Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2024

"Công Viên Buồn"

(Ảnh: Tác Giả)

Từ khi còn là thằng con nít mười hai tuổi tui đã thấy anh ngồi ở đây rồi, mỗi lần đạp xe đi ngang qua đây, tui và đám bạn dừng xe lại, vừa quẹt lau mồ hôi trên trán vừa uống nước và vừa ngắm nhìn anh, gương mặt anh trầm tư như đang đau đáu nhìn về khoảng hư không của cuộc sống, lo cho vận nước lo cho những anh em còn đang gian khổ ngoài chiến trường, anh chính là pho tượng Thương tiếc ngồi gác cho đồng đội đang nằm yên nghỉ trong nghĩa trang quân đội Biên Hòa.

Tháng Tư lại quay về trên đất mẹ, cái nắng thật gay gắt khiến ai có ý định đi ra ngoài cũng ít nhiều e ngại, cho dù đang đau bệnh rề rà, cho dù tuổi tác đã đến độ "Thất thập lai hy" , tui cũng ráng theo chân một số bạn trẻ để đi viếng các chiến hữu ngày xưa của mình, các anh đang ngủ yên trong nghĩa trang quân đội Biên Hòa.
Hẹn với các bạn trẻ sáng hôm sau lên đường, đêm trước tui cứ trằn trọc mãi cho dù cố dỗ giấc nhưng chẳng thành, vậy là miền ký ức trong tui lại hiện về hai khuôn mặt hai thằng bạn cùng nhập ngũ cùng học tại quân trường Dục Mỹ và cùng ra đơn vị một ngày, thằng Lập và thằng Kháng nhà ở xóm cây Điệp gần rạp Hát Đông nhì ngày xưa, hai thằng bạn tui nó hiền như cục bột, vì từ khi quen biết rồi sống chung nhau nơi quân trường tui chưa bao giờ thấy tụi nó ba gai, cũng không thấy nó nỗi nóng và chửi thề bao giờ, vậy đó mà khi ra chiến trường An Lộc những tưởng hai thằng nó được bề trên che chở, nào ngờ tụi nó lần lượt ra đi tại chiến trường này, thằng Kháng thì vướng mìn khi đi hành quân, thân xác nó chỉ còn là những mảnh vụn nằm trên mặt đất, bạn bè phải gom lại gói trong chiếc Poncho từng che mưa cho nó trong những cơn mưa rừng, rồi thằng Lập cũng nối gót thằng Kháng giã từ cuộc chiến trong chiếc Poncho, khi chiếc trực thăng tản thương chở thi thể hai thằng bạn thân thương của tui rời miền hỏa tuyến, tui ngước nhìn theo bóng dáng chiếc trực thăng khi bầu trời vàng hoe nhuộm nắng, bất giác tui có tâm trạng như mất đi những gì quý giá nhất trong đời của mình, tự dưng nước mắt tui rịn ra hồi nào không hay.

Chưa đến giờ hẹn, tui nôn nóng lần mò ra đường lộ để chờ xe đến đón mình, nói ra xấu hổ nói đi viếng các anh mà tui chỉ góp được vài gói thuốc lá, còn lại toàn bộ chi phí các bạn trẻ lo hết ráo, có em nói:
- Chú lớn tuổi rồi, đâu có làm gì ra tiền nữa, tụi em còn trẻ để tụi em chung lo, chú đừng ngại.
Nghe mấy bạn trẻ nói vậy làm cho tui bớt áy náy trong lòng, nhân đây cũng cầu mong cho các em cháu này được nhiều sức khỏe và may mắn trong cuộc sống.
Xe bắt đầu lăn bánh, lòng tui bồi hồi vô cùng pha chút buồn buồn, vì gần nửa thế kỷ từ ngày tàn chiến cuộc, vậy mà mãi đến hôm nay mình mới đến thăm các anh, thôi thì mong các anh thông cảm vì bao nhiêu chuyện lo toan cho cuộc sống, nên tui đã tạm quên những người nằm xuống "Chiều qua", mặc dù muộn màng nhưng có còn hơn không, tui có dịp đến thăm để nhìn từng bia mộ, đọc từng tên cấp cấp bậc và đơn vị ngày xưa, biết đâu tui sẽ gặp lại hai thằng bạn của tui đang ở "Vùng 5 chiến thuật" nơi này.

Xe vô tới cổng nghĩa trang, bạn Ben gom giấy tờ của mọi người trên xe trình cho các anh bảo vệ nghĩa trang để vô sổ người đến viếng, để cho nhanh chóng người bảo vệ dùng Phone chụp lại giấy tờ rồi nhanh chóng trả lại để mọi người đi vô trong viếng mộ.
Xe chạy một đoạn trong nghĩa trang, các bạn trẻ chọn nơi có những ngôi mộ "Nhà nghèo", những mộ phần đơn giản từ lúc chôn cất không hề thay đổi đến bây giờ để viếng.
Trong nghĩa trang không gian thật vắng vẻ, tiếng ve kêu thật to trên những cây cao nằm chen trong các khu phần mộ, rồi tiếng kinh cầu siêu của một chiếc loa tự động dùng năng lượng mặt trời làm nguồn điện , nó phát liên tục những câu kinh khiến không gian càng thêm não ruột.
Cả đám tụi tui xúm lại, quơ đám lá khô khỏi các phần mộ cho thêm phần thoáng đãng, các cô gái trong đoàn liên tục thắp nhang đèn cho từng ngôi mộ, tụi tui tự chia nhau cắm theo từng hàng để chiến hữu nào cũng có phần, giấy tiền vàng bạc, bia Sài gòn, bánh kẹo được bày ra, thuốc lá đốt lên mời rồi đem đến từng ngôi mộ cho các anh.
Kia mộ anh lính trẻ, lính của niên trưởng Nguyễn Đình Bảo Tiểu đoàn trưởng TDd11 nhảy dù, người đã nằm lại trên đồi Charlie năm nào, trên mộ bia anh quân nhân thật trẻ với bộ quân phục và chiếc bê rê đỏ thật đẹp, thật oai hùng.
Cạnh đó vài ngôi mộ khác đủ binh chủng, cấp bậc, thương nhất những ngôi mộ không còn bia, các anh đã trở thành anh Hùng vô danh thật sự.
Tui thầm khấn vái:
- Hôm nay nhân dịp lễ Thanh minh, có duyên do các bạn trẻ tổ chức, tụi tui dâng lên các chiến hữu tấm lòng thành, chút ít lễ vật các anh cùng thụ hưởng, mong các anh được an lành nơi miên viễn.
Khói nhang nghi ngút bay lên, bất chợt tui nhìn vào tấm bia mộ người lính trẻ TDd11 nhảy dù, tui có cảm giác anh đang cười vui với mình khiến tui cũng cười lại với anh lính nọ.
Sau khi đi viếng ba khu, mỗi khu vài chục ngôi mộ, tui nói với Ben:
- Nếu mình viếng toàn bộ ngôi mộ ở đây có khi ba tháng chưa xong nữa há Ben.
Ben cười rồi nói:
- Đúng rồi anh, nhiều đoàn khác họ viếng khu khác, chia nhau làm việc nghĩa.
Tui có thắc mắc với Ben:
- Nay chủ nhật mà có vài đoàn đi viếng sao ít quá vậy Ben.
Ben nói :
- Mùa Thanh Minh mấy hôm trước thiên hạ vô đây viếng đông lắm, tụi mình đi vầy là chậm rồi đó anh
Khi Ben nói xong, tui đảo mắt nhìn, các khu kế cận ( Khu nhà giàu), những phần mộ được thân nhân tu sửa khang trang đẹp đẽ, trước mộ phần nhiều bó hoa cúc vàng ươm đang khoe sắc cùng nắng Hạ.
Rời nghĩa trang quân đội Biên Hòa, khi xe chạy ngang Nghĩa Dũng Đài, tui giơ tay chào kính theo quân phong quân kỹ ngày xưa, chào tạm biệt các chiến hữu thân thương, hẹn lần sau gặp lại nếu sức khỏe còn cho phép.

Xe chạy vòng vèo một hồi, tài xế đưa cả đám đến nghĩa trang Lái Thiêu, trước đây tui nghe có những ngôi mộ rất đặc biệt, đến hôm nay tui mới có dịp diện kiến.
Nghĩa trang ở Lái thiêu không khí thật u buồn, nó chật hẹp bởi mộ phần nằm chen chút bên nhau, vô cổng nhìn bên trái tui thấy một hàng bia chứ không có cốt, nào là các quân nhân chôn ở nghĩa trang quân đội gò vấp di dời về đây, các nhị tì khác trong thành phố cũng gom về đây, đủ thành phần dân quân lính cũ, lính phía bên thắng trận cũng vô đây vài người.
Đốt nhang và giấy tiền vàng bạc cho dãy này xong, tui tui bắt đầu lùng sục tìm đến mộ Nhạc sỹ Trúc Phương, một nhạc sỹ tài hoa mà hồi trước người lính nào cũng đã từng hát hò những bản nhạc của ông, nào là Kẻ ở Miền xa, trên bốn vùng chiến thuật, bông cỏ may, ông nói giùm tâm tư của những người lính ngày xưa, cảm ơn nhạc sỹ thật nhiều, vài nén nhang chút ít quà cho ông, tui mong ông có đời sống an lành không như những ngày ông lận đận trước đây.
Các ngôi mộ đặc biệt đây rồi, mộ ông Diệm Tổng Thống đệ nhất Cộng Hòa bên cạnh thân mẩu của ông, mộ ông Cẩn, ông Nhu, ông Luyện. Không ngôi mộ nào có hình ảnh và ghi tên thật, chỉ ghi tên thánh và huynh, đệ, thân mẫu.v.v...
Khi cải táng về đây nhằm tránh tụ tập đông người nên bia mộ các ngài chỉ ghi chừng đó mà thôi. Viếng xong các ngôi mộ này tụi tui cùng nhau ra về, ra khỏi nghĩa trang tui nói với ba cô gái trong đoàn:
- Tụi con thấy không, thân phận con người buồn lắm, người địa vị cao chín tầng mây, người cơ hàn thiếu đói, khi chết rồi cũng chừng đó huyệt mộ giống nhau.
Có cô nói:
- Tuy vậy, khi nằm xuống cũng còn có giàu nghèo nữa nha chú.
Tui trả lời :
- Chú thấy rồi, nhưng thấy phần mộ của cụ Huynh đơn sơ chú cũng thấy buồn cho ổng, chẳng bằng thời nay nhiều nơi mộ phần như cung điện, thật xót xa cho kiếp con người.

Ghé bờ sông Lái thiêu, cả đám tụi tui ăn cơm trưa rồi chia tay, hẹn các bạn gặp lại mùa sau nếu còn duyên nhé.

Mùa Thanh Minh 2024
Hai Hùng SG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét