(Kính dâng lên Mẹ
Cho ngày lễ Mother's Day)
Viết những kỷ niệm về mẹ mình thì ai cũng giống tôi như đang ngồi đếm sao trên trời, như đang mênh mang nhìn dòng suối trong chảy tràn lên hai bờ cỏ êm, len lách qua từng viên đá sẫm phủ rêu xanh. Những kỷ niệm về mẹ đã luôn được tôi tự giát vàng nạm ngọc trong tim, rải dài trên con đường mà tôi đã nắm tay mẹ đi qua hơn nửa thế kỷ cùng người. Những đoạn đời dù có thăng có trầm, nhưng toàn cả những dịu dàng êm ả như mơ bên dòng suối tóc mẹ, bên đôi tay ấm áp ôm chặt lấy tôi hết đưa tôi vào những thế giới thần tiên này, lại dẫn dắt tôi đến những vùng thánh địa khác thơm ngát những bông hoa bất tử của mẹ tôi. Những gì trong kỷ niệm tuy thật xa vời nhưng cũng thật mới, thật gần như ngày hôm qua nếu ta cố nhớ và muốn sống lại cùng mình. Với tôi, cứ tưởng như tôi đang dầm mình trong cơn mưa lớn, ướt đẫm, chạy tung tăng trên đường phố hẹp cùng đám trẻ con cùng xóm, cùng lứa tuổi. Rồi trí nhớ lại đưa tôi về một vùng xa lắc, dòng hồi tưởng từ từ bung dần lên như chiếc bánh bông lan đang đến độ nở sung mãn trong lò nướng. Tôi đang nghĩ đến nồi xôi hông chín vàng ươm thơm ngát của mẹ.
Tôi nhắc lại, không biết lần này là lần thứ mấy với con gái tôi khi tôi nhấc ra khỏi bếp nồi xôi hông trắng bạch vô duyên, các hột nếp như không còn hiện nguyên hình của hạt nếp chín mà là một nắm nhão nhoét xôi ướt. Để che dấu cái vụng về nấu ăn của mình, tôi kể:
-Khi xưa mệ ngoại đã từng bán xôi để giúp me nuôi con đó. Mệ bán đắt lắm, xôi mệ nấu ngon và thơm, chỉ một tiếng đồng hồ là mệ bán sạch nồi xôi.
Quả thật, tài nấu nướng của mẹ tôi trong một gia đình quý phái cuả bà ngoại tôi, thì cái nồi xôi hông với đậu xanh một cách đặc biệt cổ điển thì thật là dễ như ăn một miếng bánh và tuyệt hảo như một nồi xôi "nếp một".
Thức dậy sớm để chuẩn bị cho một chuyến của cua rơ xe đạp ra vùng quê dạy học là khi mẹ tôi đang còn thổi bùng những ngọn lửa lớn đang còn nhảy nhót dưới nồi hông xôi, khi ngọn gió ban mai lạnh nhẹ len vào những lỗ thoát khói của căn bếp tạm không đủ làm hồng đôi má của mẹ. Giúp mẹ, tôi chỉ việc mang những chiếc đòn nho nhỏ như mòn láng dấu ngồi, con bé 4 tuổi lủn chủn bắt chước me nó theo sau đặt quanh trước khoảnh hiên nhà thì biết là người ta đã đợi mẹ tôi. Khi nồi xôi láng bóng phủ tấm khăn mỏng trắng tinh được khệ nệ đem ra từ bếp và khi mẹ tôi dỡ chiếc khăn đậy xôi lên thì là cả một vùng trời thơm ngát của mùi lá dứa, nếp tươi ngào ngạt cùng làn gió sớm mai đưa đi xa. Màu vàng óng ánh của những hạt đậu đãi sạch vỏ xanh lấp lánh bên những hạt ngọc của trời trắng ngà, dẽo mềm, như một thủy chung của đậu xanh nếp trắng. Lúc đó hình như tôi không còn thấy mẹ tôi đâu nữa, mọi người khách bình dân lẫn sang cả của mẹ tôi đã bao quanh vây kín bà vào cõi trời riêng thơm phức đậu mè, dừa nạo của hàng xôi nổi tiếng như cồn ở đường phố Mai thúc Loan dạo ấy. Một cô giáo cấp ba lớn tuổi độc thân, ghiền xôi của mẹ tôi, sáng nào cũng đạp xe đến mua còn dặn: " Chị nhớ để dành cho em một gói lớn vào ngày mai nếu em đến trễ ." Không biết sau này cô được định cư ở Úc cùng chồng là một giáo sư đại học bến ấy, có còn nhớ gói xôi để dành hàng ngày cho cô và có gói xôi nào bên nớ ngon bằng gói xôi bên ni của mẹ tôi không .
Con bé nhà tôi lần này lại hỏi thêm:
- Răng mệ không nấu thêm nồi nữa?
- Một nồi cũng đủ làm cho mệ mệt rồi.
Con tôi vốn lớn lên ở một phương trời khác với phương trời của ba mẹ nó, nó không biết đến những gì đã xảy đến cho gia đình tôi khi mà toàn cõi nước Nam nhà ta gọi là biến cố, gọi là mất nước, là sụp đỗ, là chính biến của một lịch sử đen. Những con đường mang tên những vị anh hùng lịch sử cả ngàn năm bị đổi tên, ngôi trường thơ ấu và thời niên thiếu của tôi cũng bị sang tên đổi chủ, và ngay cả những con người cũng bị đánh mất những điều gì đó cần phải có trong tim người. Con bé tôi không biết được lúc ấy ba tôi bị đọa đày trên rừng sâu, hóc núi, ngôi nhà chúng tôi bị trưng thu chỉ được ở lại trong một gian nhỏ của nhà khi chúng tôi cứ ù lì không chịu đi vùng kinh tế mới. Giang sơn nhà tôi như cả một thế giới bị co rút lại, chật hẹp, ngỡ ngàng và ứa toàn nước mắt. May mà chúng tôi được ở mặt trước đường phố, và đó là nguyên nhân mẹ tôi “ phát minh” ra được cái sản phẩm xôi đậu xanh rắc dừa nạo và muối mè đậu phụng ngọt, ít vốn. Khi ấy, tất cả gia sản đi theo những lần vượt biển không thành cho chị em tôi. Những vòng vàng sẫm mầu, những chuỗi ngọc lóng lánh đã rời bỏ trên tay mẹ không muốn còn là những ký ức trong tôi. Kỷ niệm này hình như đã đi cùng với những chuyến đi để đánh đổi vận mệnh, để rồi cái họa cũng đã vấn vào gia đình tôi cùng vận nước đang bị vấn vào một oan khiên đứt đoạn. Những gì còn lại cho gia đình chỉ là đôi tay gầy guộc và ý chí sống còn của một vị anh hùng khi lâm trận mà mẹ đã trang bị lại cho kiếp sống mới của chúng tôi.
Con tôi không biết được khi tôi và nó đang còn thả những giấc mộng đẹp bên chiếc gối ôm dài thì mẹ tôi đã ngồi dưới ánh đèn, nâng niu đãi từng hạt đậu xanh cho sạch vỏ, lần từng hạt nếp ngâm từ đêm qua để gạt ra những hạt cát, sạn nhỏ, chắt chiu từng nắm nếp trắng như trắng cả đời của mẹ để được nghe những lời khen bên những gói xôi vàng thơm. Mẹ tôi như một nghệ sĩ biết trân quý tác phẩm của mình hơn là một thương gia, dù thương gia vốn chỉ là dăm ba đôi đủa múa trên đống xôi thơm mùi nếp mới. Mẹ đã trải nhiều thời gian để sửa soạn cho buổi bán ngày mai còn hơn sửa soạn cho một buổi tiệc đông người từ dạo nào ba tôi còn tại chức, nhóm họp, hội hè, thậm chí cả bài bạc để giải trí luôn mở ra tại nhà. Lúc ấy, tôi nhớ là mẹ tôi lại trổ tài bên bếp lửa trong căn bếp láng bóng không chút bụi than, mà đã một lần người bạn của ba tôi đến dự tiệc đã buột miệng than: " Ước chi bà nhà tôi được một phần mười của chị." Mẹ tôi cười sung sướng, hai má càng hồng thêm bên chảo bánh khoái Huế. Nay người ta để son nồi ngổn ngang, dẫm trên nền bếp ướt như dẫm trên trái tim đau của mẹ, như cày xới trên mảnh đất nhỏ màu mở nguồn sống của chúng tôi. Căn bếp sạch, tường vách trắng ngà láng lẩy đã bị vấy bẩn như những mảnh đời bổng dưng bị vẫn đục. Vị trí những chai lọ muối, đường, nước mắm của mẹ cũng bị người ta đổi địa chỉ như đổi thay của những con đường, của những khoảng trời xanh bị choán hết chổ thở. Bếp hồng của mẹ tôi đã trở thành một đống bát nháo như một đống cá lòng tong, mà ngay chính bản thân tôi lúc đó cũng tức giận, đau đớn hơn mẹ một khi biết mình là đã mất ngay chính trên tay mình những gì đã chính mình tạo dựng. Thỉnh thoảng, trong những phút dằn lòng mẹ tôi lại ngâm nga bên thúng nếp :
"Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa."
Mẹ tôi yêu chuyện Kiều, thuộc làu làu và biết đặt những câu thơ của cụ Nguyễn Du vào hoàn cảnh hiện tại, như tìm một giòng giải thoát cho chính mình để lấy lại chút an bình.
Con gái tôi lại không biết được khi ấy mẹ tôi đã trên dưới sáu mươi, sức khỏe mẹ không cho mẹ có thể ngồi lâu hơn để hông thêm nồi xôi nửa. Những tháng ngày đầu tiên của trận cuồng lũ lịch sử, những con thuyền tơi tả, những người lái thuyền mong manh tan tác như xác lá trôi trên dòng lũ. Mẹ và anh trai thứ ba của tôi đã lặn lội, trèo suốt qua mấy ngọn núi cao, đồi trọc, xuyên qua những buôn thượng, vượt tận đến vùng biên giới Việt -Lào hiểm trở để tìm cho ra được nơi người ta đang giam giữ ba tôi cùng với nhiều chiến hữu khác. Cũng mất gần cả tuần lễ mần mò, hỏi han, lầm lũi trong gió nắng của vùng hạ Lào cùng với một vài vị phu nhân khác, tìm thấy được dãy nhà lá thô sơ có ba tôi. Trở về, anh tôi bị một trận sốt rét thương hàn cả tháng, đầu tóc rụng sạch như hói, da vàng như những viên thuốc kí ninh. Còn mẹ tôi từ đó nhuốm cái bệnh đau đầu gối vì trèo núi, vượt đường bộ. Nhiều lần tôi bàn với mẹ đổi bán xôi sang một món nào khác, mẹ tôi cười hể hả :
-Me chỉ bán có tiếng đồng hồ, lại it vốn, bỏ công một chút. Kiếm đủ để bới xách cho ba con, lại cho con bé mấy hộp sữa Liên Sô.
May mắn cho tôi hơn các anh chị, tôi được ở bên mẹ, nhưng tôi và con gái tôi bỗng trở thành đôi quang gánh trên vai mẹ. Đồng lương cô giáo thời ấy cho dù có xuất thân từ một đại học sư phạm cũng chỉ đủ nuôi dưỡng thêm những thiếu thốn, mơ ước cho bản thân tôi và con, bên cạnh còn có thêm những thất bại của chồng tôi. Nhưng mẹ vui lắm, nhất là mẹ vui vì có con bé. Buổi chiều sau khi sàng sẩy, nhặt sạch thóc còn sót ở thúng nếp mới và đậu xanh đặt mua ở một làng quen, vút sạch rồi ngâm vào hai son nước lớn là mẹ tôi dạy con bé hát, hò các câu ca dao mà tôi không bao giờ thuộc. Mẹ thích nhất là bài hát Sơn Nữ Ca. Mỗi lần nghe mẹ bày cho con bé hát, thì như cả một vầng trăng sáng mơ màng trong rừng vắng rơi trên vai mẹ. Nghệ sĩ tính trong mẹ vẫn luôn nuôi dưỡng mẹ từ trăm ngàn cái khó trước mắt trong cuộc hành trình mới. Nhớ đến một câu của một vị thiền sư : " Mỗi bước đi trong cuộc hành trình chính là cuộc hành trình." Tôi lại nghĩ đến cuộc hành trình của mẹ trên những ngón tay gầy trắng xanh, âm thầm trải nốt đoạn đường đời cùng những hạt nếp trắng tròn. Trái tim tôi nhói đau âm ỉ từng giây từng phút, ngọn lửa liếm quanh nồi hông xôi như đang liếm cả vào người tôi cháy rụi dần. Mười ngón tay tôi bỗng dưng tê buốt như những cây kim phóng ra từ những hạt đậu vàng châm vào từng đầu ngón, khi mẹ tôi đưa bàn tay đãi đậu ra, mẹ nói:
- Móng tay me đã không còn mọc ra nữa, đãi đậu mỗi ngày nên nó trùi.
Một sáng được nghỉ dạy, tôi ngồi phụ mẹ bán. Một thằng bé trạc mười một hay mười hai, tay cầm xấp vé số còn mới cứng, da sạm nắng, ốm, nhỏ nhắn nhưng đôi mắt sáng đen, lanh lợi đến bên mẹ tôi. Nó cúi chào " Thưa mệ" rất lễ phép và tươi cười với mẹ, mẹ tôi đưa cho nó gói xôi đã gói sẳn hồi nào. Nó cám ơn mẹ rồi vụt chạy đi cho kịp khách ở một vài quán cà phê ngoài trời nào đó để cho họ dò số và mua vé. Một giờ sau nó lại chạy vội vả về đến hàng hiên nhà tôi, tự động, chỉnh chạc như một vị chủ nhân, thu dọn lại mấy chiếc đòn, để vào một góc nhà, bưng nồi xôi đã sạch nhẳn và một số lỉnh kỉnh khác đem vào bếp cho mẹ tôi, nhìn quanh thấy không còn sót món nào, lại dùng cây chổi nhỏ ở góc nhà quét những xác lá gói vơ vẫn quanh hiên nhà. Nó lại nhìn quanh một lần nữa, thấy vừa ý, rồi chạy vụt đi bán lại. Như biết nỗi thắc mắc ngờ ngẩm của tôi, mẹ tôi ngần ngừ một chút, rồi kể:
- Nhiều lần, sáng sớm, nó đi ngang qua, chỉ đứng nhìn me bán. Lần đó, me gọi lại hỏi, nó nói : ”Con thích ăn xôi của mệ, nhưng mới sáng con chưa bán được vé mô cả”. Biết là nó đang nhìn và thèm vì đói, me gói cho nó gói xôi thật lớn. Nó không dám nhận, me bảo cứ ăn đi rồi đi bán, ngày mai đến mệ để dành cho con nữa, nó nhận rồi chạy đi. Một giờ sau nó chạy về lại gặp mệ và nói : Mệ cho con xôi thì con phải giúp mệ dọn dẹp.
Kể xong mẹ tôi hả hê nói thêm:
- Thằng nhỏ ngó vậy mà mẹ nó biết dạy con.
Mẹ tôi không phải cùng thằng bờm muốn đổi lấy nắm xôi mà chỉ thương nó như thương cho một số phận đang rơi trên vai nhỏ của nó. Cha đi lính chết trận Hạ Lào 72, bốn mẹ con nó được hưởng tiền tử tuất cho đến 75 thì không còn hưởng nữa, mẹ nó bán chè gánh lại hay đau, nó đành đi học lớp bổ túc văn hóa ban đêm, ngày đi bán vé số phụ mẹ nuôi hai em. Từ đó, mối giao tình giữa mẹ tôi và thằng bé mỗi ngày mỗi gắn bó thêm, gần gũi thêm, như một nhân duyên của hai bà cháu. Tôi nghe mẹ tôi thường mắng yêu nó : " Cáí thằng ni, cha mi nờ , mệ có biểu con dọn dẹp cho mệ mô nờ. " Ít ra mẹ tôi cũng có người cùng đi chung trong cuộc hành trình mới, cho mẹ tôi một chút ấm áp, san sẻ cùng bà những cơn gió lạnh ban mai của mùa đông. Dù chỉ là một trái tim nhỏ bé của trẻ thơ, nhưng biết cùng hoà nhịp điệu trong trái tim lớn của mẹ tôi. Chính lúc đó là tôi học được ở mẹ: - cho dù trong mỗi cuộc sống có bị thui chột, có những nỗi đau, nhưng trái tim hãy cứ giữ những thăng hoa để rồi được gặp thêm hạnh ngộ.
Mười năm sau, căn nhà tôi được trả lại trong hoang tàn, đổ nát của phá phách. Mẹ tôi nghỉ bán xôi từ mấy năm trước, từ khi ba tôi được trở về. Chung quanh đường phố vùng nhà tôi ở cũng có nhiều hàng xôi mọc lên, họ cố làm giống như nồi xôi của mẹ tôi. Nhưng những tay ngang nấu xôi ấy làm sao sánh nổi với nồi xôi của những hương liệu kén chọn kỹ, cung cách nấu cầu kỳ cổ điển, lại thêm cách trình bày trên dĩa hay gói có một phong thái tao nhã, quý phái của mẹ. Tôi có thêm con trai, cũng mấy lần chập chững mang đòn ngồi cho mệ ngoại bán xôi. Sau những lần thất bại, vợ chồng tôi được mẹ cho phép mở một photo ' shop ngay trên căn phòng trước nhà, mà trong những năm qua, gia đình chúng tôi đã tụ lại trong khoảnh trời nhỏ nhoi nhưng chứa đầy tình yêu của mẹ . Nơi đó, ngày nào trước thềm nhà long lanh nắng mai, đã là một "công ty" có danh xưng của mẹ tôi: " Xôi đậu xanh dừa mè của mệ ..." Cái phước đến sau cái họa, chúng tôi thành công, shop rất đông khách.
Rồi gia đình nhỏ của tôi lại ra đi, đi để được thoát một mệnh số đen tối. Mẹ tôi ở lại hương khói cho Ba tôi, ông bà, tổ tiên. Thằng bé bán vé số trong mối lương duyên bà cháu của mẹ, nghe nói đã theo mẹ nó và hai em bỏ xứ vào Nam. Hai gói xôi trong quá khứ để dành của mẹ, một bay qua phương trời Úc, còn gói để dành cho thằng bé, mẹ vẫn để dành và cất giữ mãi trong trái tim già nua chan hòa tình người của mẹ, cho dù không biết giờ này nó là một aí, đang ở phương trời nào. Còn tôi vẫn luôn cất giữ trong tim tôi đôi bàn tay ngà ngọc đầy gân xanh của mẹ, với những ngón tay đãi đậu đẫm ướt không được mọc ra lại những chút móng mỏng mảnh sinh lực của người. Thật là đôi bàn tay tuyệt đẹp như một kỳ công của người mẹ tảo tần.
Nhìn thấy hồ nước long lanh trong mắt con gái tôi, như chính đôi mắt tôi cũng đang rươm rướm lệ. Những chuyện kể về nồi xôi của mẹ không như là chuyện thần thoại, không như là cổ tích nhưng mẹ tôi đối với con gái tôi luôn là một bà tiên mẹ đầy nhân đức, yêu cháu, yêu người. Một bà ngoại tiên mà nó luôn thương nhớ và tôi biết là đã ghi đậm trong tận cùng sâu thẳm của con tôi. Bà tiên của con tôi có trái tim của một người Mẹ mà không một trái tim nào khác lớn bằng.
Trong cõi riêng tôi, mỗi ngày như một nỗi niềm cùng mẹ và trên mỗi trang trong cuốn nhật ký viết lung tung của tôi, chỉ một hàng chữ duy nhất đã được tôi đóng khung, vẽ hoa. Mẹ tôi sẽ đọc được từ nay, mãi mãi, và cho đến muôn đời sau : " Con thương Mẹ nhất, mẹ ơi "
Laveen , AZ
14 tháng tư 2012
Võ Hương Phố
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét