Thứ Hai, 6 tháng 6, 2022

Hành Lộ Nan Kỳ Nhất 行路難其一 - Lý Bạch


Những nẻo đường mà Lý Bạch tưởng rằng khó đi thực ra chỉ vì không biết lựa chọn. Đã không biết lựa chọn mà tính tình lại cao ngạo thì khó đi là đúng rồi. Ông xếp chúng vào 3 nhóm (3 kỳ)
- Kỳ nhất gồm những nẻo đường dốc ngược, quá sức leo trèo của ông như lội qua Hoàng Hà, leo lên núi Thái, bơi thuyền tới mặt trời…Hành Lộ Nan Kỳ Nhất.
- Kỳ nhị gồm những nẻo đường đi tới công danh sáng lạn và nguy hiểm mà ông không có gan theo như đường đi của Hàn Tín, Giả Nghị, Quách Ngỗi… Hành Lộ Nan Kỳ Nhị
- Kỳ ba thuộc những nẻo đường mà Lý Tư, Khuất Nguyên… đã bỏ mình thì ông chê. Hành Lộ Nan Kỳ Tam.
Rốt cục, ông đành chịu thất nghiệp, quanh năm rong chơi, ve gái và uống rượu rồi than rằng “đường đầy ma quái khó đi”.
Mời thưởng thức Hành Lộ Nan kỳ nhất:

Nguyên tác Dịch âm

行路難其一 Hành Lộ Nan Kỳ Nhất

金樽清酒斗十千 Kim tôn thanh tửu đẩu thập thiên,
玉盤珍饈值萬錢 Ngọc bàn trân tu trị vạn tiền.
停杯投箸不能食 Đình bôi đầu trợ bất năng thực,
拔劍四顧心茫然 Bạt kiếm tứ cố tâm mang nhiên.
欲度黃河冰塞川 Dục độ Hoàng Hà băng tắc xuyên,
將登太行雪暗天 Tương đăng Thái Hàng tuyết ám thiên.
閒來垂釣坐溪上 Nhàn lai thùy điếu tọa khê thượng,
忽復乘舟夢日邊 Hốt phục thừa chu mộng nhật biên.
行路難行路難 Hành lộ nan! Hành lộ nan!
多岐路今安在 Đa kỳ lộ kim an tại?
長風破浪會有時 Trường phong phá lãng hội hữu thì,
直掛雲帆濟滄海 Trực quải vân phàm tế thương hải.

Chú giải:

Trân tu: món ăn ngon.
Thái hàng: tên núi suốt giải đất Hà nam Hà bắc và Sơn tây.
Kỳ lộ: con đường bên.
Trường phong phá lăng: gió lớn sóng to.
Tồn: chén uống rượu.
Đấu: cái đấu, chén vại.
Đầu: ném, đến (đầu hàng), hợp (tình đầu ý hợp).
Trợ: đũa ăn cơm.
Cố: quay đầu lại để nhìn.
Mang nhiên: hoang mang.
Xuyên: sông.
Tương: toan.
Thùy: bờ nước.
Điếu: câu cá.
Hốt phục: hốt nhiên lại…
Chu: cái thuyền.
Kỳ: lối rẽ.
Phá: phá vỡ. Phá lãng: rẽ sóng.
Hội: họp, gặp
Quải: treo.
Quải phàm: treo buồm.
Tế: qua sông, bến đò.

Dịch thơ

Đường Đi Khó Kỳ Nhất

Chén ngọc rượu ngon giá vạn muôn
Mâm vàng mỹ vị đáng trăm ngàn
Ném đũa, buông ly không nuốt được
Tuốt kiếm nhìn quanh lòng hoang mang
Muốn vượt Hoàng Hà băng lấp lối
Toan leo núi Thái tuyết mù trời
Lúc nhàn câu cá bên khe suối
Lại mộng thuyền bơi tới mặt trời
Đường đi khó! Đường đi khó!
Nhiều lối rẽ nay đâu rồi!
Gặp thời xuôi gió thuyền đạp sóng
Dong thẳng buồm mây vượt biển khơi

Lời bàn

Kỳ nhất có 12 câu giản dị, không điển tích (hoặc chỉ dựa vào một vài điển tich). Lời thơ khiêm nhượng (điểm này làm cho bài thơ ít tính cao ngạo cố hữu của họ Lý), nói tới sự yếu kém của mình trong qúa khứ và những ao ước viển vông của mình lúc hiện tai.
- 4 câu đầu tả nỗi buồn sâu đậm của một kẻ thất bại.
- Hai câu 5 & 6 kể những khó khăn khiến mình thất bại.
- Hai câu 7 & 8 tự trách mình bây giờ chỉ mơ ước viển vông như học đòi theo Lã Vọng hoặc Vũ Đinh…
- Hai câu 9 & 10 thú nhận rằng mình yếu kém; đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong qúa khứ, tới nay thì đã quá trễ.
- Hai câu kết (câu 11 & 12): Vuốt nhẹ lòng tự ái của mình, nói rằng nếu gặp thời thì sẽ tung hoành chẳng thua ai.

 Con Cò
***
Các Bài Dịch Khác:

Đường Gian Nan Kỳ 1

1/
Bình vàng, rượu quý đấu mười ngàn
Mâm ngọc, thức ngon, giá vạn quan
Ngừng ly, quăng đũa, nuốt không được
Rút gươm, quay cổ dạ hoang mang

Muốn qua Hoàng Hà, sông đóng băng
Tính lên Thái Hàng, trời tuyết giăng
Lúc rảnh thả cần bên khe nước
Bỗng mộng thuyền trôi mé nắng vàng
Đường gian nan! Đường gian nan
Nhiều lối quanh? giờ đâu biết?
Gió dài phá sóng cũng đôi khi
Kéo thẳng buồm giương ra biển biếc!

2/
Mười ngàn đấu, bình vàng rượu ngọt
Giá vạn tiền, mâm ngọc, thức ngon
Ngừng ly, ném đũa, ngưng ăn
Rút gươm, quay cổ, tần ngần hoang mang

Sông đóng băng làm sao qua được
Tuyết đầy trời khó vượt Thái Hằng
Rảnh rang khe nước buông cần
Bỗng mơ mộng thấy nắng vàng thuyền trôi

Đường gian nan, bên trời lạc lối
Lắm lộ ngang, ngóng đợi nơi đâu?
Đôi khi phá sóng gió lâu
Buồm giương kéo thẳng biển sâu xanh rờn!

Lộc Bắc
***
Đường Đi Khó

Ly vàng quý, rượu trong vạn cốc,
Món ăn ngon, mâm ngọc muôn tiền.
Khó trôi, chén đũa quăng liền,
Rút gươm ngoái cổ ưu phiền băn khăn.
Hoàng hà vượt sông băng lối tắc,
Thái Hàng leo trời đặc tuyết che.
Lúc nhàn câu cá trên khê,
Thuyền mơ bỗng thấy nằm kề Thái dương.
Đường đi khó, ôi đường đi khó,
Lối rẽ nhiều, không có giờ đây.
Gió to sóng lớn có ngày,
Biển xanh dương thẳng buồm mây vượt bờ.

Mỹ Ngọc 
May 2/2022.
***
Trôi Theo Dòng Đời

Mâm cỗ đầy sơn hào hải vị
Chén bồ đào bình quý rượu trong
Dừng tay buông đũa chạnh lòng
Nhìn lên núi tuyết mênh mông đất trời
Nước đóng băng sông ngòi nghẽn lối
Thả cần câu bó gối tìm phương
Mộng thuyền dong nẻo thái dương
Lênh đênh cửa biển dặm trường mù khơi
Rẽ về đâu phận đời trôi nổi
Một ngày nao gặp hội phong vân
Cánh buồm nương sóng biển xanh

Yên Nhiên
***
Nguyên Tác: Phiên Âm:

行路難其一-李白 Hành Lộ Nan Kỳ 1 - Lý Bạch

金樽清酒斗十千 Kim tôn thanh tửu đấu thập thiên
玉盤珍羞值萬錢 Ngọc bàn trân tu trị vạn tiền
停杯投箸不能食 Đình bôi đầu trợ bất năng thực
拔劍四顧心茫然 Bạt kiếm tứ cố tâm mang nhiên
欲渡黃河冰塞川 Dục độ Hoàng Hà băng tắc xuyên
將登太行雪暗天* Tương đăng Thái Hành tuyết ám thiên
閑來垂釣坐溪上** Nhàn lai thùy điếu tọa khê thượng
忽復乘舟夢日邊 Hốt phục thừa chu mộng nhật biên
行路難行路難 Hành lộ nan hành lộ nan
多歧路今安在 Đa kỳ lộ kim an tại
長風破浪會有時 Trường phong phá lãng hội hữu thì
直挂雲帆濟滄海 Trực quải vân phàm tế Thương Hải.

Dị bản: * mãn sơn 滿山 thay vì ám thiên 暗天

** bích碧 thay vì tọa坐

Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp Quyển 162 御定全唐詩-清-聖祖玄燁 xài dị bản làm chánh bản như bên dưới:


Văn bản bên trên được mộc bản trong các sách thời Đường, Tống, Minh:
Lý Thái Bạch Tập Chú - Đường - Lý Bạch 李太白集注-唐-李白
Lý Thái Bạch Văn Tập - Đường - Lý Bạch 李太白文集-唐-李白
Lý Thái Bạch Tập Phân Loại Bổ Chú - Đường - Lý Bạch 李太白集分類補註-唐-李白
Hà Nhạc Anh Linh Tập - Đường - Ân Phan 河嶽英靈集-唐-殷璠
Đường Văn Túy - Tống - Diêu Huyễn 唐文粹-宋-姚鉉
Nhạc Phủ Thi Tập - Tống - Quách Mậu Thiến 樂府詩集-宋-郭茂倩
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
/Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp Quyển 25 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Ghi Chú:

Hành lộ nan: đường đi khó khăn, tựa của một tạp khúc ca từ trong nhạc phủ, ở đây ẩn dụ cho quan lộ, con đường phú quý công danh qua địa vị chính trị

Đấu thập thiên: giá mười ngàn một đấu, ý nói giá mắc
Mang nhiên: rộng lớn mênh mông, mờ mịt không biết gì, hoang mang lòng
Thái Hành: dải núi giữa Sơn Tây và Cao nguyên Hoàng Thổ chạy dài từ Hà Bắc đến Hà Nam
Mộng nhật: mơ ban ngày, mê tín cho là điềm tốt
Đa kỳ lộ: đường có nhiều lối rẽ
Trường phong phá lãng: gió từ xa đánh tan sóng lớn, chỉ người có chí lớn
Vân phàm: trời nước liền nhau nên buồm như đi trong mây
Thương Hải: đặc biệt chỉ Biển Đông

Dịch nghĩa:

Hành Lộ Nan Kỳ 1 Đường Đi Khó Khăn Kỳ 1

Kim tôn thanh tửu đấu thập thiên Rượu thơm ngon trong bình vàng trị giá mười ngàn một đấu,
Ngọc bàn trân tu trị vạn tiền Món ăn ngon bày trên đĩa ngọc đáng vạn đồng.
Đình bôi đầu trợ bất năng thực Nhưng ta buông chén bỏ đũa vì ăn không được,
Bạt kiếm tứ cố tâm mang nhiên Rút gươm nhìn quanh bốn phía trong lòng hoang mang không biết làm gì.
Dục độ Hoàng Hà băng tắc xuyên Muốn vượt Hoàng Hà nhưng băng ngăn chận nghẽn dòng nước,
Tương đăng Thái Hàng tuyết ám thiên Sắp leo núi Thái Hành thì tuyết rơi mù mịt đất trời.
Nhàn lai thùy điếu tọa khê thượng Nhàn rỗi ta ngồi trên khe suối thả câu như Lữ Thượng,
Hốt phục thừa chu mộng nhật biên Bỗng nhiên mơ thấy thuyền hướng về phía mặt trời như Y Doãn.
Hành lộ nan hành lộ nan Đường đi khó khăn, khó khăn quá!
Đa kỳ lộ kim an tại Có nhiều lối rẽ ta phải theo lối nào (đang ở đâu)?
Trường phong phá lãng hội hữu thì Cũng sẽ có lúc gió xa đập tan sóng lớn (cơ hội cho người có hoài bão)
Trực quải vân phàm tế Thương Hải. Bấy giờ ta giương buồm thẳng ra khơi vượt Biển Đông.

Bình luận:

Năm Thiên Bảo nguyên niên (năm 742), Lý Bạch phụng chiếu vào kinh làm việc trong Viện Hàn Lâm. Lý Bạch muốn có sự nghiệp lớn như Quản Trọng, Trương Lương, Gia Cát Lượng… nhưng sau có xích mích với bọn quyền thần bị dèm xiểm nên không được Đường Huyền Tông trọng dụng. Năm 744, ông thấy quan lộ chông gai nên rời Trường An. Lòng tràn đầy phẫn nộ, ông viết 3 bài Hành Lộ Nan nói lên hoài bão và khó khăn, nhưng vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó ước vọng của mình sẽ được thực hiện, thể hiện sự lạc quan và hào phóng của ông về tương lai của cuộc sống.

Bài Hành Lộ Nan Kỳ 1 có thể chia làm 3 phần, mỗi phần gồm 4 câu. Bốn câu đầu nói lên nỗi niềm u uất vì không có đường tiến thân. Nhiều nơi cho câu 1 và 2 là tiệc tùng do bạn thân tiễn đưa họ Lý rời Trường An. Tuy nhiên mấy ai làm tiệc tiễn đưa người bị thất sủng, gần như bị trục xuất khỏi Trường An? Có thể đó chỉ là hồi tưởng của ông về thời hoàng kim lúc còn được trọng đãi. Câu 3 và 4 cho thấy ông đã chán tình đời, không uống (thanh tửu) chán ăn (trân tu). Bốn động từ: đình停=dừng lại, đầu投=ném bỏ, bạt拔= tuốt và cố顧=trông lại trong câu 3 và 4, 4 hành động khác nhau liên tục diễn tả nội tâm đau khổ, trầm cảm và tình cảm giao động của thi nhân.

Câu 5 và 6 ẩn dụ khó khăn khắp mọi việc, mọi nơi dù muốn vượt sông hay leo núi
Trong câu 7, thùy điếu bích khê nhắc đến điển cố Lã Vọng đời Chu, 80 tuổi vẫn ngồi câu cá 10 năm ở sông Vị chờ gặp vua hiền. Sử ký Tề thái công thế gia ghi lại, Khương Thượng, tự Tử Nha câu cá bên bờ sông Vị Thủy, sau đó gặp Tây Bá Cơ Xương (sau là Chu Văn Vương) mà được trọng dụng, giúp Chu Văn Vương diệt Trụ Vương nhà Thương. Câu 8, thừa chu mộng nhật biên nói Y Doãn từng mơ thấy mình đi thuyền qua bên cạnh mặt trời và mặt trăng, sau đó được Thương Thang dùng và giúp nhà Thương diệt nhà Hạ. Hướng về mặt trời, hướng về kinh đô nơi vua ở, nơi có danh vọng cao sang. Hai câu 7 v à 8, cho thấy Lý Bạch vẫn mong đợi vua trọng dụng và phục hồi chức vụ.

Nhớ lại chuyện xưa để tự an ủi, tự trấn an, nhưng thực tế vẫn khó khăn phức tạp. Nên lựa chọn con đường nào? Câu 11 trường phong phá lãng: ẩn dụ để đạt được lý tưởng chính trị. Theo "Tống Thư Tông Hàng truyện": Khi Tông Hàng còn là thiếu niên, thúc phụ Tông Bành hỏi chí hướng của mình, ông nói: "Nguyện thừa trường phong phá vạn lý lãng”. Câu 12 cho thấy Lý rất lạc quan là sẽ còn gặp thời cơ thuận lợi để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Dịch Thơ:

Ðường Ði Khó Khăn

Rượu thơm bình quý đáng mười ngàn
Món ngon đĩa ngọc giá muôn vàng
Chén đũa buông rơi nhai khó nuốt
Tuốt kiếm tứ bề dạ ngổn ngang
Muốn vượt Hoàng Hà băng ngăn chặn
Toan leo Thái Hành tuyết chưa tan
Nhàn rỗi thả câu trên suối lạnh
Mơ thấy lướt thuyền hướng thiên san
Ðường đi gian khổ gian khổ quá
Bao nhiêu lối rẽ lối nào an
Cỡi gió rẽ mây rồi có lúc
Căng buồm vượt biển khó từ nan.


The Hard Road by Li Bai
Translation by Witter Bynner

Pure wine costs, for the golden cup, ten thousand coppers a flagon,
And a jade plate of dainty food calls for a million coins.
I fling aside my food-sticks and cup, I cannot eat nor drink....
I pull out my dagger, I peer four ways in vain.
I would cross the Yellow River, but ice chokes the ferry;
I would climb the Taihang Mountains, but the sky is blind with snow....
I would sit and poise a fishing-pole, lazy by a brook --
But I suddenly dream of riding a boat, sailing for the sun....
Journeying is hard, Journeying is hard.
There are many turnings -- Which am I to follow?....
I will mount a long wind some day and break the heavy waves
And set my cloudy sail straight and bridge the deep, deep sea.

A Trying Journey by Li Bai
Translation by Betty Tseng

A serve of spirit in a golden chalice has a price of ten thousand pence,
And ten times more for delicacies dished out on a platter made of jade.
Yet in the face of such a feast I could not bring myself to taste,
With wrath I draw my sword and I look around, feeling completely at a loss.

Frozen over the Yellow River has when I wish to it cross,
Enshrouded in snow is the sky when I wish to the Taihang Mountains climb.
In a pristine creek I angle, idling away my time,
Suddenly on board a boat I seem to be, dreaming my way to the capital am I.

What a trying journey! Such a trying journey!
So full of forked paths before, now where are the ways?
There shall come a day with gusty winds to help cleave through the waves,
For me to make full sail and an open boundless sea navigate.

Phí Minh Tâm
***
Đây là một bài thơ theo thể cổ phong, 8 câu đầu 7 chữ, có vần, hai câu 9 và 10 chỉ có 6 chữ, 2 câu chót lại 7 chữ, mà 4 câu cuối này chẳng có vần gì hết…. Đọc thơ luật mãi, thấy bài này ngang dạ.

Theo lời anh Giám, thì câu 7 nói về điển Khương Tử Nha câu cá chờ thời, đầu dây không có lưỡi câu, điển này chắc ai cũng biết; Câu 8 nói về Phó Duyệt. Ông này thì chắc ai cũng biết là danh tướng triều Thương, nhưng chi tiết thì không phải ai cũng rành, cả BS cũng vậy, nên tra cứu, viết tóm tắt ra đây để ACE coi chơi: Phó Duyệt vốn là một nô lệ, nhưng kiến thức uyên bác, có tài kinh bang tế thế, vua nhà Thương là Vũ Đinh rất cảm phục, muốn đón về làm tể tướng, nhưng sợ triều thần không phục, đâu chịu để một tên nô lệ ngồi trên đầu. Chờ gần 3 năm, vua Thương mới nói rằng nằm mộng gặp hiền thần, sai người vẽ hình Phó Duyệt, sai lính đi tìm người trong tranh. Khi Phó Duyệt về triều, được vua gọi là Mộng Phụ, cha trong mộng, và phong chức Tể Tướng. Trong mấy chục năm trời, Phó Duyệt cải tổ chính trị, mở mang bờ cõi, làm dân giàu, nước mạnh… Khi ông mất, hồn bay lên trời, hoá thành một ngôi sao sáng ở phương đông, Tầu gọi là Phó Duyệt tinh.
Nếu theo như giai thoại trên, thì câu 8 không đúng với điển Phó Duyệt, và câu 7 chắc cũng không phải nhắc tới Tử Nha đâu.

Theo như ý BS, thì bài thơ này Lý Bạch làm sau khi bị thất sủng: được bạn bè làm tiệc đưa tiễn rất thịnh soạn mà Lý uống rượu không được, ăn không nổi, vì hoang mang không biết mình phải làm gì…. muốn làm việc lớn khó khăn thì bị ngăn trở (sông bị đóng băng, núi nhiều tuyết) thôi thì ngồi câu cá, hay mộng tới một nơi huy hoàng…

Lý than là đường đi khó khăn lắm, bao nhiêu nẻo đường, biết chọn đường nào…. Nhưng Lý còn nhiều hùng tâm, tráng chí, nghĩ rằng khi thời tới (trường phong phá lãng), thì mình sẽ đi thật xa (tế thương hải).

Đường Đi Khó Kỳ Nhất

Bình vàng, rượu quý cả mười thiên,
Mâm Ngọc, đồ ngon đáng vạn tiền,
Ngừng ly, ném đũa, ăn không nổi,
Vung kiếm bốn phương buồn triền miên.
Muốn vượt sông Hoàng băng cản lối,
Mong lên núi Thái tuyết rơi liền,
Khi nhàn trên suối ngồi câu cá,
Bỗng mộng vừng ô, thích cưỡi thuyền,
Đường đi khó, đường đi khó,
Đường nhiều ngả, giờ ở đâu?
Gió dài nổi sóng khi thời đến,
Kéo thẳng buồm mây, vượt biển sâu.

Bát Sách
(Ngày 02 tháng 05, năm 2022)
***
Góp ý của Huỳnh Kim Giám:

行路難其一 = Hành lộ nan kỳ nhất ... có 12 câu giản dị, không điển tích.

Trông thì thế mà có lẽ không phải thế!

Nhiều người phân tích bài thơ bảo rằng Lý Bạch làm thơ để diễn tả tình cảm khi được bạn thiết đãi sau khi bị thất sủng ở Lạc Dương nhưng có thật thế không? Các hình tượng 金樽清酒=kim tôn thanh tửu và 玉盤珍饈=ngọc bàn trân tu có lẽ hợp với cảnh yến tiệc ở trong triều đình hơn là ở ngoài kinh đô. Những hình tượng về tiền của bài này cũng có thể ám chỉ những vàng bạc mà Đường Huyền Tông cho họ Lý trước khi tống khứ ông ra khỏi triều vì những lời đồn đãi của Cao Lực Sĩ và Dương Quý Phi.

Được bạn bè đãi tiệc thì tại sao lại ngừng đũa không thể ăn và hoang mang rút kiếm? Đã đành rằng chính kiếm sĩ họ Lý cũng không được phép đeo kiếm vào triều dự yến tiệc; nhưng nếu Con Cò có tài viết chuyện hoang tưởng thì tại sao Lý Bạch lại không thể làm thế?

Hai câu 5 và 6 với các hình tượng 冰塞川 và 雪暗天 ví việc hành lộ khó như thế nào nhưng phải chăng ta nên hiểu rằng hành lộ đây nói về con đường mà đại đa số người có học thời cổ phải theo và mong được "thanh vân hoạn lộ", mở mặt với đời nhưng để rồi khám phá ra một khi được vào triều rằng đây không phải là chốn cho người thanh liêm chánh trực dung thân, hay tung hoành?

Hai câu 7-8 nhắc đến hai điển tích Khương Tử Nha câu cá khi chưa găp thời và Vũ Đinh nhà Thương nằm mộng thấy Phó Duyệt (hay có thể là một điển tích mơ hồ khác về Y Doãn đời nhà Thang). Dùng hai điển tích đó cho ta biết rằng Lý Bạch tự tin có tài an bang tế thế, nếu gặp được người biết dùng, hay gặp thời, và chẳng khiêm nhượng chút nào cả. Nếu kiếm sĩ họ Lý thật sự là người khiêm nhượng thì làm sao có được cái huyền thoại bắt Cao Lực Sĩ cởi giày?

Huỳnh Kim Giám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét