Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

LTCD Thế Kỷ 21 Tiễn Đưa Anh Hoàng Xuân Thảo Qua Hai Bài Thơ Tống Biệt Của Vương Duy

送別(山中相送罷) Tống Biệt  2 (Sơn Trung Tương Tống Bãi) - Vương Duy

Kính thưa quý vị

Việc hậu sự của niên trưởng LTCD thế kỷ 21, BS Hoàng Ngọc Khôi, sẽ hoàn tất vào ngày thứ ba 15/06/2021. Để tưởng niệm anh, tuần này Nhóm xin mời quý vị đọc bài Tống Biệt cuối cùng (trong 3 bài) của Vương Duy. Chúc mọi người mạnh khỏe, vạn sự an lành

Thân kính

Thư ký
Lộc Bắc

Ngoài bài 渭城曲 - 送元二使安西 Vị Thành khúc -Tống Nguyên Nhị sứ An Tây, Vương Duy còn có ba bài thơ nói về cảnh tiễn bạn mà Con Cò sẽ phân thành 3 đề tài: Tiễn Biệt 1: 送別(下馬飲君酒) Tống Biệt (Há Mã Ẩm Quân Tửu), Tiễn Biệt 2: 送別(山中相送罷) Tống Biệt (Sơn Trung Tương Tống Bãi) và Tiễn Biệt 3: 送別(送君南浦淚如絲) Tống biệt (Tống quân Nam Phố lệ như ty).

Mỗi bài Tiễn Biệt có một đặc điểm. Đặc điểm của bài Tiễn Biệt 2 là: Tiễn bạn đi rồi, năm sau vẫn còn nhớ bạn canh cánh trong lòng.

Nguyên tác                   Dịch âm

送別(山中相送罷) Tống Biệt (Sơn Trung Tương Tống Bãi)

山中相送罷 Sơn trung tương tống bãi,
日暮掩柴扉 Nhật mộ yểm sài phi.
春草明年綠 Xuân thảo minh niên lục,
王孫歸不歸 Vương tôn* quy bất quy?

Dịch nghĩa:

Tiễn Biệt (Vừa Tiễn Bạn Trên Núi)

Tiễn biệt bạn ở ngoài mé núi xong;
Thì chiều xuống; đóng cổng lại.
(Tự nghĩ rằng) Năm tới, khi cỏ mùa xuân xanh lại,
Không biết bạn có về đây hay không?

Dịch thơ:

Tiễn Biệt (Vừa Tiễn Bạn Trên Núi)

Tiễn chân nhau trên núi,
Chiều buông cổng then cài.
Sang năm khi xuân tới,
Bạn thân có về đây?

Chú giải

* Vương tôn: Phiếm chi người quyền quý; cũng chỉ người trai trẻ nói chung; trong bài này vương tôn chỉ bạn trẻ, bạn quý, không có nghĩa quan liêu. Trong bài 賦得古原草送別 Phú Đắc Cổ Nguyên Thảo Tống Biệt, Bạch Cư Dị có hai câu kết: 又送王孫去 Hựu tống vương tôn khứ, 萋萋滿別情 Thê thê mãn biệt tình ( Con Cò dịch là: Lại tiễn người trai trẻ, Lê thê sầu chia phôi.

Lời bàn của Con Cò:

Tâm trạng của Vương Duy ra sao, sau khi tiễn bạn trên núi?

"Tiễn bạn trên núi xong thì ta về nhà ngay và đóng cổng không tiếp ai nữa. Ta tự hỏi: đến mùa xuân năm sau, khi hoa cỏ xanh tươi, chả biết bạn có vể đây thăm ta hay không?” Mấy câu này cho biết Vương Duy lúc nào cũng nghĩ tới bạn. Người bạn này ông không nói rõ là ai nhưng hiển nhiên là một người được ông và bạn bè vô cùng kính trọng và nhớ thương.

Câu ngũ ngôn “王孫歸不歸 vương tôn quy bất quy?” là linh hồn của bài thơ. Nó cũng là câu mà diễn đàn LTCT thế kỷ 21 mượn tiễn biệt đại ca Hoàng Xuân Thảo; biết anh đã sang thế giới khác nhưng vẫn ước mơ anh trở về!

Con Cò
***
Góp ý của Bát Sách:

Tống Biệt (Sơn Trung Tương Tống Bãi) của Vương Duy.

Sơn trung tương tống bãi,
Nhật mộ yểm sài phi,
Xuân thảo minh niên lục,
Vương tôn quy bất quy.


Bài này cũng không nhiều chữ khó, lại ngắn gọn, BS rất thích, vì tuy thơ ngắn mà lại nói được nhiều.
- Bãi: ngừng nghỉ; thôi; chữ trợ từ ở cuối câu, có nghĩa là xong.

- Yểm: che dấu, đóng (cửa)
- Sài: củi; gỗ vụn. Cũng có âm là tái: giữ, ngăn chặn.
- Phi: cánh cửa.
- Vương tôn: theo ÔC thì là chữ chỉ bạn thân, nhưng với khả năng hạn hẹp của mình, BS cố tìm mà không thấy chỗ nào giải thích như ÔC. Chắc phải nhờ anh Tâm hay Đạo Mò.

Nếu hiểu là con cháu của tôn thất thì không hợp với bài thơ, vì mấy người đó sao lại thân thiết tới thăm Vương Duy đang ở chỗ nghèo nàn (sài phi) như vậy?

(Sau khi chia tay nhau ở trong núi, lúc chiều xuống, thì đóng cánh cửa bằng gỗ tạp. Tự hỏi rằng, năm tới, khi cỏ xuân xanh mướt, chẳng biết vương tôn có trở về thăm mình không?)

Thì ra, ở một mình, cô đơn nhớ bạn, biết bạn có nhớ mình mà về thăm không? Lời thơ tha thiết, nhưng ẩn chứa một ý an phận thủ thường, nhẫn nhục, rất tội nghiệp...

Chữ LỤC, dùng như một động từ, quá hay, đến nỗi sau này, Vương An Thạch đời Tống, đã dùng chữ đó trong câu “Xuân phong hựu LỤC giang nam ngạn”.

Bản dịch:

Trong núi vừa tiễn khách,
Chiều xuống đóng cửa cây,
Sang năm cỏ xuân biếc,
Vương tôn có về đây?


Bát Sách.
***
Góp ý của Hoàng Xuân Thảo:

Tống Biệt (Sơn Trung Tương Tống Bãi) của Vương Duy


Trong núi vừa tiễn bạn
Chiều xuống đóng cổng sài
Xuân tới khi cỏ thắm
Người có về lại đây?


Góp ý của Huỳnh Kim Giám:

Nếu Con Cò vẫn còn muốn làm thi nhạc giao tình thì cho Cò bài Tiễn Đưa (Nguyên Sa - Song Ngọc).

@ ÔC trả lời Giám:

Vậy thì quyết định phối hợp bài hát Tiễn Đưa (Nguyên Sa & Song Ngọc - Tâm Hảo hát) với bài thơ Tống Biệt (Sơn Trung Tương Tống Bãi) thành một bài thi-Nhạc-Giao-Tình mang tên Tiễn Biệt 2 của Vương Duy.

Xem trướcXem trước4:35Tiễn đưa -Song Ngọc- Nguyên SaYouTube · Son4YT25 thg 10, 2018
***
Góp ý của Thanh Vân:

Mấy tháng trước, Ông Cò đưa ra bài thơ Tống Biệt của Vương Duy và mời các thành viên góp ý. Trong bài có nêu 2 chữ Xuân Thảo, biệt hiệu của huynh trưởng Hoàng Ngọc Khôi và huynh Hoàng Ngọc Khôi cũng có góp 4 câu thơ; Bây giờ đọc lại cả bài thật bồi hồi xúc động.

Thanh Vân không biết viết gì, vì đầu óc đặc sệt, đọc tới đọc lui bài rồi xếp lại, nhắm mắt buồn. Người Pháp nói: “những nỗi đau lớn nhất thì lặng câm, những đau đớn nhỏ mới bộc lộ”. Có lẽ đúng vì khi thật sự buồn người ta không diễn tả được gì hết chỉ âm thầm ôm nỗi buồn trong lòng thôi.

"Les grandes douleurs se taisent, les petites se plaignent"
Hay:
"Les douleurs légères s’expriment, les grandes douleurs sont muettes "
(câu này của Triết gia người Ý Sénèque, ở thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên)

Trong Diễn Đàn LT 21 bé nhỏ của Ông Cò chỉ có hơn chục thành viên, nên sinh hoạt từ 3 năm nay mọi người gần gũi, thân thiện và xem như trong một mái nhà. Có khi cãi nhau vì một ý nghĩa của bài thơ Đường (hay “gì gì” đó…) không khoan nhượng nhưng lúc nào cũng trong tình huynh đệ tỷ muội gắn bó và hoà ái. Cùng chia sẻ vui buồn, cay đắng ngọt bùi nên giờ đây huynh trưởng ra đi làm mọi người buồn não ruột. Huynh Đỗ Hữu Tước khóc làm Thanh Vâncũng rơi lệ.

Tiễn anh mùa hạ bao thương nhớ
Tiếc nuối khôn cầm...giọt lệ sa!..


Bài nhạc Tiễn Đưa do Tâm Hảo hát cũng buồn. Thôi chia tay huynh Hoàng Ngọc Khôi, cầu chúc huynh đi an nhàn, thảnh thơi nơi nước Chúa. Thanh Vân mượn mấy câu thơ Tống Biệt Hành của Thâm Tâm để tiễn anh:

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thẳm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng...

.............
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!

Thanh Vân
***
Góp ý của Phí Minh Tâm:

Nguyên tác: Phiên âm: Dịch thơ:
送別*-王維  Tống Biệt –Vương Duy Tiễn biệt


山中相送罷 Sơn trung tương tống bãi, Tiễn nhau giữa núi đồi,
日暮掩柴扉 Nhật mộ yểm sài phi. Khép cổng tối trời rồi.
春草明年綠** Xuân thảo minh niên lục, Xuân đến cỏ xanh lại,
王孫歸不歸 Vương tôn quy bất quy? Có còn đến viếng tôi?

Dị bản:

Theo mộc bản Khâm Định Tứ Khố Toàn Thư - Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 127 御定全唐詩, sách của thư viện Đại Học Chiết Giang 浙江大学:

bài ngũ ngôn tứ tuyệt 20 chữ có 2 dị bản:
* Tựa: Sơn Trung Tống Biệt 山中送別 hoặc Tống Hữu送友 thay vì Tống Biệt 送别
** Câu 3: niên niên 年年= mỗi năm thay vì minh niên 明年=năm sau

Bài trong sách Vương Hữu Thừa Tập Tiên Chú - Đường - Vương Duy 王右丞集箋注-唐-王維 có thể nói là nguyên thủy của Vương Duy:



Bỏ các ghi chú và dị bản của tựa, hai mộc bản có tựa bài thơ là Tống Biệt 送别 và câu 3 xài 2 chữ minh明 niên年.

Các sách bên dưới cho thấy các dị bản tùy tác giả sách hơn là khuynh hướng thời đại hay tựa bài thơ. Sách có tựa Tống Biệt 送别:

Vương Hữu Thừa Thi Tập 王右丞詩集卷八乂唐王維惟撰
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Cổ Kim Thi San - Minh - Lý Phàn Long 古今詩刪-明-李攀龍
Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定 全唐詩錄-清-徐倬
Đường Hiền Tam Muội Tập - Thanh - Vương Sĩ Chân 唐賢三昧集-清-王士禛
Ngự Tuyển Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御選唐詩-清-聖祖玄燁 (mộc bản này có ghi chú sau mỗi câu thơ).

Sách có tựa Sơn Trung Tống Biệt 山中送別:
Đường Nhân Vạn Thủ Tuyệt Cú Tuyển - Tống - Hồng Toại 唐人萬首絕句選-宋-洪遂
Thi Lâm Quảng Ký - Tống - Thái Chánh Tôn 詩林廣記-宋-蔡正孫
Đường Âm - Nguyên - Dương Sĩ Hoằng 唐音-元-楊士弘

Chú thích:

Tống biệt: tiễn biệt, vĩnh biệt
Sài phi: cửa nhỏ làm bằng củi gỗ của nhà nghèo

Vương tôn: Hán Ngữ Đại Từ Điển cho 9 định nghĩa. Hai nghĩa gần nhất cho bài thơ là: con cháu của vua hay hàng quý tộc hoặc tên gọi người tôn kính. Theo tôi, Vương tôn (ông Vương tôn kính, gọi bạn một cách kính trọng), người khách đây chính là Vương Duy vì ông không là gia chủ nhà nghèo sống ở núi đồi. Trong bài này cũng như trong bài Tống Biệt (Hạ mã ẩm quân tửu) trước đây, tác giả là người được tiễn đưa.

Bài thơ 4 câu 5 chữ dùng các từ ngữ đơn giản để miêu tả tình bằng hữu trong cảnh thanh bần. Tiễn biệt không tiệc tùng, không rượu chè như thường tình, mà chỉ có núi đồi và cây cỏ. Gia chủ lại còn mong khách trở lại năm sau khi cây cỏ xanh tươi trớ lại.

A Parting by Wang Wei

We bid each other farewell in the hills,
As day meets dusk, I closed the twig door.
Next year, the spring grass will be green again,
But will my honoured friend return once more?

Tưởng nhớ anh Hoàng Ngọc Khôi:

Anh Khôi có viết chi tiết về Tiễn Biệt đăng trong bài LTCD 173a. Theo anh, thế gian có 3 loại tiễn biệt: nhân gian, không gian và thời gian. Thông thường, còn sống là có ngày gặp lại. Chết là vĩnh biệt. Tuy nhiên theo Thiên Chúa giáo, người tốt còn gặp nhau lại ở Thiên Đàng bên Chúa. Theo Phật giáo, khi chết con người hoặc đi đầu thai hoặc vào Niết Bàn, một thế giới vô vi, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt… Định luật bảo tồn năng lượng (energy) và khối lượng (mass) trong khoa học vật lý, hoá học cũng nói tương tợ như thế. Phỏng theo bài Tống Biệt của Vương Duy, tôi viết hai bài bên dưới để nhớ anh Khôi:

Tạm Biệt

Anh đi vào lúc phải dừng chơi,
Đại dịch hoành hành khắp khắp nơi.
Dù cỏ vào Xuân xanh trở lại,
Anh em không có Hoàng Ngọc Khôi.
Tiễn biệt dù không giữa núi đồi,
Văn chương trần thế để lại thôi.
Giờ đây nhàn rổi không giờ khắc,
Bên Chúa Ba Ngôi anh thảnh thơi.

Phí Minh Tâm
***
Góp ý của Lộc Bắc:


Tiễn Bạn  2


Tiễn nhau nơi mé núi
Ngày hết cửa cài xong
Xuân Thảo xanh năm tới
Đại huynh ghé lại không?


Tiễn đưa niên trưởng Hoàng Xuân Thảo về nước Chúa bằng đôi câu đối:
Đại dịch, mới hai tháng bỗng tắt đi, lìa bạn, lìa bè về Nước Chúa.
Đa tài, gồm chục danh đương bừng sáng, bỏ thơ, bỏ phú* nhập Thiên Đàng.
*tác phẩm dang dở “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng” viết chung với Bát Sách Nguyễn Thanh Bình.

Lộc Bắc
***
Góp ý của Đồ Cóc:


Góp Tiễn

Bóng bạn khuất qua đường đèo
Mảnh trăng lơ lửng cheo leo trên trời
Thế là biệt tiếng, biệt hơi
Giờ này năm tới xin mời cố hương

Đồ Cóc
***
Góp ý của Đỗ Tước:


Đàn chủ ÔC đã chọn bài "Tiễn biệt 2" của Vương Duy để tiễn đưa đại sư ca cố vấn của nhóm -trong đó có thơ dịch góp ý của người-khiến đàn em bùi ngùi thương cảm quá! Từ nay sẽ vắng bóng những lời góp ý thâm thuý, những kiến thức bao la, những lời khuyên bao bọc của đàn anh. Không ngậm ngùi sao được khi TTK diễn đàn Lộc Bắc trăn trở "Xuân Thảo xanh năm tới... Đại huynh ghé lại không?..". Cỏ thì xuân nào cũng xanh, nhưng ACE trong diễn đàn hết dịp nghe những bài thơ mới của sư ca phổ nhạc, hết dịp đọc những văn chương sử liệu công phu người viết!

Với nỗi tiếc thương huynh trưởng, đàn em xin "TIỄN BIỆT" Anh:

Xuân thảo đại ca bỏ chúng ta
Thiên đường, hạ giới rộng bao la
Người về đất chúa lòng thanh thản
Kẻ ở cõi trần dạ xót xa
Nghị luận góp bàn nay lỡ dở
Thi ca phổ nhạc cũng phôi pha
Tiễn anh mùa hạ bao thương nhớ
Tiếc nuối khôn cầm...giọt lệ sa !...


Đỗ Hữu Tước
***
Góp ý của Kim Oanh:


Mấy hôm nay đầu óc em rối tung, không nghĩ được gì.
Nhưng em cố gắng góp lời để tiễn đưa bậc đàn anh đáng kính, anh Hoàng Xuân Thảo, được an nghỉ thảnh thơi nơi Nhà Chúa.
Hy vọng anh sẽ đọc được tấm lòng của cô em út mãi mãi dành cho anh.

Kính anh!

Tiễn Biệt

Tiễn nhau mé núi ngoài
Chiều xuống cửa then cài
Cỏ biếc khi xuân đến
Bạn hiền sớm lại đây?

Kim Oanh
***
Tưởng nhớ anh Hoàng Ngọc Khôi

Đưa người ta không đưa sang sông ….

Trong thơ văn Việt, sông đây không phải là con sông Styx của thần thoại Tây phương hay Nại Hà cách trở âm dương trong tín ngưỡng Á Đông, nhưng cũng như Thanh Vân, tôi nghĩ liền đến câu đầu bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm khi được tin anh Khôi lìa cõi trần.

Chúng ta được hân hạnh đi chung một quảng đường đời với anh Khôi, kẻ ngắn người dài, nhưng ngay những người chỉ quen biết anh Khôi vài năm gần đây như tôi cũng có được một ấn tượng /niềm tin rõ ràng rằng đời vẫn còn có những người như anh, đáng mến và đáng kinh. Không như các bạn, tôi hầu như không biết gì về tài ba của anh Khôi trong các bộ môn văn-thi-nhạc-họa, một phần vì không biết đời có anh cho đến vài năm sau này, nhưng chính vì thế, tôi có một cái nhìn về anh và một ký ức khác các bạn về anh.

Đối với tôi, anh Khôi là mẫu người với một lối sống mà tôi muốn theo: sống để tìm và tạo ý nghĩa cho sự hiện hữu của ta trên trần thế. Mặc dù lúc sinh thời anh Khôi cũng có thấy các vấn đề thời cuộc và chính trị, anh để tâm vào văn nghệ để tìm quên, để mãi nhớ rằng cho dù đời là vô thường, ta nên sống thế nào để vẫn nhận chân được rằng vũ trụ bao la nầy đầy vẽ đẹp để ta ngợi ca, tán dương, và để thấy đời đáng sống.

Sống để quên đi quá khứ đau buồn, để bước vào tương lai, và giữ niềm hy vọng rằng đa số người trong nhân loại luôn luôn chi mong hai chữ bình an để có cơ hội giữ gìn nhân tính thay vì để thú tính, hận thù, mặc càm làm lương tâm cắn rứt và ngăn cản ta được ngủ yên hằng đêm.

Anh Khôi là người cho tôi thêm cơ hội nhận chân rằng đời vẫn đáng sống, đường ta ta cứ đi, cho dù đường nào cũng sẽ chấm dứt bên một giòng sông. Sống như anh Khôi mới là sống có ý nghĩa và các bạn cũng như tôi sẽ không quên cái gương anh để lại cho đời.

Huỳnh Kim Giám



 送別(送君南浦淚如絲) Tống Biệt (Tống Quân Nam Phố Lệ Như Ty) - Vương Duy

Nguyên bản                          Dịch âm
送別(君南浦淚如絲送) Tống Biệt (Tống Quân Nam Phố Lệ Như Ty)


君南浦淚如絲送 Tống quân Nam Phố lệ như ty,
君向東州使我悲 Quân hướng Đông Châu sứ ngã bi.
為報故人憔悴盡 Vị báo cố nhân tiều tuỵ tận,
如今不似洛陽時 Như kim bất tự Lạc Dương thì.
Vương Duy
***
Chú giải


Bài thơ này được viết năm 723 lúc Vương Duy 22 tuổi, khi bị đày khỏi kinh đô do sự tranh chấp của giới sĩ phu và các quý tộc nhà Đường.
Ty: tơ, những thứ gì dài và nhỏ, ở đây nói tới dòng lệ.

Dịch nghĩa

Tiễn bạn (Tiễn anh Nam Phố lệ như sương)

Tiễn anh Nam Phố lệ nhỏ thành dòng
Anh đi về hướng Đông Châu mà tôi thì buồn rầu
Làm cho cố nhân quá đỗi tiều tụy (ủ rũ)
Như hiện thời, không (còn vui) như thời kỳ ở Lạc Dương.

Dịch thơ

Tiễn bạn (Tiễn anh Nam Phố lệ trào tuôn)


Tiễn anh Nam Phố lệ trào tuôn
Anh tới Đông Châu mỗ thấm buồn
Xui khiến cố nhân tiều tụy qúa
Không như chốn cũ Lạc Dương thương.


Lời bàn của Con Cò

Bài này Lộc Bắc chọn một ngày trước khi nhóm nhận được tin anh Khôi mất nên ÔC muốn nhân tiện bàn về cái duyên trong đạo Phật. Chữ duyên được hiểu rất rộng rãi trong Phật học: là sự kết hợp ngẫu nhiên (có thể coi như tiền định) giữa hai (hoặc) nhiều người vì một lý do thiêng liêng. Xin nói vắn tắt trong hai trường hợp sau đây:

1/ Khi trai gái gặp nhau, hợp nhau, yêu nhau rồi cưới nhau; đó là duyên đến. Khi vì bất cứ lý do gì mà xa nhau (hết yêu, tử vong...) là duyên hết. Nguyễn Du nói về chữ duyền này trong Truyện Kiều rất rõ: Khi duyên đến thì Thúc Sinh yêu Thúy Kiều. Khi hết duyên (bị Hoạn Thư đánh ghen) thì Thúc Sinh ngậm ngùi than: “ Liệu mà cao chạy xa bay, Ái ân ta có ngần này mà thôi! ”. Thúy Kiều cũng vì hiểu nghĩa của chữ duyên mà tha cho tội chết khi Hoạn Thư nói rằng: “ Tôi đã dứt tình không theo khi nàng ăn cắp chuông vàng Khánh ngọc chốn đi ".

2/ Cuộc gặp gỡ giữa đại ca Hoàng Xuân Thảo (Hoàng Ngọc Khôi) với anh chị em trong nhóm là cái duyên văn nghệ: chúng ta tình cờ biết nhau trong tuổi hưu trí để chung vui trong thú văn chương rồi thân nhau như anh em một nhà mặc dầu chưa hề quen biết nhau, thậm chí cả đời chưa gặp nhau một lần. Cái duyên này cũng khăng khít lắm: khi duyên hết (anh Khối từ trần; giống như Vương Duy tống biệt bạn hiền… ) tất nhiên nảy sinh buồn phiền. Anh Khôi là người hiểu điều này sâu xa nhất. Và chúng ta, mỗi người đã để ra 15 phút tĩnh tâm trong ngày 2 tháng 6 năm 2021 để tưởng niêm anh Khôi.

Cầu xin anh Khôi vui hưởng ăn lạc dưới chân Thiên Chúa.
***
Góp ý của Bát Sách:

Tống Biệt (Tống Quân Nam Phố Lệ Như Ty). -Vương Duy.

Tống quân Nam Phố lệ như ty,
Quân hướng Đông Châu sứ ngã bi,
Vị báo cố nhân tiều tuỵ tận,
Như kim bất tự Lạc Dương thì.

 Bài này cũng ngắn, và ít chữ khó, nhưng có vài điều gây thắc mắc cho BS.
- Sứ: sai khiến; ví như; liên quan đến ngoại giao.
- Vị: vì; để cho, làm cho; khiến; chưa (quốc thù vị báo đầu tiên bạch, Thuật hoài của Đặng Dung)
- Báo: báo cáo, báo đáp.
- Nam Phố ở đâu, Đông Châu ở đâu, BS tìm không ra. Anh Tâm và Đạo Mò giúp hộ.
- Theo Thi viện, Trần Trọng San, Chi Điền, thì Vương Duy sinh năm 699. Theo Vũ Thế Ngọc thì Vương sinh năm 701. Vậy năm nào đúng? Vương đậu Tiến Sĩ khi 21 tuổi, vậy là năm 720 hay 722? Theo Vũ Thế Ngọc, thì sau khi thi đỗ, Vương được bổ làm Đại Nhạc Thừa, và năm sau, vì tranh chấp thế lực chốn quan trường, ông bị vạ lây, và bị biếm đi làm Tham Quân ở Tế Châu, lúc đó là năm 723, ông 22 tuổi. Vương lang thang xa kinh đô 10 năm, vậy ông tiễn ai, năm nào mà làm bài thơ đó? Theo ý bài thơ, thì lúc đó Vương còn ở Kinh đô Lạc Dương, tức là trước khi bị biếm.

Giải nghĩa bài thơ:

Tiễn anh ở Nam Phố, nước mắt tôi như tơ,
Anh đi về hướng Đông Châu, khiến tôi buồn bã,
Chưa báo anh biết, người xưa tiều tụy hết sức,
Lạc Dương bây giờ không như ngày xưa nữa.

Bản dịch:

Tiễn anh Nam Phố lệ như tơ,
Anh tới Đông Châu, tôi ngẩn ngơ,
Chưa báo người xưa tiều tụy lắm,
Lạc Dương hồi đó khác bây giờ.

Bát Sách.
***
Góp ý của Hoàng Xuân Thảo:

Thơ Dịch:Tống Biệt

Tiễn Nam Phố, hạt lệ như sương
Bạn tới Đông Châu, ta thấm buồn
Chưa báo người xưa giờ tiều tụy
Chẳng như lúc còn ở Lạc Dương.

Hoàng Xuân Thảo
***
Cảm Đề:

Tiễn Biệt

Tiễn nhau quán cóc lai rai
Dăm ly bia bọt chẳng ai ngó ngàng
Con sông lát nữa sẽ sang
Anh về chốn ấy mênh mang đất trời
Chôn đi quá khứ cuối đời…
Khỉ ho, cò gáy buồn ơi là buồn


Đồ Cóc
***
Góp ý của Phí Minh Tâm:

Nguyên bản: Phiên âm:
齊州送祖二 Tề Châu Tống Tổ Nhị


送君南浦淚如絲 Tống quân Nam Phố lệ như ty,
君向東州使我悲 Quân hướng Đông Châu sứ ngã bi.
為報故人憔悴盡 Vị báo cố nhân tiều tụy tận,
如今不似洛陽時 Như kim bất tự Lạc Dương thì.

Mộc bản trong Vương Hữu Thừa Thi Tập của Vương Duy (Đường) và Lưu Thần Ông (Tống) cho bài Tống Biệt không dị bản trong khi mộc bản của Ngự Định Toàn Đường Thi có tựa bài là Tề Châu Tống Tổ Nhị 齊州送祖二 với dị bản tựa Tống Biệt 送別.Ngoài ra câu 2, dị bản xài chữ Chu周(nhà Chu) thay vì Châu州 (khu đất).



Ghi chú:

Bài thơ có vài địa danh thời cổ đại Trung Hoa, khó xác định vị trí chính xác.
Tề Châu: là nơi Vương Duy bị đi đày. Theo Lê Nguyễn Lưu, là huyện Tế Ninh, tỉnh Sơn Tây ngày nay. Tuy nhiên theo một tài liệu khác, Tề Châu nay là huyện Trường Thanh, tỉnh Sơn Đông. Theo Hán Ngữ Đại Từ Điển, Tề Châu chỉ Trung Hoa thời cổ đại. Như thế vùng Sơn Đông, Sơn Tây đều hợp lý.

Tổ Nhị: không biết là ai? Theo tôi đoán, chính là Vương Duy với nhiều lý do:
Tề Châu là vùng Ông bị đi đày.
Trong 2 bài Tống Biệt trước đây, Ông là người được tiễn đưa.

Ồng có một bài Tống Biệt khác với tựa đề Tề Châu Tống Tổ Tam trong đó Tổ Tam là Tổ Vịnh, bạn thơ thân thiết hơn 20 năm của họ Vương. Bài thơ được làm lúc bị biến ở Tề Châu.
Nam Phố: khu phố ở bến phía Nam, có nguồn gốc từ bài từ Cửu Ca. Hà Bá 九歌·河伯 của Khuất Nguyên, người nước Sở trước thời Chiến Quốc: “Tử giao thủ hề đông hành, tống mỹ nhân hề nam phổ 子交手兮东行, 送美人兮 南浦 Hãy đến phương Đông và tiễn mỹ nhân Nam Phố.” Về sau, các thi nhân Đường Tống Nguyên dùng Nam Phố điển tích để chỉ biệt ly.

Địa danh Nam Phố không xác định. Có thể Nam Phố là ở Nam Xương tỉnh Giang Tây. Nhiều bài thơ được kết hợp với vị trí này. Mà cũng có thể là ở Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc?

Một điều chắc chắn là Nam Phố trong bài thơ của Vương Duy không phải nói đến một trong 2 địa danh này. Vũ Hán cách Trường An 740 km về hướng Đông Nam và Nam Xương cách Trường An 1100km.
Đông Châu: nói chung là vùng đất ở phía Đông Trường An.
Lạc Dương: thủ đô của Trung Hoa thời Đông Chu, cách Trường An 400km về hướng Đông, thời Đương gọi Lạc Dương là Tây Kinh (?)

Dịch Thơ:

Tiễn Biệt


Tiễn người Nam Phố khóc như mưa
Anh đến Ðông Châu thương xót đưa
Mong ước bạn hiền mau hết khổ
Nay chẳng như thời Lạc Dương xưa.


Farewell by Wang Wei


Say goodbye to Nan Pu with a lot of tears
You are heading for Dong Zhou I see you off with lot of sadness
Hope your suffering will soon end
Nowadays is not the time of old Luo Yang.

Phí Minh Tâm
***
Góp phỏng dịch của Lộc Bắc:

Tiễn Bạn 

Tiễn người Nam Phố lệ như tơ
Người hướng Đông Châu mỗ thẫn thờ
Nhờ nhắn, người xưa tiều tụy lắm
Hiện nay chẳng giống Lạc Dương đô!


Lộc Bắc
***
Tiễn Người

Phố Nam mưa lệ tiễn người
Đông Châu thương xót dạ vời vợi đau
Người xưa tiều tụy quá mau
Lạc Dương hiện tại còn đâu thuở nào!

Kim Oanh
***
Góp Ý của Thân Hữu:

Thưa anh Bảo và các anh chị,

Chưa khi nào thấy bài thơ của Vương Duy lại ứng với hoàn cảnh hiện tại của chúng ta đến thế này với sự ra đi của anh Hoàng Xuân Thảo.

Người xưa tiễn bạn sao buồn quá:
Nam Phổ tiễn anh lệ vương vương
Đông Châu hướng ấy, tôi xót thương
Anh đi với dáng người tiều tụy
Tôi về ngơ ngác chốn Lạc Dương.


Còn chúng ta hôm nay, nơi trần gian này, thương tiếc anh Hoàng Ngọc Khôi:

Nơi đây tôi nhỏ lệ xót thương
Anh đi chốn ấy, luống đoạn trường
Oán trách bệnh kia sao tàn nhẫn
Nơi đây anh em sầu vương vương.


Mỹ Lan tức cảnh sinh tình viết mấy câu chia sẻ với anh em thế thôi, không dám múa rìu qua mắt thợ, chỉ muốn nói lên lòng thương tiếc một người anh tài hoa cũng đã có lúc cầm phấn như mình. Tuy lúc sinh tiền anh em có suy nghĩ khác nhau về chuyện đời thường nhưng không dính dáng gì sự quý trọng về con người của anh mà nay chỉ giữ lại chút kỷ niệm ngắn ngủi của một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nơi quê người.

Quản Mỹ Lan

***
Xin thân kính gửi bài nhạc Người Xưa Đưa Tiễn để cùng tiễn đưa Bác  Hoàng Ngọc Khôi (Hoàng Xuân Thảo) an vui trên Thiên Đàng.


Bảo Côn


Người Xưa Đưa Tiễn

Thơ & Nhạc: Hoàng Xuân Thảo - Hòa Âm: Quang Đạt - Tiếng Hát: Duyên Quỳnh


Hợp Tan là chuyện xảy ra nhiều lần trong cuộc đời từ xưa tới nay và mãi mãi sau này. Người xưa đưa tiễn sao buồn thế. Ở một sân ga hay bến tàu? Ta với người bao năm xa cách. Mới trùng phùng đã tiễn đưa nhau. Người xưa đưa tiễn ôi buồn quá. Ta với người nay cũng thế sao? 
(Hoàng Xuân Thảo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét