Có lẽ, chưa có lúc nào mà người miền Nam uống cà phê nhiều như sau 4/75 . Cũng như chưa bao giờ mà các quán cà phê mọc lên như nấm trên các “ vỉa hè “ thành phố . Từ sau cơn " hồng vũ “!
Miền Nam, sau 4/75 , không còn bao nhiêu người “ở nhà“. Người đi tù, kẻ đi bán, người " xung phong ", kẻ thủy lợi vân vân. Trong số những người buôn bán, nhiều nhất là các quán cà phê “ lề đường “ mà tôi gọi là “ cà phê ghế đẩu “. Bởi vì chúng không cần nhiều vốn, dễ thu xếp, dọn dẹp, giá cả phải chăng, ít khi sợ ế Một tấm bạt lớn. Một cái lò nhỏ để nấu nước. Một cái bàn với vài bình cà phê, vài chục ly lớn, nhỏ. Dăm ba cái “ bàn “ (đủ chỗ để vài cái ly) thấp , mươi mười chiếc ghế đẩu. Là xong. Đó là “ chân dung “ một quán cà phê vỉa hè, ít tuần sau “giải phóng “!
Khách cà- phê -vỉa -hè hầu như chỉ là phái nam, thi thoảng mới thấy dăm ba “ tơ liễu “. Tất cả đều thuộc giới “ lao động “. Từ bác xích lô đến ông giáo sư. Từ chú tài xế đến cậu sinh viên. Không phải vì “lao động là vinh quang“ mà vì “không lao động là chết đói“! Rất ít mấy “cái nồi ngồi trên cái cốc“ trên vỉa hè! Một là vì họ không biết thưởng thức món“ quốc cấm“ (thời chiến tranh) . Hai là họ có tiền nên vào quán hẳn hoi, không sợ bị “cô lập“!
Trước 75, tôi không biết uống cà phê, đôi khi theo bạn ra Pasteur, thì chỉ kêu một ly “sữa đá“ (nhiều sữa, ít … phê) . Nhưng sau 75, bè bạn không biết gặp nhau ở đâu để “trút bầu tâm sự“ mà không sợ tai vách, mạch rừng nên rủ nhau ra vỉa-hè ngồi cho qua ngày, đoạn tháng trong khi chờ trường mở cửa lại! Riết rồi quen. Riết rồi nghiện! Sáng nào không có ly đen là người cứ ngáp vắn, thở dài! Nhớ “phê“ như nhớ thuốc lào. Không chôn điếu, cũng cứ đào .... đại lên!
Thời điểm sau 75 đó, gần trường tôi, đối diện đại học Sư Phạm đường Thành Thái, “mọc“ ra một quán cà phê vỉa-hè. Tôi có vinh hạnh là một trong những khách hàng đầu tiên. Chả là một hôm chán đời quá, tôi mò lên trường, “ không bạn bè, không có ai “, chỉ có một hai đứa nằm vùng và mấy đứa 30/4, trên đường về, gặp quán nhỏ, tiện chân ghé vào. Thế thôi.
Thế mà cái “quán bên đường“ ấy đã “đi bên cạnh cuộc đời tôi“ (TTKH) cho đến ngày bỏ nước, vượt biên giữa năm 1979.
Lúc đầu, quán chỉ có anh B. (cận thị) khoảng 23, 24 tuổi đứng trông. Thỉnh thoảng có mẹ anh, Dì Ba, và cô em gái anh, tôi gọi là “cô V.“ , đứng trông. Cô V. trắng trẻo, người dong dỏng, hiền hậu, ít nói lại hay cười (khi tôi chọc). Có cô, tôi lại càng siêng ra quán hơn. Không phải để thả cua, câu cá gì cả vì tôi (xin thề) chỉ xem cô như em gái (dù cô gọi tôi là .. “chú“!) mà vì mấy khi được ngồi “ một mình ” với một cô hàng cà phê dễ thương như thế. Từ đó tôi gọi là “quán cô V.“ , bạn tôi cũng theo đó mà gọi. Với một số bạn chung trường KH, đó là “quán dì Ba“.
Quán cô V. là quán nhà của tôi, của chúng tôi : những người bạn thân. Tôi có hai “loại“ quán cà phê: quán “nam“, quán “nữ“! Quán “ nam là quán vỉa-hè, bình dân, bạn bè “uống tục nói phét“. Quán “ nữ “ là quán “sang“ (Hoàng Gia, Givral ..vv ), ăn nói nhỏ nhẹ, “duyên dáng“ nhưng “ hao “ nhiều! Nhiều khi tôi ghé vào quán “ nam “ chỉ để nhờ cô V. ứng trước, để đi quán … “nữ “! Cơ khổ đến thế!
Thế nhưng, đời có nhiều cái bất ngờ. Và tôi rất cám ơn một chiều mưa năm 1976 . “ Trời không mưa tôi cũng lạy trời mưa ” vì , nhờ đó , trên đường từ nhà bạn về, để trú mưa, tôi ghé vào một quán cà phê, đường Lý thái Tổ: quán “Trang“
Quán cà phê Trang, Sài Gòn, dĩ nhiên khác với quán cà phê ở Chợ Dầu ngoài Bắc. Nhưng hai cô hàng thì cứ như nhau. Nghĩa là cứ “giết người trong … quán“ , ít nhất cũng là hai. Một là nhạc sĩ Canh Thân (sanh năm canh thân?) , tác giả " Cô Hàng Cà Phê" (ở chợ Dầu / có hàng cà phê / có một cô nàng be bé xinh xinh .. ) và hai … là tôi!
Theo tiết lộ của nhạc sĩ Nguyễn văn Thương (chiều chưa đi màn đêm rơi xuống ) thì cái cô “ be bé xinh xinh “ ấy là cô Thái Hằng, trưởng nữ ông bà chủ quán Thăng Long (*)
Quán Thăng Long ở chợ Đại, Cống Thần (thời kháng chiến) được ông Canh Thân sửa lại là chợ Dầu. "Cô hàng cà phê “ là tâm sự, là nỗi lòng của ông Canh Thân. Ca khúc này có đoạn thật, đoạn không thật. Đoạn thật là đoạn cô hàng “làm say mê bao gã thiếu niên đa tình“ trong đó có Canh Thân, đoạn không thật là đoạn người khách viễn phương ghé qua, rồi say đắm cô hàng . Nhưng tình không được đáp. Cho đến khi chàng bị tương tư hành hạ “ sắp đến thiên đàng “thì “ vừa lúc cô hàng biết yêu“ ! Không thật , bởi vì cái anh viễn khách đó chính là ông Phạm Duy , bố 8 đứa con của cô hàng. Có lẽ ông Canh Thân sợ bị ông Phạm “ đập vỡ cây đàn “ nên chêm vào mấy chỗ không thật chăng?
Tôi không biết có bao nhiêu “thiếu niên đa tình“ ở quán cà phê Trang. Và tôi cũng không biết Trang là ai. Bởi quán do 3 thiếu nữ trông coi. Cô lớn nhất cỡ tuổi tôi (nhưng mặt buồn hơn ... tôi) , tóc chấm vai, cô giữa (xinh nhất) khoảng 17, 18 , tóc ngắn hơn tí, và cô bé khoảng 14, 15, cột tóc đuôi ngựa miệng lúc nào cũng như có nụ cười. Trang có thể là tên của cả 3 cô, chỉ khác nhau tên đệm (như mấy anh em tôi chẳng hạn) . Mà cũng có thể là tên của mẹ … các cô (khoảng 40 tuổi)!
Chủ nhân là một gia đình khán giả, ở căn nhà mặt tiền đường Lý Thái Tổ. Sau 75 , không biết ông bố có bi đi tù cải tạo không nhưng, như hầu hết các gia đình miền Nam, gia đình của Trang phải mở quán cà phê kiếm sống.
Quán có lẽ là phòng khách gia đình trước đây, khoảng mười mấy (?) thước vuông, trang trí thanh lịch, không màu mè, chứa độ mươi người khách. Caisse nằm ở phía trái, ngay cửa vào ra. Một cây đèn nhỏ trên bàn mà, khi đêm xuống, ánh sáng hắt ra đủ để nhìn thấy một khuôn mặt, dù không rõ nét, nhưng đó là một khuôn mặt đẹp. Của người ngồi caisse. Thế thôi.
Pha cà phê là cô lớn (và Mẹ?). Ngồi caisse là cô giữa. Cô út " servir" khách! Khi ngồi uống thì tôi chỉ ngắm (kín đáo) cô giữa. Càng ngắm càng thấy .. mệt! Từ mệt sang ghiền.. cà phê. Ngày nào cũng ghé quán. Dù cho mưa hay cho bão tố có kéo qua đây! Lúc đầu tôi hay ghé tối . Nhưng buổi tối, tuy lãng mạn, ấm cúng nhưng đông người quá. Nên tôi chọn buổi sáng, khoảng 11H, quán vắng, khách dễ được … " chú ý" hơn! Một tối tháng 6 mưa, dù "mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều" , chả biết làm gì, chợt nghĩ đến lúc " riêng một góc … bàn" ở đường Lý thái Tổ, thèm một ly cà phê, tôi lấy xe đến "Trang".
Tối đó, mưa nhiều, khách thưa, một mình ngồi thả khói, một mình nghe mấy chị em chủ nhân nói chuyện với nhau. Giọng Bắc kỳ sao mà êm, mà ngọt ! Bao nhiêu nốt nhạc bay đầy!
Và tôi ra về với những câu thơ trong đầu:
Ở quán cà phê Trang _ đường Lý Thái Tổ
ghé quán cà phê cô gái Bắc
(gái Bắc bao giờ cũng dễ thương!)
cô ngồi trong ánh đèn hiu hắt
nên mắt cô hiu hắt lạ thường
tôi tới đây ngồi nghe … quán vắng
nhìn cô mà nhớ nụ tầm xuân
"nụ tầm xuân nở ra xanh biếc"
xanh ngắc lòng tôi khấp khởi mừng
tôi tới đây ngồi say với thuốc
khói chẳng làm tôi lạc lối về !
đôi khi tôi cũng buồn cô lắm
bởi nào tôi thích nghiện cà phê !
uống cà phê , nhỏ từng giọt nhỏ
uống cả môi cười trong mắt kia
giọt cà phê , hay là giọt nước .. mắt
cũng làm mất ngủ những đêm khuya!
tôi tới chờ tay hoa tưới nước
nước trà rất dễ héo cây .. si
dù sao tôi cũng từng ao ước
được chết vì tay gái Bắc kỳ !!!
muốn nói cùng cô , cô gái Bắc :
" hãy giả bộ buồn khi quán khách đông
nhưng hãy cười khi …. " anh xuất hiện
lúc ấy cà phê sẽ ngọt lòng!
6/1976
BP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét