Thứ Hai, 20 tháng 1, 2020

Tết Đầu Tiên Vắng Mẹ


Mới đó mà mẹ tôi đã mất hơn 100 ngày. Mới đó mà đã hơn 100 ngày! Nỗi nhớ thương mẹ đôi khi đến bất chợt như một cánh chim bay vèo từ trên ngọn dừa xuống sân cỏ hay như những giọt mưa nhẹ như tơ trong một ngày nắng ấm. Không phải bao giờ tôi cũng bình tĩnh và làm chủ được lòng mình. Có khi tôi ngăn được nước mắt. Có khi tôi chịu thua, để cho dòng lệ âm ỉ trong tim rồi trào lên từ khóe mắt, làm ướt đẫm hàng mi. Những lúc như thế, tôi vội đi ra khỏi tầm nhìn của người chồng khác miền khác tỉnh.

Từ tháng Mười tới giờ đã trải qua mấy ngày Lễ lớn. Lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh và chỉ còn hai hôm nữa là tới Tết Nguyên Đán. Tết đến khi xa nhà nhớ mẹ mười phần. Năm nay, Tết đến khi mẹ không còn trên cõi trần khiến tôi nhớ mẹ trăm lần nhiều hơn, dù có ai đã an ủi “Mẹ bao giờ cũng ở trong tim ta.” Tôi nhớ về những cái Tết có mẹ, từ khi còn ở bên quê nhà, cho tới những ngày mừng năm mới bên quê người, hơn 40 năm qua.

Không biết từ bao giờ, cả gia đình chúng tôi phải theo tục lệ riêng của mẹ. Vào những ngày trước Tết, nhà cửa phải dọn dẹp cho ngăn nắp. Những gì làm dở dang thì phải cố thu xếp làm cho xong trước ngày mồng Một. Những gì bừa bộn trong phòng phải cất vào tủ, vào thùng, để những mặt phẳng trên bàn, trên tủ được khoe nhan sắc trong ba ngày đầu năm, để rồi dấu kín dung nhan trong 360 ngày khác. Tối giao thừa, mọi người, từ bố tôi trở xuống, ai cũng được mẹ tôi “tặng” cho một người một chậu nước ấm đã nấu với ngò, xả và vài loại rau thơm khác để xối lên người cho thơm, sau khi tắm. Không bao giờ tôi nhớ để hỏi mẹ về phong tục đặc biệt này. Tôi đoán mẹ tôi muốn mọi người đều thơm tho khi Nàng Xuân đến?

Đầu năm, bố mẹ tôi bao giờ cũng là người xông đất. Đôi khi bố mẹ tôi lái xe đi Lễ hay đi đâu đó để hái lộc. Có khi chỉ bước ra ngoài sân vài bước, hái một, hai nhánh lá non rồi bước trở lại vào nhà. Tôi nhớ có một năm, bố tôi ngừng xe để mẹ tôi ngắt một cành hoa mọc trên bờ tường nhà ai. Cố nhón chân mà mẹ tôi không làm sao chạm vào cành hoa. Sau cùng, bố tôi phải bước ra khỏi xe để giúp. Khi về tới nhà, bố mẹ tôi kể lại kinh nghiệm trộm hoa và thêm, “Tí nữa thì người ta gọi cảnh sát rồi!”

Một điều tối kỵ với mẹ tôi là không ai được mặc mầu đen vào ngày đầu năm. Năm nào gia đình tôi cũng đều đỏ rực cả một nhà khi con cháu tụ tập về ăn Tết. Chỉ có một người không bao giờ mặc áo đỏ là bố tôi. Tuy thế, mẹ tôi cũng mua cho bố một cái áo gilet mầu đỏ đậm hay có chút xọc đỏ hay carô đỏ “cho hên”. Trừ một năm, có lẽ lạnh lắm cho nên vợ chồng con cái của một cô em tôi đã mặc áo choàng đen tới chúc Tết ông bà! Sau khi xông đất, bố tôi viết vài câu thơ Khai Bút, dâng những lời chúc đầu năm lên Thiên Chúa Cha, Đấng tạo thành vạn vật và Đức Mẹ là Bà Chúa của Mùa Xuân. Mẹ tôi, dù không phải là thi sĩ, cũng viết vài chữ chúc Tết Chúa Mẹ.

Trẻ con người lớn bao giờ cũng được ông bà tặng cho một cái phong bì đỏ. Sau đó, cả nhà trải hai tấm khăn trải giường xuống sàn nhà để chơi Bầu Cua Cá Cọp và đánh Bất hay Tam Cúc. Trẻ con thường xáp vào phía Bầu Cua Cá Cọp, náo động cả một khu. Còn nhóm “người lớn” thì ngồi rút Bất hay đánh bài Tam Cúc. Tôi được bà ngoại dậy chơi Tam Cúc từ bé nên ngồi chơi với bố mẹ tôi hằng năm, cùng với cậu em. Đôi khi tôi may mắn, có mỗi đôi tốt đen, để dành mà cũng kết được.

Khi mẹ tôi chưa bỏ tục lệ coi bài cho cả gia đình, ai cũng được mẹ coi cho một quẻ bài đầu năm. Sau này, khi được biết đó là điều mê tín dị đoan, đi ngược lại với điều giảng dậy của Công Giáo, mẹ tôi chấm dứt, không còn coi bài cho mình hay cho bất cứ ai nữa. Tôi nhớ, hồi mới sang tới trại Pendleton, nhiều người nghe đồn mẹ tôi coi bài rất chính xác nên đã tới căn lều số 61, trại 3, để nhờ mẹ tôi coi dùm, xem gia đình có cơ duyên đoàn tụ, và nếu có thì sớm hay muộn.

Nhà đông con nên con cháu “tết” bố mẹ tôi không biết bao nhiêu là bánh chưng, bánh giò, giò thủ, giò lụa, dưa muối, dưa hấu và các món ăn đặc biệt mừng năm mới. Bánh chưng ăn không kịp thì bỏ vào tủ đông. Lâu lâu lấy ra chiên với dầu. Bánh chưng chiên là một trong những món ăn bố tôi rất thích. Sau Tết, ăn bánh chưng chiên với dưa món thì không cao lương mỹ vị nào sánh bằng.

Đó là những cái Tết đoàn tụ ngày xưa. Sau khi bố chúng tôi mất, tám năm về trước, mẹ chúng tôi thay mặt bố tôi đứng ra tổ chức Tết cho con cháu về ăn Tết. Khi còn khỏe, mẹ tôi hay làm món bánh tráng cuộn với rau sống và các loại rau thơm, đặc biệt là kinh giới, bún, tôm, thịt. Đây là món ăn bố chúng tôi rất thích. Món chấm bố tôi khen ngon nhất trên đời là do mẹ tôi làm từ thịt heo và gan heo băm nhỏ, xào với hành tỏi cho thơm. Đợi khi thịt và gan chín hẳn, mẹ tôi bấc xuống, bỏ vào một, hai thìa bột năng hay bột mình tinh cho đặc lại, thêm với vài thìa đường và nước mắm. Món cuốn thịt, tôm cuốn với bún và rau thơm bao giờ cũng hết nước chấm vì ai nấy thưởng thức món nước chấm qúa nhanh.

Thế đó. Thời gian qua mau. Tôi không nhớ từ bao giờ gia đình tôi không được thưởng thức món đặc biệt do chính tay mẹ làm. Từ sau khi bố tôi mất, mẹ tôi, vì buồn, vì sức khỏe kém dần, đã không còn trổ tài “đãi” các con món tủ này.

Tối nay là 28 Tết, tôi nhớ đến những cái Tết xum vầy, đầy đủ bố, mẹ, em trai. Giờ này, sau tám cái Tết thiếu bố, thiếu em, chúng tôi ăn một cái Tết thiếu mẹ. Lần đầu! Từ ngày dọn sang Đảo Lớn, dù không về ăn Tết với mẹ, các em và các con, tôi vẫn gọi điện thoại chúc Tết mẹ nhân ngày đầu năm. Tết năm nay, mẹ tôi đã ra người thiên cổ, làm cách nào gọi mẹ chúc Tết đây? Mẹ đã im tiếng hơn 100 ngày nay!

Mẹ ơi, dù mẹ đã không còn ở trên cõi đời này, con tin mẹ sẽ về ăn Tết với các em con năm nay bên Cali. Con nhờ mẹ mời bố cùng về ăn Tết với các em các cháu. Sau đó, con mời bố mẹ ghé qua bên Đảo Lớn, ở bên này bờ Thái Bình Dương để coi hai đứa con đón Tết ra sao.

Con nhớ thương mẹ nhiều.

Khổng thị Thanh-Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét