( Ảnh: Tác giả)
Như trước đây nhiều học giả ở thế kỷ 21 tiên đoán rằng, đợt sóng thứ ba, văn minh Thời Đại Tín Nghiệp (Information Age) sẽ chiến thắng nền công nghiệp và chủ nghĩa tư bản của Thời Đại Công Nghiệp (Industrial Age) một cách vẻ vang, với sức mạnh siêu tốc, siêu âm, siêu sóng, siêu sáng.
Con người tín nghiệp (Informator) sẽ cải hóa những con người công nghiệp (employees) và thay đổi toàn diện (Change) theo phương châm người xưa, “Ngày đổi mới, mỗi ngày đổi mới, tiếp tục đổi mới: Cẩu nhật tân, nhật tân tân, hựu nhật tân.” Đổi mới các lãnh vực tổ chức đời sống con người, từ cá nhân cho tới gia đình, cộng đồng cộng đoàn xã hội.
Tới nay trong khi đợt sóng thứ hai vẫn còn “công nghiệp hóa” trên nhiều quốc gia nghèo đói chậm tiến như ở Châu Á, Châu Phi… và con người nơi đó chưa được hưởng bình minh kỹ nghệ, thì đợt sóng thứ ba cũng lại được bắt đầu, khơi nguồn tại Hoa Kỳ từ khi phát minh máy điện toán (Computer) và liên thị tín liệu (Information).
Nếu như máy hơi nước đã mở ra thời đại công nghiệp, thì máy điện toán khai trương một kỷ nguyên mới, một nền văn minh mới là liên thị tín liệu, một thời đại mới là Thời Đại Tín Nghiệp (Information Age) của loài người tương lai.
Nếu như đợt sóng thứ hai là công nghiệp bắt đầu thực hành tại Hoa Kỳ vào khoảng năm 1865 và chủ nghĩa tư bản của Đảng Cộng Hòa, thì đợt sóng thứ ba lại khởi sự chuyển đổi thời đại công nghiệp tiến sang thời đại tín nghiệp từ năm 1953 khi Đảng Dân Chủ của Hoa Kỳ hỗ trợ và phát minh ra máy điện toán. Vào thập niên này, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại ghi nhận là giới công nhân lao động trí óc nhiều hơn công nhân lao động chân tay.
Biểu tượng thời đại là máy điện toán, máy này đã làm cho tiền bạc chuyển ngân nhanh như tốc độ ánh sáng, đó cũng là điều mà ít nhà kinh tế học thuở trước có thể đo lường về vận tốc thời đại nhanh như chớp sẽ được xảy ra.
Thứ đến là các cấu trúc tổ chức chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, giáo dục, xã hội… cải hóa và mang chiều hướng lưỡng hệ hay đa nguyên, tức có tính bình đẳng, bình quyền, bình nhiệm để thiết lập thể chế chính trị mới – Tân Dân Chủ (New Democracy) trong Hiến Pháp mới sẽ ra đời nhằm giúp cho con người thực hiện tư cách làm người hơn, toàn vẹn hơn, hạnh phúc hơn.
I. Thời Đại Tín Nghiệp (Information Age)
Luận bàn chuyện Thời Đại Tín Nghiệp (Information Age), trước hết chúng ta cần nhận diện về nhu cầu Kiến Thức và Thông Toàn (Knowledge and Wisdom) của của con người trong nền kinh tế kỷ nguyên mới, chớ không còn tư bản và lao động như thời đại công nghiệp.
- Điều kiện của tự do là tự chủ – điều kiện của tự chủ là tự quyết, là quyền được tự mình quyết định – điều kiện của tự quyết là khả năng nhận định, ý thức trách nhiệm mà dân chúng Hoa Kỳ hiện nay đang thực hành quyền làm người, là quyền Tự Do Cá Nhân (Personal Freedom) chớ không phải Vị Kỷ Cá Nhân (Personal Ego).
1. Quyền Tự Do Cá Nhân (Personal Freedom) được xem là tiêu chuẩn đầu hạng của mẫu người tín nghiệp hay người kiến thức trong thời đại mới. Quyền tự do cá nhân đã được người bản xứ cổ súy, tôn trọng và được ghi trong Hiến Pháp Hoa Kỳ từ khi khởi sự thời đại công nghiệp.
Quyền này đã tạo cho người dân biết suy nghĩ, biết nhận xét, biết quyết định về những tư tưởng, sự vật, sự kiện mà mình được chọn lựa để mình được làm chủ chính mình. Người ta hành động theo nguyên tắc tự do lựa chọn (Freedom to choose), không bị ai lôi kéo, không bị ai sai khiến, không bị ai ép buộc, chỉ đạo, động viên, tẩy não, học tập cải tạo hay tuyên truyền một chiều hoặc độc tài.
2. Quyền Tự Chủ (Free) thể hiện qua sự tự do lựa chọn, tự quyết về hành động của chính mình, tức là người ta có quyền lựa chọn một trong hai (tư tưởng, sự kiện, sự vật) sẵn có, mà không bị ép buộc, không bị hạn chế, không bị lệ thuộc bởi tác động bên ngoài. Người Hoa Kỳ có lối sống riêng biệt, từ cách thức sinh hoạt cho tới thói quen hành xử hàng ngày, quyền tự do cá nhân là bất khả xâm phạm, luôn được bảo vệ và sẵn sàng phản kháng.
Từ quyền tự do cá nhân được thể hiện phổ quát dẫn tới những quyền tự do trong sinh hoạt cộng đồng xã hội có tầm kích rộng lớn được suy tôn, như tự do phát biểu và diễn đạt tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do truyền thông… trở thành điều kiện quan trọng và là nhu cầu thiết yếu trong đời sống chính trị xã hội Hoa Kỳ.
3. Quyền Độc Lập (Independence) cũng là nét đặc trưng của người Hoa Kỳ. “Độc lập tự lực” là tự mình hành động, tự động là không ỉ lại, không nương tựa, không lệ thuộc, không a dua theo bất cứ ai hay đảng phái phe nhóm nào. Người Hoa Kỳ thể hiện tinh thần độc lập, tự lập, tự túc, tự cường trong nguyên lý “tự do cá nhân,” và mong đợi người khác cũng hành xử như họ, để được xem là bình đẳng với nhau.
Nếu con người không có tinh thần độc lập, không tự hào về quyền tự lực cánh sinh của mình thì lại tự biến thành người nô lệ tân thời hay sinh vật kinh tế phục vụ tư bản đầu cơ (Speculator Capitalism).
4. Quyền Bình Đẳng (Equality) là điều kiện tối thượng của nhân quyền được xác quyết trong Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ, “mọi người sinh ra đều bình đẳng.” Bình đẳng để thăng tiến, để thành công, để đạt được hạnh phúc làm người. Bình đẳng trong luật pháp, bình đẳng trong hãng xưởng, bình đẳng trong học đường, bình đẳng trong xã hội, sắc tộc, giới tính.
Muốn có bình đẳng, bình quyền, bình nhiệm thì chúng ta cần thực hành những quyền nói trên. Bình đẳng có nghĩa là thượng tôn luật pháp và khác biệt với đồng đẳng vô nhân tính, hay sinh quái thai Cá Nhân Vị Kỷ (Personal Ego).
Tóm lại, quyền tự do cá nhân đã tạo ra mẫu người có khả năng nhận định (Identify) và ý thức trách nhiệm (Responsibility). Người Hoa Kỳ sống ngay thẳng, cởi mở, thành thật, giữ kỷ luật, đúng giờ và luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo. Người Hoa Kỳ sống không bảo thủ, cố chấp, khuôn định và nhìn về cuộc sống tương lai với tinh thần lạc quan, tự tin tự hào.
Lịch sử chính trị Hoa Kỳ từ ngày lập quốc tới nay trải qua bao nhiêu thử thách, lúc thăng lúc trầm, lúc thịnh vượng lúc gian nan, nhưng chính sự nền phát triển tự do dân chủ của quốc gia đã làm cho dân chúng luôn tin tưởng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Tự lực và tự tin vào cá nhân để hướng về tương lai với niềm tự hào của dân tộc chớ người Hoa Kỳ không mê tín dị đoan, hay số phận, định mệnh.
Nhìn chung người Hoa Kỳ mang nhiều nét tương đồng của Con Người Tiên Rồng bao gồm các phần Thân - Trí - Tâm - Tuệ như Thân lực sinh động – Trí năng tinh biến – Tâm tình thông hiệp – Tuệ linh vĩnh cửu được định nghĩa một cách đúng thực trong Chính Thuyết Tiên Rồng của Tổ Tiên, và hy vọng xã hội Hoa Kỳ sẽ thực thi Đồng Bào Tính trong một tương lai gần.
II. Công Bằng Xã Hội (Social balance)
Sự bình đẳng của Hoa Kỳ đã không mặc nhiên mà có, mà hưởng, mà phải trải qua bao cuộc tranh đấu Chống Bất Công Xã Hội và Phân Biệt Chủng Tộc (Fighting Social Injustice and Racism) bằng máu, nước mắt và sinh mạng với những cuộc biểu tình xưa nay để bảo đảm quyền tự do cá nhân.
Chính quyền của bất cứ quốc gia nào cũng có nhóm người đặc quyền đặc lợi (Privilege) hưởng thành quả công sức lao động của dân nước ấy mà không trực tiếp tham gia sản xuất những giá trị khả dụng, để mà gây ra bất công và kỳ thị trong xã hội.
Thành thật mà nói rõ ràng rằng, nhóm đặc quyền hay tư bản đầu cơ (Speculator Capitalism) hoạt động mua bán các công cụ tài chính như ngoại tệ, cổ phiếu, trái phiếu… nhằm mục đích là “săn hái” kiếm tiền. Săn hái là hoạt động kiếm ăn dễ dàng nhất của con người ở thời tiền sử.
Tư bản đầu cơ là sự tích luỹ của quá trình hình thành tỷ lệ lãi chung của hệ thống tư bản, và giá trị giao dịch của hoạt động đầu cơ tích trữ này là rất lớn.
Mặt khác, tư bản đầu cơ không tồn tại độc lập với tư bản kinh doanh sản xuất (Entrepreneurial Capitalism) mà chúng đứng trên vai, trên cổ hay trên đầu của tư bản sản xuất, chúng giám sát hoạch định và điều khiển tư bản sản xuất để chiếm phần đặc lợi.
Theo nhà nghiên cứu kinh tế xã hội ghi nhận rằng, chỉ tính riêng lượng tiền được luân chuyển qua thị trường tài chính hàng ngày cũng lên tới khoảng 25 nghìn tỷ Mỹ kim. Hoa Kỳ hiện có khoảng 10 phần trăm số người giàu đang nắm giữ tổng sản lượng quốc gia, và là nhóm đặc quyền đang gây bất công xã hội vì hưởng lợi vượt quá nhiệm vụ của họ.
Ví dụ, hàng ngày giới đặc quyền Hoa Kỳ có thể kiếm hàng triệu Mỹ kim, đang khi 90 phần trăm giới công nhân lao động thì nghèo khổ, lãnh đồng lương rẻ mạt, và chịu sưu cao thuế nặng.
Không giống các tư bản tài chính khác, tư bản đầu cơ không tạo ra giá trị thặng dư mà chỉ phân bổ lại giá trị thặng dư đó. Tư bản đầu cơ không tái đầu tư để thuê thêm nhân công, không mở rộng sản xuất, không mua nguyên vật liệu hay công nghệ mới.
Thay vào đó, lượng tư bản này được dùng vào các hoạt động đầu cơ, trong đó các nhà đầu tư đánh cược (Stake – Stakeholder Capitalism) với những biến động trong giá cả của thị trường chứng khoán với các công cụ tài chính.
Tóm lại, tư bản kinh doanh và sản xuất là điều cần được phát huy, phát hành và phát triển mạnh, đẩy lùi hoạt động đầu cơ tiền tệ, chứng khoán, bất động sản nhằm mục đích ưu tiên cho sản xuất tạo của cải cho xã hội mới và thực hành công cuộc cải hóa con người.
III. Kinh Tế Tín Liệu
Nếu như công nhân, đất đai, nguyên liệu, vật liệu, tài liệu là yếu tố sản xuất của thời đại công nghiệp, thì Kiến Thức (Knowledge) bao gồm dữ kiện (Data), tin tức (Information), thông toàn (Wisdom) về hình ảnh, biểu tượng, văn hóa, lý thuyết, khả năng trải qua giáo dục học đường và kinh nghiệm sống là yếu tố sản xuất của thời đại tín nghiệp.
Thế kỷ của kiến thức, của tri thức, của trí tuệ thời đại, cho nên nhu cầu chính trị xã hội cũng cần có con người thông toàn (Wisdom). Kinh tế tín nghiệp đặt nền tảng ở các thị xã kỹ thuật cao (Hitech City) và cần con người kỹ sư có kỹ thuật cao (Hitech Engineer)
Kỹ thuật của thời đại mới làm giảm hạ giá thành của các sản phẩm. Dịch vụ và sản phẩm càng ngày càng giá rẻ, tiện lợi, nhanh chóng nhờ có kỹ thuật cao, thông minh điện tử, trí tuệ nhân tạo.
Ví dụ ở thập niên trước chiếc máy in Laser bán ra thị trường với số tiền giá cao, mắc gấp đôi gấp ba lần giá máy in ngày nay… vì nhờ kỹ thuật tân kỳ đã làm cho máy móc chạy nhanh hơn, tiêu chuẩn hơn, chất lượng và số lượng nhiều hơn.
Vì kỹ thuật chip càng ngày càng được tinh vi, nhỏ gọn, rẻ tiền cho nên sản phẩm lại được thông dụng và phổ biến nhanh, địa phương hóa nền kinh tế khắp nơi. Chính điều này đã tác dụng và làm thay đổi cán cân thăng bằng của các nền kinh tế quốc gia, các khối chính trị quốc tế.
Kiến thức là điều cần thiết cho việc sản xuất và tạo ra thịnh vượng cho xã hội. Kiến thức làm giảm sức lao động, bớt đi máy móc, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, thời giờ, tiền bạc… và đặc biệt không cần kho chứa hàng hóa, không cần công nhân bảo quản.
Ví dụ chiếc máy tiện được điện toán hóa, cho nên máy có độ chính xác rất cao, rất nhanh, bớt hao hụt vật liệu thép nhôm và còn giảm giờ làm việc của công nhân. Nhờ kỹ thuật thông minh kiểm soát nhiệt độ nên máy tiện thời nay cũng giảm điện, giảm khí, giảm nước… giảm nhiều nhiên liệu tiêu dùng.
Tiếp đến như năng lượng mặt trời, sức gió, sức nước… cũng góp phần quan trọng trong kỹ nghệ tiêu dùng.
Với mức độ sản xuất trong thời đại tín nghiệp sẽ nhanh, nhiều, đẹp, nhiều kiểu… và được thay đổi liên tục nhờ vào máy điện toán cho phép. Do đó nhà máy chế tạo xe hơi có thể sản xuất ra rất nhiều kiểu xe điện mới lạ để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, mà hãng xưởng không phải phí tổn nhiều trong việc đúc khuôn in ấn như ở thời đại công nghiệp.
Thời đại tín nghiệp là thời mua bán tin tức, sáng kiến, quản trị, văn hóa, kỹ thuật tân tiến, nhu liệu điện toán, giáo dục, huấn luyện, y khoa, tài chánh và các dịch vụ của thế giới. Bởi thế những công nhân trí óc hay lao động chân tay, muốn có việc làm trong thời đại mới này họ đòi hỏi phải có kiến thức, nhưng cũng nhờ kỹ thuật tân tiến sẽ giúp cho việc giáo dục mở rộng để có thể đào tạo ra hàng tỷ chuyên viên.
Giá trị của các hãng điện tử, điện ảnh, máy móc gia dụng, xe hơi… lệ thuộc vào chip, sáng kiến, kiến thức cao, sự hiểu biết trong đầu của nhân viên, các dữ kiện của ngân hàng, bằng sáng chế mà các công ty có thể kiểm soát được, chớ không chỉ lệ thuộc vào xe vận tải, hệ thống dây chuyền với những tài sản vật chất khác như thời đại công nghiệp. Số vốn kiến thức sẽ tăng trưởng dần nhưng khó mấy ai nhìn thấy hay nhận biết.
Tóm lại các khám phá về khoa học, kỹ thuật của thời gian trước ắt trở thành lỗi thời, lỗi nhịp với hiện tại. Hệ thống gíao dục cũng phải đổi mới để phù hợp với hiện cảnh và đáp ứng nhu cầu thời đại. Các cơ cấu tổ chức kinh doanh, xã hội, chính trị, quân sự, ngoại giao cũng được nghiên cứu phát triển và canh tân cải tiến theo kịp thời đại văn minh tín nghiệp.
VI. Kiến Thức
Kiến thức là sự hiểu biết thấu đáo một hay nhiều vấn đề. Từ công ty cho tới cường quốc đều thu thập kiến thức trong mọi lãnh vực: truyền thông, văn hóa, nghiên cứu và phát triển bằng nhiều nguồn tài nguyên rộng lớn với những phương tiện tối tân. Phương cách để thu thập tin tức có giá trị là qua hệ thống điệp viên, tình báo, phản tình báo.
Chiến lược kiến thức của quá khứ, hiện tại, và tương lai là tìm cách chuyển các nhân tài/ thiên tài của nước người thành ra của nước mình. Vì nhân tài/ thiên tài là người thông minh, là kho tàng kiến thức, do đó các sinh viên/ học sinh ưu tú khắp nơi đều được cấp học bổng, cấp thông hành du học.
Ngay tự ngàn xưa, vấn đề nhân tài và mỹ nữ đã trở thành mối quan tâm đối với triều đình đế quốc, và trong nhiều giai thoại, nhân tài hay mỹ nữ đã làm thay đổi cuộc diện chính trường hay chiến trường của quốc gia. Để thâu nạp và chiếm hữu nhân tài của các nước lân bang, thì đế quốc thời đại nông nghiệp “chiêu hiền đãi sĩ” hoặc tìm bắt nhân tài qua hình thức ngoại giao triều cống.
Triều cống là dâng nạp phẩm vật hoặc người tài cho nước thống trị. Thời kỳ ngàn năm đô hộ ngày xưa Việt Nam phải triều cống Trung Quốc theo ưu tiên thuộc lòng: “Thứ nhất nhân tài, thứ nhì mỹ nữ, thứ ba tiền vàng.” Thời nay chính sách thâu nạp nhân tài để phục vụ “thiên triều” vẫn còn áp dụng qua những chương trình “săn người” như viện trợ, học bổng, di dân, tuyển mộ chuyên viên nghiên cứu, du học sinh.
Tiếp đến quân sự hay dân sự, cũng đều xử dụng chiến thuật “Tát cạn thông minh” bằng cách một là hủy diệt nhà thông thái của đối phương, hai là thâu nạp các nhà bác học. Và một trong những bí quyết của siêu cường ngày nay, là “ăn trộm thông minh” của các nước chậm tiến.
Trong Đệ Nhị Thế Chiến khi quân đồng minh chiếm Berlin, các nước đua nhau tìm bắt các nhà thông thái của Đức nhằm ngăn ngừa Đức Quốc Xã sáng chế những vũ khí tối tân, bom nguyên tử, bom sinh học… và Hoa Kỳ đã thành công hơn đồng minh trong công tác này để mang số nhà bác học về Hiệp Chủng Quốc. Chiến lược “tát nước bắt cá” các nhà thông thái trong Đệ Nhị Thế Chiến cũng xảy ra nhiều chuyện rùng rợn đã khiến cho Đức Quốc Xã phải giết đi nhiều nhà khoa học Châu Âu vì họ không đồng ý phục vụ cho tham vọng chiến tranh của quốc trưởng Adolf Hitler.
Ngày nay, chiến lược kiến thức vẫn không tận cùng. Lưỡi kiếm chiến lược kiến thức được mài sắc bén hai bên, một bên thì dùng chém đứt sức tấn công của quân địch, và bên kia lại chặt đứt những cánh tay nuôi dưỡng nó. Hoa Kỳ đã trở thành một nơi tốt nhất nuôi dưỡng nhân tài/ thiên tài trên thế giới.
Các nhân tài/ thiên tài của các ngành, các lãnh vực ở khắp nơi trên thế giới đổ xô về Hoa Kỳ để học hỏi, nghiên cứu, tiến thân vì rằng quốc gia của họ không đủ phương tiện cung ứng trong việc nghiên cứu, và giúp họ phát triển tài năng. Ngoài ra, mức lương bổng và nếp sống cao đã thu hút rất nhiều nhà thông thái của thế giới vào Hoa Kỳ để làm việc cho siêu cường nguyên tử.
Cũng trong Đệ Nhị Thế Chiến, kỹ thuật quân sự ở Hoa Kỳ đã tiến bằng vận tốc ánh sáng qua cuộc nghiên cứu và thí nghiệm nguyên tử thành công. Hai quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản trước đây, nó chỉ là mặt trái của một cuộc nghiên cứu, đang khi việc xử dụng nguyên tử vào kỹ thuật hòa bình đã thúc đẩy nền kinh tế vượt tiến quá nhanh.
Từ đó mà ngành tín nghiệp phát triển và ảnh hưởng ngược lại với lãnh vực quân sự.
Ví dụ nhà bác học Von Braun, người phát minh hỏa tiễn V1, V2 của Đức. Hỏa tiễn thì đã có tự ngàn xưa dưới dạng pháo thăng thiên của Trung Hoa. Khi những chiến lược gia Đức Quốc Xã cần vũ khí mới để thống trị thế giới, Von Braun được bổ nhiệm giám đốc trung tâm sản xuất hỏa tiễn. Hỏa tiễn V1 ra đời bằng nhiên liệu đặc biệt và đạt vận tốc 600 cây số/ giờ.
Nạn nhân Châu Âu đã từng kinh hoàng với tiếng rú tử thần gầm thét xé tan bầu trời u ám của hỏa tiễn V1, trước khi chạm mục tiêu và tàn phá muôn loài.
Chiếc V1 chỉ là bước đầu của Von Braun, đã không phải là mục đích nhắm tới, như lời ông nói trong một buổi thuyết trình về hỏa tiễn. Ông cho biết, hỏa tiễn sẽ mở cửa cho Con Người bước vào không gian vô tận, và từ đó Con Người sẽ cảm nhận sự u tối của chính mình đối với không gian.
Hỏa tiễn V2 ra đời và đốt bằng nhiên liệu lỏng, có vận tốc nhanh hơn vận tốc âm thanh, nên khi hỏa tiễn mang bom nổ tan tành thì lúc đó nạn nhân mới biết mình chết, và đã gây ra kinh hoàng cho thế giới. Những nhà chiến lược Đức Quốc Xã cũng tiếc rằng chế tạo ra V2 hơi trễ, và nếu chế được bom nguyên tử thì quốc trưởng Adolf Hitler đã không ngần ngại cho gắn bom vào hỏa tiễn V2 nhằm tàn sát các quốc gia láng giềng và làm bá chủ địa cầu.
Sau này Von Braun cũng làm giám đốc trung tâm hỏa tiễn Hoa Kỳ, và các khoa học gia đã tuyên dương ông là người mở đầu kỷ nguyên thám hiểm không gian. Là một giám đốc, ông thành công trong nhiệm được sự hợp tác tích cực của các nhân viên.
Dù là một nhà bác học, nhưng ông ngay thẳng liêm chính, công bằng, không lạm dụng quyền hạn chèn ép nhân viên dưới quyền, và biết áp dụng quyền lợi như lên chức, lên lương, tặng thưởng để khuyến khích, thúc đẩy nhân viên tích cực hợp tác làm việc chung. Von Braun thành công trong vai trò tổ chức và lãnh đạo của mình.
1. Nghiên Cứu Phát Triển
Các quốc gia văn minh chi tiêu những ngân khoản khổng lồ trong việc “Nghiên Cứu và Phát Triển. Công việc nghiên cứu (Research) của các công ty, hay của quốc gia được nâng lên ưu tiên hàng đầu vì có nghiên cứu tìm tòi học hỏi thì mới khám phá, mới phát minh để phát triển (Development) nền kinh tế quốc gia.
Do đó có nhiều Think Tank trong các trường đại học để nghiên cứu các mặt của đời sống con người.
Hoa Kỳ chi tiêu những ngân khoản lớn cho việc nghiên cứu. Những trung tâm nghiên cứu này lại được trang bị những máy móc, dụng cụ tối tân bậc nhất thế giới. Chính đặc điểm này đã thu hút nhân tài trên thế giới, vì rằng các nơi khác không đủ phương tiện để nghiên cứu giúp cho người tài thi thố tài năng.
Ngoài ra, chương trình “săn đầu người,” Hoa Kỳ trợ cấp học bổng cho những sinh viên/ học sinh ưu tú đại học/ trung học, và những ai tỏ lộ khả năng xuất chúng ở bất cứ lãnh vực nào trong xã hội cũng được du học/ tu nghiệp ở Hoa Kỳ, tạo cho nước này thành nơi quy tụ nhân tài/ thiên tài của cả thế giới.
2. Địa Lý Chính Trị
Theo lý thuyết địa lý chính trị vào thế kỷ 19, Châu Âu đã trở thành một trung tâm quyền lực của thế giới. Các nước Châu Âu được coi như là quần đảo quyền lực (thuyền: chính quyền), và các nước chậm tiến trên Thế Giới được xem như đại dương (nước: dân). Và từ đó các chiến lược gia nhận định rằng “Ai cai trị Châu Âu thì cai trị Thế Giới.”
Nhưng rồi chiến lược quân sự đã phải thay đổi và tùy thuộc mục tiêu, vũ khí trang bị của thời đại:
- Khi tàu thủy nhả khói trên biển cả, người ta nhận định: “Ai kiểm soát đại dương thì kiểm soát toàn cầu.”
- Khi máy bay bắt đầu lượn trên bầu trời, người ta lại nói: “Ai kiểm soát bầu trời thì kiểm soát toàn cầu.”
- Khi vệ tinh và trạm không gian xuất hiện, người ta dẫn tới kết luận: “Ai kiểm soát không gian thì kiểm soát thế giới.”
Vào thế kỷ 20 Châu Âu đã mất quyền lực nắm giữ trung tâm chính trị thế giới, và biến thiên với những trung tâm quyền lực khác là Hoa Kỳ – Liên Sô – Nhật Bản hoạt động trong chiến tranh lạnh (Cold War). Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ thì thế giới nhìn nhận chỉ còn Hoa Kỳ là siêu cường, chẳng những là siêu cường trong nhiều thập niên qua mà còn giữ được địa vị này trong nhiều thập niên tới, “Hoa Kỳ là trung tâm quyền lực thế giới,” và khai sáng Thời Đại Tín Nghiệp.
Hoa Kỳ phát triển kỹ thuật nguyên tử, robo, điện toán và đồng Mỹ kim đã ngự trị trên nền tài chánh thế giới. Và để đương đầu với tiền Dollars, các nước Âu Châu cố gắng củng cố Khối Châu Âu và phát hành đồng Euro nhằm mục đích làm thăng bằng cán cân quyền lực với Hoa Kỳ.
Theo thuyết thăng bằng vũ trụ, một hòn bi lớn lên thì những hòn khác sẽ tự động kết lại để làm thăng bằng. Khi một nước trở thành siêu cường thì các nước khác sẽ thành lập liên minh đương đầu với siêu cường đó, và làm cho siêu cường đó quay đúng quỹ đạo.
Lý thuyết này cũng đặt trên những ý tưởng: không một ai muốn chiến tranh, chính quyền không thích mạo hiểm, mọi thành phần có thể thương thuyết trong hòa bình, và nhân loại có một hệ thống chính trị hợp lý.
Những cuộc nghiên cứu về hệ thống địa cầu và mặt trăng của Hoa Kỳ, hay những nước tân tiến khác… đã phát sinh “chiến lược quân sự không gian: Strategic Defense Initiative,” khi Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đề ra chương trình chiến tranh giữa các vì sao (Star War). Vấn đề quân sự thế giới lại bị lệ thuộc vào các vệ tinh bay xung quanh địa cầu.
Từ đó câu nói “Ai kiểm soát trạm không gian thì cũng kiểm soát các vệ tinh,” đã trở thành chân lý.
Trạm không gian được thiết lập tại các điểm mà sức hút cân bằng giữa mặt trăng và trái đất. Những căn cứ này có thể ở lại một thời gian lâu mà không cần tiếp tế nhiên liệu.
Chương trình thiết lập trạm không gian của Hoa Kỳ và Nga đã được tiến hành, trạm này có diện tích rộng như một sân banh.
3. Hòa Bình
Hòa bình là ước vọng của nhân loại, khác với chiến tranh là khía cạnh tàn ác của con người. Mỗi thời đại con người cũng tạo ra một loại chống chiến tranh, cần giới hạn chiến tranh để mang lại hòa bình.
Mỗi thời đại cũng tùy theo vũ khí, tổ chức quân đội để có những loại chiến tranh và hình thức hòa bình thích nghi với thời đại.
Năm 1864, nhiều quốc gia đồng ý để bác sĩ và nữ cứu thương trung lập trong việc chăm sóc thương bệnh binh không phân biệt quốc tịch, không phân biệt bạn thù. Phong trào này ảnh hưởng bởi cuốn hồi ký của thương gia Henry Dunant có tên “A Memory of Solferino” xuất bàn năm 1862.
Tiếp đến năm 1868, nhiều quốc gia đồng ý không chấp nhận một số đạn đầu nổ.
Thời đại công nghiệp những tổ chức chống chiến tranh miệt mài tranh đấu, chống lại những kỹ nghệ quân sự sản xuất vũ khí. Nhưng thời đại tiền tín nghiệp kỹ nghệ sản xuất vũ khí đã hoán chuyển dân sự, thì sao? Nhiều xí nghiệp dân sự sản xuất sản phẩm dân sự mà có thể áp dụng cho quân sự, thì sao? Cần biện pháp nào kiểm soát?
Từ khi các quốc gia trên thế giới ký kết hòa ước đồng ý loại bỏ một số vũ khí hóa học và vi trùng, và ấn định những tiêu chuẩn dành cho tù hàng binh, ngăn ngừa diệt chủng và vũ khí nguyên tử… Người ta coi đó là những bước tiến dẫn đến hòa bình.
Nhưng hiện tình lại thường xảy ra, mỗi khi các nhà thương thuyết vừa im hơi là tiếng súng lại bắt đầu nổ vang. Thế giới thêm nhiều biện pháp như trừng phạt kinh tế, cô lập ngoại giao… nhưng chiến tranh vẫn luôn xảy ra, và không bao giờ ngừng.
Thế rồi các hiệp ước hạn chế vũ khí nguyên tử, cấm thí nghiệm nguyên tử… là dấu hiệu hòa bình, nhưng các vũ khí đó thuộc về thời đại công nghiệp. Đang khi nền văn minh tín nghiệp cần cải tiến hành tinh chúng ta đang sống, ai hy vọng nền văn minh này sẽ mang lại hòa bình mà không có kế hoạch ngăn ngừa chiến tranh thì thật là ngây thơ, vì “Lưỡi Kiếm lúc nào cũng sắc bén hơn Lưỡi Cày.”
Lưỡi kiếm tín nghiệp chắc chắn sắc bén hơn, nhanh chóng hơn, hữu hiệu hơn bất cứ chiến tranh nào ngày trước. Nếu con người không đặt lại vấn đề hòa bình của ngày nay, thì các dụng cụ máy móc kinh doanh có thể biến thành vũ khí trong thoáng chốc.
Bởi các dịch vụ, phương tiện kinh tế, thương mại của thời nay cũng có thể xử dụng cho chiến tranh.
Để tồn tại chúng ta phải có chiến lược chống chiến tranh. Chúng ta cần nhìn xa cảnh giác, ủng hộ các tổ chức chống chiến tranh hầu mang lại nền hòa bình thế giới. Việc làm này đã không dễ, vì theo Tôn Tử dạy rằng, “Đánh trăm trận trăm thắng chưa phải là người tài. Người tài là người ngăn ngừa không để chiến tranh xảy ra.”
Vũ khí tín nghiệp đang thay đổi hình dạng… vũ khí không giết người, hay vũ khí giết người một cách khủng khiếp. Những vũ khí này có thể sản xuất ngay trong xí nghiệp dân sự, mà không cần thiết bị quân sự như trước đây. Những vũ khí bán ra lại được “in vào” bộ phận thông minh để giới hạn việc xử dụng trong trường hợp bị rơi tay địch.
Nhà sản xuất có thể “cấy chip” tự hủy vào máy bay, hay vào dàn phóng hỏa tiễn, xe tăng, hỏa tiễn, tàu thủy… khi lọt vào tay địch, thì họ có thể ra lệnh tự hủy chiến cụ ấy.
Vệ tinh không gian có thể phát giác ra những vũ khí chiến cụ đang hoạt động ở đâu, mục đích gì… để có thể ngăn chặn, hoặc phá hủy kịp thời từ trên trời cao. Với trình độ khoa học hiện nay, đối phương không thể tháo gỡ “bộ phận tự hủy,” vì khi đụng tới, đương nhiên nó tự phá hủy vũ khí, hay chiến cụ tịch thu được.
Đây cũng là hình thức giải quyết chiến tranh để có hòa bình.
Tuy nhiên, vấn đề chiến tranh và chống chiến tranh thời nay lại lệ thuộc vào không gian, với những đồn binh đang đóng ngoài hành tinh trái đất. Việc làm này không đơn thuần về ngân khỏan tài chánh mà là sinh mạng con người.
4. Kết Luận
Tổng kết chúng ta muốn thành công trong chính trị Giúp Dân Cứu Nước và Dựng Nước, thì công tác và khả năng lãnh đạo phải được phát triển đúng thời đại. Dân tộc Việt Nam đang cần một tổ chức chính trị hợp thời đại, Sách Lược với những con người tổ chức và lãnh đạo tín nghiệp để dẫn đưa dân nước tiến ngang hàng với các quốc gia tân tiến trên thế giới trong thế kỷ 21 này.
Phạm Văn Bản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét