Thứ Ba, 21 tháng 1, 2020

Xuân Về Hay Chưa..?


“… Ðồn anh đóng ven rừng mai
“Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa..? (1)

Cũng may mà đồn anh lính chiến của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh ở ven rừng mai. Để anh còn thấy mai nở, để anh còn chợt bâng khuâng tự hỏi: “biết xuân về hay chưa?”. Vậy mà gần 40 năm, tôi ở một nơi không hề biết mùa xuân, năm hết Tết đến là gì, nếu không có ai nhắc và không có những tờ lịch bóc tay (Tam Tông Miếu) gửi mua từ Cali. Còn nói về mai, thì chậu mai cảnh bằng vải ny-lon của tôi nở quanh năm suốt tháng ở một góc phòng ăn. Nên đành phải hát lại “nếu nhìn mai nở, anh cũng đâu biết xuân về hay chưa..?”. Là nói thiệt tình đó. Còn trong công ty tôi làm, thỉnh thoảng có vài ông xếp lớn hay một vài tên bạn làm chung thuộc hạng rành phong tục, lễ lộc Á châu thì gửi điện thư cho tôi “Happy Chinese New Year” vào ngày Mồng Một Tết. Nhiều lần “tự ái dân tộc”, tôi nói đùa với bọn chúng: “Hổng phải dzậy! Mà là Tết Nguyên Đán – Vietnamese New Year, mới đúng”. Nói là nói vậy thôi, chứ thiệt tình thì “xuân đã theo người” lâu lắm rồi… Bây giờ mọi thứ chỉ theo thói quen, như cố giữ chút hương xuân nếp nhà.

Khi mà những tờ lịch tháng đầu của năm 2020 thoáng qua, cũng là những tờ lịch cuối của năm Kỷ Hợi. Năm nay tôi không cần lấy ngày nghỉ, vì ngày Mồng Một Tết rơi vào ngày thứ Bảy, cuối tuần. Bây giờ là thời đại công nghệ cao, YouTuber ở khắp mọi nơi trên mạng toàn cầu. Ngồi trong căn phòng bất cứ nơi nào trên trái đất, chỉ cần mở được YouTube là bạn có thể thong dong dạo bằng mắt đường hoa Nguyễn Huệ ở Sài-gon, chợ Tết ở Cần Thơ, chợ hoa ở Rạch Giá… và cả hội chợ hoa Việt Nam ở khu Phước Lộc Thọ quận Cam, California. Tết khắp quê hương trong tầm mắt, Tết những quê người ở ngón tay. Không gian tưởng như không nghìn trùng xa cách, mà tâm tưởng lòng người sao diệu vợi cách xa. 


Mỗi năm cứ vào khoảng hai tuần trước Tết là bà xã gọi điện thoại đặt bánh tét, bánh chưng. Bánh được làm tại nhà, chất lượng tuyệt vời như gói cả hương vị quê xa. Đặt bao nhiêu cũng có, cả gia đình bà bác nhận nấu bánh như cái nếp, như cả niềm vui trong những ngày Tết xứ người. Vậy mà đã gần 20 năm trong nhà để xe, mọi người thức đêm canh nồi bánh như chỉ để sống lại chút hương xưa, trong cái lạnh buốt thịt da người nơi đây:

“… Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
“Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
“Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
“Trông bánh chưng chờ trời sáng
“Đỏ hây hây những đôi má đào… (2) 

Trừ một vài năm trời bão tuyết, đường xá đóng băng sở cảnh sát địa phương khuyến cáo mọi người: “Nếu không có việc khẩn cấp, đừng lái xe ra đường để tránh tai nạn giao thông. Tình trạng đường đóng băng đá, rất nguy hiểm”. Bà xã và tôi đành phải ngồi nhà, chờ nửa đêm dọn mân để đón Giao Thừa. Còn hầu hết là đi chùa cúng Phật và hái lộc đầu năm. Chùa Vạn Hạnh cách nhà tôi khoảng gần một giờ lái xe. Tám giờ rời nhà, đến chùa chừng chín giờ, lễ Phật cầu nguyện năm mới và hái vài lá lộc quanh khuôn viên. Đến hơn mười giờ là phải lái xe trở về nhà để kịp chuẩn bị dọn mân cúng đón Giao Thừa. Đây là nói hoàn toàn là giờ địa phương nơi tôi ở, còn Việt Nam mình thì vào giờ này là giữa trưa Mồng Một Tết! 

Hình ảnh bao lì-xì Tết

Nhớ ngày nào khi hai đứa con tôi còn nhỏ, chúng rất háo hức ngày Tết Nguyên Đán vì được “lì-xì” tiền trong chiếc phong bì đỏ Cung Chúc Tân Xuân. Bây giờ thì cả hai đứa sổ lồng, đủ lông đủ cánh bay xa. Chúng đã có cuộc sống riêng, gia đình riêng và công ăn việc làm bề bộn vây quanh. Nếu như may mắn, ngày Mồng Một Tết rơi vào cuối tuần (như năm nay, thứ Bảy ngày 25 thánh 1, 2020) thì hy vọng chúng sẽ trở về nhà “ăn Tết”. Còn nếu rơi vào ngày thường trong tuần thì đành “hên xui may rủi”, chúng còn nhớ gọi điện thoại chúc Tết là mãn nguyện rồi! Có lần tôi đã nghe đâu đó câu nói: “Ở xứ Mỹ người ta có thừa tất cả, chỉ thiếu thời gian”. Ngẫm nghĩ lại cũng không phải quá đáng, thậm xưng. Cha mẹ con cái, bạn bè quen thân muốn ghé thăm nhau cũng phải gọi điện thoại hoặc nhắn tin nhau trước “lấy hẹn”! Thôi thì “chuyện nhỏ như con thỏ”, vì năm nay gia đình hai đứa con tôi đều đã “lấy hẹn” về thăm nhà vào ngày Tết Nguyên Đán. Chắc là một bữa cơm mừng xuân Canh Tý bao gồm: thịt ba chỉ kho hột gà, canh khổ qua dồn thịt, gà hấp muối xả ớt, chả giò, dưa món ngâm nước mắn, củ kiệu và nhất định không thể thiếu hộp mứt, mấy cái bánh chưng. Mừng năm Tý mà thiếu món chuột đồng thì cũng tiếc và thèm vô cùng: nhất là chuột đồng Tháp Mười “quê mẹ” nướng và rô-ti thì… hết ý luôn! 

Như vậy là xong Tết. Ngày hôm sau, gia đình tụi nhỏ sẽ đèo nhau lái xe về chốn cũ, chuẩn bị trở lại đi làm vào ngày thứ Hai. Tôi cũng không ngoại lệ. Chắc chắn các bạn, nhất là các bạn trong nước sẽ hỏi tôi: “Sao Tết nhất mà chỉ có một ngày, nghe ảm đạm quá vậy? Ít ra thì cũng phải xuân, xuân ba ngày xuân chớ!”. Có được như vầy là hân hoan, là giữ được truyền thống quê hương lắm rồi. Thử “trăn trở” thêm một bước nữa, ở thế hệ con và cháu, khi mà thế hệ chúng ta nói chung (bà xã và tôi nói riêng) vĩnh viễn ra đi. Còn ai nhắc nhở để chúng nhớ, còn ai để chúng có nơi trở về? Rồi đến đời cháu, như đứa cháu 18 tháng tuổi của tôi hiện nay Dawson Nguyễn (Nguyễn Đạt Sơn, tên tiếng Việt) thì sẽ ra sao? 
Cháu Dawson Nguyễn (Nguyễn Đạt Sơn)

Mẹ cháu người Mỹ gốc Mễ gốcTây Ban Nha, cha cháu người Mỹ gốc Việt gốc Khờ-me gốc Hoa, nếu cộng lại thì Dawson sẽ có cái gốc rất ư là dài! Rồi thì mẹ Dawson cũng muốn con mình giữ được mọi truyền thống có thể của đất nước “quê mẹ” Tây Ban Nha của cháu, từ ngôn ngữ đến thức ăn, tập quán. Đến khi qua với bà nội, thì bà xã cũng dành phần bảo tồn truyền thống “quê cha”, dạy tiếng Việt, tập cháu ăn thức ăn Việt,… Báo hại thằng nhỏ chưa đầy 2 tuổi phải “thích ứng” tâm cảnh đa văn hóa đến tội nghiệp. Tôi thường nhắc nhở bà xã: “Mình trân quý phong tục tập quán của mình thì cũng phải hết lòng tôn quý giá trị truyền thống mà mẹ Dawson muốn giữ gìn cho con!”. Nói thì thật dễ nhưng trong cuộc sống thực tế hằng ngày, thì mọi chuyện không dễ chút nào. Thôi thì lại cầu trời “hên xui may rủi”, nhưng chắc chắn cháu sẽ biết “Happy Chinese New Year” như trên bất cứ tờ lịch nào hiện nay ở Mỹ. Nói theo thuật ngữ hiện sinh, sống đến đâu sâu đến đó, hay cũng đành lòng như bài hát để đời muôn thuở:

“Que Sera, Sera,
“Whatever will be, will be

“The future's not ours to see
“Que Sera, Sera
“What will be, will be… (3)

Chỉ còn không quá 7 ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán. Nơi tôi ở, miền đông bắc nước Mỹ bổng dưng trở lạnh. Lạnh vô cùng. Ngay cả những ngày có nắng, nhưng gió từng cơn mang theo cái lạnh đâm buốt tận thịt xương người. Đêm thật dài, ngày thật ngắn. Con người như bị nhốt trong chiếc lồng không gian chật hẹp, khó thở vì những thước không khí đặc sệt vô tình. Vậy mà riết rồi cũng quen, quen rồi thành bạn. Tri kỷ tri âm lúc nào không hay. Không phải vậy sao, mấy thân hữu ở xứ Canada (nếu so sánh, thì xứ tôi ở chẳng thấm vào đâu) lại được mệnh danh “xứ lạnh tình nồng” kia mà..! Tất cả chúng ta đang chờ đón một mùa xuân đến, trong tâm cảnh, trong biển lòng bát ngát hương xa… Để sáng hôm nay, trên con đường quen thuộc đến chỗ làm, tôi bỗng dưng bắt gặp một đàn chim bay ra từ khu rừng thưa. Không phải là đàn quạ đen, không phải là bầy chim trốn tuyết, mà là đàn chim én nhỏ. Chúng lượn đôi cánh dọc theo bờ gió, rồi bất chợt cất tiếng gọi đàn như những cánh thiệp xuân trên bầu trời xứ lạ. Cám ơn những cánh én mang tin. Cám ơn những xuân tình đang nở. Cám ơn đời, cám ơn người một sáng mùa xuân trong tôi ngập tràn tiếng hát: 

“… Từ đây người biết quê người

“Từ đây người biết thương người
“Từ đây người biết yêu người ...
“Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
“Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
“Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
“Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
“Một trưa nắng thôi hôm nay… mênh mông… (4)

Đầu năm 2020 và những ngày cuối năm Kỷ Hợi,
Durham, North Carolina

Người Chợ Vãng

⦁ Đồn Vắng Chiều Xuân – Trần Thiện Thanh
⦁ Xuân Này Con Không Về - Trịnh Lâm Ngân 
⦁ Que Sera Sera – Hermes House Band
⦁ Mùa Xuân Đầu Tiên – Văn Cao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét