Lễ nửa đêm Is 9:1-6;
Tt 2:11-14; Lc 2: 1-14
Lễ rạng đông Is
62:11-12; Tt 3:4-7; Lc 2:15-20
Lể ban ngày Is 52:
7-10; Hb 1:1-6; Ga 1:1-18/1:1-5, 9-14
_______________________ _________________
. Lời đã trở thành máu thịt
Lòng tôi rạo rực, súc động khôn tả khi lắng nghe lời tiên tri Isaiah qua các điệu nhạc hòa tấu của Handel về Giáng Sinh: “Hôm nay Con Trẻ đã sinh ra cho chúng ta. Hôm nay Con Một Người đã giáng trần, và đất nước sẽ đè nặng trên vai Người, tên Người sẽ gọi là đấng Kỳ Diệu, là Cố Vấn tuyệt vời, là Thiên Chúa toàn năng, là Cha muôn đời, là Hoàng Tử của Hòa Bình” (Is 9:6). Những lời tuyệt diêu này lấy trong sách Isaiah và bài đọc I mà hàng năm chúng ta vẫn nghe vào lễ Nửa Đêm Vọng Giáng Sinh.
CHÚA GIESU GIÁNG TRẦN VÀ LỜI TIÊN TRI ISAIAH
Ngay trước chương 9 sách Isaiah, lời chứng của tiên tri Isaiah đã làm chúng ta kinh hãi. Một viễn ảnh đen tối âm u và sầu buồn sẽ đổ xuống Judah và vương quốc phương Bắc của Israel. Nhưng cảnh ghê sợ này không phải là những lời cuối cùng của Isaiah. Một ánh sáng rực rỡ vĩ đại sẽ chiếu tỏa lên phần đất này. Mấy giòng mở đầu của chương 9 là chuyển đề từ bóng tối sầu buồn đến ánh sáng huy hoàng. “Nhưng sẽ không còn đêm tối dày đặc âm u đè lên những kẻ sầu khổ nữa. Hồi xưa người đem buồn rầu luận phạt trên đất Zebulun và Naphtali, nhưng sau này nó sẽ được chiếu sáng huy hoàng, óng ánh như nước biển cả, vượt qua những phần đất bên kia Jordan và Galille. Dân chúng đã ở trong đêm tối nay có ánh sáng soi đường chỉ lối để họ đi trong hân hoan mừng vui” (Is 9:1-2)
Ánh Sáng vĩ đại ấy sẽ chiếu tỏa xuyên qua bóng tối, đem mọi người ra khỏi cơn mê, nỗi bối rối hồ nghi và trống rỗng, khỏi bạo chúa hung tàn áp bức. Dân chúng trong những phần đất tối tăm chết chóc sẽ được ánh sáng soi đường chỉ lối. Những biểu tượng của áp bức Assyria như gông kẹp cổ, ách đè vai, roi quất hành hạ, chiến xa, áo trận, tất cả sẽ bị phá hủy và được thay thế bởi hòa bình vui mừng.
Con trẻ ấy sinh ra được loan báo cho các mục đồng và chiên bò đến thờ lạy một cách thơ mộng bằng sao trời sẽ có đầy đủ khôn ngoan của một Solomon, lòng dũng cảm và tình thương của một David, nhân đức của Maisen và các tổ phụ. Tóm lại con trẻ đó là vua Hezekiah, có sức mạnh làm cho chiến tranh của các vua chúa Judah bị xuy giảm.
Với tước hiệu “Cố vấn tuyệt vời”, tân vương sẽ không cần cố vấn như vua Ahaz. Với danh hiệu “Cha Muôn Đời” cho thấy lề luật của Người tuyệt vời. Isaiah đưa ra hình ảnh một vị vua không bao giờ thất bại.
VƯƠNG QUỐC MỚI CỦA ÁNH SÁNG THẬT VÀ HÒA BÌNH VĨNH CỬU
Uy quyền của vị vua này sẽ liên tục lớn mạnh và mang lại hòa bình “shalom” vô tận để ứng nghiệm lời hứa của David: “Nhà ngươi và vương quốc ngươi sẽ luôn luôn vững mạnh trước mắt ta; ngai ngươi sẽ tồn tại đến muôn đời” (2Sm 7:16). Giáng Sinh của Người sẽ ảnh hưởng cã về xã hội lẫn chính trị. Vương quốc tương lai sẽ vượt lên trên mọi vương quốc thế gian vì công lý, công bằng và lẽ phải, trái ngược với Judah thời Isaiah (Is 5:7) cũng như bất cứ một vương quốc trần thế nào khác. Sự phán xét chính xác, có công lý, công bằng và ngay chính (9:7) đã giữ vững ngai David, được tóm gọi trong tiếng “Shalom / Bình An” mà nguyên ngữ Do Thái có nghĩa là toàn thể, hòa điệu và ứng nghiệm trọn vẹn. Do kết quả của ngai tân vương này, dân chúng sẽ sống hòa hợp với Thiên Chúa, với nhau và với thiên nhiên.
Vì vậy, người Kito hữu và Giáo Hội đã cảm nhận được nỗi vui mừng Ánh Sáng và Giáng Sinh Tân Vương của Isaiah vào lễ Chúa Giesu giáng trần. Truyền thống Kito giáo và phụng vụ Giáng Sinh đã áp dụng những tước hiệu hoàng gia của Isaiah 9:6 cho con trẻ Bethlehem là “Emmanuel”, tức là Ánh Sáng Thật và Hòa Bình vĩnh cửu.
Trong những năm trước, chúng ta đã cảm thấy cái đau sót của bóng tối dày đặc bao phủ thế giới, toàn thể nhân loại lâm cảnh đại dịch Covid 19 tàn phá thế giới về cả xã hội văn hóa kinh tế và chính trị! Tình trạng hỗn loạn mờ ảo bi thương đã xẩy ra. Năm nay toàn thế giới trong cảnh hỗn loạn chiến tranh. Ukraine khói lửa mịt mù đang xẩy ra. Trung Đông với Hamas và Israel một lần nữa chiến tranh nổi lên. Thế giới hoang mang. Những địa danh đã một lần Thiên Chúa, các tổ phụ, tiên tri và chính đấng Thiên Sai đã đặt chân tới, nay là vùng của bạo lực, dã man, chết chóc và hận thù. Những Killing fields. Hãy nghĩ đến những bất ổn và tuyệt vọng đang xẩy ra vì cơ cấu tổ chức kinh tế suy xụp. Những cảm giác rùng rơn về bóng tối và mây mờ thường là mầm mống của những hành động ích kỷ, ốc đảo bè phái tư lợi của con người thay vì cộng đồng, ích lợi chung của mọi dân tộc thực sự liên quan với nhau, cùng ưu tư một thống khổ chung của thế giới để biết yêu thương đùm bọc nhau.
ĐẤNG CỨU THẾ CỦA KITO GIÁO VÀ DO THÁI GIÁO
Trong khi Kito Giáo mừng lễ Chúa giáng sinh thì Do Thái Giáo mừng lễ Hanukkah[1]. Trong mùa lễ này, người Do Thái vẫn còn tiếp tục chờ mong đấng Thiên Sai đến. Người Kito hữu chúng ta mừng đấng Thiên Sai giáng sinh trong lịch sử nhân loại. Nhưng cả người Do Thái lẫn Kito hữu đều được mời gọi vượt qua những biểu hiệu bề ngoài để đi xâu vào những vấn đề thiết thực hơn. Chúng ta tiếp tuc chờ mong và thực tế hóa xem sự cứu chuộc mà đấng Thiên Sai sẽ mang lại là thế nào? Bài sách tiên tri được đọc trong lễ Hanukka, vào Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh là bản hiệu triêu mới được gửi đi từ những Nhà Hội và Giáo Hội đến từng mỗi người chúng ta để mọi người tự hứa sẽ mang Ánh Sáng Thiên Chúa đến mọi quốc gia và nhận biết nhau như những thành viên cùng nhau hợp tác xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa.
Cả Kito giáo lẫn Do Thái giáo cùng mừng lễ Giáng Sinh với một Hy Vọng chung “Xin cho Nước Người trị đến!” Hãy cùng nhau đọc kinh này thật lớn và rõ ràng trong những ngày đen tối mây mù bao phủ, cho riêng chúng ta và mọi người trên khắp thế giới, đặc biệt Hoa Kỳ đang bị tan nát vì cả nội thù lẫn ngoại thù như những hình bóng ẩn hiện bất thường đang phá phách quê hương vì quyền lợi phe phái, vì lòng tham vô đáy: quyền và tiền, cũng như những người sống ở những miền đất nước khác đang lo sợ vì chiến tranh giặc giã, nghèo đói và bất công, đàn áp có thể xẩy ra bất cứ lúa nào.
Niềm ao ước chung của chúng ta -những người Kito giáo và Do Thái giáo- có được hoa trái của Vương quốc Thiên Sai thúc dục sát nhập sự hiểu biết của chúng ta lại thành một, để nhận ra sự đổ vỡ chung kinh khủng của toàn thế giới. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II và Biển Đức XVI đã chỉ dạy chúng ta qua lời nói, cử chỉ và hành động, không có gì và không ai có thể tách rời chúng ta khỏi sự liên kết hiệp thông với nhau.
Câu tikkun ha’olam, tiếng Hebrew / Do Thái có nghĩa là chữa lành thế giới, sửa đổi, cải tạo và cứu chuộc -bao gồm cứu chuộc Israel, nhập thể trong con người Đức Giesu, là công việc của Con Thiên Chúa, Chúa Cứu chuộc chúng ta, hành động trong mỗi người chúng ta.
Dec 21, 2023
Nguyễn Tiến Cảnh
[1] HANUKKAH (tiếng Do Thái) lễ tưởng nhớ cuộc tái thiết đền thờ Gierusalem và cung hiến bàn thờ mới vào năm 165 hoặc 164 BC-trước Công Nguyên dưới thời Juda Macabe (1Mcb 4:36-61). Lễ được công nhận vào thế kỷ I và buộc phải giữ nghỉ làm việc 8 ngày, bắt đầu ngày 25 lich Kisley (tháng 11-12) ám chỉ chúa Giesu ở đền thờ Jerusalem vào mùa Đông dịp lễ cung hiến đền thờ. Vào dịp lễ đầu tiên, của lễ gồm có việc hy sinh, ca hát / âm nhạc và trang hoàng trước cửa đền thờ và phòng ốc của các tư tế (1Mcb 4:52-58). Mừng lễ Hanukkah 8 ngày tương tự như việc cung hiến đền thờ đầu tiên do Solomon thực hiện (1V 8:66; 2Chr.7: 9). Từ khởi đầu, lễ Hanukkah liên hệ tới Ánh Sáng và Lửa. Hiện nay Do Thái Giáo mửng lễ này là mong chờ đấng Thiên Sai đến cứu dân họ. Nhưng Chúa Giesu là đấng Thiên Sai/Cứu Thế đã đến rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét