Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

Dạ Ẩm 夜飲- Lý Thương Ẩn


Lý Thương Ẩn 李商隱 (813-858) tự Nghĩa Sơn 義山, hiệu Ngọc Khê Sinh 玉谿生, người Hà Nội, Hoài Châu (nay Tầm Dương, phủ Hoài Khánh, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ sa sút. Thuở thiếu thời giỏi văn thơ, được giao du với các con của tể tướng Lệnh Hồ Sở, trong đó có Lệnh Hồ Đào. Bấy giờ trong triều có hai phe đối nghịch nhau, tranh quyền đoạt lợi, một phe là Tăng Ngưu Nhu, phe kia là Lý Đức Dụ, hầu hết quan lại đều bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ấy. Sở theo phe Ngưu. Năm Lý Thương Ẩn mười bảy tuổi (829), Sở tiến cử làm tuần quan mạc phủ. Năm hai mươi lăm tuổi (837), ông lại được Lệnh Hồ Đào khen ngợi, nâng đỡ nên đỗ tiến sĩ năm Khai Thành thứ 2. Năm sau ông được Vương Mậu Nguyên, tiết độ sứ Hà Dương mến tài, dùng làm thư ký và gả con gái cho. Chẳng may, Vương thuộc phe Lý Đức Dụ khiến ông trở thành kẻ vong ân bội nghĩa, xảo quyệt vô hạnh trong mắt Lệnh Hồ Đào. Vương Mậu Nguyên chết, rồi Lý Đức Dụ thất thế, ông đến kinh sư nhưng không được làm gì cả. Sau nhờ Trịnh Á vận động, ông được làm chức quan sát phán quan. Trịnh Á bị biếm ra Lĩnh Biểu, ông cũng đi theo. Ba năm sau ông lại trở về, làm truyện tào tại Kinh Triệu. Ông nhiều lần đưa thư, dâng thơ cho Lệnh Hồ Đào để phân trần và xin tiến dẫn, nhưng vẫn bị lạnh nhạt. Tiết độ sứ Đông Thục là Liễu Trọng Hĩnh dùng ông làm tiết độ phán quan, kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang. Liễu bị bãi quan, ông cũng mất chức. Như thế là ông mắc kẹt giữa hai phái, chưa hề được đắc chí trên hoạn lộ, cứ bôn tẩu khắp nơi: Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Từ Châu nương nhờ hết người này đến người khác, long đong khốn khổ. Cuối cùng ông về đất Oanh Dương thuộc Trịnh Châu rồi bệnh chết năm 46 tuổi.

Văn Lý Thương Ẩn có phong cách khôi lệ ỷ cổ, thơ nổi tiếng ngang Ôn Đình Quân, nên người Đương Thời gọi là “Ôn - Lý”, hoặc ngang Đỗ Mục, nên được gọi là “tiểu Lý - Đỗ” (để phân biệt với “Lý - Đỗ” là Lý Bạch - Đỗ Phủ). Vương An Thạch đời Tống khen ngợi rằng người đời Đường học tập Đỗ Phủ mà đạt được mức “phiên ly” (rào dậu, xấp xỉ) của ông, thì chỉ có một mình Thương Ẩn. Dương Ức và Lư Tử Nghi mô phỏng thơ ông làm ra tập Tây Côn thù xướng nên có tên Tây Côn thể. Tác phẩm của ông có Phàn nam giáp tập (20 quyển), Ất tập (20 quyển), Ngọc khê sinh thi (3 quyển); ngoài ra còn một quyển phú và một quyển văn. Tương truyền ông có tình luyến ái với nữ đạo sĩ Tống Hoa Dương và các cung nữ Lữ Phi Loan, Khinh Phụng, nên ông làm bảy bài Vô đề mang tính diễm lệ, bí ẩn.

Thơ ca Lý Thương Ẩn có nhiều nét rất đặc sắc so với truyền thống thơ ca cổ điển Trung Quốc. Ông tiếp thu ảnh hưởng cổ thi, nhạc phủ Hán - Nguỵ và cả cung thể Lương - Trần. Ông cũng học tập ngũ ngôn hiện thực của Đỗ Phủ, phong cách lãng mạn của Lý Hạ cho nên thơ ông khá phức tạp cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật.

Đặc sắc nhất trong thơ Lý Thương Ẩn là thơ tình. Với những bài Vô đề, ta thấy được đời sống tình ái của kẻ sĩ đại phu xưa. Lễ giáo phong kiến và chế độ hôn nhân không cho phép tự do, vì thế không thoả mãn yêu đương, họ có nhiều ảo tưởng và khát vọng, hoặc là mang tâm trạng ẩn ức, hoặc là sống phóng đãng buông lung. Thơ Lý Thương Ẩn ít nhiều nói lên niềm mơ ước về hạnh phúc lứa đôi và có tính chống lại lễ giáo phong kiến. Những bài thơ Vô đề của ông âm điệu nhịp nhàng uyển chuyển, tình điệu thê lương ai oán, niêm luật nghiêm túc chỉnh tề, ngôn từ gọt dũa bay bướm, tạo nên những hình tượng tươi đẹp, sinh động, cảm xúc sâu sắc chân thành. Tuy nhiên do không thể đấu tranh đập tan những gông cùm ấy nên ông cũng như tầng lớp của ông trở nên bi quan tiêu cực, bám lấy hư vô chủ nghĩa, kết hợp với sự suy tàn của thời đại và giai cấp.

Nguyên tác Dịch âm
夜飲 Dạ Ẩm

卜夜容衰鬢 Bốc dạ dung suy mấn,
開筵屬異方 Khai diên thuộc dị phương.
燭分歌扇淚 Chúc phân ca phiến lệ,
雨送酒船香 Vũ tống tửu thuyền hương.
江海三年客 Giang hải tam niên khách,
乾坤百戰場 Càn khôn bách chiến trường.
誰能辭酩酊 Thuỳ năng từ mính đính,
淹臥劇清漳 Yêm ngoạ kịch Thanh Chương.

Chú giải:

Bài thơ được làm vào khoảng năm Đại trung thứ 7 (853), trong thời gian ông làm việc trong mạc phủ của Liễu Trọng Ấp ờ Từ Châu.
卜夜 Bốc dạ: Trích từ thành ngữ "bốc trú bốc dạ", nghĩa là uống rượu ban đêm.
開筵 Khai diên: mở tiệc rượu. Ám chỉ tiệc rượu trong mạc phủ ở Từ Châu. Lúc đó Lý Thương Ẩn đã 40 tuổi và vợ vừa mới chết; ông sống trong trầm cảm nặng.
酒船 Tửu thuyền: ly đựng rượu hình dạng như chiếc thuyền.
清漳 Thanh Chương: Con ngòi nay ở phía đông tỉnh Sơn Tây, là một nhánh của sông Chương. Dùng điển Lưu Trinh thời Hán say rượu chết gục ở ngòi Thanh Chương.

Dịch nghĩa

Say rượu ban đêm dung nhan tiều tuỵ,

Rượu uống nơi xứ người.
Nến nhỏ lệ trên quạt che miệng của ca nương,
Mưa tiễn hương rượu ra ngoài trời.
(Ta) Là khách lưu lạc sông hồ đã ba năm,
Trong trời đất (ta) đã uống say cả trăm lần (giống như lính bại trận).
Có ai say khướt như ta!
Nằm gục bên bờ ngòi Thanh Chương (như Lưu Trinh thời Hán.)

Dịch thơ

Say Đêm

Uống đêm người tiều tụy
Men rượu chốn tha phương
Quạt ca hoen lệ nến,
Mưa thổi rượu bay hương.
Sông hồ ba năm khướt,
Trăm trận như chiến trường.
Không ai say như mỗ,
Nằm gục rạch Thanh Chương./.

Lời bàn:

Lý Thương Ẩn tả một lần say rượu trong mạc phủ của Liễu Trọng Ấp ở Từ Châu. Lúc đó ông đã 40 tuổi, vợ vừa mới chết, sống cô độc, nghèo khổ, trong tình trạng trầm cảm nặng.
2 câu 3 & 4: Tả tiệc rượu dưới mắt Lý: Ca nương lúc múa hát đã để cái quạt hứng giọt lệ của cây nến). Trận (gió) mưa đã tiễn (thổi) hương rượu ra ngoài trời.
2 câu 5 & 6: Lý tả thân phận mình (trong bữa tiệc): 3 năm nay, trong chốn giang hồ, ta đã từng say khướt cả trăm lần giống như một tên lính bại trận.
2 câu 7 & 8:
Hai câu này nói lên cái tâm sự trầm cảm mênh mông của Lý. Ông không phải khách được mời mà chỉ là một kẻ cùng khổ, thất bại, nghèo khó, được uống ké trong bữa tiệc sang trọng… Thì cứ uống cho thật say… Hy vọng sẽ kết thúc đời mình (giống như Lưu Trinh thời Hán say rượu chết gục ở bờ ngòi Thanh Chương).

Lý Thương Ẩn đã dùng một bài thơ ngũ ngôn bát cú (chỉ có 40 chữ) để mô tả thân phận và tâm sự của một kẻ sĩ thất bại, của một người chồng sám hối với vợ hiền, của một kẻ nghèo mạt rệp uống rượu ké trong một bữa tiệc linh đình… Ông đã dùng tới 5 điển tích để chuyên chở lời thơ nên độc giả không thể giải thích êm xuôi những điển tích như ông muốn; họ chỉ chiếu theo tiểu sử của ông để đoán mò; đoán tới đâu hay tới đó; vì thế cho nên lời đoán nào cũng mơ hồ (kể cả lời đoán mò của Thi Viện trong Google, nơi quy tụ nhiều học giả cổ thi). Con Cò, lúc đầu đã dựa vào bản dịch nghĩa của Thi Viện để soạn bài, nay sửa lại nhưng không thể tránh được những suy tư chủ quan; xin các bạn thứ lỗi.

Con Cò
***
Rượu Đêm

Nhậu tối mày tiều tụy
Tiệc nơi chốn viễn phương
Nến soi lệ ngấn quạt
Mưa tiễn rượu thuyền hương
Sông nước ba năm khách
Đất trời trăm chiến trường
Ai người say túy lúy
Nằm gục bờ Thanh Chương


Lộc Bắc

***
Uống Rượu Đêm.

Rượu tối ngày phờ tóc,
Tha phương chiếu rượu bày.
Quạt che lệ, nến chiếu,
Thuyền bốc hương, mưa bay.
Hồ hải ba năm dạo
Đất trời trăm trận say.
Có ai mà khướt thế,
Nằm bãi Thanh Dương lầy.


Song thất lục bát.

Suốt đêm uống tóc tai phờ phạc,
Chiếu rượu bày hoan lạc xứ người.
Nến soi quạt dấu lệ rơi,
Mưa tung hương rượu thuyền bơi bềnh bồng.
Ba năm dạo lông bông hồ hải,
Trăm trận say khắp giải đất trời,
Có ai tận hưởng đã đời,
Rồi nằm ngủ tại bãi ngòi Thanh Dương.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.

Apr, 16/2023.
***
Rượu Ngà Giấc Khuya

Dung nhan tiều tụy đêm canh,
Bồ đào say khướt - hùng anh xứ người.
Đàn ca kỹ nữ ỉ ôi,
Nến soi tà quạt, lệ rơi tủi đời.
Hương nồng mưa tống ngàn khơi,
Mạn thuyền lưu lạc - tính thời tam niên!
Càn khôn túy lúy liên miên,
Cả hàng trăm trận - muộn phiền đầy vơi.
Ai người xỉn nặng ngoài trời,
Như ta bổ ngửa bờ ngòi Thanh Chương...

Khánh-Hưng
***
Uống Rượu Ban Đêm


Rượu khuya người nhầy nhụa
Đất khách nhậu một mình
Lệ/nến chảy tua tủa
Mưa rơi chén thuyền hình
Xứ người hơn ngàn bữa
Đất trích xỉn trăm bình
Say giống ta mấy đứa?
Thanh Chương úp mặt sình


Lục Bát

Tèm lem nồng nặc… mùi hèm
Đêm về ngất ngưởng chê/khen mặc người
Dạ sầu nến/lệ… rơi rơi
Mưa hiên thuyền chén đầy vơi mặc tình
Ba năm đất trích lưu linh
Tính ra trăm bận ôm bình rượu tu
Xem ta đệ nhất phong lưu ?!
Thanh Chương nằm vạ lăn cù ngủ ngon


Kiều Mộng Hà
April18th2023
***

Bài kỳ này rất khó, BS đọc nhiều lần mà không hiểu rõ, tra tự điển lung tung, coi phần giải thích của ÔC (lấy trong Thi Viện) thì thấy có chỗ không hợp lý, và còn nhiều thắc mắc:

- Câu đầu: uống rượu đêm làm cho dung nhan và tóc mai suy giảm, tiều tụy.
- Câu thứ hai: diên là cái chiếu, khai diên là mở chiếu ra để bày tiệc. Diên cũng có nghĩa là tiệc (diên yến). Cả câu có nghĩa là mở tiệc nơi xứ lạ.
- Câu thứ ba, Thi Viện giải thích là “tiếng ca vẳng tới làm ta và nến đều rơi lệ“

thì BS thấy không ổn: tại sao lại có chữ phân là chia? Theo như anh Giám, ca phiến là cái quạt để kỹ nữ che mặt thì mình phải hiểu câu này ra sao? Ánh nến làm ta phân biệt được hai thứ là quạt và nước mắt?
- Câu thứ tư tương đối rõ nghĩa: mưa đuổi hương thơm của rượu, dù tửu thuyền là thuyền chở rượu hay cái ly đựng rượu hình cái thuyền.
-  Hai câu 5,6 thì rõ ràng, dễ hiểu.
-  Câu thứ 7, chữ từ có nhiều nghĩa, ở đây phải hiểu là từ chối. Mính và Đính đều có nghĩa là say mèm, dùng cả hai chữ cho mạnh.

Uống Đêm.


Nhậu tối tơi mày, tóc,
Tiệc mở tại quê người,
Đuốc soi quạt che lệ,
Mưa tạt rượu bay hơi,
Sông biển ba năm khổ,
Trăm trận uống khơi khơi,
Ai mà chê say khướt,
Thanh Chương khểnh giữa trời.


Bát Sách.
***
Nguyên tác: Dịch âm:

夜飲-李商隱 Dạ Ẩm - Lý Thương Ẩn

卜夜容衰鬢 Bốc dạ dung suy mấn
開筵屬異方 Khai diên thuộc dị phương
燭分歌扇淚 Chúc phân ca phiến lệ
雨送酒船香 Vũ tống tửu thuyền hương
江海三年客 Giang hải tam niên khách
乾坤百戰場 Càn khôn bách chiến trường
誰能辭酩酊 Thùy năng từ mính đính
淹臥劇清漳 Yêm ngoạ kịch Thanh Chương

Bài thơ được khắc đăng trong các sách:

Doanh Khuê Luật Tủy - Nguyên - Phương Hồi 瀛奎律髓-元-方回
Thi Nhân Ngọc Tiết - Tống - Ngụy Khánh Chi 詩人玉屑-宋-魏慶之
Đường Thi Phẩm Vị - Minh - Cao Bính 唐詩品彙-明-高棅
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

bốc dạ: từ thành ngữ "bốc trú bốc dạ", nghĩa là suốt ngày đêm. Điển cố: Thời Xuân Thu, Trần Kính Trọng mời Tề Hoàn Công uống rượu. Hoàn Công thích chí sai đốt đuốc để uống suốt đêm. Kính Trọng từ chối bảo: thần bốc kỳ trú, vị bốc kỳ dạ, bất cảm.臣卜其 晝,未卜其夜,不敢. bốc=卜, như trong bốc quẻ. có nghĩa là bói toán, rờ mai rùa để xem tốt xấu. Người sau xài bốc dạ để chỉ uống rượu ngày đêm hoặc là hoang dâm vô độ.
- dung: bao dung, chấp nhận
- suy mấn: mái tóc trắng, chỉ tuổi xế chiều
- khai diên: mở tiệc, điển cố về Tạ An đời Tấn : Tạ An du tập chi nhật, triếp khai diên đãi chi 谢安游集之日, 辄开筵待之 Vào ngày Tạ An họp mặt, ông thường trải chiếu tre thiết đãi tiệc linh đình.
- dị phương: nơi xa quê hương
- ca phiến: quạt của ca nữ dùng để che miệng lúc hát
- tửu thuyền: thuyền để khách uống rượu vui chơi, ly/chén rượu hình dạng như chiếc thuyền. Điển cố về Tất Trác đời Tấn. Trong Tấn Thư Tất Trác Truyện, Trác là người nếm rượu có nói: …tiện túc liễu nhất sanh hĩ 便足了一生矣 liền có rượu đủ cả đời.
- giang hải: khắp nơi trong bốn phương
- càn khôn: « càn vi thiên… khôn vi địa », trời đất, thế gian
- mính đính: say mèm
Thanh Chương: một nhánh lớn của thượng nguồn sông Chương, ở phía đông tỉnh Sơn Tây. Câu này dùng điển cố về Lưu Trinh cuối đời Hán.

Dịch nghĩa:

Dạ Ẩm Tiệc Đêm

Bốc dạ dung suy mấn Tiệc đêm cho người già như ta tham dự,
Khai diên thuộc dị phương Mạc phủ mở tiệc linh đình nơi xa quê hương.
Chúc phân ca phiến lệ Nến rơi lệ lên quạt ca nữ,
Vũ tống tửu thuyền hương Mưa gíó thổi hương thơm rượu khỏi thuyền.
Giang hải tam niên khách Ta phiêu bạt giang hồ đã ba năm,
Càn khôn bách chiến trường Thế gian đã trở thành chiến trường.
Thùy năng từ mính đính Lúc này ai có thể từ chối uống say?
Yêm ngọa kịch Thanh Chương Nằm gục bên bờ Thanh Chương như Lưu Trinh thuở trước.

Uống rượu là một thú vui tao nhã của tao nhân mặc khách từ ngàn xưa, nên con người đã thi vị hoá việc uống rượu cho đến ngày nay. Uống rượu và say sưa là hai chuyện khác nhau. Người quân tử uống nhưng không say, kẻ tiểu nhân chưa uống đã say, mượn rượu nói và làm điều sằn bậy, mất tư cách con người. Uống rượu để giải sầu chỉ là một huyền thoại mà chính đại đệ tử của lưu linh, ngài Lý Bạch trong bài Tuyên Châu Tạ Diểu Lâu Tiễn Biệt Giáo Thư Thúc Vân, có nói: “Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu.” (Nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu.)

Bài Dạ Ẩm được làm vào khoảng năm Đại Trung Thứ 8 (854) Đường Tuyên Tông lúc Lý Thương Ẩn đang sống trong mạc phủ Liễu Trọng Ấp ở Tử Châu. Văn nhân Trung Quốc đã sớm có câu Tam thập nhi lập 三十而立 Ba mươi tuổi thành danh, mà lúc đó Lý Thương Ẩn, đã ngoài 40 nhưng công không thành, danh lại không có. Làm phụ tá cho Liễu Trọng Ấp, nhưng không được trọng dụng. trong suốt 3 năm ăn nhờ ở đậu nơi đất Thục, điều này không thể không khiến thi nhân buồn khổ bi thương và đẩy ông vào đường mượn rượu giải sầu tự nhiên như mọi người mong đợi.

Trong bài thơ 40 chữ, thi nhân xài 4 điển cố. Đọc thoáng qua mà không thấy các điển cố, ta hiểu Lý như thường tình bợm rượu vì sầu muộn. Tuy nhiên Lý thấy tác hại của rượu nên có lẽ chỉ miễn cưởng tham dự vì tiệc của cấp trên. Tiệc không vui, nến nhỏ lệ, mưa gió ngoài trời. Sống lưu lạt 3 năm trên đất Thục, Lý đã từng đối mặt với hoàn cảnh như thế. Lý có cơ hội, nhưng không say be bét và nằm gục bên đường như Lưu Trinh vùi mặt vào sình sông Thanh Chương trước kia.

Dịch thơ:

Say Đêm

Ngày đêm nhậu chẳng nương,
Tiệc rượu xa quê hương.
Lệ nến khô trên quạt,
Gió đưa mùi bốn phương.
Ba năm lưu lạc hận
Kinh nghiệm mọi tình trường.
Say bét nằm bên suối,
Lấm bùn chẳng đáng thương.

Night Drinking by Li Shang Yin

Banquets at night allow people of my middle age,
I was invited to this particular sumptuous one while far away from home.
The candle tear drops dry on the singing girl fan,
Wind and rain carry away the wine scent from the boat.
I have been in a foreign land for three years,
And experienced all vicissitudes of this world.
Why not getting drunk tonight?
And lied on the river bank for a long time.

Phí Minh Tâm
***
Bài Cảm Tác:

Trong bài Dạ Ẩm của Lý Thường Ẩn mà Ông Cò đưa ra kỳ này, chỉ nói về rượu, uống say mèm, say lúy túy đến nỗi làm cho con người tiều tụy… Tại sao con người từ xa xưa đến bây giờ vẫn cứ sa vào men rượu để hủy hoại sức khoẻ, có ma lực nào lôi cuốn con người để nghiện, để mê đắm hương tửu nồng nàn?

Cảm hứng bài Dạ Ẩm của Lý Thường Ẩn, xin có vài câu thơ vụn:

Say Rượu

Uống vui hồ hởi bạn ơi
Cạn thêm chén nữa quên thôi chán chường
Khi say đâu kể hướng, phương
Chân đi chao đảo, đất dường bấp bênh!


Thanh Vân

1 nhận xét: