Suốt tuần qua trời mưa dầm rả rích, ẩm và lạnh. Cuối tuần Thoa cũng không có hứng đi ra ngoài. Nằm đắp chăn, nghiền ngẫm cuốn truyện ngắn của một người bạn vừa gửi tặng, mà bận quá Thoa chưa rờ tới.
Sáng thứ hai, vừa bước xuống giường, Thoa tới bên cửa sổ vén màn ngó ra vườn. Ánh nắng rực rỡ reo vui trên mấy đóa hồng nở muộn. Mấy bụi cúc đủ màu lộng lẫy trong ánh nắng mai. Những trái táo đỏ rụng nằm lăn lóc trên thảm cỏ xanh mượt. Trên cây đào dại, mấy con chim cũng thi nhau cất tiếng hót ríu rít, như để chào đón ông mặt trời trở về sau một tuần đi vắng! Tự dưng Thoa cảm thấy vui lây với cái vui của vạn vật.
Nhưng một sự thay đổi kỳ thú đang chờ đợi Thoa trên đường tới sở làm. Chỉ qua một tuần thôi, mà các con đường với những hàng cây xanh thẳng tắp giờ đã rợp lá vàng, lá đỏ. Rất nhiều người có cùng một ý nghĩ với Thoa: Không nơi nào mùa thu đẹp bằng nơi này. Mọi nơi, mọi chốn, những công viên, những núi đồi, những cánh rừng đều được bao phủ bằng nhiều gam màu lộng lẫy huy hoàng. Vàng, cam, hồng, đỏ, tía, nâu, đồng, xanh… tất cả được trộn lẫn vào nhau tạo nên những bức tranh lập thể mà từ ba mươi năm nay Thoa ngắm hoài vẫn không thấy chán. Chẳng vậy mà rất nhiều du khách khắp nơi trên thế giới đã phải bỏ tiền ra để tới cái xứ có tiếng là tủ lạnh này để ngắm lá thu! Cây phong lại có mặt ở khắp nơi. Vì vậy khi nhớ tới câu “rừng phong thu đã nhuộm màu quan san”. Thoa thấy lòng dấy lên một sự cảm hoài thật khó tả!
Đi ngang cái công viên nho nhỏ cách sở làm chừng trăm thước, nhìn đám lá vàng đang đuổi bắt nhau trên thảm cỏ, tự dưng mấy câu thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư hiện về:
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô…
Hình ảnh con nai vàng ngơ ngác khiến Thoa nhớ tới thuở nào mình hãy còn là một con nhỏ ngu ngơ, sống vui vẻ cùng gia đình trên vùng Tây Nguyên xa thẳm. Cái tỉnh lỵ Kontum nhỏ bé nhưng khí hậu tuyệt vời. Những cô con gái má đỏ môi hồng, tính tình thật thà dễ yêu. Chẳng vậy mà biết bao chàng sĩ quan của Quân Lực Lực Việt Nam cộng hòa đã từng bỏ quên con tim ở chốn này!
***
Thoa bắt đầu cuộc sống mới của mình ở ngôi trường Trung-Tiểu học Thánh Têrêxa. Năm Đệ thất con bé vướng víu, bực bội trong chiếc áo dài trắng lụng thụng của nữ sinh trung học. Cả cái đám lóc nhóc Minh, Thơ, Hải, Ngân, Thoa…cứ canh chuông ra chơi là đã chân trong chân ngoài chạy ù ra sân, vừa chạy vừa cột hai vạt áo lại với nhau cho khỏi vướng khi nhảy lò cò. Vì vậy mà áo quần lúc nào cũng nhăn nhúm thảm hại. Không kể những hôm chơi u mọi, hai bên trì kéo nhau vạt áo tét lên gần tới nách, đầu bù tóc rối, mặt mày nhễ nhại mồ hôi!..Bị mẹ rầy rà, cô nào cũng cố gắng đàng hoàng được ít hôm rồi đâu lại vào đó! Mấy bà mẹ đành phải chào thua.!
Năm đệ thất được đánh dấu bằng sự trở về Dòng chánh của cô Anna vào cuối năm. Học trò thương cô giọt ngắn giọt dài, khiến mắt cô cũng đỏ hoe. Cô Anna trắng bóc, mỗi lần mắc cỡ mặt cô đỏ như đánh phấn hồng và bị …cà lăm. Vì vậy mà đám học trò hay chọc cho cô đỏ mặt!
Năm đệ lục, lớp Thoa được Sœur Marie ưu ái tặng cho cái danh hiệu để đời là Hỏa Ngục. Bởi vì giờ nữ công gia chánh của Sœur chỉ được các chị lớn tuổi hoan nghênh. Đối với tụi nhóc này là cả một cực hình. Vì vậy trong khi hai bàn tay bẩn thỉu đưa những đường kim mũi chỉ một cách khó nhọc thì cái miệng cũng làm việc tận tình. Không xì xào nói chuyện, cũng lén nhai nhóp nhép một món gì đó: cóc, me, ổi dầm… Nhỏ Thọ còn cả gan chun xuống gầm bàn ở cuối lớp, trước mặt chị Loan là người nổi tiếng khéo tay. Chị thêu giùm và bù lại nhỏ kể cho chị nghe chuyện cổ tích, tất nhiên là do nhỏ tự…sáng tác! Tội nghiệp chị Loan hiền lành, dịu dàng và…dễ tin.
Có lần Sœur Marie, sau khi đã gõ thước xuống bàn vài lần vẫn không sao vãn hồi được sự im lặng, bèn thu xếp ”hành trang” bỏ đi một nước, ném lại một câu xanh dờn (nhưng mặt lại đỏ như Trương Phi):
– Tui chịu hết nổi cái lớp này rồi. Nơi đây dúng là Hỏa Ngục. Mặc kệ mấy người, tui không thèm dạy nữa! .
Báo hại bữa đó bà Nhất tới bắt nghe mô-ran mệt nghỉ và cả lớp phải xin lỗi Sœur Marie hết lời bà mới chịu trở lại để tiếp tục huấn luyện cho những bà nội trợ tương lai…
Ngày đầu của năm đệ ngũ, cả lớp đang ồn ào vì giáo sư chưa tới bỗng im phăng phắt, có tên còn há hốc miệng…tất cả sững sờ nhìn bà sœur đang bước vô lớp. Phải nói đây một nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn. Sœur độ chừng hăm hai, hăm ba tuổi. Người cao dong dỏng, mảnh mai trong chiếc áo dòng đen. Tuy nước da bánh mật nhưng mịn như nhung. Đôi mắt to tròn long lanh dưới cặp lông mày gọn xinh như vẽ. Sœur có chiếc mũi cao, thon, đẹp chắc không thua gì mũi của Nữ Hoàng Cléopâtre thuở xa xưa. Và nụ cười thì ôi thôi mê hồn! Và tất cả những thứ đó được đặt trên một khuôn mặt trái xoan với đôi má hồng như thoa phấn. Sau khi kiểm chứng lại, biết là mình lộn lớp sœur cười ngượng nghịu đi ra trong sự thất vọng não nề của học sinh lớp đệ ngũ. Nhiều tiếng kêu theo ơi ới : Ma sœur…ma sœur, nỡ lòng nào bỏ tụi…con cho đành! Sœur Françoise mắc cỡ đi càng nhanh. Đúng là nhứt quỷ nhì ma…
Nhưng may thay, sau đó bà sœur xinh như mộng này trở lại trong giờ Sử – Địa và hội họa. Chưa năm nào Thoa học Sử Địa hăng như năm nay. Trả bài lúc nào cũng 20/ 20 …Còn vẽ là môn ruột của Thoa mà!
Sœur Françoise chẳng những đẹp mà còn hát hay nên được Sœur Hiệu Trưởng cho làm Trưởng Ban văn nghệ của trường. Năm đó Thoa quên mất không biết vì lý do nào, trưởng ban văn nghệ của ty thông tin lại vô trường Têrêsa tập văn nghệ chung. Ông ta tên Hoàng, trẻ tuổi đẹp trai. Nhưng thay vì phải theo dõi những diễn viên đang tập vở kịch Trầu Cau, cặp mắt cú vọ của ông ta cứ dán chặt vào khuôn mặt xinh đẹp của Sœur Françoise. Một hôm con Kim Ly bắt gặp ” hắn” nói nho nhỏ gì đó với sœur, chịu không nổi nó chạy đi mét với Sœur Hiệu Trưởng. Vậy là chấm dứt màn hợp tác với ty thông tin!
Hè năm đó Sœur Françoise trở về dòng chính ở Đà Nẵng. Sœur ra đi mang theo vài lu nước mắt của lũ học trò trường Thánh Têrexa! Có điều bí mật mà cho tới giờ Thoa chưa hề bật mí với đứa bạn nào, là Thoa có một tấm ảnh của sœur chụp bán thân và một tấm thiệp Giáng Sinh rất đẹp của sœur tặng. Hôm đó Thoa đang cầm quyển sách đứng tựa cửa lớp để ôn bài, Sœur Françoise đi ngang cầm tấm thiệp nhét vào quyển sách của Thoa rồi đi thẳng, cứ như là không có chuyện gì xảy ra! Con bé há hốc miệng nhìn theo mà con tim thì đập thình thịch!
Năm Đệ Tứ là năm thi Trung học Đệ Nhứt Cấp nên đứa nào cũng cắm đầu học không dám lơ là. Môn Toán- Lý- Hóa xưa nay là kẻ thù không đội trời chung với Thoa, vậy mà năm này cô nhỏ cũng phải ”tụng” kịch liệt. Vô trường thi mà ngồi đó cắn bút nhìn trời hiu quạnh thì bước ra cửa chắn chắc là phải đạp vỏ chuối! Hơn nữa Sœur Madeleine phụ trách môn này là người rất nghiêm. Đừng có mà giỡn mặt !
Năm này cũng tạm ngưng chương trình cuối tuần cả bọn dung dăng dung dẻ đạp xe qua Phương Hòa mua nhãn, mua mít. Lên Phương Nghĩa ăn mía Thanh Diệu. Chiều chiều sắp hàng ngồi mút cà rem trước hàng ba nhà nhỏ Thơ, hoặc tối tối dẫn nhau đi ăn bò viên, chè.. và dẫn nhau đi coi phim…Ấn Độ!
Một bữa Chúa Nhựt, Thoa đang ngồi coi tiệm cho mẹ đi công chuyện, bỗng con Lài từ ngoài hớt hải đi vào. Mặt nó vốn xanh từ thở nào tới giờ lại càng trắng không thua tờ giấy:
– Thoa, mày hay tin gì chưa?
– Chưa.
– Con Minh chết rồi!
Thoa đứng bật dậy như bị lửa đốt, lập bập:
– Cái gì? Mày…mày nói đứa nào chết?
– Con Minh lớp mình. Nhà nó xuống Pleiku xem hội chợ. Trên đường trở về bị Việt Cộng bắn. Họ lầm xe nhà nó với xe ông Quận Trưởng. Tụi mình tới nhà nó đi.
Lúc Lài và Thoa tới nhà của Minh ngoài bờ sông Dakbla thì đã thấy Thơ, Sương, Liên, Hải, Ngân ở đó rồi. Cả đám nhìn thi hài của đứa bạn thân nằm trên bộ ván mà khóc như ri. Minh hiền lắm. Ai nói gì nó cũng chỉ cười cười. Vậy mà nó vắn số! Mẹ của Minh cứ ôm lấy mấy đứa bạn của con mà khóc, mà gào…Minh nằm đó, bất động, nét mặt bình thản như đang ngủ. Viên đạn quái ác xuyên qua cổ, trúng động mạch nên máu ra lai láng và nó không hề tỉnh lại lần nào.
Cả lớp đi đưa Minh về nơi an nghỉ cuối cùng vào một ngày mưa tầm tả. Nước mắt hòa với nước mưa. Ông Trời chắc cũng buồn lây! Cái nghĩa trang Công giáo nằm ngay trước cửa trường Kim Phước Lasan. Nhóm của Thoa có thói quen hai ba hôm sau giờ tan trường là ghé lại thăm mộ Minh ít phút. Cho nó đỡ cô đơn. Thoa không nhớ là lần thăm thứ mấy, nhưng hôm đó có một tờ giấy học trò nằm ngay ngắn trên ngôi mộ mới. Nhỏ Thơ cầm lên và đọc cho mọi người nghe. Thì ra đó là một bài thơ:
Chiều hôm nay nắng vàng vương nghĩa địa
Trút nguồn thương tôi dệt mấy vần thơ
Gởi đến em người chưa biết bao giờ
Trong giấc mộng hình như vừa gặp gỡ…
(Bài thơ còn dài nhưng Thoa chỉ nhớ được ít câu)
Cả đám lúc đó còn rất ngây thơ vô tội, nên thấy đây là một cử chỉ xúc phạm trầm trọng đến linh hồn của Minh, nên đã hội ý với nhau viết một bức thơ sỉ vả tác giả một cách thậm tệ! Sau đó không thấy hắn sáng tác gì thêm. Chắc phản ứng mãnh liệt của tụi Thoa đã dập tắt nguồn cảm hứng của hắn!
…Sau khi lều chõng xuống Ban Mê Thuột thi Trung Học Đệ Nhất cấp, bọn Thoa đã tứ tán mỗi đứa một phương: Sàigòn, Đà Lạt, Đà Nẵng, Qui Nhơn…Những chị lớn tuổi trong lớp thì lên xe bông, theo chồng bỏ cuộc chơi…
***
-Bà xã ơi, tới sở rồi. Còn mơ mộng gì mà ngồi yên đó?
Tiếng của Đạt, chồng Thoa, đã cắt ngang dòng tư tưởng đang đưa hồn nàng trở về cái thời ăn chưa no, lo chưa tới. Thoa cười:
– Lúc nãy ngang công viên thấy lá vàng, em nhớ lại cái thời còn đi học ở Kontum…
Đạt cười trêu vợ:
– Cái thời mà em còn mài đũng quần ở trường Têrêxa đó phải hôn? Để coi, anh nghe tới lần thứ một trăm lẻ mấy hồi he?…
Thoa nguýt chồng:
– Anh kỳ! Cứ chọc em hoài. Thấy người ta hiền…
Nhưng Đạt đã ra khỏi xe, băng qua đường để vô tiệm. Thoa lẩm bẩm:
– Tối nay về nhà biết tay tui…!
Tiểu Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét