Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Đầu Năm Tản Mạn Về Rắn


Thời thơ ấu KimPhú cũng có chút kỷ niệm liên quan về rắn & trăn cùng thức ăn khoái khẩu của loài bò sát nầy, nên KimPhú xin phép kể hầu quý vị mua vui giây lát...
- Nói về Rắn, ắt hẳn trong chúng ta ai cũng từng có lần gặp tận mặt, có khi còn được nếm thử mùi vị của loài bò sát mà hình dạng cùng lớp da hoặc đen bóng hoặc vằn vện hay xanh lè...dù là loài lành như trăn, rắn liu điu, rắn hổ hành, rắn nước không có nọc độc…v/v…, hay các loại rắn nước có nọc độc, rắn lục, rắn biển, anh em cạp nong cạp nia, chàm quạp, hổ mang, hổ đất…cứ có dịp thấy chúng lủi vô bụi rậm hoặc bò chữ chi trên bãi đất nà dưới bến sông…cũng đủ kinh khiếp. Chưa kể khi còn rất bé, KimPhú được người lớn kể cho nghe những chuyện thần bí về rắn…Không biết có phải để răn đe tánh “ngựa non háu đá” của trẻ con ở tuổi lở cở em bé và con nít, chưa biết sợ là gì…, bởi có biết gì đâu mà sợ! 

Nên mỗi dịp hè được về quê, khi chạy rông cả ngày trong mẫu vườn bưởi của Ngoại, nhất là vui thích chơi trò trốn tìm…Dì và chị họ KimPhú luôn căn dặn…”…tay không được rời khúc chà…” đã được tuốt bớt lá, dùng để đập vô các lùm đậu ma bông tím, cỏ may, cỏ trâu, cỏ chỉ mọc um tùm sát ranh rào cạnh mấy bụi tre gai tre mở đầy lá khô mục được ủ vun gốc dưỡng măng, để “đả thảo kinh xà”…cho rắn lủi trốn trước khi chui vào núp…” - Dì còn nhắc anh chị họ KimPhú, phải cẩn thận dòm chừng đừng để em bị rắn cắn, nên mỗi dịp hè khi về quê…KimPhú chưa bị rắn hổ ngựa rượt…mà hay bị mấy con ngỗng vừa the thé kêu oang oác vừa đập cánh rượt chạy thất kinh…vì những lần vô tình chọi nhau bằng mấy trái cau non rụng trúng lũ nó…May mà có con vàng con mực giải vây, không thôi chạy trối chết với chúng…

- Tuy được dặn dò cẩn thận, nhưng có bao giờ K.Phú chịu quất đen đét vô lùm bụi đâu…Vì đã trốn, mà còn gây tiếng động ồn ào…sao trốn cho được? - Tuy vậy, may mắn là Dì Dượng KimPhú thuộc hàng “con nhà vườn” chính cống lại rất siêng, nên cả ngày hết đi rảo xắn măng, nhổ rau đền, cắt bồ ngót, thì hái nấm rơm nấm mèo, hoặc bẻ bắp, tỉa đậu, ngắt bông bí, bắt sâu, vun gốc, rào lại vạt rau thơm, xà lách vừa bị anh mực anh vàng gầm gừ chạy quanh xua đuổi bầy gà chực vô phá phách làm liêu xiêu mảng lưới nylon rào chắn…cũng đủ chộn rộn từ sáng đến chiều ngoài sân trước vườn sau, chắc cũng làm rắn e dè hầu như ít khi dám đào hang trú ngụ trong vườn dù rộng mênh mông như lũ chuột lì lợm ranh ma…Bà Ngoại K.Phú còn trồng mấy chục bụi sả cách nhau vài bước chân quanh nhà vừa để nấu ăn, nhổ cho bà con xóm giềng đến xin cùng các thứ lá ổi, bưởi, chanh cùng ngải cứu, tần dày lá về nấu nồi nước sông khi cảm mạo…mà chủ yếu chính là ngăn ngừa rắn quanh quẩn gần nhà…Hèn gì ngay cửa trước, cửa sau, cửa hông…chổ nào cũng có vài bụi sả sum suê…Nơi được trồng sả dày nhất là cửa chuồng heo, chuồng gà vịt…Vậy mà thỉnh thoảng giữa khua, chị Hai nghe tiếng gà đập cánh loạn xạ, đã vội vàng trỗi dậy, tay cầm cái đèn dầu nhỏ, tay cầm khúc cây khá dài để đập con chồn nào bén mảng vô chuồng trộm gà…nhưng thỉnh thoảng cũng có con gà mái dầu bị cắn cổ, chưa kịp tha đi…Nhà hôm đó, ngoài thức ăn thường ngày lại có thêm nồi cháu gà thơm phức. Đôi lúc cũng có con chồn hương bị hạ gục, lột da kho cà ri sả…eo ui, K.Phú là dân ở chợ còn lạ lẫm chưa dám thử món nầy.

- Chuồng gà nằm sát cây bưởi ổi lão, K.Phú nghe Mẹ nói khi Mẹ còn trẻ , Ông Ngoại xin được nhánh bưởi giâm cành sẳn của trang viên của Ông Bác Tư bên Cù Lao Phố…Nghe nói vườn Ông Bác Tư xưa trồng toàn bưởi thanh, bưởi đường da láng ruột hồng đượm nước vừa chua thanh mà hậu ngọt, ăn mê mẩn hơn bưởi thanh…nhưng không biết ở đâu lại có vài cây bưởi ổi trái trĩu nhánh, tuy don don bằng trái bưởi thanh cở nhỏ, nhưng núm cao mà khi cắt vô để cả tháng cho se da, thì vỏ mỏng tang ngọt hết biết…Bởi vậy cây bưởi ổi lão cạnh chồng gà có tuổi thọ già nhất so với cả chục cây bưởi ổi trong vườn. Khi Mẹ sanh K.Phú, được Ngoại chôn nhau ngay dưới gốc…Nên vườn quê Ngoại ở làng Bình Sơn Biên Hòa chính là nơi chôn nhau cắt rốn của KimPhú. Tiếc là năm 198 mấy, một trận dông rất lớn làm trốc gốc, tàn ngã nằm dọc dài theo suốt mái chái sau hè nhà bếp, nghe Dì K.Phú nói trái cũng có mấy trăm, lủng lẳng tòn ten trên cây, ăn cầu vài ba tháng, vì trái nhỏ như chén cơm, bạn hàng chê bưởi lảo nhỏ trái, nhiều hột không mua, nên dịp K.Phú về, cứ trưa trưa ra lặt năm ba trái, chịu khó gọt vỏ ăn tới đã cơn thèm của dân Sài Gòn, chớ mấy anh chị con của Dì thì chê vì uổng công lột…(ở nhà Ngoại, ai cũng lột vỏ bưởi bằng tay, sau khi khía mấy đường dọc quanh trái, K.Phú tay yếu xìu, không làm được, phải dùng dao)

- Đường xuống mé sông phía bên trái vườn Ngoại, còn có ngôi Miễu Bà, giờ đã được trồng cây phượng đỏ gốc khá to tàn phủ mát khu Miễu thay thế cây da cổ thụ um tùm ngày xưa, Ông Ngoại KimPhú từng kể chuyện linh hiển về ngôi Miễu Đức Bà Ngũ Hành.
- Ngôi Miễu thờ Ngũ Vị Đức Bà, mà Đức Bà Chúa Sứ Đệ Nhứt cũng là Bà Mẹ Sanh Mẹ Độ của K.Phú…ngày xưa, từng được sắc tứ phong, và mỗi dịp Lễ Vía Bà hằng năm, các bô lão trong Làng Bình Sơn, dẫn đầu là Ông Ngoại K.Phú, Ông Chú Mười Một, Ông Chú Mười Hai,…mặc áo dài khăn đống, trịnh trọng lên Chùa "Con Nai” ở khúc cua đườngLàng, rước kiệu có tán lộng che, thỉnh bài vị của Ngũ Vị Đức Bà về Miễu Thờ để hành lễ tế bái…
Dân làng tề tựu rất đông trong vườn Ngoại, học trò lễ mặc áo dài lụa xanh, từng cặp bái lạy lên gối xuống gối nghiêm trang…Chắc chắn mọi người tôn kính Miễu Bà trong vườn Ngoại KimPhú, vì hẳn là họ đã từng nghe truyền khẩu từ đời Ông, Cha…như Mẹ và dì K.Phú hay kể:…"...Xưa kia trước đôi ba ngày Lễ Vía Bà…bên kia sông nửa đêm, có cặp Rắn Thần trắng mào đỏ to bằng bắp chân người lớn, dài cầu hơn 2 thước…Các cụ căn cứ vào đêm khuya vắng vẻ chợt nghe tiếng quẫy nước dưới bến sông rõ mồn một to gấp mấy lần tiếng giầm chèo đôi của ghe lường…rồi sau đó im re…Đêm tối trước buổi Lễ Vía…các bô lão còn nghe tiếng quẫy nước như vậy cả mấy phút rồi cũng im re…Các cụ cho là cặp Rắn Thần sau khi vô Miễu phủ phục vọng bái Đức Bà suốt 1 đêm trước, qua đêm sau đã quay trở về hang động, nên sáng sớm, các cụ có bổn phận quét tước trong ngoài Miễu mới dám ghé dọn dẹp, cũng đã hoảng hồn bởi đám cỏ trâu từ đất nà lên tới Miễu, bị ngã rạp sát đất rành rành theo đường Rắn di chuyển…

Ba Mẹ K.Phú cũng có nhắc lại chuyện cặp Rắn Thần trắng bạch có mào đỏ…dù Ba Mẹ K.Phú chưa từng thấy, chỉ là nghe kể lại từ người lớn…nhưng cũng rất kính ngưỡng ngôi Miễu Bà, nên lần nào về thăm quê, Ba Mẹ K.Phú cũng đều xuống viếng Miễu, dọn cỏ lau chùi, và chưng bông trái cây cùng nhang đèn rượu trắng thắp hương cung kính.
- Có một việc, KimPhú chỉ là lớp hậu bối, nhưng K.Phú biết ông Ngoại K.Phú là người theo Tây học, ông Ngoại là chuyên viên về mủ cao su cho đồn điền Long Thành và rất được trọng vọng, nên ông Ngoại không thể nào là người mê tín dị đoan…
- Ông Ngoại kể cho Mẹ, và chính Mẹ kể lại cho K.Phú về sự thiêng liêng của Ngôi Miễu Đệ Ngũ Đức Bà trong vườn Ngoại…- "Khi còn ở tuổi tráng niên…ông Ngoại từng kêu trai tráng trong làng vô phát quang dọn cho sạch khu Miễu, để quang đảng hơn và cũng tránh rắn làm hang…Cây da sum suê gốc to hơn 2 vòng tay người lớn…rễ rũ xuống che khuất ánh mặt trời càng làm âm u và thiếu ánh sáng…nhưng mấy người dân làng không ai dám trèo thang lên mé nhánh, dù họ cũng cần tiền, vi ông Ngoại trả công hậu hỷ…Họ rất sợ nên đứng im re cả buổi…
- Ông Ngoại xuống xem công việc tới đâu, thấy không ai làm gì, mà họ cũng ngại miệng không dám lên nhà trên thưa lời từ khước với ông Ngoại, cuối cùng, ông Ngoại gặn mãi, họ lí nhí…"Thưa ông Cả, tụi tui sợ quá chừng, không dám leo mé nhánh cây da của Bà…"
- Ông Ngoại dỗ hoài không được, bực mình biểu:…
"Bây đưa rìu cho tao, tao mé 1 nhánh trước, rồi sau đó…tụi bây làm…Dọn cho quang đảng nơi Bà ngự, không lẻ Bà quở sao, Bà còn cám ơn tao nữa mới phải chớ…Như vầy, tụi bây cứ mé đi, tội lệ gì Bà quở, tao gánh hết…”
- Sau đó, Miễu được sáng sủa bớt um tùm…Và ông Ngoại K.Phú thì vẫn bình yên…Cho đến nửa năm sau, ông Chú Mười Hai của KimPhú rủ ông Ngoại sang Miên một chuyến, vì ông Chú có một mối kinh doanh khá lớn, nhưng ông Chú lại không giỏi tiếng Pháp, mà cũng không rành tiếng Miên…Trước khi nhận làm ăn, ông Chú có nghe dân buôn bán quen ở quanh khu Cao Thắng ở Sàigòn, đường Hai Mươi xưa đồn…Bên Campodia có một bà đồng cốt người Miên bản địa, rất giỏi, chuộc bùa chú giúp chuyện làm ăn suông sẻ…nên đông khách lắm…- Ông Chú cũng vừa tò mò, vừa muốn yên tâm, nên dẫn ông Ngoại đến, định hỏi thăm chuyện thành bại ra sao …
- Khi ông Chú Mười Hai cùng ông Ngoạ K.Phú đến, thì đã thấy rất đông người quỳ thành kính chờ đến phiên…- Ông Ngoại không quỳ, vì ông Ngoại không tin, và cũng không định hỏi han gì… - Bất chợt, bà cốt Đồng vừa lớn tiếng, vừa chỉ tay về phía ông Ngoại…thốt the thé một tràng Tiếng Việt…: “Thằng nam kia, ngươi mà không có Quan Thánh độ mạng, ta đã bẽ gãy cổ ngươi lâu rồi…Ai khiển ngươi phát quang chốn ta ngự, còn hỗn hào nói ta phải biết ơn ngươi…” - Mọi người ngơ ngác - Ông Chú tái mét, run lẩy bẩy, mọp sát đất…Ông Ngoại K.Phú tư nhiên cũng cũng điếng hồn, 2 đầu gối tự động khụyu xuống, mà xá Bà cốt Đồng như tế sao…Những người Miên bổn xứ không hiểu ất giáp gì…Cả ông Ngoại và ông Chú Mười Hai cũng không hiểu tại sao luôn…Bởi bà Cốt Đồng nầy là người Miên chánh tông, không hề biết tiếng Việt Nam…nên có một người phụ việc cũng là người Miên lai Việt, rành rẽ tiếng Việt làm thông ngôn cho khách VN, nhưng ông ta hoàn toàn xa lạ, cũng không cần nói gì…vì bà Đồng nói rất rõ mà…- Vả lại, chuyện trong vườn nhà ông Ngoại, ông Ngoại cũng đâu có kể cho Ông Chú nghe…Sao Bà Cốt Đồng nầy lại biết ???

- Từ đó về sau, ông Ngoại K.Phú luôn giữ Lễ kính cẩn với Miễu Đức Bà. Thuở đó Mẹ K.Phú còn bé xíu…(Mẹ K.Phú là con gái út rượu thứ Tám của ông Cả Mười Bình Sơn trên làng)
- Đến thời Mẹ K.Phú…sau 1975…em trai áp út của K.Phú đến tuổi thanh niên, Ba K.Phú sợ bị bắt đi bộ đội, mới tom góp của nả cho em vượt biên…Lần đầu, tốn một mớ…không lọt. Lần thứ 2…cũng không lọt…Đã vậy, khi tàu còn chạy êm ru lúc còn lù mù chưa tỏ mặt người ở khúc sông quạnh vắng, gần ra tới cửa biển Rạch Giá, đoạn thưa thớt dân cư, thì đã bị tàu công an đi tuần tra bắt gặp, cặp sát theo mạn tàu…Phụ nữ trẻ em nằm im thinh thít lo lắng sợ tới tái mét…thanh niên đàn ông thì chộn rộn tán loạn, lúc công an chặn được tàu nhưng chưa kịp leo qua được tàu, có vài người đã nhảy ùm xuống sông, bơi trốn…Em Chín K.Phú cũng nhảy theo quán tính…Có tiếng súng bắn chỉ thiên, rồi bắn thiệt xuống nước…có tiếng thét…có vệt máu loang dần dưới nước…làm số người còn lại trên tàu run sợ không dám nhảy nữa…Người em rể KimPhú cũng đã nhảy trước em trai…
- Một tuần lễ sau, em rể trốn được về nhà…em trai biệt tích…- Trong mấy ngày ẩn nấp dò la tin tức ở quanh bến tàu, thì không thấy tin có xác em trai nổi lên, hay trôi quanh khúc sông gần cửa biển…Em rể đành phải về báo cho Ba Mẹ K.Phú rõ mọi việc…- Ba thất thần, mẹ cứ âu sầu chảy nước mắt, miệng niệm Phật, tay lần chuỗi…vì dòng họ bên Nội K.Phú giờ chỉ còn có đứa em trai con cầu con khẩn nầy là người thừa tự duy nhất bên Nội...
- Một tuần - Hai tuần rồi ba tuần…
- Mẹ chịu không nổi, kêu Ba chở Mẹ lên Bình Sơn để cầu khẩn Ngũ Vị Đức Bà…Mẹ vừa vô nhà chào Dì Dượng xong, là vội te te đi xuống Miễu…
- Đêm đó…Mẹ ở lại, trằn trọc, rồi cứ khóc đến thiếp…Sáng ra, Mẹ hơi yên lòng, bớt lo lắng khổ sở, kéo Ba vô góc buồng…nói nho nhỏ…
- "Khuya qua, Bà về…trong giấc mơ mơ màng màng, nghe Bà phán rõ từng tiếng, biểu em đừng lo lắng, thằng nam nầy mạng lớn. Đúng mươi ngày nữa, có tin…- Bà nói xong, em giựt mình thức dậy, mới biết nằm chiêm bao…nhìn trời còn tối om om…”
- Ba Mẹ KimPhú thấp thỏm đếm từng ngày…

- Quả đúng ngày thứ 10, có tiếng gõ nhẹ cửa cổng nhà lúc chạng vạng, Út Nguyệt ra chưa kịp mở đã chạy vô kêu nho nhỏ…- "Mấy chị ơi ra đây"...mọi người không ai nhìn ra cho tới lúc nghe rõ đúng giọng em Chín…- Thằng con trai cao ráo, trắng trẻo, bảnh bao nhứt nhà của Ba Mẹ K.Phú…giờ râu tua tủa, mặt mày hốc hác đen nhẻm…gầy guộc bạt nhạt bầy hầy…quần áo te tua dơ bẩn như người đi ăn xin…Mẹ K.Phú ôm em khóc ngất…- Mấy ngày sau, khi em khỏe lại, Mẹ đưa em lên nhà Ngoại, hầu tạ Lễ Miễu Đức Bà Ngũ Hành…
- Sao đó nghe em kể, lúc phóng xuống, em gần như ngộp nước…tự dưng như có một lực nương em nghiêng nghiêng lôi đi…em cảm giác có mùi tanh của nước biển lờ lợ mặn lẫn mùi máu…May mà còn ở trong sông, chớ ngoài biển, chắc đàn cá mập đã kéo đến rồi…
- Khi em tỉnh dậy, ba bề bốn bên um tùm lau lách, em nằm im trong bụi rậm chịu trận đến chạng vạng tối mới dám bò lên bờ…Không biết đã trôi bao nhiêu lâu, lên bờ phương hướng đâu là đâu…đói thì hái lá cải trời, lá bình bát nhai nuốt đở, đêm liếm sương, khi mưa lấy áo che đầu, vắt nước uống…qua ngày đêm thứ ba…may gặp người dân đi rừng, họ cho 2 củ khoai lùi, một chai nhựa nước ngọt…chỉ đường cho em ra khỏi khu rừng…Lúc đó em mới biết là đã trôi giạt từ sông ngòi Rạch Giá, lên bờ đi lạc hướng sang rừng Hà Tiên…Rồi ngày lẫn trách, đào củ mài, củ hà thủ ô, có khi nhai dây nhãn lồng, rau muống mà sống qua ngày…lần ra được khu có dân, thì cũng mất gần 3 tuần lễ…may mà không gặp chó Hà Tiên hay rắn rít…Em sống lay lắt như người ăn xin, đầu tóc bù xù rối ren đầy đất cát…Nhắc lại mà thấy kinh hoàng…cho đến cả chục năm sau. em mới đủ cam đảm đi vượt biên lần thứ 3…
- Sở dĩ K.Phú dông dài, vì liên quan đến Miễu Đức Bà Ngũ Hành, liên quan đến rắn Thần, liên quan đến cõi vô hình thiêng liêng mà con người không thể nào lý giải được sự việc hiển hiện trước mắt mình…mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

- Trở lại đề tài Rắn…
- Năm K.Phú 9 tuổi, Ba đã được điều quân xuống Minh Lương, Thốt Nốt, Long Xuyên sau khi tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức, khoá 4/1954…- 3 tháng sau, Ba đón Mẹ và 2 em K.Phú cùng xuống…Đại đội của Ba dưới quyền Trung Úy Hỷ. Bác gái là người bẩu lẩu, dễ mến, thấy Mẹ KimPhú vốn là cô Giáo, hiền lành nhỏ nhẹ nên cũng quí mến…Bác có món ngon gì, hay mang qua cho Mẹ…K.Phú còn nhớ gào mên cháo rắn hổ hành, một người lính Miên trong Đại đội bắt được khá to, làm sạch sẽ, mang biếu…Bác nấu cháo cho cả nhà ăn, còn tốt bụng cho Mẹ con KimPhú 1 gào mên…- Lúc đó còn nhỏ quá nên K.Phú không nhớ được mùi vị gì, ra sao…mang máng thấy ngon ngọt và thơm như thịt cháo gà…Đó là lần đầu tiên, K.Phú biết ăn cháo rắn…
- Chỉ mấy tháng sau, Ba lại thuyên chuyển qua Tiểu Đoàn 13 Đầu Trâu Thốt Nốt, Long Xuyên…Nơi đây có nhiều bà con họ hàng bên Bà Nội K.Phú sống rải rác từ Kinh Vàm Xáng Long Xuyên dài qua Thốt Nốt…thôi thì được các anh họ (K.Phú gọi là anh, nhưng người nào râu tóc cũng bạc phơ…vì Ba K.Phú là vai vế lớn…- Nhìn người già, đầu búi củ tỏi trắng phau, râu dài như ông Tiên, mà chấp tay xá Ba K.Phú thưa Chú Chín…thưa Cậu Chín…K.Phú tròn xoe mắt mà miệng cứ ngoác ra cười…- Thời điểm Ba đóng quân ở Thốt Nốt, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 13 Đầu Trâu là Đại Uý Tấn, còn có vài Bác mà sau nầy lớn lên, K.Phú còn có dịp ̣ gặp lại ở Đa Kao, Bà Chiểu, Thị Nghè...

- Ở Tiểu Đoàn, Ba KimPhú được cấp chổ ở 2 phòng, gồm phòng ngủ khá rộng và gian nhà bếp, có cửa sau nhìn ra con rạch nhỏ được rào chắn kẽm gai cẩn thận còn gắn mấy cái lon đã rỉ sét, có chòi canh cao, bên kia sông lại có 2 tiểu đội người Nùng được đưa xuống yểm trợ Tiểu Đoàn vì thời điểm này thường xuyên có “giặc Năm Lửa” hay quấy rối…Sát vách phòng Truyền Tin, tối ngày sáng đêm đều nghe…”tạch tạch sè sè…tạch sè…” - Trên đầu giường K.Phú và đứa em gái kế, sát cửa ra vào, liền với phòng Truyền Tin có 1 tủ sắt lớn chứa vũ khí của Tiểu Đoàn, do Ba K.Phú giữ chìa khoá đeo lủng lẳng trên sợi dây nịch da to bản cùng vỏ bao da đựng khẩu súng lục, mà mỗi tối trước khi đi ngủ Ba cẩn thận tháo 6 viên đạn ra cất riêng, còn khẩu súng đặt dưới gối của Ba, trên đầu giường của Ba Mẹ và đứa em gái 3 tuổi…(Thời điểm nầy -1955- đang có lệnh tảo trừ “giặc Hòa Hảo”) - Hai bên vách tường trước chợ nhà lồng Thốt Nốt Long xuyên dán đầy hình thủ lãnh "Năm Lửa", được phác họa bằng bích chương có họa 1 hình đầu người không rõ nét lắm, nằm trên con số 5 to tướng, chung quanh còn phác họa hình ảnh đám lửa vàng đỏ cháy phừng…

- Mẹ cùng mấy chị em K.Phú theo chân Ba sống mấy năm trời trong doanh trại, luôn kề cận thần chết là cái tủ chứa súng cùng lựu đạn mà KimPhú có biết chi đâu mà sợ…Giờ nghĩ lại mới thấy ớn ớn...
- Ngay phía sau nhà Đại Uý Tấn, là phòng của Bác Trung Uý Phong…Bác Phong nuôi 1 con trăn đốm, rất to mà rất hiền, nghe con Bác nói nhiều năm rồi…Các anh hay đi bẫy chuột, soi ếch cho nó ăn…Lúc đầu K.Phú cũng sợ lắm…dần dần quen, nên khi trời mưa, các anh hay xúm nhau khiêng con trăn ra khỏi cái cũi gỗ to, anh Hai thì đặt đầu nó lên vai, anh Ba khiêng khúc mình, chị út cũng khiêng khúc mình…K.Phú xin vác khúc đuôi…đi qua cổng trước Tiểu Đoàn, băng qua chợ Thốt Nốt, đám con nít 4 đứa tắm mưa với con trăn…- Lúc các anh cho trăn ăn, K.Phú không dám nhìn…chạy về nhà…Khi ăn xong lồng chuột, bụng nó căng tròn, to như có chửa…Các anh bảo mỗi tháng nó chỉ ăn 2 lần thôi, mà ăn no ních bụng…dần dần tiêu hóa hết, khi bụng thót lại, là lại đi bẫy chuột cống cho ăn tiếp…
- Ở Thốt Nốt, các anh bà con K.Phú cứ hằng tuần, ra thăm Chú Thiếm, quảy theo cả giỏ thịt ếch bà, thịt chuột đồng các anh tự đi soi ở ruộng nhà và đặt bẫy…Mẹ thì sợ khiếp, nên các anh đã làm sạch sẽ, ướp gia vị xong, mới mang ra cho Chú Thiếm…Mẹ chỉ cần rô ti…nấu cháo là có đủ món ngon dặm thêm cho các con...
- K.Phú vẫn không quên... các anh nhớ Chú Thiếm, Cậu Mợ…lại quãy 1 giỏ đan bằng cật tre ra biếu…Có lần…Mẹ mở nắp giỏ…1 bầy lương bụng vàng ươm ngoe ngoẩy…
- Các anh tế nhị, tự tay lấy tro bếp, vuốt cho hết nhớt, cạo rữa sạch sẽ…rồi mời Ba Mẹ dùng cơm…trên bếp, trong cái nồi chình ình lươn nguyên con được khoanh tròn kín mít…KimPhú nhìn phát ớn không dám ăn…Mấy hôm sau, Mẹ lại làm món lươn xào lăn với nước dừa, bún tàu, nấm mèo, kim châm, đậu phông thơm lừng, vậy mà K.Phú cũng trệu trạo nuốt…không muốn vô…do ám ảnh nồi lươn um 2 bữa trước...
- Ba K.Phú đóng quân ở Thốt Nốt được hơn năm, lại di chuyển cả đoàn xe công voa cùng lính tráng súng ống về Rạch Giá…ở tạm dải lầu Trường Phong hơn tháng, Tiểu Khu Trưởng thu xếp cùng Bác sĩ Định, ông nhường phần lầu trống cùng phía sau căn bếp cho Ba Mẹ K.Phú, còn phòng mạch của ông là phòng khách tầng trệt căn lầu, thông qua hông nhà có cổng sắt cao cùng 1 phòng rộng lớn hình oval, cho khách khám bệnh ngồi chờ…(đối diện căn biệt thự trệt trong khuôn viên của ông) mà phần trên nóc phòng chờ chính là sân lộ thiên của Ba K.Phú, dành để các cô chú đến tụ họp tập văn nghệ cho Tiểu khu Rạch Giá, vì Ba K.Phú vẫn là Trưởng Phòng Ban cũng như khi còn ở Thốt Nốt. Nhà K.Phú lúc nầy có cái ban công với lan can hoa văn bằng sắt cong cong, chiều tối, chị em K.Phú hay ra đứng hóng gió sông, ngắm bên kia sông là Dinh Tỉnh Trưởng Rạch Giá…Con sông Kiên nhỏ nầy liền sát với cửa biển, nên tàu đánh cá ra vô thật tiện lợi. Đoạn sông không biết chảy tới đâu, K.Phú chỉ biết nó là bến đậu của các con tàu đánh cá, mà từ sáng đến chiều, đều có người mua bán thủy hải sản để đưa đi các chợ nhỏ khắp nơi…, lại có chợ cá lớn của khu chợ Rạch Giá, thuộc phường Vĩnh Thanh Vân ngày xưa.

- Ở Rạch Giá, vì nhà K.Phú sát bờ sông, ngay bến tàu cá mỗi ngày cân cá cho bạn hàng xong, đều chừa các loại cá và khô ngon biếu cậu Chín, bác Chín…Các em và cháu họ của Ba là chủ 2 tàu đánh cá, nên hầu như chưa bao giờ Mẹ phải đi chợ mua tôm cua sò ốc cá…mà lại được ăn toàn loại khô “cây nhà lá vườn” do các Dượng (vai em của Ba K.Phú) đánh lưới về…Cá gộc không bán, chỉ xẻ khô phơi liền trên tàu, vì tàu ra khơi có khi cả tháng mới về bến…- K.Phú đi học về, nghe mùi khô gộc nướng thơm phức là bắt đói bụng…Nhiều năm sau, khi K.Phú lớn, có gia đình…các người con rể của Cô Ba Cô Tư cũng tiếp tục làm nghề đánh cá, tàu chạy thẳng lên Chánh Hưng…Và sau khi cân bán xong, các dượng em rể họ K.Phú, cùng Chú Hai Diệp vẫn cắp nắp mấy cặp khô cá gộc biếu anh Chín, bác Chín…- Mẹ KimPhú hiền lành, biết bà biết con, nên rất được lòng họ hàng bên chồng thương mến…
- - KimPhú quên nhắc chuyện…khi Dượng Ba Dượng Tư trọng tuổi, không theo nghề biển, giao tàu cho các con rể và bạn chài lưới…các Dượng rảnh rang, lại làm nghề mua trăn lớn về, lột da, căng nọc phơi cho khô…để bán cho tiệm làm da may bóp…Lúc nầy, thỉnh thoảng KimPhú lại được ăn trứng trăn…Mẹ luộc xong, nó tròn tròn, to hơn quả trứng gà, chỉ có một màu hơi vàng vàng, ăn mau ngán vì không ngon, ít béo như trứng gà… Vào cuối tuần Mẹ K.Phú còn hay nướng sò huyết Kiên Lương cho Ba ăn với muối tiêu chanh, còn Mẹ và K.Phú thì mê món ốc móng tay chấm nước mắm chanh tỏi ớt...tất cả đều do họ hàng biếu Cậu Mợ nên được ăn đã đời, giờ nhắc đến mà còn nghe thèm hết biết…

- Nói về rắn, cũng có loài rất hiền, sống dưới nước, gọi là rắn nước…K.Phú từng ngồi chồm hổm trên giường nơi ở tạm khi làm việc cho Bộ Xã Hội, đi xuống Châu Đốc phát chẩn lương thực cho bà con bị lũ lụt…Chiếc ghe lường lớn, chứa đầy những bao gạo, thùng mì gói…chạy trên sông gần 2 tiếng, mới vô đến Tân Châu, Hồng Ngự…Khi chưa phát xong chiều nghỉ lại tại nhà các trưởng ấp…- Đêm lạ nhà, đã vừa sợ vừa trằn trọc khó ngủ…Thỉnh thoảng, nghe tiếng chũm…một con cá phóng lên rồi buông mình xuống nước…Đôi lúc, dưới ánh đèn măng sông…chợt thấy vài ba con rắn nước nâu nâu đen đen lượn lờ…phải bụm miệng cho đừng hét toáng lên…dù đã được cho biết là rắn nước ở sông trôi vô khi lũ lụt, nước tràn ngập đường cả năm bảy tấc rất hiền, không có nọc độc cũng không táp người…Nhưng làm sao mà khỏi sợ?
- Đó là chuyện tản mạn về rắn của KimPhú thời xa xưa. - Giờ xin mời quí vị nghe KimPhú kể lể về mốt số loài rắn, từng được Cụ Lê Quý Đôn "thấy mặt đặt trên" trong bài thơ của Cụ:
Cụ Lê Quý Đôn
Và bài thơ RẮN bất hủ

Rắn Đầu Biếng Học

Chẳng phải liu điu cũng giống nhà!
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo,
Lằn lưng cam chịu vết roi da.
Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học,
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.
(Lê Quý Đôn)
***
Nọc Độc

Nọc độc bầy đàn chúa hổ mang
Lục sừng rắn quỷ đáng kinh hoàng
Mai gầm ẩn dáng trong lùm bụi
Hổ đất che mình giữa thảo trang
Chàm quạp gieo tai miền đất cát
Cạp nia giáng họa chốn thôn làng
Kịp thời cứu chữa thì không chết
Chẳng sợ bằng người dạ sói lang
(ThanhSong KimPhú
CA.Xuân Ất Tỵ 2025)

Bây giờ KimPhú xin kể hầu quí vị một số điều về rắn, bắt đầu từ bài thơ bất hủ của Cụ Lê Quý Đôn…Cụ dùng chữ kiểu các ngài thâm nho xưa dùng để chơi đố nhau, nói nôm na là chơi chữ…Nhưng Cụ chơi chữ tài tình quá, nên xưa nay chưa có bài họa nào có thể xứng tầm với Cụ…Kiểu như có giai thoại nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ra câu đối:
- Da trắng vỗ bì bạch
Chữ bì bạch vừa tượng hình (danh từ + tỉnh từ = da trắng), vừa tượng thanh (động từ: phát ra tiếng kêu khi vỗ= bì bạch).
- Thơ của cụ Lê Quý Đôn dùng chữ mới khéo làm sao…Chẳng những trên dưới chỉnh đối, mà còn đối cả trong câu…Lại còn dùng tên riêng các loài rắn, lại ẩn nghĩa...
Thẹn/hổ - đèn/lửa
Nay/mai - thét/gầm

- Hay đến vậy, làm sao còn có chữ để mà đối, họa cho được ! K.Phú cũng có đọc một tác giả nào đó giảng giải rằng:
- Trâu là rắn hổ Trâu - Tạm cho là vậy đi, còn Lỗ là rắn gì? - Giải như vậy e gượng ép quá, vì nếu là rắn hổ trâu, sao lại không viết thường như các rắn khác, mà lại viết hoa? - Có thể Cụ dùng ẩn dụ 2 nghiã trong chữ Trâu nầy chăng, vì quả tình có rắn hổ ngựa và rắn hổ trâu thật, nhưng không hề có rắn lỗ.
- Còn có một vị khác, giảng đúng ý nghĩa Trâu, Lỗ là địa danh nơi ra đời của Thầy Mạnh Tử và Đức Khổng Tử…nhưng vị nầy lại giảng sai ý, cho rằng Cụ Lê Quý Đôn hỗn hào với bề trên…- Điều nầy khó chấp nhận, vì Cụ Lê Quí Đôn tuy rắn mắc, nhưng lại là người hiếu học và là con nhà Nho giáo nề nếp chớ không phải tuồng bê tha, bằng chứng là cho dù sau nầy đỗ đạt thành danh, nhưng tay Cụ hầu như vẫn không rời quyển sách. Hơn nữa, trong câu 7, Cụ dùng chữ xin lễ phép, thì đâu thể gán cho Cụ cái tội là xách mé với bề trên!
- Và bây giờ, KimPhú xin nhắc sơ đến “tiểu sử” các loài rắn, theo thứ tự trong bài thơ: "Rắn Đầu Biếng Học” của Cụ, cùng một số các loại rắn khác, cùng những sưu tầm rất thú vị mà xưa nay không ít người có những định kiến sai lầm về vài loại…
- KimPhú tìm hiểu các hình ảnh và thông tin trên Internet từ nhiều nguồn khác nhau, để viết thành một bài riêng cho mình, có tính cách đọc giải trí, không phải một bài biên khảo có tính cách khoa học, bởi trong các bài K.Phú đọc, cũng thấy có vài ý kiến sai biệt, nên K.Phú chọn những ý kiến theo số đông…
K.Phú cũng xin đa tạ tất cả tác giả các bài viết K.Phú tình cờ thấy trên Internet, để K.Phú dùng làm tài liệu cho bài viết nầy. Kính mong quí vị nhàn lãm. Xin bao dung nếu có chi sơ sót trong bài viết, K.Phú biết ơn vô cùng.

Trân trọng.
KimPhú Nguyễn

Rắn Liu Điu

- Rắn Liu Điu: Còn có tên gọi là liu điu chỉ là loài rắn có 4 chân, thực chất là 1 loài thằn lằn cỏ ở Châu Á, tên khoa học là Takydromus sexlineatus, thuộc họ thằn lằn thực Lacertida, đặc biệt chúng có đuôi nhỏ và dài gấp nhiều lần so với cơ thể chúng, sở hữu cái đuôi dài quá khổ đến đặc biệt như vậy khiến chúng dễ dàng nhận ra đồng loại. Chúng có đặc tính hoạt động vào ban ngày nơi các khu vực có nhiều cỏ lá cây cối khiến chúng dễ ẩn thân tránh kẻ thù mà lại săn bắt mồi thuận lợi hơn.
- Chúng được tìm thấy nhiều ở khu vực phiá Nam và phía Đông châu Á như Nam Trung hoa, Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Myanma, Việt Nam, Mã Lai, Indonesia. Chúng cũng còn được tìm thấy ở một số khu vực thuộc châu Âu và châu Phi do khả năng dễ thích nghi của chủng loại nầy. - Đặc biệt ở Việt Nam, rắn liu điu hầu như xuất hiện trên toàn quốc từ Nam chí Bắc ở các địa phương như Đồng Nai, Gia Lai, Kontum, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Bình Hòa ...
- Da bụng của rắn liu điu có màu trắng, trên lưng có da màu kem hoặc xanh lá, có những đường sọc nâu chạy dọc thân làm chúng trở nên đặc biệt trong thế giới của loài rắn. Đuôi của chúng cũng có khả năng tự đứt và mọc lại như nhiều loại thằn lằn khác. Ngược lại, chân rắn liu điu không thể bám dính lên các bề mặt như nhiều loại thằn lằn, nhưng chúng cũng có khả năng phóng nhảy chính xác để bắt mồi.
- Liu điu sinh sản khoảng 10 trứng/lần và quanh năm trong điều kiện thích nghi, sau gần 1 tháng, trứng tự nở thành con, tự sinh tồn không cần cha mẹ chăm chút.
- Liu điu rất nhút nhát, hoàn toàn không có nọc độc, cũng không tấn công con người. Thức ăn của chúng chủ yếu là các loại côn trùng nhỏ như kiến, nhện, sâu, bướm, mối, ve sầu, ruồi muỗi, dế, ấu trùng…đôi khi một vài loại thằn lằn nhỏ khác. Các loại thức ăn của chúng phong phú và không hiếm hoi, nên chúng thích nghi với môi trường thiên nhiên dễ dàng.

Rắn Hổ Lửa

-Rắn Hổ Lửa: có màu sắc sặc sỡ, tên khoa học là Rhabdophis sunminiatus, thuộc họ rắn nước Colubridae, bộ Squamata. có thân màu xanh đen hoặc xám đen với phần đầu sậm màu hơn thân, với màu sắc thay đổi từ vàng nhạt đến nâu đỏ. Do màu sắc đặc biệt nên còn có tên gọi thông thường khác là rắn bảy màu, rắn cổ trĩ đỏ, rắn nữ hoàng bóng đêm (vì khi nghỉ ngơi trên cây, ánh sáng phản chiếu từ cơ thể nó tạo ra một hiệu ứng lấp lánh), rắn nước cổ đỏ, rắn cổ bẹt.
- Đoạn thân trước của nó có màu đỏ rất đặc biệt, lại khác các loài rắn độc là nọc của nó ở trong 2 chiếc răng nanh bơm nọc nằm ở góc sâu của hàm chớ không phải ở 2 răng nanh phía ngoài. Do đó khi bị cắn nhẹ, nếu nó không banh hàm mở miệng to thì không bị răng chứa nọc độc chạm vào thành vô hại, nên nó được cho là không có độc. Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt nếu bị cắn mà trúng phải nọc độc, cũng nhanh chóng gây buồn nôn, rối loạn đông máu, có thể làm xuất huyết ở não dẫn tới suy hô hấp, cũng có thể tử vong.
- Trên thế giới chưa có đủ huyết thanh kháng lại loại nọc độc nầy, vì chỉ có 2 nước Nhật Bản và Đại Hàn có huyết thanh kháng nọc rắn hổ lửa, nhưng điều kiện sản xuất rất nhiêu khê, vì được làm ra từ thỏ, dê và chồn, chớ không phải từ ngựa như các lọai huyết thanh kháng nọc độc khác. Nên nếu lỡ bị cắn phải, cần thật bình tỉnh áp dụng phương pháp dân gian ngay là cố nặn máu. rửa thật sạch vết thương, rồi đưa đến thầy thuốc cứu chữa tiếp.

- Rắn hổ lửa đôi khi rất hiền lành, tuy nhiên chúng sẽ trở nên hung dữ và tấn công nếu cảm thấy bị đe dọa.
- Rắn hổ lửa được tìm thấy ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và 1 số khu vực Nam Trung Hoa. Đặc tính thích nghi của chúng là môi trường ẩm ướt, gần ao hồ, suối, rừng nhiệt đới. Chúng thường ẩn náu trong thảm cỏ mục, hoặc nơi có nhiều cây cỏ để dễ dàng săn mồi và tránh kẻ thù. - Chúng ần mình ban ngày, ban đêm mới săn các mồi nhỏ như côn trùng, ếch nhại, cóc và rết.
- Thật sự, khác với nhiều loại rắn độc khác, rắn hổ lửa không tự tiết ra nọc độc, mà độc tố của nó là được tích lũy do các loại thức ăn có độc của nó từ những con cóc độc, rết độc và 1 số loại côn trùng có độc khác. Khi tiêu thụ những loại thức ăn có chất độc như vậy, cơ thể nó sẽ tích lũy và lưu giữ dần trong cơ thể nó, nên thức ăn càng độc, thì nọc độc của nó càng nguy hiểm.
Do đó, điều kiện gặp phải nọc độc của rắn hổ lửa cũng khác lạ so với các loại rắn độc khác, bởi chỉ khi chúng giận dữ, phần sau gáy chúng mới tiết ra chất độc màu trắng.

Rắn Mai Gầm

Rắn Mai Gầm: còn gọi là rắn cạp nong, rắn đen vàng, rắn ăn tàn, có tên khoa học là Bungarus fasciatus, là một họ trong loài rắn cạp nia, và nó là loại dài nhất trong chi cạp nia. Các khoang đen vàng của chúng khá đều nhau, nằm xen kẻ từ đầu đến chót đuôi. Đuôi chúng ngắn, cuối cùng đuôi tròn chớ không nhọn. Giữa sống lưng có một gờ dọc nổi hẳn lên. Đầu chúng lớn và ngắn, có 2 vệt vàng trông giống hình mũi tên, mắt tròn. Lớp vảy ở sống lưng của cạp nong có hình lục giác, lớn hơn vảy hai bên.
- Đây là loài rắn có nọc rất độc và mạnh cở rắn hổ mang, có thể giết chết cả voi. Chúng có mặt ở các vùng Ấn Độ, Trung Hoa, bán đảo Malaysia và Nam Trung Hoa, Myanmar, Campuchia, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Hồng Kông, các đảo Java, Sumatra của Indonesia, Singapore.
- Chúng sống trong nhiều loại môi trường từ núi đất, rừng thưa, trảng cỏ, ven các khe suối, nương rẫy, gò mối, hang các động vật gặm nhấm, hốc cây, hẻm đá và chúng sống đơn lẻ, ban ngày cuộn mình trong hang, bụi cỏ, chúng rất chậm chạp, thường không đi săn mồi. Thường xuất hiện khi trời mưa hoặc ban đêm. nằm chờ cho con mồi đi qua. Chúng bơi giỏi và thường bò theo ánh lửa, điều nầy được các nhà khoa học giải thích rằng chúng nhầm lẫn các tia hồng ngoại phát ra từ đốm tàn của đốm lửa với các tia hồng ngoại phát ra từ cơ thể ấm áp của chuột đồng vốn là món ăn khoái khẩu của chúng.
-
- Mai gầm/cạp nong là loại rắn rất hung dữ, trung bình dài trên 1 mét, có con to lớn và dài cả 2 mét, nặng đến 4 kg. Con cái đẻ từ 4 đến 16 quả trứng, và chúng vừa ở bên cạnh canh vừa săn mồi, 1 tháng trứng nở, con non dài từ 30 đến 35 cm.
- Chúng thường không tấn công con người, trừ phi cảm thấy bị đe dọa. Khi bị chúng cắn, dọc đường không có thuốc chữa trị kịp thời, thì vài mươi phút sau, nọc độc truyền vô tim làm sùi bọt mép, có thể chết liền. Khi bị cắn, vết cắn không gây đau, vì vậy tỷ lệ tử vong do rắn cạp nong cắn thường là ban đêm ở nông thôn lúc chúng bò vào nhà rất cao khi nạn nhân bắt gặp chúng.

Rắn Ráo

- Rắn Ráo: Còn gọi là rắn lải, rắn chuột có tên khoa học là Ptyas korros, là một chi thuộc họ rắn nước (Colubridae), được thấy ở khu vực châu Á, và có nguồn gốc từ các vùng bán sa mạc châu Phi. Kích thước chúng khá lớn, trung bình khoảng 1,2 mét, nhưng có thể đến gần 2 mét. Đầu thuôn dài, phân biệt rõ với cổ. Đây là loại rắn hiền lành. đôi mắt tương đối lớn, cũng có nọc độc, nhưng răng nanh chứa độc nằm ở phía sau không giống như nhiều loại rắn độc khác có răng nanh nằm phía trước, nên khi cắn, nọc độc cũng hiếm tiếp cận với con người, nếu không bị táp trúng ở khẩu tay khi bắt chúng. Nọc của chúng cũng không đáng ngại bằng nọc của rắn hổ lửa, vì thức ăn của chúng không có độc tính như ếch độc, nhện độc mà rắn hổ lửa ăn. Chúng có lớp vảy nằm xếp chồng lên nhau bao phủ cơ thể, giúp bảo vệ chúng khó bị thương tích trong môi trường thiên nhiên. - Con cái thường có màu nâu sậm, trong khi con đực có nhiều màu rực rỡ từ đen đến xanh lá cây tươi. Bụng chúng thường có màu xanh nhạt, nên thường bị nhầm với loài rắn lục châu Phi.- Chúng bơi lội và leo trèo rất giỏi, và hoạt động ban ngày, sống trên cây và bụi rậm. Thức ăn là các động vật nhỏ như chim, thằn lằn và loài gặm nhấm. Chúng cũng thích nghi với cuốc sống ở các khu rừng khô và các vùng đất trống có nhiều cây cối.- Tuy nọc rắn ráo không nguy hiểm với con người vì răng nanh chứa nọc nằm bên trong giống như rắn hổ lửa cổ đỏ nhưng nếu bị cắn, vết thương cũng gây đau nhức chảy máu không cầm, và do bất cẩn sẽ có thể bị nhiễm trùng. Lằn Lưng

Rắn hổ ngựa rất dễ nhận dạng nhờ những hoa văn trên cơ thể (Ảnh: R.A).


Lằn Lưng: Còn gọi là rắn hổ ngựa, rắn rồng, rắn sọc dưa, có tên khoa học là Coelognathus radiata, là 1 loại trong họ rắn nước, thường gặp ở Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam.- Tuy là loại rắn không có nọc độc, nhưng rất hung dữ, khi gặp chúng là chúng chủ động phóng tới tấn công và rượt theo mổ chớ không lũi tránh như các loại rắn khác. Do đó khi gặp đối thủ, chúng dựng đứng 1/3 thân về phía trước khỏi mặt đất, di chuyển và sẳn sàng tung ra những cú mổ. Vì chúng không có nọc độc, nên cũng dễ bị người bắt hay đập chết. - Rắn hổ ngựa bắt chuột rất giỏi, nên con người không nên sát hại vô cớ, sẽ làm mất đi trợ thủ diệt chuột có hiệu quả. Thức ăn chính của chúng là chuột, chúng cũng ăn cả thằn lằn, ếch nhái, cá và chim non,Chúng sống ở đồng bằng hay vùng trung du, và hay ẩn thân nơi có nhiều cây cối bụi rậm. Chúng cũng leo trèo giỏi, nên người ta thường khi gặp chúng trên thân cây hay mái nhà.- Rắn hổ ngựa trưởng thành có thể dài đến 2 mét, sống trên cạn. Mắt rắn có 3 đường đen nhỏ, 2 đường chạy xiên xuống mép trên, 1 đường qua thái dương. Thân rắn có 4 đường màu đen. 2 đường giữa to trên sống lưng chạy dài liên tục đến đuôi, còn 2 đường nhỏ bên hông chạy đến quá nửa thân, bị đứt đoạn. - Tuy có tiếng là hung dữ, chỉ vì há miệng to, ngóc cao đầu để đe dọa kẻ thù, nhưng thực chất chúng cũng là loài nhát gan. Khi đe dọa địch thủ không thành công, rắn hổ ngựa có trò giả chết ngoạn mục. Chúng sẽ năm ngửa ra bất động im lìm. Chúng giả chết giỏi đến không có phản ứng gì khi đối thủ đụng chạm đến…Có những loài thú không ăn thịt xác chết, kể cả người, nên màn giả chết nầy cũng có lúc giúp hổ ngựa an toàn. Khi kẻ thù bỏ đi, chúng sé nhanh chóng lật người lại, phóng nhanh vô bụi cây mất dạng…

Rắn Hổ Trâu

Rắn Hổ Trâu: hay còn gọi là rắn ráo trâu, rắn hổ hèo, rắn hổ dện (vện), có địa phương còn gọi là rắn long thừa. Nhưng tên chung của chúng là hổ vện, vì mình chúng có nhiều vằn vện. - Tên khoa học chúng là Ptyas mucosa, thuộc họ rắn nước. Con trưởng thành dài từ 1,5 đến 1,8 mét. So với chiều dài đó, rắn hổ trâu có đường kính khiêm tốn chỉ từ 4 đến 6 cm, và chỉ cân nặng khoảng 1 kg. Đôi khi trong môi trường thiên nhiên tốt, phong phú thức ăn, rắn hổ trâu có thể dài trên 2, và cũng nặng hơn 2 kg.- Màu sắc của chúng thay đổi từ nâu nhạt ở vùng khô hạn đến gần đen ở cùng rừng ấm. Thỉnh thoảng cũng bắt gặp có con da bị đột biến trở thành trắng hơi ngà như bạch tạng. Chúng là loài hoạt động ban ngày, vừa sống trên cây lẫn dưới đất, tuy không có nọc độc nhưng khá hung dữ và di chuyển nhanh. Khi cảm giác bị đe dọa thì chúng không ngần ngại tấn công đối phương ngay. Thức ăn của chúng là loài gặm nhấm như chuột phát triển mạnh ở các khu vực đô thị, và ếch nhái.- Chúng cũng được tìm thấy tại các nước Afghanistan, Turkmenistan, Pakistan, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Iran, Tây Malaysia, Đài loan Myanma, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia.- Thịt rắn hổ trâu khá ngon, dai như thịt gà, nhưng xương hơi cứng, nên không có giá trị bằng thịt rắn hổ hành. Bởi loài rắn nầy không có nọc độc, nên chúng bị săn lùng ráo riết để làm cho thực đơn các nhà hàng phong phú hơn.

Rắn Hổ Hành


Rắn Hổ Hành: là loài rắn không nguy hiểm với người vì chúng không có nọc độc, cũng không hay tấn công người, tuy nhiên chúng lại là loài khắc tinh với nhiều loài rắn độc, do chúng tiết ra một mùi hương như mùi hành, con người thì thích, nhưng loài rắn lại kỵ.- Rắn hổ hành có tên khoa học là Xenopelltis unicolor, thuộc họ rắn mống, chỉ có một chi duy nhất chung tên Xenopeltis, được phân làm 2 loại là rắn mống hổ hành, và rắn mống Hải Nam. Cả 2 loại nầy đều có lớp vảy có khả năng thay đổi màu sắc do sự tạác động từ ánh sáng bên ngoài. Ánh nắng càng mạnh, chúng sẽ tỏa ra ánh sáng óng ánh càng đẹp mắt.- Rắn mống cũng được tìm thấy ở các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campodia, Indonesia, Singapore, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và cả Trung quốc. Trong 2 loại rắn mống, thì rắn hổ hành được tìm thấy ở Việt Nam nhiều hơn.- Rắn hổ hành có đầu thuôn và nhọn, giúp chúng dễ dàng đào đất. Đầu và cổ không phân biệt rõ như các loài rắn khác. Con trưởng thành có thể đạt chiều dài khoảng 1, 2 mét. - Vì có lớp da cùng vảy óng ánh đặc biệt, chúng cũng dễ dàng được nhận diện trong tự nhiên. - Rắn hổ hành non có điểm khác biệt với con trường thành là chúng có lớp da vảy ở cổ màu trắng chung quanh đầu và sẽ mờ đi trong năm đầu.- Tại miền Tây, thường xuất hiện rắn hổ hành, chúng thường ẩn nấp nơi bụi rậm, nơi có nhiều ếch nhái sống như ven hồ có nhiều thức ăn cho chúng. - Do có mùi hăng như hành sống, nên chúng dễ bị người phát hiện dù chưa nhìn thấy, vì vậy nên chúng có tên gọi ở Việt Nam là rắn hổ hành. - Tuy được gọi là rắn hổ hành ở Việt Nam, nhưng thực sự chúng không liên quan gì đến họ nhà rắn hổ, mà chỉ là loại rắn mống. Tuy không có nọc độc để giết con mồi như các loại rắn độc khác, nên rắn hổ hành chỉ sử dụng sức mạnh của thân thể quấn và siết chết con mồi như cách của trăn. Nhưng chúng đặc biệt hơn trăn là hàm răng chúng có thể di chuyển vị trí, nên khi táp con mồi, hàm răng chúng quặp ngược vô trong, vừa giúp giữ chặt con mồi vừa giúp nuốt dễ dàng, dĩ nhiên là với những con mồi không to lớn hơn chúng. Chúng có thêm một lợi thế nữa là tự cơ thể chúng kháng lại được chất độc của các loài rắn độc như hổ mang, cạp nong, cạp nia. Do đó, tuy là loài rắn hiền lành với con người, nhưng rắn hổ hành lại là khắc tinh của loài rắn độc có cùng thể trạng hoặc nhỏ hơn chúng.

Xin đa tạ quí vị đã đọc

KimPhú Nguyễn
Sưu tầm và Biên Soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét