Thứ Hai, 9 tháng 9, 2024

Chớm Hạ Có Chi Vui

 

Sau hai ngày vui chơi đầy sức khỏe, bữa ni trước khi làm việc khác cũng muốn viết tường trình vài hàng, để các bạn Nữ Trung Học Thành Nội đọc cho vui hỉ.
Bởi ngày xưa rất mê hình ảnh người lính phóng viên tiền tuyến, nên giờ chừ hắn lạm vô máu ảnh hưởng hồi mô chăng? Ai dè bà già đã “thất thập cổ lai hy “ mà đi mô cũng cầm cái phone ưa chụp hình từ đám tang, họp mặt, lễ lượt vui chơi. Nhiều lúc bạn bè nói “ chụp một phone sẽ chuyển lại, nhưng tánh tui ưa ăn chắc sợ mấy bạn già có lúc nhớ nhớ quên quên giống mình, nên nhất định muốn có hình trong phone mình mới được, khi tường thuật có hình ảnh kèm mới hấp dẫn chớ bộ.

5 giờ sáng thứ bảy, Đặng Nga nhắn “ Nga đang ở Mỹ , bằng mọi cách phải thăm Cô hiệu trưởng, làm răng chị em mình có thể gặp mặt”. Nhắn qua lại vài dòng, Nga gọi phone trực tiếp
_ chiều ni Nga lên San jose nè
Tôi mừng rỡ
_ Ồ như rứa trên tuyến đường về Sacramento, xe sẽ ngang qua nhà mình, ngày mai nếu có thể đón được từ 2 giờ trở xuống, vì buổi sáng mình bận đi dự lễ ngày “ QLVNCH “.
_ À , như rứa xe Nga sẽ ghé đón chị
_ Ôi mừng quá, tụi mình đã đủ duyên rồi
Ngày thứ bảy tui lật đật đi chợ, vui chơi vẫn không quên nhiệm vụ nấu vài món cho ông dôn, vì chương trình sẽ ngủ lại nhà Cô một đêm. Tối nớ gọi xe đò Hoàng đặt vé cho chuyến về ( vì gia đình Đặng Nga sẽ ra phi trường về lại Seattle ), nhưng thứ hai không có hành trình về San jose, thứ ba mới bán vé. Tui ham vui vẫn theo Nga, nghĩ “ tới mô thì tới, ở lại thêm đêm nữa cũng không răng mô, chẳng lý không có ai chở được mình ra bến xe sáng sớm thứ ba ?!!

Chủ Nhật đúng 2 giờ tui về tới nhà sau buổi dự lễ thì xe gia đình Nga đến trước 5 phút. Chao ơi! gặp lại Nga sau 9 năm vẫn tươi trẻ duyên dáng, đặc biệt anh Phước ( anh xã Nga ) nét mặt hiền hoà lịch sự ...lễ phép lạ thường, một chút anh “dạ”, hai chút anh “thưa” răng mà nghe dễ mến, thấy bình dân gần gũi lắm. Đã rứa ra xe anh còn ngồi chui sau góc, dù tui mời gọi anh ra ngồi trước duỗi chân cho thoải mái, nhưng anh lắc đầu lia lịa và giọng nhỏ nhẹ “ dạ tui ngồi đây cũng thoải mái “.
Trên đường chạy xe con trai Nga lái, ngồi bên là dâu, hàng ghế giữa tui và Đặng Nga thao thao bất tuyệt đủ thứ chuyện, ghế sau anh Phước im lặng từ đầu tới cuối, làm tui liên tưởng mấy O con gái Huế“ một chiếc lá rơi cũng làm em hoảng sợ..”

Vê tới gặp Cô, ui chao đứa học trò cưng từ Việt Nam xa xôi cách nửa quả địa cầu xuất hiện trước mặt Cô, mần răng Cô không cảm động cho được. Cô trò ôm nhau chặt, Đặng Nga ôm Cô mò ...bụng, không phải mò túi tiền của mạ mô nợ, mấy mạ xưa may túi áo lót rộng đựng tiền kè bên mình cho ăn chắc, chứ mạ ni tiền hưu được chuyển trực tiếp vô bank, nên không sợ ban đêm ngủ say bị ai mò tiền hết á.


Chiều dùng cơm có Kim Xuân đem mít tới, cô trò nói chuyện rộn ràng khiến thầy Fred nhìn bằng ánh mắt trìu mến, chắc thầy nghĩ “ răng mà vợ tui được học trò thương yêu dữ rứa, ngôi nhà luôn tiếp đón học trò từ mọi phương tới thăm, tổ chức những buổi đi chơi cùng Cô nữa …”. Nói chuyện cho đến khi ánh nắng ngoài song cửa đã tắt, và màu hoàng hôn đang phủ dần, Kim Xuân hoảng hốt đứng lên kiếu từ ra về, nhưng câu chuyện của Đặng Nga hấp dẫn quá, bao nhiêu lần Xuân đứng lên rồi lại ngồi xuống, bị thôi miên theo mấy bài thơ tếu, nhất là có bài kèm hình ảnh Nga đứng trên cao bên hàng rào chưởi..., có lẽ chưởi ông hàng xóm, chưởi bằng giọng Huế của mấy mạ xưa nghe mới thích chớ, mới nhớ quê hương đó nợ.
Cũng giới thiệu thêm ở vùng Sacramento có Kim Xuân, Huỳnh Thơ và Vinh Phạm là ba học trò, được xem như ba O con gái gần gũi lo cho mạ, khi đem thức ăn, khi chở mạ đi đây đó, khi tới chăm sóc việc này kia rất yêu thương. Có lúc trò …la vì cái tật mạ hay quên, nhưng mạ cười hì hì nói “ tụi bây la là thương, la chi tao cũng khoái cả, vì có thức ăn đem tới ngập mặt, nhất là mỗi khi có học trò khác tới thăm”.

Đêm khuya bắt Cô đi ngủ đúng giờ, nhưng Cô cứ nấn ná hoài theo những câu chuyện về lịch sử mà Nga phân tách bình luận thiệt rõ ràng và hay. Nga đưa hình ảnh thuê xe trèo núi, trèo đèo lên tận mấy miền thật xa gặp người thượng du, đem thực phẩm, và tiền bạc lên phát. Khi người miền Thượng du nghe thông báo tin trước một ngày, họ đã thức dậy đi bộ từ 3 giờ sáng, tính cả 7, 8 tiếng mới đến nơi nhận quà, nghe thương chi lạ. Ngoài ra tại thành phố Nga có mở quán chè, chỗ cơm chay, cơm mặn chủ yếu phục vụ những người lao động ( đạp xích lô, lượm ve chai, già nua nghèo khổ ..v..v..) miễn phí không trả tiền. Tiếp tục là danh sách những bà cụ neo đơn trên 80 tuổi khổ cực được phát tiền cố định hàng tháng. Nga nói “tất cả những việc từ thiện trên đều nhờ những tấm lòng tốt từ mọi nơi gởi đến, đồng thời các thiện nguyện viên cũng góp một bàn tay mới được hoàn thành tốt đẹp như vậy”. Tui không ngạc nhiên với con người năng nổ về những chuyện giúp đời, đã hoạt động trên 10 năm nay, nhưng rất phục với sức khỏe của tuổi không còn trẻ mà dám liên tục đi những vùng xa xôi hẻo lánh đầy nguy hiểm.
Nga cười
_ Mạ Nga thường nói “ ở tốt không lo lỗ vốn “, Nga nghiệm lại chắc là rứa, gặp mọi chuyện khó khăn rồi cũng qua, và ông trời bè thêm sức khỏe như..trâu vật mới đi được như vậy.
Cố níu kéo thời gian thì cũng phải đi ngủ thôi. Câu chuyện tạm chấm dứt, bàn tròn giải tán. Hai đứa vừa bước về phòng thì giật mình, ui chao ...Cô đã sửa soạn hai giường song song được trải nệm gối, mền ngay ngắn. Thiệt là ốt dột bởi mắc cái tội ham nói chuyện, vì trước đó có vào phòng thay quần áo chưa thấy gì. Hai đứa gọi Cô
_ Cô làm hồi mô ri, xấu hổ hai đứa để Mạ già chăm sóc
Cô cười hề hề
_ Thì bây tới mạ phải lo chứ, thôi ngủ đi hai cô nương
Giấc ngủ thẳng dài thiệt ngon không mộng mị vì mộng đã gặp.

***
Sáng Cô vô kéo mền
- Mấy O ơi, ngủ kiểu chi mà nắng đã lên cao rồi tề ...
- hì ..hì....
Thức dậy uống cà phê, tiếp tục nghe Đặng Nga kể chuyện tếu, sáng sớm lại chào nhau bằng cái ôm bụng vì cười nhiều. Tui cũng học hỏi rất nhiều điều từ cách điều chỉnh hệ thống Photoshop, đi chơi đâu muốn airdrop thì tắt WiFi, nghe ôn về lịch sử nước VN, cách nấu nhiều món ăn sáng chế kiểu Huế, và hiểu thêm những sự kiện trong nước. Nếu còn được gần lâu hơn thì sẽ học thêm về cách xử dụng internet, phone, Facebook thỏa thích biết mấy nữa hè!!!
9 giờ sáng vợ chồng Huỳnh Thơ tới. Nhà hàng Tiểu Bích bắt đầu mở cửa, đầu bếp Huỳnh thơ ra tay sửa soạn nào gỏi xoài cà rốt, mì xào seafood , chả giò, chè Khúc Bạch, trái cây hái từ nhà lên, đặc biệt món chính là mì quảng với dĩa rau bắp chuối xắt thiệt mỏng nhìn đã chảy nước miếng rồi. Kế tiếp Vinh Phạm tới đem theo hộp trái cây Cherry với vẻ mặt bực dọc. Tui hỏi
- bị dôn la hay răng mà u sầu như rứa
Vinh thở dài
- Chị xem có tức tánh đãng trí của em không, nhà em bữa ni kỵ bà nội, em nghe bên ni có chị Đặng Nga tới cùng mấy chị, dậy 4 giờ sáng làm kem Flan bỏ tủ lạnh, và nấu vài món cúng, trưa cháu gái rảnh nhờ chở tới thăm chị Nga một tý, để chồng ở nhà lo cúng quẩy dùm tiếp. Em quýnh quáng quên mất kem Flan đem theo, giữa đường ghé chợ mua đỡ ít trái cây, thiệt là bực mình …
Tui nói
- bực mình chi em, các chị đã nhận tấm lòng của em rồi, ăn chỉ là phụ, tình mới quý.
Rứa rồi buổi cơm trưa có chồng con của Đặng Nga tới ( ở khách sạn ), vợ chồng đầu bếp Huỳnh Thơ, Vinh và hai con trai Niệm, Đức của Cô tình cờ đến. Vui ơi là vui, thức ăn ngon, duyên gặp gỡ hiếm quý nên câu chuyện râm ran cả buổi. Sau cùng vợ chồng Mai Trang tới, để tui kể dài dòng chút nghe….

Chủ nhật vợ chồng Mai Trang tình cờ về nhà bà con mừng cháu ra trường, lẹ làng đến thăm Cô, đi ăn trưa chung có Kim Xuân, chiều về nhà bà con dự tiệc. Xuân kể tụi tui nghe lúc ăn chiều tại nhà Cô, tui tức tốc gọi phone liên lạc, Mai Trang hứa sẽ ở lại thêm ngày nữa, ngày mai ( thứ hai ) sẽ quay trở lại gặp Nga, luôn tiện chở tui về San jose.
Giới thiệu : Mai Trang, tui, Đặng Nga, chị Xuân Ba, Tuyết Hạnh năm 2013 lần đầu tiên họp mặt trường Nữ Thành Nội (chi nhánh trường Đồng Khánh). Bọn tui làm thơ cho vui về ngôi trường, chị XB và TH quen anh Bảo Trâm chuyên làm tranh thơ, chị nhờ làm trang Tranh Thơ cho trường, tụi tui được ké và duyên hội ngộ sáu anh em kết nhóm. Mỗi tối sau khi cơm nước xong xuôi, đúng 8 giờ là nhóm tụi tui có mặt trên Mail nói dốc, làm thơ đùa nghịch nối tiếp nhau tìm niềm vui. Sau này ai cũng bận rộn nên từ từ tắt tiếng, nhưng thỉnh thoảng vẫn liên lạc hỏi thăm nhau.
Tụi tui mừng rỡ khi Mai Trang xuất hiện, kéo Cô ra chụp hình dưới trưa, quên tuổi Cô đã gần 90. Cô vẫn hiền hoà ai chỉ răng làm rứa một cách vui vẻ. Vô ngồi bàn ăn chè Khúc Bạch và trái cây, Cô ra câu đố nghịch, học trò được dịp cười muốn vãi nước...mắt, và tấn công lại Cô, bị Cô la “ Mấy con yêu bánh nậm…” vui chi lạ hè.

Kể thêm chút về con dâu của Nga thiệt lễ phép lanh lợi. dành rửa chén bát, mấy Dì và Mẹ chen vô cháu không cho, bảo “ ra hết cho con làm”. Cháu còn chụp hình đủ cảnh đủ kiểu cho Bà, Mẹ và mấy Dì, nói tiếng Việt rành. Đi ngang chợ cháu dành phần ghé vào mua trái cây đặc biệt thăm bà dùm mẹ. Chời ơi !ở xứ Mỹ này tìm con gái như rứa cũng hiếm chớ hỉ ?!!!


Cuộc vui nào rồi cũng phải chấm dứt. Chiều gia đình Nga ra phi trường trở lại Seattle. Tui theo xe Mai Trang, anh Quang về San jose. Đúng như tui thường nói trong tử vi “có cung nhờ bạn “. Đi liều về, nói ra là có Kim Xuân dong tay “ em chở chị ra bến xe “, Cô nói “ mi lo chi rứa, Xuân bận thì có Thầy đây chở đi mà. Thiệt tình nhìn Thầy tuổi đã hơn 90 , thấy Thầy đi bằng walker nên tui rất ái ngại. Nghe Cô, Kim Xuân nói mà tui cảm động và vui rứa thê. Phút cuối thì đúng là số luôn được hưởng ké bè bạn.
Ngồi viết tường thuật mà trong lòng hắn vui dễ sợ, nhìn hình ảnh mà con tim ấm áp chi lạ luôn, như đoạn văn của Mai Trang trong bài viết mô đó, răng tui cứ nhớ hoài rứa tề “ Về với ký ức tuổi xanh, nơi có bạn bè hiền như thỏ, đêm đêm nằm gặm cỏ dưới ánh trăng thanh ...” . Nếu có cảnh ni hoài chắc tuổi thọ mình sẽ được tăng thêm phải không các bạn ơi !!!?
Cám ơn Đặng Nga trèo đèo lội suối từ Việt Nam qua đây đùm theo tui đi đến nhà Cô. Cám ơn anh Phước chịu khó ngồi co chân quãng đường dài, có hai bác sĩ trên xe làm tui yên tâm với bệnh cao áp huyết bất thường. Cám ơn O Xuân cho hưởng mít ngon ngọt, và luộc thêm hột mít theo cách Nga chỉ ăn bùi bùi. Cám ơn O Thơ làm đầu bếp cho nhà hàng Tiểu Bích thịnh soạn. Cám ơn O Vinh trái cây tươi mát. Cám ơn Mai Trang chở tui về đến chốn an toàn.

Cám ơn Cô luôn dang vòng tay ôm lũ học trò bằng tình thương bao la rộng lớn dưới mái trường xưa, nhớ thầy cô dạy điều trước nhất “ Tiên học lễ, hậu học văn” . Ngày ni dầu đã gần 50 năm, dầu đám học trò tung cánh lưu lạc khắp muôn phương, nhưng luôn áp dụng câu “ Nhất tự vi sư, bán tự vi sư “. Tụi tui đang quay về mái trường một thời có cô Tôn Nữ Tiểu Bích làm hiệu trưởng.

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 6/18/2024


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét