Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Lẩm Cẩm Về Cẩm Chướng

- Mày ơi…ơi...ơi…
- Ơi…ơi...
- Cẩm chướng nhà tao nở hoa.
- Wao! mầu gì, đẹp không?
- Con khỉ, tao nói ổng, làm gì có hoa nở…
- Haha, thế mầu gì? Đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím?
- Tím!
- Ư ư…phiền thật.
...Không biết từ bao giờ các bà gọi ông chủ gia đình của mình là cẩm chướng.

Sao Khuê nghĩ rằng chuyện dùng tiếng ”cẩm chướng” để chỉ những điều chướng của ông chồng bắt nguồn từ các “mợ” Trưng Vương. Học trò Trưng Vương thời Sao Khuê thường thông minh, tinh nghịch, có nhiều sáng kiến nên đem tiếng cẩm chướng bao gồm lẩm cẩm và chướng dùng như tĩnh từ để chỉ tình nết dở hơi, gàn, bướng và dùng như danh từ để ám chỉ người cãi chày cãi cối hay lẩm cà lẩm cẩm, dở hơi, ương gàn.

Khởi đầu “cẩm chướng“ chỉ để chỉ phe đối lập tức ông chồng già dở hơi nhưng dần dà được dùng cho tất cả những ai lẩm cẩm và chướng.
“Cẩm chướng nhà tao hôm nay đầy bông!” Thoạt nghe qua, người ta nghĩ các bà đang nói về hoa cẩm chướng, loài hoa đẹp mang tên cũng đẹp lại còn nhè nhẹ hương thơm; nhưng không, đây là ám hiệu để nói rằng “ông chồng tao hôm nay chướng lắm”...

Hoa cẩm chướng còn có tên gọi là hoa cẩm nhung. Hoa cẩm chướng thuộc chi Cẩm chướng (Dianthus) trong họ Cẩm chướng (Caryophyllaceae), bộ Cẩm chướng (Caryophyllales), có tới khoảng 11.155 loài khác nhau.

Cẩm chướng thân thảo, có loại sống một vài năm, có loại là cây bụi thấp. Lá đơn, mọc đối, màu lục-xám hay lục-lam. Hoa có 5 cánh hoa, thường với mép nhăn, có rất nhiều mầu khác nhau, ngay mầu hồng cũng từ hồng nhạt tới sẫm hay có khi pha trộn nhiều mầu với nhau
Ý nghĩa của hoa cẩm chướng.
Hoa cẩm chướng có nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào văn hóa của mỗi quốc gia và màu sắc của loài hoa này. Chung chung hoa cẩm chướng chỉ về:
* Tình yêu
* Sự đam mê
* Sự đối lập – tương phản

Tại nước Anh, hoa cẩm chướng được dùng như một món quà giúp các chàng trai bày tỏ tình cảm với cô gái mà anh ta đang thầm yêu thương.Về phía các cô gái, nếu họ chấp nhận tình cảm của chàng trai, họ sẽ gửi tặng lại một bó cẩm chướng 1 màu như đỏ, hồng… Ngược lại, nếu từ chối lời tỏ tình cô gái sẽ gửi lại cho chàng trai một bó hoa cẩm chướng sọc nhiều màu.
Tại Trung Quốc, hoa cẩm chướng được sử dụng rất nhiều để trang trí trong các lễ cưới và làm hoa cưới cầm tay cho cô dâu.
Người Trung Quốc tin rằng, cẩm chướng là biểu tượng của hạnh phúc và một cuộc hôn nhân viên mãn, trọn vẹn.
Với người Nhật Bản, hoa cẩm chướng đỏ được xem là biểu tượng của tình yêu. Đây cũng là loài hoa được làm quà tặng nhiều nhất trong ngày lễ của mẹ.
Tại Mỹ, hoa cẩm chướng là hoa chính thức trong Ngày lễ Mẹ, làm hoa đeo tay cho phù dâu trong lễ cưới hay trong những dịp đặc biệt.
Ngoài ra, hoa cẩm chướng xanh được chọn là hoa của ngày thánh Patrick và cũng là hoa của những người sinh vào tháng 1. Vì vậy, bạn có thể lựa chọn một bó hoa cẩm chướng xanh để làm quà tặng sinh nhật cho những người sinh vào tháng 1.

Dựa theo mầu sắc thì:

- Hoa cẩm chướng thuần một màu: Đồng ý
- Hoa cẩm chướng có vằn, sọc: Lời từ chối tình yêu
- Hoa cẩm chướng hồng: Tượng trưng cho ngày lễ mẹ - Anh sẽ không quên em
- Hoa cẩm chướng đỏ: Ái mộ - Tôn kính
- Hoa cẩm chướng đỏ thẫm: Trái tim tôi đau nhói vì em
- Hoa cẩm chướng vàng: Cự tuyệt- Sự từ chối, sự khinh thường, thất vọng, hối hận.
- Hoa cẩm chướng trắng: Ngọt ngào và đáng yêu, ngây thơ, tình yêu trong sáng, món quà đáng giá cho phụ nữ.
- Hoa cẩm chướng tím: Tính khí thất thường- thay đổi khó đoán trước được***

Có nhiều huyền thoại về nguồn gốc hoa Cẩm chướng. Theo một câu chuyện xưa thì hoa Cẩm chướng được trồng ở thiên đường rồi rơi xuống trần gian. Chuyện khác thì cho rằng nó sinh ra từ các ngôi mộ của các cặp tình nhân trẻ tuổi.
Cẩm chướng là một trong các loài hoa lâu đời nhất được trồng.
Thời Hy Lạp cổ đại, hoa cẩm chướng là bông hoa được quý nhất.
Ở thế kỷ 13, khi quân lính bị bệnh dịch, người ta đã trộn lá hoa cẩm chướng với rượu rồi cho binh lính uống để chữa bệnh sốt.
Ở Anh, người ta trồng cẩm chướng từ thế kỷ 14 và ngưới Anh gọi nó là Sweet William hay Carnation.
Cẩm chướng cũng dùng chỉ sự khổ nạn của chúa Giê-su, giọt máu của Chúa. Có câu chuyện kể rằng: Bà hoàng Marie Antoinette, khi bị tù tại Paris năm 1793, đã cài một mảnh giấy bé xíu giấu trong đài hoa của một cành Cẩm chướng tước hết lá gửi cho bạn. Mảnh giấy bị phát hiện và bà đã bị lên máy chém hai tháng sau đó.
Hoa cẩm chướng còn là biểu tượng quốc gia của Slovenia.
Hình ảnh hoa cẩm chướng đỏ xuất hiện nhiều trong những đồ vật trang trí, thêu, gối, chiếc nôi em bé...
Hoa cẩm chướng màu đỏ còn tượng trưng cho lòng nhân hậu, lòng vị tha, tình yêu đôi lứa.
Bó hoa gồm cẩm chướng, hương thảo, phong lữ như một thông điệp về tình yêu, lòng thủy chung, chờ đợi và niềm hy vọng mà các cô gái cài trên ngực người yêu trước khi chàng trai phải lên đường ra mặt trận. Ở vùng quê, nhất là ở những miền núi, hoa cẩm chướng được đặt trên ngưỡng cửa sổ hay ngoài ban công.

Một số người mê tín còn dùng hoa cẩm chướng để xem bói. Ở Triều Tiên, 3 bông hoa cẩm chướng được cài trên tóc một cô gái, và số phận của cô được suy đoán từ thứ tự các bông hoa dần chết đi. Nếu bông hoa ở dưới cùng tàn héo trước, cô ấy bất hạnh suốt cuộc đời. Tuy nhiên, nếu bông hoa trên cùng úa tàn trước, vào những năm cuối của cuộc đời của cô sẽ rất cơ cực. Còn nếu bông hoa giữa bị héo trước, những năm đầu của đời cô sẽ vất vả.

Loại hoa cẩm chướng thơm lùn trồng ở nam châu Âu và một số khu vực châu Á thành một vườn cây cảnh. Mỗi hoa có đường kính 2–3 cm với năm cánh hoa có các cạnh có răng cưa.
Những bông hoa ăn được và có thể có đặc tính chữa bệnh. Hoa ngọt thu hút ong, chim, bướm.
Hoa cẩm chướng còn được dùng sản xuất bia, rượu,...trong sản xuất hương bia, rượu vang và chế thuốc nhuộm tóc đen.


Đấy, quý vị thấy không, hoa cẩm chướng đẹp và có ý nghĩa gì vậy thế mà bây giờ các mợ dùng để ám chỉ những chướng khí, những lẩm cẩm của người bên cạnh. Các mợ ơi, không hiểu là các mợ có biết là mình rất trân quý yêu thương người bên cạnh khi gọi họ là cẩm chướng hay không nhỉ…
Này nhé trước hết bàn về chữ CHƯỚNG
Chướng là:
*trái với lẽ thường và gây cho mọi người cảm giác khó coi, hoặc khó chịu như trông chướng mắt, nghe chướng tai, chướng khí.
*trở ngại. Trong Phật học có những cụm từ như “sở tri chướng” có nghĩa là: Jneyavarana chỉ sự trở ngại của tri thức và “phiền não chướng”, trở ngại của các phiền não.
Bây giờ chúng ta tìm hiểu sâu rộng thêm nhé. Theo tự điển về nghĩa chữ chướng. Theo tiếng Hán, có năm chữ viết đọc lên là chướng
嶂 chướng • 幛 chướng • 瘴 chướng • 鄣 chướng • 障 chướng
Theo đó:
*Chướng được dùng như động từ , có nghĩa là ngăn, cản trở, che lấp, bảo vệ, phòng vệ
*Chướng được dùng như danh từ có nghĩa là ngọn núi cao như bình phong, dáng núi trừng trùng điệp điệp, hiểm trở, che ngang. Chướng cũng chỉ bờ đê, màn che cửa ( mà chúng ta thường hay nói là trướng) hay một khuyết điểm, một trục trặc, một sự che ngăn như bộ chướng, đê chướng.
*Chướng cũng chỉ khí độc (lam sơn chướng khí) hay tấm vải có viết chữ để mừng hay điếu ai đó (chướng hay trướng) …
Nói chung chung, chướng thường thì khó ưa.
Bây giờ đến chữ CẨM, Sao Khuê lại tiếp tục Google dùm quý vị nhe:
Cẩm theo tự điển, có nhiều nghĩa như:
*Nói mà hai hàm răng rít lại - Cắn chặt miệng lại - là Ngậm
* Gấm. “ý cẩm hoàn hương” mặc áo gấm về làng.
* Tươi đẹp, lộng lẫy như “cẩm tâm” lòng nghĩ khôn khéo, “cẩm tảo” lời văn mĩ lệ.
* Nhiều thứ, nhiều món “thập cẩm”.

Vậy thì cẩm chướng ghép chung lại, nôm na là một vật quý có tính ngăn cản, ngay chóc là cái người bên cạnh các mợ rồi. Cái người bên cạnh rất quý giá đó thích ngăn cản các mợ nhất là ngăn cản các mợ đi shopping, đi tiêu tiền, đi sửa sắc đẹp, đi dông dài tám với bạn bè mà khi không ngăn được hay khi đòi không được thì họ dở chướng ra rồi làm hay nói những điều trái tai gai mắt phiền lỗ nhĩ. Thế cho nên các mợ chỉ gọi người đó là cẩm chướng. Con cái hay ông hàng xóm đâu có cái vinh hạnh mang tên cẩm chướng. Ai nghĩ ra cái tên này, hay thật! Cẩm chướng, bảo đảm là nhà nào cũng có.

Sao Khuê đố quý vị, hoa cẩm chướng có thơm không?

Thật sự Bông hoa không có hương mà thơm từ thân, lá:

Hãy ngồi lại bên hoa trong đêm hè yên ả
Suốt một đêm thân mọng tỏa hương mềm
Hương thơm ấy rất mềm
Mềm như là âu yếm
Của bàn tay chạm khẽ vào nhau…
( thơ trên mạng)

* Ghi chú: tài liệu, hình ảnh và thơ lấy từ trên mạng

Sao Khuê


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét