Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

Ngày Xưa


Một lần gửi điện thư cho hai bạn Jack Palance và Ngô Thế Vinh,tôi cao hứng hỏi có muốn tôi viết chơi một bài cho đặc san YK68 hay không,dè đâu hai ông ấy vồ ngay lấy,thành ra mình tự mua dây buộc cổ. Nghĩ mãi, chưa biết viết gì ,đành ghi lại một số kỷ niệm của " những ngày xưa thân ái"

Tôi đậu PCB năm1961,hạng 52,sau Đỗ Văn Hiếu, nên năm thứ nhất YK,thuộc groupe F,Hiếu là chef
Lần đầu tiên đi thực tập,tụi tôi được chia tới Bệnh Viện Nguyễn Văn Học, khu nội thương
Lúc đó,thầy Rivoalen là lớn nhất,bên dưới có hai anh Nguyễn Thế Minh và Trần Lữ Y phụ tá.Ngày đầu, cả bọn đều sợ hãi,tới rất sớm đứng chờ,chưa biết mặt ngang mũi dọc các thầy ra sao.Chợt có chiếc xe DS19 đậu xịch trước cửa,một ông bệ vệ bước xuống,trông rất oai phong,cả bọn tưởng là ông thầy,sắp sửa khúm núm chào,nhìn ngực áo choàng,thấy tòn teng 1 ngôi sao,bèn cười sặc lên.Thì ra đó là anh Lê Lữ,tuy cùng lớp,nhưng hơn chúng tôi mười mấy tuổi .Anh đã đỗ PCB từ lâu,qua Tây học thứ khác,nay trở về,theo lại ngành y.Anh là tay ăn chơi lão luyện, toàn đầu độc đám đàn em ngây thơ,hồi đó tụi tôi gọi anh là Le Lưỡi.

Các bạn còn nhớ,cụ RI to lớn,dềnh dàng,rất thương học trò,nhưng lâu lâu mình mới gặp,hàng ngày chỉ có các anh Minh và Lư Y.Anh Minh ăn mặc chải chuốt,ống nghe quàng cổ,marteau a reflexe dắt ở tạp dề quấn trước bụng,ăn nói nhỏ nhẹ,lịch sự.Anh Lữ Y thì ngược lại,quần áo xốc xếch,ăn to,nói lớn và hay văng tục.Nhưng các bạn cũng như tôi,ai cũng phải công nhận hai anh là những bực thầy,bực đàn
anh khả kính và khả ái,riêng tôi,còn rất nhiều kỷ niệm với hai anh,vì anh Minh định cư ở Montreal,và anh Lư Y cũng qua đây sau một thời gian ở Pháp.
Buồn thay,những vị tôi vừa nhắc tới đều đã ra người thiên cổ.Gần 60 năm rồi còn gì.Ngày đó,miệng còn hôi sữa,bây giờ tóc bạc như sương.


Bệnh viện Chợ Rẫy,vì có nhiều ngành chuyên khoa,lại gần nhà,nên tôi đi thực tập ở đây nhiều lần.Khu nội thương,với các thầy Bùi Quốc Hương,Nguyễn Ngọc Huy,Lê Xuân Chất,Phạm Tấn Tước.Tôi nhớ ngày đó học thầy thì ít học đàn anh thì nhiều vì thoải mái,có gì thắc mắc là hỏi tới nơi tới chốn. Các anh Trịnh Nghĩa Trinh,Lê Công Phước,Tôn Thất Lan vv đã dậy tôi rất nhiều.Hồi tôi học,còn thầy Caubet,dậy về bệnh tim,thường bắt chước tiếng tim đập "pùm...hờ,pùm ...hờ"cho sinh viên dễ nhớ. Các vị Thầy đều đã qua đời,hai anh Trinh và Lan,tôi không biết tin,chí có anh Phước ở Úc là tôi được gặp lại cách đây vài năm,khi anh qua chơi Montreal. Các bạn còn nhớ,ngày xưa,biệt danh của anh là Phước lãi.
Khu ngoại khoa hồi đó có các thầy Trần Quang Đệ và Đặng văn Chiếu.Vì tôi thuộc
loại nhí,nên không được trực tiếp thụ giáo,chỉ theo các anh Đinh Viết Hằng,Trần Văn Khánh,chị Bội Ngọc và cũng học lỏm được khá nhiều,nên lên năm thứ 5,thứ 6, cũng mổ lia chia,cùng với Hoàng Bá Ươc Doanh.
Nhưng điều tôi nhớ nhất ở Chợ Rẫy,không phải chuyện học hành,mà là chuyện cờ bạc! Phòng trực của sinh viên là căn lầu gần cửa ra vào,nơi thường xuyên có sòng bài cào do Nhân già(Nguyễn khắc Nhân) làm cái,Văn lõ(Lê Tiến Văn) làm hồ lỳ.Nhà con thì đông lắm,Lương Bảo Hoa,Dương Thế Oanh,Hà Mạnh Tuấn,Đỗ văn Hội, Lê Tất Cương,Đỗ hữu Tước vvv,và cả tôi nữa.Thời đó vừa sau đảo chánh,BS Trang Đăc Hiếu la giám đốc bệnh viện,đã gọi cảnh sát tới hốt cả bọn lên xe cây,coi rất thê thảm.May nhờ Nguyễn An,em tướng Nguyễn Ngọc Loan,lúc đó là tư lệnh cánh sát,xin giùm,mọi người mới được thả về.Sòng bài bị dẹp được ít lâu,rồi lại sôi nổi y chang như cũ.

Bệnh viện Hồng Bàng chuyên chữa bệnh phổi,đại đa số là lao,tới thời kỳ nặng nhất.Hai ông thầy,thời tôi học là Pierre Hautier và Lê Quốc Hanh.Anh Hanh thì hiền lành,coi học trò như em,lúc nào cũng nhỏ nhẹ,giảng dậy tận tình.Ông Hautier rất hung ác,mỗi buổi sáng họp để sinh viên trình bệnh,bao giờ cũng có màn xé observation,làm nạn nhân bị xỉ nhục trước mặt bạn bè. Có lần,Nguyễn Huy Lục đã nổi nóng,mắng ông ta một trận đích đáng,làm anh Hanh phai giảng hoà,và từ đó,Hautier mất hẳn tật xấu đó.Ông Hautier này còn một tật nữa là hay vỗ mông cô Minh,y tá.Bây giờ mà làm vậy thì bị thưa ra toà về tội sách nhiễu tình dục .Sau này tôi còn nghe nói,ông Hautier là gián điệp của Nga,chả hiểu có đúng không.Ở đây trực gác rất nhàn,lâu lâu bị gọi đi khám một vài người bệnh bị hemoptysie,thì
theo cẩm nang của đàn anh,cho glace a succer,vitamine K,coramine,chẳng có gì hiệu quả để cấp cứu. Một đôi khi phải đi chứng tử.Phòng trực ở đây vắng vẻ,hay có rắn,từng dưới là chỗ nhốt mấy con vật làm thí nghiệm,ban đêm tối om,rất đáng sợ.Vào 2 năm cuối,tôi thường đến Hồng Bàng,nhờ anh Hanh làm giùm mấy cái bronchographie lipiodolee cho mấy em nhỏ bị bronchiectasies để làm luận án do chị Thoa đỡ đầu.Ở đây còn có một anh nội trú,chắc gốc trường Việt lại thích nói tiếng Tây,có lần khen xe mới của Hautier:"C'est un beau voiture"làm Vũ Thiện Đạm và tôi,tuy dân Chu Văn An cũng phải nhìn nhau cười tủm tỉm.


Bệnh viện Bình Dân: Tôi không bao giờ đi thực tập ngoại khoa ở đây,nhưng nhiều bạn của tôi được đào tạo ở lò này,ăn dầm nằm dề toi ngày như Nghiêm Đạo Đại, Nguyễn Gia Khánh,Nguyễn Phúc Bình...Hồi mấy năm đầu,ai cũng phải qua đây, học về ORL,Dermato,stomato vv.Đi với anh Ký,học được nhiều,nhưng lúc nào cũng ớn khi phải chữa sinusite cho bệnh nhân bằng cách đâm một cái trocart
dài cả tấc vào lỗ mũi,giờ nghĩ lại vẫn còn rợn tóc gáy.Khu ngoài da của thầy Út thì nhẹ nhàng hơn,chỉ đứng ngồi lố nhố sau lưng thầy,để nghe thầy vừa lắc lắc cái đầu vừa phán: Eczema,crete de coq,Hansen... Ở đây,số ghế có hạn nên ai tới sớm thì được ngồi,đến sau phải đứng .Tôi nhớ có lần,bạn thân của tôi là Trần Mộng Lâm tới sớm đang ngồi rung đùi,thì bị chị Vũ Lan Anh,tới sau,ỷ mình là
đàn bà lại lớn tuổi,kéo bật ra,dành chỗ .Lâm tuy nhịn,nhưng lẩm bấm cho chị nghe thấy:Già,Xấu,Khó tính.(Sau này,gặp nhau ở Montreal,chị cười :bây giờ già, xấu nhưng hết khó tính rồi.)Các bạn còn nhớ ngày đó,thầy Út có cái mũi đỏ,không biết tại sao.Một buổi sáng,anh em thấy một bạn cùng lớp say xưa nói chuyện với thầy về xứ Ấn độ và thủ tướng NEHRU,mặt cười cười rất đểu.Về sau mọi người
mới hiểu là hắn chơi chữ,tên của thủ tướng,đọc lên đồng âm với nez rouge.
Hồi đó Trần Mộng Lâm và tôi còn thực tập một tháng bên khu Nha khoa để làm quen với mấy cô,trong đó có con gái cưng của thầy Trịnh văn Tuất.Thầy hay gọi cô:Khanh ơi,và tụi tôi cũng giả bộ gọi theo nên thường bị nguýt đổ đình,đổ chùa.(Thuỵ Khanh bây giờ ở Paris,Thầy Tuất đã qua đời )

 

Bệnh viện Từ Dũ: Trong hai năm đầu,ai cũng phải qua đây để làm 20 cas đỡ đẻ. Cứ ngồi ở phòng sanh mà chờ,khi nào được giao cho một bà là phải hầu từ đầu tới cuối,thay quần áo,rửa ráy,cạo lông,nắn bụng,nghe tim thai nhi,lâu lâu làm TV để xem độ nở của cổ tử cung.Nếu đẻ con dạ thì khá,rất mau,nếu đẻ con so thì chờ dài cổ.Anh nào được mấy cô nữ hộ sinh có cảm tình,giúp đỡ thì khỏe, làm mình ên thì vất vả lắm.Mấy cô này,đeo masque,chỉ thấy hai con mắt,coi bộ cô nào cũng đẹp.Tới giờ,tôi vẫn chưa hiểu,tại sao hồi đó tụi tôi đỡ đẻ mà không được mang găng tay,chỉ rửa theo đúng phương pháp sát trùng.
Hồi đó thầy Trần Đình Đệ còn làm giám đốc,mỗi lần thầy đi khám bệnh là rồng rắn một hàng dài,giảng sư,nội,ngoại trú,nữ hộ sinh, đám sinh viên 1,2 sao ở tít đằng xa, thấy mặt thầy còn không rõ...Hồi đó,Phật giáo đang biểu tình chống cụ Diệm,rất lộn xộn,đứng trên lầu Từ Dũ coi ngon lành mà không nguy hiểm .Khi tôi lên lớp lớn,đi lại bệnh viện này, thầy Đệ đã xuất ngoại,thì thực tập với các anh Nguyễn văn Hồng,Hoàng Ngọc Minh,Hồ Trung Dung, Vũ Thiện Phương,chị Bích Tuyết .Đi theo anh Phương,chị Tuyết thì vui,theo anh Hồng, anh Minh thì hơi khổ.Tôi còn nhớ,anh Minh hay kiểm soát bonnet,anh Hồng để ý áo choàng,mũ đội không ngay,áo hơi dơ là bị mắng túi bụi.Nhưng cũng học được
nhiều,sau này,ra ngoại quốc phải thị lại,môn sản phụ khoa của VN lúc nào cũng khá.Một chi tiết vui mà tôi còn nhớ,là lần đầu tiên trình diện anh Phương,anh trợn mắt nhìn Vũ Thiện Đạm,làm bạn ta hơi teo,sau mới biết,chàng trùng tên với thân phụ của anh.Anh Phương chỉ cho tụi tôi cách khám màng trinh,làm cả bọn đều lé mắt, mặt đỏ ké, đầu óc lùng bùng.


Bệnh viện Nhi Đồng: Bệnh viện này có Ngoại và Nội khoa. Ngoại khoa do thầy Trần Ngọc Ninh phụ trách,phụ tá bởi anh Trần Xuân Ninh,tụi mình thường gọi là Ninh cha và Ninh con.Tôi nhớ mài mại là ai cũng phải bắt buộc đi khu giải phẫu tiểu nhi 1,2 tháng.Đi với thầy Ninh ai cũng sợ,vì bị truy bài.Thầy hỏi tới cùng,đến lúc bí là bị nhiếc,bị chê,làm nạn nhân cảm thấy nhục nhã.Khi bị phụ mổ,dù chỉ làm 2e aide,ai thầy cũng chê là hậu đậu.Theo Thầy,bệnh đậu mùa ngày xưa rất nặng,chín phần chết,một phần sống,ai qua khỏi thì mặt rỗ,và trong một thời gian dài,rất yếu,tay chân run rẩy,làm cái gì cũng hỏng.Thật ra thì đám học trò đâu có tệ,sau này có rất nhiều người là giải phẫu gia nổi tiếng thế giới .Có lần thầy giảng về gẫy xương chân,nói miên man rồi nhảy qua hội họa,khen một họa sĩ ,vẽ về chiến tranh,không có bom đạn gì hết ,chỉ có mấy đôi chân,rồi thầy kết luận"En temps de guerre,on est jambes" chạy chậm thì chết. Tôi chỉ nhớ câu này,chả biết gẫy xương chân ra sao.Phải công nhận,thầy Ninh có kiến thức rất rộng về Y khoa,và nhiều thứ khác,nhưng về phương pháp giảng huấn thì phải nói theo kiểu Tây là "laisse à désirer".

Khu Nội khoa ở đây, có các thầy Phan Đình Tuân(kiêm Giám đốc)Phạm Gia Cẩn, Vũ Thị Thoa, Trịnh Thị Minh Hà v..v..Có một thời gian ngắn, Vũ thiện Đạm và tôi theo chị Hà, lúc đó vừa du học ở Canada về, chị rất thuộc bài, vui vẻ,thích đi ăn uống với tụi tôi ở quán Trung Thành, gần cầu Bình Lợi. Chị Thoa thì khỏi nói, chị là thầy ruột , đỡ đầu luận án của tôi, đã được nhắc nhiều trên TSYS. Những kỷ niệm mà tôi muốn nhắc ở đây là mấy chuyện vui trong sinh hoạt thường xuyên của tụi mình khi đi thực tập ở Nhi Đồng. Phòng trực của sinh viên ở tầng trệt,từ cổng đi vào khá xa, phòng nữ trước ,phòng nam ở tận trong cùng. Đồ ăn của sinh viên rất ngon, vì được thầy Tuân đích thân kiểm soát. Khi có bệnh, thay vì gọi điện thoại, thì có bà y công đi dép lẹp xẹp tới cửa phòng, rồi kêu "Ông Nội,Ông Ngoại,lầu 2B,3B,2A v..v.." dính ai nấy đi. Mọi người làm việc đàng hoàng, nhưng có hai tệ nạn:

-Đánh bạc: Ở Chợ Rẫy thì Bài Cào, ở đây thì Xì phé. Cỡ gần trưa, khi công việc đã vãn là gầy sòng, sát phạt cũng dữ lắm. Có lần,anh em đang say sưa tố thì thầy Tuân tơi, cả bọn phóng qua cửa sổ chạy như vịt.(Phòng trực chỉ có một cửa). Thầy không bắt được ai,liền tịch thu mấy xâu chìa khoá xe, thành ra tội nhân phải lên văn phòng trình diện, khúm na khúm núm,mặt đỏ ké, xin lại chìa khoá. Cũng may, thầy
Tuân rất hiền, chỉ mắng qua loa, không phạt kỷ luật, trừ điểm gì hết.

-Vấn đề vệ sinh: Chả hiểu sao,phòng trực không có phòng vệ sinh tại chỗ,mà ở rất xa, nên cả bọn đều tiểu vào cái bồn rửa mặt, lẽ dĩ nhiên không ai còn dùng nó để rửa mặt nữa. Bồn này quá cao, phải đứng lên cái ghế mới...hành nghề được. Có lần, Văn lõ đang tiểu thì thầy Tuân(lại thầy) vi hành qua bắt gặp:Thầy chắp tay sau lưng, hỏi: Ê,cậu làm gì đó? Văn,mặt đỏ như gà chọi, mà đang tiểu, đâu có thắng lại được, vẫn phải tiếp tục xả hết bầu tâm sự.
Các bạn nào học YKSG mà không biết mấy chuyện này thì lạ lắm, trừ các chị, vì ở phòng trực khác, và tôi tự hỏi, mấy bà giải quyết vấn đề ra sao?

Hơn nửa thế kỷ đã qua,chúng ta đều già hết rồi,mặt đứa nào cũng "hằn lên nỗi đau", những ai còn khỏe mạnh đều mong gặp lại nhau, nhắc kỷ niệm xưa, vui cười như thời còn trẻ. Tôi mượn 4 câu trong bài thơ 8 câu của Vi Ứng Vật,rất thích hợp với hoàn cảnh của tụi mình trong lần hội ngộ năm nay:

Phù vân nhất biệt hậu,
Lưu thủy thập niên gian,
Hoan tiếu tình như cựu
Tiêu sơ mấn dĩ ban.

Viết tới đây thì tôi bắt đầu lúng túng, vì không thuộc loại"mắc dịch"thấy thơ là dịch
vừa nhanh, vừa hay. Hai câu đầu,dịch coi bộ được lắm,sát nghĩa và có vần điệu:

Từ ngày mây nổi, chia tay,
Nước trôi thấm thoắt, đã đầy mười năm..
Hai câu sau cũng ngon :
Vui cười , tình vẫn như xưa,
Ngậm ngùi vì mái tóc thưa ngả mầu.

Vấn đề là, câu 2 và câu 3 lạc vần, mà tôi chưa tìm được chữ gì thay cho chữ năm mà có vần ưa. Thôi thì cứ để vậy, biết đâu mấy sư huynh của tôi như Hoàng Xuân Thảo,Nguyễn Đương Tịnh,Nguyễn văn Bảo, vô tình đọc được mà ra tay nghĩa hiệp, "Gà"giùm.

Bát Sách, Nguyễn Thanh Bình.

Viết thêm:Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi dịch lại hai câu đầu cho đúng vần:

Kể từ mây nổi,xa nhau,
Mười năm nước chảy,dãi dầu nắng mưa.
Vui cười, tình vẫn như xưa,
Ngậm ngùi vì mái tóc thưa ngả mầu.

Dãi dầu nắng mưa được thêm vào, vì mình hiểu ngầm là 10 năm xa bạn bè, xa quê hương, tha phương cầu thực, thì chắc phải vất vả, đau khổ, không xa với ngụ ý của tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét