Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

Vô Cùng Thương Tiếc, Cánh Sao Khoa Học Đã Rời Khỏi Bầu Trời

 

Vô cùng thương tiếc NGUYỄN XUÂN VINH
Chuyến cuối Người bay chỉ một mình
KHOA HỌC GIA, lừng danh trí tuệ
APOLLO, nổi tiếng công trình
TOÀN PHONG văn sĩ, bao thành quả
Tư lệnh Không Quân, lắm nghĩa tình
Giải thưởng Hàn Lâm ngời rực rỡ
Gia tài toán học sáng lung linh
Tri ân rạng mặt dân Nam Quốc

Kính tiễn Cụ về diện Thánh Linh.
Thánh Linh Chúa rước bậc tài hoa
Nắng Hạ dường như khóc vỡ oà
Sự nghiệp, năm châu hừng ánh tỏa
Công danh, bốn biển chói quang lòa
Không Gian Kỹ Thuật cùng bay vút
Khoa Học Phi Thuyền giúp tiến xa
Gãy cánh Đại Bàng đau Việt Tộc
XUÂN VINH thanh sử mãi không nhoà

Phương Hoa 
July 24, 2022

Cánh Sao Khoa Học Đã Rời Khỏi Bầu Trời


Ngày hôm qua, Thứ Bảy, 23/07/2022, một tin rất buồn đã đến với cộng đồng Việt Nam. Cánh chim bằng từng làm dậy sóng toàn cầu, Giáo sư Tiến sĩ, Khoa học gia, cựu Phi công, kiêm nhà văn, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã vĩnh viễn ra đi.

Mới hồi cuối tuần trước giáo sư Phạm Hồng Thái, thầy dạy lớp vi tính của tôi, đi Nam Cali có việc và thăm cụ giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Nghe thầy nói hiện bịnh tình của giáo sư đã xấu dần đi và đang được trung tâm “hospice” chăm sóc trong những ngày cuối đời nên thầy phải đi thăm giáo sư một lần trước khi quá trễ. Tôi nói với thầy xin chúc lành đến giáo sư Xuân Vinh, cầu mong người thoát cơn bệnh ngặt. Vì rất quý trọng giáo sư, tôi nghĩ là “còn nước còn tát,” bệnh viện chê thì bây giờ nên tìm cách chữa theo dân gian, may ra cứu được GS. Tôi từng biết có những người bệnh viện trả về, nhưng rồi được cứu sống nhờ các phương pháp dân gian đơn giản đó. Nên tôi gợi ý, nếu có thể thầy Thái nên giúp hướng dẫn và giới thiệu cho giáo sư tham gia một môn nhân điện để tự chữa bệnh thử xem sao.

Nhưng thứ Hai tuần này thầy Thái về lại Bắc Cali và nói với tôi, bệnh tình của Gs Vinh đã quá trầm trọng, vô phương cứu chữa. Thầy kể đã được vài vị dưới Nam Cali đưa đến thăm Giáo sư, và thầy còn cho tôi xem hình nhà văn Việt Hải chụp với giáo sư Vinh đang nằm trên giường bệnh. Tôi nhìn hình mà xót cả lòng, đau cả ruột, thương quá là thương. Vị giáo sư khả kính, nhà khoa học không gian xuất sắc của Hoa Kỳ đã từng làm thế giới nể phục, bây giờ chỉ còn là một thân hình héo úa, với những dấu vết thâm tím khắp trên tay vì kim chuyền thuốc, cùng với dây nhợ đầy người. Thật là kiếp làm người sao khổ quá, sinh, lão, bịnh, tử, không chừa một ai...

Tôi ngẩn ngơ cả ngày vì cái tin Gs Nguyễn Xuân Vinh vĩnh viễn ra đi, vì thương tiếc một nhân tài. Đối với người Việt, GS còn là một cựu Tư lệnh Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Những chi tiết về GS được lưu trữ trên hệ thống Wikipedia: Gs Nguyễn Xuân Vinh từng là Tiến sĩ Khoa học Hàng không và Không gian tại Đại Học Colorado, 1965; Tiến sĩ Quốc gia Toán học Đại Học Paris VI, 1972; thành viên của Hàn Lâm Viện Quốc Gia về Hàng Không và Không Gian (Académie Nationale de l'Air et de l'Espace) Pháp, 1984; và được bầu làm viện sĩ chính thức Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics) từ 1986. Còn nữa, năm 1962, sau khi thực hiện thành công một nghiên cứu về công trình tính toán quỹ đạo tốt nhất cho Phi thuyền do NASA tài trợ, Gs Nguyễn Xuân Vinh là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người đầu tiên được Đại học Colorado trao bằng Tiến sĩ Khoa học Không gian. Và những lý thuyết của ông đã góp phần quan trọng đưa các Phi thuyền Apollo lên được Mặt trăng thành công, đồng thời cũng được ứng dụng vào việc thu hồi các Phi thuyền con thoi trở về Trái đất an toàn. Về sau Gs Nguyễn Xuân Vinh còn được mời tham gia thuyết trình thỉnh giảng tại nhiều Đại học lớn và các Hội nghị Quốc tế trên Thế giới như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Úc, Đức, Ý, Thụy Sĩ, v.v... Chỉ đơn cử một số thành tích đáng nể của GS, vì quá nhiều để kể hết.

Về các giải thưởng khoa học, thì tháng Tám, 1994, Gs Nguyễn Xuân Vinh nhận giải Mechanics and Control of Flight của Viện Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ (American Institute of Aeronautics and Asronautics) về những cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực toán điều khiển tối ưu, ứng dụng cho cơ học phi hành của các vật thể bay trong khí quyển và không gian.

Nhận Giải Mechanics and Control of Flight của American Institute of Aeronautics and Astronautics (1994)

Cũng trong năm 1994, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh được tặng Giải thưởng Excellence 2000 Award, của Pan Ags. Giải thưởng này, được trao tặng mỗi năm tại một buổi dạ tiệc thường tổ chức vào tháng Năm ở Washington DC, để vinh danh một số người Mỹ gốc Á Châu đã đạt được những thành tích vang danh 

Sau đó năm 2006, Gs Nguyễn Xuân Vinh còn được Hội Khoa Học Vũ Trụ Hoa Kỳ (American Astronautical Society) trao giải Cơ Học Phi Hành Không Gian 2006, tên là giải Dirk Brouwer, là giải thưởng quan trọng nhất cho ngành Cơ Học Phi Hành Không Gian.

Theo trong sách Thiên Chức Nhà Giáo – tác giả Nguyễn Xuân Vinh – (Nhân Văn Nghệ Thuật – 2018), thì trong thời gian dạy học ở University of Michigan, Giáo sư Xuân Vinh đã vận động và trợ giúp để mở các lớp dạy tiếng Việt cho sinh viên của trường. Năm 1999, Ban Tổ chức Giải Khuyến Học tại thành phố St Louis, bang Missouri, đổi tên giải thưởng hàng năm đã thành lập từ 1992, thành “Giải Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh.” Trong các giải thưởng được trao tặng, đây là giải cao quý nhất dành cho học sinh nào hội đủ các yếu tố học giỏi, có tinh thần phục vụ cộng đồng, và có tinh thần Việt Nam. (Trích trong Thiên Chức Nhà Giáo -2018.)

Thực ra, cái thuở mà Gs Nguyễn Xuân Vinh chuẩn bị đi Pháp học đại học, tôi vẫn còn ở tận đẩu đâu trong bụng mẹ. Vậy mà lớn lên tôi lại thích đọc sách của người. Đó là vì tôi cũng có chút “dây mơ rễ má” với gia đình Không Quân, nên tôi mê tác phẩm “Đời Phi Công” của GS lắm, và đồng thời cũng tìm đọc các quyển sách khác của GS như, Theo Ánh Tinh Cầu, Tìm Nhau Từ Thuở... Và mới đây nhất năm 2018, Giáo sư đã xuất bản thêm một tác phẩm nữa, tựa đề là “Thiên Chức Của Nhà Giáo.” Trong “Đời Phi Công” tôi rất hâm mộ nhân vật Phượng khi đọc những lá thư của “chàng phi công tương lai” Nguyễn Xuân Vinh đang học lái tận bên trời Tây viết cho người yêu nơi quê nhà. Trong gần chục lá thư đó, tôi cảm động với cái câu mà phi công Nguyễn Xuân Vinh viết cho “nàng Phượng” trong lá thư thứ I, “Đường đời muôn vạn nẻo, anh đã chọn lấy một hướng, dù gian nan muôn trùng anh cũng sẽ mỉm cười dấn bước.” Và trong một đoạn khác, tôi khâm phục cái chấp nhận của người hùng, “Ngay từ lúc phải xa gia đình vì ly loạn, anh đã thấy rằng cuộc đời rồi đây sẽ là gió sương kết hợp, và đến nay anh thấy rằng chắc chắn mình sẽ chỉ là một kiếp chim chào cánh trên khắp kinh kỳ.” (Đời Phi Công – Lá thư thứ nhất- tr. 5)

 

Những ngày mới gia nhập vào Học Viện Không Quân Pháp, trong một buổi tối nơi quán cà phê nhạc, có rượu, có cả những người đẹp mắt xanh tóc vàng xung quanh, mà chàng như không nhìn thấy, chỉ mơ về cô người yêu nhỏ ở quê nhà. Đây là những lời chàng viết cho nàng khi ấy:

“Mái tóc của giai nhân có hoe vàng như những sợi tơ lụa, màu mắt xanh lơ như hồ Thu Diệu và khóe cười có say đắm như ly rượu ngọt có lẽ anh cũng không cảm thấy nữa, vì tất cả chỉ thoáng qua đi như một cơn gió dịu đối với anh. Nếu có gì vĩnh cửu có lẽ sẽ là những hình ảnh màu hoa vàng của đồng lúa chín, mùi cơm thơm như hương thơm mái tóc, và ánh mắt ngây thơ nũng nịu của cô em gái khi ngần ngại nhìn ly cà phê ban đầu một chiều nào ở quê hương...” (Đời Phi Công. Lá thư thứ II, tr. 10)

Và trong lá thư cuối cùng, ngày sắp trở về, chàng phi công chung thủy đã viết cho Phượng những lời khiến người ta cảm động về sự chung tình, “Ba năm về trước anh đã hứa những gì với em chắc em còn nhớ, chỉ được hai tuần nữa anh sẽ về gặp lại em, nét cười có phác hồn tang hải, mái tóc có phai màu sương gió, nhưng anh vẫn còn là anh của em như độ nào.” (Đời Phi Công. Lá thư cuối cùng, tr. 52)

Tôi thích tác phẩm “Đời Phi Công” với những lá thư gửi cho nàng Phượng từ quân trường xa xứ, nội dung thư gần như những lời tâm sự, như tường trình, hay là nhật ký, trong suốt ba năm tác giả xa quê hương, xa người trong mộng. Và tôi luôn đinh ninh “nàng Phượng” chỉ là một nhân vật được nhà văn “nặn” ra để trao gửi tâm tình những lúc nhớ nhà.

Không ngờ hôm qua, sau khi tin Gs Nguyễn Xuân Vinh tạ thế loan ra, tôi nhận được một bài viết cũ nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc gửi cho tôi, để đăng vào Trang Tưởng Niệm Gs Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh của Thi Văn Đàn Văn Thơ Lạc Việt. Bác Lộc đã kèm theo bài viết những lời này, “Bài Tạp Văn này viết năm 2005, nhân dịp tác giả Toàn Phong tái bản Đời Phi Công tại San Jose... Tôi không viết chuyện dâu bể 2022, nên gửi bằng hữu câu chuyện cũ.”

Nhưng “Chuyện cũ” của bác Lộc lại là chuyện “mới toanh” đây thú vị đối với tôi. Trong bài viết bác Giao Chỉ có kể về “Nàng Phượng” trong quyển Đời Phi Công của Gs Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh mà tôi từng ngưỡng mộ. Đó là một người đẹp bằng xương bằng thịt hẳn hoi, một mối tình chung thủy đẹp thực sự đã đơm hoa kết trái, và tồn tại đến ăn mừng “Lễ Cưới Vàng 50 năm” cùng nhau chung bước song hành. Bài viết của Bác Lộc có đoạn:

“Hôm thứ Bảy vừa qua, chúng tôi đi dự đám cưới con bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải. Ông bác sĩ quân y của chiến trường quân khu I xếp anh em chúng tôi ngồi một bàn. Ngay cạnh bàn của trung tướng tư lệnh Hoàng Xuân Lãm. Tình cờ bàn của chúng tôi lại có đến 4 gia đình gốc Nam Định. Ông bác sĩ Quý Đài xuất thân Nam Định. Bác sĩ Ngọc Khôi là dân Bến Thóc. Còn tôi nhà ở Phố Hàng Rượu. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh của chúng tôi cũng khai là dân Nam Định. Ông hãnh diện đọc lại cả tên tổng, tên làng, tên xóm. Trong giây phút rung động, người thanh niên Nam Định đã từng một thời ngang dọc, đã từng Theo Ánh Tinh Cầu của Đời Phi Công. Đã mang danh vọng số 1 của Không Quân Việt Nam, trải qua các bục thuyết trình của bao nhiêu giảng đường đại học, ngồi bên đám bạn già nhắc lại các danh hiệu làng quê xóm cũ. Bên cạnh ông vẫn là cô Phượng của Hà Nội ngày xưa. Trên chuyến bay đêm của phi cơ quân sự. Trên các chuyến đi thuyết trình dạy học bằng của phi cơ dân sự, trước sau 50 năm vẫn chỉ có một cô Phượng của tình yêu chung thủy...” Và, “Với mây che trên đầu và nắng trên vai," ông Vinh và bà Phượng đi bộ quanh khu Village ở Evergreen, San Jose. Ông bà đi từng bước rất chậm, và 50 năm mãi mãi bên nhau.” (Trích Đời Phi Công tại San Jose 2005 – Giao Chỉ - San Jose).

Tài năng và những thành tích siêu việt của Gs Nguyễn Xuân Vinh được báo chí Việt, Mỹ, Pháp, và Nhật... đăng tải khắp nơi trên thế giới. Nhưng không có nhiều những bài viết nói về tài làm thơ của vị Giáo sư uyên bác. Tôi tìm thấy trong Tuyển Tập Thiên Chức Của Nhà Giáo, tác phẩm mới nhất của cố GS, đó đây là những bài thơ đủ thể loại, nhiều bài thơ bao gồm những công thức toán học nhưng không hề khô khan mà lại rất có hồn, và mượt mà, như những mảng tình thơ. Xin trích mấy câu thơ tình Lục Bát:

Mắt Biếc Hồ Thu

Mắt em là cả hồ thu,
Tiếng em thánh thót như ru men tình.
Ước sao chỉ có đôi mình.
Nhưng đâu chỉ có chúng mình ước ao!
Đêm nào ngước mắt trông sao,
Cùng em, mơ ước nơi nào viễn du.
Nhìn em, đáy mắt hồ thu,
Anh quên giấc mộng viễn du nơi nào.”

(Thiên Chức Của Nhà Giáo – tr. 336)

Tóm lại, vị Giáo sư Tiến sĩ khả kính, nhà Khoa học Không gian kỳ tài, nhà Toán học siêu việt, chàng Phi công oai hùng, nhà văn và nhà thơ ngọt ngào người Mỹ gốc Việt Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh ra đi đã để lại cho đời, cho thế giới, nhất là giới khoa học, và cộng đồng Việt Nam, một sự tiếc thương vô bờ bến. Đặc biệt, Giáo sư còn để lại những lời tâm huyết, những ước mơ rất đáng để cho cộng đồng Việt chúng ta lưu tâm:

“Tôi đã nêu lên nhiều gương sáng thành công của dân tộc chúng ta là những con Rồng cháu Tiên, nhưng tôi vẫn còn thắc mắc trong lòng khi thấy cộng đồng người Việt trên đất này chưa có tiếng nói được lắng nghe trên bình diện quốc gia. Chỉ khi nào lời nói của cộng đồng người Việt được chính quyền chú ý, trong hàng ngũ lãnh đạo công và tư trên giải đất này có những khuôn mặt gốc Lạc Hồng quen thuộc, lúc đó mới là mốc thời gian để chúng ta tưng bừng mở hội liên hoan. Để đạt được mục đích đó, chúng ta cần đến sự cố gắng thêm nữa và sự tiếp tay của các bạn trẻ...” (Thiên Chức Nhà Giáo – Tr.40).

Kính xin nguyện cầu cho hương linh cố Gs Nguyễn Xuân Vinh được hưởng an nhàn bên Thánh Chúa.

Phương Hoa 
 Tháng 7/25/2022

Nguồn tài liệu tham khảo và hình ảnh:
Đời Phi Công – Cội Nguồn - Tái bản lần thứ Sáu
Thiên Chức Nhà Giáo – NHÂN VĂN NGHỆ THUẬT xuất bản 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét