Chồng tôi là người Bắc, quê ở Hà đông. Anh nói tiếng Bắc đặc, dù gia đình vào Nam lập nghiệp đã lâu. Thọat tiên, tôi quen với cháu anh nên gọi anh là chú . Rồi khi đã làm vợ anh, thỉnh thỏang tôi vẫn quen miệng gọi anh là chú. Vì thế, mẹ chồng tôi phải nhắc tôi đổi cách xưng hô. Lời nhắc nhở của bà nội các chau khiến tôi nhớ lại hồi mới gặp anh. Khi đó, tôi ở chung nhà với một bà chị họ. Bà thấy tôi kêu anh bằng chú thì tưởng lầm anh đi tu. Bà khuyên tôi nếu anh là người tu hành, dù đạo Chúa hay đạo Phật cũng phải…”buông tha” anh, không nên dụ dỗ anh vào con đường mê hoặc tục lụy. Tôi chỉ cười mà không nói gì. Nhưng trong bụng, tôi thầm nghĩ :”Ai đưa ai vào vòng tục lụy đây?” Rồi chỉ một thời gian ngắn sau, anh tỏ tình và xin…bàn tay tôi.
Khi đã về làm vợ anh, tôi được biết bà nội các cháu rất ngạc nhiên trước quyết định hỏi vợ của anh. Cụ có thành kiến rằng con gái Nam không biết căn cơ, chỉ quen tiêu xài hoang phí. ….
Sau đám cưới, tôi về làm dâu bà nội các cháu ngay. Từ nhà tới sở làm đi bộ khoảng 5 phút. Đó là một trường trung học di cư từ Bắc vô. Trường đã có tiếng đào tạo đưọc nhìều học sinh giỏi. Vì chưa có cơ sở riêng, trương phải học tạm ở một trường Tiểu học vào buổi chiều. Lúc đó tôi là tham sự hành chánh, nhưng bằng lòng làm một chân thư ký, trông coi thư viện nho nhỏ cho trường. Lẻ ra tôi có thể được bổ nhiệm về bộ Tài chánh hay cơ quan nào khác, lương bổng cao hơn chút ít. Nhưng được cái nọ mất cái kia. Tôi muốn có thì giờ để tiếp tục học cho xong Đại học.
Công việc thư viện nhà trừơng rất thích hợp cho tôi vì tôi có thể đọc sách khi rãnh rỗi. Trong thời kỳ này, buổi sáng tôi đến Đại học Văn khoa, buổi chiều đến trường làm việc. Bài vở của trường Văn Khoa khá nhiều, thế mà ông hiệu trưởng cũng còn xếp cho tôi dạy 6 giờ 1 tuần ở các lớp nhỏ. Dù chỉ có 6 giờ tôi cũng phải soạn và chấm bài nên mất rấT nhiều thì giờ. Đêm nào tôi cũng phải thức thật khuya. Nhà tôi đi ngủ sớm, rồi nếu nửa đêm thức giấc mà thấy còn đèn sáng, thế nào anh cũng trách :”Em phải quyết định chọn một việc, đi học hay đi làm, không thể ôm đồm như vậy được.” Bây giờ nghĩ lại tôi cũng thấy tôi cứng đầu. Với lương giáo sư đệ II cấp, nhà tôi có thể nuôi tôi đi học cho đến khi tôi học xong đại học.
Khi chúng tôi ở chung với bà nội các cháu, tôi thật là người vô tích sự. Tôi chẳng giúp Cụ được gì, mà đôi khi chính Cụ lại sai chị giúp việc lo sẳn cho chúng tôi thức ăn điểm tâm như bánh mì thịt, xôi, bánh cuốn hay phở…Vì thức khuya nên dậy muộn, tôi vội vã ra đi nên không kịp ăn sáng. Cụ chỉ nhẹ nhàng bảo: ”Nên dậy sớm một chút, ăn uống tử tế, nhịn đói dễ mất sức.“ Nếu ở với Mẹ ruột, chắc chắn tôi sẽ bị Cụ la.
Mẹ chồng tôi là người Bắc cổ xưa. Cụ vấn khăn, răng nhuộm đen. Lúc chúng tôi về sống chung, Cụ thường chỉ dạy các tập tục, cách xưng hô theo miền Bắc, có phần khác biệt với miền Nam. Thí dụ: gọi người con trai lớn nhất trong nhà là anh Cả, người em gái kế cận là chị Hai. Có những việc thông thường nhưng thực dụng cũng được Cụ chỉ dạy, như mua gà nên chọn gà có lườn đầy, đó là gà béo; mua cá nên lựa cá mắt trong mới là cá tươi. Nếu cá đã cắt sẳn từng khứa, nên chọn khứa chắc thịt. Mua trái cây chọn những trái còn cuống và lá xanh mới đẹp, dưa hấu chọn trái nào cuống hơi lõm một chút là dưa chín trái ấy sẽ ngọt, v v…
Tôi nghe kể lại lúc trẻ Cụ vừa buôn bán, trông nom cửa hàng ở Saigon vừa đi lại quê nhà miền Bắc, chỉ huy cất nhà thật to, to như cái đình. Cụ định lúc già sẽ trở về Bắc sống với họ hàng, thân thuộc. Chỉ có Cụ bà đi lại, chớ Cụ ông chẳng bao giờ về quê. Ông Cụ sống Saigon đến ngày qua đời. Sau 1954, ngôi nhà to lớn ấy bị chính quyền Cộng Sản lấy làm công sở. Cụ tự an ủi là tình trạng chung của đất nước, đành chịu thôi.
Lúc tôi về nhà chồng, Cụ ông mất đã lâu. Bà nội các cháu vừa nghỉ buôn bán, giao cửa hàng cho chị Cả chồng tôi trông nom. Chị cho biết lúc còn buôn bán, Mẹ chồng tôi tính toán rất nhanh, nhất là tính nhẩm. Trong lúc chị còn cộng cộng trừ trừ, Cụ đã có đáp số. Tuy không đọc sách nhưng Cụ thuộc nhiều ca dao tục ngữ, dùng đúng nơi, đúng chỗ. Người làng hay các cháu họ xa cần vốn làm ăn, Cụ sẵn sàng giúp đỡ. Nếu các con thắc mắc, Cụ thường nói :“Khó giúp nhau mới thảo, giàu tương trợ ai màng.“
Vào những dịp lễ, Tết Cụ hay mua quà biếu họ hàng hay người quen. Quà Cụ mua thường tốt và ngon. Cụ bảo :“ Minh ăn thì hết, người ăn thì còn. Đã biếu ai nên biếu loại tốt, cho quà xấu họ vất đi, tốn công, tốn tiền vô ích." Cụ cũng hay nói: ”Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống, gia đình ảnh hưởng con cái v.v…” Tuy đưọc nhắc nhở nhưng con cháu không phải ai cũng nghe lời Cụ, nhất la các cô cậu sang Mỹ. Cụ cũng dạy: “Cố gắng trước, trời giúp sau.’’ Cụ đưa người làng vào Saigon sinh sống, giúp vốn, họ chịu khó làm ăn, phần lớn thành công, có nhà có cửa tử tế.
Chúng tôi ở chung với Cụ đến khi có cháu đầu. Cụ đón tôi từ nhà bảo sanh về thẳng nhà riêng, nơi Cụ đã sắm sửa đầy đủ các đồ dùng cần thiết từ bàn ghế đến các dụng cụ nhà bếp, cả đồ dùng cho em bé. Tôi rất cảm động về sự ân cần chăm sóc ấy. Nói thật, nếu chính tôi lựa chọn, chưa chắc tôi chọn được thứ tốt và chắc chắn như Cụ. Không những thế, Cụ còn tìm cho tôi một chị giúp việc. Chi này vừa trông em bé, vừa lo cơm nước cho chúng tôi. Thế mà ngày nào Cụ cũng đến tắm em bé để chị vú học hỏi. Bao giờ chị vú thông thạo mới giao em bé cho chị trông nom.
Khi tôi còn ở trong nhà bảo sanh, ngày nào Cụ cũng vào thăm tôi ít nhất một lần cho đến khi tôi về nhà. Cụ mua sẵn mấy quày dừa xiêm, loại dừa trái nhỏ và ngọt đậm. Mỗi quày từ 10 đên 12 quả, dặn chị vú mỗi ngày phải cho tôi rửa mặt bằng nước dừa, vì theo Cụ, nước dừa làm da dẽ hồng hào, mịn màng. Da tôi sau này ít bị mụn có lẽ cũng nhờ nước dừa? Cụ còn cho tôi uống thuốc Bắc mỗi ngày 1 thang, để mau lại sức và tránh được các bệnh hậu sản. Lúc sắc, mùi thuốc thật thơm, nhưng uống thì thật đắng. Tôi không thể nào uống hết ngay nên phải chia làm 2, sáng nửa chén, chiều nửa chén.. Uống được 2 ngày tôi thưa với Cu là thuốc Bắc vừa đắng vừa nhiêu, nên sợ quá. Cụ khuyên tôi nên cố gắng uống đủ 10 thang thì da dẻ sẽ hồng hào và khỏe mạnh. Trong khi đó bà ngoại các cháu cho rượu con mèo (Dubonet), loại rượu ngọt uống trước bửa ăn chừng 2 muỗng canh, đở ngán hơn.
Cụ trả hết các chi phí nhà bảo sanh mặc dù lúc ây chúng tôi đều đi làm. Chị Cả bảo tôi đừng bận tâm nhiều, vì chị sanh 6 con, lần nào Cụ cũng trang trải mọi chi phí dù anh chị có 2 cửa tiệm buôn bán và giầu có. Lúc chị dâu Cả và tôi sanh, ngay nào Cụ cũng đến thăm 1, 2 lần cho đến khi chúng tôi về nhà, thường từ 7 đén 10 ngày. Vậy mà khi chị ruột và em gái nhà tôi đi sanh, Cụ chỉ vô thăm có một lần. Tôi thắc mắc, Cụ giải thích: ‘’Con gái là con người ta, nữ nhân ngoại tộc…” Ngày nay thì ngược lại, nhất là ở hải ngoại, con gái gần gủi chăm sóc cha mẹ hơn con trai.
Tôi nghe kể lại Cụ và họ hàng về quê ở ngòai Bắc cưới vợ cho anh Cả chồng tôi. Chị Cả xinh đẹp, lại là con nhà khá giả trong làng. Đám cưới rất linh đình. Chú rể và cô dâu chỉ được gặp nhau lần đầu khi đón dâu vào Saigon. Trước kia, hai anh chi biết nhau qua hình ảnh. Anh có học, có cửa tiệm ở Saigon nhưng cũng nghe lời Mẹ, cưới vợ “hàm thụ”, có lẻ cũng vì chị Cả tôi đẹp và đảm đang. Nhớ lại ngày xưa, nhà Cụ tôi thường hay có giỗ và con cháu họ hàng đông. Một minh chị Cả tôi chi huy nấu cỗ. Mấy chị chúng tôi chỉ đưa lễ trái cây mà thôi. Chị Cả không cho chúng tôi làm gì hết, chỉ “ngồi chơi xơi nước” thôi. Chị có nhiều người giúp việc và biết ý mẹ chồng tôi thích nấu cỗ như thế nào.
Từ khi Cụ nghỉ buôn bán, đứa con bé nhất của anh chi Cả ngủ với bà Nội hầu chị được ngủ trọn giấc để hôm sau còn dậy sớm mở cửa tiệm…
Nay sống nơi quê ngươi, nhớ đến các cu ngày xưa mà tôi còn thấy long bồi hồi. Bà ngoại các cháu đã quá lo lắng khi gả tôi cho người Bắc. Cụ sợ tôi không sống chung hòa bình với nhà chồng được vì Cụ biết tính tôi vô ý vô tứ, trong khi người Bắc, nói chung, rất khó khăn, cẩn thận, ăn, từ việc ăn mặc, nói năng, v.v…Tôi muốn thưa với Ngoại là làm dâu người Bắc không có gì hải hùng hết. Tôi đã sống an bình trong tình than thương đại gia đình nhà chồng và chàng rể Bắc kỳ của Ngoại cũng đàng hoàng, dễ yêu, dễ mến. Cụ Nội cũng thương nàng dâu Nam kỳ vì tôi cũng biết chiều chồng, nuôi con, cố gắng để đời sống gia đình được hạnh phúc tốt đẹp như những gia đình khác.
Tôi xin nói thêm là sau đó Cụ lại còn cưới một cô gái Nam kỳ cho đứa cháu ruột gọi Cụ bằng Cô. Thím là con nhà giàu chỉ biết đi học nhưng khi có gia đình cũng học cách nấu ăn theo kiểu Bắc kỳ, rồi cũng biết làm cỗ ngon, khéo, cư xử đâu ra đấy, ai cũng khen và tất nhiên Cụ tôi rất hài lòng. Tôi biết ngày nay không còn phân biệt Nam, Bắc nhất là ở hải ngoại, chỉ còn tên chung là người Việt Nam tuy cách phát âm có đôi chút khác biệt.
Còn tôi, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi trở thành Đốc Sự hành chánh. Gia đình bảo tôi trở về làm việc Tổng Nha Công Vụ cho gần nhà, có xe đưa đón đàng hoàng, có văn phòng riêng, tương lai xán lạn hơn gõ đầu trẻ, lương ba cọc ba đồng. Nhưng tôi biết Cụ tôi thích nghề dạy học vì con các anh chi giáo, cháu gọi Cụ bằng dì đều ngoan ngoãn và học hành thành đạt. Riêng tôi, sau những năm gần gũi học sinh và sống chung với nhà tôi là một nhà giáo giản dị, tôi chuyễn hẳn sang ngành giáo dục. Tôi đã làm vừa lòng Cụ lại được sống bình an không cạnh tranh. Một vài người bạn cho tôi là khờ. Tôi tiếp tục dạy ở trường học di cư cho đến lúc rời quê
hương, nơi có đồng nghiệp, đồng sở và các học sinh thân yêu. Tất cả cư xử với nhau tốt đẹp như một đại gia đình.
Theo tôi, bà nội các cháu là bà mẹ chồng tuyệt vời, hiếm có được mọi người thương mến, kính nễ và ao ước.
Ngoc- Hạnh
Virginia, tháng 1 năm 2000
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét