Phiếm luận:
Tuổi Tý là con chuột nhà,
Bắt vịt bắt gà khoét lổ đào hang.
Đó là hai câu mở đầu cho "Bài Vè 12 Con Giáp" ở vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh quê tôi. "Tuổi Tý là CON CHUỘT NHÀ" nghe gần gũi và thân thương làm sao ấy. Ở thôn quê, nhà tranh vách đất, nên ở dưới sàn trong bếp hay chỗ khuất lấp một chút là thế nào cũng có ổ chuột hang chuột. Như trong bài Hàn Nho Phong Vị Phú của cụ Nguyễn Công Trứ đã miêu tả :
Bóng nắng giọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô,
Hạt mưa xoi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó.
Và nhất là tiếng chuột rút rít kiếm ăn ban đêm là việc thường nghe của các nhà nghèo:
Đầu giàn, chuột lóc khua niêu, buồn thôi lại bỏ...
Dòng họ nhà chuột và nơi ở của chuột được trình bày đầy đủ trong bài Thảo Thử Hịch 討鼠檄 (là Hịch Diệt Chuột) của cụ Nguyễn Đình Chiểu như sau :
Gọi danh hiệu: chuột xạ, chuột lắt, chuột chù, chuột cống - anh em dòng họ nhiều tên;
Tra quán chỉ: ở nhà, ở ruộng, ở rạch, ở lùm - bầu bạn non sông lắm chỗ.
Không phải như Lục súc là ngựa, trâu, heo, dê, gà, chó, được con người nuôi nấng đàng hoàng, con chuột không được hoan nghênh ở trong nhà, nhưng vẫn ngang nhiên chạy nhảy và sống thoải mái vui vẻ như một thành viên không thể thiếu trong gia đình. Chả thế mà nó còn được ông tổ của Tử Vi là Hi Di Trần Đoàn tôn là con vật đứng đầu cho mười hai con giáp nữa thế mới oai chứ !
Đứng đầu Thập Nhị Địa Chi là TÝ 子, cầm tinh THỬ 鼠 là con Chuột. Nhưng Tháng Tý không phải là Tháng Giêng mà là Tháng Mười Một, và giờ Tý không phải là buổi sáng đầu ngày mà là nửa đêm từ 11pm cho đến 01 am của ngày hôm sau, theo như câu nói của dân gian là :
Nửa đêm, giờ Tý, canh ba...
Nhớ khi xưa trong giờ học Hán Văn với thầy Dương Tự Tam ở trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, thầy đã đọc câu thơ 6 chữ nầy. Lúc đó, trong lớp cũng có một bạn giỏi chữ Nho đã nối câu 8 chữ như sau:
Vợ ai, con gái, đàn bà, nữ nhi!
"Nửa đêm, giờ Tý, canh ba" đều chỉ cùng một thời điểm là "NỬA ĐÊM", cũng như "Vợ ai, con gái, đàn bà, nữ nhi" cùng chỉ chung một giới tính : "NỮ GIỚI". Nhớ trước năm 1975, dân Miền Nam ghiền hát Cải Lương đã nhận xét về tuồng "Chiều lạnh Tuyết Băng Sơn" của soạn giả THU AN, do Út Hiền, Ngọc Hương, Thành Được, Mỹ Châu thủ diễn là " Tuồng hát có tên giống như là "Nửa đêm, giờ Tý, canh ba". Vì "CHIỀU LẠNH" đã lạnh rồi, "TUYẾT" càng lạnh hơn, rồi "BĂNG SƠN" càng lạnh hơn nữa; tất cả đều xoay quanh chữ "LẠNH" giống như câu "Nửa đêm, giờ Tý, canh ba" vậy !
Năm Tý là năm Chuột, Chuột là THỬ 鼠, trong "CHỮ NHO...DỄ HỌC" THỬ là chữ Tượng hình theo diễn tiến của chữ viết như sau:
Giáp Cốt Văn Đại Triện Tiểu Triện Lê Thư
Ta thấy:
Giáp Cốt Văn là hình tượng của con chuột và 3 hạt thóc, sang qua Đại Triện, Tiểu Triện là hình con chuột ngồi nhe hai hàm răng chơm chởm với cái mình và 4 chân bên dưới, cuối cùng là cái đuôi từ phải cong sang trái. Nên, THỬ 鼠 là Chuột.
Chuột là giống gậm nhấm phá phách, từ nông phẩm, thực phẩm, đến đồ gia dụng không từ thứ nào cả, nên còn được gọi là HAO TỬ 耗子 ( con vật làm Hư Hao đồ đạc ), và vì tính nào tật nấy, cứ thế phá phách, nên lại được gọi là LÃO THỬ 老鼠 = đồng âm với LÃO THỬ 老此, có nghĩa là LÃO THỊ NHƯ THỬ 老是如此 : Cứ vẫn như thế ! (Vẫn cứ phá phách như thế mãi !).
Trong 12 con giáp, có 2 con được gọi là LÃO:
1, Con Chuột: LÃO THỬ 老鼠. Như đã nói ở trên.
2, Con Cọp: LÃO HỔ 老虎. Giới bình dân của ta gọi là "Ông Cọp".
Ta thường nói: Nhát như thỏ đế ! Nhưng người Hoa lại nói : ĐÃM TIỂU NHƯ THỬ 膽小如鼠 : là Mật nhỏ như chuột, nên gọi những người nhát gan là THỬ ĐÃM 鼠膽 : Mật chuột. "Thứ cái đồ Mật Chuột" có nghĩa như là "Thứ cái đồ chết nhát" của ta vậy !
Chuột lại là con vật bị xem thường xem khinh, như ta mắng những kẻ tiểu nhân, những tên đầu trộm đuôi cướp là : Đồ chuột nhắt ! Tương đương với từ THỬ BỐI 鼠輩 : là Lũ chuột. Người ta ghét chuột, nên hễ thấy chuột là đuổi, đánh, ném, chọi, vì thế ta lại có thành ngữ :
ĐẦU THỬ KỴ KHÍ 投鼠忌器: Ta nói là " Ném chuột sợ vỡ đồ ". Thành ngữ nầy có xuất xứ từ Hán Thư, Giả Nghị Truyện, như sau:
Xưa có người thích sưu tập đồ cổ ngoạn. Ông ta tìm mua được một chiếc bình cổ thật đẹp, đặt trên bàn trong phòng khách, suốt ngày ngắm nghía trầm trồ. Một hôm, vừa từ nhà trong bước ra, ông ta thấy một con chuột đang định nhảy lên trên chiếc bình. Quýnh qúa, ông ta bèn tháo một chiếc guốc đang mang ném con chuột. Không ngờ, con chuột thì chạy mất, nhưng chiếc bình bị guốc ném trúng, rớt xuống đất vỡ tan. Ông ta vô cùng hối hận cho sự nóng nảy thiếu suy nghĩ của mình.
Giả Nghị, một Thừa Tướng giỏi đời Hán, đã dùng câu truyện ngụ ngôn trên để khuyên ngăn Hán Văn Đế không nên dùng cực hình đối với giai cấp Đại phu Qúy tộc, sẽ ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của nhà vua ... Nên,
Câu " Đầu Thử Kỵ Khí " có nghĩa làm việc gì đó mà không dám làm thẳng tay, vì còn nghi ngại sẽ ảnh hưởng đến những việc khác có liên quan. Giống như tình trạng diệt tham nhũng hiện nay ở Việt Nam vậy, chỉ làm chiếu lệ, không dám làm thẳng tay, vì ... Ném chuột còn sợ bị " bể " đồ ! Và như cố Phó Tổng Thống Trần Văn Hương của nền Đệ nhị Cộng Hòa ngày trước đã nói :" ...Diệt hết tham nhũng rồi, tôi làm việc với ai đây ?!...".
Đâu thử kỵ khí: Ném chuột sợ vỡ đồ.
MIÊU KHỐC LÃO THỬ 猫哭老鼠 : là Mèo khóc Chuột, ý muốn nói : Chỉ làm bộ thương xót mà thôi ! Cả câu là " Miêu khốc lão thử giả từ bi 猫哭老鼠假慈悲 " : Mèo khóc chuột là lòng từ bi giả dối, để che mắt thiên hạ nhằm muốn đạt được một mục đích nào đó.
Thành ngữ MIÊU KHỐC LÃO THỬ 猫哭老鼠 có xuất xứ từ truyện Thuyết Đường, hồi thứ 62. Đây là câu nói mĩa mai của tướng Trình Giảo Kim nói với Tần Vương Lý Thế Dân, khi Tần Vương đến điếu tang tiểu tướng La Thành vừa mới bị Ân Tề nhị vương hại chết. Trình Giảo Kim cho là Tần Vương chỉ giả bộ thương xót để cho các tướng khác cảm động mà liều mình bán mạng để giúp nhà Đường tạo dựng nên cơ nghiệp mà thôi, chớ chẳng phải thương xót thật tình. Nên câu ...
Mèo khóc Chuột có nghĩa tương đương như là câu " Nước mắt cá sấu " của ta vậy.
Trong truyện THẤT HIỆP NGŨ NGHĨA 七俠五義 là 7 người Hiệp sĩ và 5 người Nghĩa sĩ đời Tống, thì NGŨ NGHĨA có ngoại hiệu là 5 con chuột theo thứ tự như sau :
1. TOẢN THIÊN THỬ: Lư Phương 鑽天鼠 盧方, là Lão Đại : Chuột chui lên trời, rất giỏi về khinh công.
2. TRIỆT ĐỊA THỬ: Hàn Chương 徹地鼠 韓彰, là Lão Nhị : Chuột chui xuống đất, giỏi về đào hầm chôn thuốc nổ.
3. XUYÊN SƠN THỬ: Từ Khánh 穿山鼠 徐慶, là Lão Tam : Chuột xuyên qua núi, người to lớn có sức mạnh vô song.
4. PHIÊN GIANG THỬ:Tưởng Bình 翻江鼠 蔣平, là Lão Tứ : Chuột vượt qua sông, giỏi thủy tánh, cơ trí hơn người.
5. CẨM MAO THỬ: Bạch Ngọc Đường 錦毛鼠 白玉堂, là Lão Ngũ : Chuột lông gấm, trẻ và đẹp trai nhất trong 5 con chuột, mặc dù hành hiệp trượng nghĩa, nhưng thủ đoạn cũng khá tàn độc, rất đố kỵ với ngoại hiệu Ngự Miêu 御貓 ( Mèo của vua ) của Nam Hiệp Triển Chiêu.
Đó là những con chuột Tàu...
Chuột Computer và Chuột Mickey
Ngoài ra, nói đến chuột thì không thể thiếu con chuột Mickey của Mỹ mà trẻ em của cả thế giới đều thích. Người Hoa dịch âm Mickey là MỄ KỲ 米奇, và gọi nó là MỄ LÃO THỬ 米老鼠 : Chuột Mickey, một trong những con vật tiêu biểu của Disney world, Disneyland. Và một con chuột không thể thiếu nữa trong đời sống điện toán hiện nay, đó là : Con Chuột của Computer 電腦鼠標 là ĐIỆN NÃO THỬ TIÊU.
Còn 3 con vật có tên CHUỘT là THỬ, nhưng trông đẹp hơn chuột nhiều, đó là:
* TÙNG THỬ 松鼠 : là Chuột trên cây tùng, cây thông. Ta gọi là Con Sóc.
* VỊ THỬ 蝟鼠 : là loại chuột to, trên mình có lông mọc thành những mũi gai nhọn chơm chởm. Ta không gọi là chuột mà gọi là Con Nhím.
* ĐẠI THỬ 袋鼠 : là con Chuột Túi, Kangaroo, biểu tượng của nước Úc, là một con thú hẵn hoi, không giống ... con chuột tí nào cả !
Tùng Thử : Con Sóc Vị Thử : Con Nhím Đại Thử : Chuột Túi
Chuột có bốn chân, nhưng trong câu đố vui lại hỏi là : Chuột nào có hai chân ? Đáp là ngoài Chuột Túi (Kangaroo) ra, ta còn có con Chuột Mickey đi bằng hai chân. Thế còn con chuột nào chỉ có một chân ? Thưa, đó chính là con Chuột computer! Cuối cùng, câu hỏi hóc búa nhất là : Chuột nào chạy có ba chân ? Câu trả lời khá dí dõm và mĩa mai là : "Con chuột trong Ký Túc Xá sinh viên; vì các cô cậu sinh viên ăn uống bừa bãi, thức ăn rơi vải, rác rưởi, quần áo, đồ dùng vứt bề bộn đầy phòng, tạo nên mùi hôi khó chịu, nên các chú chuột ở đây chỉ chạy bằng ba chân... còn một chân trước dùng để ...bịt mũi lại cho đỡ hôi !.
Năm 2020 là năm CANH TÝ 庚子. CANH là ngôi thứ 7 của Thiên Can. Kể về âm dương ngũ hành thì Canh Tân thuộc Kim là Vàng; còn Tý thuộc Thử 鼠 là con Chuột. Nên CANH TÝ là con Chuột Vàng. Nhắc đến con chuột bằng vàng lại nhớ đến chuyện cổ tích dân gian của ta :"Ông quan tuổi Tý và con chuột bằng vàng" như sau :
Ngày xưa, có ông quan nọ nổi tiếng là thanh liêm, xử lý việc công tư đâu đó phân minh, công bình chính trực, không tham ô hối lộ, mặc dù có rất nhiều người đến biếu xén qùa cáp để đền ơn đáp nghĩa, ông đều một mực chối từ. Cho đến lúc về hưu, làng xã dân chúng mới từ miệng bà quan, vợ của ông biết ông tuổi tý, nên mới chung nhau đúc một con chuột bằng vàng đem đến biếu cho bà để làm kỷ vật.
Vì làm quan thanh liêm, nên mấy năm sau, khi gia đình túng quẩn, ông lại ngã bệnh, không tiền thuốc men. Cực chẳng đã, bà mới đem con chuột vàng ra bán để có tiền chi dụng và điều trị bệnh cho ông. Bỗng dưng nhà có nhiều tiền để xây xài, ông ngạc nhiên hỏi bà, bà mới tỏ thiệt cho ông biết về con chuột vàng có được vì tuổi con chuột của ông. Bỗng ông buột miệng tiếc rẻ :"Phải chi lúc đó bà bảo là tôi tuổi con trâu, thì chẳng phải bây giờ nhà mình giàu sụ rồi sao !?"
Quả là một câu chuyện ngụ ngôn sâu sắc và thâm thúy đáng cho người ta phải suy gẫm!
Con chuột hiện diện song song với đời sống nông thôn của nông dân ta. Từ khi bắt đầu xuống giống gieo trồng thì đã phải đề phòng chuột ăn vụng hột giống. Đến khi lúa bắt đầu chín thì lại sợ chuột ăn vụng lúa. Chính lúc nầy chuột lại là món ăn ngon lành béo bở của nông dân với các món : Chuột nướng trui, chuột rô-ti, chuột xào lăn, chuột xào bún nấm củ hành ... Bắt được nguyên ổ chuột con còn đỏ hỏn thì cho vào hũ rượu đế ngâm chừng ba tháng là uống được. Nghe nói thứ rượu chuột nầy trị bịnh trật đả thấp khớp rất công hiệu. Theo y học dân tộc cổ truyền thì thịt chuột đực có thể trị bệnh té ngã, tan máu bầm; phân chuột trị được bệnh kinh phong; còn đất của chuột đùn lên cũng có thể trị bịnh co rút, tê thấp như câu thiệu về Nam y :
Đất, phân, thịt chuột thuốc thần,
Khéo tay trị bịnh muôn lần diệu linh.
Những thứ nêu trên của con chuột, sau nầy được dùng làm cơ sở y lý cho bộ " Lĩnh Nam Bản Thảo" của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.
Con Chuột cũng hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng với những thành ngữ tục ngữ như:
- ĐẦU VOI ĐUÔI CHUỘT để chỉ việc gì đó mở đầu rất rình rang sôi động mà kết cuộc lại âm thầm lặng lẽ chẳng ra gì.
- TAI VƠI MẶT CHUỘT để chỉ tướng mạo khuôn mặt của những kẻ tiểu nhân nham hiểm, tâm địa hung ác hay phá phách và hại người khác.
- CHUỘT ĐỒNG RA PHỐ để chỉ những người nhà quê còn ngơ ngác khi lần đầu tiên chân ướt chân ráo lên thành phố lớn...
- CHÁY NHÀ MỚI LÒI RA MẶT CHUỘT để chỉ chuyện gì đó hay người nào đó đến nước cuối cùng mới để lộ ra cái xấu, cái âm mưu thâm hiểm của mình...
- CHUỘT SA HỦ NẾP để chỉ người gặp dịp may đưa đến bất ngờ mà trở nên no đủ giàu sang, thường dùng để mĩa mai những người ở rể cho các nhà giàu.
Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Có con chuột nọ, ban đêm đi kiếm ăn, bất cẩn, sa vào hũ nếp. Chuột ta mừng lắm, cho là mình số hên, may mắn, từ rày về sau khỏi lo kiếm ăn nữa. Nào ngờ, nếp trong hũ ngày một lưng mà chuột thì lại ngày một béo ra không tài nào nhảy ra khỏi hũ nếp cho nổi, chỉ còn có nước nằm chờ chủ nhà đến bắt đi rô-ti để nhậu mà thôi ! Nghe chuyện nầy lại làm cho ta nhớ đến câu chuyện của "Tái Ông Thất Mã 塞翁失馬" trong sách Hoài Nam Tử 淮南子. Quả thật, ở đời họa phúc không biết đâu mà lường trước được.
(Cháy nhà mới lòi ra mặt chuột)
Ngoài ra, còn có những từ ngữ như MÈO CHUỘT, CHIM CHUỘT để chỉ trai gái lén lút đi lại với nhau "bất hợp pháp". DƯA CHUỘT là loại dưa leo đèo, èo ọt, trông giống như con chuột lắt. PHÁO CHUỘT là một loại pháo tiểu rẻ tiền, nổ đì đẹt để bán cho trẻ em đốt chơi, vừa rẻ tiền vừa ít nguy hiểm. NHÀ Ổ CHUỘT chỉ các xóm nhà nghèo ở chen chút với nhau trong các thành phố lớn. O CHUỘT là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài, người chuyên viết về chuyện loài vật... Nhắc đến chuyện loài vật lại nhớ đến hai sòng bài lớn nhất của Sài Gòn Chợ Lớn trước năm 1954 là Kim Chung và Đại Thế Giới. Người ta đã dùng 36 con vật tiêu biểu cho 36 số đề, gọi là "ĐỀ 36" để dẫn dụ người chơi, hễ đánh trúng con đề mà họ treo ở giữa nhà thì 1 đồng sẽ thành 30 đồng như trong bài "Vè Thua Đề Ba Mươi Sáu" của Thầy giáo Kiến ở Cần Thơ là:
Phải thời một vốn bỗng liền ba mươi!
Đánh một đồng, chiều xổ trúng sẽ thành ba mươi đồng, ai mà không ham!
Trở lại với con chuột. Trong Đề 36, con chuột nằm trong nhóm Thất Sanh Ý 七生意 là : Bảy người buôn bán làm ăn, gồm có :
- Số 10 tên chữ là Giang Từ, con vật tiêu biểu là con Rồng Bay.
- Số 11 tên chữ là Phước Tôn, con vật tiêu biểu là con Chó.
- Số 12 tên chữ là Quang Minh, con vật tiêu biểu là con Ngựa.
- Số 13 tên chữ là Hữu Lợi, con vật tiêu biểu là con Voi.
- Số 14 tên chữ là Chỉ Đắc, con vật tiêu biểu là con Mèo Rừng.
- Số 15 tên chữ là TẤT ĐẮC, con vật tiêu biểu là con CHUỘT.
- Số 16 tên chữ là Mậu Lâm, con vật tiêu biểu là con Ong.
Con Chuôt số 15, tên chữ là TẤT ĐẮC 必得, có nghĩa là : Chắc chắn sẽ được ! Được hay không thì không biết, nhưng ai theo số đề, ghiền đánh số đề đều tán gia bại sản cả ! Nên khi về Việt Nam chấp chánh, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho dẹp hai sòng bài lớn nầy. Nhưng lực lượng vũ trang người Nùng nói tiếng Quảng Đông có công giúp cho Tổng Thống dẹp yên loạn Bình Xuyên do Bảy Viễn cầm đầu, nên họ còn tổ chức đánh đề 36 bán chính thức ở vùng Cây Da Xà Phú Lâm để chiêu dụ bà con người Hoa vùng Chợ Lớn chơi đề, và họ lại thêm vào 4 con nữa cho chẵn số 40. Đó là 4 con :
- 37 Thiên Công là Ông Trời.
- 38 Địa Chủ là Ông Địa.
- 39 Thần Tài và
- 40 Táo Quân là Ông Táo.
Vì thế, sau nầy áp dụng vào số kiến thiết đề đánh từ 00 đến 99, thì ta lại có thêm 2 con chuột nữa, đó là:
- Số 55 con Chuột sồn sồn, và...
- Số 95 là con Chuột Già, chuột Cống !
Vì từ 00 đến 99 là 100 con đề, nên MỘT ĐỒNG trúng đến BẢY MƯƠI ĐỒNG, càng khơi dậy lòng tham của con người hơn. Đâu có làm ăn buôn bán nào được như thế đâu, nên dân nghèo cứ đâm đầu vô số đề mà chết, như ở vùng Lục Tỉnh sông nước quê tôi:
Lái buôn thua thiếu câu mâu,
Bạn bè đuổi hết ngồi sầu lái ghe.
... và Thầy Kiến đã kết bài vè là:
Lời quê cóp nhặt nên vè,
Ai mà thua lở có nghe đừng buồn!
Con Chuột không được hoan nghênh, nhưng vẫn hiện diện ở trong nhà, trong đời sống. Nằm đu đưa trên võng lúc cuối năm khi gió bấc bắt đầu thổi, chàng trai quê tôi thấy lòng lạnh lẽo nhìn hang chuột trong nhà mà cảm khái :
Gió bấc non thổi lòn hang chuột,
Thấy chị hai mầy... tao đứt ruôt đứt gan!
Khi đã được vào làm rể để cùng ngủ chung một nhà rồi, đến đêm cô gái đã ướm thử lòng và thách thức chàng trai:
Chuột kêu chút chít trong lò,
Lòng anh có muốn thì mò lại đây!
Thách thức xong, cô lại sợ chàng trai hưng phấn quá mà bộp chộp không cẩn thận, nên lại nhắc nhở :
Chuột kêu chút chít trong rương,
Anh đi cho khéo, kẻo...đụng giường má hay!
Cái anh chàng làm rể nầy cũng lém lỉnh lắm, anh ta đã liệu trước tình huống lở mà xảy ra :
Má hay má hỏi đi đâu ? Thì đáp là ...
Con đi bắt chuột cho mèo con ăn!
Nhưng rồi cũng đến lúc đôi lứa được sum vầy:
Bỏ công làm rễ bấy nay,
Bi giờ mới được vui vầy cùng em.
Ðêm nay mới thật là đêm,
Chuột kêu chút chít càng thêm vui nhà!
Các câu ca dao trên lại làm cho ta nhớ đến hai câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài thơ "Vịnh Nữ Vô Âm" là:
Rúc rích thây cha con chuột nhắt,
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu.
Theo ý câu ca dao cổ là :
Con gái mười bảy mười ba
Đêm nằm với mẹ chuột tha mất l...
...Vì thế, đã "vô âm" thì thây cha con chuột, mặc mẹ cái ong, cho nó vo ve rúc rích chán thì thôi.
Chuột là Thử, trong văn học Việt Nam ta cũng có một giai thoại văn chương độc đáo có nhắc đến con Chuột là Thử của Trang Quỳnh khi ông đối lại câu đối hóc búa của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm :
" Cây xương rồng trồng đất rắn, long vẫn hoàn long ",
Trạng đã đối rất khéo, rất hay và rất " rắn mắt " là:
" Qủa dưa chuột tuột thẳng gang, thử chơi thì thử !".
Đâu có cô gái nào dám "thử" quả dưa chuột của Trạng đâu, nói chi đến nữ sĩ Đoàn Thị Điểm!
Ngoài ra, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến cũng có bài thơ “Chuột Đói” do Dương Xuân Đàm diễn Nôm có những câu như sau đây :
Bọn mi nương xó tường ta.
Bấy lâu êm ả trong nhà không sao.
Phải khi gạo kém thóc cao,
Bọn mi lục đục cắn nhau bao lần...
Bọn mi nào phải bất nhân,
Vì ta của để của ăn không gì.
Phải đâu riêng một bọn mi,
Vợ con ta cũng nhiều khi eo sèo!...
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ trong bài thơ TẾT cũng đề cập tới pháo chuột:
Giờ lâu tràng pháo Chuột,
Đì đẹt nổ trên hè.
Thi sĩ Bàng Bá Lân nhớ về quá khứ của làng quê khi Tết đến, ông cũng đã có câu thơ:
Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo Chuột, nhớ tranh Lợn, Gà.
Dấu ấn rõ nét nhất của Con Chuột trong văn học cổ là truyện thơ Nôm khuyết danh TRINH THỬ 貞鼠 (Con chuột trinh tiết), dài 850 câu lục bát và 2 bài thơ thất ngôn Đường luật. Theo bản in sớm nhất năm Đinh Tỵ (1875) cốt truyện như sau:
Truyện kể rằng vào năm Long Khánh (niên hiệu của Trần Duệ Tông) đời Trần, ở miền Lộc Đỗng có người Hồ sinh, học rộng biết nhiều, lại nghe được tiếng chim muông cầm thú. Nhân ra chơi kinh thành, chàng ngụ ở gần nhà Thừa Tướng Hồ Quý Ly. Đêm nằm bỗng nghe tiếng chó sủa. Chó sủa làm cho một con chuột bạch góa chồng đang đi kiếm ăn bên nhà Hồ Quý Ly kinh hãi chạy vào nấp ở hang chuột đực. Bị Chuột Đực gạ gẫm, nhưng Chuột Bạch nhất định cự tuyệt, bác lại các lý lẽ của Chuột Đực và quyết liều chết để bảo toàn trinh tiết. Chuột Đực biết không thể lay chuyển nổi Chuột Bạch, bèn lấp liếm để chữa thẹn. Đang khi ấy, Chuột Cái về, ngờ rằng chồng (Chuột Đực) và Chuột Bạch có gian tình, tỏ ý giận dữ. Chuột Bạch giãi bày, biện bạch rồi từ biệt ra về. Nhưng Chuột Cái không tin, nổi ghen, đay nghiến chồng, rồi còn đến nhà Chuột Bạch để xỉ vả. Mèo ở đâu chợt đến. Chuột Bạch chạy thoát vào lu gạo, còn Chuột Cái chạy lạc đường sa xuống ao. Hồ sinh (người biết tiếng muôn thú, đã đứng nghe câu chuyện từ đầu) thấy thế, bèn đuổi mèo đi, vớt Chuột Cái lên, rồi lấy lời lẽ phải trái nói rõ lòng trinh tiết của Chuột Bạch và khuyên nhủ Chuột Cái về đạo cư xử trong gia đình.
Quả là một câu chuyện luân lý đầy tính dân gian của xã hội Việt Nam ngày xưa. Còn ngày nay thì sao?. Có còn giữ được phụ đạo như lời chuột bạch tỏ bày hay không :
Chữ rằng "tòng nhất nhi chung",
Gái hiền thờ chỉ một chồng chẳng hai.
TÒNG NHẤT NHI CHUNG 從一而終: Có xuất xứ từ Kinh Dịch, có nghĩa : "Theo một người cho đến chết" . Ý là : "Xuất giá theo chồng cho đến hết đời, chồng chết thì thủ tiết thờ chồng cho đến chết chứ không lấy chồng khác". Mặc dù đó là luân lý cổ xưa, nhưng đó chính là cái gốc của đạo làm vợ, là cái cơ bản của đạo đức Khổng Mạnh thuở xưa :
Vợ chồng đạo cả lẽ hằng,
Tạo đoan lẽ ấy há rằng phải chơi.
...và :
Dẫu rằng đá lở non mòn,
Tấm lòng tạc sắt ghi son chẳng dời.
Không phải như xã hội ngày nay, hễ động một chút là ly thân, ly dị. Mong rằng trong năm Canh Tý là CON CHUỘT NHÀ nầy, tất cả những cặp đôi vợ chồng người Việt Nam ta đều thương yêu tin tưởng lẫn nhau để xây dựng một mái ấm gia đình như đôi chuột trong truyện TRINH THỬ đã lưu truyền trong dân gian vậy!
Chúc tất cả đồng hương thân hữu trên khắp thế giới đều được AN KHANG THỊNH VƯỢNG trong năm con Chuột 2020 nầy!
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét