Chiều Thứ Sáu, 17/5/2024, nhân ngày giỗ cố nhạc sĩ Lam Phương tại tư gia Minh Khai (em gái Lam Phương) thành phố Fountain Valley, Nam California. Vì trong tình thân hữu nên chỉ có ít thân hữu và Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian tham dự.
Nhà văn Nguyễn Quang và tôi ra sân sau trò chuyện, ông cho biết sẽ thực hiện hồi ký lịch sử viết tiếng Anh vì cuộc đời đã trải qua giai đoạn thăng trầm từ thập niên 1940’ cho đến nay qua tám thập niên. Tôi nghĩ tác phẩm nầy sẽ có giá trị vì tác giả là chứng nhân thời cuộc ghi lại từ trong nước đến hải ngoại.
Cuối tháng 5/2024, người bạn gợi ý với tôi việc thực hiện tuyển tập (tổng quát) với các nhà văn, nhà thơ lão thành trên chín mươi tuổi còn sống và sáng tác vào năm 2025 để đánh dấu nửa thế kỷ văn học Việt Nam hải ngoại. Đây là ý kiến hay, ở Mỹ đã có chúng tôi và sẽ liên lạc với vài bạn văn phương xa.
Ở Little Saigon, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã thọ 103 tuổi, lúc trên 90 tuổi vẫn còn sáng tác. Nữ sĩ Dương Hồng Anh, 93 tuổi ra mắt thi phẩm thứ 12 Những Gì Để Nhớ vào mùa xuân 2024… Nhà văn Nguyễn Quang (phu quân cố nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh) ở tuổi 93 (94 theo âm lịch vừa được nhóm NVNT & TTG tổ chức sinh nhật) vẫn còn minh mẫn, viết lách và sẽ ấn hành tác phẩm. Khi bạn tôi vào Google tìm “nhà văn Nguyễn Quang” thì không biết gì cả! Tôi cảm thấy đây là sự thiếu sót của chính bản thân và vài bạn cầm bút quen biết khi viết về nhà văn Nguyễn Quang mà không phổ biến rộng rãi trên các websites với nhà văn đã một thời dấn thân cho văn nghiệp nhưng bản tính khiêm nhường và chỉ quan tâm đến người bạn đời (tác phẩm và cuộc sống) nên có lẽ phần nào bị “đóng khung” trong sự nghiệp văn chương. Ngay cả việc học hành, bằng cấp, công việc của ông cũng không muốn đề cập (theo ông) cho thấy sự tế nhị và khiêm tốn, nhưng trong những lần ra mắt sách, diễn giả đã đề cập nên chỉ nhắc qua.
Tháng 6/2024 là ngày giỗ nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh (nhà báo, nhà thơ, nhà văn) nên nhân dịp nầy tôi viết về cuộc tình của bà với nhà văn Nguyễn Quang. Nữ sĩ MĐHT nổi tiếng từ trong nước đến hải ngoại, và cũng là người phục hồi lại Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại nên tên tuổi bà được mọi người biết đến nhưng “Đằng sau một người đàn bà thành công luôn có bóng dáng người đàn ông” ở trường hợp nầy. Trong thời gian qua, tôi thấy có vài tác phẩm về văn học hải ngoại không đề cập đến các tác giả đã hiện diện trong những thập niên qua (ngay cả nhà văn Linh Bảo).
Hơn mười năm qua, tôi không còn phụ trách mục sinh hoạt văn nghệ cho tờ báo nên ít tham dự trong những buổi ra mắt sách, ngoại trừ tác giả thân quen và trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng thời Gian (nhưng có các bài viết của Việt Hải, Khánh Lan, Kiều My…)
Nhà văn Nguyễn Quang đã ấn hành nhiều tác phẩm và đã từng ra mắt sách (RMS) nhưng đến năm 2022, tôi mới ghi nhận: RMS Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân.
(Trích): “Ban Tổ Chức Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian tổ chức buổi RMS hai tác phẩm Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân của nhà văn Nguyễn Quang tại hội trường Thư Viện Việt Nam, thành phố Garden Grove. Nhà văn Nguyễn Quang là phu quân nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh (1930-2017). Tuy bước sang tuổi 90 nhưng nhà văn Nguyễn Quang vẫn khỏe mạnh và hoàn thành hai tác phẩm thứ 8 & 9: Phận Đàn Bà & Ôn Cố Tri Tân.
Nhà văn Nguyễn Quang (Nguyễn Quang Huy) sinh quán tại Phú Nổ, làng Khánh Hưng, Tỉnh Sóc Trăng, du học tại Pháp từ năm 1950, đỗ Cử Nhân Toán. Năm 1955-1962, theo học tại đại học Cambridge ở Anh, đỗ Cao Học Kinh Tế (nay gọi là Thạc Sĩ). Ông trở lại Pháp, làm việc cho vài nhà xuất bản ở Paris…
Tuy xa quê hương gần bảy thập niên nhưng nhà văn Nguyễn Quang vẫn nặng tình với quê hương vì vậy qua các tác phẩm của ông mang hình ảnh và tâm thức người Việt tha hương với cội nguồn dân tộc. Cũng vào thời điểm nầy, Chủ Nhật, 13/4/2014 tại hội trường Thư Viện Việt Nam, nhân dịp sinh nhật 83 tuổi, nhà văn Nguyễn Quang đã ra mắt tác phẩm Một Giấc Mơ. Nhà văn Nguyễn Quang cho biết: “Đây là tác phẩm để tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968. Bày tỏ sự tôn kính lòng kiên quyết của các bà vợ, của các Dân Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa trong ngục tù cộng sản”.
Trong tác phẩm Phận Đàn Bà (“Đau đớn thay phận đàn bà” - Nguyễn Du), nhà văn Nguyễn Quang đã khéo léo trong việc sử dụng những hình ảnh, ngôn ngữ, hoàn cảnh để so sánh, để ví von. Lời văn ẩn dụ những sinh hoạt quen thuộc hàng ngày trong một gia đình tưởng như hoàn mỹ, để truyền tải sâu sắc ý tưởng của mình. Đọc tác phẩm Phận Đàn Bà cho chúng ta ba ý niệm khác nhau, cả ba phần đều đề cập đến cuộc đời, danh phận cũng như sự kiên nhẫn, nhịn nhục và chịu đựng của người đàn bà.
Phần một thuộc thể loại tình cảm xã hội về một gia đình được coi là lý tưởng nhưng lại trải qua nhiều uẩn khúc như sự giằng co giữa lương tâm nghề nghiệp, bổn phận với vợ con và trách nhiệm với người tình.
Trong phần thứ hai thì lại đặt nặng về phần văn hóa xoay quanh những tranh luận về phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương, từng quốc gia. Phần này rất có ích cho những ai muốn học hỏi, nghiên cứu để mở mang kiến thức.
Phần thứ ba là những câu chuyện qua từng mẩu chuyện mà tác giả đã thu nhận được từ bạn hữu, từ những mẩu chuyện “đàn ông đàn bà”, những chuyện do “mắt thấy tai nghe”, được ông ghi lại trên trang giấy. Trong từng mẩu chuyện, với tâm hồn nhận bản, phác thảo bức tranh về nhân tình thế thái…
Về tác phẩm Ôn Cố Tri Tân của nhà văn Nguyễn Quang ôn lại lịch sử nước Việt, từ thời Hồng Bàng với các vị vua Hùng Vương, rồi qua các triều đại Lý, Lê, Trần, Nguyễn… đất nước ta trải qua ngàn năm Bắc thuộc, gần 100 năm Pháp thuộc, chiến tranh Quốc Cộng, thời CSVN thống trị…
Thành ngữ “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ” (ngẫm nghĩ việc xưa để hiểu việc nay). Tác giả gợi lại bài học lịch sử từ thời lập quốc trải qua các thời kỳ Bắc thuộc từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên đến thế kỷ mười lăm sau công nguyên với các bậc anh thư, anh hùng dân tộc yêu nước đã đứng lên chống trả quân xâm lược. Thời kỳ Pháp thuộc với những sĩ phu yên nước dân thân cho đại cuộc… Thời kỳ Cộng Sản xâm nhập cho đến hiện tại với thảm họa như quá khứ… Với tinh thần bất khuất của người dân Việt, noi gương những bậc tiền nhân để xây dựng lại trang sử vàng son.
Tác phẩm văn chương mang tâm huyết của người Việt lưu vong cho thế hệ hiện tại và các thế hệ tiếp nối có giá trị về bài học lịch sử Việt Nam suy ngẫm để xây dựng đất nước trong tương lai thanh bình, thịnh vượng.
Những bài học từ quá khứ để suy nghiệm hiện tại. Trước đây, tôi có giới thiệu khái quát về tác phẩm Ôn Cố Tri Tân, trong đó có nhắc đến: “Cụ Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) tự Ôn Như là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Hán, tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ. Quyển Cổ Học Tinh Hoa (cùng Trần Lê Nhân) ấn hành năm 1928 đến nay gần một thế kỷ vẫn được ấn hành và lưu truyền. Hai vị biên soạn đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu những tinh hoa của nền cổ học phương Đông. Với 250 mẩu chuyện liên quan trong cuộc sống, con người, cách xử sự sao cho phù hợp với từng nơi từng lúc. Có thể nói đó là cuốn sách “dạy làm người” để biết nhìn nhận “cái xưa” để xử thế “cái nay” mà qua từng mẩu chuyện với lời bàn rất hữu ích.
Nhà văn, dịch giả Mộng Bình Sơn (1923–2011) đã viết nhiều tác phẩm, trong đó có quyển Ôn Cố Tri Tân gồm 3 tập, ấn hành năm 1967, Sống Mới xuất bản tại Sài Gòn. Dẫn chứng hai quyển sách của người xưa của nước ta về Ôn Cố Tri Tân vẫn còn giá trị trong cuộc sống. Sau nầy nửa thế kỷ ở hải ngoại, tác giả Nguyễn Quang nay ở tuổi chín mươi mốt vẫn mang hoài bão của bậc cao tuổi nơi quê người qua tác phẩm…
(VTrD , Little Saigon, April 10, 2022).
Trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang như Nhập Gia (2007), Ông Giáo Làng (2009), Ốc Mượn Hồn (2012), Một Giấc Mơ (2013), Ngoại Tình (2016), Thần Giao Cách Cảm (2017), Ôn Cố Tri Tân (2020) và Phận Đàn Bà (2022)… có vài tác phẩm đã RMS ở Trung Tâm Minh Đức và Thư Viện Việt Nam, Little Saigon.
Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh (MĐHT) tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó bà biết sự lợi dụng của phong trào bỏ về Huế tiếp tục học. Năm 1964, bà du học tại Pháp về ngành báo chí và Hán văn tại trường ngôn ngữ Á Đông La Sorbonne, Paris. Năm 1967, bà ra trường và làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF (Office de la Radiodiffusion et Télévision Française, tiền thân đài RFI hiện nay), làm phóng sự nhiều nơi như Algérie (Bắc Phi) và Việt Nam.
Năm 1972, bà được cử theo dõi và tường thuật Hòa Đàm Paris. Năm 1973, bà sang Trung Đông theo dõi cuộc chiến Do Thái, một thời gian sau bà trở về Việt Nam giảng dạy khoa báo chí tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, từ năm 1974 đến năm 1975. (Hai bài thơ của bà được Phạm Duy phổ thành ca khúc Kiếp Nào Có Yêu Nhau & Đừng Bỏ Em Một Mình. Ngoài ra nhạc sĩ Võ Tá Hân, cháu gọi cô, phổ những bài thơ qua ca khúc Mẹ bảo ta đừng nhìn qua cửa sổ, Mẹ bảo, Nhớ mẹ, Thức thêm một giờ nữa, Viết bài thơ này… Bài thơ Ai Trở Về Xứ Việt (1962) do Phan Văn Hưng phổ nhạc cũng nổi tiếng).
Sau biến cố tang thương 1975, bà trở lại Paris cho xuất bản tạp chí Hồn Việt Nam và trở lại cộng tác với đài ORTF. Bà đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và vận động để được công nhận tư cách hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế vào năm 1979. Với các tác phẩm của MĐHT như Dòng Mưa Trích Lịch (Thanh Long Bruxelles, 1976), Bài Thơ Cho Quê Hương (Nguyễn Quang, Paris 1976)… với sữ hỗ trợ của phu quân.
Mùa Xuân năm 1971, MDHT làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp (một trong những đài truyền hình lâu đời nhất thế giới), mời nhà văn Nguyễn Quang tới phỏng vấn trên đài. Từ buổi gặp gỡ đó, có sự đồng cảm với nhau.
Khi trở lại trong Hiệp Định Paris, trong tinh thần yêu nước của người Việt và nhóm sinh viên lúc tranh đấu cho Việt Nam Cộng Hòa, cùng lý tưởng, hai trái tim họ gặp nhau. Vì công việc bà trở lại Sài Gòn, năm 1975 định cư tại Paris, nhà văn Nguyễn Quang và nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh nên duyên vợ chồng (trước đó ông và bà đã có con riêng).
Năm 1980, nhà văn Nguyễn Quang sang Mỹ với người bạn đời Minh Đức Hoài Trinh (các con ở lại Pháp). Với bằng cấp chuyên môn ở Anh, ông tiếp tục với lãnh vực nầy. Với hoài bão sáng tác của nữ sĩ MĐHT, ông tận tình thực hiện và phổ biến. Những tác phẩm của nữ sĩ MĐHT đều do phu quân thực hiện như Bên Ni Bên Tê (truyện dài, Nguyễn Quang USA, 1985), Niệm Thư I (tái bản 1987), Niệm Thư II (1988), Biển Nghiệp (Nguyễn Quang USA, 1990), Bất Đáo Trường Thành Phi Hảo Hán (1990), Ngõ Trúc (1997), Chính Khí Của Người Cầm Bút (2014)… nhất là tác phẩm Văn Nghiệp & Cuộc Đời của Minh Đức Hoài Trinh, RMS tại Hội trường nhật báo Người Việt ngày 17/9/2005, tác phẩm nầy được RMS ở các nơi khác (bà không viết hồi ký nên tác phẩm nầy với công việc biên soạn của ông đóng góp cho nền văn học). Ông viết: “
Nhà văn Nguyễn Quang chia sẻ về người bạn đời:
“Trong lúc tôi soạn đọc một số lớn tư liệu của Minh Đức Hoài Trinh, ngẫu nhiên tìm ra một mảnh giấy nhỏ viết tay viết từ ngoài chiến trường, dù bị gián đoạn, chỉ có một vài dòng nhưng tôi cảm nhận được tâm tư xót xa của một ký giả chiến trường, tôi rất xúc động nên muốn chia xẻ cùng quý độc giả như sau:
“Mùi hôi không cản được tình thương”, Minh Đức Hoài Trinh.
“Đi đếm xác chết đó là một công việc tôi hay làm trong những năm hành nghề ký giả. Ai nghe nói cũng nhắm mắt rùng mình, kêu ghê, kêu sợ, kêu eo ôi gì mà kinh thế. Nhưng mỗi người, nhất là mỗi đứa sống với cái nghề cầm bút thường mang một chứng điên khác nhau riêng biệt. Ở giai đoạn chiến tranh lịch sử nầy mà không cầm súng ra trận thì cũng phải làm một cái gì. Nói cầm súng ra trận không phải là tại thích nhìn cảnh bắn giết nhau, nhưng để nghe những tiếng khóc của chính trong lòng mình. Khóc người đang quằn quại, đang gục ngã, đang hấp hối. Đi tìm cảm giác lạ, mỗi người “viết sĩ đi tìm một nẻo khác nhau, bên bàn đèn, trong cánh tay, mái tóc tình nhân, trong hộp đêm trong điệu nhạc, hoặc là những đứa như tôi, thẩn thờ quanh quẩn bên mấy cái xác chết. Tại sao tôi không đi tìm cảm hứng ở những nơi khác, chính tôi cũng có lần đặt câu hỏi tại sao?
Có lẽ vì tò mò muốn nhìn xem những cái xác ấy mới hôm qua còn thơm sạch, còn cười nói, ăn uống, những sự học hỏi, suy nghĩ, những lời đùa vui dí dỏm mới ngày hôm trước đã phát ra từ cái mắt cái miệng ấy. Thế rồi chỉ một tiếng nổ, một lát gươm, tất cả đều tiêu tan, không phải được thành mây khói…”.
Minh Đức Hoài Trinh lặn lội săn tin trên các vùng lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, ghi nhận những sự kiện giao tranh mất còn, từ miền Nam ra miền Trung. Miền Trung là nơi sinh quán và miền Nam là nơi trú quán.
Sau những cuộc chiến có những tử sĩ con yêu của miền Nam Việt Nam hay những chàng trai thế hệ của QLVNCH đã vĩnh viễn ra đi vì bốn chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn”, trong bài viết “Mây Trên Đèo Hải Vân”, Minh Đức Hoài Trinh viết: “Trực Thăng từ từ hạ cánh chúng tôi trở về phòng đợi. Đợi mây tan nhận nụ cười an ủi trên môi người phi công kiên nhẫn, chỉ có thế không có cách gì khác. Mãi đến hai giờ chiều chúng tôi trở lên trực thăng. Chiếc áo quan vẫn còn nằm đấy, y nguyên…
Mây đã chịu tan bớt đi trên đỉnh đèo, trực thăng đã đủ sức vượt qua làn mây. Phi trường Phú Bài không mở chúng tôi đỗ ở phi trường Đại Nội trong thành Huế.
Trước khi ra khỏi phi cơ tôi quay lại nhìn cái hòm, nhìn cái hòm lần cuối cùng, nhìn người chết, nhìn lá cờ VNCH, thì thầm một lời vĩnh biệt. Anh ngủ cho yên và lá cờ hãy che chở cho anh”, Minh Đức Hoài Trinh.
Trong tác phẩm Ngoại tình của ông với câu chuyện tình rất lãng mạn, đẹp trích vài câu thơ tiếng Pháp để nói về tình yêu. Cuộc tình của ông, từ khi gặp nhau ở Pháp và sang Hoa Kỳ cũng vậy nhưng không ghi lại. Những năm cuối đời, nữ sĩ MĐHT ốm yếu, bệnh hoạn được phu quân tận tình chăm sóc cho đến khi bà về cõi vĩnh hằng. có người cho rằng nữ sĩ MĐHT nổi tiếng, “cây đại thụ” với ông (?) nhưng với tôi, ông chính là “cây đại thụ” chăm sóc cho những tác phẩm của bà qua những thập niên xuất hiện trên văn đàn hải ngoại. Ông chính là bạn văn, bạn đời tận tụy, thủy chung trong cuộc sống.
Nhà Văn Nguyễn Quang & NVNT – TTG
Khoảng mười năm nay, nhà văn Nguyễn Quang sinh hoạt với Nhân Ảnh Tân Văn và sau nầy thành Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian
Với tuổi già tham gia cùng bạn trẻ (theo tuổi tác của ông) là niềm vui và cũng là niềm khích lệ trong sinh hoạt đời sống và văn nghệ. Mọi cuộc sinh hoạt trong nhóm nầy đều có sự hiện diện của ông. Khi nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh qua đời (chiều Thứ Sáu, 9 tháng Sáu, tại bệnh viện Huntington Valley Healthcare Center, Huntington Beach. Hỏa táng tại Peek Funeral Home, Chủ Nhật 25/6). Để an ủi nỗi buồn sống cô đơn của ông, nhóm nầy cũng thường đến hội ngộ tại tư gia của ông (tôi nhớ khoảng cuối năm 1990, vài lần ghé ngôi nhà của ông bà có hàng trúc phía trước nên gọi là “đường trúc thư quán” sau nầy chuyển về khu người già gấn đó cũng thuộc Midway City – Thị Trấn Giữa Đàng).
Theo nhà văn Việt Hải, người sáng lập, con chim đầu đàn, chia sẻ về nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, năm 2015 khi đó chúng tôi chỉ có 5 người. Việt Hải, Trần Mạnh Chi, Lưu Anh Tuấn, Ngô Thiện Ðức và Lý Tòng Tôn. Ngày nay, bao gồm thành viên và các thân hữu ở khắp nơi chúng tôi có nhiều người người. Trong đó có nhiều cây bút kỳ cựu hợp tác cùng giới trẻ.
NVNT & TTG tập trung trên hai mảng văn học nghệ thuật và âm nhạc. Bên VHNT thì lo về in ấn, tưởng niệm và ra mắt sách của một số các nhà văn nổi tiếng và một số đã khuất núi. Bên Tiếng Thời Gian lo phần âm nhạc cho các buổi ra mắt sách. Ngoài ra cũng thành lập một khoá giảng dạy âm nhạc căn bản cho thành viên của nhóm…
Nhà ăn Khánh Lan, người đảm trách blogspot NVNT & TTG từ tháng 5/2018 cho đến nay đã phổ biến vài trăm bài viết, sơ lược các sinh hoạt trong quá khứ của nhóm như tổ chức các buổi ra mắt sách của các văn, thi, nhạc sĩ… vinh danh và chúc thọ các vị tiền bối, tổ chức các buổi party và mừng sinh nhật.
Trong 9 năm qua, mỗi năm thường tổ chức 5, 6 lần từ Tất Niên đến Giáng Sinh trong đó có vài lần ra mắt sách, sinh nhật, chúc thọ… Với “cây nhà lá vườn” nhiều ca sĩ trong nhóm đóng góp cho chương trình văn nghệ đa dạng, phong phú vì vậy việc tổ chức dễ dàng.
Hơn ba thập niên làm báo, tôi đã tham dự nhiều lần sinh hoạt nhưng với nhóm nầy tôi cảm thấy sự đồng tình, thân thiện “mỗi người một tay” cùng nhau góp sức và tài chánh cho việc chung, rất quý. Với tinh thần tự nguyện và tự lập nên nhóm NVNT & TTG đã đóng góp nhiều lần sinh hoạt không bị tai tiếng…
Trở lại với nhà văn Nguyễn Quang, tác phẩm Một Giấc Mơ (2013, RMS tại Thư Viện Việt Nam, tháng 5/2014) ông cho biết: “Đây là tác phẩm để tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968. Bày tỏ sự tôn kính lòng kiên quyết của các bà vợ, của các Dân Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa trong ngục tù cộng sản”. Hình bìa tác phẩm với cô gái mặc áo dài trắng với một bông hồng, tôi rất thích.
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa là người Cần Thơ, khi giới thiệu tác giả đã nhắc đến phu nhân của tác giả là nhà thơ Minh Ðức Hoài Trinh mà ông rất ngưỡng phục từ lâu nay. Nhắc đến tác phẩm của Nguyễn Quang được ra mắt, ông nói: “Một Giấc Mơ” của Nguyễn Quang là một giấc mơ không chỉ của cá nhân tác giả, mà là một giấc mơ vừa thương đau vừa thơ mộng của cả một dân tộc, lồng trong một cuộc tình của đôi nam nữ thời chinh chiến”
Nhà giáo Lưu Trung Khảo nói: “Nhà văn Nguyễn Quang, xuất ngoại, xa đất nước từ năm 1950, hết ở Pháp, đến ở Anh rồi qua Hoa Kỳ mà vẫn còn nhớ đến tiếng Việt, không chỉ nhớ mà còn viết nên những tác phẩm cho các thế hệ sau muốn tìm hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước. Văn ông viết xuất sắc. Ngôn ngữ Việt Nam mà còn tồn tại được là chính từ những nhà văn của chúng ta còn sáng tác. Là một nhà giáo, tôi xin được trân trọng cảm ơn sự đóng góp của nhà văn Nguyễn Quang vào kho tàng văn học Việt Nam hải ngoại”
Tuy xa quê hương hơn bảy thập niên, nhà văn Nguyễn Quang vẫn luôn nặng tình với quê hương vì vậy qua các tác phẩm của ông mang hình ảnh và tâm thức người Việt tha hương với cội nguồn dân tộc. Đó cũng là tâm thức của nữ sĩ MĐHT, cùng tâm hồn, đồng cảm, lý tưởng với nhau cuộc tình.
Với tác phẩm Ngoại Tình, xưa nay, từ Đông sang Tây, nhiều tác phẩm nổi tiếng của nhiều nhà văn đề cập đến “ngoại tình” như vấn đề muôn thuở… Nhà văn Việt Hải giới thiệu tác phẩm Ngoại Tình của nhà văn Nguyễn Quang đã dẫn chứng những cuộc ngoại tình qua các tác phẩm Âu, Mỹ và phân tích về vấn đề nầy khá chi tiết rồi đi vào tác phẩm. Chính tác giả Nguyễn Quang tâm tình mối tình cũ giữa cặp tinh nhân nam nữ Vĩnh Phúc và Phương Mai trong sách Ngoại Tình của ông. Hai người bạn này đã trao cho nhau tất cả những hương vị ái tình, hương hoa trái cấm để tác phẩm mang tên “Ngoại Tình”. Trong mối tình tay ba giữa Phương Mai và Vĩnh Phúc (người tình cũ, high school sweetheart, old flame bừng cháy tình cũ không rủ cũng đến), và giữa Phương Mai và Alan Kwan (một doanh nhân tài ba khá giả, cũng là người chồng vô cùng thương yêu nàng)…
Trong buổi hội ngộ trường cũ (High school reunion) tại Hawaii, Vĩnh Phúc và Phương Mai gặp lại nhau. Kỷ niệm xưa trở về trong nội tâm hai người, ngoại cảnh hữu tình đưa đẩy hai tâm hồn xích lại gần nhau, và trao nhau trái cấm... Dù thương chồng nhưng người con gái không thể cưỡng lại sự mạo hiểm tình yêu mà nội dung sách đặt để, cũng như trước sức hấp lực của những yếu tố sinh học kể trên có dopamine và norepinephrine góp phần, khiến con người đã ngã lòng, siêu lòng trao thân…” (VH).
Nhà văn Nguyễn Quang viết tác phẩm nầy ở vào tuổi 86. Ông không khai thác về nhục dục mà tâm lý về tình cảm, tình yêu bằng với văn phong nhẹ nhàng.
Theo GS Trần Huy Bích “Từ nhiều năm nay, nhà văn Nguyễn Quang vẫn tích cực hoạt động trong Mạng Lưới Nhân Quyền VN (Vietnam Human Rights Network) mạng lưới nầy với tiếng Anh và tiếng Việt. Tổ chức này theo dõi và lên tiếng mạnh mẽ mỗi khi nhà cầm quyền CS vi phạm, rồi đàn áp những tiếng nói bênh vực cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở trong nước, soạn các bản Báo Cáo hàng năm về tình trạng nhân quyền ở VN, và cấp Giải thưởng cho những chiến sĩ tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền.
Nhà văn Nguyễn Quang giữ chức vụ Thủ Quỹ. Có nghĩa nếu chúng ta (hay bất cứ ai) ký một chi phiếu để ủng hộ các hoạt động của Mạng Lưới Nhân Quyền, thì người thay mặt tổ chức ấy ký bức thư cám ơn chúng ta, không ai khác hơn là nhà văn Nguyễn Quang”. Tổ chức nầy thành lập và trao tặng Giải Thưởng Nhân Quyền Việt Nam hàng năm cho các nhà họat động xuất sắc trong lãnh vực nhân quyền tại Việt Nam kể từ năm 2002.
Hiện nay, theo tôi, chỉ có nhóm NVNT & TTG mới đủ tài liệu và gần gũi nhà văn Nguyễn Quang để thực hiện tác phẩm Nhà Văn Nguyễn Quang, Cuộc Đời, Tình Yêu & Sự Nghiệp để góp mặt trong văn đàn Việt Nam hải ngoại.
Little Saigon , June 14, 2024
Vương Trùng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét