TIN BUỒN! ... TIN QUÁ BUỒN !!!
Chao ôi! sáng nay dậy, đọc Email anh Đinh Hùng Cường báo
TIN BUỒN là : Anh PHẠM TRỌNG LỆ đã ra đi !!!
Thật vậy sao!
Tôi gục đầu xuống laptop chan hòa nước mắt!
Mới ngày 23 tháng 5 vừa rồi, anh Pham Trọng Lệ gửi cho tôi Bài TỰA anh viết cho tâp thơ tôi sắp in. Sau dó anh còn Email qua lại, nói chuyện với tôi về tập thơ và thăm hỏi nhau.
Chỉ cách dây ít ngày, anh gửi cho tôi mấy tấm hình, theo ý tôi muốn, dể in vào cuối Bài Tựa anh viết...
Vậy mà nay Anh đi rồi! Than ôi! Anh đã đi rồi!!!
Xin Thành Kính gứi lời Chia Buồn cùng
Tang Gia Tang Quyến của Tiến Sĩ Phạm Trọng Lệ.
Nguyện Cầu Hương Linh Anh Vĩnh Viễn An Vui Trên Cõi Trời.
Trần Quốc Bảo và gia đình
Kính Bái Viếng
***
PHÙ VÂN của Thi sĩ Trần Quốc Bảo – Tựa của gs. Phạm Trọng Lệ
Mùa hè năm 1592 là năm kịch sĩ và nhà soạn kịch William Shakespeare và các đoàn hát kịch London Globe phải đóng cửa trong 14 tháng vì tại thành phố London có tới 10,000 dân chết vì dịch, theo giáo sư James Shapiro chuyên về Shakespeare và Comparative Literature tại đại học Columbia. Đó là một cơn dịch độc hại vì lúc đó chưa có cách trị mà sau này lịch sử gọi là The Black Death, hay là the Bubonic Plague. Shakespeare đã dùng thời gian đó viết nên một số vở kịch để đời: Venus and Adonis (1593), Lucrece (1594) và Lover’s Complaint (1609). Tai họa chưa hết: Một năm trước khi Shakespeare viết kịch Romeo and Juliet (1594-1595), người con trai sinh đôi của William Shakespeare tên là Hamnet chết nghi vì dịch hạch khi được 11 tuổi và 6 tháng. Cậu bé là con trai duy nhất của William Shakespeare và Anne Hathaway. Người con trai duy nhất của nhà thơ Anh sống cùng thời với Shakespeare là Ben Jonson, thi sĩ và kịch sĩ và kịch tác gia (tác giả bài thơ “To Celia,” Drink to me only with thy eyes…) cũng chết về dịch hạch năm 1603 khi em lên 7 tuổi.
Theo giáo sư Shapiro, chính những thời gian bị dịch tễ mà các nhà văn thi sĩ lại sáng tác mạnh hơn hết: Ngoài Romeo and Juliet, Shakespeare viết các vở kịch nổi tiếng King Lear, Macbeth, Antony and Cleopatra, Coriolanus và Timon of Athens. Trong kịch Romeo and Juliet, tu sĩ Lawrence nhờ sư huynh John thân tín mang thư báo cho Romeo biết tin Juliet uống thuốc ngủ khiến nàng chết giả trong 42 tiếng và xác nàng sẽ được họ dòng họ Capulet đặt trong hầm mộ, và như đã tính trước trong thư, chàng sẽ kịp đến đón khi nàng tỉnh dậy. Nhưng Friar John có nhiệm vụ đưa thư vô tình vào thăm một nhà có người bị bịnh dịch hạch nên bị dân làng đem búa đinh đóng chặt, nhốt luôn trong nhà có người bị bịnh và Verona lúc đó đang có bịnh dịch nên phải cách ly. Nên khi Romeo tới hầm mộ, thấy Juliet nằm lạnh lẽo trên thảm đá, đinh ninh nàng đã chết nên sau phút tuyệt vọng than khóc, chàng uống thuốc độc tự tử.
Kể lại chuyện này để chứng tỏ Shakespeare trong thời dịch đã đem nạn dịch làm chất liệu cho tác phẩm.
Trong khi thế giới lo sợ chết, còn “bày đặt” viết lách làm gì? Nghĩa là, tại sao văn thi sĩ viết? Có thể họ muốn làm nhân chứng để ghi lại sự kiện cho đời sau, cho con cháu, viết để tạm quên cái chết cận kề, viết để chia sẻ với người đồng thời, viết để sáng tác, mà sáng tác, trong một khía cạnh nào đó, là để chứng tỏ mình còn sống. Viết để thấy khả năng của chữ có thể làm lòng người phấn khởi, dạy cách xem xét nhân tình, gây dựng sự đồng tâm và dạy cách oán trách mà không phẫn nộ, như Khổng tử có lời khuyên người trẻ: “Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán.”
Nhưng nhìn vào chiều dài của lịch sử nhân loại, việc chiến tranh, hay đại dịch là việc của một thời, việc văn chương, hay rộng hơn, nghệ thuật, nhìn từ một góc cạnh nào đó, là việc của muôn đời. Mới đây, June 5, trong một bài viết cho TIME 100 SUMMIT, nhà hảo tâm và từ thiện Bill Gates, đã nhận xét Đại dịch Covid 2020-2021 đã lấy mất 20 triệu sinh mạng dân số trên toàn thế giới; riêng tại Hoa Kỳ 1 triệu người, tức là về nhân số, tính ra là 0.2% xem ra còn “may mắn” vì có thể tới 0.5%, và ông tiên đoán trong vòng 20 năm nữa có thể có một đại dịch—do tự nhiên hay cố ý—mức rủi ro theo Gates, trên 50% nên ông đã đề nghị WHO cần 3,000 chuyên viên về bịnh dịch tễ rải rác khắp thế giới và ngân quỹ một tỷ đô-la để theo xát và loan báo kịp thời chặn đứng sự bộc phát trong vòng 100 ngày, vì quá 100 ngày thì dịch sẽ lan thành đại dịch pandemic.
Có thể cho rằng viết thế là một nhận xét bi-quan; không, chỉ là nhìn thẳng vào sự thật. Con người, may mắn thay, có những vì cứu tinh như Pasteur, Yersin, Salt, Jenner, v.v... đã chế ra những thứ thuốc để cứu nhân loại. Trong những thế kỷ qua, Công Nghệ Y-khoa Medical Technology đã sáng chế ra ít nhất 100 sáng kiến như vaccine chống bệnh đậu mùa, dịch hạch, flu vaccines, CT Scanner và MRI (magnetic Resonance imaging), antibiotic, Organ transplants thay bộ phận, hypodermic needle, ống nghe tim phổi stethoscope, X-ray, electrocardiography (tâm biểu đồ), v.v…
Con người với khối óc bền bỉ khao khát nghiên cứu khoa học và kỹ thuật đã tìm ra những cách trị một số chứng bịnh hiểm nghèo.
Tóm lại, cuốn thơ quí vị cầm trên tay gồm 120 bài phần lớn đã làm trong thời gian 2020-2022, thời gian mà thế giới lâm vào đại dịch Covid. Tác giả tập thơ, thi sĩ Trần Quốc Bảo, năm nay ở tuổi 92, viết cuốn này theo ông là cuốn thơ để làm “kỷ niệm cuối đời”.
Nội Dung Tập thơ Phù Vân
Tập thơ Phù Vân chia làm hai phần: Phần 1 –Tâm Tư. Chàng tuổi trẻ Trần Quốc Bảo trong thời hình thành quân đội, xuất thân khóa 2/Võ Bị Địa Phương Trung phần (1951-52), EMR, École Militaire Régionale du Centre Vietnam, khi mãn khóa đậu ưu hạng 5/164, chức vụ chuẩn úy, trung đội trưởng, lúc 22 tuổi rưỡi. Sau 25 năm phục vụ quân ngũ, nhận được đệ ngũ đẳng Bảo quốc huân chương. Nhưng vì bản tính khiêm nhường không muốn đề cập đến binh nghiệp, vì theo lời tác giả “người lính bại trận thật chẳng có gì đáng nói.” Ngay trang đầu tập thơ tác giả bộc lộ lòng mình với quốc kỳ VNCH, tạ ơn Thiên chúa, cha mẹ, nước giang tay rộng nhận ông và gia đình (Tạ ơn dân tộc Hoa Kỳ / Rộng tay đón chúng tôi, khi cùng đường / Đoàn người tị nạn tha phương. Tạm dung, chấp nhận Quê hương đất này! Bài 3) Ông cũng không quên tạ ơn hiền nội, bằng hữu, bạn thơ, bạn lính.
Thơ ông đa dạng: phần lớn bằng thơ lục bát; một số 8 chữ, 7 chữ, đường thi thất ngôn bát cú (bài 16), ca tụng vợ (bài 18, Vì Có Em), tình yêu vợ (bài 19 Chơi vơi Thuyền Mộng), yêu vợ (bài 21 Cõi Mộng), khu vườn riêng như một thế giới nhỏ (bài 26, Vui Trầm); buổi sáng an bình khu vườn hạnh phúc (bài 32, 33), bốn mùa xuân hạ thu đông, bạn thơ, bạn lính (bài 40)… Thơ và nhạc, tận dụng những điệu ca dân tộc (Nhớ Huế bài 64), Hò Huế (bài 65).
Nhưng người đọc cũng không quên thi sĩ Trần Quốc Bảo có óc khôi hài humor và tài thuyết phục: bài 15 Quà vợ…
Trong phần 2, của tập Phù Vân, tác giả đã qua nhiều vùng của quê hương mà trong thời gian xa nhà phục vụ trong quân đội, ông đã trải qua như: Huế, các vùng chợ nổi bán trái cây, hoa quả trên những con thuyền ở miền sông Tiền. Trong phần này, tác giả nhìn ra thế giới quanh ông. Thiên nhiên đủ bốn mùa xuân hạ thu đông, cây cỏ chim chóc trong vườn, nhưng cũng có cảnh ngộ mủi lòng như người lính hôn con còn nằm trong bụng mẹ trước khi ra trận, như chiến tranh ở Ukraine. Những cảnh bên ngoài đời, con người dù sinh ra trong nghịch cảnh—như cô Sarah Talbi trời sinh ra không có hai tay, cụt nhẵn từ vai trở ra, nhưng đã tập luyện cho mình đôi chân để dùng chân mở cửa, mở khóa, thay quần áo cho con gái 3 tuổi, cho mình, nấu ăn, đưa con đi chơi ngoài công viên, ăn ngoài restaurant. Cô sống như một phụ nữ can đảm, độc lập, tự lo cho mình và cho con. Nghe tiếng cười trong trẻo của hai mẹ con, người đọc càng cảm phục người mẹ trẻ này. Ngoài ra còn nhiều chuyện mủi lòng và cảm phục: bài 90, Kim Cương Trong Đống Rác, cô thiếu nữ Thái Lan Mint Chalida dồn rác vào túi giúp mẹ, nhưng khi thi đậu đầu hoa hậu, về nhà quì xụp lạy bà mẹ cám ơn công ơn dưỡng dục. Tại Việt-Nam, ca sĩ Phi Nhung đi về săn sóc đàn con nuôi 23 đứa chẳng may bị Covid-19 mà thiệt mạng. Trong cái nhìn xa hơn bên ngoài, tác giả cũng vinh danh bà Kolinda Grabar, vị nữ tổng thống xứ Croatia, vừa đẹp lại có tài.
Về những thói hư tật xấu, nhìn vào thế giới nội tâm: Sự Thật và Dối Trá: bức tranh của vị giáo sư hội họa vào năm 1884 người Pháp tên là Jean Léon Gérôme, The Truth Comes Out of Her Well. Nàng Dối Trá một ngày kia rủ nàng Sự Thật cùng xuống giếng tắm mát. Nhân lúc bạn không để ý Dối Trá tráo bộ đồ đẹp của bạn, rồi ra ngoài đời loan những lời nói dối. Sự Thật thành lõa lồ (từ tích đó ngày nay ta có thành ngữ the naked truth), sợ ra ngoài thiên hạ thấy mình trần truồng mà đàm tiếu, đành trốn trong giếng.
Nhưng tác giả không phải chỉ viết toàn chuyện lạc quan. Sau một cơn bạo bệnh, ở tuổi 92, phải “vịn” vào thơ để trỗi dậy, tác giả nhìn rõ thêm một bài học: phù vân, vanitas vanitatum, cát bụi thành cát bụi từ đó mà có tựa của tập thơ. Nhưng không yếm thế. (Cho dù cuộc sống phù vân. Tôi như cây cỏ ân cần nở hoa! Bài 117).
Sách Này Cho Ai?
- Cho mọi người thích nghe và đọc truyện. Ngày xưa thời Trung cổ không có báo chí, radio, thì có những chàng thi sĩ cưỡi ngựa hát-- griots, minstrels-- đọc thơ để loan tin cho các kiều nữ ở trên lâu đài thời Trung cổ.
-Những bạn lính, bạn thơ, bạn văn, và cho tất cả những ai yêu tiếng Việt, thơ Việt.
-Các trường dạy tiếng Việt hay phụ huynh, hay thư viện có thể dùng một số bài trong tập thơ để làm giờ nghe ông bà giúp cháu tập đọc và kể chuyện cho các con em học sinh.
Ngôn từ giản dị, vần thơ nhẹ nhàng, lời thơ như ca dao, như lời kể chuyện. Có nhiều truyện cảm động, nghe bùi ngùi, có truyện gây thêm lòng cảm phục, khơi dậy lòng ái quốc.
Nhưng quí vị chỉ nghe lời kể lại của tôi như trên thì chỉ hưởng một phần nhỏ, rất nhỏ, trong cái tập thể phong phú của một hoàn-cầu thu nhỏ, như người cưỡi ngựa xem hoa. Các ngài phải đọc, để cười, để rớt nước mắt, rồi để lạc quan hơn về thế giới chúng ta đang sống tuy không hoàn hảo.
Trân trọng giới thiệu một tác phẩm thơ nâng cao tâm hồn, một cuốn sách gối đầu giường.
Phạm Trọng Lệ
-Tốt nghiệp ĐHSP, cử nhân g.k. ĐHVK, cựu giảng viên ĐHSP Saigon, và Tiền giang, sinh viên ban tiến sĩ Đại học BGSU (Ohio) (1975-77), MS in Library Science, Catholic Universty (1986), Fulbright Fellowship (1973-75)
Giáo Sư Phạm Trọng Lệ Đi Rồi!
Năm trước anh cho trà,
Tôi mời các bạn già đồng ẩm.
Hương trà thơm và thịnh tình nồng ấm,
Nhưng vắng anh,
Vị trà không đậm.
Mời anh về Richmond.
Anh hẹn, anh sẽ về.
Nhưng công chuyện bộn bề,
Đành chờ dịp thuận tiện.
Ai ngờ... thế là thôi!
Nay anh đi rồi!
Nay anh đã đi rồi!
Năm nay anh cũng gửi trà,
Gói trà, gói trọn thiết tha ân tình!
Trà ngon, không uống một mình…
Lại hẹn hò nhau nữa!
Gửi Email anh hứa,
Chờ qua mùa nắng lửa,
Sẽ về tĩnh tọa trà thiền với chúng tôi.
Nắng còn rực rỡ lưng trời,
Gói trà nguyên đó, bồi hồi chờ anh.
Ai ngờ... thế là thôi!
Nay anh đi rồi!
Nay anh đã đi rồi!
Tôi hoàn thành tập thơ Phù Vân,
Anh coi qua, lấy làm ưng ý
Hạ bút viết Tựa, với tình tri kỷ.
Và trao lời khích lệ ân cần,
Phù Vân được lắm! Tâp thơ… hay!
Rồi thân mật ứng khẩu:
“Một mai gió cuốn mây bay,
Còn lưu, chút kỷ niệm này, cho nhau!”
Tôi vô tình, nào biết lời ứng nghiệm
Ai ngờ… Thế là thôi!
Nay anh đi rồi!
Nay anh đi thật rồi!
Anh Phạm Trọng Lệ ôi!
Anh đi để lại tiếc thương.
Tiễn anh, dâng nén Tâm Hương chân tình!
Nguyện Hương Hồn sớm siêu linh,
Về miền Cực lạc An bình Thiên thu!
Thành kính bái biệt!
Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét