Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Ngôn Từ "Hoàng Hoa" Trong Thi Văn Cổ Điển

Hoàng hoa nghĩa là hoa vàng, thường dùng để ám chỉ Hoa Cúc. Tuy nhiên trong thi văn cổ điển của nước Việt, ngôn từ "Hoàng Hoa" còn có 2 nghĩa khác.  

(1)

Trong Chinh Phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn có câu:

 

            Tối khổ thị liên niên tử tác nhân

            Tối khổ thị thiên lý hoàng hoa thú

 

Đoàn Thị Điểm dịch:

 

            Xót người lần lữa ải xa

            Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài

 

Giải thích ngôn từ "Hoàng Hoa":


            Mỗi năm tới tháng 9 (mùa thu) là hoa cúc nở thì lính đi thú và đến tháng 9 năm sau thì trở về.  Vì thế nên gọi lính đi thú ở chốn Hoàng Hoa hay vào thời Hoàng hoa.

 

(2)

Trong Kinh Thi có 5 bài thơ "Hoàng Hoàng Giả Hoa" tả người chinh phu đi khắp nơi để tìm hiểu trong thiên hạ.

 

Hoàng Hoàng Giả Hoa     Những Đóa Hoa Rực Rỡ 
 
Hoàng hoàng giả hoa           Những đóa hoa non tươi rực rỡ
Vu bỉ nguyên thấp                Gò trũng kia đua nở khắp nơi
Tuy tuy chinh phu                Chinh phu rong ruổi bao người
Mỗi hoài mỹ cập.                 Việc lo chẳng kịp lòng thời xốn xang.
 
Ngã mã duy cu                      Kéo xe ta ngựa câu dũng mãnh
Lục bí như nhu                      Sáu dây cương lấp lánh chói lòa
Tải trì tải khu                         Lướt mau chạy gấp ra xa
Chu viên tư tưu.                     Hỏi han rộng rãi để mà hỏi thăm.
 
Ngã mã duy kỳ                      Sắc xanh đen ngựa kỳ vút chạy
Lục bí như ti                          Sáu dây cương mềm mại như tơ
Tải trì tải khu                         Lướt mau chạy gấp xa mờ
Chu viên tư mưu.                   Đến nơi rộng rãi tìm dò hỏi thăm.
 
Ngã mã duy lạc                      Ngựa lạc ta bờm đen mình trắng
Lục bí ốc nhược                     Sáu dây cương bóng láng chói lòa
Tải trì tải khu                          Lướt mau chạy gấp ra xa
Chu viên tư đê.                       Hỏi thăm rộng rãi để mà lo toan.
 
Ngã mã duy nhân                    Ngựa ân ta trắng chen đốm sặm
Lục bí ký quân                        Sáu dây cương thấy nắm điều hòa
Tải trì tải khu                           Lướt mau chạy gấp ra xa
Chu viên tư tuân.                     Đến nơi đi khắp để mà dò thăm.


Từ đó, ngôn từ "Hoàng Hoa" được dùng để công việc của sứ giả.  

Bài thơ của Trùng Quang đế tặng Nguyễn Biểu khi sai ông đi sứ sang gặp Trương Phụ đã dùng ngôn từ nầy với ngụ ý như vậy.

 

Tặng Nguyễn Biểu Đi Sứ (Xướng)


Mấy vần thơ cũ ngợi hoàng hoa

Trịnh trọng rày nhân dắng khúc ca

Chiếu phượng mười hàng tơ cặn kẽ

Vó câu ngàn dặm tuyết xông pha

Tang bồng đã bấm lòng khi trẻ

Khương quế thêm cay tính tuổi già

Việc nước một mai công ngõ vẹn

Gác Lân danh tiếng dọi đâu xa. (*)

(Vua Trùng Quang Đế Trần Quí Khoách)

 

(*) Chú thích: 

            Kỳ Lân Các nơi vua Hán Quang Vũ Đế nhà Đông Hán treo hình của 24 công thần.

 

Từ Tạ Vua Trùng Quang (Họa)


Tiếng ngọc từ vâng trước bệ hoa 
Ngóng tai đồng vọng thuở thi ca 
Đường mây vó ký lần lần trải 
Ải tuyết cờ mao thức thức pha 
Há một cung tên lồng chí trẻ
Bội mười vàng sắt đúc gan già
Hổ mình vả thiếu tài chuyên đối
Dịch lộ ba ngàn dám ngại xa.

(Nguyễn Biểu)

 

Ngô Thì Nhậm cũng dùng ngôn từ "Hoàng Hoa" để tiễn bạn mình làm sứ giả đi sứ sang Trung Quốc. Ông còn nhắc xuất xứ của ngôn từ "Hoàng Hoa" là từ Kinh Thi.

 

Tống Hữu Bác Sứ                                                   


Hoàng hoa thịnh tuyển phú “Chu tuân” (*)          
Nãi quyến tinh thiều thuộc cựu nhân                      
Bạch ngọc kiền tương Bồ Bản bắc (*)                      
Yên ba bão duyệt Động Đình xuân (*)                    
Ứng thù chính diệu kinh quyền chước                    
Tiếp tế chuyên nghi lễ độ tuần                                 
Mí cổ thử hoài lưu giản chú                                    
Quy biền tái bích sủng quang tân
( Ngô Thì Nhậm)             

***                                               

Tiễn Bạn Đi Sứ Phương Bắc   


Hoàng hoa sứ mệnh mới trao tay
Ngó cỗ xe là bạn trước đây
Bồ Bản đắc dâng sân ngọc lụa
Động Đình xuân ngắm cảnh hồ mây
Kinh quyền vận dụng đua tài khéo
Lễ độ điều hòa tỏ chước hay
Cất nhắc hẳn nhờ trên nghĩ ngợi
Xe quay sau đó móc mưa đầy.

(Đào Phương Bình dịch)

 

(*) Chú thích:

            Trong bài Hoàng hoàng giả hoa của Kinh Thi thuộc Phú (theo Chu Hi) có câu "Chu viên tư tuân" (Thăm hỏi khắp nơi).

            Tinh thiều: ám chỉ xe của sứ giả.

            Bồ Bản = kinh đô của vua Thuấn, ngày nay thuộc h. Thủy Tế, Sơn Tây.

            Bắc Bồ Bản: ám chỉ Yên Kinh, kinh đô của nhà Thanh (thời ông Ngô Thì Nhậm).  Ngày nay là Bắc Kinh, Hà Bắc.

            Động Đình hồ ở Hà Nam (Trung Quốc), nơi có nhiều cảnh đẹp thường được sứ giả ngoại quốc đến thăm.

 

Ông Ngô Thì Nhậm còn gom lại tất cả những bài thơ của ông làm trong những lần đi sứ (ở Trung Quốc) vào một tập thơ mang tựa đề là Hoàng Hoa đồ phả.

 

Bs Phan Thượng Hải biên soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét