Ông Tống Phước Hiệp còn có tên là Kỉnh, thuộc dòng dõi họ Tống Phước.
Họ Tống Phước có công rất lớn đối với nghiệp đế của chúa Nguyễn và trong
sự nghiệp mở rộng bờ cõi phương Nam. Ông là cháu của cụ Tống Phước Dự,
giữ chức Nội tả Chưởng dinh đời Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế năm 1707,
bậc khai quốc công thần của chúa Nguyễn.
Cụ Tống Phước Dự còn có con trai là phò mã. Qua đó, ta có thể phỏng
đoán quê hương của dòng họ Tống Phước ở dinh Quảng Nam.
Vào giữa thế kỷ 18, vùng đất mới ở hạ lưu sông Cửu Long (bao gồm phần
lớn miền Tây Nam bộ) dần dần được tổ chức. Năm 1759, chúa Nguyễn quyết
định thành lập ở đây dinh thứ 12 trong 12 dinh thuộc thuộc chúa Nguyễn ở
Đàng Trong, lấy tên là Long Hồ dinh. Trụ sở của dinh được tại Vĩnh Long
và ông Tống Phước Hiệp được bổ nhiệm làm trấn thủ đầu tiên. Ông là
người có công rất lớn trong việc mở mang phát triển kinh tế, giữ gìn và
ổn định sinh hoạt xã hội không những cho dinh Long Hồ, mà còn cho vùng
đất miền Tây Nam phần, nơi quân Xiêm luôn luôn dòm ngó và nhiều lần đem
quân xâm chiếm nhưng đều thất bại.
Giữa lúc ông đang tổ chức khai hoang, lập ấp, thu phục nhân tâm, bảo
đảm an ninh trật tự cho nhân dân an cư lạc nghiệp trên vùng đất mới thì
tháng 9/1770, tướng Xiêm là Phi Nhã Tân vây đánh trấn Tây Thành - Hà
Tiên rồi xông vào phóng hỏa đốt dinh. Tháng 10/1770, tướng Chiêu Khoa
Liên xua quân Xiêm sang chiếm Hà Tiên. Chống cự không nổi, Mạc Thiên Tứ
phải lui quân về Cần Thơ. Lợi dụng thời cơ ấy quân Xiêm tiếp tục tràn
xuống Cần Thơ, Long Xuyên. Tình thế các vùng lân cận hết sức nguy ngập.
Trấn thủ Long Hồ dinh, Cai cơ Kỉnh Thận Hầu Tống Phước Hiệp đem binh
tiếp ứng đánh lui giặc; chém 300 thủ cấp. Quân Xiêm đại bại, tướng Chiêu
Khoa Liên phải bỏ thuyền lên bờ chạy về Hà Tiên. Nhưng một số quân Xiêm
vẫn còn đóng ở mạn Châu Đốc nên tháng 6/1772, Tống Phước Hiệp dẫn quân
theo sông Hậu Giang đến Châu Đốc tiếp ứng cho lực lượng của Chưởng cơ
Nguyễn Cửu Đàm đuổi quân Xiêm chạy dài về nước. Xong quân ta đưa Nặc Tôn
về Nam Vang. Từ đó quân Xiêm bỏ hẳn ý định dòm ngó, cướp phá vùng đất
mới của ta. Cũng từ đó, các tỉnh miền Tây thoát khỏi họa xâm lăng của
quân Xiêm, dân chúng được an cư lạc nghiệp.
Năm 1773, trước họa nhiễu nhương, lộng hành của chúa tôi nhà Nguyễn,
anh em Tây Sơn nổi lên chiếm thành Quy Nhơn, rồi mở rộng địa bần sang
các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận. Năm 1774, tướng Trịnh ở Đàng
Ngoài là Hoàng Ngũ Phúc tiến quân vào Nam xâm lấn đất chúa Nguyễn. Tình
thế chúa Nguyễn hết sức nguy ngập. Lập tức, Tống Phước Hiệp đốc lãnh
tướng sĩ năm dinh, thủy bộ cả thảy 20.000 quân tiến thẳng tới Phú Yên
lấy lại được 3 phủ là Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khánh. Nhưng rồi bị
quân của Nguyễn Huệ tiến đánh, quân của Tống Phước Hiệp phải bỏ chạy về
giữ Vân Phòng, tỉnh Khánh Hòa.
Mặc dù là võ tướng luôn cầm quân đánh dẹp từ miền Tây Nam phần ra đến
miền Trung, nhưng quan Trấn thủ Long Hồ dinh Tống Phước Hiệp hết sức
chăm lo đến công việc trị an ở Vĩnh Long. Ông khuyến khích mọi người
hăng hái khẩn hoang lập ấp và có biện pháp cụ thể như cấp dụng cụ làm
ruộng, chăm lo giữ gìn trật tự, đảm bảo an ninh bên trong cũng như bên
ngoài, mở rộng giao thương, khuyến khích buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Mọi người đều chăm lo sản xuất. Nhờ đó, cuộc sống thanh bình, ấm no lan
khắp nơi. Ông còn là một vị quan thanh liêm, chánh trực, áp dụng luật
pháp nghiêm minh. Nhờ công đức của ông, dinh Long Hồ trở thành trung tâm
của các tỉnh miền Tây, thu hút dân cư các nơi đến lập nghiệp. Trong đó
có cả đồng bào người Khmer. Ông yêu thương, chăm lo đời sống của họ với
tấm lòng của bậc “chi dân phụ mẫu”, là người có công lớn trong sự nghiệp
xây dựng nền móng vững chắc mọi mặt cuộc sống ở dinh Long Hồ. Công đức
của ông cảm hóa được người Việt cũng như người Khmer.
(Đình Tân Giai nơi thờ Ông Tống Phước Hiệp)
Sách “Vĩnh Long nhân vật chí” trang 2 ghi: “Khi
trước cụ Tống Phước Hiệp trấn tỉnh Vĩnh Long, làm chánh có ơn, dân
thương yêu như cha mẹ, vả lại cụ là người khẳng khái, lại có tài lực. Cụ
thường lấy việc đánh giặc làm gánh của mình, cho nên ai cũng nương dựa,
đến khi cụ mất, dân tình đều than khóc, kẻ làm ruộng ngưng cày, người
đi buôn thôi nhóm chợ trọn 3 ngày.”
Năm Bính Thân 1776, ông bị bệnh mất vào mùa hạ, được truy tặng “Tả phủ
Quốc Công”. Chúa Duệ Tông tặng ông tước hiệu “Hữu phủ Quốc Công”, lập
miếu thờ tại Long Hồ.
Đời vua Gia Long năm thứ 9 đưa tên ông vào miếu Trung tiết Công thần.
Đời vua Minh Mạng năm thứ 3, ông được gia tặng “Phù chính Trung đẳng
thần liệt” thờ ở miếu Hội Đồng.
(Một ngôi trường mang tên Ông- Trường Nữ Trung Học Tống Phước Hiệp-Vĩnh Long 1972)*
Trương Kỳ Quốc - Sưu tầm
*Hình bìa của quyển Kỷ Yếu niên khoá 1972-1973
*Hình bìa của quyển Kỷ Yếu niên khoá 1972-1973
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét