Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2025

Một Thoáng Bâng Khuâng


Chỉ còn hai tuần nữa là Tết. Trời cuối Đông, gió bớt lạnh và nắng đã hanh vàng, nhẹ nhàng xua đi màu xám ảm đạm. Khoác lên mình chiếc áo len mỏng, Diễm ra khu vườn nhỏ, vươn vai thở hít khí trời. Giàn nho trơ những cành khô như đang thoi thóp đợi hồi sinh, chậu quỳnh lá xanh mướt đang say sưa uống từng giọt nắng và những khóm cúc vàng, tím đã hé nụ, mỉm cười... Theo thường lệ mỗi sáng Thứ Bẩy, từ tinh mơ Diễm và các bạn đã ríu rít gọi nhau để cùng ra công viên đi bộ quanh hồ hoặc ra biển đi dọc theo bãi cát. Sáng nay, vì Diễm mới trở về sau khi đưa mẹ sang Hoa Thịnh Ðốn thăm gia đình ông anh Cả nên chả thấy ai gọi và nàng cũng lười biếng nằm nướng đến bây giờ.

Không đi cũng thấy nhớ, không biết Vũ Dung đang làm gì, chắc lại tíu tít bên chồng con. Trong các bạn, có lẽ cô nàng là người hạnh phúc nhất, mặt luôn vui tươi, hí hởn, gần ai người ấy cũng vui lây. Hồng Tước đáng yêu, nhìn đời với cặp mắt bao dung, chuyện gi nàng cũng coi là chuyện nhỏ, luôn an ủi, vỗ về bạn bằng những lời nói chân thật, chí tình. Kim Lan dịu dàng, nhẹ nhàng với những ân cần, chu đáo rất Việt Nam. Còn Minh Phú, Lưu Định, Minh Hà, Vân Bằng, Ninh, Ly… Những người bạn quanh Diễm đã tiếp cho nàng sức sống sau cơn khủng hoảng về gia đình. Bóng hình những người bạn ở nơi xa xôi như Bướm Betty, Ngân Khánh, Đỗ Dung, Minh Châu, Vân Anh, Hồng Mai, Phương Khanh, Ngọc Bảo, Lệ Hải, Bích Hà… hiện lên trong tâm trí nàng. Từng khuôn mặt, từng khuôn mặt, với từng nét đặc biệt riêng. Nàng yêu các bạn vô cùng!

Nhóm đi bộ của Diễm có năm người: Vũ Dung, Hồng Tước, Kim Lan, Minh Phú và Diễm. Lợi dụng con số 5 nên họ tự phong là “Ngũ Long Công Chúa”. Những lúc Minh Phú bận việc không tham dự thì bộ tứ laị thành “Tứ Đại Cô Nương”. Bọn họ thân nhau còn hơn chị em ruột, chia sẻ với nhau mọi chuyện, kể cả những khắc khoải, ưu tư trong cuộc sống cũng như những niềm vui chợt đến, chợt đi… Mỗi buổi sau khi đi bộ họ kéo nhau vào “shopping mall”, rồi ghé tiệm ăn và vẫn ăn quà vặt như ngày xưa. Có những đề tài được họ đem ra bàn tán để rồi rúc ra, rúc rích cười với nhau vì những chuyện tiếu lâm hoặc ấm ức, bực mình vì sao con nhỏ bạn mình lại… ngu quá vậy!

Một hôm, Trác xuất hiện, như một tình cờ hay như một sự sắp đặt không cần biết. Chỉ biết rằng Diễm, người đàn bà đã ly dị, trên sáu mươi và chàng, một người đàn ông góa gần bảy chục, hai kẻ cùng cô đơn. Buổi gặp mặt đầu tiên cũng cho Diễm những xao xuyến. Nàng cười thầm sao mình lai bồi hồi như con gái mười tám lần đầu tiên đi hẹn với người yêu. Trác còn phong độ ở tuổi gần cổ lai hy, giọng nói ấm áp, ánh mắt trìu mến. Ngồi đối diện nhau trong tiệm ăn, Diễm tiếc thầm sao không gặp nhau mười năm về trước, khi nàng mới chia tay với Khiêm và vợ của Trác vừa qua đời.

Như đọc được tư tưởng nàng, Trác nói:
– Đời không có gì là muộn màng Diễm ạ. Quan trọng là chúng mình có hiểu nhau không và có chịu đựng được nhau không.
Ở Việt Nam Trác là bác sĩ, sang đây chàng thành nghệ sĩ. Sau khi về hưu chàng tìm vui trong những ban nhạc và cũng dạy đàn.
– Diễm có muốn học đàn không, anh sẵn sàng dạy không công cho Diễm.
Nói xong, chàng đưa Diễm hai cây đàn Mandolin bảo cầm về, hôm nào tiện sẽ bắt đầu học. Buổi hội ngộ đầu tiên cho Diễm một thoáng bâng khuâng.
Tiếp đến là những email tìm hiểu, những điện thoại thăm dò ý tứ. Những lời nói ân cần, trìu mến làm lòng nàng như ấm lại, tự ái đàn bà được vuốt ve. Có tình yêu ở tuổi cuối đời này không! Nàng luẩn quẩn, loanh quanh tìm câu giải đáp. Cuộc đời nàng đang tạm bình yên. Nàng đã về hưu, còn Khiêm ở Việt Nam đã có vợ mới. Điều này cũng chẳng trách được khi hai người đã cùng ký tấm giấy ly hôn. Uyên đã lớn, đã ra trường và có người yêu. Diễm cũng đã quen với nếp sống chung, với những chướng ách của mẹ. Hàng ngày, hàng tuần giỡn hớt, bông đùa với các bạn Trưng Vương thuở nhỏ, bạn gần và bạn xa.
Một buổi sáng giọng Trác ở đầu dây kia, nồng ấm:
– Hôm nay trời đẹp quá, Diễm có rảnh không, cho anh mời Diễm đi chơi!
– Anh định đưa Diễm đi đâu?
– Đi chùa hay nhà thờ, chỗ nào Diễm thích. Anh muốn đến một nơi yên tĩnh cho thanh thản tâm hồn.
Qua những lần điện thoại Diễm biết chàng theo Công Giáo, còn gia đình nàng theo đạo Phật. Vì nghĩ đến Trác, nàng chọn đi nhà thờ.

Hai người quỳ lễ, thấy chàng ngước nhìn tượng chúa như đang thành kính nguyện cầu, lòng Diễm cũng nao nao.
Khi ra về chàng nhìn sâu trong mắt Diễm và hỏi:
– Trước tượng chúa Diễm nghĩ gì, cho anh biết được không?
– Lạy chúa con là người ngoại đạo, nhưng con tin có chúa ở trên cao.
– Chịu con gái Bắc Kỳ, em trả lời khéo lắm!
Diễm mỉm cười và không dám hỏi lại anh nghĩ gì vì nàng rất sợ nghe chàng tâm sự:
– Con qùy lạy chúa trên trời, sao cho con lấy đuợc người con thương .
Có sự chăm sóc, để ý của người khác phái cũng làm con tim Diễm vui trở lại. Nụ cười như rạng rỡ hơn, quần áo chải chuốt hơn. Mọi việc không qua được những cặp mắt “cú vọ” của nhóm “Ngũ Long Công Chúa“ và vấn đề liền được đem ra mổ xẻ tận tình:
– Em ơi, cẩn thận nghe em, đừng tin lời đường mật mà đổ thóc giống ra ăn đấy!
– Mi à, mi phải suy nghĩ cho kỹ nghe! Ở tuổi chúng mình còn chữ TÌNH YÊU viết hoa không?
– Mi phải biết làm tính cộng, tính trừ. “Positive” thì tiếp tục còn “Negative” thì liệu mà gài số dze, nghe em!

Những lúc ngồi một mình, nghĩ về những lời bàn ra, tán vào của bạn bè, Diễm lại bật cười. Ở cái tuổi “nhĩ thuận” mà vẫn cứ như những cô nữ sinh áo trắng ngày xưa nói chuyện về chàng nọ, chàng kia… Nàng chợt nghĩ đến cô Hiền, một giáo sư Trưng Vương lên xe hoa ở tuổi bảy mươi lăm, chú rể mới bát tuần đại khánh. Những lần gặp sau này, nàng thấy thầy cô rất vui vẻ. Cô tâm sự là cô chỉ cầu xin được ba năm thật Hạnh Phúc, sau đó già yếu thì sẽ nương tựa vào nhau. Cô sẵn sàng hầu thầy nếu cô còn sức khỏe. Phải chăng cô đã gặp được người yêu thật sự!

Buổi tối, mẹ Diễm không có nhà, có một mình, nàng chả thiết chuyện nấu nướng. Lấy nửa chén cơm nguội, rắc chút muối mè, nàng ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành, đếm từng hột cơm mà nhai. Những lúc cô đơn như thế này nàng cần một hình bóng, một bờ vai. Những khi buồn tủi nàng cũng mong có một vùng ngực bình yên để nép vào nương tựa, một vòng tay âu yếm vỗ về. Nhìn những cặp vợ chồng bền chặt đến đầu bạc răng long nàng không khỏi thèm thuồng, ganh tị. Nàng mơ ước một gia đình nhỏ, hanh phúc giản dị mà suốt đời nàng không có. Ôi buồn! Khi đọc bài viết “Ai sẽ là tôi” cuả Trần Mộng Tú, nàng lại càng thêm buồn thấm thía. Ai sẽ là “tôi”, ai sẽ là người ngồi bên giường khi nàng đau ốm. Ai sẽ là người thăm viếng khi nàng phải ở trong nhà già. Cả một viễn ảnh thê lương. Nàng bỗng nhớ đến Trần Vũ Thị Phúc, một cô bạn cùng khóa, Phúc được cải tử hoàn sinh vì tấm lòng yêu thương chân tình của Kevin, một mối tình đẹp của thế kỷ. Họ đã làm đám cưới trên giường bệnh khi cô dâu hấp hối và với mãnh lực của tình yêu, Phúc đã chiến thắng được tử thần. Kevin đã bỏ tất cả, danh vọng, sự nghiệp, tiền bạc để chăm sóc Phúc. Đổi lại, Kevin được gì? Đó chẳng là TÌNH YÊU viết hoa sao?


Tình yêu là gì, phải chăng là một sự cho đi và nhận lại, là hai người tri kỷ, là hai người tin cậy nhau, thông cảm nhau, có thể chia sẻ chuyện buồn vui, cũng như nâng đỡ, an ủi nhau khi cần… Có thể đó là những ý tưởng lãng mạn, còn trong thực tế, nếu sống chung thì sao. Phải đối đầu với biết bao nhiêu vấn nạn: Bệnh hoạn đau yếu của tuổi già. Một ngày là nghĩa nhưng chưa biết rằng ai sẽ hầu ai, đang khỏe mạnh đấy mà biết đâu một sớm, một chiều… Rồi lại con anh, con tôi. Rồi lại anh bừa bãi, tôi ở sạch. Anh thích tiêu tiền, tôi thích cần kiệm. Tiền nào của anh, tiền nào của chung.

Như bạn ở xa đã thì thầm qua phone:
– Diễm ơi, ở tuổi chúng mình, sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, ai cũng đã có những thói quen riêng thành nếp rồi, khó mà thay đổi lắm. Mi liệu có hợp với ông ta không? Liệu ông ta có hợp với mi không? Suy nghĩ cho kỹ vì không còn thời gian để mà uốn nắn nhau đâu. Không ai có thể sửa ai được đâu. Cứng như thép hết rồi.
– Mi ơi, cứ giữ ở mức độ tình bạn lại hay hơn. Ai ở nhà nấy, lâu lâu tìm đến nhau, an ủi vỗ về khi cần thiết và thỉnh thoảng cùng nhau đi du lịch, đi chơi xa vài ngày… Như thế vẫn có một giới hạn và lúc nào cũng tương kính như tân.
– Diễm ơi, ta biết mi là người chịu thương, chịu khó, tình lụy, lụy tình, vướng vào lại khổ thôi. Lại có người để mà hầu. Mi nên nhớ còn Cụ nữa đó!
Khổ quá, Diễm không quen làm tính cộng, tính trừ, cũng không quen phân bì hơn thiệt. Nàng là người đàn bà yếu đuối. Thôi xin cứ để mặc số trời.
Mùa Xuân đến cây cối sẽ đâm chồi, nảy lộc. Chim chóc sẽ cất tiếng hoan ca… Nhưng đâu đây lại văng vẳng tiếng ai đang hát:
– Ta quen nhau mùa Thu, ta thương nhau mùa Đông, ta yêu nhau mùa Xuân để rồi tàn theo mùa Xuân...

Chả ai biết được ngày mai! Trăng rằm sáng vằng vặc đang dịu dàng len qua cửa sổ. Lòng Diễm có thanh thản không mà nghe như mình đã thở dài. Hai cây đàn ngoan ngoãn nép mình trong góc phòng như đang nhìn nàng tha thiết. Sao nàng vẫn lủi thủi cô đơn!

Đỗ Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét