Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Tháng Mười Một Ở Dallas


Khi viên đạn được bắn ra từ một góc khuất trên căn lầu bỏ trống của cái kho sách phế thải ở một góc đường Dallas năm đó, nó đã mang theo trong đường bay của nó định mạng của một người và một dân tộc. (giả sử có một hơi thở gấp làm ngón tay bấm cò khẽ run, một tia nắng chợt loáng qua làm nheo con mắt đang căng cứng, chiếc công xa chạy nhanh hơn một chút, chậm hơn một chút… và viên đạn trệch đi một kẻ tóc… ờ có bao nhiêu giả sử trong đời như những phải-chi vẫn mãi là những lời xin lỗi)

Lúc đó, trong một góc vườn nằm xa hơn một chút về phía tây bắc, lá phong cũng đã đổi màu đỏ rực.

Khi đó, xa hơn nữa, tận đáy cùng một lục địa da vàng tối tăm và buồn bã, người thiếu niên mới lớn là tôi như chợt thấy chính mình vừa tử thương. Trong trái tim nồng nàn của nó, thời đó, không chỉ có hoa và bướm, có thơ và mộng mà còn có thêm nữa những áp bức bất công, những chết chóc điêu tàn, những nghèo nàn ngu dốt… hậu quả của một chủ nghĩa thực dân khốc hại và đang trở thành một vùng môi sinh mầu mỡ cho chủ nghĩa cộng sản. Bộ mặt điêu tàn của một xã hội nhược tiểu càng trở nên thảm hại hơn nữa trong sự tranh chấp giữa những bạo quyền. Và cùng lúc càng lộ rõ vẻ trơ trẽn của những “thần tượng” trong cơn chạng vạng của niềm tin. Ngay lúc đó, sự xuất hiện của một người Mỹ trẻ tuổi con-nhà-giàu-học-giỏi-đẹp-trai đặc biệt với những ý tưởng cấp tiến đến độ gần như thách thức lại cả một lực lượng bảo thủ đã ăn rễ trăm năm trong xã hội (tư bản) Mỹ tự nhiên trở thành một niềm hy vọng cho hơn một người tuổi trẻ. Ðã có lúc thanh niên ở những nước kém mở mang, nô lệ nghèo đói và giặc giã, bỗng vui náo nức như vừa tìm được một người đồng minh thông cảm và tin cậy. Lứa tuổi của cách-mạng-lãng-mạn tìm được trong đôi mắt sáng, nụ cười ấm, và nhất là ý thức công bằng xã hội như một liều thuốc hồi sinh cho căn bệnh trầm kha của đất nước họ.

Buổi sáng hôm đó cái chuyện không ai ngờ được đã xảy ra, viên đạn được nhắm bắn từ một độ cao năm tầng lầu đã đi đúng hướng và nổ tung làm văng mất một phần não bộ của vị Tổng Thống trẻ tuổi thứ 35 của Hoa Kỳ, niềm hy vọng của tuổi trẻ những năm 60, bỗng như nổ tung một lần nữa, giữa tim tôi.

 
Gia đình Kennedy và Connally trên chiếc xe limousine của tổng thống ngay trước vụ ám sát ở Dallas

Mới vài năm trước, trong kỳ thi tú tài, tôi đã cắm cúi và hào hứng viết không kịp thở bài luận văn có đề tài rất thời thượng. “Anh hay chị nghĩ gì về câu nói của Tổng Thống J.F.Kennedy : Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc” Bài thi văn có hệ số 3 và đã vớt tôi qua trót lọt kỳ thi dù rằng điểm toán nếu chẳng là zéro thì chắc cũng không khá hơn một.

Câu nói được khéo léo đặt theo lối nghịch đảo và mệnh lệnh cách đủ gây ấn tượng mạnh và đột ngột đặt lại mối tương quan giữa con người và đất nước. Câu nói có thể là lời nhắn gởi riêng với thanh niên của xứ sở ông ta nhưng cũng đã gây tác động không ít đến thanh niên xứ khác. Dường như đã từ lâu lắm người ta mới thấy xuất hiện một lãnh tụ thông minh và khả ái như vậy.


Giai nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

Tháng mười một năm nay tôi lại có dịp ghé qua Dallas. Ðúng dịp kỷ niệm ngày thảm sát. Thành phố đã có chút dáng vẻ vào thu. Trời không còn nóng cháy và quanh tượng đài đã có lác đác lá vàng rơi. Bốn bức tường trắng vẫn đứng im ỉm như còn giữ nguyên niềm bí ẩn chưa được giải thích thỏa đáng.

Đài tưởng niệm John Fitzgerald Kennedy ở Dallas, Texas.

Xa hơn một chút, trong góc vườn cũ, những lá phong cũng đã bắt đầu ửng đỏ.

60 năm. Lịch sử đã xóa đi và viết lại nhiều lần. Cuộc chiến ý thức hệ ở Việt Nam mới dây dưa vào thời kỳ ấy đã bộc phát dữ dội suốt mười năm sau và rồi cũng đã chấm dứt từ gần 50 năm nay. Người chết đã chết. Người còn sống, cay đắng, tật nguyền hoặc vui cười thỏa mãn. Và sự thật thì vẫn còn là nạn nhân đầu tiên và cuối cùng của bất kỳ một cuộc chiến tranh nào.

Tháng mười một thơm như một tàu lá mới. Thành phố sạch bóng như vừa được lau chùi. Và lòng người thì cũng trơn lùi kỷ niệm. Người ta có nhớ lại thì cũng chỉ một chút ngậm ngùi. (để làm gì những ngậm ngùi!) Giữa mặt đường láng lẫy ngay chỗ viên đạn nổ tung một giấc mộng có đánh dấu chữ X. Người ta đánh dấu một tội ác hay đánh dấu một tiếc nuối. (và những tiếc nuối có phải là lời tạ lỗi vô thưởng vô phạt?)

Một chữ “X” trên đường Dealey Plaza đánh dấu nơi viên đạn chí mạng bắn trúng Kennedy.

Ðứng ở đó, dưới một bầu trời rất mới mà cũng rất cũ như đã y vậy tự bao giờ, lòng bỗng nhiên cảm khái như chuyện chỉ mới vừa xảy ra. Có một cái gì không phải cứ tiếp tục được lặp đi lặp lại. Con người có tự nhận là thượng đế của chính mình thì cũng chỉ là một cuộc đảo chánh vô vọng. Và, lịch sử rốt lại chỉ là một cuộc đánh tráo gian lận của định mạng. Vậy thôi. Trời đất bày vẻ đủ điều chỉ cốt để mà mắt con người và … bi kịch, chính là ai nấy đều tưởng thật. Người ta sống với cái ảo tưởng về một quyền năng phù phiếm. Người ta ôm ấp những hoài bão, nuôi nấng lý tưởng, năng nổ hành động như trăm năm là một khắc mà quên rằng sát na đã lố tận thiên thu. Cái phút-chốc có giá trị tiên tri của một lời sấm rủa. Và con người mãi mãi chỉ là một thứ đồ chơi rẻ tiền của tạo hóa.

Tháng mười một rực rỡ như một vết thương mới kéo da non.
Và… trong góc vườn thu cũ, lá phong cứ hực đỏ như một nỗi tiếc nuối bị ngậm nín lâu ngày.

Cao Vị Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét