canh ba vừa điểm vạn nhà ngơi
Lộ đọng thành sương nguyệt biếng soi
Chuột rúc buồng trên dơi vỗ cánh
Ngọc cầm rung nhẹ dựa song chơi.

Lời bàn của Con Cò

Bài thơ có những ý mập mờ, âm u, mô tả một nỗi buồn não nuột, thê thảm. Những chữ viết nghiêng nói lên những ý ấy.

- Câu 1:
Tới nửa đêm, khi hàng vạn người đã ngủ kỹ. Chỉ riêng mình vẫn còn thao thức.
- Câu 2:
Nhìn qua cửa sổ thấy trăng mờ trong cái không gian bắt đầu se lạnh để lộ đọng thành sương. Không nói trăng tròn hay khuyết (chỉ nói nó bị sương làm lu mờ), có lẽ muốn nói ngày nào trong tháng cũng thức tới nửa đêm, khi sương làm mờ ánh trăng.
- Câu 3:
Nghe chuột rúc trên lầu và dơi bay ngoài cửa. Tiếng động gây ra bởi hai con vật này là thứ tiếng dễ ghét nhất; nghe vừa bực bội vừa dơ dáy.
- Câu 4:
Dựa cửa sổ, nắn nhẹ dây đàn (nắn nhẹ để tiếng đàn không kêu lớn làm phiền hàng xóm. Gảy đàn lúc này không để thưởng thức tiếng đàn, chỉ muốn đè nén nỗi buồn thôi).

Đó là lời thơ của bài thất ngôn tứ tuyệt tả tâm sự u ẩn của LTÂ lúc nửa đêm (mỗi nửa đêm). Chả có nỗi buồn nào dai dẳng hơn cái buồn này.

Con Cò
***
Các Bài Dịch Khác:

Nửa Đêm.

Canh ba trống điểm vạn nhà say,
Móc sắp thành sương khói nguyệt bay.
Chuột chạy trên giường dơi bỏ tổ,
Ngọc cầm tựa cửa khẽ so giây.

Mỹ Ngọc 
Jun. 2/2024.
***
Đêm khuya (vần trắc)

Canh ba khuya khoắt muôn nhà ngủ
Le lói vành trăng sương lạnh tụ
Lũ chuột chạy quanh, dơi vút bay
Ngọc cầm bên cửa du dương cũ

Đêm Khuya (vần bằng)

Giờ Tý nhà nhà yên giấc nồng
Trăng mờ giá lạnh đọng sương trong
Chuột kèo rúc rích, dơi tung cánh
Đàn ngọc bên song nhã tiếng lòng

Thanh Vân
***
Chuông Điểm Tam Canh

Nửa đêm giờ Tý lặng tờ,
Cả nhà giấc điệp mịt mờ say sưa.
Nguyệt minh chiếu điểm lưa thưa,
Ảo mờ sương khói đến mùa giá băng.
Thư phòng chuột lắt chạy càn,
Rúc ra rúc rích - há màng sợ chi.
Đàn dơi đảo lượn li bì,
Tóm ngay lũ muỗi - chớ gì ngại e.
Xuyên rèm gió thổi cuồng mê,
Đàn cầm dát ngọc não nề tiếng vang.

Khánh-Hưng
***
Đêm Khuya

Canh ba trằn trọc nhớ thương ai?
Nguyệt khuất sương mờ gió lắt lay
Giờ tý chuột kêu… dơi đập cánh
Ngọc cầm ảm đạm khúc liêu trai

Kiều Mộng Hà
June04.2024
***
Nửa Khuya

Canh ba trống điểm mọi nhà im
Móc muốn thành sương nguyệt úa chìm
Chuột rộn xà trên dơi xuất ổ
Bên song rung nhẹ ngọc cầm êm!

Lộc Bắc

***
Dạ Bán không phải là bài thơ của Lý mà BS hâm mộ. Lời giải thích của ÔC không thuyết phục đối với BS, vì ý thơ có vẻ ngang dạ: sau canh ba, quá nửa đêm, mọi người đều ngủ yên.. Trời bên ngoài có vẻ lạnh, vì tác giả nhắc tới móc, sương, khói. (lộ, sương, yên ). Tác giả không ngủ được, nên nghe những âm thanh tầm thường, trần tục của đám chuột cắn nhau, trên nhà, những con dơi bay khỏi tổ… Giữa những tiếng động không mấy thơ mộng ấy, tác giả lấy ngọc cầm ra gẩy thì không hợp tình, hợp cảnh….

Nửa Đêm

Vạn nhà say ngủ lúc canh ba,
Móc muốn thành sương, khói nguyệt tà,
Chuột rúc trên nhà, dơi bay vút,
Bên song khua nhẹ phím đàn ta.

Bát Sách.
(ngày 05/06/2024)


Nguyên tác          Phiên âm:

夜半 -李商隱       Dạ Bán - Lý Thương Ẩn

三更三點萬家眠 Tam canh tam điểm vạn gia miên,
露欲為霜月墮煙 Lộ dục vị sương nguyệt đọa yên.
鬬䑕上堂蝙蝠出 Đấu thử thượng đường biển bức xuất,
玉琴時動倚窗弦 Ngọc cầm thì động ỷ song huyền.

Nguyên tác bài thất ngôn tứ tuyệt được chép từ mộc bản trong sách Lý Nghĩa Sơn Thi Tập Chú - Đường - Lý Thương Ẩn 李義山詩集注-唐-李商隱. Hai chữ đấu thử 鬬䑕 trong câu 3 được viết với dị thể.


Bài thơ còn được đăng trong các sách:

Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
Cổ Thi Kính - Minh - Lục Thì Ung 古詩鏡-明-陸時雍
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

Tam canh tam điểm: ngày xưa đêm được chia làm 5 canh, mỗi canh chia làm 3 điểm; đúng vào lúc nửa đêm
Vị sương: thơ Bì Nhật Hưu 皮日休 cho là hoa cúc làm sương có màu tím?
Thượng đường: lên hội trường, nhập cuộc phá rối (chuột)
Biển bức: dơi, loài động vật có vú, thân giống như chuột và có màng nối các chi với cơ thể, nhờ vậy nó có thể bay; mắt nhỏ thị lực yếu, chúng dựa vào tiếng dội của sóng âm tần số cao phát ra từ hệ thống sonar trong cơ thể để định hướng bay, vì vậy chúng rất giỏi trong các hoạt động ban đêm.

Ngọc cầm: đàn dây với phím ngọc


Dịch nghĩa:

Nửa Đêm

Vào lúc nửa đêm khuya (canh ba) nhà nào cũng ngủ,
Ánh trăng trong sương mờ như muốn ngưng tụ thành sương giá.
Chuột chiến đấu bắt đầu di chuyển và dơi cũng xuất hiện trên bầu trời đêm,
Cây ngọc cầm bên cửa sổ bị gió thổi phát ra âm thanh nhẹ nhàng.

Midnight

At midnight, all houses are in sound sleep,
The moonlight in the fog wants to solidify into frost.
Mouses begin their movements noisily and bats appear in the sky,
The jade string instrument by the window complains softly in the wind.

Dịch thơ:

Đêm Khuya

Giờ Tý canh ba ngủ chẳng yên.
Trăng mờ sương giá đọng trên hiên.
Chuột kêu rút rít dơi bay lượn,
Đàn ngọc bên song điệu ảo huyền.

Cách Tính Giờ Ngày Xưa


Một ngày được chia làm 12 giờ với tên 12 con giáp. Đêm từ 19:00-5:00 giờ, chia làm 5 canh, mỗi canh có 3 điểm. Giờ cổ Trung Hoa giống Việt Nam. Canh TH có khác canh VN.

Bốn chữ Tam canh tam điểm…三更三點… trong câu 1 của bài thơ được Trần Nguyên Quang sử dụng đầu tiên vào thời Sơ Đường và được các đời sau bắt chước:

Tam Canh Tam Điểm Thượng Bài Nha Sơ Đường-Trần Nguyên Quang Hậu Dạ Hành Sư Thất Xướng Kỳ Tứ 三更三點尚 排衙 初唐·陳元光 候夜行師七唱 其四

Kháp Thính Đả Tam Canh Tam Điểm Tống-Chu Đôn Nho Cổ Địch Lệnh 恰听打三更三点 宋·朱敦儒 鼓笛令
Tam Canh Tam Điểm Tam Canh Trung Bắc Tống-Trương Kế Tiên Độ Thanh Tiêu Kì Tam Ngũ Thủ 三更三点三更中 北宋·张继先 度清霄 其三 五首

Phạ Thính Tam Canh Tam Điểm Vũ Nam Tống-Hồng Tư Quỳ Điền Gia Dĩ Nhị Nguyệt Nhị Nhật Tình Vũ Chiêm Cốc Giá Chẩm Thượng Khẩu Chiêm 怕聽三更三點雨 南宋·洪咨夔 田家以二月二日晴雨占穀價枕上口占

Tam Canh Tam Điểm Tự Kim Bồn Nam Tống-Bạch Ngọc Thiềm San Ca 三更三點似金盆 南宋·白玉蟾 山歌

Tam Canh Tam Điểm Khấu Trai Chung Nguyên-Vương Đan Quế Ngọc Lô Tam Giản Tuyết Diệu Dụng 三更三点扣斋钟 元·王丹桂 玉炉三涧雪 妙用

Tam Canh Tam Điểm Kĩ Thành Vi Nguyên Mạt Minh Sơ-Dương Duy Trinh Tịch Thượng Phú 三更三點妓成圍 元末明初·楊維楨 席上賦

Tam Canh Tam Điểm Nhập Nông Phòng Minh-Lý Mộng Dương Đồng Dao Kì Lục Du Địch Kế 三更三點入儂房 明·李夢陽 童謠 其六 油狄髻

Tam Canh Tam Điểm Thủy Tinh Cung Thanh-Viên Mai Giang Trung Khán Nguyệt Tác 三更三點水精宮 清·袁枚 江中看月作

Mỗi Đáo Tam Canh Tam Điểm Thì Thanh-Tống Tương Cô Đăng Hiệu Ngọc Xuyên Tử Ngũ Thủ Kỳ Tứ 每到三更三點 時 清·宋湘 孤燈效玉川子五首 其四

Tam Canh Tam Điểm Vãn Thanh-Đàm Hiến Giải Liên Hoàn 三更三點 晚清·譚獻 解連環

Nguyệt Xuất Tam Canh Tam Điểm Hậu Thanh Mạt Dân Quốc Sơ-Dịch Thuận Đỉnh Giang Lăng Chu Trung Hòa Đỗ Vịnh Hoài Cổ Tích Vận Ngũ Thủ Kỳ Nhất 月出三更三點後 清末民國初·易順鼎 江陵舟中和杜詠懷古跡韻 五首 其一



Góp ý


三更三點 tam canh tam điểm: mỗi canh chia làm ba điểm và bốn chữ này cho biết bài thơ làm sau nửa đêm, trước một giờ sáng.

露欲為霜月墮煙 lộ dục vi sương nguyệt đọa yên. Câu này không dễ dịch vì người Việt dịch 露 và 霜 thành sương Tả truyện có câu: 七月有白露,八月露 結, 九月乃成霜 thất nguyệt hữu bạch lộ, bát nguyệt lộ kết, cửu nguyệt nãi thành sương. Sương trong tháng chín là sương đông thành đá, sương muối và hiện tượng này cho người đọc hiểu rằng thời điểm của bài thơ đã quá nửa đêm, khi trời đã trở lạnh và không còn trong sáng dưới trăng.

鬥鼠上堂 đấu thử thượng đường. Có phiên bản viết 上牀 thượng sàng; từ 上=thượng ở đây là một động từ vi trong lối văn biền ngẫu, từ 出=xuất sau 蝙蝠=biển thức cũng là động từ. Chuột đuổi nhau lên cả trên giường cho người đọc hình dung rằng giường trống vì nhà thơ không nằm trên đó mà đang tựa song gãy đàn (玉琴時動=ngọc cầm thì động).

Câu cuối cũng khó hiểu và khó dịch nếu ta không để ý đến chức phận văn phạm của các từ 動=động, 倚=ỷ và 弦=huyền. 動=động nghĩa là dùng (ngọc cầm), 倚=ỷ có nghĩa tựa hay dựa. 弦=huyền có nghĩa chính là dây đàn rồi sau đó có nghĩa mở rộng là nhạc khí có dây nhưng trong trường hợp này hai nghĩa đó không hợp vì không ai dựng đàn vào cửa vì đàn sẽ vỡ nếu rớt xuống, và dĩ nhiên dây đàn không thể tựa vào đâu cả. Huyền trong câu chót này là một động từ và 'ỷ song huyền' có nghĩa là tựa cửa (sổ) gãy đàn.

Cả ba từ 動=động, 倚=ỷ và 弦=huyền đều là động từ và có chung một chủ từ sous-entendu (mặc thị hay ẩn dụ) là thi nhân. Bài thơ này nói đến việc Lý Thương Ẩn mất ngủ vì nhớ vợ. cho dù có người hiểu câu bốn hàm ý hồn ma đang gảy đàn!

Huỳnh Kim Giám





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét