Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

Y Học Thường Thức - Bệnh Ngưng Thở Ngắn Hạn Khi Ngủ (Bác Sĩ Đinh Đại Kha)


Y HỌC THƯỜNG THỨC

Bệnh Ngưng Thở Ngắn Hạn Khi Ngủ 


 Đại cương 

Bệnh ngưng thở ngắn hạn khi ngủ là trường hợp bệnh nhân bị nghẽn hô hấp tại họng trong giấc ngủ. Sự nghẽn hô hấp chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn nhưng trở đi trở lại nhiều lần trong đêm. Mỗi lần nghẽn hô hấp, bệnh nhân ngưng thở trên 10 giây đồng hồ. Bệnh nhân bị bệnh này, đêm ngủ không yên, ngáy lớn tiếng, tỉnh giấc nhiều lần khi ngộp thở. Sáng dậy họ bị nhức đầu, cả ngày buồn ngủ nên mất tỉnh táo. 

Chẩn đoán bệnh ngưng thở ngắn hạn khi ngủ dựa vào bệnh sử, nhiều khi do thân nhân người bệnh trình bày với bác sĩ; bệnh nhân vì kém tỉnh táo nên quên chi tiết bệnh lý. 

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh này dùng thiết bị để quan sát và ghi lại chi tiết về chức năng hô hấp của bệnh nhân trong giấc ngủ ban đêm. Phương cách trị liệu chính của bệnh ngưng thở ngắn hạn khi ngủ là dùng thiết bị gây áp lực liên tục trong đường hô hấp tại họng. 

Các phương tiện khác là thiết bị mang trong miệng và giải phẫu. 

Bệnh ngưng thở ngắn hạn khi ngủ mà được trị liệu thì có tiên lượng rất tốt. Nếu không trị liệu, bệnh này có thể gây nhiều biến chứng nguy hại. Tùy theo thống kê địa phương, tỷ số người bị ngưng thở ngắn hạn khi ngủ trong đại chúng thay đổi từ 2% tới 9%. Nam giới bị bệnh này nhiều hơn nữ giới 4 lần. 

Đặc biệt người mập phì bị bệnh ngưng thở ngắn hạn khi ngủ nhiều hơn người bình thường tới 7 lần. Nguyên nhân Mọi lý do khiến đường hô hấp tại họng bị hẹp lại đều có khả năng gây bệnh ngưng thở ngắn hạn khi ngủ. 

Các nguyên nhân khiến họng bị hẹp bao gồm: 
Điều kiện cơ thể bất thường 
-Người đầu tròn và cổ ngắn nên họng nhỏ hơn bình thường. 
-Phần cuối lưỡi, hạch hạnh nhân quá lớn. 
-Thành họng ở hai bên hoặc quá dày hoặc chứa nhiều mỡ nên nhô ra khiến họng bị hẹp bớt. 

Các yếu tố nguy cơ 
-Tuổi già. 
-Uống rượu, dùng thuốc an thần. 
-Tính di truyền.
-Bệnh nhược giáp trạng. 
-Bệnh cực đại (bệnh kích thích tố tuyến yên khiến xương mặt, xương tay, chân phát triển rất lớn). 

Triệu chứng và dấu hiệu 

Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh ngưng thở ngắn hạn khi ngủ bao gồm: 
Sự việc xảy ra ban đêm: 
-Bệnh nhân ngáy lớn tiếng, làm phiền mọi người chung quanh nhưng tự mình vẫn ngủ được nên nhiều khi không tin là mình ngáy lớn. 
Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhưng không đặc trưng cho ngưng thở ngắn hạn khi ngủ và rất phổ thông trong đại chúng. 
Đa số những người ngáy lớn tiếng không có bệnh. 
-Họ bị ngộp thở nhiều lần trong giấc ngủ, khi thở lại được thì thở dốc một hơi. 
-Họ ngủ không yên, có những lần ngộp thở khiến tỉnh giấc nhưng nhiều khi ngủ lại được ngay nên không nhớ mình có triệu chứng này. 

Sự việc xảy ra ban ngày:
 -Bệnh nhân cảm thấy nhức đầu vào buổi sáng, khi mới thức dậy. 
-Họ bị khô miệng hoặc đau họng. 
-Họ buồn ngủ cả ngày. 
-Họ khó tập trung tư tưởng. 

Chẩn đoán 

Chẩn đoán bệnh ngưng thở ngắn hạn khi ngủ dựa vào lâm sàng, phối hợp bệnh sử và các yếu tố nguy cơ. Chi tiết bệnh sử thường do thân nhân người bệnh trình bày đầy đủ với bác sĩ vì tự bệnh nhân không nhận biết những điều này. 
Cần xét nghiệm để xác định chẩn đoán trước khi quyết định trị liệu. Loại xét nghiệm này dùng thiết bị ghi lại các chi tiết về chức năng hô hấp của bệnh nhân khi họ ngủ lại một đêm tại phòng thí nghiệm: 
-Bệnh nhân bị ngưng thở trung bình bao nhiêu lần trong một tiếng đồng hồ. 
-Họ bị tỉnh giấc trung bình bao nhiêu lần trong một tiếng đồng hồ. 
-Mức độ ô-xy trong máu giảm bao nhiêu sau mỗi lần ngưng thở. 

Tiên lượng 

Bệnh ngưng thở ngắn hạn khi ngủ mà được trị liệu thì có tiên lượng rất tốt. Nếu không trị liệu, bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hại: 
-Huyết áp cao quá độ. 
-Rối loạn nhịp tim. 
-Suy tim. 
-Dễ bị tai nạn khi lái xe hay sử dụng máy móc lớn vì thiếu tỉnh táo (buồn ngủ cả ngày). 

Trị liệu 

Các phương cách trị liệu ngưng thở ngắn hạn khi ngủ bao gồm:

 Loại bỏ yếu tố nguy cơ 
Tất nhiên có những yếu tố nguy cơ không thay đổi được, thí dụ như tuổi già. 
Các yếu tố thay đổi được như nghiện rượu, mập phì rất khó loại bỏ vì cần quyết tâm và kiên trì. Theo kinh nghiệm lâm sàng thì phương cách này ít khi có hiệu quả. Dùng thiết bị gây sức ép liên tục trong đường hô hấp 
Đây là phương pháp thông thường và có kết quả tốt để điều trị bệnh ngưng thở ngắn hạn khi ngủ. 
Bệnh nhân dùng thiết bị hình dáng như một cái hộp có nối ống hơi mang một mặt nạ nhỏ úp lên mũi. Máy này liên tục bơm không khí qua mũi bệnh nhân làm căng thành họng khiến đường hô hấp tại đây luôn mở rộng. Thiết bị này có những bộ phận đặc biệt để động tác hít thở của bệnh nhân không bị trở ngại khi máy chạy. 
Dùng thiết bị mang trong miệng Các thiết bị này có tác dụng hoặc kéo lưỡi hoặc kéo hàm dưới đưa ra phía trước. Loại dụng cụ này khó dùng và cũng ít khi kiến hiệu. 

Giải phẫu 

Nếu dùng thiết bị gây sức ép liên tục đường hô hấp mà không có kết quả thì dùng tới giải phẫu. Nguyên tắc của việc giải phẫu này là cắt bỏ bớt mô họng ở hai bên thành họng. Bác sĩ giải phẫu mổ tách màng nhầy hai bên thành họng, vén  qua một phía, cắt bỏ mô dư ở bên dưới rồi may màng nhầy dính lại khiến vết mổ mau lành. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Bệnh ngưng thở ngắn hạn khi ngủ Obstructive sleep apnea (OSA) 
Ngáy Snoring 
Sức ép liên tục đường hô hấp Continuous positive airway pressure (CPAP) 
Tỉnh giấc Awakening 
Bệnh cực đại Acromegaly 
Thở dốc Gasping 
Xét nghiệm ngưng thở ngắn hạn khi ngủ Polysomnography 
Thiết bị mang trong miệng Oral appliances


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét