Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2021

Nhà Thơ Phương Du


Nhà thơ Phương Du tên thật là Nguyễn Bá Hậu, sinh năm Giáp Tý, người làng Phương Canh, tỉnh Hà Đông. Tốt nghiệp Y khoa bác sĩ năm 1952, sau đó phục vụ trong QLVNCH, là một trong 10 vị bác sĩ đầu tiên trong ngành Quân y. Sau khi giải ngũ, ông cùng gia đình sang Pháp định cư năm 1971. Nhà thơ Phương Du theo khuynh hướngThơ Mới nhưng có nhiều bài Đường Thi, nhất là Thơ Xướng Họa.

Làm một bài thơ Đường đã khó, làm thơ Đường để họa lại càng khó hơn! Phương Du không những làm nhiều thơ Đường, đôi khi có những bài họa hay hơn bài xướng. Thơ ông gồm nhiều thể loại: thơ bảy chữ, thơ song thất lục bát, thơ lục bát, thơ ngũ ngôn, thơ tứ tuyệt, thơ tự do, ca trù, sẩm huê tình, hát nói. Thơ Phương Du có bài mộc mạc như lời nói chân quê, có bài tinh xảo, rất tỉ mỉ khéo léo như trạm những mảnh ốc xà cừ trong tranh. Nhà thơ dùng những ngôn ngữ chân tình không sáo ngữ hoặc những lời cường điệu, vì "thơ là người", cách biểu lộ của tâm hồn thi nhân mà Phương Du tính lại rất hiền hòa thể hiện qua lối sống giản dị. Chính ngôn ngữ chân phương đó đã minh họa được những bức tranh cảnh nhiều màu sắc của thôn quê, của xã hội của ông. Nhà thơ đã diễn tả tâm trạng của kẻ tha hương luôn vương vấn nỗi buồn viễn xứ.

Nhà thơ xuôi về miền Nam nước Pháp nhìn những dãy núi Pyrénées trùng điệp giữa Pháp và Tây Ban Nha chạnh lòng mơ màng nhớ về những đồi núi của của quê hương:
"Trước làn gió núi mây hồng lướt,
Bên suối thông ngàn suối bạc reo"
(Đèo Ngoạn Mục)

Mang thân phận tha hương, trong lòng của nhà thơ luôn ngậm ngùi nhớ về cố quận :

"Ngày đêm khắc khỏai sầu vong quốc
Sáng tối âm thầm khóc cố hương."
(Hận Ly Hương)

Gót chân người tha hương phiêu bạt trên khắp phố thị phồn hoa dù lộng lẫy, rực rỡ của xứ người nhưng nào có nguôi ngoai được nỗi buồn tha hương!

"Trên đường đời gió bụi,
Ngậm ngùi nhớ cố hương."
(Tàn Thu)

Hình ảnh trong thơ đậm nét quê hương từ lũy tre làng, bờ đê, đồng lúa đến phồn hoa phố chợ. Dù xa quê lúc tuổi nhỏ để lên Hà Nội học nhưng ký ức rtuổi thơ vẫn sống mãi trong tâm hồn ông là lũy tre làng miền quê đất Bắc năm xưa.

"Rạng bàng, cây gạo, cây sung,
Bụi tre khóm trúc, cây tùng, cây giang,
Cây đa cổ thụ đầu làng
Tháp chùa cao vút giữa hàng cau thanh…"
(Nhớ Quê)

Hoặc:

"Hương giang dòng nước lững lờ,
Ngự bình duyên dáng đỉnh mờ hơi sương.
Đẹp thay Vỹ dạ, Thọ xương
Phú văn lâu với phố phường ngày xuân.
Chuông chùa Thiên mụ vang ngân,
Hãy còn văng vẳng như gần đâu đây."
(Xuân Nhớ Huế)

"Xuânvề, lấm tấm mưa rơi,
Thăng long ngày Tết đẹp tươi mơ màng;
Hàng gai, hàng trống, hàng đường,
Quanh Hồ Hoàn kiếm áo hồng thướt tha;
Ngọc sơn chuông mõ vang xa,
Nhịp cầu Thê húc vào ra muôn người.
Trang nghiêm yên lặng ngoài khơi,
Tháp Rùa cổ kính nhìn trời nghinh xuân."
(Xuân Nhớ Thăng Long)

Trong một cuộc Hội Luận đề tài Ý Nghĩa Cuộc Sống Của Loài Người, do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris tổ chức quy tụ nhiều trí thức văn nghệ sĩ Paris. Hiện diện có GSTS Hàn Lâm Viện Sĩ Lê Mộng Nguyên và Phu nhân Nicole, GSTS Phạm Đình Liên, GSTS âm nhạc Quỳnh Hạnh, Giáo sư Trịnh Khải, GS Minh Cầm, GS Phạm Thị Nhung, Linh mục Nguyễn Văn Hội, Nhà thần học TS Nguyễn Tấn Phước, TS Từ Thu Hương, TS Phan Thị Hải, TS Trần Văn Thu, TS Võ Hùng Anh, Bác sĩ Nguyễn Bá Hậu và Phu nhân Kiều Hạnh, Bác sĩ Phan Khắc Tường, Bác sĩ Nguyễn Bá Linh, Nhà biên khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh, Nhà biên khảo Nguyễn Đức Tăng, Nhà văn Hồ Trường An,Nhà văn Từ Trì, Nhà thơ Đỗ Bình, Nhà thơ Từ Thạch, Nhà giáo Vũ Thúy Hằng, KS Kim Thu, Bà Bạch Sương đại diện tạp chí Nguồn, nhà thơ Nguyễn Mây Thu đại diện tạp chí Cỏ Thơm..v.v... Nhà thơ Đỗ Bình đã đặt một câu hỏi: "Ai sinh ra ta?".
BS Nguyễn Bá Hậu, vị niên trưởng ở tuổi 90 xin phát biểu trước:

"Theo tôi đây là một đề tài rộng lớn. Con người là một thành phần của vũ trụ. Muốn biết ai sinh ra ta thì ta phải biết ai tạo dựng ra vũ trụ hay là vũ trụ được tạo dựng như thế nào?... Và mọi sự xảy ra trong vũ trụ đều là huyền bí... Những người theo Thiên chúa giáo nhờ có Thánh kinh mà biết được nguyên nhân làm ra những điều huyền bí về việc tạo dựng vũ trụ..." (Sách Sáng Thế- Genèse).
(trích bài tường thuật của Nguyễn Mây Thu)

Những buổi hội luận tiếp nối về đề tài ‘Cuộc Sống’ nhà thơ Phương Du minh họa một bài thơ của thi sĩ Nguyễn Khuyến:

" Mái tóc chòm xanh chòm lốm đốm.
Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay...
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt.
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe"
Nguyễn Khuyến)

Đồng cảm với rhi sĩ Nguyễn Khuyến về tuổi ngià, nhà thơ Phương Du cũng cảm nhận về ‘Niềm Vui Và Nỗi Buồn’ Của Đời Người, ông phát biểu:
"Vui hay buồn đều do sức khỏe chi phối, khoảng thời gian từ tuổi 15 cho đến 70 con người ít đau ốm nên được hưởng nhiều thú vui. Từ 70 tuổi trở đi, sức khỏe suy kém, cơ thể con người không được lành mạnh nên nhiều bệnh tật sẽ xảy ra và đó là nguyên nhân của những nỗi đau buồn."

"Vui thay tứ khoái ở trên đời.
Thiên hạ ai ai cũng hưởng chơi.
Đừng bảo rằng đời là bể khổ,
Trời cho tứ khoái đủ vui rồi."
(Phương Du)

Trong số thơ mang hương vị đời của Phương Du nói đến thời thế, thân phận con người, đời tha hương, sự đau khổ và đức tin…nhiều bài là thơ Tâm linh, thấm nhuần nhiều tư tưởng Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo. Nhưng nhà thơ là một tín đồ Thiên Chúa Giáo rất nhiệt thành nên làm thơ tôn giáo nhằm truyền bá đạo hơn là làm thơ Đạo. Lời Chúa trong kinh Thánh :
‘Sau khi chết những người giàu qua cửa vào nước thiên đàng khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim khâu’

"Chúa phán dạy phải làm việc thiện.
Giúp kẻ nghèo thể hiện tình thương,
Và khuyên nên phải nhớ rằng :
Lắm tiền vào nước thiên đàng khó khăn."
(Chớ Mê Tiền)

"Tình yêu Chúa sáng soi cao cả,
Như Thái dương rọi tỏa bao la.
Ba năm rao giảng gần xa,
Luôn luôn nhắc nhở phải hòa thuận nhau."
(Tình Yêu Thiên Chúa)

Ngoài Thơ, biên khảo, sáng tác nhạc Thánh ca, ca trù, hát nói, nhà thơ Phương Du còn viết bài hát dân ca theo điệu Xẩm huê tình, là những bài hát của những nghệ sĩ mù thường dùng lời ca để tìm kế sinh nhai, Phương Du viết theo thể dân ca nghe buồn man mác mà không bi lụy. "Bài Hát Xẩm" trích trong Thi tập Tình Thương của tác giả:
"Non nước ơi! Kể từ khi ta dấn thân ra đi lưu lạc chốn quê người, sầu chia ly, sao chưa cạn, mà cuộc đời buồn bã cứ qua trôi... Non nước ơi! Dân tình ta trông thật là đói rách, thảm thương: ăn chẳngđủ no, mặc không đủ ấm, đau yếu thời thường chẳng có thuốc thang... Non nước ơi! Luồng gió tự do, mai đây thổi tới, sẽ quét sạch phỉ phường, tha hương ta lại lên đường trở về kiến thiết quê cha...".
(Phương Du)

Một lần sinh hoạt văn hóa khác, ngày đó nhà thơ Phương Du đã vào tuổi 92, thần trí của ông rất minh mẫn, giọng nói vẫn còn khỏe, và phát biểu:
“Văn hóa là một điều bao gồm những thành tựu của các hoạt động thuộc đủ mọi ngành của một dân tộc. Nó luôn luôn biến đổi theo dòng thời gian, mỗi ngày một tiến triển nhanh hay chậm cho hợp với nhu cầu của tình thế. Văn hóa càng phát triển thì mức sống của nhân dân, nhất là dân trí, cũng sẽ được nâng cao. Ý thức được điều này chúng tôi đã lập ra CLBVH Ba Lê từ hơn 20 năm nay để đóng góp một phần nhỏ vào sự vun bồi văn hóa Việt. Mong rằng trong tương lai CLBVH sẽ có nhiều vị vui lòng cộng tác với chúng tôi để cho CLB được mãi mãi trường tồn”.

Tác Phẩm:

Ông là tác giả của 3 tập Thơ: Tha Hương 1, 2, thi tập Tình Thương, tập biên khảo: Hoa Tâm và nhiều bài biên khảo giá trị. Ngoài ra ông còn viết nhạc, thực hiện 3 CD Thánh Ca.

Con Người Thi Sĩ

Nhà thơ Phương Du là một khuôn mặt nổi của cộng đồng người Việt ở Paris, ông được mọi người yêu mến qúy trọng vì có một bản tính đôn hậu, một tấm lòng bao dung, khiêm tốn, ăn nói từ tốn dễ thân thiện.Nhà thơ còn là một trong những cột trụ của Ba Lê Thi Xã và Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam tại Paris, nơi quy tụ những tâm hồn thiết tha với lý tưởng tự do, yêu Chân Thiện Mỹ và luôn hướng về quê hương.
Ngày 27 - 03 - 2010 tại Montrouge, một buổi sinh hoạt do Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris tổ chức. Mở đầu phát biểu của BTC về ý nghiã buổi sinh hoạt, kế đến ông mời vị niên truởng nhà thơ Phuong Du Nguyễn Bá Hậu ngỏ đôi lời về quá trình những sinh hoạt văn hóa Việt Nam của Hội:

"Khởi thủy là Ba Lê Thi Xã, một hội thơ có khuynh huớng Đường Thi do hai cố thi sĩ Hương Bình GS Cao Văn Chiểu và Hàm Thạch GS Nguyễn Xuân Nhẫn sáng lập vào năm 1981... Thời gian sau, Nữ si Minh Châu GS Thái Hạc Oanh cùng với nhà thơ Phương Du là những cột trụ của Ba Lê Thi Xã. Hội quy tụ nhiều trí thức khoa bảng, như giáo su đại học, bác sĩ, luật gia, học giả, dịch giả…vv…nhưng có tâm hồn thơ ; nên có nhiều nguời đã thành danh trong làng thơ truớc 75 và hiện nay. Thời gian trôi đi, nhiều nguời trong nhóm đã khuất như : nhà thơ Đào Trọng Đủ, nhà thơ Hương Bình Cao Văn Chiểu, nhà thơ Hàm Thạch Nguyễn Xuân Nhẫn, nhà thơ Bằng Vân Trần Văn Bảng, nhà thơ Đàn Đức Nhân, nhà thơ Huỳnh Khắc Dụng, nhà thơ Luong Giang Phạm Trọng Nhân, nhà thơ Phuợng Linh Đỗ Quang Trị, nhà thơ Nguyễn Thuờng Xuân, nhà thơ Việt Hoài, nữ sĩ Liên Trang Phạm Thị Ngoạn (Ái nữ cụ Phạm Quỳnh), nữ sĩ Thanh Liên. Những nguời còn sống như: Nhà thơ Song Thái Phạm Công Huyền (ngoài cửu tuần), nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, nữ sĩ Quỳnh Liên Công Tằng Tôn Nữ Quỳnh Liên, nữ sĩ Phạm Thị Nhung, nhà thơ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, nhà thơ Khuê Trai Vũ Quốc Thúc, nhà thơ Phuong Du Nguyễn Bá Hậu, nhà thơ Huong Giang Thái Văn Kiểm, nhà thơ Hoài Việt Nguyễn Văn Hướng, nhà thơ Hồ Trọng Khôi, nhà thơ Đỗ Bình …vv… Năm 1991 nhà thơ Đỗ Bình gia nhập và là nguời trẻ tuổi nhất đã bỏ ra nhều công sức giúp ích rất đắc lực cho Ba Lê Thi Xã quy tụ những nhà văn nhà thơ hải ngoại. Năm 1998 sau khi GS Trần Văn Bảng qua đời, nhà thơ Đỗ Bình nhận lãnh trách nhiệm điều hành. Các buổi sinh hoạt tổ chức hội họp đuợc nhà thơ Đỗ Bình mở rộng ở nhiều nơi. Mặc dù sức khỏe bị tàn phá do chiến tranh và tù đày nhưng lòng say mê văn nghệ đa thúc đẩy nhà thơ nhiều năm dài dấn thân dẫn dắt con thuyền văn hóa, giúp cho Ba Lê Thi xã vững mạnh, tiến xa và trở thành CLB văn hóa VN Paris tồn tại cho đến hôm nay."

BS Nguyễn Bá Hậu nói tiếp:

"Tháng 12 - 2009 vừa qua, trong sinh hoạt của CLB nhân buổi ra mắt sách « Hoa Đao Năm Ngoái » của Họa sĩ, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật, lúc gần bế mạc, nhà thơ Đỗ Bình đã xin từ chức chủ tịch CLB vì lý do sức khỏe, mọi nguời hiện diện đều thông cảm cho sức khỏe của anh và đa tiến cử Bác sĩ Phan Khắc Tường lên thay điều hành CLB. Nhà thơ Đỗ Bình cũng đa bàn giao CLB cho BS Phan Khắc Tuờng."

Sinh Hoạt Cộng Đồng:

Nhà thơ Phương Du và các thành viên trong CLB Văn Hóa VN Paris đã thường hay tổ chức những sinh hoạt Văn học Nghệ thuật : Hội Luận: "Tư Tưởng Triết Học", "Khoa Học và Tâm Linh"."Những Điều Huyền Bí Về Sự Sáng Tạo Vũ Trụ". " Giới Thiệu Tác Phẩm và Tác giả"… Ông từng làm giám khảo trong cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài năm 2000 tổ chức ở Pavillon Baltard một trong những hí viện hàng đầu của Paris.
Tham gia Phong trào giúp người Vượt biển, Người Ti nạn ở Palawan…

Ất Mùi vào ngày 14-03-2015, Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris đã tổ chức họp mặt sinh hoạt tại Montrouge chủ đề Chiều Xuân, với phần diễn thuyết và hội luận về "Những Điều Huyền Bí Về Sự Sáng Tạo Vũ Trụ". Khách mời tham dự là những khuôn mặt quen thuộc trong giới sinh hoạt Văn Hóa ở Paris.
Nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu tường trình sơ lược về sinh hoạt văn hóa của CLB trải qua một khoảng thời gian dài mấy thập niên: "Chúng ta sống ở hải ngoại đã 40 năm. Về vấn đề văn hóa, tôi xin chia làm hai mức: hai mươi năm đầu, Ba Lê Thi Xã (BLTX) gồm những nhà thơ lão thành khoa bảng, những nhà trí thức ở Việt Nam di cư sang Âu Châu, rất nổi tiếng về thơ Đường, nhưng bây giờ tuổi đã quá cao, họ chết gần hết chỉ còn lại một vài người thôi như nhà thơ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, nhà thơ Quỳnh Liên Cao Văn Chiểu, tôi, và Đỗ Bình là người trẻ nhất. Chúng tôi cũng nghĩ xa là BLTX sẽ thiếu hội viên vì họ qua đời cả, sẽ có ít người làm thơ Đường nên chủ trương thành lập CLBVH mà chúng ta được họp mặt sinh hoạt như bây giờ. Hơn hai mươi năm nay rồi, CLBVH mở rộng tầm hoạt động ra đủ thể loại: thơ, thơ tự do, văn, nhạc, hội họa… để các nghệ sĩ khác đều được tham dự. Nếu muốn tìm hiểu về BLTX ở giai đoạn thứ nhất thì tôi biết được nhiều, sẽ cố vấn cho những ai muốn biết, còn về CLBVH ở giai đoạn thứ nhì thì ai cũng biết rồi, nó dễ hơn".

Dù xa quê hương đã lâu nhưng lòng ông vẫn trĩu nặng những thế sự thăng trầm của đất nước. Tình yêu quê hương của ông đã thể hiện trong suốt mấy chục năm cống hiến trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. Qua sự miệt mài và tận tụy đó, nhà thơ Phương Du được đưa vào tập tuyển Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris.

Có thể nói thi sĩ Phương Du là một trong những người bạn thơ tri kỷ của tôi ở Paris. Trước khi gặp nhà thơ, tôi thường gnhe giáo sư Trần Văn Sinh kể chuyện Hà Nội thưở xa xưa, và thời ông du học ở háp về nước năm 1949. Ông nhắc tên một số người bạn của ông trong đó có bác sĩ Nguyễn Bá Hậu, ông rất khen: «Đó là một người hiền hòa đúng như cái tên và có nhân cách từ thuở ông Hậu còn là sinh viên y khoa Hà Nội !».

Trong một sinh hoạt văn hóa do chúng tôi tổ chức tôi hân hạnh được quen biết nhà thơ và trở nên thân thiết cho đến ngày ông ở lìa trần. Trong Ba Lê Thi Xã sau khi nhà thơ Hương Bình Cao Văn Chiểu và nhà thơ Hàm Thạch Nguyễn Xuân Nhẫn qua đời, nữ sĩ Minh Châu Thái hạc Oanh làm hội trưởng, nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu làm phó hội trưởng và nhà thơ Đỗ Bình làm tổng thư ký. Mặc dù là cây cột trụ trong Hội Thơ nhưng những lần hội thảo tranh luận về thơ, nhà thơ Phương Du là người ít ý kiến nhất. Ngược lại trong những cuộc hội thảo tranh luận do câu lạc bộ văn hóa tổ chức ông là người hăng say phát biểu nhất.
Cách nay 30 năm cho dù nhà thơ Phương Du đã ra 3 tác phẩm thơ, nhưng các bạn của ông chỉ xem ông là người thích làm thơ, một nhà tu tại gia. Trong khi đó giáo sư Trần Văn Bảng lại được công chúng gọi là thi sĩ Bằng Vân mặc dù ông là giáo sư, bác sĩ. Do đó nhà thơ Phương Du giảm bớt giờ khám bệnh để dành cho việc nghiên cứu văn chương Việt Nam và Thế giới. Từ đó ông trở thành một nhà thơ nổi tiếng ở Paris, một người dấn nthân cho văn hóa đến khi giã từ cuộc đời.

Một tâm hồn bao dung:

Năm 1995 Câu Lạc Bộ văn Hóa VN Paris tổ chức Buổi sinh hoạt văn học giới thiệu tác phẩm của nhà thơ Phương Du tổ chức tại Hội Trường Quốc Tế Paris. Ngoài số khách mời của câu lạc bộ, còn một số khách đặc biệt là thân hữu, gia đình của nhà thơ Phương Du do chính ông gởi thiệp mời.

Trong lúc nhà thơ Phương Du ký sách tặng, nhà thơ Đào Tiềm là một trong số khách mời đặc biệt của nhà thơ Phương Du. Cụ Đào Tiềm du học ở Pháp từ thập niên 40, trông cụ như một đạo sĩ, tóc búi tó, râu dài bạc trắng, trang phục như thời Việt Nam cổ xưa. Cụ bước lên cầm tập thơ và nói với nhà thơ Phương Du:
"Tôi tưởng anh Hậu làm thơ chơi mà lại ra mắt sách!"
Tôi là người điều khiển chương trình nghe Cụ nói mà giật mình, chưa biết phản ứng thế nào vì đây là khách mời đặc biệt của nhà thơ !
Tôi thấy nhà thơ Phương Du vẫn điềm tĩnh trả lời:
"Thưa Bác, Vì hoàn cảnh đất nước tâm hồn tôi không khỏi ưu tư ! Tôi làm thơ không phải để lành thi sĩ, đó là những trăn trở của đời tha hương, tôi viết ra để nói lên tấm lòng người dân. Bác Đào Tiềm không thấy tựa những cuốn thơ của tôi là Tha Hương và Tình Thương?"

Cụ Đào Tiềm:
"Tôi sẽ đọc, khi nào xong tôi sẽ đến anh đàm đạo thơ".
Hai người cười nói vui vẻ.

Với đức tính khiêm nhường và bao dung của nhà thơ Phương Du làm chúng tôi qúy trọng.
Sự ra đi của nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu là một mất mát vô cùng lớn lao riêng cho CLBVHVN-Paris, và cũng là sự mất mát chung cho những công trình bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam hải ngoại.

Đỗ Bình
Paris 9.06.2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét