Nếu như chết được coi là biểu tượng của sự tối tăm sợ hãi, thì nguồn sống chính là Ánh Thái Dương huy hoàng đem lại tươi vui và hạnh phúc cho nhân thế
Hãy ngắm nhìn những hàng cây sau mùa Đông dài trút hết lá trơ trụi như những bộ xương không hồn, rồi mùa Xuân tới với bàn tay mầu nhiệm của Tạo Hóa làm sống lại vạn vật
Núi nghiêm, sông lặng trong ngần
Lá ngàn xanh muốt, hoa tần trắng phau
Vàng tươi, cúc thắm anh đào
Thiên nhiên áo mới nghiêng chào Thần Linh
Giữa mùa Xuân, ánh thanh bình
Muôn lòng tưởng niệm PHỤC SINH phép thần
Trời cao xanh sắc trung tân
Giáng linh giữa tiết Xuân phân sáng ngời
Khí thiêng bàng bạc khắp nơi
Ẩn tàng, minh hiện một NGƯỜI quán thông
Vì nhân gian đổ huyết hồng
Vì nhân gian mở tấm lòng khoan dung
Nhiệm mầu rời chốn Thiên cung
Một phen Cứu Thế muôn trùng tẩy oan
Phục Sinh trở lại Thiên Đàng
Không sau, không trước miên trường tinh anh
(Nhiệm mầu) Phan Quảng Nam
Cuộc sống của con người đã đành là qúy báu, nhưng đời người qúa ư ngắn ngủi. “Nhân sinh như bạch câu qúa khích” vù đi như bóng ngựa lướt qua cửa sổ
Tựa cánh chim kia lướt giữa trời
Trăm năm nhấp nháy lẹ như chơi
Lao xao mới đó … vừa chung bóng
Lặng lẽ giờ đây … đã bặt hơi
Tuấn Việt
Hay là:
Cái quay, Con Tạo búng mà chơi !
Ngả nghiêng điên đảo quay quay bóng
Cười nói ba hoa hả hả hơi
Cứ tưởng tài cao đầu non vượt
Đâu ngờ gió lặng cánh diều rơi …
Vân Trình
Cuộc nhân sinh vốn đã phù du mà thân thế con người lại bèo bọt, chẳng một ai hưởng trọng hạnh phúc cả đời. Ngay buổi sơ sinh, thì đã: “Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra ! Khóc vì nỗi xót xa sự thế …” (Cung oán).
Quan niệm đời là bể khổ và chóng qua đi, nên trong “Kim Cương bát nhã” có đoạn nói rằng:
Nhất thiết hựu vi pháp
Như : mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ riệc, như điện
Ưng tác như thị quan
Nghĩa là hết thảy mọi việc, mọi chuyện trên đời, đều chỉ là : mơ, huyền ảo, như bọt nước, như ánh đèn, như giọt sương, như ánh chớp, hãy nên nhận biết như vậy đó.
Vốn trách nhân gian như quán trọ
Há mang thế sự, giọt sương rơi
Ngẫm ba vạn sáu, bao lâu nhỉ
Biển hoạn bon chen uổng phí đời !
Song Nguyên
Đời người dầu sống trăm tuổi, ba vạn sáu ngàn ngày, cũng chỉ thoáng qua, như giọt sương, như một đêm lữ khách dừng chân bên quán trọ. Nhưng nỗi băn khoăn thắc mắc chẳng phải đặt nơi cuộc sống ô trọc cõi trần này, mà ở một đời sống Tâm linh, ở Sự Sống đời đời về sau.
Cổ nhân xưa cũng đã nhận thật qủa có Đấng Tạo Hóa: “Thiên địa vi lô hề, Tạo hóa vi công” (Gia Nghị) nghĩa là Trời đất chỉ là cái lò chứa đựng, còn Đấng Tạo Hóa mới chính là Vị tạo dựng sinh mệnh muôn loài.
Mạnh Tử cũng luận rõ ràng hơn nữa: “Nhất ẩm nhất trác, sự giai tiền định, phù sinh không tự mang” nghĩa là từ cái ăn cái uống đã được Thượng Đế an bài từ trước, con người hãy suy ngẫm đến cái kiếp phù sinh của mình. Chính vậy, mọi sự Thượng Đế đã tiên liệu, dù con chim ngoài đồng nội, con cá dưới nước, dĩ chí đến loài sâu bọ trong bùn đất, thì cuộc sinh tồn cũng đã được sắp sẵn, huống chi con người. Vậy chớ quá bận tâm đời sống vật chất mà quên phần tâm linh, hãy sống đời thánh thiện, yêu thương tha nhân, tích tụ phước đức cho phần hồn, nghĩa là tìm sự sống đời đời, sự sống thật, sống với Thiên Chúa và sống trong Thiên Chúa. Đó là đi tìm kiếm đi sửa soạn sẵn cho chính mình, ngày Phục Sinh, để sống lại sau cái chết : “Sinh ký, tử quy”
Khi xưa Lazarô chết đã 4 ngày, chị là bà Martha, cầu xin Chúa Giêsu cứu em mình, và Chúa đã làm phép lạ cho Lazarô được sống lại, liền đó Chúa phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ta thì dù đã chết, cũng sẽ được sống lại. Ai sống và tin vào Ta sẽ không bao giờ phải chết. Con có tin như vậy không ?” bà Martha thưa: “Lạy Chúa có. Con tin thật, Chúa là Đức Kitô, con Thiên Chúa Hằng Sống, đã ngự xuống trần gian này” (Ga 11: 25-27)
Bà Martha đã được phúc ở gần Chúa, được Chúa làm phép lạ cứu sống người em trai, bà và đám đông lân cận, chứng kiến tận mắt sự việc sảy ra, bà tin Chúa và thờ lạy Chúa. Nhưng ơn phúc sẽ bội phần lớn hơn cho những kẻ không trông thấy Chúa mà tin nơi Chúa : “Phúc thay những người không thấy mà tin !” (Ga 20: 29)
Lạy Chúa, con là người ngoại đạo
Đón Noel con cũng thấy vui mừng
Con vẫn tin rằng có Chúa vô cùng
Chúa ngự ở Ngôi cao nhìn trần thế
Chúa ngự ở Ngôi cao nhìn trần thế
Quyền tối cao Chúa phán xét nhân loài
Đêm Noel ai cũng nở nụ cười
Để mừng Chúa Phục Sinh ngày tái thế
Nữ Sĩ Minh Hà
Lời Thơ của Nữ sĩ đơn sơ mà chân thành qúa. “Lạy Chúa, con không có đạo, nhưng con tin có Chúa vô cùng … con tin, và lòng con vui mừng vì Chúa đã Phục Sinh …”
Ôi đẹp thay ! Hỡi các Tín hữu Thiên Chúa Giáo, đã bao giờ ? đã có lần nào, Bạn nói với Chúa niềm vui mừng Phục Sinh như vậy chưa ?
Alleluia ! Alleluia ! Chúa Phục Sinh là Chúa đã hoàn tất công cuộc Cứu Thế trọn vẹn và tuyệt hảo. Bởi những “Lời Chúa” truyền phán khi còn ở thế gian, tựu trung lại chính là tuyên xưng sự Sống đời đời, và thể hiện hơn nữa, Chúa Giêsu đã truyền lại “Mình và Máu Thánh Chúa”
“Ta là bánh hằng sống từ Trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh ta ban sẽ nuôi sống thế gian” (Ga 6:51)
Như vậy, “PHỤC SINH” là đìểm then chốt của Công ơn Cứu Thế. “PHỤC SINH” là căn bản triết lý của giáo điều Thiên Chúa. . “PHỤC SINH” là điều ước mơ lớn nhất của nhân loại. “PHỤC SINH” là cánh cửa mở ra để con nguời được đến với Đức Chúa Trời.
Nếu trước kia Chúa không sống lại
Thì giờ đây, Đạo Chúa đâu còn
Nếu “Phục Sinh” là lời giả giối
Đứng đầu chối Chúa, chính là con
Nhưng Chúa đã vinh quang sống lại
“Phục Sinh” phán hứa đúng như lời
Mở cửa Thiên Đàng, tha luyện ngục
Nâng con, Thánh hóa với Ngôi Trời
Và Chúa đã vinh quang sống lại
Để công ơn Cứu Chuộc hoàn thành
Mầu nhiệm căn nguyên xây Giáo Hội
Triều thiên chiến thắng của Chiên Lành
Mừng Chúa đã vinh quang sống lại
Hoan hô danh tánh khắp nơi nơi
Và Phục Sinh như lời phán hứa
Tôn vinh danh Chúa đến muôn đời.
(Khải Hoàn Ca) Tuấn Việt
Vào mùa Easter, khắp các Nhà Thờ Công giáo hoàn vũ, người tín hữu hát lên Alléluia. Alléluia Alléluia có nghĩa là: Ca ngợi Chúa, Chúc tụng Chúa, Tôn vinh Chúa. Và trong đêm Vọng Phục Sinh, khởi dầu buổi Lễ mọi đèn nến trong Nhà Thờ đều tắt cả. Riêng cây nến Phục Sinh duy nhất được thắp sáng, cây nến Phục Sinh tượng trưng cho Chúa Giêsu sống lại. được xông hương và rước lên Cung Thánh. Lửa từ cây nến Phục Sinh này sẽ được dùng thắp lan truyền sáng tất cả đèn nến trong Nhà Thờ.
Lúc ấy toàn bộ lửa Phục Sinh trong Thánh đường bùng sáng như biểu tượng Đức Giêsu Kitô đã ra khỏi mồ chiến thắng sự chết, tỏa chiếu ánh sáng yêu thương cho nhân loại với Tình yêu Cứu độ. Ánh sáng Cứu độ của Chúa sẽ luôn bừng sáng giữa thế gian đầy bóng tối và tội lỗi. Tình yêu của Chúa đối với nhân lọai, đối với từng người sẽ không bao giờ tắt.
Ánh sáng Phục Sinh và Tình thương Cứu Độ của Chúa Kitô đã ban cho nhân loại, vậy ta phải sống sao xứng đáng đón nhận ánh sáng và sự sống ấy, như những chứng nhân thật sự của biến cố Phục Sinh [QT1]
Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét