Võ Thị Trúc Giang Lúa 9 là bút hiệu ghép của Võ Thị Tường Vi. Sinh quán Bến Tre. Là thành viên Ban chấp hành Trung Tâm Âu Châu Văn Bút VN Hải Ngoại.
Đã có Những tác phẩm:
Tình Yêu Nuôi Tôi Lớn (Tập truyện ngắn & thơ),
Đây Mưa Kìa nắng ( Tập truyện ngắn &thơ)
Thà Như Giòng Nước Chảy (Nhật ký)
Chỉ Đơn Giản ( Thơ)
Có Những Điều Không Thể Hiểu ( Truyện ngắn)
Kẻ Té Giếng ( Truyện ngắn)
Gối Lụa ( Tiểu thuyết)
Tình Yêu Nuôi Tôi lớn (Đức Ngữ)
Tìm Nhau Trên Đồi Thông(Truyện ngắn) ….
Ngay từ thuở còn học trò, tâm hồn Võ Thị Thị Tường Vi đã chứa đầy chất lãng mạn nên biết suy tư mộng mơ và thả hồn bay bổng theo những vần thơ áng văn tiếng nhạc của văn thi nhạc sĩ. Từ đó hương thơm của nghệ thuật đã thấm vào tâm hồn bé bỏng Tường Vi, và theo năm tháng lớn dần cho đến sau này khi đã thành một cô giáo đứng trên bục giảng hồn vẫn mộng mơ !
Sau biến cố năm 75, như bầy chim tan tác, Tường Vi giã từ cây cầu tre, con phố nhỏ làm một cánh chim lưu lạc xứ người mang theo cả màu trời quê hương với bao hoài niệm. Có lẽ những kỷ niệm êm đềm của ngày tháng cũ luôn sống trong tâm hồn Tường Vi bằng một sự vô hình, đó là Tình Yêu mà trong đó có tình gia đình, tình cha mẹ, tình lứa đôi, tình bạn bè và tình quê hương. Tất cả những tình cảm thiêng liêng đó đã ăn sâu vào tiềm thức Tường Vi thành một “ nỗi nhớ” không thể chia cắt. Đó là người bạn đồng hành như chiếc bóng theo bên để thì thầm lời vỗ về an ủi những lúc Tường Vi cô đơn. Những nỗi niềm đó đã kết tạo thành những chất liệu thôi thúc tâm hồn Tường Vi phải viết ra những điều trăn trở ẩn dấu trong lòng. Sự chân thành và dòng cảm xúc dạt dào đã mở đường cho Võ Thị Tường Vi thành văn sĩ, có lẽ thế tác giả đã thực hiện tập truyện đầu tay, mang tính tùy bút có tựa là: Tình Yêu Nuôi Tôi Lớn. Sự hoài niệm tình quê hương đã thể hiện qua bút hiệu: Võ Thị Trúc Giang, tên một dòng sông quê hương của tác giả. Lúa 9 được ghép vào từ khi Tường Vi dọn qua Pháp sống tại làng nhỏ tên là Neuf Grange. Neu Grange là 9-vựa-lúa.
Trong giới văn nghệ sĩ có một số người dùng tên thật làm bút hiệu, có người vì vô tình dùng bút hiệu của người khác nhưng sau đó đã dùng bút hiệu khác thay thế, có người vẫn dùng bút hiệu trùng với người khác vì không biết. Và cũng có những người cố tình cầm nhầm bút hiệu người khác để « ăn ké danh », nhằm tạo sự ngộ nhận để đốt giai đoạn tiến thân! Trong giới ca sĩ hiện nay có một số người dùng tên thật của mình làm danh nghệ nhưng lại trùng với những danh nghệ của các các sĩ tiền bối. Sự trùng danh nghệ đó là lẽ tự nhiên, không có gì sai trái! Trong giới nghệ sĩ chỉ có nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là dùng con số cho bút hiệu, và nay có nhà văn Võ Thị Trúc Giang Lúa 9 cũng dùng con số làm bút hiệu. Nhưng Lúa 9 ở đây mang dấu tích của tình tự quê hương. Lúa: Cây lương thực, thân cỏ rỗng, mùi lúa chín là hương đồng nội.
Tập “Thà Như Giòng Nước Chảy” là một cuốn nhật ký trong đó tác giả đã trải lòng mình để đối diện với chính mình. Đây là tâm thức, tiếng nói phát ra từ đáy lòng để nói những điều của mình và những điều không phải của mình, cũng như nói hộ cho tha nhân mà tha nhân đó chỉ là chiếc bóng vô hình, đôi khi chính là cái bóng tác giả.
Với một tâm hồn thấm đẫm chất đồng quê đầy miệt vườn, ngoại cảnh, con người và tâm tình của quê hương đã thấm vào văn phong của Võ Thị Trúc Giang Lúa 9 nên hương văn đã toát ra chất ngọt ngào thơm mùi lúa chín, mà trong đó có lẫn chất triết lý nhân sinh. Trong tác phẩm có những đoạn diễn tả « Thân phận Con người, về Hạnh phúc và Đau khổ », phải chăng do những nỗi buồn năm xưa ở quê nhà, những quay quắt ở xứ người hôm nay mà tác giả có những ý tưởng trên ? Tác giả viết :Cuộc sống không thể thiếu Tình Yêu, nhật ký ngày 24 tháng 3 năm 2006.
Thuở còn đi học Tác giả thích nhạc trịnh Công Sơn, yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên, thơ nhạc đã thấm vào hồn Tường Vi nên đã âm hưởng lời thơ tiếng nhạc không qua câu chữ thơ nhạc mà qua cách suy tư về
"con người và ngoại cảnh".
Trong tác phẩm Thà Như Giòng Sông Chảy có đoạn: "Để gió cuốn đi". Đây là âm hưởng dòng nhạc họ Trịnh!:“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi…”.Trúc Giang là một nhà văn dấn thân, trong phương diện xã hội hay giúp đỡ cộng đồng, nhất là Trúc Giang có một đời sống vật chất sung túc, một gia đình rất hạnh phúc nên rất lạc quan yêu đời, do đó xem những khó khăn chỉ nhất thời rồi mọi chuyện cũng sẽ qua ! Tâm hồn nghệ sĩ thì mênh mông, bao la như thế nhưng chắc gì « gió », là hiện tượng thời tiết thiên nhiên, dù vô hình nhưng mang luồng không khí lớn chuyển động trong không gian. Gió có thể làm những hàng cây nghiêng ngả, cuốn những chiếc lá bay.. Trong lời thơ ý nhạc, nghệ sĩ đã mang tư tưởng triết học vào ca từ, lời thơ để cho gió có linh hồn, hình tượng ngôn ngữ có khả năng biết thông cảm niềm đau nhân thế mà chia sẻ làm vơi đi nỗi sầu để gió có thể cuốn đi hết những vui buồn của cuộc đời, nếu được như thế thì đời chẳng còn tiếng thở dài ? Tình yêu quả phức tạp! Nhà văn Trúc Giang Lúa 9 thổ lộ trong câu: “Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu....”( TCS )
Trong Truyện Kiều, Thi hào Nguyễn Du:
”Tái sinh chưa dứt hương thề.
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai
Nợ Tình biết trả cho ai,
Khối Tình mang xuống tuyền đài chưa tan.”
Nguyễn Du
Cũng trong lãnh vực tình yêu của khung trời văn nghệ, vào năm 1970 thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên viết bài thơ Khúc Tình Buồn, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc và đã đổi Tựa là: Thà Như Giọt Mưa, đã trở thành một ca khúc nổi tiếng và nhờ đó công chúng biết đến bài thơ. Lời thơ mang chút triết lý nhân sinh nhưng ý thơ lại diễn tả một mối tình tuyệt vọng :
"Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá, thà như giọt mưa khô trên tượng đá, có còn hơn không, có còn hơn không ?... "
Mưa trong văn học nghệ thuật thường mang nét buồn khơi gợi những kỷ niệm. Mưa là dạng ngưng tụ của hơi nước khi gặp điều kiện lạnh. Từ sự hiến đổi hình tướng mưa trở thành nguồn sống cho con người, cho muôn loài cỏ cây hoa lá, và là niềm hy của những nhà nông trên vùng đất khô cằn. Mưa là nguồn nước của sông hồ, nhưng giọt mưa lại rất mong manh chạm vào sẽ vỡ, nên những cơn mưa bụi rơi trên đường sẽ biến vào không gian, nào ai biết ? Giọt mưa trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên là khối tình được nhà thơ nhân cách hóa để ẩn dụ qua hình tượng như giọt thủy tinh rơi trên tượng đá vỡ tan thành trăm mảnh! Nhà thơ dùng trạng từ Thà ở đây biểu thị điều sắp xảy ra dù biết rõ là không hay nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận hầu tránh một điều không muốn khác. Phải chăng thà là cứ yêu để mộng tình tan vỡ, như thế nhà thơ vẫn còn được quyền yêu dù đó chỉ là tình đơn phương?!
Ngạn ngữ Tây phương có câu:
“Nhiều người đã từng cảm nhận vị ngọt tình yêu qua một tiếng sét ái tình thường nhớ mãi về nó như một biến cố lớn trong đời.”
Ở cõi nhân gian, nếu có người chẳng biết yêu hay không có quyền yêu thì thật là đau khổ ! Do đó ý nghĩa của câu: “Có còn hơn không” đối với những kẻ đang yêu thật là giản dị, chẳng triết lý cao xa, nhưng lý giải lý lẽ tình yêu lại là một triết lý?
Trong những đoạn tùy bút của Trúc Giang người đọc không khỏi thắc mắc: “ Có thật một Trúc Giang ngoài đời đầy lãng mạn, đam mê, đa cảm như trong tiểu thuyết”? Văn tức là người.
Năm 2009 Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris tổ chức một sinh hoạt văn học nghệ thuật chủ đề Thu Tao Ngộ: Tác Phẩm và Tác giả, quy tụ nhiều nhà văn nổi tiếng ở các nước Mỹ, Canada, Âu châu sang Paris ra mắt sách. Ngày đó tôi và nhà văn Tô Vũ giới thiệu Võ Thị Trúc Giang. Lần khác vào năm 2011, tôi và một số văn nghệ sĩ Paris hân hạnh gặp lại vợ chồng Trúc Giang và Bà chị. Nếu một nhà văn Trúc Giang thật lãng mạn trong văn chương, sầu muộn trong thi ca, thì ngoài đời một Tường Vi rất nhiệt thành chân tình với bằng hữu. Qua lời của Bà chị và của chồng thì Tường Vi mới đích thực là “Em”, tính tình hiền lành đôn hậu, một mẫu người vợ đảm đang và rất ngoan trong gia đình. Trúc Giang may mắn được gặp một người chồng, người bạn đời tri kỷ đã hiểu mình và khuyến khích Trúc Giang sáng tác. Trong con người nhà văn của Trúc Giang còn có một nỗi đam mê mãnh liệt, văn chương và gia đình vẫn song hành như bóng với hình luôn ngự trị trong tâm hồn nữ sĩ. Điều ấy có thể lý giải được, Tường Vi sống bên cạnh một người đẹp trai, thông thông minh và thành đạt, lại biết ga lăng nhưng Trúc Giang vẫn tìm cho mình một mẫu người trong mộng tưởng tượng để sáng tác, và nặn ra một con người mà ngay chính mình cũng không hiểu ? Nhiều khi trong tác phẩm của Trúc Giang có những hình ảnh của người tình thuở học trò, của người chồng hay của bằng hữu. Những kỷ niệm đẹp được khơi dậy trong tiềm thức, thắp sáng tâm hồn nhà văn tạo nguồn cảm xúc dạt dào. Những hình ảnh thân thương của một thời, của hiện tại được ráp nối, tác giả đã thả tâm hồn trên dòng cảm xúc tuôn chảy theo con chữ mà không dấu diếm nên để dệt thành tác phẩm. Có lẽ thế, văn thơ của Trúc Giang có một chỗ riêng; đó là hình ảnh quê hương mang đậm nét giòng sông Trúc Giang nơi quê nhà với cánh đồng đầy lúa chín.
Trúc Giang đã có những bài thơ tình rất hay, nhưng những bài thơ làm sau này, dù bài thơ có hay nhưng ý thơ không mới bởi tứ thơ cũng chỉ lập lại ý cũ ! Nhưng Trúc Giang họa thơ tình thì đặc sắc ! Nhà thơ đã nhập vào hồn thơ của thi nhân, hóa thân thành người tình trong thơ để chung hồn hòa điệu với tác giả, đôi khi có những bài họa lại xa rời tứ thơ, lạc vào ý mới, ngôn ngữ thơ lãng mạn sướt mướt hơn bài xướng! Về Thơ Xướng Họa, thường thì các thi nhân làm những bài thơ họa mà hay hơn bài thơ xướng rất ít, phải người có tài thi phú và là thi sĩ mới họa được những bài hay, để ý thơ của bài xướng và bài họa cùng chung hồn thơ! Nhưng trong thế giới “ảo” sự vay mượn cảm xúc khó tìm ra dấu vết cuộc tình chân thật để có những cảm xúc thật dệt thành bài thơ hay, độc đáo; trừ phi các thi nhân đó đã từng quen biết nhau.
Mời các bạn thưởng thức bài thơ Ghen và bài thơ Khép Cửa của Võ Thị trúc Giang:
Nếu chồng em hỏi:
Thơ tình này em viết tặng ai?
Thì em xin khẽ thưa anh rằng là:
Cưới em anh cưới hết một đời,
Cưới môi, cưới mắt, cưới thân ngọc ngà
Thân em như bể mưa sa
Tim em như thể con thuyền lượn quanh
Với anh tặng hết cho anh
Còn tim em thể xin nhường cho em
Em buồn nhiều lúc trăng lên
Em buồn như thể con xa vắng nhà
Em thèm hơi ấm mẹ cha
Em thèm hơi ấm người tình năm xưa
Em buồn khi nắng khi mưa
Buồn thơ buồn thẩn nhạc và lời ca
Hiểu em đừng trách em nha
Cưới em anh đã cưới luôn tính tình
Tính tình tang, tính tình tang
Cưới em anh đã cưới luôn một đời.
( Trích tập Tình yêu nuôi tôi lớn)
Khép Cửa
Anh gõ cửa,
Ngập ngừng anh đến
Cửa tim em,
anh nhẹ gõ mền
Tiếng đàn êm
anh tìm cung phím
lúng túng làm sao,
đứng trước bậc thềm
Đắn đo!
Tim em mở,
anh vào rồi đấy
ngất ngây say,
một giấc mộng lành
Muốn đuổi anh đi,
Nhưng lại không đành
Muốn khép cửa,
Thôi mời anh ở lại.
((Trích tập Tình yêu nuôi tôi lớn)
Đây là những bài thơ tình hay vì lời thơ chân thật, ý thơ độc đáo. Bài thơ Ghen, nhà thơ đã dám thổ lộ lòng mình với người chồng tri kỷ mà không dấu diếm. Bài thơ Khép Cửa, nhà thơ đã viết cho người tình lúc mới quen và sau đó cũng là người chồng, hay nhà thơ viết cho người trong mộng? Chỉ có tác giả mới hiểu được ý nghĩa thật của bài thơ. Ở trên đời chẳng có một nhà phê bình văn học nào hiểu được hết những ý nghĩa sâu thẳm trong đáy hồn nhà thơ! Có một nhà tư tưởng Mỹ nói:
“Tình yêu là khúc dạo đầu tuyệt diệu
trong dàn nhạc giao hưởng cuộc đời”
Đa số những bài thơ Tình được nhà thơ diễn tả tình cảm chỉ phiến diện, lưng chừng như thiếu hơi, vì không dám đẩy hồn thơ lên chót vót đỉnh của tình yêu, có lẽ nhà thơ ngại tiếng đời, sợ bị hiểu lầm, hoặc không tìm ra ngôn ngữ để diễn tả ? Cho nên khi một bài thơ Tình mà dấu tên tác giả, nếu nhà thơ đó không có lối sáng tạo riêng sẽ không ai còn nhận ra thơ của ai, vì ngôn ngữ trong thơ được chép từ những lời của ca khúc nhạc vàng năm xưa. Như thế câu ví: “Thơ là người” sẽ không còn nghĩa!Do đó những bài thơ viết về tình dang dở dễ bị ngộ nhận tác giả bài thơ, vì chuyện tình và ngôn ngữ trong thơ của nhiều tác giả rất giống nhau!
Thơ văn của Võ Thị Trúc Giang như dòng suối riêng chảy bất tận. Thà Như Giòng Nước Chảy, mãi mãi là bài tình ca ẩn hiện trong tâm hồn đa cảm của nhà văn, nhà thơ Võ Thị Trúc Giang.
Đỗ Bình
Paris 27 07 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét