Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

Trại Phong Hòa Vân


Chiều ngày 2 tháng 6 năm 2008 , từ Saigon, chúng tôi đến Huế bằng xe lửa. Sáng hôm sau, chúng tôi được người quen hướng dẫn đi thăm Trại Phong Hòa Vân. Xe đưa chúng tôi đến thị trấn Liên Chiểu, cách Huế khoảng 90 cây số về phía Nam, từ đó chúng tôi đi ghe dọc theo bờ biển dưới chân đèo Hải Vân để đến thôn Hoà Vân nơi có Trại Phong Hòa Vân. Gió biển mát rười rượi, mặt biển phẳng lặng, ghe đưa chúng tôi nhẹ nhàng hướng về thôn Hòa Vân. Khoảng 30 phút sau, chúng tôi đến Trại Phong Hòa Vân.

Đã được báo trước, nên khi ghe của chúng tôi vừa đến, đã thấy vài người đứng trên bến đón chúng tôi. Anh Đức, người phụ trách quản lý trại niềm nở chào hỏi chúng tôi. Anh giới thiệu với chúng tôi Xơ Lợi, người nữ tu lớn tuổi đã phục vụ ở đây lâu năm. Anh Đức nhờ Sơ Lợi hướng dẫn chúng tôi đi thăm trại. Trước mắt chúng tôi là những mái nhà "tôn" nhỏ bé, nằm rải rác đây đó. Xơ Lợi giải thích: "Đó là nhà của những bệnh nhân đã lành bệnh, họ không còn phải sống tập trung trong trại gọi là nội trú nữa, họ ra sống ở ngoài, họ trồng khoai, trồng sắn và sinh sống như những người bình thường khác". Chúng tôi ghé thăm nhiều nhà, ai cũng vui vẻ chào hỏi chúng tôi. Nhà của họ là những gian nhà nhỏ lợp "tôn", vách ván. Phần lớn họ sống độc thân.Nhưng cũng có nhiều người lập gia đình với nhau, có con cái.

Tôi hỏi Sơ Lợi: "Thế con của họ có bị di truyền không ?"
Sơ Lợi cho biết: "Từ lúc các em mới sinh ra đã được xét nghiệm máu, nhiều em có vi trùng bệnh phong trong máu, nhưng vì phát hiện sớm nên chữa trị được ngay, cũng có em không có vi trùng gì hết, nên các em đó lớn lên một cách bình thường, đến tuổi cũng đi học như các trẻ em khác".

Họ sống giản dị và nghèo nàn quá. Nhiều gia đình Công Giáo, thiết lập một bàn thờ đơn sơ ở trên vách nhà với Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ. Nhưng một điều làm tôi chú ý là nhà nào cũng có treo hình một Sơ còn trẻ, người nhỏ nhắn. Tôi hỏi Sơ Lợi: "Thưa Xơ, tôi thấy nhà nào ở đây cũng có treo hình một Sơ trẻ. Sơ đó là ai vậy?" Sơ vui vẻ cho tôi biết: "Đó là hình Sơ Têrêsa Phạm Thị Phương Anh".

Tôi ngạc nhiên : "Sơ Phương Anh là ai mà lại được bệnh nhân ở đây yêu mến như thế?"
Sơ Lợi nói ngay: "Sơ Phương Anh là ân nhân của các bệnh nhân ở đây! "
Tôi tò mò nói với Sơ Lợi: "Xin Sơ cho tôi biết thêm về Sơ Phương Anh."

Sơ Lợi kể cho tôi nghe: " Xơ Phạm Thị Phương Anh là con gái của một gia đình Phật Giáo giàu có ở Saigon, gia đình Sơ còn có nhiều cơ sở kinh doanh ở Huế nữa. Thuở nhỏ, bé Phương Anh học trường Regina Pacis ở đường Tú Xương, Saigon; Xơ được tiếp xúc với cuộc sống thánh thiện của các Sơ ở đó, và được hấp thụ một nền giáo dục Công Giáo, nên bé Phương Anh đã sớm có lòng mến Chúa và yêu người. Có lần Sơ Phương Anh tâm sự : Lúc nhỏ, khi học ở Regina Pacis, Sơ rất thích ngắm nhìn tượng Đức Mẹ, gương mặt hiền từ và nhân ái của Đức Mẹ đã lôi cuốn sự ngưỡng mộ của Sơ, và Sơ đã yêu mến Đức Mẹ không biết từ lúc nào. Năm 1962, Sơ đậu tú tài toàn phần. Sơ tiếp tục học Đại Học Dược Khoa Saigon và tốt nghiệp Dược Sĩ năm 1967. Gia đình chuẩn bị mở nhà thuốc tây cho Sơ, và mua cho Sơ một xe hơi hiệu Dauphine. Nhưng một hôm, Sơ lái xe vô nhà Dòng Regina Pacis và xin ở lại tu. Các Sơ ở đó rất ngạc nhiên, không biết phải giải quyết ra sao, các Sơ phải liên lạc với gia đình của Sơ Phương Anh. Gia đình của Sơ ngăn cản bằng cách đưa Sơ đi Pháp tiếp tục học Tiến Sĩ Dược Khoa. Sơ ở chung với gia đình người anh ruột và một người dì tại thành phố Bordeaux.

Mặc dù gia đình không bằng lòng cho Sơ theo đạo, nhưng lòng yêu mến Chúa và Đức Mẹ của Sơ ngày một tràn đầy, nên một năm sau, Sơ Phương Anh đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội tại Nhà Thờ Saint Joseph ở Bordeaux. Con đường sống đạo của Sơ Phương Anh không dừng lại ở đó. Một thời gian sau, Sơ xin vào tu ở Dòng Thánh Phao Lồ ở Lyon.

Gia đình Sơ phản đối rất là quyết liệt. Mẹ của Sơ từ Saigon vội vã qua Pháp, đến Nhà Dòng để thăm Sơ. Mẹ Bề Trên, đặc biệt cho phép mẹ của Sơ ở lại với Xơ trong Nhà Dòng mấy ngày liền.Bà đã thấy tận mắt cuộc sống đạo đức và an lành của Sơ trong Nhà Dòng, và bà đã thay đổi hoàn toàn cảm nghĩ của bà về việc tu trì của con gái bà. Hôm bà từ giả Sơ Phương Anh để trở về Việt Nam, bà cầm tay Sơ và nói: " Mạ về hí, con cứ vui vẻ tiếp tục cuộc sống lý tưởng của con. Không có mạ bên cạnh, nhưng mạ biết từ nay con đã có Chúa, có Đức Mẹ nâng đỡ, yêu thương nên mạ rất an tâm."
Sơ Phương Anh có một người dì đang sống ở Pháp, thỉnh thoảng bà đến Nhà Dòng thăm Sơ. Thật bất ngờ, mấy năm sau dì của Sơ xin theo đạo. Có lẽ đây là hoa quả đầu tiên do lời cầu nguyện của Sơ Phương Anh.

Năm 1972, Sơ được khấn trọn đời. Thánh lễ khấn hứa được Nhà Dòng tổ chức ở nhà thờ Saint Joseph, thành phố Lyon. Mọi người thân trong gia đình của Sơ đều hiện diện trong thánh lễ. Sau Lễ khấn trọn đời, Xơ được Nhà Dòng chuyển về Việt Nam. Sơ là một Dược Sĩ, nên Mẹ Bề Trên đưa Xơ vào phục vụ ở Bệnh viện Saint Paul, Saigon. Không hiểu do nguyên nhân nào thúc đẩy, Sơ Phương Anh chuyên chú nghiên cứu về bệnh phong cùi. Và cũng không biết do ai giới thiệu, Sơ Phương Anh xin Mẹ Bề Trên cho Sơ về phục vụ bệnh nhân phong cùi ở Trại Phong Hòa Vân, Huế. Mẹ Bề Trên thấy Sơ ốm yếu, sợ Sơ Không chịu nổi những khổ nhọc khi phục vụ bệnh nhân phong cùi, nên Mẹ Bề Trên không chấp thuận. Nhưng Sơ Phương Anh tiếp tục khẩn khoản xin được đi phục vụ bệnh nhân phong cùi, cuối cùng Mẹ Bề Trên phải chấp thuận cho Sơ đi.

Sơ Lợi nói tiếp: "Tôi đến phục vụ ở Trại Phong Hòa Vân này sau Sơ Phương Anh. Tôi đưa bác đến gặp một vài bệnh nhân lớn tuổi, họ đã sống ở đây không dưới ba, bốn chục năm, họ sẽ cho quý vị biết rõ hơn về Sơ Phương Anh."

Chúng tôi đến gặp bác Nguyễn Một, năm nay bác đã 78 tuổi. Căn bệnh phong cùi quái ác đã cướp mất hai chân của bác, và cách đây mấy tháng bác bị mù hoàn toàn. Bác đang ở trại nội trú, dành cho những người bệnh nặng. Cùng ở chung với Bác Một, còn có bảy bệnh nhân khác nữa ; phần nhiều là những người lớn tuổi, chỉ có ông Nguyễn Đức Hòa tương đối trẻ, ông sinh năm 1969. Tất cả bệnh nhân đều bị bệnh phong cùi ăn mất tay, mất chân, tai, mũi..Trông họ thật đáng thương, không ai cầm được nước mắt. Có đến đây gặp họ, nói chuyện với họ, nhìn tận mắt những thương tật của họ, xem nơi ăn, chốn ở của họ, chúng ta mới cảm nghiệm được sự bất hạnh của những bệnh nhân phong cùi.

Tôi vô cùng cảm phục và thương mến họ. Tôi không nghe ai than thở hay oán trách về những đau đớn, bệnh tật mà họ đang gánh chịu, họ là những kẻ khốn khổ nhất trên thế gian này. Nhưng họ đã dạy cho chúng ta bài học "Xin Vâng". Bài học vở lòng và cũng là bài học cuối cùng rất thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.
Tôi đến gần Bác Một, bác ngồi trên chiếc giường tre ọp ẹp, với một manh chiếu đơn sơ trải lên. Bác bị mù cả hai mắt, nên Chúa lại ban cho bác một giác quan khác, bác nhận biết ngay khi chúng tôi đến gần; bác chào chúng tôi:
- Chào ông bà, chắc ông bà từ xa đến đây.
Tôi vội vã trả lời:
- Dạ chúng tôi ở xa, may mắn được đến đây thăm các bác.
Bác Một vui vẻ nói:
- Thật quý hóa, trại này ở xa xôi, cách trở , mà quý ông bà cũng lặn lội đến thăm chúng tôi, xin cám ơn quý ông bà . Chúng tôi đã không bị bỏ quên.
Tôi nghẹn ngào:
- Thưa bác, chúng tôi không biết nói gì cho đủ để an ủi quý bác.
Tôi chợt nhìn về cuối phòng, trên vách tường có treo bức ảnh củaSơ Phương Anh. Tôi hỏi Bác Một:
- Thưa bác, bức ảnh treo ở cuối phòng là ai rứa bác ?
Bác Một hướng về cuối phòng rồi nói:
- Tui không thấy gì cả, nhưng tui thường hướng về bức ảnh cuối phòng để tưởng nhớ đến Sơ Phương Anh.
Tôi nói với Bác Một :
-Thưa bác, bác có thể cho tôi biết vài điều về Sơ Phương Anh được không ạ!
Bác Một trầm ngâm, nhìn về một khoảng xa xôi nào đó, rồi bác chậm rãi nói:
" Tôi không nhớ rõ là tháng, năm nào, nhưng chắc chắn là trước năm 1975, chúng tôi có nghe một Sơ ở Pháp về, sẽ đến đây phục vụ bệnh nhân. Chúng tôi nghĩ Sơ ở Pháp về chắc là cao ráo, mập mạp lắm. Nhưng khi Sơ Phương Anh đến đây, chúng tôi ngạc nhiên thấy Xơ là một cô gái nhỏ nhắn,giản dị ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi. Có lẽ Sơ chỉ cao khoảng một mét năm, nặng không qúa 40 kí lô. Sơ không mặc áo dòng như các bà Sơ khác, Sơ mặc một bộ bà ba hết sức bình dị. Sơ Phương Anh đến Trại Phong Hòa Vân vào một buổi chiều mùa đông, mưa lâm râm buồn bã. Chúng tôi vào chào Sơ, Sơ dịu dàng hỏi han từng người. Ai nhìn Sơ, cũng thấy ngay một nốt ruồi khá lớn trên gương mặt hiền lành, khả ái của Sơ. Sơ luôn luôn mỉm cười với mọi người. Trong những giây phút đầu tiên ấy, anh chị em bệnh nhân chúng tôi đã có ngay cảm tình với vị nữ tu bé nhỏ mới đến trại.

Sau khi Sơ Minh, Quản Lý Trại sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho Sơ, Sơ vội vã đi thăm trại, thăm bệnh nhân. Nói là trại, nhưng lúc đó chỉ có năm ba gian nhà tranh rách nát và một "nhà nội trú" lớn hơn, nhưng cũng quá hư dột, trống trước, trống sau. Sơ hỏi chúng tôi : "Nhà của các bác như thế này ư ?" Ngay lúc đó, một cơn gió lạnh buốt ùa vào. Tôi thấy Xơ rùng mình. Sơ được hướng dẫn đến thăm nhà nội trú, có lẽ đây là lần đầu tiên Sơ Phương Anh nhìn thấy những khuôn mặt sứt mẻ của bệnh nhân phong cùi, và phần lớn họ đều mất tay, mất chân...Sơ đã úp mặt vào vách và khóc nức nở. Thấy Sơ quá cảm động, chúng tôi cũng khóc theo.

Sơ đến bên giường Bà Xuân, sau khi chào hỏi bà, Sơ cầm lên cái mền mà bà ấy đang trùm cả đầu, cái mền đã quá cũ, rách nát tả tơi. Sơ lại rươm rướm nước mắt, Sơ quay lại hỏi tôi: "Sao không thấy ai có mùng cả" Tôi cười: "Ở đây làm gì có mùng.
Sơ đến từng giường, thăm hỏi tất cả bệnh nhân ở khu nội trú. Dù đây là lần đầu tiên Xơ gặp những bệnh nhân, nhưng lời nói, cử chỉ của Xơ, thân mật, gần gũi, giống như Xơ đã quen biết với họ từ lâu.
Sau khi đi thăm bệnh nhân, Sơ trở về phòng của Sơ. Đêm đó, chúng tôi thấy Sơ chong đèn thật khuya.Sơ viết lách gì đó.

Mấy ngày sau, chúng tôi thấy một chiếc ghe lớn cập bến trước trại, họ chở gỗ, ván, tole, ciment đến, không biết để làm gì. Thì ra Sơ Phương Anh kêu người đến sửa lại nhà cửa của bệnh nhân..Chỉ vài tuần sau, nhà cửa ở đây như mới, nhà nào cũng lợp tole, vách ván, nền nhà được tráng ciment cao ráo. Đây là mùa đông đầu tiên, bệnh nhân được sống trong những căn nhà đàng hoàng, kín đáo, không bị gió rét ùa vào như trước nữa.

Khoảng năm, bảy ngày sau, anh em bệnh nhân chúng tôi nhận được mỗi người một cái mền, một cái mùng và một chiếc chiếu mới. Chúng tôi như sống trong mơ."
Bác Một ngừng lại một lúc, rồi kể tiếp:
"Ông biết không, từ khi Sơ Phương Anh về ở đây với chúng tôi, chúng tôi không còn thiếu ăn như trước nữa. Vài ba ngày lại có ghe ở Lăng Cô ra, chở gạo, cá , thịt đến cho chúng tôi. Suốt mấy chục năm, chưa bao giờ bệnh nhân chúng tôi lại được ăn uống đầy đủ như vậy. Thuốc men chữa trị cho bệnh nhân cũng được Sơ Phương Anh lo cho đầy đủ, không còn chữa cầm chừng như trước nữa.

Sơ còn cho cất một nhà nguyện nhỏ, tuy đơn sơ nhưng có chỗ cho những bệnh nhân Công Giáo vào đọc kinh, cầu nguyện. Nhiều bệnh nhân không phải Công Giáo cũng thường vào đó ngồi nghỉ ngơi.

Tôi còn nhớ, từ những ngày đầu tiên mới đến trại, khi tiếp xúc, săn sóc cho những bệnh nhân mà Sơ mới gặp lần đầu, Sơ cũng đối xử hết sức thân thiết, gần gũi như những người thân trong gia đình. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả bệnh nhân ở đây đều yêu mến Xơ. Không biết từ lúc nào, chúng tôi thân mật gọi Sơ là Mẹ Têrêsa dù Sơ còn rất trẻ. Sơ phục vụ, săn sóc bệnh nhân với tất cả lòng yêu thương, trìu mến của Sơ. Khi làm thuốc, thay băng ở chân, Sơ bảo chúng tôi ngồi ngay ngắn, rồi Xơ cúi xuống rửa vết thương và băng lại cho chúng tôi. Khi đến phiên tôi được Xơ làm thuốc , thay băng ở chân, tôi ngồi đưa chân cho Sơ chùi rửa, xức thuốc, băng bó, tôi thầm nghĩ : "Dù tôi có chết đi sống lại đôi ba lần cũng chưa đủ để đền đáp ân tình này cho Sơ."

Có lần tôi hỏi Sơ: "Sao Sơ có thể quên mình, hy sinh cho bệnh nhân một cách tận tụy như thế?" Sơ mỉm cười: "Vì tôi yêu Chúa . Mà Chúa là anh chị em đó!"
Bác Một dừng lại, trầm ngâm, có lẽ bác đang nhớ đến người nữ tu nhỏ bé, đã hy sinh cả cuộc đời cho những bệnh nhân phong cùi như bác...Bác khóc!

Qua cơn xúc động, bác nói tiếp: "Tôi suy nghĩ nhiều về câu nói của Sơ. Thật vậy chỉ có yêu Chúa hết lòng, mới có thể thầm lặng phục vụ cho bệnh nhân phong cùi từ ngày này qua ngày khác được. Trên thế gian này, có hàng trăm cách hy sinh cho tha nhân, nhưng hy sinh tình nguyện săn sóc cho những bệnh nhân phong cùi có lẽ là sự hy sinh to lớn nhất, và đẹp lòng Chúa nhất. Anh em bệnh nhân chúng tôi yêu mến Sơ, và nhờ tấm gương thánh thiện của Sơ, chúng tôi cũng yêu Chúa. Lúc tôi mới đến trại này, hơn một trăm bệnh nhân mà chỉ có năm, sáu người Công Giáo. Nhưng từ khi Sơ Phương Anh về đây phục vụ, lòng tin yêu đặc biệt của Sơ dành cho Chúa, làm cho nhiều anh chị em bệnh nhân tò mò, tìm hiểu về "Ông Chúa" nào đó là động lực thúc đẩy Sơ sống hiền lành, khiêm nhường, hy sinh trọn vẹn cho bệnh nhân như thế.

Sơ Phương Anh mở một lớp hướng dẫn cho những bệnh nhân muốn tìm hiểu về đạo Công Giáo. Kết quả thật bất ngờ, nhiều anh chị em xin theo đạo. Sơ Phương Anh đã ra họ đạo Lăng Cô gần đó, mời Cha Bửu Hiệp vào rửa tội cho sáu bệnh nhân, trong đó có tôi. Số anh chị em bệnh nhân xin theo đạo cứ tăng dần. Bây giờ trong nhà nguyện, lúc nào cũng có vài ba bệnh nhân Công Giáo ngồi đọc kinh cầu nguyện."
 

Bác Một lấy trong túi ra một tràng hạt Mân Côi cũ kỹ,bác nói: "Đây là vật kỷ niệm quí giá của đời tôi, xâu chuỗi này do Sơ Phương Anh đã tặng cho tôi, ngày tôi chiụ phép rửa tội. Sơ ân cần dặn tôi: "Bác nên lần chuỗi mỗi ngày để dâng kính Đức Mẹ vì Đức Mẹ nhơn từ lắm, Đức Mẹ yêu thương hết mọi người , Đức Mẹ yêu thương bác lắm đó"

Lòng sùng kính Đức Mẹ được tỏa ra từ lời nói đến việc làm của Sơ hàng ngày. Khi băng bó, săn sóc cho chúng tôi, Sơ thường kể cho chúng tôi nghe những nhơn đức của Đức Mẹ. Có ai than thở điều gì với Sơ, hoặc có bệnh nhân đau đớn rên xiết, Sơ nhỏ nhẹ khuyên: "Anh chị hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, Đức Mẹ yêu thương anh chị lắm. Đức Mẹ đang chờ anh chị ngỏ lời để Đức mẹ cứu giúp". Sơ luôn luôn xác nhận: "Chưa hề có ai xin gì cùng Đức Mẹ mà chẳng được."

Từ ngày Sơ Phương Anh về phục vụ ở Trại Phong Hòa Vân này, cuộc sống của các bệnh nhân ở đây hoàn toàn thay đổi, cả vật chất lẫn tinh thần. Ngoài những tiện nghi vật chất, một món quà mà chúng tôi cho là to lớn nhất mà Sơ Phương Anh đã đem đến cho chúng tôi, đó là niềm tin. Chúng tôi tự hào mình là những con người không bị lãng quên, chúng tôi đang được chữa trị , chăm sóc, chúng tôi đang được yêu thương. Dù có đau đớn về thể xác, nhưng chúng tôi cảm thấy đang sống trong hạnh phúc vì chúng tôi được yêu thương.

Nhưng , những ngày hạnh phúc đó đã sớm qua đi. Khoảng ba, bốn năm sau, vì tận tụy làm việc quá nhiều, sức khỏe của Sơ Phương Anh sa sút trầm trọng. Sơ gầy hẳn đi, thường lên cơn sốt và ho rũ rượi. Chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của Sơ. Cuối cùng, phải cho người lên Huế, báo với thân nhân của Sơ , đem Sơ đi bệnh viện.

Hôm Sơ xuống ghe để lên Huế, chúng tôi đứng chật bãi biển để tiễn đưa Sơ. Sơ cầm tay từ giả từng người. Sơ khóc, chúng tôi cũng khóc. Sơ nói: " Tôi mong chóng được lành bệnh để trở về với anh chị em." Ghe rời bến đã xa, chúng tôi thấy Sơ vẫn đứng đăm chiêu nhìn về phía Trại Phong Hòa Vân.

Sau khi Sơ Phương Anh rời khỏi trại, anh chị em bệnh nhân chúng tôi thay phiên nhau quét dọn, giữ gìn sạch sẽ nơi ở của Sơ, xem như Xơ đang ở với chúng tôi vậy. Chúng tôi yêu mến Sơ, chúng tôi nhớ Sơ lắm. Ai cũng ước mong Sơ sớm trở lại với Trại Phong Hòa Vân. Nhưng ngày tháng đợi chờ cứ qua đi, không có tin tức gì của Sơ.

Chúng tôi thấy trên bàn làm việc của Sơ có một tấm ảnh nhỏ, chụp nhân dịp ngày Sơ khấn trọn đời ở Pháp, chúng tôi sang tấm ảnh ấy ra. Nhà nào , phòng nào ở đây cũng xin được treo bức ảnh của Sơ Phương Anh, như một cử chỉ nhớ ơn Sơ. Chúng tôi thương nhớ Sơ, nhớ từng lời nói ngọt ngào, nhớ từng cử chỉ chăm sóc đầy trìu mến của Sơ. Sơ Phương Anh đã cho chúng tôi quá nhiều. Thỉnh thoảng vài bệnh nhân đứng ngắm nhìn bức ảnh của Sơ và khóc."

Ngừng lại một lúc, rồi với giọng đầy xúc động, bác Một nói: " Sơ Phương Anh là người chị, là người Mẹ, là ân nhân của chúng tôi. Tình thương dịu hiền của Sơ dành cho chúng tôi,là liều thuốc linh nghiệm cứu sống bệnh nhân phong cùi ở đây. Hằng ngày, chúng tôi tạ ơn Chúa vì Ngài đã gửi đến cho bệnh nhân phong cùi Trại Phong Hòa Vân chúng tôi một nguồn an ủi vô tận, đó là Sơ Têresa Phạm thị Phương Anh."

Bửu Uyển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét