Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Một Thời Kỷ Niệm


Mỗi người chúng ta chắc ai cũng có “một thời kỷ niệm,” vui có, buồn có, vui buồn lẫn lộn cũng có. Chắc có lẽ trong vũ trụ này chỉ có con người chúng ta là sinh vật duy nhứt có được kỷ niệm để ôm ấp, để thân thương về một thời quá khứ nào đó. Tôi cũng vậy, tôi cũng có “một thời kỷ niệm” khó quên trong đời người. 

Tôi sanh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, nghèo lắm, nghèo da diết, lại sanh ra trong thời cực điểm của chiến tranh Việt Pháp, nên cuộc sống vốn dĩ đã vất vả cơ hàn lại thêm cơ hàn vất vả hơn. Bên nội tôi rất khá giả, nghe bác Hai và ba tôi nói vào thời ông cố nội tôi, có lần ông đã mang tiền ra triều đình Huế để mua lấy một chức “hàm” gì đó. Nghe xong tôi chỉ mỉm cười chứ không có ý kiến, tôi tự nghĩ chắc tại vậy mà bây giờ cha mẹ tôi phải mang lấy kiếp nghèo để nuôi con trong vất vả. Phải chi ngày đó ông cố tôi, thay vì lấy tiền dư bạc để ra mua chức “hàm” thì đem ra mà bố thí giúp đỡ người nghèo, có lẽ cho dù giờ này không giàu, tôi cũng không phải mang mặc cảm khó chịu như vầy. 

Bên ngoại tôi thì không khá giả gì cho lắm, nhưng là gia đình theo nề nếp Nho giáo. 
Ông ngoại tôi thà chịu khố rách áo ôm, chứ nhứt quyết không ra làm quan cho Tây. Ngày ông chú ba và cậu hai (con của ông chú) đi vào chiến khu kháng Pháp, ông ngoại tôi có nhắn nhủ: “Thời buổi này trắng đen khó lường lắm, trước năm 1940, họ mang tên đệ tam đệ tứ không ngại ngần, đến hồi phải liên kết với các đảng phái khác thì họ không ngần ngại đổi ra tên ‘lao động’ rồi có lẽ họ còn phải đổi nhiều tên nữa để đánh lận con đen cho tới khi nào họ đạt được mục đích của họ thì họ mới lột xác để mang đúng tên của họ. Tụi bây phải cẩn thận lắm mới được.” 
Sau đó ít lâu thì ông chú ba trở về thành, còn cậu Hai thì vẫn biệt vô âm tín (cho tới sau 75 mới trở về trong thân tàn ma dại vì nạn kỳ thị Nam Bắc). Tôi còn nhớ năm 1962, một lần tôi theo ông ngoại lên Sài Gòn thăm ông ông chú ngoại đang bị ông Diệm giam giữ, ông ngoại tôi trách khéo ông chú: “Tui đã nói với chú là đừng có ra làm quan cho ông Diệm, chú không nghe nên giờ nầy mới ra thế này!” Ông chú chỉ cười nói: “Anh ơi, nói như anh thì còn có ai ra giúp nước giúp dân?” Nghe ông chú ba kể lại thì ông ngoại tôi là người Tàu, sang Việt Nam vào khoảng đầu năm 1900, vì bị thất lạc gia đình sau chiến tranh Nha Phiến giữa Tàu và các nước phương Tây.
Lúc ấy ông bà cố lấy nhau đã lâu mà không có con nên ra làng Long Châu nhận ông ngoại tôi làm con, liền sau đó, 1903, 1906, 1911, 1915 và 1924, ông bà cố sanh một dọc từ thứ ba (là ông chú ba của tôi), đến thứ 6, thứ 9, thứ 10 và thứ 11 (thứ 4, thứ 7 và thứ 8 đã chết lúc còn rất nhỏ). Ông chú nói, ông bà cố rất thương ông ngoại vì ông ngoại là con người có nhân có nghĩa, có tiết tháo, thà đi làm xe kéo chứ không chịu ra làm quan cho Tây. Thuở nhỏ gia đình ông cố ngoại tôi cũng rất nghèo, nên ông ngoại phải ngày ngày ra chợ buôn bán phụ với ông cố bà cố để nuôi mấy em. Gia đình ông cố ngoại tôi cũng như những gia đình Việt Nam khác vào thời đầu thế kỷ 20, trọng nam khinh nữ, nên chỉ có ông Ba và ông Sáu được đi học, còn mấy bà cô thì phải ra chợ phụ với bà cố buôn bán. Tuy gia đình bên ngoại tôi nghèo, nhưng tôi thấy ai cũng sống có đạo nghĩa và liêm sỉ. Riêng tôi, tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều nơi ông ngoại vì từ lúc nhỏ đến năm học lớp nhì, chị em chúng tôi đều sống với ngoại.

Tôi nhớ vào khoảng năm 1953 hay 1954 gì đó, lúc đó vải vóc hiếm hoi chứ không như bây giờ, tuy vậy bà ngoại tôi cũng cố sắm cho ông ngoại tôi một bộ đồ vải bô bơ lin (poplyn) để có mà đi đây đi đó với người ta. Một hôm có một ông xe lôi ghé trước nhà, ông chỉ mặc có cái quần đùi rách tả tơi. Ông ngoại tôi kêu ông xe lôi lại, rồi ông ngoại cởi bộ đồ đang mặc ra cho và chỉ còn mặc có cái quần đùi, ông xe lôi chới với, không biết chuyện gì đây. Khi biết ông ngoại tôi cho thiệt, tay ông run run cầm lấy bộ đồ chứ không dám mặc, vì bộ đồ hãy còn quá mới, không xứng với chuyện đạp xe lôi của ông. Ông ngoại tôi hối: “Nào, mặc vào xem coi có vừa không?” Ông xe lôi lấy đồ ra thử, thì vừa khích, ông mừng quá, rơm rớm nước mắt cám ơn ông ngoại tôi. 
Một lần khác, bà ngoại tôi đi đâu đó mấy bữa mới về, nên giao cho ông ngoại tôi mấy chục bạc để ở nhà lo cơm nước cho tụi tôi. Mới vừa sáng, bà ngoại vừa ra đi thì ông ngoại xách giỏ đi chợ và dẫn tôi theo, đi được chừng trăm thước, có một bà vừa đi vừa khóc, ông ngoại tôi hỏi: “Cái gì mà khóc vậy, nói tui nghe coi!” Bà đó nói: “Chồng con đi làm đá ở núi Sam núi Sập gì đó, mà nhắn tin bị tai nạn, bây giờ con cái nheo nhóc, không tiền lo ăn thì có tiền đâu mà đi thăm ảnh!” Không ngần ngừ, ông ngoại móc hết mấy chục bạc ra cho, rồi dắt tôi về. 
Mấy ngày hôm đó, chị em chúng tôi và mấy dì được ông ngoại cho ăn cơm với nước mắm kho quẹt. Đến chừng bà ngoại về, mấy dì mét lại với bà ngoại, bà ngoại cằn nhằn: “Biết đâu người ta làm bộ, chỉ khóc lóc than phiền vậy là ông cho, ông bị người ta gạt rồi ông ơi!” Ông ngoại nói: “Bà ơi ai mà rảnh đâu mà đi khóc lóc thở than vậy, ví dầu như họ có làm bộ đi nữa, thì tội họ chịu, chứ mình thấy người ta như vậy mà mình không giúp, bụng tôi không đành, dù biết rằng nhà mình cũng nghèo chứ có khá giả gì đâu. Tôi cho rồi về nhà con cháu tôi phải ăn nước mắm kho quẹt nè bà thấy hôn?” 

Còn nhiều lắm những kỷ niệm về ông ngoại, kỷ niệm nào bây giờ tôi cũng trân quí như những bài học ngàn vàng cho cuộc sống của tôi cũng như đàn hậu bối tôi về sau này.

Người Long Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét