Chủ Nhật cả nhà ăn cơm trưa sớm, để chị Bông lo sửa soạn hành lý cho chuyến bay buổi chiều đi Florida. Chị sẽ đi training, công việc sẽ bắt đầu vào ngày thứ hai và kết thúc vào thứ sáu, coi như chị sẽ xa chồng con gần một tuần lễ, mà lòng chị buồn buồn. Từ ngày đi làm, đây là lần đầu tiên chị đi training xa nhà và lâu nhất.
Chọn mấy bộ quần áo và vài đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải răng…chị xếp gọn gàng vào chiếc va ly nhỏ xách tay cùng với cái laptop là xong.
Ba đứa con đang bu quanh chị. Betsy vòi vĩnh:
- Con muốn đi với mẹ, Florida có Disney World thích lắm.
Vẫn là Betsy:
- Có biển nữa, con muốn tắm biển và nhặt vỏ sò trên cát.
Chị ngẩn ngơ, con Betsy ăn nói mộng mơ như một thi sĩ.
Cô Tabi chị cả 9 tuổi thì đòi hỏi thực tế hơn: - Mẹ mua cho con cái vòng đeo cổ, vòng đeo tay bằng vỏ sò nhé…con thích màu hồng.
Khi Tabi thích màu hồng, có nghĩa là Betsy không được chọn cùng màu vì sẽ “đụng hàng” Cô chị luôn hiếp đáp cô em như thế. Chắc là có …di truyền? vì ngày xưa còn bé chị Bông là chị cả, cũng chuyên môn hiếp đáp, giành ăn, giành chỗ ngủ với các em. Nên chị biết chẳng thể nào thay đổi tính nết Tabi cho được.
Betsy dịu hiền, là em mà luôn phải chiều lòng chị. Nó phải “né” màu Hồng, dù đó cũng là màu nó yêu thích:
- Mẹ mua cho con vòng đeo cổ, đeo tay bằng vỏ sò màu trắng nhé..
Chị đi Florida, hãng sắp đặt cho những nhân viên ở khách sạn Walt Disney World Swan and Dolphin ngay trong khu Disney World cho gần với phòng hội họp. Thật tiện lợi.
Thế là các con chị hào hứng sôi nổi lên, làm như mẹ chúng đang đi vacation để tắm biển Florida và rong chơi trong khu giải trí Disney World không bằng.
Chị Bông âu yếm giải thích:
- Các con cưng ơi, mẹ có đi chơi đâu, mẹ đi làm việc mà. Nếu như bây giờ các con nghỉ Hè thì cả mấy bố con cùng đi với mẹ, bố sẽ trông các con, khi nào xong việc mẹ về khách sạn, cả nhà ta cùng đi chơi..
Thằng út Holden cũng bắt chước hai bà chị nũng nịu:
- Con cũng muốn đi Florida với mẹ
Với mái tóc mới cắt cao, gương mặt bầu bĩnh sáng sủa của nó phụng phịu trông càng xinh. Mỗi khi cắt tóc xong, Holden đều soi gương và không hài lòng bày tỏ: “ Con xấu qúa, con giống Indian, con giống chú hề”. Làm vợ chồng chị phải bật cười vì sự so sánh dễ thương ấy.
Chị giải thích cho con:
- Holden ơi, nếu con đi Florida với mẹ, mẹ sẽ phải gởi con cho day care ở Florida mỗi khi mẹ đi học, đến chiều mới về khách sạn, chịu không?
Chắc thằng bé 4 tuổi nghĩ đến một nơi chốn day care xa lạ ở Florida, không có mấy đứa bạn quen, không có cô giáo quen, nên nó từ chối:
- Không, con sẽ ở nhà với bố và đi day care của con. Nhưng mẹ đi Florida nhớ mua puzzle cho con nhé?
Món này Holden đã dặn dò từ chiều hôm qua, nó thích chơi trò xếp puzzle lắm. Holden làm như mẹ đi công tác… ngay trong cửa hàng bách hoá, có hàng trăm thứ để cho nó muốn mua.
Cuối cùng thì các con đã hiểu ra không thể đi cùng với mẹ, hay giữ mẹ ở lại nhà, ngoài chuyện nhờ mẹ mua quà và chấp nhận ở nhà một tuần không có mẹ.
Đúng 3 giờ chiều anh Bông chở vợ con ra Salt Lake City Airport. Màn chia tay cũng…rơi nước mắt giữa mẹ và con...
Chị Bông ôm hôn từng đứa con rồi tổng chào:
- Ba đứa ở nhà nghe lời bố này, tự ăn uống đầy đủ này. Đừng để đói bụng, không “ai” lo cho con đâu. Rồi thứ sáu ra đây đón mẹ về nhé.
Anh Bông tự ái:
- Em nói thế là “ám chỉ ” anh bỏ bê con ?
- Thì anh có biết nấu cơm hay đút cơm cho con bao giờ? Mà đứa nào cũng thuộc loại lười ăn, kén ăn và khó tính.
Anh Bông bí mật phấn khởi:
- Anh có cách. Em đừng lo. Cờ tới tay ai người ấy phất…
- Chúc 4 bố con ở nhà vui vẻ, mạnh khỏe
Nói xong chị vội kéo valy đi vào trong, không dám nhìn những bàn tay bé bỏng đang vẫy vẫy tạm biệt mẹ yêu. Người mẹ có đàn con nhỏ chân bước một hướng mà lòng thì còn ở lại một nơi.
Về nhà, buổi chiều 4 cha con vẫn có cơm ăn, những thứ từ buổi trưa chị Bông làm sẵn, nên anh Bông thảnh thơi.
Buổi tối đầu tiên vắng mẹ, cô Tabi và Betsy không dám ngủ riêng phòng, cùng dọn chăn gối sang phòng ngủ với bố và Holden. Vui quá, 3 chị em đùa giỡn đến khuya mới thật sự nằm yên để ngủ.
Buổi sáng anh Bông sẽ dậy sớm để đưa 2 con gái đi học và thằng út Holden đến Day Care trước khi anh đi làm..
Buổi chiều, đón 3 con về nhà đầy đủ, bếp núc nguội lạnh, nhưng tình cha ấm nồng, anh Bông tuyên bố:
- Nào, chúng ta cùng đi ăn nhà hàng…
Lũ trẻ nhảy tưng lên reo vui:
- Thích qúa, vui quá..
- Nhưng hôm nay không phải cuối tuần mà bố? cô Tabi ra vẻ hiểu biết thắc mắc.
Anh Bông khẳng định:
- Những ngày vắng mẹ đều là cuối tuần. Ngày nào chúng ta cũng ăn nhà hàng và long rong ngoài đường.
- Ở với bố thích qúa.
- Bố thật là đáng yêu.
Bây giờ là đầu mùa Đông, mùa Đông Utah bao giờ cũng đến sớm và lạnh, thành phố Centerville đã mấy lần tuyết rơi, cũng không làm 4 cha con ngại ngùng.
Lũ con chạy ùa ra closet chọn áo ấm, chọn mũ len, hí hởn tự mặc lấy, xong ra chỗ xỏ giày.
Thế mà có mẹ, chị Bông phải vừa giúp các con mặc đồ vừa vất vả hò hét lắm mới xong phần ăn mặc này.
Hôm thì anh Bông cho chúng ăn nhà hàng Mỹ, hôm thì nhà hàng Việt Nam, về nhà chiều tối đứa nào còn đói bụng thì lấy những hot dog, bánh mì, chip, chesse, bánh ngọt, ice cream hay trái cây, nước uống có sẵn ở nhà mà ăn thêm, cho nên nhà lúc nào cũng bừa bộn đủ thứ ăn vặt cùng khăn giấy, ly dĩa giấy, thìa, nỉa…trên bàn như vừa xong một bữa tiệc mà chưa có ai dọn dẹp.
Chiều nào lũ trẻ cũng sung sướng thay quần áo đẹp theo bố ra nhà hàng, vừa được ra ngoài trời, vừa được đi ăn, đứa nào cũng thích. Có mẹ ở nhà, mẹ sợ các con ra ngoài khi trời nhiều gío, nhiều tuyết, lại cảm cúm, lại ho hen hay sổ mũi mà thương, mà xót.
Mỗi buổi tối mẹ đều gọi điện thoại về nói chuyện với từng đứa, lo lắng hỏi con có ăn ngon không? Có no không?
Chúng giành nhau phone để khoe với mẹ:
- Con thích đi ăn kiểu của bố.
- Con thích sống kiểu của bố.
- Mỗi ngày đi ra nhà hàng vui lắm mẹ ơi…
Bà nội chúng ở tiểu bang khác cũng mỗi buổi tối gọi tới hỏi han làm như xa mẹ cuộc sống của chúng sẽ…đảo điên, sẽ mất thăng bằng. Khi hay tin mẹ chúng sẽ đi xa vì công việc, bà đề nghị bay sang Utah để “nuôi” đàn cháu mấy ngày “bơ vơ” ấy, nhưng bố chúng không muốn làm phiền bà, và muốn chứng tỏ cuộc sống luôn tươi đẹp dù trong “hoàn cảnh” nào.
Bà và mẹ, hai người phụ nữ qúa lo xa.
Ba chị em đã sống những ngày tự do thần tiên, không bị mẹ ép ăn no, ăn đúng món bổ dưỡng, hay hạn chế những món có chất đường, chất béo.
Chúng tha hồ mặc quần áo theo ý thích, dù quên không mặc cái áo dày vào mùa Đông, hay quên đeo găng tay bằng len khi ra ngoài bố cũng không hề hay biết.
Giày dép đi về chúng quăng lộn xộn, giày đứa này lẫn với vớ đứa kia bố cũng chẳng quan tâm. Nhất là thằng Holden, nó ngồi bệt xuống để cởi giày, xong nó cầm giày, cầm vớ hất tung lên về phía sau mà không cần biết giày vớ sẽ đi về đâu.
Ngày mai Holden lại hỏi:
- Bố ơi, giày vớ của con đâu?
Thế là bố con lại có màn đi tìm kiếm những giày dép và vớ thất lạc của mình, càng thêm vui vẻ náo nhiệt.
Vui thì vui, nhưng mỗi khi tối đến đêm về đứa nào mà không nhớ mẹ, mong mẹ về với những món quà nhắn gởi.
Chiều thứ Năm, từ ý tưởng của cô Tabi, hai chị em Tabi và Betsy đã hí hoáy viết lên 3 tờ giấy trắng tinh hàng chữ “Welcome Home” to tướng, rồi tô màu xanh, đỏ, vàng thật lộng lẫy. Chúng sẽ đến phi trường, đứng đón mẹ trước cửa lối ra bằng cách xếp hàng ngay ngắn cạnh nhau, tay mỗi đứa giơ cao tờ giấy của mình để ghép lại thành hàng chữ “Welcome Home” cho mẹ bất ngờ và cảm động.
Chiều nay thứ sáu, 4 bố con đã có mặt ở Salt Lake City Airport để đón mẹ về vào lúc 2 giờ trưa. Cả 4 bố con đều hào hứng, anh Bông đã chán cảnh mỗi ngày chăm sóc con và dẫn con đi ăn nhà hàng rồi, có vợ về trao trả bổn phận lại cho vợ.
Đến nơi mới biết hãng máy bay thông báo chuyến bay sẽ đến trễ 2 tiếng nữa. Nghĩa là chị Bông còn đang bay lơ lửng trên không hay đang đợi chờ ở một phi trường nào đó.
Ba đứa trẻ ban đầu còn hào hứng chạy chơi lăng quăng với nhau, chừng nửa tiếng sau thì bắt đầu thấm mệt và chán nản, hết ngồi ghế lại đứng lên kêu khát nước, kêu đói bụng, bây giờ anh Bông mới biết sự lo xa của vợ luôn có lý. Đi đâu, dù lâu hay mau chị Bông cũng xách theo một giỏ những đồ ăn thức uống cho trẻ con, dù anh đã khó chịu nói chị chỉ bày vẽ ra cho thêm bận rộn. Chị thường nói:
- Trẻ con động một tí là đòi ăn đòi uống, phải mang sẵn cho con.
Chúng quên đang đợi đón mẹ về, Betsy nhăn nhó nói:
- Bố ơi, con đói bụng lắm, đi nhà hàng đi…
- Bố ơi con muốn ăn Pizza. Holden cũng nhăn nhó theo.
Anh Bông phải dỗ dành:
- Chúng ta đợi mẹ về cùng đi nhà hàng luôn cho vui.
Anh Bông rủa thầm hãng máy bay, không hiểu sao lại trễ vào đúng chuyến bay có vợ anh để cả nhà cùng vạ lây như thế này. Anh biết, chị Bông ở “nơi kia” cũng đang sốt ruột lắm..
Giờ phút trôi đi thật chậm khi người ta đang mong ngóng. Lũ trẻ vừa đói vừa mệt, 3 tờ giấy ghi chữ “Welcome Home” lộng lẫy được nâng niu lúc nãy, bây giờ nằm hững hờ trên ghế, đến nỗi một tờ rơi xuống đất cũng chẳng đứa nào nhặt lên.
Khi chuyến bay đến thì 3 đứa đã mệt mỏi vì đói bụng, chúng quên 3 tờ giấy, quên xếp hàng để chào đón mẹ về như người ta chào đón một vị khách yêu qúy đến thăm như chúng đã sắp đặt.
Để valy sang một bên, chị Bông ôm chầm lấy các con. Câu nói đầu tiên của thằng Holden làm chị xót xa lòng:
- Mẹ ơi, con muốn ăn cơm với trứng
Thật đơn giản món trứng chị vẫn làm vội cho con khi không có nhiều thì giờ, để chảo cho chút dầu, phi hành hương cho thơm rồi đập trứng vào, cho chút nước mắm quậy …lộn xộn lên vài giây là xong, thế mà bây giờ thằng bé ao ước.
Thằng bé thèm cơm, thèm trứng, chẳng thèm món ngon nào khác. Chắc là Holden đang đói bụng lắm, hay nó nhớ cơm? nhớ món của mẹ?
Ra chỗ lấy xe, anh Bông đưa cả nhà đến nhà hàng, vì về nhà thì có gì mà ăn? Ai cũng đói bụng lắm..Gía người đi xa là anh Bông thì về nhà đã có sẵn nồi phở nóng hổi hay bữa cơm ngon chờ đợi rồi.
Chiều thứ sáu bữa ăn nhà hàng ngon và vui vẻ hẳn lên vì có thêm chị Bông về đoàn tụ với chồng con.
Vừa đặt chân vào nhà là nề nếp cũ hiện ra. Chị Bông ra lệnh cho các con:
- Này, tháo giày, vớ cẩn thận và xếp ngay ngắn lên kệ nhé.
- Con biết rồi, vớ để vào trong giày của mình…
- Con biết rồi, mỗi đứa một tầng, không để lộn xộn đâu mẹ ơi…
Chị Bông tiếp tục nhắc nhở:
- Này, cởi áo lạnh và treo vào closet thẳng thớm nhé.
- Con biết rồi, và mũ thì treo vào móc…
- Con biết rồi, bao tay thì để vào túi áo lạnh của mình.
Chị Bông thay quần áo xong, gọi ngay các con vào phòng tắm:
- Ba đứa ơi vào đây…
Anh Bông ngạc nhiên thò đầu vào phòng tắm hỏi:
- Em muốn tắm cho 3 con ngay bây giờ hả?
- Cái cân ở trong phòng tắm mà, em chỉ muốn cân lại bọn nó xem sau gần 1 tuần em vắng nhà, anh nuôi nấng chúng như thề nào. Trông đứa nào cũng có vẻ …xơ xác, tiêu điều qúa..
- Em làm như người ta cân…heo sau 1 tuần vỗ béo vậy. Bảo đảm toàn ăn đồ nhà hàng có chất lượng tốt, toàn món đắt tiền em ơi..
Tiếng chị Bông thốt lên đầy vẻ xót xa từ trong phòng tắm vọng ra:
- Giời ôi, thế mà đứa nào cũng mất 1 pao. !!…
Anh Bông ngạc nhiên bước vào phòng tắm:
- Tại sao lại thế nhỉ?
Chị Bông trách móc:
- Còn hỏi tại sao? Ăn nhà hàng chẳng bằng cơm nhà, với lại trẻ con vừa ăn vừa chơi, anh có để ý gì đến chuyện đói no của chúng đâu.
- Hèn gì anh thấy ngày nào chúng ăn xong cũng còn dư thừa đồ ăn , anh tưởng chúng chán ngán, no nê rồi chứ. Thật không ngờ tốn tiền mà con vẫn …đói.
Chị Bông tiếp tục oán than:
- Đấy là em mới vắng nhà có gần 1 tuần, nếu vắng 2 tuần thì thể nào ba đứa con mình cũng…suy dinh dưỡng.
Anh Bông trêu vợ:
- Và nếu em vắng 3 tuần thì chúng vào cấp cứu bệnh viện cả rồi.
- Chứ còn gì nữa! Bởi thế ca dao tục ngữ Việt Nam mới có câu “ Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”. Vì người cha không biết lo cho con bằng người mẹ .
- Em nói gì mà qúa đáng thế chứ…Lần sau anh sẽ rút kinh nghiệm.
Chị vẫn cằn nhằn:
- Anh thật qúa lười, chỉ đặt nồi cơm và làm đồ ăn như kho tôm, kho thịt, tráng trứng, luộc rau như em đã chỉ dẫn là bố con có cơm ăn ngay mà anh cũng không làm. Ở Florida mỗi ngày em đều cầu nguyện cho các con được ăn no ngủ kỹ, mà kết quả thì ngược lại.
- Đùng một lúc em chỉ anh cách nấu nướng một đống các món ăn làm sao anh nhớ hết và biết làm ngay cho được? Với lại anh muốn nhân dịp này chiêu đãi các con như khách qúy, đổi mới cho các con được tự do ra ngoài ăn nhà hàng cho vui. Mà chúng nó vui thật em ạ, cứ chiều về là chúng nó ríu rít thay quần áo và lựa chọn nhà hàng…Tối đến thì cùng chơi đùa đến khuya mới chịu ngủ.
Chị Bông không có nhiều thì giờ tranh cãi với chồng, sau khi “kiểm tra” sức khoẻ các con xong là chị lôi quà ra cho con.
Sau khóa training, ngày cuối cùng các nhân viên tha hồ dạo chơi Disney World, chị vào Gift Shop mua qùa cho các con, cô Tabi có sợi dây đeo cổ bằng những con sò màu hồng và Betsy thì dây đeo cổ bằng những con sò màu trắng đúng như chúng đã mơ ước, ngoài ra còn có những con hải sản nhồi bông, còn bộ Puzzle của Holden chị Bông phải thuê xe ra phố và vào tiệm mua cho nó để thằng bé vui lòng.
Sáng thứ Bảy chị Bông đi chợ mua về một con cá Hồi Canada to, con cá nằm trong lớp đá vụn phủ kín thật tươi mát, bà nội trợ nào thấy mà chẳng muốn mua ngay. Chị nhờ anh thợ cá làm sạch sẽ và cắt ra từng khoanh cá màu hồng tươi và đẹp mắt..
Về nhà, anh Bông thấy vợ làm bếp, lân la đến gần:
- Hôm nay đầu bếp gia đình cho nhà ăn món gì mà linh đình nhiều thứ thế này?
Chị chỉ vào bịch cá khoe với chồng:
- Một con cá Hồi tươi ngon nhất chợ đấy nhé, chỉ hơn 30 đồng bạc tha hồ ăn, khúc đầu, khúc đuôi em sẽ nấu canh chua, vài khúc giữa em chiên sơ và rim nước mắm làm đồ mặn ăn cơm. Con cá này phải ăn hai ngày mới hết.
Anh Bông chép miệng tiếc rẻ:
- Thế mà mỗi ngày bố con anh đi ăn nhà hàng tốn tiền…hơn con cá Hồi này mà đứa nào cũng sụt cân..
Chị Bông lườm và mắng yêu chồng:
- Anh chỉ gây thiệt hại cho vợ con, chẳng nhờ vả được gì…
Bữa cơm nóng dọn ra. Cả nhà quây quần ăn uống vừa vui vừa ngon.
Vẫn là những món canh chua, cá kho chị Bông thường nấu trước kia, mà sao hôm nay anh Bông thấy ngon khác thường thế?
Thì ra anh cũng nhớ cơm, nhớ những món ăn Việt Nam, như thằng Holden chợt thốt lên một cách thèm thuồng với mẹ nó ở phi trường “Mẹ ơi con muốn ăn cơm với trứng” cái món ăn vừa rẻ vừa dễ làm ấy.
Anh cảm thấy ân hận khi mấy ngày qua anh đã không nấu cơm cho các con.
Bữa cơm gia đình bao giờ cũng là bữa cơm ngon, chẳng nhà hàng nào sánh được.
Chị Bông như đọc được những ý nghĩ trong đầu óc chồng, chị mỉm cười hài lòng:
- Anh và các con ăn cho lại sức đi nhé. Ngày mai em lại nấu cơm với món ăn ngon khác nữa, để bù đắp cho bố con anh. Bảo đảm mấy ngày sau sẽ lấy lại mỗi đứa 1 pao như cũ.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( Mother’s Day, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét