Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

California Dreamin


Sáng 8/9 rồi, sau hơn 30 tháng, chúng tôi ( mẹ cháu và tôi ) mới được nhìn lại những biển mây bao la, những phiến bông gòn nối nhau, bồng bềnh sương khói, nhìn lại “một vùng tuyết trắng ngần “ như một lời ca bài hát cũ!

Lần chót, chúng tôi ngồi trong phi cơ là đầu tháng 2/2020, lúc “Covid Tàu” được lên truyền thông, truyền hình thế giới! Nhiều người đã hủy những chuyến bay đi châu Á, nhưng nhúm bè bạn chúng tôi vẫn tỉnh bơ ( vì nghĩ chắc như năm 2003 : không có gì "quan trọng", chỉ kéo dài mấy tháng, rồi thôi ), bay qua Singapore, ( đi ) “croisière” lòng vòng mấy nước quanh đó. Sáng đi, tối nhảy (đầm)! May là tàu chúng tôi không phải “Diamond Princess “ hay “ MS Westerdam” nên đã "trở về mái nhà xưa" mà không bị sứt mẻ gì (ở hiền gặp lành?).

Lần này chúng tôi đi Mỹ, đúng hơn, đi du lịch "Cali". Khi xếp hàng cân hành lý, ngoài vé máy bay, sổ thông hành, còn phải trình giấy chứng nhận chích ngừa Covid-19. Trong phi cơ , tuy không bắt buộc, nhưng tôi mang mask hầu như trong suốt ... phi trình . Bận về thì không. Xong xuôi rồi, mang chi cho đau ... tai !?

Tôi rất thích đi du-lịch. Nhất là những cuộc du-lịch-ngoại-quốc có tổ chức (circuit). Theo hai ông Lê Ngọc Trụ & Lê văn Đức “du-lịch: đi chơi các nơi xa để biết cảnh, tục xứ người“ . Vâng, “đi cho biết đó, biết đây”. “Biết” không chỉ là “cho biết“, mà còn là “học hỏi” . Đi, để khám phá xứ lạ, thấy được người "mới". Đi, để "một ngày đàng học một sàng khôn". Đi, để "thay đổi không khí ", để quên đi những muộn phiền, âu lo thường nhật của vòng đời vv

Nhiều người, nhất là tây-phương, trước khi đi (du-lịch), chịu khó xem tài liệu, tìm hiểu lịch sử, phong tục ..vv các nơi mình sắp đến. Tôi không làm được vậy nên hay đi các cuộc du-lịch có tổ chức. Đến nơi nào cần đến nhất : chưa đủ, nếu không có người “guide”. Người “guide” không chỉ là hướng-dẫn viên, mà còn là giải- thích viên, cảnh sát viên ( chỉ đường tài xế ), là giáo .. viên, hoạt náo viên vv

Một người "guide" giỏi là một người, ngoài chuyện rành đường đi, nước bước, biết tùy cơ, ứng biến ( nếu có probleme trên các lộ trình, problème "du khách" ( đi .. lạc, ngã bệnh .. ) , còn cần phải có một trình độ "hiểu biết tổng quát" , phải biết cách giải thích sao cho người nghe dễ hiểu, phải phát âm rõ ràng ( nhất là nói tiếng “ngoại quốc”), phải chọn những đề tài thu hút du khách, những chi tiết mà du khách cần biết,và  quan trọng nhất  là nói chuyện có duyên, mang đến nụ cười cho khách v.v

Trong chuyến đi này, người guide chúng tôi là Valérie, một phụ nữ Pháp, 50 ngoài, sống ở Mỹ trên 32 năm nay (song tịch Pháp-Mỹ). Sau khi tốt nghiệp đại học (Bac + 2) ngành du-lịch, Valérie sang Mỹ (1990), định ở 6 tháng để trau dồi Anh ngữ. 6 tháng đó kéo dài đến nay!

Tôi có một sai lầm lớn là, trong gần 20 năm đi du-lịch-ngoại-quốc, tôi cứ chần chừ không đi Mỹ. Phần vì còn " ghét người trong mộng " chơi xấu đồng minh, phần vì "nước Mỹ mới .. có đây thôi, có gì để coi?!!!" Cũng may, gừng càng già càng.. khôn. Chuyện ghét là chuyện "con nít" đã đành ,mà cái chuyện " có gì đâu coi? " chỉ làm lòi ra cái dốt của mình!

Đúng là Mỹ không có một chiều dài "văn minh" đáng kể, không có những công trình kiến trúc lâu đời như một số quốc gia khác . Nhưng nói về " thiên nhiên" thì đó là một trong những hàng đầu quốc tế , với những "parcs nationaux"bạt ngàn, hùng vĩ , những mặt hồ bao la, quyến rũ ..vv.  Rồi những khu phố (quartier) độc đáo, đậm màu của mỗi sắc tộc ..vv Những cái đó thì anh nhà quê như tôi mới khám phá năm 2016 ( New York ) . Khám phá thêm mấy "khu cờ vàng" ở Texas (Austin / Houston) năm 2017. Từ khám đến .. mê chỉ là một chớp mắt ! Nên đầu năm 2020, khi nơi mẹ cháu làm việc, tổ chức “circuit “ tên « USA Ouest Authentique « thì chúng tôi ghi danh đi liền. Vừa để biết mấy cái "Canyon”, vừa để gặp lại mấy người bạn-du-lịch quậy cho vui . Nhưng “mưu sự tại nhân thành sự tại .. Tàu (Cộng)”. Con virus Vũ Hán đã làm cả thế giới “ nội bất xuất , ngoại bất nhập “ ròng rã 2 năm liền ! Đã thế, lần “trở lại” này chúng tôi chỉ gặp lại 2 cặp, mấy "cố-nhân" khác đi theo …” hưu“ hết rồi ! Nhưng không sao, có ... 42 (người) à : trước lạ , sau quen, mấy hồi !

“I have a dream” . Là được viếng những quốc gia đã từng là cái nôi của một số nền văn minh chánh trên thế giới : Ai Cập, Hy Lạp, Ý, Ấn, Miên ( Angkor ), Guatemala (Maya), Trung Hoa ..vv Hay được thăm những danh lam, thắng cảnh, là những thứ dư thừa ở tiểu bang California


Lớn thứ 3 ( sau Alaska, Texas ) nhưng đông dân nhất ( 40 triệu ), giàu nhất Hoa Kỳ , California còn là một tiểu bang nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp, tương phản thiên nhiên . Từ rừng xanh bạt ngàn ( 35% diện tích tiểu bang ) đến sa mạc vàng khô (25%) , từ "đồi" nghiêng đất đỏ ( vallée du feu ), đến những " non xanh, nước biếc hữu tình " vv Như "miền-tây" VNCH, Cali là vựa "lúa " ( trung tâm nông nghiệp ) của Hoa Kỳ. Tuy Sacramento là "tây-đô" nhưng 2 thành phố Cali được quốc tế nói đến nhiều nhất là : "Nam Los" ( Angeles) , " Bắc San" ( Francisco ) . California cũng là nơi tập trung nhiều con cháu Rồng Tiên, 40% người Việt ở Mỹ sống ở tiểu bang này. Riêng số người Việt định cư ở :Orange county, Los Angeles và Santa Clara không thôi, đã chiếm 25% tổng số người Việt ở Hoa Kỳ . Nên, khi nói đến "Cali" , chúng ta nghĩ ngay đến "Little Sài Gòn", thủ đô người Việt tị nạn CS

Chương trình “USA Ouest Authentique “ kéo dài 14 ngày, qua 4 tiểu bang: California, Nevada, Arizona, Utah. Khởi điểm là “Los “( Angeles) và chấm dứt ở thành phố “ Một trăm quan 6 cô “ (quá rẻ!) / Cent Francs Six “cô” (San Francisco). Mấy Pháp-nhân sẽ đi qua đời nhiều “em“ nổi tiếng (qua Pháp … thoại của Valérie): Calico (sa mạc Mojave), Grand Canyon, Monument Valley, Glen Canyon ( đập thủy điện ), Antelope Canyon, Lake Powell , Bryce Canyon, Zion , Las Vegas, Death Valley, Mammoth lakes, Yosemite, Modesto vv

Hành trình du-lịch này, rất nhiều người đã đi rồi, đã thuộc như cháo rồi. Nên, tôi không dám . nổ, làm trò cười cho thiên hạ ! Chỉ xin ghi lại đây một số điều nghe, thấy , cùng vài cảm nghĩ riêng tư.

Los Angeles (L.A)


Qua khoảng 9H bay, phi cơ chúng tôi đáp xuống thành phố “thiên thần”’ ( Los Angeles = les Anges ) lúc 13H ( giờ Mỹ ) , “thành phố” lớn nhất miền Tây Hoa Kỳ ( lớn thứ 3 Mỹ quốc ), thành phố kết nghĩa ( jumelé ) với Bordeaux. Một kết nghĩa Cali- Bordeaux rất hợp mùi nho, hợp màu rượu đỏ .

Sau gần 3 "tiếng" XHCB (xếp hàng cả buổi) làm thủ tục nhập cảnh (do ít nhân viên, mà đa số lại “tà tà” ! ), xe bus của công ty du lịch đưa đám du khách ”nóng hổi” Paris , ra ngay bãi : Santa Monica, Venice Beach. Như tên gọi, Venice là một “bản sao” của thành phố Venice (Ý) của ông Abbot Kinney. Ngay từ 1906, những chiếc gondoles ngược xuôi khắp các con kênh ở Venice, là những gondoles chính hiệu con .. kênh vàng Ý đại lợi mang qua ! Đời sống ở các bãi biển thì nơi nào cũng na ná nhau, nhưng khung cảnh nhộn nhịp khu này, thanh thản góc kia thì quả là nơi đây có đủ . Có lẽ vì thế nên nhiều minh tinh, tài tử đã mua nhà ( nghỉ mát?) ở đây: Julia Roberts, Nicolas Cage, Kate Beckinsale vv

Sáng hôm sau, 9/9, chúng tôi “theo em (Valérie) xuống phố .. Downtown ”, viếng trung tâm thành phố “ Los “, chiêm ngưỡng kiến trúc màu bạc độc đáo của “Walt Disney Concert Hall“ ; khu “El Pueblo” (di tích lịch sử quốc gia từ 1953) với nhà thờ “Notre Dame La Reine Des Anges “ (1814), những cửa hàng Mễ trên “Olvera street “sặc sỡ sắc màu, ngôi “Avila Adobe” ..vv

Nhưng ở “Los Angeles” không chỉ có “ thiên thần”! Không xa những khu phố sang trọng, những ngôi nhà khang trang, những kiến trúc tân kỳ, đồ sộ … là những tấm lều rải rác đây đó, những người vô gia cư ngồi đó , quần áo bèo nhèo, ung dung phì phèo điếu thuốc, thản nhiên nhìn đám du khách ngoại quốc qua đường như nhìn những chuyến xe qua. Những cái nhìn vô cảm !

Xe đưa tiếp, đến “xóm nhà ngói” Beverly Hills, nơi « đám » gia vô cư không được phép cắm dùi, nơi mà, chỉ cần chìa tấm carte visite có ZIP code “90210”, là đủ làm bà con lác mắt, cho dù đó là địa chỉ căn phòng của “liên tử” (con sen)! Những ngôi nhà “thường” nhất, ở đây, cũng đã là mấy triệu trở lên!

Valérie thêm: ở nam Cali (ví dụ như L.A) người ta rất “chú trọng” bề ngoài, từ quần áo đến nữ trang, từ xe cộ đến nhà cửa bởi giàu sang chứng tỏ sự thành công trong xã hội , các “chuyện khác” là chuyện nhỏ . Ở bắc Cali (ví dụ như San Francisco) thì lại khác: người bắc Cali đánh giá người khác qua cách xử sự, “le savoir-vivre”. Chiếc áo không làm nên thầy tu. Một người,quần áo sang trọng, mà băng qua đường khi đèn còn đỏ, sẽ nhận được những cái nhìn “khó chịu, khi dễ” của những người xung quanh. Đến đây, tây gặp đông. Người “bắc Cali” hay người “nam VN” ( nhất là Sài Gòn ) đều chung một cái “nhìn” đó. Từ khi đám “ từ bắc vô nam “ hốt của, cướp nhà , sau 75 ! Trưởng giả “đỏ” , cho dù cố học làm sang cách mấy, nhưng cốt khỉ vẫn là cốt khỉ!

Tiếp nữa. Là một nơi “ tới đây thì phải đến đây “ Hollywood, đúng hơn “ Hollywood Walk of Fame”, nơi mà trên mặt vỉa hè của đại lộ “ Hollywood “ xuất hiện, không chỉ “ một ông sao sáng / hai ông sáng sao “ . Mà là trên 2600 ngôi sao. Ngôi sao đầu tiên (28/3/1960) mang tên “Stanley Kramer”: đạo diễn và nhà phát hành film Hoa Kỳ. Từ đó đến nay, trung bình mỗi tháng thêm 2 ngôi sao , mỗi ngôi mang tên một nhân vật nổi tiếng trong: điện ảnh, truyền thanh, truyền hình, âm nhạc , kịch nghệ! Ngay cả … Mickey Mouse (điện ảnh)!

Từ trung tâm thương mại Hollywood, Hai Lúa nhờ người chụp với … tấm bảng (panneau) trứ danh “HOLLYWOOD “ trên sườn đồi sau lưng! . Nguyên thủy, tên nó là HOLLYWOODLAND , dựng lên ngày 13/7/1923, để quảng cáo cho một chương trình cất nhà (programme immobilier). 100 năm sau, nếu bao nhiêu “tang điền” đã “biến vi “ vì ”thương hải” , thì tấm bảng quảng cáo này, tuy đã rụng bớt chữ “LAND”), vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt . Không những thế, nó vẫn còn là tấm bảng quảng cáo to nhất thế giới ( cao: 13.7 m; dài: 106.7 m )!

 

Buổi trưa, Valérie đưa “đoàn” đi viếng “Universal Studios”, nơi có nhiều “parcs d’attractions” nổi tiếng. Theo kinh nghiệm, lợi dụng lúc đang giờ ăn trưa, ít người xếp hàng, Valérie đưa chúng tôi đi ngay “ Studio tour “, để xem cảnh trí những phim trường, sống (thật) với những giây phút “kinh hoàng” trong các phim:Jurassic Parc ( https://www.youtube.com/watch?v=H7gHJzglT9c ), Les dents de la mer, King Kong, Tremblement de terre à San Francisco, Conan le barbare ..vv

 

Cuối ngày, ngồi nói chuyện nhau, cả nhóm chúng tôi đều đồng ý 2 “ attractions” hay nhất là: “ Waterworld ( dựa theo cuốn film cùng tên / với Kevin Costner) và “ Universal’ s Animal Actors « ( mấy chú thú vật dễ thương)! Riêng “Waterworld”, nhờ không ngồi các hàng ghế đầu nên không ai bị “animateur” tạt nước ướt sũng người!

 

Calico / Bagdad café


Hôm sau, “đoàn “ đi Barstow, ghé khu “Dân Sinh” Tanger Outlet» mua quần áo Giỏ nặng, bóp nhẹ, chúng tôi tiếp tục chương trình, vượt sa mạc Mojave, đi về “Calico Ghost Town”.

Thành lập từ 1881, nằm gần 500 mỏ bạc, Calico là nơi quy tụ những “chuyên viên đào mỏ” của nhiều sắc dân: Anh, Hy, Pháp, Hòa Lan, Tàu vv Saloon, bưu điện, tiệm buôn, chợ búa ( có cả khu “chợ Tàu”), nhà hàng, nhà trường, nhà thờ , “nhà xanh” (thanh lâu) vv Trong gần 15 năm, Calico là một thành phố khá nhộn nhịp, sống động, cho đến 1896, khi bạc bắt đầu xuống giá ! 10 năm sau, 1907, đã không còn ai ở đó: Calico trở thành thành phố ma.

Trưa nắng gắt, một mình tôi mang máy ảnh, leo dốc, ghé xem trường học (đúng ra là lớp học), "di-tích" thời đó. Trước tấm bảng đen lớn, trên bục, là bàn thầy giáo, phía dưới khoảng 16 bàn học trò được chia thành 4 dãy : những chiếc bàn học trò (một người) màu gỗ, có chỗ để bình mực, ngăn dưới để tập, y như cái bàn “tiểu học“ của tôi ngày xưa, chỉ khác là bàn- của- tôi lớn hơn , để hai “trò” ngồi ! Ngậm ngùi bước ra sân, dõi mắt nhìn lên đồi xa, tôi đứng yên, thấy lại hình dáng những thầy cô, những đứa bạn, của ngôi “Trường Nam tỉnh lỵ” năm xưa. Ôi “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ ? “ !

Rời Calico, chúng tôi đi thăm “Bagdad cafe“, quán cà phê nổi tiếng xuất hiện trong film ( Mỹ - Đức) "Bagdad-café" ( Out of Rosenheim / 1987). Café Bagdad nằm lẻ loi cạnh con đường “yên tĩnh” 66 ( dài 4000km ), qua 8 tiểu bang, 3 múi giờ, từ Đông (Chicago) sang Tây ( Santa Monica) ,con đường mà tôi nói với mấy thằng tây chung đoàn: “nếu là route-69 thì chắc nhộn nhịp hơn! ” . Từ 1985, “route 66“, đã chính thức bị “chôn sống”, chỉ còn nhiều đoạn được giữ lại. Bây giờ, “route 66”, dường như chỉ còn nổi tiếng với dân chơi “Harley-Davidson” Pháp, theo chân thần tượng Johnny .

Ra đón chúng tôi là chủ quán Café Emilie, một Emilie tóc trắng, trên dưới 80, mảnh khảnh, niềm nở, dịu dàng, một phụ nữ mà, qua lời kể của Valérie, làm tôi liên tưởng đến những con người “khói sương huyền ảo”, “rực rỡ bông hoa”, “make love not war “ v.v của phong trào Hippie thập niên 60s, phong trào của những người trẻ “ngây thơ“, bị (CS) tuyên truyền nên chỉ biết “phản chiến” một chiều ( chống Mỹ , không chống Hà Nội )!!!

Dọc “đường 66”, lâu lâu lại thấy những chiếc "caravane " nằm chơ vơ giữa đồng khô, cỏ cháy. Valérie cho biết đa số là “nhà” của những người về hưu, không có điều kiện (tài chánh) để sống ở “thành phố”!

Báo chí Việt Nam hải ngoại hay viết những chuyện buồn có thật, chuyện về những người già Việt Nam , sống cô đơn trong các nhà dưỡng lão ở Hoa Kỳ, ngày ngày mong chờ con cháu ghé thăm. Tôi tự hỏi “biết đâu, trong những chiếc caravane lẻ loi đó, lại không có những bóng guộc gầy, còm cõi " chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều "?

Đau đến "9 chiều" thì có bao nhiêu người chịu nổi, nhất là khi tuổi đã về … chiều?!!!

BP
07/10/20220

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét