Tình cờ tôi đọc được những bài thơ của Ngọc Quyên trên diễn đàn Thơ Văn, dù chưa hề gặp mặt hay quen biết. Nhưng qua thơ Ngọc Quyên tôi tìm hấy một tâm hồn thi nhân chất chứa nhiều nỗi niềm về những mảnh tình đời của tha nhân và của chính tác giả. Nhà thơ đã diễn tả ngoại cảnh cũng như tâm cảnh qua ngôn ngữ gợi hình có chất hội họa hàm chứa ý nghĩa sâu lắng và trong câu đoạn có cả chất nhạc trong các thanh âm. Nhà thơ đã tìm cho mình một cõi riêng để tỏa sáng tâm hồn trong vườn thơ.
Ngọc Quyên rất yêu Thơ và trân trọng thơ nên mỗi bài thơ chuyển đến khách đồng điệu đều là những bài tâm đắc được chọn lọc kỹ càng. Nhà thơ muốn nói lên tiếng lòng, giãi bày một nỗi niềm sâu kín của mình và trong những vần thơ đó cũng có những tâm tình đồng điệu của tha nhân. Đã là nhà thơ thì mỗi nhà thơ đều phải chọn con đường riêng trong hành trình thi ca để đi, nếu không chỉ là người biết làm thơ, họa vần, cũng như trong lãnh vực âm nhạc người có chất giọng tốt thích hát và hay hát nhưng không phải là Ca sĩ ! Ngọc Quyên đã chọn Thơ Tình là nguồn cảm hứng để sáng tác. Thơ Tình là thể loại dễ làm, không giới hạn trình độ hay tuổi tác nên có rất nhiều người làm, nhưng trong vô số những bài thơ tình ấy lại hiếm có bài hay, diễn tả những mối tình độc đáo. Nội dung tình cảm của những bài thơ tình từ nửa thế kỷ nay thường na ná nhau, ngôn ngữ hình ảnh trong thơ như một liên khúc chắp nối, dù cấu trúc thơ có thay đổi. Do đó bài thơ khó hay vì thiếu tính độc đáo!
Bài Thơ Tình: " Hai sắc hoa ty gôn" của thi sĩ TTKH được đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 179, ra ngày 30 tháng 10 năm 1937 tại Hà Nội. Nôi dung bài thơ tình đã gây xôn xao trong xã hoội lúc bấy giờ vì đã đi ngược luân lý đạo đức. Bài thơ tả tâm tình một người đàn bà đã có chồng, nằm bên cạnh chồng mà dám mơ tưởng đến người đàn ông khác, đó là sự ngoại tình tư tưởng ! Nhưng tình cảm là thứ thiêng liêng và bí mật của con người, mà từ khi xuất hiện loài người trên trái đất đến nay khoa học vẫn không thể kh ám phá được ! Nhưng ở xã hội thời đó cách suy nghĩ về luân lý chưa cho phép ! Bài thơ Tình Hai sắc hoa ty gôn độc đáo là ở điểm đó. Ở thời đại hôm nay giá trị về luân lý đạo đức đã có nhiều thay đổi nên có những tập tục, những giá trị phổ quát khi xưa được công nhận, nay cũng thay đổi theo. Trong lãnh vực văn học nghệ thuật nếu có những cuộc tình t ương tự xãy ra, và có người viết trên báo chí, thơ văn thì cũng chẳng ai để ý vì đã mất tính độc đáo!
Bài thơ Đò Tình Xa Bến là một bài tình ca dang dở. Thi nhân dùng lối ẩn dụ Thuyền và Biển để diễn tả sự hoài vọng của đợi chờ, như con thuyền mong manh dễ tan vỡ trước muôn sóng to, và biến mất giữa biển cả. Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn, và nhà thơ đã để con tim thì thầm tiếng lòng qua ngôn ngữ chân phương diễn tả tâm hồn mà không sáng tạo ngôn ngữ. Nghệ thuật không hẳn lúc nào cũng phải có hình thức hay nội dung "phức tạp hay cầu kỳ", nếu tính "chân phương"được nghệ sĩ sử dụng một cách tài tình mà diễn tả được cảm xúc tâm hồn thì tuyệt vời, đó là nghệ thuật. Trong hội họa có những khoảng trống đầy ý nghĩa, trong âm nhạc có những dấu lặng và trong văn chương có dấu lửng hay còn gọi là dấu ba chấm.
Ngôn ngữ trong thơ của Ngọc Quyên chứa đầy hình tượng của hội họa, nhà thơ lại pha thêm chút triết lý nhân sinh để câu thơ thêm sâu lắng, đó là bức tranh bằng lời.Theo dòng thơ vào ngõ suy tư của Ngọc Quyên để nghe nhà thơ thổn thức. Nhìn toàn cảnh: Chiều tà, biển lặng, sóng nhấp nhô, tình ẩn trong ý tạo nên bức tranh đẹp! Sóng ở đây là sóng đời, và sóng do gió chiều làm gợn nhấp nhô. Nhà thơ ví sóng biển là cuộc đời, còn tác giả chỉ là chiếc thuyền mong manh trên sóng nước bao la chẳng biết sẽ trôi về đâu, ghé về đâu? Chất triết lý nhân sinh được nhà thơ gởi trong đó. Nhà thơ đã tỉ mỉ chọn lựa con chữ pha thêm sắc màu để ngôn ngữ chân phương trở thành hình tượng.Trời xanh, nắng vàng, mây trắng, nước biếc, những khoảng không gian thật xa cách nghìn trùng trong ngôn ngữ thơ vốn đã sẵn tương hợp trong thiên nhiên theo quy luật của tạo hóa.
Ở đây nhà thơ biến nó thành nghệ thuật, gom những hình ảnh trời, mây, nước phối cảnh để cùng hợp thể, hòa sắc màu diễn tả nỗi lòng thi nhân. Trong thi ca về phương diện mỹ học những điệp ngữ thường ít được sử dụng hoặc tránh sử dụng vì nó chiếm chỗ trong số câu, làm thừa chữ mà chẳng tạo được nghĩa, làm nghèo ngữ nghĩa! Nhưng điệp ngữ nếu được sử dụng đúng vị trí câu thơ sẽ làm tăng giá trị câu thơ về mặt ý tưởng cũng như nhạc điệu. Trong bài "Đò Tình Xa Bến", nhà thơ có sử dụng những điệp ngữ:
"Mây vờn quanh vờn quanh,…Ôi ngàn năm ngàn năm" Ở đây điệp ngữ là những ẩn dụ diễn tả mối sầu mênh mang vương trong hồn thi nhân chưa tìm được lối thoát. Ngôn ngữ được lập lại ở đây là thanh âm, là nhạc thơ của giai điệu tạo nhịp kết nối mạch thơ diễn tả nỗi sầu giăng như mây mà thời gian cứ dần trôi về miền miên viễn.
Đỗ Bình
Paris 28 02 2013
Đò Tình Xa Bến
Trên bến đợi ngàn năm
Đò tình trôi lặng lẽ
Xa bờ lòng hoang lạnh
Thùy dương nắng vàng hanh.
Biển chiều nay thinh lặng
Mây vờn quanh vờn quanh
Em gởi hồn theo sóng
Nhấp nhô thuyền mong manh
Chở đầy khoang tình nặng
Chìm đáy nước sông xanh
Rong rêu buồn như đá
Ôi ngàn năm ngàn năm!
Vẫn là hương tích cũ
Đợi chờ hóa đá xanh
Trơ gan cùng mưa gió
Lòng hoài ngộ cố nhân
Con thuyền trôi mênh mông
Bờ thương xoáy ngược dòng
Bơ vơ cùng số kiếp
Sóng xô đầy thương mong
Ngọc Quyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét