Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Những Mỹ Nhân Trong Tiểu Thuyết Kiếm Hiệp Kim Dung

Lời phi lộ: Đọc kiếm hiệp của Kim Dung, ngoài những nhân vật nam thì các nhân vật nữ đóng một vai trò rất quan trọng, nó làm hấp dẫn, say mê người đọc. Tất nhiên, trong lòng mỗi người hâm mộ đều sẽ có một nhân vật yêu thích của riêng mình. Để giúp quý vị hưởng không khí tươi vui, LHCT mạn phép giới thiệu cùng quí độc giả vài bông hoa trong bộ sưu tập lâu năm mà LHCT sống cùng với nhà văn Kim Dung..

1. Hoàng Dung - (Anh hùng xạ điêu & Thần điêu đại hiệp)

Hoàng Dung là con gái duy nhất của đảo chủ đảo Đào Hoa, Đông Tà Hoàng Dược Sư và Phùng Hằng. Nàng mồ côi mẹ từ nhỏ và được cha nuôi nấng, truyền thụ võ nghệ. Hoàng Dung cực kì xinh đẹp và võ công rất cao cường, trên người lại mặc Nhuyễn vị giáp khiến cho những kẻ háo sắc không thể đến gần. Nét đẹp nổi bật ở Hoàng Dung là trí tuệ siêu phàm, thông minh nhanh trí, lắm mưu nhiều kế không thua bất cứ bậc nam tử nào và có chút kiêu ngạo. Hoàng Dung cùng Quách Tĩnh đã trở thành một bộ đôi nổi tiếng, đồng hành cùng nhau phiêu bạt giang hồ. Nàng là nhân vật nữ được Kim Dung ưu ái nhất khi đưa vào trong 2 tác phẩm Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ. Hoàng Dung có được sắc đẹp và trí thông minh của mẹ nhưng tính cách nhanh nhẹn, tinh quái giống cha. Vẻ đẹp của nàng đã khiến cho Quách Tĩnh phải thốt lên rằng "Rất giống với tiên nữ trên núi tuyết của ta". Bởi nàng có một dung mạo tuyệt trần, da trắng như tuyết, xinh đẹp tới mức không thể nhìn gần và không ai sánh bằng". Hoàng Dung còn am hiểu rất nhiều về các bộ môn khoa học của cha mình và kiến thức uyên thâm cũng giúp nàng rất nhiều trên con đường hành tẩu giang hồ. Ngoài ra, Hoàng Dung có võ công rất cao, môn võ nàng thường sử dụng là Đả cẩu bổng pháp, Mãn thiên hoa vũ trịch kim châm, Lạc anh thần kiếm chưởng, Tiêu dao du và Lan hoa phất huyệt thủ.

2. Triệu Mẫn (Ỷ Thiên Đồ long Ký hay Cô Gái Đồ Long)

Kim Dung miêu tả về Triệu Mẫn như sau: "Xinh đẹp vô cùng, nhan sắc diễm lệ, mặt sáng như ngọc, mắt trong như nước, nét cười dịu dàng, diễm lệ. Chỉ trong một hai câu nói cũng không thể miêu tả được hết vẻ đáng yêu, thuần khiết và xinh xắn của nàng". Nàng là quận chúa Mông Cổ, có thân phận cao quý. Triệu Mẫn là một cô nàng thông minh, cơ trí, thậm chí là có phần tàn nhẫn. Tuy nhiên sau khi gặp và phải lòng Trương Vô Kỵ, nàng đã từ bỏ thân phận mà đi theo người mình yêu.. Dù có dung mạo hơn người nhưng Triệu Mẫn lại khá ngang bướng, tự kiêu và ích kỷ trong chuyện tình cảm vì sinh ra trong cuộc sống nhung lụa, giàu có. Vì tình cảm sâu nặng với Trương Vô Kỵ, Triệu Mẫn dần thay đổi tính cách từ một nàng Quận chúa độc ác, tai quái thành một Triệu Mẫn hiền lành, biết nhường nhịn, dám yêu và hi sinh hết mình. Nhiều người nhận xét, cứ sau mỗi lần xem lại truyện hay phim Ỷ thiên đồ long ký, người ta lại càng thêm yêu thích nhân vật Triệu Mẫn. Chính nhà văn Kim Dung thừa nhận, Triệu Mẫn là nhân vật "phụ nữ nhất trong số những phụ nữ" mà ông sáng tạo ra.

3. Nhậm Doanh Doanh (Tiếu ngạo giang hồ)

Doanh Doanh là con gái duy nhất của Nhậm Ngã Hành, giáo chủ của Nhật Nguyệt thần giáo và được tôn là Thánh cô. Nàng là nhân vật nữ được Kim Dung miêu tả là hội tụ đầy đủ về nhan sắc, tài năng và đức hạnh. Có thể nói, nàng một người phụ nữ toàn diện, mười phân vẹn mười. Chính nhà văn đã từng nói rằng Nhậm Doanh Doanh chính là hình tượng người vợ lý tưởng của mình. Nhậm Doanh Doanh mang nhiều hình ảnh của một cô gái hiện đại, yêu và sẵn sàng hy sinh cho tình yêu, mong manh nhưng không yếu đuối. Chính những điều ấy đã tôn thêm vẻ đẹp của cô trong Tiếu ngạo giang hồ. Nhậm Doanh Doanh là người đầy quyền uy, dưới một người mà trên cả vạn người. Nam nhân trong thiên hạ không một ai dám tơ tưởng tới nàng. Lần Doanh Doanh xuất hiện trên Gò Ngũ Bá đã khiến cho quần hào phải bỏ ra Nam Hải, nàng giết người cũng không gớm tay. Tuy nhiên, Doanh Doanh thực ra là mẫu người phụ nữ hết sức e thẹn trong chuyện tình cảm, nhưng hết lòng hi sinh vì người mình yêu. Vì người yêu, nàng cũng sẵn sàng làm bạn và rất bao dung với Nhạc Linh San, tình địch của mình, người từng khiến cho Lệnh Hồ Xung thất điên bát đảo. Tình yêu của Nhậm Doanh Doanh dành cho Lệnh Hồ Xung thuần khiết như ngọc, trong sáng như pha lê, ngàn vạn năm không thay đổi.

4. A Châu (Thiên long bát bộ)

A Châu là con gái của Đoàn Chính Thuần, một vị vương gia của nước Đại Lý. Cha của nàng vốn là một người có tướng mạo tiêu sái, uy võ nên dung nhan của A Châu chắc chắn không thể tầm thường. Trong Thiên long bát bộ, nàng được miêu tả như "một người con gái xinh đẹp, có đôi mắt linh động, nụ cười như hoa xuân mới nở, da trắng như tuyết, là một mỹ nhân hiếm thấy của thiên hạ". A Châu là con gái lớn của Đoàn Chính Thuần và Nguyễn Tinh Trúc, là tình yêu và hạnh phúc của Tiêu Phong, rất có tài giả trang. Dù chỉ là một hầu gái trong nhà Mộ Dung Phục, nhưng cùng với tấm lòng đạo hiếu, nét dịu dàng và mối tình trong sáng dành cho Kiều Phong, nhân vật này vẫn được hết lòng yêu mến, được coi như biểu tượng mẫu mực cho tấm lòng cao cả, đức hi sinh của người phụ nữ phương Đông.

5. Vương Ngữ Yên (Thiên Long bát bộ)

So với những nhân vật nữ khác trong tiểu thuyết Kim Dung, Vương Ngữ Yến trong Thiên long bát bộ không để lại nhiều ấn tượng sâu sắc vì hình ảnh của cô quá hoàn hảo - hoàn hảo đến "phẳng lỳ". Xét về nhan sắc, có thể nhiều người cho rằng Vương Ngữ Yến đẹp nhất, song cuộc đời của nàng chỉ "một màu" nên kém hấp dẫn hơn Tiểu Long Nữ. Vương Ngữ Yên là con gái của Vương phu nhân (chủ nhân của Mạn đà sơn trang) và Đoàn Chính Thuần. Vương Ngữ Yên sống cùng mẹ ở Mạn Đà sơn trang từ khi còn nhỏ. Vẻ đẹp của Vương Ngữ Yên được ví như thiên tiên khi nàng xuất hiện trước mắt Đoàn Dự: "Chỉ một tiếng thở dài tựa như có ma lực hớp mất hồn của Đoàn Dự, vừa thoáng thấy bóng dáng, chàng ta cảm thấy như mây mù bao phủ, tựa như đang ở cõi thần tiên. Nàng xuất hiện với thân hình thon thả, mái tóc dài thướt tha, vẻ đẹp thuần khiết của nàng như còn lan toả ra cả xung quanh khiến ai ai cũng choáng ngợp". Vương Ngữ Yên là em họ của Mộ Dung Phục.Vương Ngữ Yên gặp Đoàn Dự lần đầu tiên tại Mạn đà sơn trang, và Đoàn Dự ngay lập tức yêu cô ngay từ cái nhìn đầu tiên do cô có cùng vẻ đẹp với "Thần tiên tỷ tỷ", tượng bà ngoại của Ngữ Yên mà anh tình cờ tìm thấy.Vương Ngữ Yên được trời phú vẻ đẹp sắc nước hương trời và một trí tuệ mẫn tiệp hơn người. Cô thuộc làu hầu như mọi kinh sách võ thuật trong thiên hạ (ngoại trừ Lục mạch thần kiếm của Đoàn thị Đại Lý), đến nỗi ai đánh một chiêu một thức cô đều gọi đúng tên chiêu thức đó, đồng thời biết luôn cả cách phá giải. Vô tình cô trở thành quyển từ điển sống võ học, và do cô không hề biết võ công, nên nhiều thế lực thèm khát muốn bắt cóc cô để làm áp lực với họ Mộ Dung và để cô dạy cho mình những đòn thế võ công thất truyền.

6. Tiểu Long Nữ (Thần điêu đại hiệp)

 

Tiểu Long Nữ là một tuyệt sắc giai, đứng đầu danh sách những mỹ nhân của nhà văn võ hiệp này. Tiểu Long Nữ được người hâm mộ công nhận là nhân vật đẹp nhất trong số các mỹ nhân kiếm hiệp của Kim Dung. Kim Dung mô tả rằng Tiểu Long Nữ có một sắc đẹp tuyệt trần khi nàng gặp Dương Quá lần đầu như sau: "Dương Quá ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy một bàn tay trắng như ngọc vén tấm màn che, rồi một thiếu nữ bước vào. Thiếu nữ ấy mặc bộ đồ lụa màu trắng, tưởng như thân hình ấy đang trong một lớp sương mù. Nàng trạc mười bảy, mười tám tuổi. Trừ mái tóc đen, toàn thân nàng trắng như tuyết, khuôn mặt tú mỹ tuyệt vời, có điều da dẻ trắng xanh, thiếu màu hồng", "Dương Quá ngẩng mặt lên, bắt gặp ánh mắt của nàng. Nó cảm thấy thiếu nữ thật thanh lệ tú nhã, càng nhìn càng ưa thích, song thần sắc lại lạnh lùng. Đúng là thanh khiết như băng tuyết, giá lạnh như băng tuyết. Thật chẳng biết nàng mừng hay giận, buồn hay vui". Nhắc đến những mỹ nhân đẹp nhất trong truyện Kim Dung chắc chắn không thể nào thiếu Tiểu Long Nữ. Tiểu Long Nữ từ nhỏ đã sống trong Cổ Mộ, lại được dạy dỗ nghiêm khắc bởi sư phụ nên rất ngây thơ nhưng lạnh lùng, ít nói, suy nghĩ lại chất phác, đơn thuần, thường thể hiện ra ngoài vẻ thờ ơ, có chút vô tình. Bản tính nàng trầm mặc nhưng đối với Dương Quá lại hết mực dịu dàng, nồng ấm, chu đáo. Tình yêu của cô dành cho Dương Quá - đồ đệ kém mình bốn tuổi và trọn đời chỉ có mối tình ấy, không có một mối tình, một hình bóng nào khác.

7. Trình Anh (Thần điêu hiệp lữ)

Trình Anh là cháu họ của Lục Lập Đỉnh, chị họ của Lục Vô Song, cũng có tình cảm với Dương Quá, cùng Dương Quá kết nghĩa huynh muội. Đệ tử cuối cùng của Hoàng Dược Sư. Sắc đẹp của Trình Anh được ví như hoa cúc và thanh trúc, hai trong số “hoa trung tứ quân tử” (4 loại hoa tượng trưng cho người quân tử). Sở hữu vẻ đẹp thanh cao, trong veo như ngọc bích, ở cô luôn toát ra khí chất hơn người khiến người khác dễ dàng bị thu hút.

8. Hương Hương công chúa (Thư kiếm ân cừu lục)


Không phải là nhân vật lớn, trong tác phẩm Thư kiếm ân cừu lục cũng không hẳn là vai chính nhưng nhà văn Kim Dung đã dành khá nhiều câu chữ mỹ miều để miêu tả nhan sắc của cô gái người dân tộc Hồi này. Vẻ đẹp của Hương Hương công chúa khiến vua Càn Long bị mê hoặc. Hương Hương công chúa là em gái của “Thúy vũ hoàng sam” Hoắc Thanh Đồng. “Vẻ đẹp huyền ảo như trăng in đáy nước, hoa nở trong gương” chính là những mỹ từ mà Kim Dung ưu ái dành tặng cho nàng. Rất nhiều khán giả nam đã xem hình ảnh Hương Hương công chúa như “người tình trong mộng”.

9. Chu Chỉ Nhược (Ỷ thiên đồ long ký)

Chu Chỉ Nhược là con gái của người lái đò trên sông Hán Thuỷ, trưởng môn nhân đời thứ tư của phái Nga My. Chu Chỉ Nhược xinh đẹp tuyệt trần, đem lòng yêu Trương Vô Kỵ nhưng oái oăm thay lại bị sư phụ là Diệt Tuyệt sư thái bắt thề độc, đồng thời kết hợp với lòng ghen tuông khi Trương Vô Kỵ yêu Triệu Mẫn nên đã rắp tâm hãm hại. Chu Chỉ Nhược từng bị sư phụ của mình ép buộc dùng Ỷ Thiên Kiếm để đâm vào ngực Trương Vô Kỵ khiến chàng bị thương. Có lẽ nhiều người không thích Chu Chỉ Nhược, nhưng khi đọc những dòng miêu tả của Kim Dung, hoặc xem cô trên màn ảnh, người ta không thể dửng dưng với vẻ đẹp trí tuệ của vị chưởng môn nhân đời thứ tư của phái Nga Mi này.

10.A Kha (Lộc đỉnh Ký)   

A Kha cũng là một đại mỹ nhân khi thừa hưởng vẻ đẹp tuyệt trần của mẹ. Trong tác phẩm Lộc Đỉnh Ký, A Kha là người vợ đẹp nhất trong số 7 người vợ tuyệt trần của Vi Tiểu Bảo. Qua ngòi bút của tác gia võ hiệp sinh năm 1924, A Kha xinh đẹp không thua gì người mẹ tuyệt sắc danh kỹ của mình. Mỹ nhân này cũng là người khiến Vi Tiểu Bảo phải liêu xiêu, tìm mọi cách để chinh phục nàng. Trải qua vô vàn khó khăn, gã trai trăng hoa này mới giành được người thương từ tay Trịnh Khắc Sảng phong độ, tuấn tú. Trái với vẻ đẹp trời ban, A Kha sở hữu võ công làng nhàng, tính tình cố chấp, cứng rắn, kém thông minh. Đây cũng là một người được biết đến với suy nghĩ đơn giản, nông cạn, mù quáng trước hư vinh, không nhận biết được người tốt kẻ xấu. Nhưng cho đến cuối cùng, A Kha vẫn yên lòng làm thê tử của Vi Tiểu Bảo, cùng chồng và các chị em khác san sẻ tình yêu, sống êm đềm, hòa thuận, cùng nhau hành tẩu giang hồ.
Thừa hưởng nhan sắc của mẹ là Trần Viên Viên nên dưới ngòi bút Kim Dung, A Kha cũng là một mỹ nhân "khuynh quốc khuynh thành" trong Lộc đỉnh ký. Tuy vậy, sức hấp dẫn của cô không thể bằng Song Nhi và khi viết về A Kha, Kim Dung cũng không thật ưu ái, vì thế mà nhân vật này không phải ai cũng yêu thích.

11.Mộc Uyển Thanh (Thiên Long Bát Bộ)

Được đánh giá là một trong những nhân vật nữ có cá tính mạnh trong truyện Kim Dung, ngang bướng, cố chấp nhưng chung tình, khi yêu cũng rất mạnh mẽ, Mộc Uyển Thanh xuất hiện khá ấn tượng trong Thiên long bát bộ. Chính tính cách đặc biệt đó đã khiến cho nhân vật trở nên hấp dẫn hơn.Mộc Uyển Thanh là người có võ công không tầm thường và một quá khứ khá đặc biệt. Cô có gương mặt trái xoan xinh đẹp, nước da trắng ngần, hai mắt to tròn và sáng, trái tim chỉ thuộc về duy nhất một người.Khi hành hiệp giang hồ, cô thường mặc y phục màu đen và quấn khăn bịt mặt. Mộc Uyển Thanh có một mối tình khá ngang trái với Đoàn Dự nhưng sau này cũng được Kim Dung cho kết thúc một cách êm đẹp, sở trường dùng ám khí.Là người khá ngang bướng, cố chấp nhưng khi yêu cô cũng rất chân thành, nồng nhiệt và tuyệt đối chung tình, tính cách đặc biệt này khiến Mộc Uyển Thanh rất được yêu thích và chú ý trong phim.

12. Phu nhân Khang Mẫn

Khang Mẫn là vợ của Mã Đại Nguyên, phó bang chủ Cái Bang. Khang Mẫn tuy sở hữu một dung mạo mỹ lệ, thanh tú, hết sức đáng yêu nhưng lại có lòng dạ xảo quyệt và độc ác. Nhờ có nhan sắc của mình, Khang Mẫn đã thu hút được sự chú ý của Đoàn Chính Thuần và khiến cho nhiều vị anh hùng mê mệt. Nhưng vì bị Đoàn Chính Thuần bỏ rơi nên nàng đã tìm đến Mã Đại Nguyên và trở thành phu nhân của ông ta.

13. Trần Viên Viên (Lộc đỉnh Ký)

 

Đây là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc sống vào cuối thời nhà Minh, đầu thời nhà Thanh. Cuộc đời của giai nhân họ Trần gắn liền với hai phản tặc nổi tiếng là Ngô Tam Quế và Lý Tự Thành. Với một bút pháp kể chuyện xen lẫn mô tả khá tinh tế, nhà văn Kim Dung đã vẽ nên một Trần Viên Viên tuyệt thế giai nhân bằng những câu từ mỹ miều nhất. Đây cũng là nhân vật được đánh giá là đệ nhất mỹ nhân trong số hàng ngàn nữ nhân xuất hiện trong những tác phẩm của cây bút kiếm hiệp đình đám. Trong tác phẩm Lộc Đỉnh ký, Kim Dung đã mô tả đoạn nhân vật chính Vi Tiểu Bảo gặp Trần Viên Viên tại một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô thành Côn Minh. Dù quen biết với không ít những người đẹp, trong đó có cả A Kha, con gái của Trần Viên Viên nhưng Vi Tiểu Bảo vẫn xiêu lòng trước vẻ tài sắc của người phụ nữ gấp đôi tuổi mình. Nhà văn Vũ Đức Sao Biển từng dành những lời khen ngợi khi so sánh nhân vật này với các đại mỹ nhân khác trong thế giới truyện Kim Dung: “Những Tiểu Long Nữ, Nhậm Doanh Doanh, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu, Hân Tố Tố, Viên Tử Y, Vương Ngữ Yên... cũng là những đại mỹ nhân nhưng là đại mỹ nhân ở tuổi 18-20. Họ không thể sánh bằng Trần Viên Viên ở tuổi 40 tươi đẹp, chân tình, trí tuệ, tài hoa và đau khổ!”.

Montreal 01 october 2022
Lệnh Hồ Công Tử
Sưu Tầm và Biên Soạn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét