1.Mở bài
Ca sĩ Thanh Thúy là một hiện tượng của nền âm nhạc miền Nam trước năm 1975. Nổi bật nhất của chị là giọng hát u buồn như tiếng khóc nức nở, được cho là: “Tiếng Hát Khói Sương”, “Tiếng Hát Liêu Trai”, “Tiếng Hát Lúc Không Giờ” của chị.
Ngoài tiếng hát đặc biệt đó, Thanh Thúy còn là một người đẹp, được chọn là “Hoa Hậu Nghệ Sĩ”, ca sĩ ăn khách nhất, ca sĩ được ái mộ nhất. Nữ hoàng Bolero.
Giọng ca, tiếng hát và sắc đẹp đưa Thanh Thúy lên đỉnh cao trong nền âm nhạc Việt Nam thời đó.
“Thanh Thúy là người tình trong mộng của cả một thế hệ”. Ba mối tình đơn phương đối với Thanh Thúy là, nhạc sĩ Trúc Phương, đạo diễn Nguyễn Long, và mối tình đầu đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
2* Ca sĩ Thanh Thúy
2.1. Vài nét tổng quát về ca sĩ Thanh Thúy
(Thanh Thúy và chồng là Ôn Văn Tài)
Tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sanh ngày 2-12-1943 tại Huế, trong một gia đình 5 chị em. Năm 1964 Thanh Thúy kết hôn với tài tử vừa là phi công Ôn Văn Tài, (Cấp bậc sau cùng là Đại tá Không Quân VNCH).
Thanh Thúy là một trong 10 ca sĩ có ảnh hưởng lớn trong nền tân nhạc Việt Nam trước năm 1975. Được mệnh danh là Nữ Hoàng trong thể điệu Bolero và Rumba-Bolero.
2.2. Sinh hoạt ca hát của Thanh Thúy
( Thanh Thúy và nhạc sĩ Trúc Phương)
Tên tuổi của Thanh Thúy gắn liền với những ca khúc mà nhạc sĩ Trúc Phương viết riêng cho chị hát. Đồng thời cũng gắn liền với những nhạc khúc tiền chiến, nổi bật nhất là bản nhạc bất hủ Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong.
Thanh Thúy được các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn và diễn viên điện ảnh nổi tiếng, hết lòng ca ngợi bằng những mỹ từ như “Tiếng Hát Khói Sương”, “Tiếng Hát Liêu Trai”.
Năm 1961. Đạo diễn Nguyễn Long thực hiện cuốn phim “Thúy Đã Đi Rồi” nói về Thanh Thúy. Ngoài cuốn phim nầy, tên tuổi Thanh Thúy còn xuất hiện trên sân khấu kịch và truyền hình.
Năm 1962. Thanh Thúy được bầu chọn danh hiệu “Hoa Hậu Nghệ Sĩ”.
Năm 1964. Bản nhạc Chuyến Tàu Hoàng Hôn đã khắc sâu tên tuổi và tài nghệ của chị trong lòng khách mộ điệu.
Năm 1970. Đoạt giải Kim Khánh của nhật báo Trắng Đen dành cho nữ ca sĩ ăn khách nhất với nhạc phẩm Tình Đời (Duyên Kiếp Cầm Ca) của hai nhạc sĩ Minh Kỳ và Vũ Chương.
Năm 1972. Đoạt hai giải Kim Khánh dành cho nữ ca sĩ được ái mộ nhất trong năm và show truyền hình được yêu thích nhất của năm 1972 do chị làm trưởng ban.
2.3. Thanh Thúy và những ca khúc u hoài của cuộc đời
Nhiều ca khúc nói lên nỗi niềm cay đắng, nghiệt ngã về tâm trạng thương cảm, ngang trái trong cuộc đời và cuộc tình, được dàn trải qua tiếng hát Thanh Thúy tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng người thưởng ngoạn.
Từ nhạc phẩm tiền chiến như Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong, Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương, Tan Tác của Tu My (Đỗ Mạnh Cường) , Chuyển Bến của Đoàn Chuẩn, Biệt Ly của Dzoãn Mẫn, Nhắn Gió Chiều của Nguyễn Thiện Tơ, Tiếng Còi Trong Sương Đêm của Lê Trực, Tiếng Đàn Tôi và Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy…cho đến Ngăn Cách, Người Em Sầu Mộng của Y Vân, Lạnh Lùng của Đinh Việt Lang, sang Kiếp Cầm Ca của Huỳnh Anh, Tiếng Ve Sầu của Lam Phương, đến Mộng Chiều của Khánh Băng, Nhạt Nắng của Xuân Lôi, Đường Nào Lên Thiên Thai cửa Hoàng Nguyên… và nhiều ca khúc của Trúc Phương phù hợp với tiếng hát Thanh Thúy đã gắn liền giọng ca và dòng nhạc trong giới yêu nhạc.
2.4. Tiếng hát Thanh Thúy qua ngòi bút của các văn, thi sĩ.
Nhà thơ Nguyên Sa viết: "Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Viên Linh, nhà văn Tuấn Huy, cũng có những bài ca ngợi Thanh Thúy bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ. Tiếng hát Thanh Thúy đã từng được nhà văn Mai Thảo mệnh danh là "Tiếng hát lúc 0 giờ". Được giải thích là thời gian kéo dài ra, sau 12 giờ và trước 1 giờ.
Giáo sư Nguyễn Văn Trung thì gọi chị là "Tiếng hát liêu trai", là tiếng hát có ma lực tưởng như từ một cõi âm nào đó, cuốn hút khiến người nghe không thể cưỡng lại được. Liêu trai bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết Liêu Trai Chí Dị của tác giả Bồ Tùng Linh, Trung Hoa, có 431 chuyện hư cấu trong đó con người có liên hệ tình cảm với tiên nữ, hồn ma, yêu tinh…
Nhạc sĩ Tuấn Huy gọi là "Tiếng sầu ru khuya".
Nhiều nhạc sĩ, thi sĩ sáng tác ca khúc, bài thơ để dành riêng cho Thanh Thúy hát. Trịnh Công Sơn viết bản nhạc đầu tay “Ướt Mi và Thương Một Người, Tôn Thất Lập sáng tác "Tiếng Hát Về Khuya, Anh Bằng viết ca khúc Tiếng Ca U Hoài để chị hát. Y Vân với "Thúy đã đi rồi" trong phim cùng tên. Và rất nhiều sáng tác của Trúc Phương đều lấy cảm hứng từ tình cảm của ông dành cho Thanh Thúy.
Nhà thơ Hoàng Trúc Ly đã viết tám câu thơ lục bát nổi tiếng bày tỏ lòng giao cảm với tiếng hát Thanh Thúy, tựa đề "Sầu ca sĩ".
Nhà thơ, danh họa Vũ Hối, qua nét bút độc đáo như tranh vẽ dành tặng bốn câu thơ:
Liêu trai tiếng hát khói sương
Nghẹn ngào nhung nhớ dòng Hương quê mình
Nghiên sầu từng nét lung linh
Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương.
Nguyên Sa viết:
“Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh.
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan tành hư vô”
2. 5. Nhận xét về Thanh Thúy của nhà văn Hồ Trường An
Nhà văn Hồ Trường An viết: “Thanh Thúy là nghệ sĩ có tư cách, có phẩm hạnh. Cô không gây ngộ nhận nào cho nhóm ký giả ưa săn tin giật gân… Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xa xưa, thì Thanh Thúy, Lệ Thanh và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền. Ở chót vót đỉnh cao danh vọng mà Thanh Thúy không hề nói một lời kiêu căng hay một lời làm thương tổn tha nhân, không hề bôi bẩn kẻ vắng mặt, không khoe khoang thành tích của mình khi tiếp xúc với báo chí”.
Nhìn lại cuộc đời nghệ sĩ, Thanh Thúy được ái mộ từ nghệ thuật đến nhân cách.
2.6. Những ca khúc dành riêng cho Thanh Thúy:
Trúc Phương: "Hình bóng cũ", "Lời ca nữ", "Mắt em buồn", "Tình yêu trong mắt một người", "Mắt chân dung để lại"
Trịnh Công Sơn: "Ướt mi", "Thương một người"
Châu Kỳ: "Được tin em lấy chồng"
Hoàng Thi Thơ: "Lời hát tạ ơn", "Tôi yêu Thúy"
Y Vân: "Thúy đã đi rồi" (Nguyễn Long đưa vào phim),
Nhật Ngân: "Lời tự tình"
Anh Bằng & Lê Dinh: "Phận tơ tằm" (ký Hồ Tịnh Tâm), "Tiếng ca u hoài", "Chuyện buồn của Thúy". Minh Kỳ & Vũ Chương: "Tình đời".Tôn Thất Lập: "Tiếng hát về khuya”
3. Mối tình đơn phương của Trúc Phương đối với Thanh Thúy
Đường đời hai ngã
Trúc Phương yêu Thanh Thúy bằng mối tình trọn vẹn, nhưng có lẽ hai người có duyên mà không có phận.
Thanh Thúy viết: “Đường đời chia chúng tôi làm hai ngã, hai hướng đi. Anh và tôi không hẹn nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm nhã tơ. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi, qua tiếng hát. Trong thập niên 60, tên tuổi anh và tôi gắn liền nhau: Nhạc Trúc Phương-Tiếng hát Thanh Thúy.
Tâm trạng, nổi lòng của người mang tình yêu đơn phương vẫn còn vang vọng qua những bản nhạc: Chuyện Chúng Mình, Hai Lối Mộng, Ai Cho Tôi Tình Yêu, Chiều Cuối Tuần, Buồn Trong Kỷ Niệm, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Tàu Đêm Năm Cũ, Hình Bóng Cũ.
Hình ảnh Thanh Thúy xuất hiện qua những bản nhạc đó. Với Trúc Phương, duyên nợ bẽ bàng nhưng mối giao cảm vẫn còn cao đẹp. Hình ảnh Thanh Thúy vẫn trọn vẹn trong tim Trúc Phương.
Thanh Thúy viết về Trúc Phương
“Như một định mệnh, tôi vào đời ca hát đúng vào thời điểm anh say mê sáng tác, và tình cờ tôi trở thành sứ giả đem tâm sự của anh đến mọi người.
Tâm sự về tuổi thơ mộng, về tình yêu dịu dàng của đôi lứa, về chuyện tình dở dang, về cuộc đời…
Đến khi nhạc phẩm “Nửa Đêm Ngoài Phố” ra đời, tên tuổi anh đã vang dậy khắp nơi. Với thể điệu Rumba quen thuộc, diễn tả tâm trạng đau buồn của một người khi người yêu không đến nữa, “Nửa Đêm Ngoài Phố” đã ăn sâu vào lòng tất cả mọi người, từ những người lớn tuổi, cho đến lớp người trẻ lúc bấy giờ. Bất cứ buổi trình diễn nà, tôi cũng được yêu cầu trình bày “Nửa Đêm Ngoài Phố”, từ các sân khấu phòng trà, khiêu vũ trường, cho đến Đại Nhạc Hội, từ các thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi. Ngoài ra, trong những chương trình phát thanh của đài Sài Gòn và đài Tiếng nói Quân đội, vào bất cứ chương trình nhạc nào cũng có bài này…Nổi buồn không nguôi của một khách đa tình, cứ mãi đi tìm một người không hẹn đến. Bi đát thật.
Lời của bản nhạc Nửa Đêm Ngoài Phố
Buồn vào hồn không tên,
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời
Đường phố vắng đêm nao quen một người
Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời..
Để rồi làm sao quên?
Biết tên người quen, biết nẻo đi đường về
Và biết có đêm nao ta hẹn hò
Để tâm tư những đêm ngủ không yên ..
Nửa đêm lạnh qua tim
Giữa đường phố hoa đèn
Có người mãi đi tìm,
Một người không hẹn đến
Mà tiếng bước buồn thêm ..
Tiếc thay hoài công thôi
Phố đã vắng thưa rồi
Biết rằng chẳng duyên thừa
Để người không gặp nữa
Về nối giấc mơ xưa
Ngày buồn dài lê thê
Có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về
Làm rét mướt qua song len vào hồn
Làm khô môi biết bao nhiêu lần rồi..
Đời còn nhiều bâng khuâng
Có ai vì thương góp nhặt tâm tình này
Gửi giúp đến cố nhân mua nụ cười
Và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi...
“Mỗi lần viết xong một bản nhạc mới, anh đều chạy đến nhà tôi vào sáng sớm, nhất định phải đánh thức tôi dậy cho bằng được để dợt nhạc.
Anh là một nhạc sĩ đầy nghệ sĩ tính, đầy mộng mơ. Nhạc của anh rất giản dị, thân thiết, và dịu dàng, ngay cả khi anh trách móc, giận hờn người yêu cũ hoặc thói đời.
Hình như anh chỉ sống với kỷ niệm, sống cho kỷ niệm. Qua bao nhiêu tác phẩm của anh, lúc nào cũng thấy có kỷ niệm. Anh quý kỷ niệm, anh gìn giữ kỷ niệm, và rồi trân trọng trao gởi vào lời ca, tiếng nhạc. Chỉ cần đọc tên bản nhạc, người ta đã thấy được điều này: “Buồn Trong Kỷ Niệm”, “Đêm Tâm Sự”, “Chuyện Chúng Mình”, “Hình Bóng Cũ”, v.v…
Vài nét về nhạc sĩ Trúc Phương
Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Cuối năm 1950, ông lên Sài Gòn và vào học lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng, chung với Đỗ Lễ, Thanh Thúy, Ánh Tuyết...
Trúc Phương có dáng người cao, lưng hơi khòm, bị cận thị nặng, lãng tay và bị hen suyễn nặng.
1). Trúc Phương, nhạc sĩ đa tình
Nhạc sĩ Thanh Sơn kể lại, trong một chuyến đi từ Sài Gòn ra Phan Thiết bằng xe lửa, Trúc Phương tình cờ gặp cô Trần Thị Thắm, 22 tuổi. Chuyện trò qua lại, hai người hợp lòng, hợp ý. Đến Phan Thiết, một tỉnh phía nam Trung Bộ, hai người chia tay và hẹn 3 ngày hôm sau họ sẽ ra ga cùng về Sài Gòn với nhau trên một chuyến tàu. Trúc Phương đến nhà ga, chờ đến 9 giờ tối mà cô gái không đến.
Đa tình đến nổi không thể quên “mối tình” ngắn ngủi, anh viết bài Hai Chuyến Tàu Đêm.
“Vẫn biết phút bên nhau sẽ khơi buồn một ngày về/ Và cùng một tàu ấy anh về/ Nhưng tìm đâu tiếng đêm qua cho lòng ấm/ Đêm nay cô đơn nghe gió lạnh rót vào hồn/ Tàu về đường cũ tiếng hai đêm vẫn còn chờ/ Gặp lại người xưa.”
Hai Chuyến Tàu Đêm
Lòng buồn rạt rào/ Nhớ hôm nào xuôi miền trung/ Chuyến xe đêm anh gặp em/ Môi em đang xuân nhưng mắt buồn ngấn lệ trần/ Chuyện đời sầu đắng vấn vương đôi má dịu hiền/ Áo em màu tím/ Đậm đà vì là buổi ban đầu ta gần nhau/ Nói nhau nghe câu chuyện cũ/ Tâm tư cho vơi bao nỗi buồn bước vào đời/ Giờ gặp lại nét thắm môi/ Tiếng em hẹn hò tìm lại ngày mơ/ Khi chân đến quê em/ Nắng ban mai hôn nhẹ lên khóm hoa tươi/ Thoáng thấy em cười vì mùa thương vừa chắp nối/ Vẫn biết phút bên nhau sẽ khơi buồn một ngày về/ Và cùng một tàu ấy anh về/ Nhưng tìm đâu tiếng đêm qua cho lòng ấm/ Đêm nay cô đơn nghe gió lạnh rót vào hồn/ Tàu về đường cũ tiếng hai đêm vẫn còn chờ/ Gặp lại người xưa.
2). Trúc Phương vượt biên ba lần đều thất bại
Năm 1976, Trúc Phương vượt biên thất bại, căn nhà số 301 đường Lý Thường Kiệt, quận 11 bị tịch thu. Những năm sau, ông vượt biên thêm hai lần nữa nhưng đều thất bại.
Khi ra tù, vợ con ly tán, ông không nhà không cửa, không giấy tờ tùy thân rồi lưu lạc về Trà Vinh, Vĩnh Long và một số nơi khác.
Năm 1985, ông được thu nhận vào Hội Văn Nghệ Cửu Long, và được cấp một căn phòng ở số 6 đường Trần Hưng Đạo, thị xã Vĩnh Long.
Ít lâu sau, ông lên Sài Gòn và qua đời ở đó ngày 18-9-1995.
Thanh Thúy viết: “Anh Trúc Phương, một ngôi sao sáng của vòm trời âm nhạc Việt Nam vừa vụt tắt. Tin anh qua đời đến với tôi khá đột ngột. Tôi đã bàng hoàng xúc động với sự mất mát lớn lao này.
Anh đã đến trong cuộc đời này, để lại bao kỷ niệm nhẹ nhàng qua nhiều nhạc phẩm chất chứa ân tình, rồi lặng lẽ ra đi âm thầm thật cô đơn nơi trời Nam xa xôi. Tôi đã mất Anh, nhưng tôi sẽ không bao giờ mất đi những kỷ niệm giữa Anh và tôi, cũng như bao lời ca tôi đã thuộc nằm lòng. Nơi đây, bây giờ và mãi mãi, tôi sẽ vẫn còn cất tiếng hát, đem đến cho đời những lời tâm sự của Anh. Xin Anh hãy yên nghỉ, Anh nhé”.
Ba lần vượt biên thất bại, ngoài việc tù tội, mất nhà cửa, mất gia đình, và cũng mất rất nhiều cây vàng. Trắng tay, lại mang bịnh không tiền chữa trị, thật là bi đát.
3). Lời kể của nhạc sĩ Trúc Phương trên DVD Asia 55 khi ông còn sống.
“Sau biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rày đây mai đó, “bèo dạt hoa trôi”. Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng nói no thì chẳng có ngày nào gọi là no. Tôi không có một mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng khổ nỗi hoàn cảnh của họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được… Hơn nữa lúc đó vấn đề an ninh rất khe khắt, bạn bè không ai dám chứa tôi trong nhà cả vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người. Tôi nghĩ ra được một cách là tìm nơi nào có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ…
Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng Miền Tây thuê một chiếc chiếu. Một chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng. Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng. Nói với anh Nam Lộc trong Asia 55, khổ lắm, hôm nào có tiền đi xe lam ra sớm được, khoảng chừng 5 giờ có mặt ngoài đó thì thuê chiếc chiếu trải được ở chỗ lịch sự, tương đối vệ sinh một chút, còn hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết những chỗ sạch sẽ vệ sinh mất rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ “có mấy thằng cha đi tiểu vỉa hè”, cũng phải nằm thôi.
Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát mà lẽ ra nên buồn cho hoàn cảnh. Nhưng không bao giờ tôi buồn. Tôi nghĩ còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này…”.
4). Lời phát biểu của Trúc Linh, con trai của Trúc Phương
Trúc Linh, con trai của Trúc Phương, hiện định cư ở Mỹ cho biết: “Ba tui không bao giờ uống rượu. Ba lấy má tui năm 1950. Má tui là con nhà gia giáo, gia đình cũng khá giả ở Bến Tre. Bài Chiều Làng Em là ba tui viết cho má tui.
Gia đình không nghèo. Ba tui thường lái Mazda và Peugeot 404. Gia đình tui có 6 anh chị em, có nghĩa là họ sống chung với nhau cũng khá lâu. Họ ly dị vào năm 1979. Tui đã về thăm ông, 3 tháng trước khi ông mất”.
4. Nguyễn Long và mối tình yêu một chiều với Thanh Thúy
Đạo diễn Nguyễn Long và Thanh Thúy
Trong hàng chục nghệ sĩ đã từng bày tỏ tình yêu một chiều với Thanh Thúy, thì có một người “can đảm” đã đi hết con đường một chiều với Thanh Thúy mà không có khoảnh khắc nào ngưng nghỉ, đó là tài tử Nguyễn Long.
Nguyễn Long ghi lại, ông đã có hàng trăm đêm ngủ trước cửa nhà Thanh Thúy. Đã có 9 lần lái xe đâm thẳng vào phòng trà Anh Vũ lúc Thanh Thúy có mặt trình diễn.
Thời gian có mặt ở Huế để quay phim “Thúy Đã Đi Rồi”, thình lình nhận được cú điện thoại của Thúy, Nguyễn Long đã lái xe từ 5 giờ sáng ở Huế để có mặt lúc 9 giờ tối ở phòng trà Tự Do.
Nguyễn Long tâm sự: “Nhiều lần tôi tỏ ra một cây si nặng ký nhưng cũng chỉ nhận được một nụ cười, cũng giống như nụ cười của cô đối với Duy Khánh”. Duy Khánh cũng có nhiều lần tỏ tình với Thanh Thúy.
Theo nhà văn Du Tử Lê, năm 1981 Nguyễn Long gặp lại Thanh Thúy ở San Francisco, ông viết: “Gặp lại dĩ vãng thần tiên của mình, tôi thấy Thanh Thúy muôn đời không thay đổi. Giọng hát của cô vẫn như ngày xưa. Có phần chắc hơn, già dặn hơn, rung cảm hơn. Thanh Thúy là một trong số ít ca sĩ vẫn giữ được giọng hát của mình. Không sút giảm vì qua biết bao nhiêu thăng trầm của đất nước và con người”.
1). Ba vở kịch và một bộ phim về Thanh Thúy
Trong hồi ký, Nguyễn Long cho biết, trước khi thực hiện bộ phim Thúy Đã Đi Rồi vào cuối năm 1961, ông đã có 3 vở kịch mà Thanh Thúy là nhân vật chính.
Ba vở kịch
Vở kịch thứ nhất mang tên “Ghen”. Xuân Dung đóng vai Thanh Thúy, hợp diễn với các diễn viên Ba Bé, Linh Sơn, Nguyễn Long.
Vở kịch thứ hai, tựa đề “Khi Người Ta Yêu Nhau”, Kim Cương đóng vai Thanh Thúy, hợp diễn với Túy Hoa, Bảy Xê, Ngọc Phu, Ba Bé, và Nguyễn Long.
Vở kịch thứ ba, tên “Tan Tác”, Kim Cương thủ vai Thanh Thúy, cùng diễn với Vũ Đức Duy, Vân Hùng, Túy Hoa, và Nguyễn Long.
Bộ phim “Thúy Đã Đi Rồi”
Minh Hiếu đóng vai Thanh Thúy. Yến Vĩ vai Thanh Mỹ, em Thanh Thúy, Mai Trường, Trần Văn Trạch, Ánh Hoa, Hùng Cường, Minh Chí, Ngọc Hương, hề Minh…
Nội dung bộ phim. Một ông đạo diễn yêu say mê một ca sĩ, nhưng không được đáp lại. Do thất tình nặng, ông bị ám ảnh đến nổi thấy bất cứ một thiếu nữ nào ông cũng tưởng đó là người ông say mê. Cuối cùng, do điên loạn, ông bắt cóc và giết người ca sĩ đó. Tuy nhiên cái chết của người ca sĩ không xóa nhòa được hình ảnh mà ông ôm ấp trong lòng. Cuối cùng ông đến nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ và tự tử.
Lai lịch của bản nhạc “Thúy Đã Đi Rồi”
Nhạc sĩ Y Vân đã sáng tác rất nhiều bản nhạc, tuy nhiên có một bản dành riêng cho người bạn thân của ông, Nguyễn Long, bản nhạc tựa đề Thúy Đã Đi Rồi. Bài hát nói lên tâm trạng tình yêu một chiều của Nguyễn Long đối với Thanh Thúy. Nguyễn Long dùng cái tên của bản nhạc nầy đặt tựa đề của bộ phim
2). Vài nét về Nguyễn Long
Nguyễn Long tên thật là Nguyễn Ngọc Long, sinh ngày 2-3-1934 tại Hải Phòng. Năm 1949, ông vào Sài Gòn và chính thức bước lên sân khấu kịch nghệ và điện ảnh.
Năm 1955, xuất hiện trên một số phim do tổ hợp Việt Nam, Hoa Kỳ và Phi Luật Tân thực hiện.
Năm 1957, khởi sự viết kịch và chuyện phim, đồng thời đóng vai chánh trên 70 kịch ngắn, dài trên sân khấu và đài truyền hình.
Năm 1961, tự sản xuất, đạo diễn và đóng vai chánh trong 14 bộ phim nổi tiếng như: Mưa Lạnh Hoàng Hôn, Nước Mắt Đêm Xuân, Thúy Đã Đi Rồi, Anh Yêu Em, Hè 72…
Năm 1981, vượt biên và định cư ở Hoa Kỳ. Ông tiếp tục đạo diễn và sản xuất các tác phẩm điện ảnh như: Mây Xám Chiều Hoang, Như Là Khởi Đầu, Biển Khổ. Nguyễn Long viết 14 quyển sách.
Ông từ trần ngày 2-11-2009 tại Seattle bang Washington. Thọ 76 tuổi.
Trịnh Công Sơn và bản nhạc Ướt Mi dành cho Thanh Thúy
Trịnh Công Sơn thuật lại, năm đó tôi 17 tuổi vào trọ học ở Sài Gòn. Đêm đêm, tôi thường đến các phòng trà để nghe nhạc. Giọng hát đặc biệt của Thanh Thúy lôi cuốn, khiến tôi luôn luôn đến nghe.
Ngoài giọng ca, dáng dấp cô ấy cũng hấp dẫn. Dáng dấp mảnh mai, mái tóc dài buông phủ bờ vai.
Nói yêu Thanh Thúy thì chưa chắc, vì tôi có mặc cảm nghèo và vô danh của một thanh niên 17 tuổi, chưa có sự nghiệp trong tay, trong khi đó, Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, có kẻ đưa người đón tấp nập.
Một lần, ở nhà hàng Mỹ Cảnh năm 1958, chàng trai 19 tuổi viết vào một mảnh giấy nhỏ, yêu cầu Thanh Thúy hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong. Điều bất ngờ là Thanh Thúy hát bài đó với một cảm xúc mãnh liệt. Cô đã khóc. Cuộc đời buồn, vì trước đó không lâu, người cha qua đời và hiện tại là bà mẹ, tên Tường Vy, đang bị lao phổi nặng khó chữa trị. Bà mất năm 1960.
Giọt nước mắt đọng trên vành mi của người ca sĩ đẹp, đã gieo vào lòng Trịnh Công Sơn một cảm xúc đầy ấn tượng, thế là ca khúc Ướt Mi ra đời. Họ quen nhau. Không có chi tiết nào xác định tình yêu của Trịnh Công Sơn với Thanh Thúy.
Thanh Thúy hát hay. Thanh Thúy đẹp. Chàng trai trẻ họ Trịnh luôn luôn bám sát Thanh Thúy từ sân khấu nầy đến những sân khấu khác. Và kết thúc bằng bản nhạc “Thương Một Người”.
“Thúy đã đi rồi” thì Khánh Ly lại đến.
6. Nhạc Bolero, nhạc đỏ, nhạc vàng, nhạc xanh
1). Nhạc Bolero
Trúc Phương sáng tác đa số là nhạc theo thể điệu bolero. Thanh Thúy được phong là Nữ hoàng bolero. Vậy bolero là gì?
Bolero là tiếng Tây Ban Nha chỉ loại nhạc chậm, trầm, thích hợp để diễn đạt tâm sự, tình buồn, hồi tưởng, kỷ niệm buồn. Loại nhạc nầy lan truyền đến các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha ở Nam Mỹ, như Cuba chẳng hạn.
Từ Nam Mỹ, nhạc bolero du nhập vào Việt Nam trong thập niên 1950, và phát triển mạnh ở thập niên 1960.
Nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác nhiều nhất về thể loại nầy. Mô tả tâm sự, kỷ niệm buồn trong quá khứ, như các bản: Tàu Đêm Năm Cũ, Buồn Trong Kỷ Niệm, Mưa Nửa Đêm, Hình Bóng Cũ, Đêm Tâm Sự, Chuyện Chúng Mình…
Thanh Thúy là ca sĩ tiên phong trong dòng nhạc bolero của Trúc Phương. Được cho là nữ hoàng bolero. Thanh Lan, Thanh Tuyền, Phương Dung, Quang Lê cũng thường hát loại nhạc nầy.
2). Nhạc Vàng
Nhạc bolero chỉ thể loại, nhạc vàng chỉ nội dung lời ca của bản nhạc. Nhạc vàng chiếm đa số của bolero.
Trước 75, nhạc miền Nam không có màu sắc nào cả. Sau 75, mấy cha Việt Cộng đặt tên: nhạc đỏ, nhạc vàng, nhạc xanh.
Nhạc vàng là nhạc trữ tình, lời ca lãng mạn, bị ghép là ướt át, đồi trụy, nên từ sau ngày 30-4-75, bị cấm trình diễn ở nơi công cộng trong một thời gian dài.
3). Nhạc Đỏ
Nhạc Đỏ, gọi nôm na là “nhạc cách mạng”, nội dung ca ngợi đảng CSVN, lãnh tụ Cộng Sản, và tuyên truyền ca ngợi bộ đội, cán binh trong việc vượt Trường Sơn vào đánh chiếm miển Nam, VNCH. Những bài hát tiêu biểu như: Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Tiếng Chày Trên Sóc Bombo, Cô Gái Vót Chông, Cô Gái Sài Gòn Tải Đạn…Và bản nhạc phổ biến nhất được mấy đứa con nít hát nghêu ngao ngoài phố như: “Như Có Bác Hồ Trong Nhà Thương Chợ Quán hoặc Như Có Bác Hồ Đang Ngồi Binh Xập Xám. “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ, râu bác dài, tóc bác bạc phơ, em âu yếm hôn lên dế bác…
4). Nhạc Xanh
Nhạc xanh là nhạc ngoại quốc lời Việt, như các bản: Dòng Sông Xanh (The Beautiful Blue Danube). Em Đẹp Nhất Đêm Nay (La Plus Belle Pour Aller Danser), Người Đẹp Của Tôi (Bernadine), Giàn Thiên Lý Đã Xa (Scarborough Fair- Lễ hội Scarborough)
Người Tình Mùa Đông (Nhạc Nhật, nhạc sĩ Nakajima Naomi), Cho Quên Thú Đau Thương (Main Dans La Main), Mùa Thu Lá Bay (Nhạc Hoa), Bến Thượng Hải (Nhạc Hoa)…
5). Nhạc Sến
Chữ “Sến” bắt nguồn từ chữ “Sen”. Người Bắc gọi những cô gái giúp việc nhà (đầy tớ, ở đợ) là “con sen”. Báo chí đưa câu chuyện, chiều chiều mấy cô giúp việc nhà, ăn diện cũng đẹp ra phết. Mấy cậu theo tán tỉnh, hỏi em tên gì. Trả lời em tên Marie Sến. Mấy cô gánh nước mướn tên là Marie La Fontaine. “Phông tên” là trụ nước công cộng.
Trước kia, thời Pháp thuộc, những người sang trọng, quý phái thường đặt tiếng Tây trước cái tên của mình, như Philipe Lúa. Bernard Chôm, George Phước, Paul Lành…
Nhạc sến chỉ nhạc bình dân, phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Người ta đặt tên những tiếng hát phổ biến bình dân là tiếng ca Sến, như Hương Lan, Chế Linh. Tiếng hát được xem sang trọng là Khánh Hà...
7. Kết luận
Ca sĩ Thanh Thúy là một hiện tượng trong nền ca nhạc Việt Nam hồi trước năm 1975. Đặc điểm nổi bật nhất là tiếng hát, được cho là tiếng hát liêu trai, tiếng hát lúc không giờ, tiếng hát khói sương, tiếng sầu ru khuya…
Tóm lại, tài, sắc, và phẩm chất đạo đức đã đưa người ca sĩ nầy lên đỉnh cao của nền ca nhạc một thời của Việt Nam Cộng Hòa. Cũng có ý kiến cho rằng Thanh Thúy đã xa quê hương suốt 45 năm, mà chưa có lần nào về nước hát để kiếm tiền cả.
Trúc Giang
Minnesota ngày 31-12-2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét