Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

Niềm Tin Và Ơn Cứu Độ - Chúa Nhật 4B Mùa Chay


 Ánh Sáng chiếu thế gian nhưng con người lại thích bóng tối hơn Ánh Sáng

Niềm Tin Và Ơn Cứu Độ 
Chúa Nhật 4B Mùa Chay
2Sb 36:14-16, 19-23; Ep 2:4-10; Ga 3:14-21

Dân Israel đã liên tiếp mất niềm tin nơi Thiên Chúa, lại còn không biết đến các ngôn sứ nên bị Thiên Chúa phạt. Tiên tri Jeremiah đã được lệnh loan báo hình phạt. Thánh Phaolo-qua bài đọc 2- nói về lòng Thiên Chúa thương xót đã ban con một xuống thế làm quà cứu chuộc loài người. Bài Phúc âm hôm nay nói rõ về cuộc cứu chuộc ấy của chúa Kito chịu chết trên thập giá và ai tin thì sẽ được cứu rỗi. Cả 3 bài đọc đều phối hợp với nhau để làm nổi bật ơn cứu chuộc. Chúng ta cùng suy niệm để làm sao cho niềm tin của chúng ta được vững mạnh trọn vẹn.

*Bài đọc 1 (2Sb 36:14-16, 19-23) kể lại hai thời điểm đáng ghi nhớ trong lịch sử dân Chúa là Jerusalem bị phá hủy và tái tạo. Thảm họa tàn phá Jerusalem và hủy hoại đền thờ nằm trong tay người Babylon là những thời điểm chính và quan trọng của lịch sử kinh thánh. Nơi Thiên Chúa ngự trị trên mặt đất này thì không ai có thể phá hủy được. Nếu có thì phải chăng Thiên Chúa bất lực? Không! theo ngữ cảnh của bài đọc 1 nói về việc phá hủy Jerusalem và đền thờ thì chỉ là điều báo trước. Thiên Chúa đã sai các tiên tri đến kêu gọi dân Chúa phải ăn năn thống hối chính là biểu hiện của lòngThiên Chúa thương sót. Ngôn sứ Jeremiah (Gr 7 và 26) và trước ông có Micah (Mk 3:12). Dù được cảnh báo nhưng dân chúng vẫn không ăn năn hối cải, mà còn tiếp tục phạm tội, nhất là vi phạm những nghi thức thờ phượng. Theo sách sử biên, dân Do Thái ngoan cố phạm tội chính là lý cớ để đền thờ Jerusalem bị phá hủy và dân chúng bị đầy đi làm nô lệ ở Babylon, sống cơ cực bên những lạch nước khe sông mà nỉ non than khóc (Ed 1:1, 3:15; Tv 137).

Dù Jerusalem bị tàn phá và dân bị lưu đầy nhưng Thiên Chúa vẫn không từ bỏ họ hoàn toàn. Ánh sáng ở cuối đường hầm vẫn có. Thời gian sáng chói nhất của lịch sử dân Chúa vẫn còn. Thiên Chúa hứa cho họ trở về quê hương và tu sửa lại Jerusalem và đền thờ. Thời huy hoàng này đến không chỉ được bảo trợ bởi giòng họ vua David mà còn cả Cyrus của Ba Tư; ông này chẳng ai ngờ lại là vị sửa đổi tuyệt vời nhất -một vị vua xa lạ đến từ phía Đông Mesopotamia đã được Thiên Chúa xức dầu hay là một ngôn sứ nói trong Isaiah 45:1. Qua Cyrus, Thiên Chúa vẫn giữ giao ước với dân Chúa cho dù họ bất trung.

Qua bài đọc 1, chúng ta thấy Thiên Chúa chứng tỏ cho dân Chúa biết không phải Chúa chỉ có công chính và còn có lòng trung tín dù họ bất trung. Vì vậy mục vụ hôm nay nói về LỜI trước tiên là kêu gọi chúng ta phải ăn năn thống hối và trở lại với Chúa, tin tưởng là Thiên Chúa đầy lòng thương xót và yêu thương chúng ta.

*Bài đọc 2 (Ep 2: 4-10) tiếp tục chủ đề của bài đọc 1, Phaolo bắt đầu báo tin Thiên Chúa “đầy lòng nhân hậu và tình yêu thương chúng ta.” Xác quyết này đã được Thiên Chúa chứng minh cho chúng ta qua chúa Kito với cái chết, sống lại và lên trời hiển vinh. Phaolo tuyên bố tình trạng loài người chúng ta đã được thay đổi. Khi số phận đã bị định đoạt phải chết vì phạm tội, nhưng nhờ chúa Kito, Thiên Chúa lại cứu và ban sự sống trở lại cho chúng ta. Chúng ta đã được Thiên Chúa ban cho “nhiều ẩn sủng dồi dào vô kể” nhờ cuộc khổ nạn, cái chết, sống lại và lên trời của chúa Giêsu. Chúng ta không còn phải để ý đến phán xét nữa, mà nên vui hưởng niềm hiệp thông với Thiên Chúa trong Chúa Kito.

Thánh Phaolo đã đặc biệt nhấn mạnh: “Nhờ ân sủng, các bạn đã được cứu rỗi.” Thật là một tình trạng được chúc phúc kỳ lạ. Câu nói này vang vọng trong suốt bài đọc cho thấy rõ ràng là chúng ta chẳng xứng đáng được hưởng nhận lòng tử tế ấy của Thiên Chúa. Vì tội lỗi nên chúng ta phải chết nhưng trong chúa Kito nhờ ân sủng chúng ta được sống. Vì vậy, chỉ có Thiên Chúa mới cho chúng ta biết là điều gì sẽ xẩy ra khi chúng ta chết. Dĩ nhiên, hãy hy vọng, cầu nguyện và luôn luôn hướng về Thiên Chúa trong niềm thương yêu trìu mến. Hướng về Chúa, ăn năn thống hối là những việc làm căn bản trong mùa chay thánh này để chuẩn bị mừng Chúa Kito Phục Sinh. Sứ điệp của thánh Phaolo trong mùa chay này kêu gọi chúng ta ăn năn thống hối vì tội lỗi mình đã làm và quay trở lại với Chúa về mọi phương diện. Làm như vậy là để đáp trả lại tình yêu thương bao la của Thiên Chúa đối với chúng ta qua Chúa Giêsu Kito.

*Bài Tin Mừng Phúc Âm hôm nay (Ga 3:14-21) nói về chuyện ông Nicodemo. Necodemo là người Pharisieu, một thủ lãnh và thầy dạy trong dân Do Thái đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm để chuyện vãn tìm hiểu xem Chúa Giêsu là ai (Ga 3:1-2, 10). Là Pharisieu ông Nicodemo tin loài người có sống lại. Là thủ lãnh và thầy dạy ông có uy tín rất lớn trong cộng đồng Do Thái thời đó. Đến gặp Chúa vào ban đêm, nên ông cẩn thận cho Chúa biết mình đại diện ai để nói chuyện với Chúa. Khởi đầu câu chuyện ông đã nói “Chúng tôi biết Ngài là đấng tôn sư đến từ Thiên Chúa” (Ga 3:2). Lời tuyên xưng nhận biết đó của ông ngay lập tức đã hòa nhịp đúng vào cuộc chuyện vãn với chúa Giesu về việc cần phải tái sinh. Ông Nicodemo tưởng tượng việc tái sinh theo nghĩa đen là từ trong bụng mẹ mà ra. Còn Chúa Giêsu thì tái sinh có nghĩa là qua “nước và thánh linh” (Ga 3:5); Nicodemo đã chẳng hiểu gì cả. Dù là thủ lãnh trong dân Do Thái, ông Nicodemo vẫn còn mù mờ về từ ngữ tái sinh nên Chúa Giêsu đã nói ông là thầy dạy mà sao không hiểu điều đó (Ga 3:10). Chúa Giêsu đã cắt nghĩa cho ông ý nghĩa của danh từ tái sinh và tại sao nó lại là việc cần thiết.

Đây là một vấn đề lớn mà bài Phúc Âm hôm nay đã nêu ra cho chúng ta. Chúa Giêsu so sánh việc ông Mose giơ cao con rắn trong sa mạc để chữa lành dân Isreal (Ds 21:4-9) là ám chỉ chính Chúa. Nói vậy Chúa Giêsu có ý cắt nghĩa về việc trao đổi giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và loài người đã được hoàn chỉnh bởi Người. Chúa Giêsu đã hoàn thành cuộc trao đổi giữa trời và đất bằng cách chết treo trên thánh giá, sống lại từ cõi chết và lên trời hiển vinh. Một lý do quan trọng về việc trao đổi của Chúa Giêsu là: “Thiên Chúa quá yêu thế gian nên đã ban Con Một duy nhất của mình để mọi người tin vào Người mà không bị hư tàn nhưng được sống muôn đời.” Ý nghĩa và đỉnh điểm của bài Tin Mừng hôm nay luôn luôn nhắc nhở và khuyên mọi người hãy nhớ đến biến cố vĩ đại đã ghi rõ trong Gioan 3:16 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Đây là sứ điệp quan trọng về niềm tin vì lẽ nó đóng khung một ý nghĩa thiết yếu để đến với Thiên Chúa. Tin vào Chúa Giêsu chúng ta có thể chắc ăn đến được với Thiên Chúa như đã hứa bằng ơn cứu chuộc hơn là phán xét và luận phạt. Vì vậy, chúa Giêsu tiếp tục nói chuyện với ông Nicodemo để làm sáng tỏ niềm tin vào Chúa sẽ nuôi dưỡng hy vọng và tin tưởng theo đuổi Chúa trong “ánh sáng” giữa thanh thiên bạch nhật, hơn là nói chuyện riêng tư trong đêm tối. Bài Phúc âm kết thúc bằng một thách thức là phải theo đuổi niềm tin một cách công khai. Làm vậy chúng ta sẽ sống mạnh sống hùng trong sự chết, sống lại và lên trời của Chúa Kito bằng phép thanh tẩy tái sinh của chúng ta

Lời nguyện và đáp ca NHỚ ZION (Tv 137)

R/ Xin hãy khiến miệng lưỡi tôi thinh lặng,

Nếu tôi có bao giờ quên Chúa!
Bên dòng suối Babylon
Tôi ngồi tôi khóc nỉ non.
Khi tôi còn nhung nhớ Zion
Trên cành dương liễu nơi miền đất ấy
Chiếc thụ cầm tôi treo trên cây. -R/

Dù kẻ giam giữ tôi có đòi hỏi
Những lời ca khúc nhạc
Và kẻ cướp có thúc giục tôi vui hát:
“Những bài ca của Zion!” -R/

Làm sao tôi có thể hát bài ca của Chúa
Trong miền đất xa lạ?
Nếu tôi quên Chúa, hỡi Jerusalem,
Chớ gì tay phải tôi bị liệt! -R/

Chớ gì miệng lưỡi tôi không nói thành lời
Nếu tôi không còn nhớ Chúa,
Nếu tôi không đặt Jerusalem
Trước niềm vui của tôi. -R/

Lạy Chúa! Xin ngó nhìn đến những ai kêu cầu Chúa
Và chống đỡ những kẻ yếu đuối sa cơ;
Ban sự sống bằng ánh sáng không hề thất bại
Cho những kẻ đang bước đi trong bóng tối từ thần,
Và vì lòng thương xót, cứu giúp họ khỏi tay ma quỷ
Mang họ đến đấng tối cao uy linh,
Nhờ Chúa Giêsu Kito Chúa chúng con.

Lạy Thiên Chúa! Nhờ Lời Chúa, loài người đã được hòa giải với Chúa
Theo một phương cách kỳ diệu.
Chúng con cầu xin Chúa, vì niềm tin và lòng thành, ban cho mọi Kito
hữu biết hăng say vui mừng những buổi lễ trọng sắp tới,
Qua Chúa Giêsu Kito, Con Chúa đấng hằng sống hàng trị với Chúa
Trong hiệp nhất với Chúa Thánh Thần là một Thiên Chúa duy nhất
Đến muôn đời. Amen.

Fleming Island, Florida
March 10, 2024
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét