Mở bài
Trước hết, Trúc Giang MN có lời cám ơn nhà thơ Nguyên Trần, Nguyễn Tấn Phát, cựu Phó tỉnh trưởng Vĩnh Bình, đã gợi ý và cung cấp tài liệu để tôi thực hiện bài viết nầy.
Trong văn học hiện đại, Hàn Mặc Tử là một tác giả được tôn sùng và hâm mộ. Năm 1942, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nêu nhận xét: “Từ ngày Hàn Mặc Tử từ trần đến nay, mới hai năm mà người ta đã nói rất nhiều và viết rất nhiều về Hàn Mặc Tử”.
Hàng ngàn cuốn sách và bài báo trong lẫn ngoài nước, đã đề cập đến thi sĩ tài năng mạng yểu nầy.
Các tác phẩm của Hàn Mặc Tử không những được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường học, mà còn được liên tục ấn hành và bán rất chạy. Nhà thơ tài hoa, bạc phận, có nhiều mối tình nhưng vì căn bịnh nan y nên đau đớn về thân xác, đau khổ vì thất tình. Những đau khổ được thể hiện trong dạng thơ gọi là Thơ Điên.
Tiểu sử Hàn Mặc Tử
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, tên thánh là Pierre François, (còn có tên là Phêrô Phanxicô), sinh ngày 22-9-1912 tại làng Lệ Mỹ, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình Công giáo. Thân phụ là ông Nguyễn Văn Toản, mẹ là Nguyễn Thị Duy. Hàn Mặc Tử có 6 anh chị em đặt tên theo: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và Hiếu. Người cha làm thông ngôn, ký lục di chuyển nhiều nơi nên Hàn Mặc Tử học nhiều trường khác nhau: Sa Kỳ, Quy Nhơn, Bồng Sơn, Huế.
Lúc 5h45 sáng ngày 11-11-1940. tại trại phong cùi Quy Hòa, Hàn Mặc Tử nhẹ nhàng tắt thở trong cô đơn, không có người thân bên cạnh.
Hàn Mặc Tử mắc bịnh phong cùi
3.1 Giả thuyết về căn bịnh của Hàn Mặc Tử
Nhiều người đồn đoán, cho rằng Nguyễn Trọng Trí ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm, dẫn nhau lên chơi Lầu Ông Hoàng, mắc mưa, vào trú trong một nghĩa địa gần ngôi mộ mới chôn, ông thấy có nhiều đốm đỏ bay lên từ ngôi mộ, sáng hôm sau phát hiện những đốm đỏ trên cơ thể.
Bà Mộng Cầm xác nhận: “Tôi có đi chơi Lầu Ông Hoàng với Hàn Mặc Tử. Có gặp mưa, có ngồi ở nghĩa địa, nhưng không vì đó mà Hàn Mặc Tử bị bịnh phong cùi. Nếu Hàn Mặc Tử bị bịnh, sao tôi không hề hấn gì cả”.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết Hàn Mặc Tử bị nhiễm bịnh trong trường hợp nào. Bịnh phong cùi không di truyền. Căn bịnh nan y nầy xâm nhập vào cơ thể do vi trùng Hansen đi vào thông qua vết cắt, hoặc xâm nhập cơ thể do trực trùng Hansen đi vào phổi thông qua sự hô hấp.
3.2. Hàn Mặc Tử bị bịnh cùi
Bịnh phong (phung) còn gọi là bịnh hủi hay bịnh cùi, là một bịnh rất hay lây nhưng không di truyền.
Bịnh do trực trùng Hansen gây ra. Hansen là tên của bác sĩ đã tìm ra trực trùng bịnh cùi vào năm 1873 thông qua kính hiển vi. Tên đầy đủ của bác sĩ người Na Uy là Gerhart Henrick Armauer Hansen (1841-1912)
Người bịnh chảy nhiều nước mũi đến lúc cơ thể hiện ra những dấu hiệu của bịnh cùi. Ở trại cùi Bến Sắn, nhiều người đã sống ở đó 40 năm sau khi tình trạng cùi đã phát hiện.
Thần kinh người bịnh bị hủy hoại nên mất cảm giác, kim chích không đau, lửa đốt không nóng. Trên mặt hiện ra những cục sần sùi, thân thể lở loét, tay chân co rúc rồi rụng dần.
Do lây lan và truyền nhiễm nên người bịnh phải cách ly để sống trong những trại phong cùi. Hiện nay trại cùi Bến Sắn, Bình Dương, có 330 cư dân. Những người bệnh hoặc do gia đình đưa đến hoặc tự tìm đến một mình rồi ở đây suốt 40 năm qua.
Vì sợ chính quyền bắt tập trung nên người mẹ dẫn Hàn Mặc Tử chạy trốn ở nhiều nơi và sau cùng Nguyễn Trọng Trí sống ở một chòi tranh thuộc Gò Bồi cách Qui Nhơn 15 km, và bắt đầu tuyệt giao với bạn bè.
3.3. Hàn Mặc Tử không chết vì bịnh cùi
Hàn Mặc Tử không chết vì bịnh cùi. Bác sĩ Gour Vile, Giám đốc trại cùi Quy Hoà cho rằng, Hàn Mặc Tử chết là do nội tạng hư hỏng quá nhanh do uống quá nhiều thuốc tạp nham, có độc tố của lang băm trước khi nhập viện phong Quy Hòa. Chết vì bịnh kiết lỵ.
Khi Hàn Mặc Tử phát bịnh, ông không chịu chữa bịnh bằng tây y, mẹ ông mời nhiều thầy thuốc đông y, nhiều ông bà thuốc nam… đổi thầy, đổi thuốc mà bịnh không thuyên giảm.
Cuối cùng, Hàn Mặc Tử được đưa vào bịnh viện Quy Nhơn, ở đó ít hôm rồi chuyển sang bịnh viện phong cùi Quy Hòa ngày 20-9-1940. Ông nói với người bạn đồng bịnh: “Khắp các tiệm thuốc bắc và các ông bà thuốc nam ở Bình Định, đã đến chữa cho tôi, không thiếu người nào cả, mà càng ngày thân thể tôi ra thế nầy”.
Lúc 5h45 sáng ngày 11-11-1940. Hàn Mặc Tử nhẹ nhàng tắt thở trong cô đơn, không có người thân bên cạnh.
Những tác phẩm của Hàn Mặc Tử
Những bút hiệu của Hàn Mặc Tử
Nguyễn Trọng Trí có nhiều bút hiệu. Lúc mới làm thơ ông ký tên Minh Duệ Thị, tiếp theo là Phong Trần, rồi Lệ Thanh, sau đó là Hàn Mạc Tử (Không có dấu á). Còn có Lệ Giang (Sông Lệ). Bút hiệu sau cùng là Hàn Mặc Tử.
Những tác phẩm của Hàn Mặc Tử
Các sáng tác của Hàn Mặc Tử gồm có:
1). Lệ Thanh thi tập. Gồm toàn bộ các bài thơ Đường luật.
2). Gái quê. (1936) 23 bài thơ
3). Thơ điên (Đau thương) gồm 3 tập: Hương thơm, Mật đắng, Máu cuồng và Hồn điên. (1938) 23 bài thơ.
4). Xuân như ý. 16 bài
5). Thượng thanh khí. (thơ) 12 bài.
6). Cẩm Châu Duyên. 2 bài thơ
7). Duyên kỳ ngộ (kịch thơ 1939) 2 bài kịch: Duyên Kỳ Ngộ, Quần Tiên Hội.
8). Máu cuồng hồn điên. 18 bài.
9). Mật đắng. 9 bài.
10). Các bài thơ khác. 16 bài.
“Giải mã” bí mật về mối tình Hàn Mặc Tử-Mộng Cầm
Bà Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử
Trên nguyệt san Phổ Thông số 63 này 15-8-1961, nhà văn Châu Hải Kỳ đã ghi lại lời Mộng Cầm, trả lời phỏng vấn như sau:
“Năm ấy tôi 17 tuổi, học lớp nhất (lớp 5) trường Phan Thiết. Tuy mới chỉ học lớp nhất, nhưng tôi rất thích văn chương. Những bài thơ tôi làm ra toàn là thơ Đường luật, tôi đăng báo Công Luận trong Nam.
Một hôm tôi nhận một bức thư do bưu điện đưa lại. Đó là bức thư đầu tiên Hàn Mạc Tử gởi cho tôi. Về sau tôi biết được người bạn học cũ của tôi ở Quảng Ngãi, đã gởi địa chỉ của tôi cho nhà thơ.
Trong thơ, Hàn Mặc Tử tỏ ý muốn gặp tôi để trao đổi văn thơ.
Tôi bận học thi tiểu học, cho nên một tháng sau tôi mới trả lời. Bắt đầu từ đó, chúng tôi thường có thư từ đi, lại cho nhau. Chúng tôi giao thiệp như thế được chừng sáu tháng, thì tôi phải về Quảng Ngãi, ở nhà ông cậu để học nữ hộ sinh ở Mũi Né. Thơ từ mật thiết nối tiếp qua lại, thì một chiều thứ bảy, Hàn Mặc Tử đến bịnh xá Mũi Né gặp tôi.
Trước mặt tôi là một thanh niên mặc âu phục xoàng xĩnh, tầm thường. Tôi đưa anh về nhà, giới thiệu với cậu tôi. Cậu cũng đã có đọc nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử, cậu để cho chúng tôi tự do ngồi nói chuyện với nhau.
Anh xin phép cậu tôi, để chúng tôi đi vào Phan Thiết chơi, đồng thời để gặp cậu tôi là Bích Khê, cũng là bạn văn nghệ của anh.
Và tối hôm đó, chúng tôi xuôi đò về Phan Thiết. Gặp hôm sáng trăng, nhưng chúng tôi không ngồi trên mui thuyền để ngắm cảnh sông nước, mà ngồi trong khoang để nói chuyện. Hàn Mạc Tử không đẹp trai, nhưng nhỏ nhẹ, dễ thương. Hồi này anh mới 24 tuổi (vào năm 1936), nhưng trông người anh yểu tướng, tôi in trí thế nào anh cũng không thọ. Nhờ ngọn đèn sáng dưới đò, tôi đã ngờ ngay từ hôm đó là anh có bịnh phong cùi, hai trái tai anh hơi đỏ đỏ mà dày dày. Vì có học ở nhà thương nên tôi biết triệu chứng. Tuy nhiên, tôi chưa dám chắc.
Đò đến Phan Thiết, tôi đưa anh đến nhà cậu tôi là Bích Khê, cũng là bạn thơ của Hàn Mặc Tử. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều đến anh đáp tàu về Sài Gòn.
Sau ngày ấy, cậu Bích Khê bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức. Vì lẽ đó mà Hàn Mạc Tử ra vào thường xuyên, thứ bảy nào anh cũng có mặt tại Phan Thiết, chiều chủ nhật lại vào Sài Gòn.
Một dịp thứ bảy, đi chơi Lầu Ông Hoàng, anh thổ lộ mối tình với tôi. Tôi trả lời anh: “Chắc rằng không thể đến chỗ làm bạn trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng”.
Anh hỏi lý do. Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau. Nhưng thật ra vì biết Hàn Mạc Tử mắc bệnh hiểm nghèo, không thể sống lâu được. Ý tôi muốn có một người chồng đẹp trai, tráng kiện... Tuy vậy, chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật suốt hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều bức thư anh đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi luôn luôn nguỵ biện để từ chối...”
Nhà văn Châu Hải Kỳ đặt câu hỏi: “Bà không muốn đến hôn nhân, nhưng đối với Hàn Mạc Tử, có lúc nào bà cảm thấy yêu không? Và trong những cuộc tình giao du thân mật đã có lần nào thi sĩ tỏ thái độ suồng sã với bà không?” Mộng Cầm đáp: “Chúng tôi rất mến nhau. Nhưng đó chỉ là mối tình văn thơ. Còn xác thịt hoàn toàn không nghĩ tới. Cha mẹ đã cho giao thiệp tự do, nên chúng tôi phải giữ gìn cho xứng đáng. Vả lại, lúc bấy giờ, tôi tuy đã lớn tuổi, nhưng vẫn còn khờ lắm...”.
Có một lần thi sĩ Quách Tấn, bạn của Hàn Mặc Tử, hỏi nhà thơ Bích Khê, cậu của Mộng Cầm: “Mộng Cầm có yêu Hàn Mạc Tử thật sự chăng?”. Bích Khê trả lời: “Không yêu mà chiều thứ bảy nào, Tử cũng ra Phan Thiết để cùng Mộng Cầm đi chơi với nhau cho đến chiều chủ nhật hôm sau mới vào Sài Gòn. Hai bên giao tiếp thân mật với nhau ngót hai năm trời như thế, mà nếu không yêu nhau thì chỉ có gỗ đá chớ không phải là người!”.
Bài thơ của Mộng Cầm “Kỷ niệm Hàn Mặc Tử ở Lầu Ông Hoàng”
Sương sa trong lúc hoàng hôn
Đường lên dốc đá sáng dần bể xanh
Triều dâng con nước mênh mông
Chuông chùa văng vẳng tiếng lòng xôn xao
Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?
Hồn xưa anh mất cảnh gieo sầu
Mây mù phủ kín vòng linh địa
Căm hờn thác cũ cuộc bể dâu.
(Mộng Cầm)
……
Trăng lên khỏi núi gió đùa mây
Thì anh nên nhớ người năm nọ
Xưa đã cùng anh sống những ngày…
(Mộng Cầm)
Và Mộng Cầm cũng không giấu giếm rằng mình đã có những ngày yêu đương đằm thắm. Mỗi cuối tuần trong suốt một thời gian 2 năm tròn, từ 1934 đến giữa năm 1936, bà ra ga xe lửa Phan Thiết đón người yêu Hàn Mạc Tử từ Sài Gòn ra.
“Cả năm chỉ có một lần xuân
Nhưng với lòng em xuân mỗi tuần”. (Mỗi tuần ra đón Hàn Mặc Tử)
Theo nhà sưu khảo Phạm Xuân Tuyển, thì trước khi đi lấy chồng, Mộng Cầm đã đến thăm nhà thơ lần cuối cùng. Quá đau thương, không kìm nén được nên Hàn Mạc Tử thốt lên:
Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi
(Muôn Năm sầu thảm – Đau thương)
…..
Mộng Cầm trả lời:
Em đã yêu anh đến dại người
Lòng em ngày tháng dễ nào nguôi
Yêu anh trên hết tình yêu mến
Và sẽ yêu anh suốt một đời.
Hàn Mặc Tử có nhiều bài thơ nói về nơi ghi lại mối tình nầy, nổi tiếng nhất là bài thơ “Phan Thiết, Phan Thiết” với lời thơ u buồn, ý thơ thống thiết:
“Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ôi! Là Phan Thiết Phan Thiết
Mà tang thương còn lại ánh trăng rơi”.
Lầu Ông Hoàng là nơi trai tài gái sắc trong thi ca, Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm, đã đến xem phong cảnh và thố lộ tình yêu dưới ánh trăng. Nơi ghi lại cuộc tình đầu đời của Mộng Cầm với Hàn Mặc Tử.
Trong cảnh u buồn do chứng bịnh nan y, Hàn Mặc Tử hồi tưởng cảnh cũ đầy tang thương. Là nơi kỷ niệm của một mối tình tan vỡ. Kêu trời không thấu: ”Ôi trời ôi!, Trời ôi!”.
Cảnh cũ, người đâu? Chỉ còn lại ánh trăng rơi.
Lầu Ông Hoàng.
Lầu Ông Hoàng là một di tích nằm trên ngọn đồi Bài Nài thuộc phường Phú Hải, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đó vốn là một biệt thự do công tước người Pháp Ferdinand d’Orléans xây năm 1911. Diện tích 536m2, cao 105m, cách tháp Chàm Poshanu 100m. Lầu nằm trên đồi Bài Nài cách Phan Thiết 7km. Có 13 phòng rộng chứa nhiều phương tiện phục vụ đời sống như máy phát điện, hồ chứa nước dùng cho cả năm.
Năm 1917, lầu bán cho ông chủ nhà hàng tên Prasetts, rồi sau đó vua Bảo Đại mua lại làm nơi nghỉ mát. Ngày nay, lầu hoàn toàn đổ nát, chỉ còn cái nền. Bên cạnh đó, còn một lô cốt đứng sừng sững cho du khách vào xem.
Mộng Cầm lấy chồng sau khi Hàn Mặc Tử ngã bịnh
Khi Hàn Mặc Tử ngã bịnh, Mộng Cầm đi lấy chồng. Nhiều người chê trách, nhiều người rộng lòng tha thứ.
Em lấy chồng
Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ
Mộng Cầm trả lời người phỏng vấn:
“Yêu nhau, lứa đôi nào cũng muốn nên chồng nên vợ. Nhưng trong đời, đâu phải ai cũng “muốn là được”.
Về cuộc tình với Hàn Mặc Tử, bà cho biết, có những chi tiết, sách báo lâu nay viết chưa đúng hoặc chưa đủ. Mà thôi, chẳng có hề gì! Chỉ tiếc những kỷ vật của Hàn đều mất sạch vì thời cuộc, dù tôi cố giữ kỹ. Đó là toàn bộ thư từ Hàn đã gửi cho tôi, gồm 41 lá cả thảy. Thư nào anh cũng kèm theo 1 -2 bài thơ. Nhiều bài nay tôi vẫn thuộc lòng. Đó là còn tập thơ Gái quê của Hàn in năm 1936, có chữ anh đề tặng tôi.
Vài nét về Mộng Cầm
Nữ sĩ Mộng Cầm tên thật là Huỳnh Thị Nghệ (17-7-1917 - 23-7-2007) được biết đến là người tình trong thơ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Cũng là một mối tình đẹp và lãng mạn.
Khoảng giữa thế kỷ XX, chuyện tình Hàn Mặc Tử-Mộng Cầm là một đề tài được bàn tán xôn xao trong giới văn nghệ sĩ.
Mộng Cầm quê ở Phan Thiết, nhà bà ở gần Lầu Ông Hoàng, nhưng cha bà làm việc ở Nghệ An. Bà sinh ra đời ở Nghệ An nên có tên là Huỳnh Thị Nghệ. (Nghệ An)
Khoảng năm 1934, Hàn Mặc Tử rời Qui Nhơn vào Sài Gòn làm báo Công Luận, phụ trách trang văn chương “Trong Khuê Phòng”, ông nhận được nhiều bài thơ ký tên Mộng Cầm gởi từ Phan Thiết vào đăng báo.
Hàn Mặc Tử tìm cách làm quen. Thơ từ qua lại, rồi chàng ra Phan Thiết tìm nàng. Đôi trai tài gái sắc yêu nhau. Họ thường gặp nhau ở Qui Nhơn và Phan Thiết. Đưa nhau đi xem những thắng cảnh, nhất Lầu Ông Hoàng.
Đùng một cái, Hàn Mặc Tử phát hiện ra mình bị mắc bịnh cùi. Ông tuyệt giao với bạn bè, kể cả Mộng Cầm. Mộng Cầm cho biết, chuyện tình cảm giữa bà và Hàn Mặc Tử “chỉ là mối tình văn thơ, còn thể xác thì hoàn toàn không có”.
Khi Hàn Mặc Tử ngã bịnh, bà lập gia đình và sống khép kín. Bà có 2 đời chồng và 7 người con.
Mộng Cầm qua đời ngày 23-7-2007, hưởng thọ 90 tuổi.
6. “Giải mã” bí mật cuộc tình Hàn Mặc Tử với Hoàng Cúc
6.1. Vài nét về Hoàng Thị Kim Cúc
Bà Hoàng Cúc và thôn Vĩ Dạ
Hoàng thị Kim Cúc sinh ngày 5-12-1913, thân phụ là ông Hoàng Phùng, đỗ Tú tài Hán học và Tây học (Việt ngữ). Làm Giám đốc Sở Địa Chánh Quy Nhơn. Thân mẫu là bà Tôn Nữ Thị Khuê, ở thôn Vĩ Dạ, thành phố Huế. Học hết trung học ở trường Đồng Khánh, Huế, từ năm 1938 làm giám thị và năm 1971, làm giáo sư dạy môn Nữ công Gia chánh ở trường nầy. Bà là tác giả quyển sách “Món ăn nấu theo lối Huế”.
Năm 1948, lúc 35 tuổi, bà Hoàng Thị Kim Cúc chính thức gia nhập gia đình Phật tử, pháp danh là Tâm Chánh. Bà hiến cả cuộc đời phục vụ việc huấn luyện tầng lớp thanh niên Phật Tử, nữ huynh trưởng gia đình thanh thiếu niên Phật tử Việt Nam.
Bà mở nhiều lớp huấn luyện thanh thiếu niên Phật Tử ở các nơi. Sinh hoạt trong 45 tỉnh thành từ miền Trung vào Nam.
Ở Sài Gòn, lúc 11 giờ ngày 11-8-1988 bà bị tai nạn giao thông, được đưa vào bịnh viện Chợ Rẫy. Sau khi giải phẩu sọ não, bà nằm bất động ở Chợ Rẫy 45 ngày. Các Phật tử thay phiên nhau chăm sóc cho bà. Khi bịnh tình khá hơn, bà được đưa về Huế.
Vào lúc 12 giờ ngày 3-2-1989, bà trúc hơi thở cuối cùng. Thọ 76 tuổi.
Đám tang của bà được xem là một trong những đám tang lớn nhất ở Huế.
6.2. Mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với Hoàng Cúc
Cha của Hoàng Cúc là Hoàng Phùng, Giám đốc Sở Địa Chánh, Quy Nhơn. Hàn Mặc Tử và Hoàng Tùng Ngâm làm việc chung với nhau ở Phòng Địa Chánh, trực thuộc Sở Địa Chánh. Hoàng Tùng Ngâm là em bà con chú bác của Hoàng Cúc, và cùng ở chung một nhà với nhau.
Có một thời gian, nhà của Hoàng Cúc chỉ cách nhà của HMT chừng 4, 5 căn, ở đường Khải Định, Quy Nhơn.
Năm 1936, trước khi xuất bản tập thơ Gái Quê, HMT ngỏ ý với Hoàng Tùng Ngâm (HTN) rằng sẽ cho in lời “Đề tặng Hoàng Cúc” ở trang đầu của tập thơ. Ngâm thuật lại ý định đó nhưng Hoàng Cúc không bằng lòng.
Để làm rõ sự thật, Hoàng Cúc có hai bức thơ gởi cho Quách Tấn, bạn thân của HMT. Thơ đề ngày 13-3-1971: “Hồi đó, Tử thường đến nhà chơi với người em chú bác của tôi là Hoàng Tùng Ngâm, câu chuyện tâm tình của Tử, ngoài Ngâm ra, không ai biết cả. Ngâm có nhiều bạn bè, nhưng gia đình không có để ý đến các bạn của Ngâm, trong đó có Tử”.
Thơ đề ngày 15-4-1971, “...Hồi ấy tuy nhà Tử ở gần nhà tôi, nhưng Tử và tôi cách xa nhau như hai ngọn núi, Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng! Tuy thế Tử cũng đã tìm cách để gặp, nhưng rồi cũng chưa toại nguyện”.
Năm 1936 cũng là thời gian Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm yêu đương tha thiết. Tóm lại, tình yêu của nhà thơ đa tình nầy là tình yêu đơn phương.
Trên thực tế, lúc đó Nguyễn Trọng Trí chỉ là một thơ ký quèn. Thơ ký công nhật, chưa được vào chánh ngạch, và là nhà thơ chưa nổi tiếng. Xã hội Việt Nam xem các nhà thơ, nhà văn và cả nhà báo đều nghèo mạt rệp. Không phải là đối tượng để phụ nữ ngắm tới chọn làm nơi nương tựa.
6.3. Tâm sự của Hoàng Thị Kim Cúc
Thơ đề ngày 11-3-1988, Hoàng Thị Kim Cúc gởi cho người anh cả là Hoàng Toại, sống ở Hoa Kỳ, nói về Hàn Mặc Tử. “Vụ việc nầy chưa kể cho ai nghe hết, tuy nhiên, qua sách báo, nhiều người tìm tòi, moi móc, phỏng đoán, tưởng tượng sai sự thật”.
“Hồi ở Quy Nhơn với ba, Hàn Mặc Tử có để ý đến em, nhờ Ngâm hỏi ý kiến em, nhưng Ngâm không hỏi.
Hàn Mặc Tử tìm cách gặp em để bày tỏ nỗi niềm. Em thấy trước là câu chuyện không đi đến đâu cả, nên từ chối. Sự việc chỉ có chừng ấy thôi, nên em yên chí là không có liên quan gì với nhau nữa. Không dè thi sĩ cứ thầm yêu trộm nhớ, làm thơ rồi nhờ bạn bè tặng sách cho em. Em vẫn im lặng, không trả lời trả vốn gì cả.
Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, thì Ngâm mới kể rành mạch nổi lòng của HMT đối với em.
Em hết sức cảm kích. Ngậm ngùi”.
Bài thơ thôn Vĩ Dạ - Tác giả Hàn Mặc Tử
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Hàn Mặc Tử sáng tác bài thơ nầy vào năm 1938, được in trong tập thơ mang tên Thơ Điên.
Hiện nay nhiều người cho rằng bài thơ nầy là “một kiệt tác của Hàn Mặc Tử và cũng là một trong những thi phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam hiện đại”
Hoàn cảnh ra đời của bài thơ
Hàn Mặc Tử một lòng, một dạ yêu thương Hoàng Cúc. Nhà thơ trẻ nầy đã tìm mọi cách để chinh phục trái tim của người đẹp gốc ở thôn Vĩ Dạ (Huế). Tình yêu bắn tiếng cho đi mà không nhận được lời đáp trả. Đơn phương. Một chiều. Buồn thảm.
Khi Hàn Mặc Tử ngã bịnh, Hoàng Tùng Ngâm, vừa là bạn đồng nghiệp của Hàn, vừa là em chú bác của Hoàng Cúc, Ngâm đề nghị Hoàng Cúc viết vài lời thăm hỏi. Hoàng Cúc mua một tấm bưu thiếp (Postcard) hình phong cảnh đẹp của xứ Thần Kinh (Huế). Có cảnh sông nước có thuyền và bến.
Phía sau ghi những lời thăm hỏi và an ủi nhà thơ đang bị bịnh hiểm nghèo đày đọa.
Không đề ngày, không ký tên, nhờ Ngâm trao lại cho Hàn.
Nhận được bưu thiếp về phong cảnh đẹp của Huế, bao gồm thôn Vĩ Dạ,
Hàn Mặc Tử rất vui mừng và làm ngay bài thơ “Ở Đây Thôn Vĩ Dạ” gởi ra Huế cho Hoàng Cúc. Bài thơ nầy được xem là một trong những bài thơ hay nhất của HMT. Hà Nội đã đưa bài thơ vào chương trình Việt văn lớp 11 trung học.
Đó là hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Câu hỏi nầy bắt đầu cho một giải thích, một lý do. Đó là vì thôn Vĩ rất đẹp. Thật sự, Vĩ Dạ là một trong trong những cảnh đẹp của đất Thần Kinh, cố đô Huế. Thôn Vĩ nằm bên bờ sông Hương, vốn đã được nhiều du khách thưởng ngoạn. Sông Hương, núi Ngự Bình, cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, và các lăng mộ cổ kính của hoàng tộc Nhà Nguyễn, là những nơi đón chào rất nhiều du khách đến ngoạn cảnh.
Vĩ Dạ rất đẹp. Cho dù nó không đẹp đi nữa, mà là quê hương của người đẹp, người tình, thì nó vẫn được ghi nhớ, quan tâm.
Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh
Hai câu thơ:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
Trong bầu khí quyển của quả địa cầu, gió và mây là hai thực thể tồn tại trong sự hòa hợp với nhau, không thể tách ra được. Trong bài thơ, gió và mây đường ai nấy đi, chỉ sự tan rả, đổ vỡ, chia xa làm thất vọng con tim rướm máu của tình yêu đơn phương.
Dòng sông Hương, được nhân cách hóa, thông cảm cái buồn của nhà thơ nên dòng nước cũng buồn thiu. “Người buồn, cảnh có vui bao giờ”
“Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
“Thuyền ai” đang cắm sào, thả neo đậu ở bến Sông Trăng, liệu có thể chở trăng về kịp tối nay? Một câu hỏi đầy thất vọng. Vì bến sông đó không phải là bến sông nầy, nghĩa là còn cách xa. Cho dù có nhổ neo, vững tay lái, mạnh tay chèo cũng chưa chắc gì trở về cây đa bến cũ con đò xưa, đúng vào thời điểm quan trọng nhất là “tối nay” . “Tối nay” là thời điểm mà lưỡi hái của tử thần đang chờ ở Quy Hòa để đưa linh hồn nhà thơ sang bên kia thế giới.
Hai câu
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Nhà thơ đã dùng điệp ngữ, nhắc đi nhắc lại 2 chữ “ai”. Một chữ “ai” ám chỉ Hoàng Cúc, một chữ “ai” ám chỉ tác giả bài thơ.
Điệp ngữ “ai” nhắc nhớ lại 2 câu đối nổi danh lịch sử của Ngô Thời Nhậm và Đặng Trần Thường.
“Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”
Ngô Thời Nhậm là một quan chức thời Tây Sơn. Một hôm, Đặng Trần Thường đến xin tiến cử vào làm quan. Thấy thái độ khúm núm làm mất phong độ kẻ sĩ của Đặng Trần Thường, Ngô Thời Nhậm nói “Ở đây cần người có tài, có tư cách để giúp nước, chớ không cần người làm mất sĩ khí của nhà Nho”. Rồi đuổi đi.
Đặng Trần Thường vào Nam theo chúa Nguyễn. Nhà Tây Sơn bị đánh bại, các quan chức bị đem ra đánh trước Văn Miếu. Người chỉ huy cuộc hình phạt là Đặng Trần Thường. Nhớ lại thù xưa, họ Đặng hách dịch ra câu đốí:
“Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai."
Ngô Thời Nhậm đáp lại:
“Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”
Đặng Trần Thường cho người tẩm thuốc độc vào cây gậy, khiến cho Ngô Thời Nhậm bị trúng độc mà chết.
Tóm lại, nghệ thuật diễn đạt ý thơ của Hàn Mặc Tử rất điêu luyện. Nhà thơ đã dùng mỹ từ pháp như nhân cách hóa, điệp ngữ, so sánh làm sống động thu hút người đọc. Thơ có hồn, gây ấn tượng.
Mối tình Mai Đình với Hàn Mặc Tử
Vài nét về Mai Đình
Mai Đình tức Lê Thị Mai và Hàn Mặc Tử
Mai Đình tên thật là Lê Thị Mai, sinh năm 1917 tại Thanh Hóa, thuộc gia đình quan lại. Bà có học, viết chữ quốc ngữ rất thông thạo. Nói tiếng Pháp nghe được. Bà thích làm thơ, đã có 22 bài, nhiều bài đăng báo.
Một chuyện bất ngờ làm thay đổi cuộc sống. Một ông bạn đồng nghiệp với cha bà, từ lâu đã để ý đến bà, ông ngỏ lời cầu hôn. Cha mẹ bà ưng thuận, nhưng bà phản đối “Không yêu lấy nhau sao được”.
Cha mẹ ép gả. Ngày gia đình chuẩn bị tổ chức lễ vu quy, bà lặng lẽ xách vali trốn nhà ra đi. Rời Thanh Hóa, bà trôi dạt về phía nam. Huế, Đà Nẵng, Kontum, Gia Lai, Nha Trang, Phan Thiết rồi dừng chân ở Sài Gòn.
Bà mưu sinh bằng việc dạy nữ công gia chánh cho con cái các gia đình khá giả. Ngoài việc dạy học, bà mua bán vàng bạc, đá quý, kim cương. Nhờ con đường kinh doanh nầy, bà có dịp đến Phnom Penh, Campuchia.
Về việc gia đình, bà Mai Đình cũng giống như bà Mộng Cầm, có hai đời chồng. Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, bà kết hôn với ông Lưu Đức Hùng, một người Việt gốc Hoa, là tay vợt đoạt giải vô địch bóng bàn Đông Dương. Ông chồng họ Lưu mất năm 1977, sau đó bà sống chung với ông Phan Liên, gốc Huế. Ông tập kết ra Bắc và sau cùng cả hai cùng làm cán bộ Ngân hàng Nhà nước ở Hà Nội.
Trong phòng riêng, bà lập hương án thờ Hàn Mặc Tử. Bà tâm sự: “Hàn mất, thấm thoát hơn nửa thế kỷ, vậy mà lúc nào tôi cũng tưởng anh còn sống”.
Mối tình Mai Đình với Hàn Mặc Tử
Bà Lê Thị Mai rất mê thơ, bà có 22 bài thơ với bút danh là Mai Đình.Trong khi Hàn Mặc Tử phụ trách trang thơ, ông đã đăng nhiều bài thơ của Mai Đình.
Năm 1937, trên đường đi Phan Thiết để thăm cha bà đang làm việc tại Tòa Sứ ở đó. Trên xe, các hành khách có bàn về Hàn Mặc Tử đang ở Quy Nhơn. Bà quyết định đến thăm Hàn. Bà nhờ người bạn hướng dẫn đến thăm thi sĩ, nhà ở số 20 đường Khải Định. Người bạn khuyên bà không nên đến đó vì Hàn là người cùi. Bà quyết định đi một mình. Người tiếp bà là em út của Hàn tên Nguyễn Bá Hiếu. Hàn Mặc Tử nằm trong buồng kín. Qua Hiếu, HMT nhắn rằng anh rất cảm kích việc có lòng viếng thăm, nhưng rất tiếc vì bịnh nên không tiếp được. Nhà thơ tặng cho bà tập thơ Gái Quê có lời đề tặng.
Không lâu sau đó, HMT gởi tặng bài thơ Lưu Luyến:
Chưa gặp nhau mà đã biệt ly
Hồn anh theo dõi bóng em đi
Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
Lưu luyến bên em chẳng nói gì…
Bà Mai Đình cho biết: “Kể từ đó tôi với anh thường xuyên liên lạc thơ từ gắn bó như một cặp tình nhân”.
Khi Hàn Mặc Tử “lánh nạn” ở Gò Bồi, tôi xin phép bà cụ Duy, mẹ của Hàn, đến thăm anh. Một chú bé dẫn đường, trước mắt tôi là một túp lều tranh, xơ xác, xiêu vẹo. Vén tấm màn che cửa, trước mặt tôi là một người đàn ông ốm yếu, tàn tạ, da mặt sần sùi, chỉ còn đôi mắt làm tôi sửng sốt, sáng như hai ngôi sao, đằm thắm, thông minh, và có sức cám dỗ kỳ lạ. Đôi mắt thoát ra ánh sáng huyền diệu khiến tôi cảm thấy thương yêu anh vô cùng. Tôi nói: “Em là Mai Hạnh đến thăm anh đây”.
Chúng tôi tâm sự với nhau. Càng chuyện trò, càng thấy tâm đầu ý hợp. Từ đó, mỗi khi thu xếp được công việc, thì tôi từ Sài Gòn ra thăm anh.
Có thể nói chúng tôi yêu nhau say đắm, nhưng đó là mối tình hoàn toàn trong sạch. Trọng nhau về tài, cảm phục nhau về thơ, thậm chí cầm tay nhau cũng hoàn toàn không có.
Hôm đó, chia tay nhau là lần cuối cùng. Ngày 11-11-1940 anh qua đời.
Người tình thơ Thương Thương là ai?
Đến những ngày cuối đời, Trần Thanh Địch, vì thương bạn nên nghĩ ra một kế, mượn cái tên Thương Thương viết thơ cho Hàn Mặc Tử. Thanh Địch viết giấy nháp rồi nhờ nét bút của một nữ sinh viết lại, rồi gởi cho Tử. Thỉnh thoảng HMT nhận được thơ của Thương Thương. Đó là một cảm hứng để cho thi sĩ hoàn thành những bài thơ cuối đời trong vở kịch thơ Cầm Châu Duyên và Quần Tiên Hội.
Theo người bạn Quách Tấn, thì HMT mường tượng Thương Thương là một nàng tiên đẹp thánh thiện, không gợn một chút mảy may trần thế. Đó là vẻ đẹp tinh khiết, hoàn mỹ, chỉ có thể cảm nhận chớ không thể nắm bắt được nó.
10. Thơ Điên của Hàn Mặc Tử
Nói đến thơ Hàn Mặc Tử mà không nhắc đến Thơ Điên là một thiếu sót.
Trong thi ca hiện đại, có rất ít người cất lên những lời đau thương, rên siết, ai oán như Hàn Mặc Tử cả.
Hàn Mặc Tử có nhiều tập thơ, nhưng nổi tiếng nhất là tập Thơ Điên (1938). Về sau, tái bản đổi thành “Đau Thương”.
“Máu đã khô rồi, thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió, trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ”
Khi bị cơn bịnh nan y hành hạ, Hàn Mặc Tử đã tạo ra một thế giới nghệ thuật điên loạn. Lời thơ ẩn chứa cái chết, máu, nổi tuyệt vọng của một thanh niên bị bịnh nan y quái ác.
Biển hồn ta
Máu tim ta tuôn ra làm bể cả
Mà sóng lòng rồn rập như mây trôi
Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ
Dâng cao lên, cao tột tới trên trời.
Ôi ta đã mửa ra từng búng huyết
Khi say sưa với lượn sóng triền miên
Khi nhận lấy trong thâm tâm cay nghiệt
Giọng hờn đau trăm vạn nỗi niềm riêng.
Rướm máu
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si
Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.
(Những giọt lệ)
Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt, bời bời ruột gan
Thơ điên của Hàn Mặc Tử là những tiếng rên rỉ, đau thương, tuyệt vọng trước cái chết của một nhà thơ tài hoa chưa đầy 30 tuổi. Quá tuyệt vọng vì bịnh nan y không có thuốc chữa. Đau khổ vì cuộc đời chấm dứt quá sớm. Thơ điên của Hàn Mặc Tử là những vần thơ của một người tỉnh táo nhất, biết sử dụng từ ngữ chính xác, biết dùng những câu chữ có vần, có điệu của thể thơ để diễn đạt tâm trạng của mình. Người điên thật sự không biết làm thơ.
Vinh danh Hàn Mặc Tử
1). Đặt tên đường
Nhiều nơi ở Việt Nam dùng tên Hàn Mặc Tử đặt tên những con đường như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Huế, Nghệ An, Phan Thiết, Quảng Bình, Thanh Hóa, Thành phố HCM.
Trong văn học hiện đại, Hàn Mặc Tử là một tác giả được tôn sùng và hâm mộ. Năm 1942, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nêu nhận xét: “Từ ngày Hàn Mặc Tử từ trần đến nay mới hai năm mà người ta đã nói rất nhiều và viết rất nhiều về Hàn Mặc Tử”.
Hàng ngàn cuốn sách và bài báo trong lẫn ngoài nước đã đề cập đến tài năng mạng yểu nầy.
Các tác phẩm của Hàn Mặc Tử không những được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường học, mà còn được liên tục ấn hành và bán rất chạy.
2). Tác phẩm của Hàn Mặc Tử trong tân nhạc, kịch, và cải lương
a. Hàn Mặc Tử trong tân nhạc
Năm 1967, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh kể lại cuộc đời của nhà thơ tài hoa bạc phận Hàn Mặc Tử, có những lời như sau:
“Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò….
“Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa
Lầu ông Hoàng đó thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng
Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm buồn…”
(Google search. Hàn Mặc Tử (Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh ca sĩ Mai Thiên Vân PPS)
Đây thôn Vĩ Dạ được Phan Huỳnh Điểu và Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc. Đà Lạt trăng mờ và Tình Quê được Phạm Duy phổ nhạc. Ngoài ra còn có các nhạc sĩ Võ Tá Hân, Khúc Dương, Phan Mạnh Quỳnh phổ nhạc.
b. Hàn Mặc Tử trong cải lương
Soạn giả Viễn Châu và Thể Hà Vân đã soạn tuồng cải lương “Chuyện tình Hàn Mặc Tử”, do đoàn Dạ Lý Hương trình diễn năm 1970.
Tuồng nầy được thâu Audio và diễn nhiều lần trên sân khấu, các đài truyền hình, truyền thanh…Vở tuồng có ác vai Hàn Mặc Tử, Mộng Cầm, Mai Đình.
Trong tuồng nầy soạn giả khai thác hơi quá đáng. Để gây ấn tượng trong khán giả cải lương, soạn giả kịch tính hóa, cường điệu hóa trong trong lời nói của cha mẹ nhà gái. Ông bà đã lột hết tài nghệ phơi bày rõ rệt tâm địa của con người chỉ biết tiền, ham danh vọng, khinh miệt người, hống hách, chê bai Hàn Mặc Tử chỉ là một công chức quèn, không môn đăng hộ đối, và cho kỳ hẹn 3 năm sau, nếu công thành danh toại, xứng đáng thì ông sẽ gả Hoàng Cúc cho… Như vậy, vì động chạm sai lạc đến thầy mẹ tôi và Tử nên tôi mới lên tiếng, chứ không phải vì tôi!”.
c. Phim truyền hình
Năm 2004, Hãng phim truyền hình TP/HCM đã thực hiện bộ phim Hàn Mặc Tử để kỷ niệm ông.
d. Dịch ra tiếng nước ngoài.
Năm 2001, nhà xuất bản Arfuyen đã xuất bản tuyển tập thơ của Hàn Mặc Tử sang tiếng Pháp, lấy tên Le Hameau des roseaux (Thôn Vĩ Dạ) do Hélène Péras và Vũ Thị Bích dịch.
Kết luận
Hàn Mặc Tử là một nhà thơ tài hoa, đa tình, nổi bật nhất trong phong trào thơ mới trong văn học Việt Nam. Nhà thơ có nhiều mối tình nhưng vì căn bịnh nan y nên vừa đau khổ về thể xác, vừa đau lòng thất vọng trên đường tình. Tất cả những bất hạnh đó được gói ghém trong tập Thơ Điên
Hàn Mặc Tử được vinh danh trong văn học và trong xã hội Việt Nam.
Trúc Giang MN
Minnesota ngày 25-10-2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét